Tuesday, January 30, 2024

ĐIỆN ẢNH MIỀN NAM

(Lời người dịch: “Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau”, câu hát của Phạm Duy, trong phim NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG. Một cuốn phim không ca ngợi chiến tranh. Một cuốn phim nói lên số phận con người trong chiến tranh. Số phận đau thương không chỉ của những người cầm súng. Số phận của người phụ nữ Việt Nam: người mẹ, người vợ, và người yêu. Xem phim mới thấy tài năng diễn xuất thiên bẩm của nữ tài tử Kiều Chinh, với dáng vẻ thướt tha của một cô gái Việt Nam thuần túy, khuôn mặt sắc nét quý phái dù ở góc quay nào, và đôi mắt, nhất là đôi mắt, luôn mở to nhân từ, tỏ rạng, ngời sáng như những vì sao trong đêm tối chiến tranh).

The Cinema Industry, bài của nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, ở chương 14 trong cuốn The Republic of Vietnam, 1955–1975 (Việt Nam cộng hòa, 1955-1975).

Vài nét về tác giả (trong chương sách): Kiều Chinh là nữ diễn viên, nhà sản xuất phim, đóng góp trong sự phát triển nghệ thuật điện ảnh VNCH từ buổi phôi thai. Bà xuất hiện ngắn ngủi trong phim The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) cuốn phim Mỹ quay đầu tiên ở VN năm 1956, và đóng vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ.

Đến năm 1975, Kiều Chinh là nữ diễn viên hàng đầu trong 20 bộ phim khác đóng ở Nam VN, Thái Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan, kể cả một số phim Mỹ quay ở châu Á, như A Yank in Vietnam (Chú lính Mỹ ở VN), The Devil Within (Quỷ ở trong),Operation CIA (Điệp vụ CIA) và Destination Vietnam (VN nơi đến). Bà định cư ở California sau tháng 4 năm 1975, và xuất hiện trong hơn một trăm show truyền hình và phim ảnh như M*A*S*H, The Letter (Bức thư), Vietnam-Texas (Texas-Việt Nam), The Joy Luck Club (Câu lạc bộ vui may mắn), và Journey from the Fall (Hành trình từ mùa thu).

Bà nhận rất nhiều vinh dự và giải thưởng, như Nữ diễn viên hay nhất (Sài Gòn, 1969), Nữ diễn viên hàng đầu hay nhất (Đài Bắc, 1973), ba giải trong một năm Thành tựu trọn đời ở Liên hoan phim Việt (2003), Liên hoan phim San Diego (2003), Liên hoan phim Cinema Della Donne ở Ý (2003), và giải Liên hoan phim quốc tế ở San Francisco (2015). Cộng tác với Lewis P. Puller cựu chiến binh quá cố và nhà báo Terry Anderson, Kiều Chinh là người đồng sáng lập và đồng chủ tịch Quỹ trẻ em VN, một tổ chức phi chính phủ xây 51 ngôi trường học cho hơn 30 ngàn học sinh ở Việt Nam từ năm 1993.

Bài viết của bà:

Là một diễn viên điện ảnh, không phải một quan chức chính phủ, hay là nhà nghiên cứu, đóng góp của tôi cho cuốn sách chỉ là một nghệ sĩ kể một câu chuyện về những trải nghiệm cuộc đời mình trong một quãng thời gian có một không hai trong chế độ VNCH.

Tôi được may mắn góp phần vào nền điện ảnh Nam Việt Nam từ buổi ban đầu, tương tác với nền điện ảnh quốc tế từ sớm vào năm 1956. Tiếng “Action” (bắt đầu) – một hiệu lệnh diễn xuất – tôi nhận trong nghề của mình từ đạo diễn Joseph L. Mankiewicz, lúc tôi có một vai đóng ngắn trong phim Người Mỹ trầm lặng – cuốn phim Mỹ đầu tiên đóng tại Việt Nam. Sau đó vào năm 1957, tôi thật sự đi vào nền điện ảnh với vai chính trong phim Tiếng chuông Thiên Mụ, do Studio Tân Việt sản xuất, ông Bùi Diễm đảm trách.

Từ đó, tôi bắt đầu đóng vai nữ chính trong hai chục phim khác, không những sản xuất tại Việt Nam mà còn tại Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, và Phi Luật Tân, gồm cả các phim của người Mỹ được quay tại châu Á, như Một chú lính Mỹ ở VN, Điệp vụ CIA, Quỷ ở trong, và Việt Nam nơi đến. Phim sau cùng trong hai mươi năm hành nghề đóng phim ở Việt Nam là Full House (Ngôi nhà đầy đủ), quay tại Singapore. Phim quay xong ngày 15 tháng 4 năm 1975, và tôi quay về Sài Gòn ngay thời gian Nam Việt Nam đang sụp đổ.

Sau những tháng ngày trôi nổi làm người người tỵ nạn mất quê hương, cuối cùng tôi đến Mỹ, được giới thiệu vào Hollywood nhờ sự giúp đỡ của nữ diễn viên Tippi Hedren và nam diễn viên William Holden. Và cũng từ đây, tôi quyết định ở với “nghệ thuật thứ bảy” – nhận ra rằng tôi phải trở lại từ đầu. Và từ tháng 10 năm 1975, tôi xuất hiện trong hơn một trăm show diễn truyền hình và phim ảnh như M*A*S*H, đóng chung với Alan Alda, Bức thư, đóng chung với Lee Remick, và Về nhà (Welcome home) với Kris Kristofferson.

Tôi cũng đóng vai chính trong một số phim như Vietnam-Texas (Việt Nam -Texas), The Joy Luck Club (Câu lạc bộ vui may mắn), Face (Gương mặt), Tempted (Bị cám dỗ), và Journey from the Fall (Hành trình từ mùa thu). Gần đây nhất, tôi là người đồng sản xuất phim Ride the Thunder (Cưỡi trên sấm sét). Tôi nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan Phim quốc tế 2015 ở San Francisco.

Trong bốn chục năm về sau tại Hoa Kỳ, tôi đã đóng khá nhiều “vai” (trò). Tôi làm phim. Tôi cũng làm việc với công ty Greater Talent Network ở Nữu Ước, với tư cách người phát ngôn chuyên nghiệp cho các sự kiện văn hóa hay đại học khắp nước Mỹ. Và, quan trọng hơn, cựu chiến binh quá cố Lewis P. Puller, nhà báo Terry Anderson, và tôi đồng sáng lập và đồng chủ tịch Quỹ trẻ em Việt nam, một tổ chức phi chính phủ bao gồm nhiều cựu chiến binh người Mỹ.

Tổ chức VCF tìm cách xây dựng mạng lưới trường tiểu học tại VN, ở những vùng từng bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh – Quỹ trẻ em VN còn nhắm tới năm mươi tám ngàn chỗ ngồi ở trường lớp mỗi niên khóa – khớp với con số tên người trên bức tường Tưởng niệm cựu binh Mỹ chết trong chiến tranh VN. Chúng tôi đã xây dựng năm mươi mốt ngôi trường cho hơn ba chục ngàn học sinh.

CỘT MỐC QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH.

2016 là năm đánh dấu 120 năm ngày khai sinh điện ảnh thế giới. Đó cũng là ngày đánh dấu 120 năm lần đầu tiên người Việt biết tới máy ghi hình. Điều này cho thấy điện ảnh đến Việt Nam sớm hơn nhiều nước láng giềng. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau, nền điện ảnh VN vẫn còn kém phát triển so với các nước châu Á khác.

