Saturday, January 27, 2024

MẢNHTƯỜNG CÒN LẠI

Nhìn hình bên dưới, phần tường còn lại không thể gọi bức tường. Bề dày chừng 43 cm, tương đương một thước ta, (thước mộc), bề đứng chưa quá 6 tấc, và bề dài hơn một mét, đây là phần còn lại của tòa miếu Ông, bị Việt Minh cho phá hủy năm 1946, trong chiến tranh chống thực dân Pháp, thời kỳ tiêu thổ kháng chiến.

Miếu Ông nằm trong hàng loạt di tích lâu đời khác của làng Trung Đạo, nơi sinh cơ đầu tiên của tộc Nguyễn chúng tôi từ Nghệ An vào, có lẽ sau thời châu Ô và châu Rí là của cầm cưới công chúa Huyền Trân. Tổ tiên từ "vùng đất học" của chúng tôi đã gầy dựng những công trình không khác nơi họ chôn nhau cắt rốn: đình trung, chùa, miếu Bà, và tất nhiên cả từ đường Nguyễn trường. Ông tổ khai cư, khai canh, Nguyễn Trường Sanh, về làng Mạng Lâm, Phù Lưu Trường, Nghệ An "lén" mang hài cốt thân phụ Nguyễn Trường Thọ vào.

Ông nội tôi kể lại  với con là cha tôi ( sinh 1905), các kiến trúc ấy ông từng thấy khi lên 9, 10 tuổi, tuổi có thể nhận biết. Ngày xưa, các tư liệu đều ghi bằng chữ Hán, chữ "thánh hiền". Mỗi năm một lần chạp mả, người ta mới được giở "phú ý" (gia phả) ra xem, ghi thêm tên con cháu mới sinh trong năm.

Các sắc phong, di chỉ của triều đình ban cho làng cũng được giữ kỹ lưỡng, đương nhiên, tất cả cũng đều bằng Hán tự. Chính vì kính sợ tiên nhân, chẳng ai dám hỏi, hay tìm đọc các dữ liệu của họ tộc, cũng có nghĩa là của làng; Trung Đạo của tộc Nguyễn, Hà Tân (quê mẹ nghệ sĩ hài Hoài Linh) của tộc Ngô, hay Trúc Hà của tộc Tăng...Đương nhiên, làng xuất hiện nhiều tộc sinh sống khi trải qua nhiều đời.

Chính tại "sợ" ông Hán tự, chữ của "thánh hiền" này, hậu duệ chúng tôi không rõ năm xuất hiện các kiến trúc văn hóa thuần túy của làng, của dòng tộc nơi đất mới. Nhưng đây không phải lý do chính, lý do chính là của ông "tiêu thổ kháng chiến". Phá hết, đốt hết, kể cả các tư liệu bằng Hán tự, lưu trữ như tôi nói.

Nhiều làng quê của chúng tôi nằm trong vùng "tự do", không nằm trong vùng "bị chiếm" (Tây kiểm soát) nên các kiến trúc cha ông chúng tôi dày công gầy dựng phải bị phá hủy, không để bọn giặc Pháp lấy làm chỗ trú đóng mỗi lần "đi càn" (hành quân tiêu diệt VM) vùng tự do.

Thật sự, bọn Pháp không khi nào ở lại lâu nơi đây. Họ không thể ở vào vị trí bất lợi, địa danh quận Thường Đức sau này, vì du kích và người dân trốn lánh ở những cánh rừng sẽ xuống núi bao vây đánh úp nếu họ trụ lại. Tiêu thổ kháng chiến - đồng không, nhà trống  - chẳng tác dụng với bọn Pháp có đầy đủ xe, tàu chở quân dụng, yểm trợ mỗi lần hành quân. Họ đâu cần lương thực, chỗ trú đóng. Việc phá hủy các công trình công cộng như chùa, đình, miếu, từ đường... để chống địch là lý do kém thuyết phục. Còn ngôi nhà tư nhân của những người hết sức giàu có thì sao? Nhiều người sở hữu ngôi nhà còn to hơn đình trung (nơi hội họp) tại sao không bị phá hủy?

Phong kiến, có lẽ 2 chữ này là động cơ sâu xa, khiến các công trình xây dựng nhiều đời của làng mạc bị san bằng, đập phá - không phải chỉ mỗi ngôi làng của ông bà chúng tôi, cả hàng chục làng như thế,  một vùng hết sức rộng lớn, "vùng tự do".

Cha tôi tham gia Việt Minh, làm trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng "bị chiếm" (vùng Tây kiểm soát, có các chiến sĩ thoát ly tham gia kháng chiến trong vùng của chúng tôi), chứng kiến cảnh tiêu hủy các công trình công cộng đó.

Vì lợp ngói, tường xây bằng vôi trộn nhớt cây bời lời (quê tôi hồi xưa nhiều vô kể) dày như trong ảnh, và các cột gỗ lim, gỗ trai, gỗ mun...đứng "dày đặc", nhằm chống đỡ trính, xuyên to lớn (đà ngang, đà xiên) bên trên có đòn tay đóng rui mè (lách, xi-don) lợp ngói âm dương, việc đốt cháy kéo dài cả tháng, mới tiêu hủy toàn bộ các công trình. Rơm làm bổi, bên ngoài chất chà rang (loại cây bụi nhiều cành nhỏ, dùng thả kén nuôi tằm), và củi khô; lửa thiêu cháy các cây gỗ, trính, xuyên, đòn tay, rui mè làm sập phần ngói âm dương xuống tung tóe trên nền gạch;  sự tiêu hủy "tàn tích phong kiến" đã "thành công tốt đẹp". Đá tảng, gạch, ngói chưa bể;  cột, kèo, đòn tay, cửa gỗ, ban thờ...còn chưa cháy hết được dân chúng tranh nhau lấy về nhà khi lửa chưa tắt hẳn; những làn khói u buồn bay lên, tổ tiên chúng tôi hẳn phải nương theo làn khói ấy, ngậm ngùi rời bỏ chốn trần gian đầy tục lụy. Đó là kết cục tang thương của miếu Ông làng Trung Đạo.

Khởi đầu cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp bằng việc tiêu hủy những công trình "phong kiến" thuở ấy báo hiệu nhiều biến thiên còn kinh hoàng, khủng khiếp hơn về sau, không chỉ có vật chất, mà cả mạng sống, hàng triệu sinh linh.

Tôi đứng nhìn phần tường vôi còn lại, che khuất dưới hai cây duối mọc hoang dại, um tùm, tăm tối, lòng buồn vời vợi. Ngôi miếu Ông hùng vĩ của dòng họ Nguyễn làng Trung Đạo chúng tôi đôi ba năm nữa sẽ không còn một dấu vết nào, tất cả sẽ thành tro bụi.

TRUMP BỊ TRUNG QUỐC NHIẾP PHỤC?

Lời người dịch: Nhờ bị chỉ trích nhiều, tổng thống Mỹ luôn luôn là người mạnh mẽ, được thế giới chú ý nhiều nhất. Những lời lên án Donald Trump của tác giả có chỗ làm người VN yêu mến ông sẽ tức giận nhưng, như tục ngữ Việt Nam, “ơn kẻ dữ, không ơn người lành”, biết đâu những chỉ trích đó của người dân Mỹ khiến tổng thống Trump “đánh” ngày càng mạnh ông Tập Cận Bình, không dè dặt, nể nang như lúc ban đầu? Chỉ trích, phê phán chính quyền có lợi, hay tô hồng, nâng bi họ sẽ có lợi hơn?

(Did Trump Get Owned by China?)