Lý do giải thích kém phát triển thế này: điện ảnh, giống như nghề nghiệp hay công ty, luôn chung số phận với đất nước của nó. Vì thế, trước khi kể lại sự phát triển của kỹ nghệ phim ảnh trong thời VNCH, tôi muốn nhắc qua những cột mốc quan trọng trong nền điện ảnh thế giới.

Phim ảnh chính thức khởi đầu từ nước Pháp, khi anh em nhà Lumière sáng chế máy quay phim, tráng phim, và chiếu phim, thường được gọi là cinématographe (xi-nê-ma, sinh ra thuật ngữ cinema, điện ảnh). Ba ngày sau Năm mới 1896, Salon Indien (nhà nghỉ theo phong cách Ấn), ở vị trí tầng hầm nhà hàng Grand Café ở Ba Lê, biến thành nơi tổ chức chiếu phim lần đầu cho công chúng có bán vé. Từ đó, nghệ thuật thứ bảy được giới thiệu ra khắp thế giới.

Cũng trong năm 1896, Pathé Studio làm một cuốn phim nói về nước Pháp và các thuộc địa của mình, có một vài cảnh chiếu về An Nam (tên cũ của Việt Nam), lấy khung cảnh ở kinh đô Huế, trình chiếu ở các cuộc liên hoan khắp nước Pháp. Dân chúng được chỉ cho biết cách thức làm phim, và họ đổ xô đi xem miễn phí. Vào lúc đó, ông vua sáng chế dụng cụ điện Hoa Kỳ Thomas Edison, vừa trưng ra chiếc Kinetograph, máy ảnh chỉ có thể chiếu những hình ảnh chuyển động một cách thô sơ, người xem cần ánh sáng chiếu vào và nhìn qua một chiếc kính phóng đại.

Tuy nhiên, bá quyền người Pháp trong điện ảnh không kéo dài. Xi-nê-ma, phát minh kỳ lạ của anh em nhà Lumière, không có thời gian để phát triển. Mười tám năm sau, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, 1914. Dù chỉ kéo dài 4 năm nhưng Pháp và châu Âu bị tàn phá nặng nề. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhanh chóng biến thành trung tâm khoa học và văn hóa thế giới.

Hollywood nhờ đó trở thành một người “chơi” đầu tiên với nhiều nghệ sĩ lừng lẫy trong những phim không lời như Charlie Chaplin và Buster Keaton.

Thời kỳ phim câm, khởi đầu ở nước Pháp, cũng chấm dứt năm 1927, thì một số hãng như Warner Bros và Fox Pictures sản xuất thành công những bộ phim lồng tiếng đầu tiên, The Jazz Singer and The Lights of New York (Ca sĩ nhạc jazz và ánh đèn Nữu Ước). Không lâu sau đệ nhất thế chiến, Pháp cố sức lấy lại sự thống trị điện ảnh nhưng thật ra đã muộn.

Tháng tám năm 1920, gần hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội, một rạp chiếu phim đầu tiên – Pathé – được khánh thành. Hãng phim Pathé và Indochina Film (Phim Đông Dương) được thành lập. Từ 1923, hàng loạt phim được sản xuất, gồm cả phim chủ đề Kim Vân Kiều, ra mắt lần đầu ở rạp chiếu phim Cinema Palace, phố Tràng Tiền tháng ba năm 1924.

Mặc dù Kim Vân Kiều cơ bản dựa vào tác phẩm của thi hào Nguyễn Du, các diễn viên thủ vai lại là các ca sĩ hát cải lương của đoàn hát Quảng Lạc. Các cảnh quay thực hiện tại Hà Nội nhưng đoàn làm phim và đạo diễn lại đến từ nước Pháp.

Tuy nhiên, vào lúc chấm dứt thời kỳ phim câm, tài năng điện ảnh Việt Nam phát lộ khi Nguyễn Lan Hương thực hiện và công chiếu một số phim tài liệu như Đám tang vua Khải Định và Tấn tôn đức Bảo Đại (Bảo Đại lên ngôi).

Bước vào thời kỳ phim có lồng tiếng, bấy giờ đến lượt Sài Gòn chứng tỏ tài năng về kỹ thuật của người Việt Nam. Năm 1938, một công ty phim ở Hồng Kông, South China Motion Pictures Co. sản xuất bộ phim có tên Cánh đồng ma với sự cộng tác của Công đoàn nghệ sĩ An Nam (Annam Artist Union) phụ trách về kịch bản, đóng phim. Trong những diễn viên từ Hà Nội đi Hồng Công có nhà văn Nguyễn Tuân. Những mẩu chuyện về việc làm phim sau này được ông kể lại trong truyện Một chuyến đi. Và hậu quả, người ta nhầm lẫn Cánh đồng ma là phim nói đầu tiên ở Việt Nam.

Sự thật thì, không phải Hà Nội hoặc Hồng Kông, mà Sài Gòn mới là nơi “phim nói” 35 ly sản xuất đầu tiên tại Việt Nam. Đó là phim Trọn với tình, dài chín mươi phút, do Nguyễn Văn Định của Asia Film sản xuất năm 1938. Mọi thứ, từ kịch bản, đạo diễn đến máy móc, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, đều do người Việt Nam thể hiện. Thuở đó ở Sài Gòn, ngoài hãng Asia Film còn có hãng Vietnam Film. Nội trong năm 1939, hai hãng này cho ra đời bảy bộ phim chủ đề.

Thế rồi, năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ. Máy bay đồng minh liên tục dội bom Hà Nội và Sài Gòn sau khi quân Nhật tiến vào Đông Dương năm 1942. (Một quả bom rơi xuống phòng hộ sản nhà thương Phủ Doãn ở Hà Nội đã giết chết người mẹ sinh em kế tôi đang nằm ở đó). Sau chấm dứt đệ nhị thế chiến là phong trào kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và sau đó là chiến tranh Việt Nam.

Cùng với số phận của đất nước, nền điện ảnh Việt Nam, dẫu nhiều nỗ lực vươn lên, vẫn tiếp tục chìm sâu vào sự mờ mịt của chiến tranh và lệ thuộc. Suốt thời gian u ám ấy, các rạp phim trên tất cả đô thị đều do người Pháp khống chế; họ chỉ chiếu những phim Pháp hoặc phim phụ đề tiếng Pháp. Tôi tận mắt chứng kiến điều đó, khi lớn lên những tháng ngày ở Hà Nội, cha tôi dắt đến rạp Philharmonique hay rạp Cầu Gỗ.

Tôi còn nhớ xem phim Limelight (Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin, The Best Years of Our Life (tiếng Pháp Les Plus Belles Anne de Notre Vie, Năm tháng đẹp trong đời chúng tôi) của đạo diễn Mỹ, William Wyler, bộ phim đoạt bảy giải Oscar năm 1947, và All about Eve (Tất cả về Eva) của đạo diễn Mỹ Joseph Leo Mankiewicz, trong năm 1950 được đề cử mười bốn lần giải Oscar.

Đọc tạp chí Ciné Revue với sự giải thích của cha mình, tôi hiểu rằng gần hết những bộ phim thời ấy được người Mỹ sản xuất, người Pháp chẳng qua là những nhà phân phối phim độc quyền trong thuộc địa của họ. Phim Pháp đúng nghĩa thật hiếm, nói chi đến phim Việt.