Bạn không nghĩ trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump – nào là chích Clorox (chữa covid- ND), dùng hơi cay giải tán người biểu tình ôn hòa, 160.000 người Mỹ bỏ mạng, “bóng gió” nhắc chuyện hoãn bầu cử, đủ các cái – người ta vẫn thấy còn người bênh vực Trump. Nhưng họ có thể đúng. Tôi vừa chú ý đến chủ đề bênh vực Trump với lý luận: “Nói gì Trump cũng được. Nhưng ít nhất, ông có bóng trong chân, để chơi Trung Quốc”

Không, thật sự không. Chúng ta hãy coi thành tích của Trump đối với TQ.

Có nhiều lý do chính đáng để lo ngại Trung Quốc. Với 1.4 tỷ dân, một quân lực khổng lồ, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, TQ đang bắt đầu gây thêm thanh thế. Không phải như Liên Bang Sô Viết cũ, từng đe dọa lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới, nhưng lại bị ngăn trở vì một nền kinh tế điều hành kém, TQ ngày nay càng giàu nhanh chóng, trong lúc đó, vẫn duy trì là một trong những chế độ hà khắc nhất, đàn áp nhất trên thế giới. TQ đang chạy đua dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác, xuất khẩu các công cụ do thám tới các chế độ chuyên quyền, độc đoán. Người ta cảm thấy bàn tay sắt của TQ ở ngay cả nơi này, khi đe dọa các công ty Mỹ phải né tránh các vấn đề nóng như Đài Loan, Hồng Kông.

Vì vậy, Trump lo ngại là đúng. Nhưng nhận thức của Trump về vấn đề TQ không đoái hoài đến việc họ đe dọa quyền tự do. Ông chú tâm đến máy sấy tóc và hạt đậu nành. Dù nhiều người nhắc nhở, Trump vẫn khư khư: TQ bán nhiều thứ cho Mỹ hơn Mỹ bán cho TQ, họ “hiếp” (raping) chúng ta”. (Tay doanh nhân này không có khái niệm về mua bán theo ý muốn - The concept of willing buyers and sellers eludes this businessman).

Các tổng thống trước đây thương nghị những ký kết làm ăn “hoàn toàn bất lợi”; ông ta hứa dưới sự lãnh đạo của mình, sẽ đảo ngược thâm hụt buôn bán, mang về công ăn việc làm, ngăn chặn hành vi thương mại bất công, như phá giá, thao túng tiền tệ, và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Ông ta nói, tất cả đều dễ dàng: “Chúng ta có bài trong tay, chúng ta có sức mạnh nhiều hơn TQ…Khi TQ không muốn giải quyết vấn đề ở Bắc Triều Tiên, chúng ta bảo, ‘Ê, xin lỗi, mấy ông phải giải quyết vấn đề đấy nhé”. (Sorry, folks, you gotta fix the problem’).

Không có mục tiêu nào đạt được. Không. Thâm hụt mậu dịch hai bên của chúng ta thực ra đã tăng trong 2 năm đầu Trump làm tổng thống, dù Trump chả hiểu, nó chẳng có hại gì cho chúng ta, đúng ra đó là tác dụng phụ của nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ vào những năm đó.

Xem xét những gì Trump muốn đạt được khi đối mặt với TQ, hành động đầu tiên – hủy bỏ Hiệp ước hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một sai lầm lịch sử.

Hoa Kỳ một mình thôi đã chiếm khoảng 24 phần trăm nền kinh tế thế giới. Cùng với các đồng minh ký TPP - Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Mã Lai, Tân Gia Ba, Việt Nam, Miến Điện, Canada Mễ Tây Cơ, Chi Lê và Peru – khối buôn bán này chiếm 40 phần trăm GDP thế giới. Mặc dù không rõ là Trump có biết điều này không – trong các cuộc tranh luận, ông ta có vẻ lẫn lộn về tổ chức này – TPP không có TQ sẽ biến các nước tự do vùng Thái Bình Dương thành thành lũy ngăn cản những hành vi bất công của TQ. Lẽ đáng chúng ta đã có được thế thượng phong.