TỪ 1954 ĐẾN ĐỆ NHẤT NỀN CỘNG HÒA

Sau 15 năm tê liệt hoàn toàn vì chiến tranh, đầu 1954, Hà Nội cuối cùng sản xuất phim Kiếp hoa, kịch bản và diễn viên của đoàn hát Kim Chung, nhưng đạo diễn và dàn dựng phim lại từ Hồng Kông. Giống Cánh đồng ma trước đó, chỉ sản xuất mỗi một phim. Cùng lúc, ở Sài Gòn, hãng Việt Thanh Film chiếu Quan Âm Thị Kính, Tống Ngọc Hạp thì làm phim Lục Vân Tiên với nữ diễn viên Thu Trang thủ vai chính. Đáng kể nhất, Alpha Film sản xuất Bến cũ, phim màu đầu tiên tại Việt Nam, mặc dù được thu bằng máy quay phim 16 ly. Diễn viên nam chính là Hoàng Vĩnh Lộc, đạo diễn Thái Thúc Nha, chủ hãng Alpha Film. Hai nhân vật này tiếp tục đóng góp to lớn cho sự phát triển nền điện ảnh Việt Nam.

Ba tuần sau sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, tháng năm năm 1954, một phái đoàn quân sự Mỹ do tướng Edward Lansdale dẫn đầu khởi sự các hoạt động tại Việt nam. Hai tháng sau, cuộc đình chiến giữa Việt Minh và Pháp ký kết tại Geneve. Việt Nam vì đó mà chia ra hai: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (theo cộng sản) ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa (RVN) ở miền Nam. Máy bay và tàu thủy Hoa Kỳ mang gần một triệu người từ Bắc vào Nam theo chiến dịch có tên “Đường đến Tự Do” (Passage to Freedom). Tôi ở trong số người đó, trở thành một người tỵ nạn ngay trên quê hương mình.

Là nhà điều phối trong cuộc di cư này, ngay khi đến Việt Nam, tướng Lansdale, cùng với một số chuyên viên điện ảnh Phi Luật Tân, nhanh chóng hoàn tất bộ phim “Ánh sáng miền Nam” nhằm mục đích tuyên truyền. Theo sau đó, vẫn chủ đề về di cư, xuất hiện phim Chúng tôi muốn sống của nhà sản xuất Bùi Diễm, Vĩnh Noãn làm đạo diễn. Hơn một năm sau cuộc di cư, tháng mười 1955, VNCH chính thức trở thành một quốc gia độc lập. Đồng thời với người lính Pháp cuối cùng về nước, điện ảnh Việt Nam chấm dứt sáu chục năm lệ thuộc người Pháp.

Cùng lúc đó, câu chuyện về những người Mỹ giúp đánh bật các ảnh hưởng thực dân Anh và Pháp ở Nam Việt Nam thực sự là đề tài lôi cuốn, gây cảm hứng ra đời tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, xuất bản năm 1955. Nhân vật chính tên Phượng là cô gái Sài Gòn, “mắc kẹt” trong sự chèo kéo giữa một nhà văn người Anh và một nhân viên tình báo CIA người Mỹ. Chính Edward Lansdale dàn xếp phim Người Mỹ trầm lặng được quay tại Sài Gòn do Joseph Mankiewicz làm đạo diễn năm 1956, các diễn viên chính Michael Redgrave và Audie Murphy.

Tôi được mời viết kịch bản và đóng vai nữ chính của phim do Mankiewicz làm đạo diễn, nhưng vì gia đình phản đối, tôi chỉ đóng một vai xuất hiện rất ngắn trong phim. Người làm cố vấn cho Mankiewicz lúc đó là Bùi Diễm, sau này rời phim trường đi vào chính trị. (Chức vụ sau cùng của ông là đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ).

Thấu hiểu tình huống ấy, sau này năm 1957, Bùi Diễm đích thân dàn xếp cho tôi chính thức bước vào nghề điện ảnh, với vai nữ chính, một ni cô trong phim Hồi chuông Thiên Mụ, chính ông làm giám đốc điều hành. Cả hai phim, trước ngày ra mắt là sự chào đón long trọng tại khách sạn Continental trên đường Tự Do, tên mới thay cho tên đường Catinat thời Pháp thuộc. Hai bộ phim Mỹ-Việt này đánh dấu sự tiến bộ đặc biệt trong kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam, từ một thuộc địa của Pháp tới một nước cộng hòa độc lập. Xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu xa văn hóa nước Pháp.

Khi người Pháp rời đi, Việt Nam Cộng Hòa được Hoa Kỳ hỗ trợ, phim Mỹ và phim nói tiếng Anh được Cosunam nhập khẩu bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Ở miền Nam, gần một triệu dân mới di cư từ miền Bắc, di sản văn hóa dân tộc vẫn còn giữ bản sắc đồng nhất. Các tài năng đến từ mọi miền đất nước – ví dụ, trong Hồi chuông Thiên Mụ, nhà sản xuất phim Bùi Diễm, vai nam chính Lê Quỳnh, vai nữ chính Kiều Chinh, đến từ miền Bắc trong khi đạo diễn Lê Dân là người miền Nam, cuốn phim lai được quay tại Huế, cùng đoàn làm phim của cả Nam lẫn Trung!

Với những bước đi đầu tiên đúng hướng này, Nam Việt Nam trong nền đệ nhất cộng hòa rõ ràng ghi nét son trên trang đầu tiên của lịch sử điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, phim ảnh và truyền thông miền Bắc nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, thì ở miền Nam, chính quyền chỉ hỗ trợ để giúp đỡ ngành điện ảnh phục hồi trở lại. Các hãng phim quốc tế được mời tới Việt nam để hợp tác, tạo động lực phát triển nền điện ảnh tư nhân.

Nội trong năm 1957, cùng với Hồi chuông Thiên Mụ của hãng Tân Việt, miền Nam có ba mươi bảy phim khác được các hãng phim tư nhân sản xuất. Trong số đó có Người đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân với Thẩm Thúy hằng, Lòng nhân đạo, Ngọc Bồ Đề với Kim Cương. Cạnh các diễn viên như Thu Trang, Trang Thiên Kim, Khánh Ngọc, Mai Trâm, Lê Quỳnh, Nguyễn Long, Long Cương, các diễn viên Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh và Thanh Nga, một thế hệ tài tử tài năng xuất hiện như Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Minh Trường Sơn, Xuân Phát, La Thoại Tân, Huy Cường, Ngọc Phu, Hùng Cường, Vân Hùng, Thành Được, Túy Phượng, Nguyễn Chánh Tín, Túy Hồng, Kim Vui, Thanh Lan, và rất nhiều người nữa.

DUYÊN KỲ NGỘ LÀ DUYÊN TUỔI TÁC

Nguyễn Khuyến đúc kết rất hay: khi về già, gặp nhau thật hiếm, nhưng gặp được nhau sẽ phúc hạnh xiết bao.

Chúng tôi "kỳ ngộ" họa hoằn một năm một lần, có khi cả mấy năm - học sinh Trần Quý Cáp, Hội An ở Sài Gòn.

Thế hệ học sinh ngôi trường cấp 3 duy nhất của tỉnh Quảng Nam trước 1975 nay tản lạc khắp nơi. Hôm qua, một cuộc họp mặt chừng hơn 10 người, có 1 bạn từ Đà Nẵng vào sau khi bỏ nước Mỹ về VN ở, một bạn nữ từ Paris, một đang là công dân  Mỹ. Số còn lại thì rải rác ở một đô thị ồn ả, ít dịp gặp nhau "tuy xa mà gần, tuy gần mà xa".

Ở Sài Gòn, nếu đi họp mặt cựu học sinh với người quen không phải trường mình, bạn sẽ rất hãnh diện nếu trả lời ai hỏi bạn học ở đâu, Trần Quý Cáp, Hội An. "A" người nghe sẽ ngạc nhiên và gọi bạn " huynh trưởng" tức thì.

Trường cấp 3 duy nhất ấy đào tạo nhiều thế hệ học sinh, hiện nay có mặt trên khắp thế giới, vì thành lập rất sớm, ngay khi tôi chào đời 1952. Có thể nói, tinh hoa Quảng Nam, "đất học", xuất phát từ ngôi trường Trần Quý Cáp này. Giáo sư Trần Văn Thọ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, Phạm Thế Mỹ, nhà nhận định thời cuộc sắc sảo Trần Trung Đạo...nằm trong hàng trăm, hàng ngàn "tinh hoa" đất Quảng, tôi không thể nhớ để kể ra hết.

Học sinh Trần Quý Cáp gặp nhau ở Sài Gòn, thường theo dịp mỗi năm một lần, toàn trường, liên lớp hay cùng lớp, ít nhắc đến thành tích của trường hay của mình dù rất nhiều người thành đạt. Họ hay nhắc đến những kỷ niệm thời còn đi học.

Có khi đó là những buổi qua bên kia sông ăn "bánh tráng đập", thức ăn giản dị, gồm 1 bánh tráng nướng rắc hạt mè đặt dưới một bánh tráng ướt vừa ra lò còn nóng "thoa" dầu phộng béo thơm. Món giản dị nhưng luôn ăn sâu trong ký ức vì chén mắm chấm. "Ngon nhức răng" là cách diễn tả món mắm, cái vị mặn không như muối, vị ngọt không như đường, và mùi thơm không thể tả nổi, chỉ các cô, các cậu học sinh Hội An mới có khả năng  "cảm nhận" cái đặc sắc của mắm trong món "bánh tráng đập".

Hội An xưa hiền hòa, dung dị bởi người ở thành phố "dưỡng già" này hiền hòa, dung dị. Chè bắp là món ăn như thế. Bắp non được "sác" ra (dùng dao bén cắt từng nhát mỏng quanh thân trái bắp), khi nấu gần chín phải đánh "đũa bếp"(que tre to bản, dẹp) thật nhiều, thật nhuyễn, ly chè bắp mới có độ dẻo, độ mềm, độ ngọt, khi ăn vào, người ta cảm nhận được không phải mùi quả bắp non mà cả mùi của cánh đồng bắp đang trổ cờ, xanh mướt, rì rào trong gió, trên những bãi bồi phù sa của sông Hoài ghé qua Hội An một đoạn. Chè bắp ngon vì là sản phẩm của người dân cần mẫn trong không khí chiến tranh: họ mang đến cư dân thành phố hương vị của một vùng quê yên bình, dù đôi khi, qua sông bẻ bắp, có người sẽ không bao giờ  trở về nơi làm ra những ly chè bắp vì một quả pháo, viên đạn vô tình rơi xuống họ.

Chè ngon nhờ nó mang lại yên bình đến người thưởng thức , chè ngon vì giá trị : người tạo ra cái ngon có khi phải chịu rủi ro khắc nghiệt như vừa nói. Chè ngon còn vì nó... rẻ, "vừa" túi tiền học sinh. Chè bắp càng ngon khi may mắn mời được bạn gái đi cùng. Chè ngon khi nhớ lại bàn tay nhỏ mềm của người bạn tuổi trăng rằm, cầm muỗng đưa từng miếng chè màu vàng vô miệng, đôi môi mềm, hàm răng trắng đều đang nhai nhỏ nhẻ, ánh mắt ngây thơ của tuổi học trò.

Hội An còn một món dung dị nữa: chè đậu xanh đánh. Khi đi học về, tôi luôn luôn đảo mắt thèm thuồng nhìn chiếc tủ kính để bên vệ đường, từng hàng ly đặt úp bên trong, phần đáy là đậu xanh "đánh" nhuyễn. Khi ăn, người ta mở tủ lấy ly xuống, cho đá bào nhỏ vào, dùng muỗng khuấy đều, khuấy nhẹ, để chè không rơi ra (tiếc lắm). Đậu xanh hòa với nước đá thành một chất lỏng bắt mắt, thật đáng yêu, và khi cho vào miệng, bạn sẽ thấy hương vị bùi ngọt của đậu xanh hòa quyện với đường mía; những ngày hè oi ả của miền Trung không còn oi ả nữa. Bạn như thấy những thửa đất trồng cây đậu xanh hiện ra trước mắt, màu xanh tươi mát, ly chè đậu xanh đánh nó ngon là như thế.

Những món ăn dung dị như tính tình dung dị của người Hội An, thỉnh thoảng được học sinh chúng tôi kể cho nhau nghe, không biết bao nhiêu lần khi họp mặt, câu chuyện như vẫn mới.

Ký ức của những người lớn tuổi luôn mới như thế hay sao? Các bạn học của tôi, và quý vị, hãy làm mới ký ức đẹp của mình, khi ở vào thời điểm "duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác".

THƯƠNG VONG

Tin tức cây phượng vĩ ngã, đè chết 1 học sinh và làm bị thương 17 học sinh khác, ở một ngôi trường Sài Gòn là tin tức hết sức bàng hoàng, chấn động. Phượng vĩ là cây đáng yêu của tuổi học trò, của thời đi học. Cây phượng vĩ sát nhân. Có báo đưa tin “18 học sinh thương vong”. Mới đọc tôi tưởng cây ngã đã giết chết 18 học sinh.

Ở miền Nam lúc chiến tranh, “thương vong” đối với một số người thời ấy có nghĩa là người chết, chứ không phải như bây giờ, “chết và bị thương”. Đối chiếu tiếng Anh, tôi thấy có từ tương đương với “thương vong” là casualty (a person who is killed or injured in a war or in an accident = người bị chết hay bị thương trong chiến tranh hay trong một tai nạn). Ví dụ của từ điển Oxford: Both sides had suffered heavy casualties = Hai bên bị tổn thất nặng nề - Từ điển ghi chú thêm: many people had been killed, nhiều người bị chết).

“Thương vong” (casualty) người Anh cũng định nghĩa là người chết và bị thương và tiếng Việt cũng mang ý nghĩa như thế. Nhưng người Anh cũng nghĩ casualty, “thương vong” là “chết” theo ngữ cảnh trong ví dụ nêu trên. Báo đưa tin: 18 em học sinh thương vong, tôi lại nghĩ 18 học sinh bị chết vì cây ngã đè.

Cách đưa tin của báo không sai về ngữ nghĩa nhưng có thể gây hiểu lầm cho người đọc. Ngôn ngữ chuyển tải ý niệm càng rạch ròi, càng trong sáng, ngôn ngữ mới truyền đạt tư tưởng của con người thành dễ hiểu mà không sợ gây nhầm lẫn.

Tại sao báo (một số) không đưa tin “cây ngã làm chết 1 và bị thương 17 học sinh”, để người đọc không cảm thấy bàng hoàng khi đọc “cây ngã làm thương vong 18  học sinh”, người "chết" nhiều quá. Có từ điển định nghĩa “thương vong” là chết do bị thương, thấy cũng có lý.