Nếu Trump thực sự muốn làm khó Trung Quốc, ông ta phải xây đắp TPP bằng cách ký kết thêm các thỏa thuận thương mại tự do với các nước trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ hợp tác với EU, Ấn Độ, Brazil, cũng như với TPP, chúng ta đã có thể đem về một sức mạnh tổng hợp trên 70% GDP của thế giới.

Nhưng Trump lại nghĩ, chiến tranh thương mại “rất tốt và rất dễ thắng”. Và vì thế, ông ta tuyên bố nó với mọi người: “Thuế quan! Hãy đưa tôi thuế quan”, ông bảo với các trợ lý. Và họ đưa ngay. Thuế quan không chỉ áp vào TQ, nhưng còn áp vào bạn bè. Thật sự, ông ta áp đặt thuế quan lên Canada, Mexico, và EU nhiều hơn lên Trung Quốc.

Điều này chỉ ra rằng thuế quan đơn phương, chẳng “tốt” mà cũng chẳng “dễ”. Trump tưởng thế giới khó khăn như hồi 1970, khi kinh tế chúng ta đi trước thế giới như một gã khổng lồ. Chúng ta vẫn là nền kinh tế dẫn đầu thế giới, nhưng không dễ dầu gì “cái thế” (dominant). Năm 2018, chúng ta không còn bài nào để chơi như Trump suy nghĩ.

Người Mỹ phải trả giá cao cho mọi thứ, từ xe đạp tới giỏ xách, từ TV tới nón đội, các đồ lắp ráp công nghiệp. TQ trả đũa bằng chính thuế quan của họ, đặc biệt làm nông dân Mỹ tổn hại rất lớn. Phân tích của Moody (cơ quan xếp hạng kinh tế - ND) ước tính thuế quan khiến Hoa Kỳ mất đi 300.000 việc làm cùng với 28 tỷ đô la về thuế, để trợ cấp cho nông dân bị mất khách hàng.

Trump hứa trừng phạt Trung Quốc, ông sẽ vực dậy miền Trung Tây (nước Mỹ), nhưng khi Thung lũng Silicon chứng kiến sự gia tăng các công việc chế tạo thì Pennsylvania, Michigan, Ohio, và Wisconsin, tất cả đều mất việc ở công xưởng trong nhiệm kỳ của ông. Tất nhiên, hiện nay, do xử lý sai lầm về dịch bệnh, mọi miền đất nước đang trong suy thoái trầm trọng. “Ký kết thương mại vĩ đại” Trump thương thuyết với Trung Quốc có gì? Hãy khoan tung hô đã. Ký kết này buộc TQ mua 200 tỷ hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ trong hai năm, cao nhất về số lượng nhập khẩu năm 2017.

Hình của Hannah Yoest / GettyImages

Điều này nghe ra khá ổn, nhưng TQ từng có một lịch sử lâu dài chưa bao giờ thực hiện những lời hứa tương tự. Ngay cả ở buổi lễ ký kết tại tòa Bạch Ốc, phó thủ tướng TQ phát biểu TQ sẽ thực hiện cam kết trong tương lai “tùy thuộc vào tình hình thị trường”, chẳng lấy gì làm tin tưởng. Thêm nữa, chỉ dựa vào lời hứa TQ sẽ mua sản phẩm này, Trump đang khiến Hoa Kỳ, bị nhiều lệ thuộc, nếu không nói là lệ thuộc, vào TQ, trong lúc làm hại các đối tác thương mại khác.

Tệ hại nhất, Mỹ lại chuẩn thuận cái cách làm ăn kiểu Trung Quốc - chỉ huy và kiểm soát từ trên xuống – hơn là để thị trường hoạt động tự do, đây phải là mục tiêu của Hoa Kỳ, và là mẫu mực của TPP (tất nhiên không phải là tốt hết). Điều gì xảy ra nếu TQ nuốt lời cam kết? Chỉ có mỗi cơ chế thúc ép thực thi là đơn phương đánh thêm thuế quan, như chúng ta từng biết, sẽ làm tổn hại nước áp thuế bằng, hay có khi hơn, nước bị áp thuế.