Cách đưa tin làm tôi nhớ trước đây trong chiến tranh: “Quân ta tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn địch”; “tiêu diệt” và “làm tan rã” khác nhau hoàn toàn, nhưng cách đưa tin như thế khiến người đọc có thể hiểu cả tiểu đoàn địch có thể chết 60% và tan rã 40% - một chiến công hiển hách. Cách đưa tin như thế chúng ta hãy còn thấy: “Số cán bộ có bằng đại học và trên đại học chiếm 95% trên tổng số đại biểu”. Người đọc có cảm giác gần hết đại biểu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và số có bằng đại học rất ít trong khi thực tế có khi và có thể ngược lại.

Tiếng Việt nên viết trong sáng. Thương quá cái vong tiếng Việt = thương vong?

TIẾNG QUÊ...TIẾNG QUÊ HƯƠNG.

Tiếng Việt sử dụng hằng ngày, ít ai để ý sự quý giá của nó. Khi ở nước ngoài, nghe ai nói tiếng Việt, ta mới thấy quý, mừng như bắt được vàng.

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là Miên. Lúc bạn đồng hành bị nhức răng, tôi vào một tiệm thuốc tây không lớn lắm bên vệ đường. Thấy chủ tiệm mặt mũi trắng trẻo, tầm tuổi tôi, tôi nói tiếng Anh: Bà làm ơn bán cho tôi thuốc giảm đau. Chủ tiệm nhìn tôi lắc đầu, ra vẻ không hiểu. Tôi lõm bõm qua tiếng Pháp, ở Miên, giới lớn tuổi thường có thể nói được. Bà chủ thanh tú cười và lắc đầu, cũng không hiểu. Tôi tự đi 1 vòng quan sát các tủ thuốc. "Đây rồi", tôi chỉ vào vỉ paracetamol. À, chủ tiệm cười duyên dáng, thốt lên bằng tiếng Việt: ông mua thuốc giảm đau chứ gì. Té ra bà chủ là người Việt. Mua thêm vài món kẹo ngậm, tôi tán chuyện với bà chủ có nước da trắng điển hình, ít có ở phụ nữ Miên.

Từ đó, tôi thấy vui vui. Ở "nước ngoài" như Miên, tiếng Việt hãy còn được sử dụng, nhất là những nơi sang trọng, hay ngay chợ trung tâm Nam Vang.

Đó là tiếng quê hương. Tôi muốn nói "tiếng quê".

Dân Quảng Nam viết văn có thể "hùng hồn" nhưng nói không hùng hồn chút nào. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi cũng mặc cảm tiếng Quảng, giọng Quảng của mình. Các bạn học hay gọi tôi "thằng Quảng Nôm". Chúng còn bồi thêm: en không en tét đèn đi ngủ, kẻo con chó lớn kén con chó nhỏ nhen reng (ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ, kẻo con chó lớn cắn con chó nhỏ nhăn răng). Thiệt tức ói máu, giận cành hông.

Có câu ở Quảng Nam: chửi cha không bằng pha tiếng. Lúc Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương (thủ tướng) có câu chuyện "pha tiếng" ở một cuộc họp quốc hội, ông một lần ngồi ghế "chủ tọa" trong một buổi điều trần. Khi giới thiệu một dân biểu Quảng Nam, ông dõng dạc nói to vào micro: Mời ngài nêu "théc méc". Ông nhái giọng vị đại biểu. Hội trường cười ồ. Vị dân biểu đứng lên, quay lại chào mọi người, không thèm nhìn đoàn chủ tịch, ôm cặp đi thẳng ra khỏi tòa nhà quốc hội. Phiên họp ngày hôm sau, thủ tướng phải công khai xin lỗi vị dân biểu Quảng Nam khí khái ấy.

Nhiều bạn trẻ tuổi người Quảng Nam khi vô Sài Gòn sinh sống hay học tập đều cố giấu gốc gác giọng Quảng để tiện bề "hòa nhập". Đây là khuynh hướng tự nhiên "nhập gia tùy tục". Nhưng có anh muốn "hòa nhập" giọng Nam quá mạnh, lại gây chuyện dở hơi. "Đêm chong 'đèn' ngồi nhớ mẹ" thì anh ta lại hát thành '' đêm chong 'đằng' ngồi nhớ mẹ"; người Quảng Nam hay phát âm ăng thành en như hải đăng thành Hải đen. Muốn như người Sài Gòn nhưng anh chàng này đi tuốt, quá mũi Cà Mau.

Dù có cố gắng giấu "giọng quê" của mình, người Quảng cũng khó mà nói nhuyễn như người Nam. Tôi vào Nam năm 1972, đến nay, giọng tôi vẫn không được người Sài Gòn xem như giọng của họ dù tôi rất cố gắng nói "giọng Nam". Nhưng về quê, bà con cứ cho tôi "nói giọng Sài Gòn". Rõ khổ. Tôi như bị "mất gốc" về giọng nói.

Tầm tuổi này, tôi không còn quan tâm mình nói giọng nào miễn cố nói đúng tiếng Việt. Có một điều, đi đến nơi xa lạ không phải quê hương như Hà Nội hay Sài Gòn, nghe ai nói tiếng Quảng, tôi rất là sung sướng, tìm mọi cách để trò chuyện hỏi han, dù hiện nay người quê tôi học hành và sinh sống rất nhiều ở Sài Gòn. Tiếng quê, ôi, tiếng diệu huyền.

Nhiều người có học phê phán tôi khi nói đến "tiếng Quảng". Họ bảo không có tiếng Quảng, chỉ có giọng Quảng, giọng Bắc, giọng Huế, giọng Sài Gòn...Tất cả đều có một ngôn ngữ "tiếng Việt". Có thể đúng nhưng tôi có thể cãi. Giọng khác nhưng tiếng giống? Chưa hẳn. Tiếng cũng có khác giữa người vùng này, vùng kia. Ở Huế (sát với Quảng Nam), người ta gọi "mụ" hết sức trân trọng. O, mụ...Không trang trọng sao có chùa Thiên Mụ? " Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương". Ở Quảng Nam, mụ là cách gọi khinh bỉ. "Mụ này mỏ nhọn" (hỗn). Mụ ăn mày. Con mụ ngồi lê đôi mách. Mụ cô nhọn mồm (hay can dự chuyện riêng các cháu)

Như vậy, có "tiếng Quảng" đó chứ, sao bảo chỉ có "giọng" Quảng?

Tiếng Quảng bây giờ không những cả nước mà cả thế giới, ai cũng biết. Đó là nhờ hai nghệ sĩ Hoài Linh và nhát là Trường Giang. Nếu diễn hài, hai nghệ sĩ này nói giọng Hà Nội hay Sài Gòn, đố có khán giả.

Vậy thì tiếng quê, giọng quê...là tiếng của quê hương Việt Nam. Hãy hãnh diện nếu ta có giọng Quảng, nói tiếng Quảng hay tiếng Cà Mau, giọng Cà Mau " cá gô bỏ vào gổ quậy gột gột". Nhưng đó là bản sắc vùng miền, đừng lấy giọng "chuẩn" Hà Lội ra để phê phán nói như thế là sai tiếng Việt, trừ trường hợp viết lên giấy, dạy trong trường, nói trong giao tiếp mọi người mọi quê.

Sáng nay, ra chợ quê của mình, tôi sung sướng như lúc còn bé, lao xao đầu chợ, cuối chợ, tai tôi nghe rõ mồn một cái tiếng, cái giọng mấy chục năm trước mẹ nói với tôi, và tôi nói với mẹ: tiếng quê, tiếng nơi chôn nhau cắt rốn, tiếng Quảng Nam.

TRỄ CÒN HƠN KHÔNG

Vùng rừng núi phía tây Quảng Nam, cách Đà Nẵng chừng hơn 40 km đường chim bay, trước 1975 là vùng chiến sự ác liệt. Trước 1945, thực dân Pháp thiết lập một đồn quân sự - đồn Hiên, gần vị trí trại cải tạo An Điềm ngày nay, nơi người Mỹ cũng thiết lập căn cứ quân sự, và rút đi quãng 1960 lên Khâm Đức gần đường mòn Hồ Chí Minh. Rừng núi là nơi chốn hoạt động thuận lợi cho Việt Minh, sau này tới Việt Cộng và quê tôi, quận Thường Đức (cũ) một địa bàn chịu tàn phá khốc liệt nhất của chiến tranh, cả người lẫn của.

Hiện nay, duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, một ngôi làng có một lúc hai tượng đài chiến thắng (Thường Đức, người ta viết sai thành Thượng Đức) nằm trong làng: một xây dựng năm 1978 và một năm 2014. Cái sau có quy mô to lớn hơn vài chục lần cái trước (dĩ nhiên tiền bỏ ra cũng phải tương đương): bia tưởng niệm ghi tên bộ đội có cả ngàn người bỏ mình trong trận đánh 1974, mở màn đầu tiên trên lãnh thổ VNCH, một đơn vị cấp quận được “giải phóng”.

Cả ngàn người bỏ mạng khi thắng trận Thường Đức thì cũng sẽ có hàng ngàn người bỏ mạng khi thua trận Thường Đức, chưa kể biết bao nhiêu sinh mạng thường dân đến nay vẫn chưa có thống kê. Máu hai bên đổ ra rất nhiều trên mảnh đất quê hương nhỏ bé của tôi, quê hương lọt thỏm giữa núi rừng vây bọc, hàng ngàn ngôi nhà bị cháy mất vì bom đạn; nền móng ngôi nhà tiêu biểu, viên gạch này không còn nằm trên viên gạch khác: cả một vùng quê trở nên hoang tàn, tơi tả, sau chiến tranh.

Tiếp chiến tranh của súng đạn là chiến tranh “kẻ thắng” áp dụng với “người thua”, của chủ nghĩa xã hội, quyết định “ai thắng ai” trong thời kỳ quá độ ở nông thôn, tiến nhanh tiến mạnh, lên hợp tác xã nông nghiệp, xóa bỏ người bóc lột người, đem lại cơm no áo ấm cho mọi người lao động. Người nông dân quê tôi một lòng theo đảng để cầu mong cuộc sống ngày càng khá hơn.

Ngày xưa và sau ngày “giải phóng” một vài năm, dầu – cây – mây – lá (dầu rái, các loại gỗ quý, mây sợi, và lá đan nón -  bạt ngàn trong rừng núi) là nguồn sống cho dân quê, ngoài đồng ruộng. Nạn phá rừng trồng trọt và khai thác bừa bãi không kiểm soát nổi đã biến một vùng quê giàu tài nguyên thiên nhiên trở thành đồi trọc núi còi. Sự xuất hiện của hàng chục đập thủy điện cũng mang lại thay đổi khủng khiếp cho thiên nhiên: hàng ngàn hecta rừng trở thành lòng hồ chứa nước cho thủy điện, những con sông khô kiệt vào mùa hè, đỏ ngầu giận dữ vào mùa mưa.

Trước khi có thủy điện vùng quê tôi có nhiều trận lũ lụt mỗi mùa mưa, nhưng nước từ các con sông cái, sông con dâng lên chầm chậm, không đột ngột, bất ngờ, tràn ngập, khi các nhà máy thủy điện thi nhau xả lũ cứu đập, bảo hòa dòng nước ào ạt từ thượng nguồn đổ về. Cây cối thưa dần không đủ sức giữ nước cộng với lũ xả mỗi mùa mưa đem lại nhiều khốn đốn cho người dân quê sinh sống bao đời ở hạ nguồn các con sông lớn.

Trong chiến tranh, người dân hiến mạng sống cho lý tưởng và trong hòa bình, người dân hiến cuộc mưu sinh cho phúc lợi toàn dân: đem về nguồn điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Hy sinh và cam chịu: đó là đặc tính người dân vùng Thường Đức (phía tây huyện Đại Lộc), một vùng quê khá nghèo so những vùng quê khác của tỉnh Quảng Nam.

Mỗi năm tôi về thắp nhang mồ mả cha ông mình, thăm bà con thân thuộc, và tìm đến những bờ tre, con sông, cồn bãi, cánh đồng ruộng, cánh đồng bắp, trên dải đất phù sa dọc những bờ sông, và nhất là núi rừng, trùng trùng điệp điệp, luôn luôn che chở, bảo bọc những ngôi làng dưới chân mình, dù cho đa phần bây giờ chỉ là núi rừng bạt ngàn của tràm và tràm, loại cây có cuộc đời ngắn ngủi.

Mỗi năm, cuộc sống của người dân quê tôi mỗi khá lên hơn trước. Số học sinh đến trường ngày càng đông; trường ốc xây dựng ngày càng nhiều. Các ngôi chợ đang được xây mới; một ngày gần đây, lều chợ tạm bợ với những cọc tre chống đỡ sẽ không còn trong các ngôi chợ quê.

Người ở xa đến vùng quê của tôi bây giờ có thể thưởng thức món dế cơm rang lá chanh giòn rụm (tôi vừa được mời); tôi cam đoan ở Sài Gòn chưa chắc tiệm nào làm món này ngon như ở đây, dế cơm đồng nội. Một tô cháo lươn đồng (tôi sợ nhất lươn nuôi), lươn khe, lươn sông, chỉ vẻn vẹn 10 ngàn, và tô “đặc biệt” thì 15 ngàn. Tiền ở đây giá trị gần như đô la Mỹ. Tôi ăn cháo lươn Nghệ An ở một số tiệm nổi tiếng của Sài Gòn và ăn ngay ở khách sạn Kim Liên Nghệ An nhưng cảm thấy không ngon bằng cháo lươn Hà Tân (làng có hai tượng đài) bán ở chợ quê Thường Đức.

Đó chưa phải là niềm vui của tôi một người con xa quê. Niềm vui của tôi ở vài chỗ khác: một con Suối Nước Nóng ở làng Thái Sơn thuộc xã Đại Hưng (1975, mấy bác cán bộ gọi bằng tên thôn 3, nghe nó khô như đất nẻ, nay gọi trở lại tên cũ). Suối nước nóng quanh năm, cho ngón tay xuống phải rụt lại ngay nếu để lâu có thể bỏng. Buổi sáng đầu nguồn suối, những làn hơi nước bốc lên trắng như sương. Một nhà đầu tư đang thực hiện công trình khai thác suối Nước Nóng thì gặp hoạn nạn không tiếp tục nên con suối chưa đi vào phục vụ như lấy nước khoáng, tắm bùn trong khu nghỉ dưỡng. Nghe đâu vùng đất trên 75 hectare này đang chờ chuyển cho người khác đầu tư. Các nhà nghỉ dưỡng bỏ hoang không ai ở.