Như về sự chuyển giao công nghệ ép buộc, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao cấp các ngành ưu ái trong nước, thỏa thuận có vài bước tiến không đáng kể, nhưng chẳng có gì quan yếu, đó là lý do tại sao, ngay khi Ký kết giai đoạn I vừa thông báo, thì chính quyền lập tức bắt đầu bàn đến Ký kết giai đoạn II, giai đoạn thiết thân, gần sát với những vấn đề hết sức quan trọng.

Đổi lại “thành quả” đáng ngờ này, Trump rũ bỏ vai trò của nước Mỹ, người giương cao ngọn cờ nhân quyền và tôn trọng nhân phẩm.

Từng nổi tiếng lên mặt với với các đồng minh chúng ta, Trump lại rất lễ phép (obsequious) với Tập Cận Bình, ông từng gọi  là “một đại diện cao quý và quyền lực của nhân dân mình”, người ông “rất có cảm tình” (great chemistry). Khi những người phản kháng tràn xuống đường ở Hồng Công đòi TQ tuân thủ ký kết “Một quốc gia, hai chế độ”, ban đầu Trump gọi họ là những người “phản loạn” (rioters), y như ngôn ngữ thường dùng của đảng Cộng sản TQ.

Lúc đó Trump ca ngợi Tập về việc giải quyết xuống đường biểu tình, phát biểu rằng Tập “chấm dứt ngay nếu ông ấy muốn”. Tháng 11 năm 2019, khi quốc hội Mỹ xem xét cấm vận TQ, khi họ leo thang đàn áp Hồng Kông, Trump từ chối cho biết ông có thuận ký thông qua dự luật như thế hay không. Trump tuyên bố ủng hộ Hồng Kông: “Chúng ta phải sát cánh với Hồng Kông, nhưng tôi cũng sát cánh với chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy là người bạn của tôi, một người tuyệt vời (an incredible guy). Nhưng chúng ta cũng đang trong tiến trình hoàn tất một ký kết thương mại lớn nhất trong lịch sử, và nếu được như thế thì tuyệt vời biết mấy”.

John Bolton kể lại, “Ông tay sắt với TQ” (Mr. Tough-on-China) năn nỉ Tập mua thêm đậu nành và lúa mì Mỹ đặng giúp ông tái đắc cử, và còn nữa, Trump làm lơ để Tập đưa một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung. Bolton nói, Trump bảo Tập “Ông đang làm đúng rồi đấy”.

Thật kinh ngạc, Trump không thể búng tay và buộc TQ khiến Bắc Hàn xuống nước. Sự ve vãn thái quá đối với Kim Jong-un thật không có gì tệ hại hơn.

Trung Quốc là một cường quốc ác độc, tiếng tăm và ảnh hưởng của họ chỉ có tăng thêm trong nhiệm kỳ của Trump. Trong khi Mỹ dọa rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, ngưng tập tận với Nam Hàn, đánh thuế, đòi thật nhiều tiền trả cho các căn cứ quân sự của các đồng minh chúng ta, thì Trung Quốc đều đều đầu tư vào “Một vành đai, Một con đường”, và khẳng định sức mạnh quân sự của họ ở biển Đông.

Một khảo sát của tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Đông Nam Á, thực hiện trước đại dịch, cho biết 96 % dự đoán TQ sẽ trở thành một cường quốc kinh tế ở khu vực, so với 56% dành cho Hoa Kỳ trong vòng 10 năm nữa.

Sự trỗi dậy từ từ của TQ nói lên một thách thức đối với sự dẫn đầu thế giới của người Mỹ. Chúng ta có thể, và nên đối phó bằng cách thể hiện sức mạnh của mình: cải thiện tốt mối liên hệ với các đồng minh đang có; lãnh đạo các định chế quốc tế như WTO,WHO, thay vì hạ bệ hay rút khỏi; thúc đẩy mậu dịch tự do; bảo vệ quyền tự do dân sự; hoan nghênh các sinh viên, những người nhập cư tài năng, có thể giúp Mỹ duy trì thế mạnh công nghệ (và những ai coi Hoa Kỳ là chọn lựa số một, khi Trump chưa là tổng thống); xây dựng ngôi nhà ngân sách riêng để chúng ta không cần vay mượn tiền từ Trung Quốc.