Bên suối Nước Nóng, quê tôi còn một địa điểm du lịch hứa hẹn khác: Bằng Am (còn gọi là Am Thông, đời tây người ta từng khai thác cây thông trên bình nguyên nhỏ ở núi Am (nơi có một cái am tu của một vị sư thời Pháp, mộ còn trên đỉnh núi) dân gian gọi là Bằng Am hay Bằng Thông). Bằng Am nằm chừng trên 300 mét so với mặt nước sông, có không khí mát mẻ không kém không khí trên Bà Nà. Nếu trồng lại cây thông thì nơi đây sẽ là một rừng thông rất đẹp nhờ khí hậu và nhờ có con sông Cái mênh mông chảy qua dưới chân núi. Có một con đường bê tông rộng 4 mét dài chừng 7 km đang chạy lên gần đến đỉnh Bằng Am rộng chừng dưới 10 hectare. Giới chức địa phương đưa nơi này vào chương trình xây dựng khu du lịch tâm linh. Khi hoàn thành sẽ có cáp treo dành cho khách bắc ngang qua một con sông rộng, kéo cao lên đỉnh núi. Công việc thực hiện thì chủ đầu tư cũng gặp một số khó khăn về pháp lý nên công trình còn đang dở dang.

Một địa điểm du lịch khác hứa hẹn vực dậy kinh tế vùng quê từng nát với chiến tranh này là Cổng Trời. Ở vùng rừng núi Quảng Nam, có lẽ đây là nơi có cấu tạo địa chất khá đặc biệt (quý vị có thể vào google để tìm hiểu thêm) có hang động (với cổng bằng đá chồng lên nhau, bề thế, gọi là Cổng Trời), một số khu vực có nước trong mát như đoạn sông ngắn dù ở vị trí có thể cao nhất vùng núi Quảng Nam. Đặc biệt có 10 thác nước ở các vị trí rất gần với nhau nhờ các cấu trúc đá tảng của khe suối lùi vào, nhô ra, dân địa phương gọi là “gợp”. Số hồ nằm dưới 10 thác nước này có thể là hàng chục hồ bơi nhỏ phục vụ hàng trăm du khách mỗi ngày.

Hiện chủ đầu tư đang xây dựng những công trình phục vụ du lịch hết sức hoành tráng trong rừng sâu ở Cổng Trời. Một tòa nhà nghe nói để phục vụ ăn uống, có mái cong nhọn như một ngôi chùa cực lớn, ước lượng 5000 mét vuông, nhìn từ trên cao xuống (tôi không được phép đi xuống vì công trình đang thi công). Nơi ban quản lý ở là một ngôi nhà 5,6 tầng nhìn như một khách sạn. Quy mô xây dựng to lớn ban đầu cho khu du lịch Cổng Trời hẳn sẽ là một hứa hẹn cho một tương lai rạng rỡ, mang lại không những lợi nhuận cho nhà đầu tư mà còn giúp nâng cao mức sống vật chất tinh thần cho người dân vùng quê Thường Đức.

RỪNG VÀNG HAY RỪNG TÀN?

Việt Nam có lợi thế rất lớn về thiên nhiên. Du lịch sinh thái là hướng đi đúng cho phát triển ngành công nghiệp không khói.

Thiên nhiên ở đây là núi rừng. Tôi nói núi rừng quê tôi Quảng Nam. Trừ một số nơi đang được bảo vệ khá tốt như rừng đầu nguồn, hầu hết các vùng còn lại đều không phải là rừng nguyên sinh. Đa phần rừng trồng keo, tràm, một loại cây nguyên liệu, dùng cho kỹ nghệ giấy; cứ vài ba năm, rừng trơ đi vì cây bị cắt sạch. Vận chuyển cây bằng xe cơ giới. Tràm đâu là đường ở đó. Đường đi tận nơi cao nhất có mặt cây tràm, cây keo. Đường không tới vì đồi dốc quá cao thì loại cây trồng này không có. Do đó, mỗi cơn mưa đổ, đất từ đường, từ đồi trọc vì cây mới cắt, theo dòng nước trôi đi. Những con suối, con sông nước luôn đục ngầu, đục còn hơn nước sông Hồng mùa lũ.

Khu du lịch sinh thái đa phần thiết kế dựa vào suối thiên nhiên. Sự có mặt của loại cây làm giấy không lâu dài. Trong lành của các dòng nước suối thiên nhiên không còn "thiên nhiên" nữa vì đất bị cuốn theo nước mưa đổ xuống suối, suối trở nên đục ngầu, chỉ trong mát khi qua mấy tháng nắng.

Đến đây xuất hiện mâu thuẫn giữa người có rừng trồng keo, tràm và người muốn tận hưởng nguồn suối thiên nhiên cây rừng lâu năm đem lại.

Nếu trước đây, rừng nguyên sinh được bảo vệ thật tốt, cây cối khai thác có tính toán, vừa khai thác vừa phát triển rừng, thì ngày nay, ngành du lịch sinh thái sẽ  phát triển thần kỳ, mang lại lợi ích cơ man nào kể. Vì núi đồi bị phá sạch, loại cây " mì ăn liền" (cung cấp nguyên liệu làm giấy) mới xuất hiện. Rừng "ăn liền" này chỉ mang lại lợi ích cho một số người chứ không phải toàn dân, và môi trường sinh thái. "Rừng ăn liền" không thể là nơi sinh sống và phát triển thú rừng, chim muông, cảnh quan thiên nhiên. Không thể áp dụng được nữa câu nói của Quản Trọng (bên Tàu): vì lợi ích 10 năm trồng cây; phải là trồng cây vì lợi ích trăm năm.

Tôi đi tới Đông Giang (huyện Hiên cũ) vùng cực tây của tỉnh Quảng Nam để "thưởng thức" thịt rừng, theo lời mời của đám bạn bè. Ăn thịt rừng là một tội lỗi nhưng đến đây để có dịp tìm hiểu, tôi suy nghĩ như thế và chấp nhận "phạm tội". Heo rừng, nai, mang(mển, trong Nam), cheo, nhím... theo lời chủ quán thỉnh thoảng, chứ không thường xuyên như xưa, mới mua được từ những người "bẫy thú" (săn bắn là phạm pháp, dễ bị bắt). Ngoài heo rừng có được ở Nam Giang (huyện Giằng cũ) chở về đây, toàn bộ thịt thú còn lại đều đánh bắt trộm từ vùng núi giáp Lào và ở bên Lào. Ngay cả loại cá niên ăn rất ngon, chiên giòn chấm muối tiêu rừng (thơm hơn tiêu lốp, miền Nam) người Cà Tu gọi là cá liên, sống trong các khe suối lớn cũng được đánh bắt ở vùng núi giáp biên giới hay qua bên kia biên giới, ướp đá mang về.

Điều đó nói lên 2 vấn đề: môi trường gọi là thiên nhiên cho thú hoang dã, ngay cả cá, không còn là "thiên nhiên" nữa và rừng VN gần tuyệt giống thú hoang dã vì bàn tay con người bẫy thú trộm, dùng điện châm cá, tuyệt diệt dòng giống của loài thủy sản sống trong khe suối. Ăn thịt thú rừng kích thích việc tìm giết thú rừng.

Khi rừng nguyên sinh trở thành "rừng ăn liền" thì môi trường sinh thái sẽ bị đe dọa. Nếu là người lãnh đạo có tầm nhìn, họ nên phục hồi lại rừng bằng những loại cây gỗ quý trước đây, đầy rẫy ở núi rừng Quảng Nam. Nhưng vì không có kinh phí, lại lấy "ngắn cắn dài", việc khôi phục lại rừng có các loại danh mộc từ khi chưa phá như lim, sơn huyết, gõ, kiền kiền, sao, chò, sến, huỳnh đàn, muồng...chỉ là ước nguyện, không thể nào thành hiện thực. Tôi đi qua một địa danh gọi là dốc Kiền, cách Đà Nẵng chừng 30 km đường chim bay. Giờ không còn lấy một cây, dù trước đây là khu rừng toàn cây kiền kiền, một loại gỗ dùng để đóng ghe, không bao giờ hỏng vì nước biển; ngay cả cây chèo thuyền cũng làm từ loại gỗ này, tuổi thọ bền bỉ hơn cả cuộc đời một ngư dân.

Khi nào nhìn lên rừng xanh, xanh mướt, xanh thẫm, chúng ta không còn thấy cây  keo, cây tràm, lúc đó người Việt Nam đã giàu lên, sẽ khỏi lo tuyệt chủng các loại thú rừng, chim muông. Các khu du lịch sinh thái (như Lái Thiêu, Đà Nẵng) có các hồ bơi giữa núi rừng, lấy nước từ con suối lớn, lòng hồ bơi sẽ không còn đọng lớp bùn non bên dưới, nước đục lên nếu đông người tắm; lòng hồ sẽ là cát sạch nếu nước mưa không cuốn trôi đất từ các đồi núi trồng tràm, trồng keo, cứ 3 năm thành "đồi trọc" khi  đến mùa thu hoạch.

Phá hỏng thiên nhiên rất "dễ ", khôi phục thiên nhiên cực kỳ "khó". Trong quá khứ, người Việt Nam đã chọn cái "dễ" vì cơm áo, vì lòng tham, vì không có tầm nhìn, không rõ trong tương lai, thế hệ con cháu chúng ta, họ có còn thừa hưởng cách làm "dễ" của cha ông, hay can đảm chọn lấy cái "khó" để thực hiện một Việt Nam "rừng vàng, biển bạc"?

Ảnh: Hồ bơi lấy nước từ suối ở khu du lịch Lái Thiêu, ngoại ô Đà Nẵng,  nơi trồng nhiều loại cây ăn trái miền Nam.

ỐC SINH VIÊN

Tôi thấy một quán nhậu bán các loại ốc lại ghi ốc sinh viên. Tôi nghĩ có một loại ốc mới ngoài ốc hương, ốc đá, ốc bươu… Sinh viên chắc là một loại ốc mới được phát hiện sau này. Nhưng không phải, quán bán ốc giá thấp, sinh viên có thể ăn, hợp túi tiền.

Ốc bán giá thấp, sinh viên có thể ăn được, gọi là ốc sinh viên. Ta thấy nhiều tên: quán cơm sinh viên, phòng trọ sinh viên, giặt ủi sinh viên…

Nhà nhạc gia tôi gần trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trên quãng đường không quá 200 mét, tôi đếm có tới hơn 5 tiệm làm chìa khóa, trong đó có một tiệm ghi “làm chìa khóa sinh viên”. Bạn tôi dạy cao đẳng kinh tế kế hoạch giải thích vì sao có nhiều chỗ sửa, làm chìa khóa ở phố này. Sinh viên trọ học ở đây rất đông. Họ hay đánh mất chìa khóa nên nhiều chỗ làm chìa khóa nổi lên. Ban đầu tôi tưởng ở khu phố này an ninh không được tốt nên người dân sử dụng quá nhiều ổ khóa. Nghề sửa ổ khóa, làm chìa khóa phát triển. Bạn có thể bỏ quên xe không khóa cổ trước nhà ở khu vực này mà không sợ xe bị mất trộm. Không hiểu an ninh tốt hay người dân tốt.

Tại sao các chỗ sửa ổ khóa, làm chìa khóa lại ghi sửa ổ, làm chìa sinh viên?

Sinh viên ở đây có ý nghĩa là rẻ.

Tôi từng là sinh viên. Trước 1975, mỗi tháng tôi nhận 3000 đồng học bổng của trường đại học sư phạm. Xăng lúc ấy 21 đồng một lít. Với số tiền đó tôi có thể mua 142 lít xăng. Số tiền đủ mỗi tháng nếu tôi ăn quán. Nhưng để tiết kiệm tiền, tôi có thể ăn cơm ở quán cơm xã hội, không tiền hay ít tiền, cơm “tự do”, nghĩa là bới bao nhiêu chén cũng được. Sĩ quan nếu muốn vào ăn các quán này đều phải cất “lon” (cấp bậc) vào túi áo. Sĩ quan không được phép vào những nơi “tồi tàn” như quán cơm xã hội.

Tôi không thường vào các quán này vì đông người. Chờ rất lâu mới tới phiên mình. Có khi chờ một hai tiếng, cơm không còn. Nhịn đói. Tôi bèn chọn quán ăn cơm bình dân có tên là Ba Toong. Tôi không tìm hiểu tại sao chủ quán cơm bình dân lại lấy một cái tên như vậy. Đến quán, bạn phải kiên nhẫn đứng chờ, khi có sinh viên nào đứng dậy, bạn phải sà vào ngay, nếu không, sẽ có sinh viên khác chiếm chỗ tức thì. Sinh viên Quảng Nam đa phần đều ăn ở quán này vì rẻ và vì bà chủ là người Quảng Nam tuổi trên 70 răng rụng gần hết.

Sinh viên thời ấy rất nghèo vì đa số từ các tỉnh về Sài Gòn học tập. Quán ăn rẻ hay quán cơm xã hội là “cứu cánh” cuộc đời sinh viên. Gần nửa thế kỷ sau, sinh viên vẫn còn nghèo. Tôi không hiểu tại sao. Cái gì rẻ cũng liên quan sinh viên: phòng trọ sinh viên, cơm sinh viên, giặt ủi sinh viên, làm chìa khóa sinh viên, ốc sinh viên…Ôi, hiền tài quốc gia, sao mà rẻ rúng.

Ở Sài Gòn, tôi chưa thấy hình thành làng sinh viên. Đà Nẵng cũng vậy. Hai địa phương này đều có quy hoạch làng sinh viên nhưng cả hai chỗ chưa có làng sinh viên hoàn chỉnh. Ở nước ngoài, campus (giống như làng sinh viên) là một niềm hãnh diện cho quốc gia của họ. Hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tham gia vào đội ngũ Grab bike, Grab car, và đội ngũ thất nghiệp hay làm trái nghề, khác nghiệp. Sinh viên là hiền tài, mà hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Hiền tài chi mà tội nghiệp, trước 1975 (ở miền Nam) thì có thể hiểu vì chiến tranh, và tại sao sau 1975  đến nay, sao vẫn còn "ốt dột". Từ 1975, sinh viên có cuộc sống tuềnh toàng. Không tuềnh toàng sao đến bây giờ có ốc Sinh viên?

Ốc để bán giá rẻ cho sinh viên chứ không thể có “ốc sinh viên”. Hiền tài quốc gia mà làm ốc thì đất nước này bò mãi hay sao?