Chiến tranh mậu dịch của Trump là một sự đổ vỡ đắt giá. Nhưng sẽ không đắt hơn việc ông từ nhiệm vai trò lãnh đạo Hoa Kỳ và phản bội giá trị Mỹ.

Bài của  MONA CHAREN đăng trên  báo Bulwark, ngày 12 tháng 8 năm 2020.

NÓI NHỊU

Nói nhịu như một cái “tật” hay xảy ra ở phụ nữ - có người nói thường mắc sau khi sinh đẻ đau đớn - ít xảy ra ở đàn ông. Nói nhịu thường xuất hiện khi người nói một từ không đúng (thường hay nhắc đến tên bộ phận sinh dục) chưa tìm kịp từ đúng; nói cái này mà tưởng là cái kia, lặp lại nhiều lần như máy.

Nguyễn Anh Quang, biên tập viên đọc trên VTV, theo Tuổi Trẻ trích dẫn: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại thành phố HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”. Anh ta xin lỗi trên facebook vì nói "nhịu"  ký sinh trùng khi đề cập những người bán hàng rong.

Xem xét kỹ ngữ cảnh đoạn phát biểu của bình luận viên, người đọc dễ nhận thấy nội dung đoạn văn không hẳn có ý miệt thị người lao động nghèo; trái lại là khác, anh ta cũng có lo lắng cho họ, những người này sẽ “tồn tại ra sao”.

Xin lỗi là hành vi văn minh, trước 1975 ở Sài Gòn người ta rất thường nghe cư dân nói với nhau khi làm phật lòng, phật ý nhau. Lời xin lỗi sẽ có tác dụng xoa dịu xúc phạm, làm tốt mối quan hệ, nếu nó xuất phát từ tấm lòng chân thật của người “có lỗi”. Lời xin lỗi của NAQ có chân thành không? Tôi cho là không. Một bình luận viên thì không bao giờ, hay đúng hơn, không được phép, nói nhịu. Ở đây, anh ta cố tình ngụy biện.

VTV là “tiếng nói Việt Nam”, tiếng nói ấy mà nhịu hay ngọng, thì ai coi trọng cơ quan tuyên giáo có tầm vóc và ảnh hưởng lớn nhất nước này? Nếu anh ta nhận lỗi vì vội vã viết bài, sử dụng từ ngữ không đúng, gây bất bình cho người xem, xúc phạm những người bán hàng rong thành phố HCM, thì lời xin lỗi ấy dễ dàng được chấp nhận. Nói nhịu là nói thế nào? Bị tật nhịu à? Chưa kể anh ta còn viết sai tiếng Việt “sống ký sinh trùng trên những con phố”. Sống ký sinh trùng là sao? “Sống ký sinh” mới đúng văn phạm.

Về mặt đạo đức làm người, “sống (như) ký sinh trùng” – nói tới người bán hàng rong – là lời nói của người không được giáo dục đúng đắn, đầy đủ. Sống ký sinh là sống bám vật chủ, ăn bám người khác. Những người bán hàng rong thuộc tầng lớp nghèo khổ, đa phần từ các nơi về thành phố; họ bỏ công sức của mình đi từ phố này, sang phố kia, nắng mưa dầm dãi, bán một ít trái cây, vài bó rau sống, vài gói xôi, đôi trái bắp…góp nhặt những đồng bạc mồ hôi để nuôi sống họ, gia đình họ, anh gọi họ là ký sinh trùng, loại ăn bám được sao?

DI NGUYỆN

Người Việt Nam coi trọng cái chết hơn cái sống. Tiệc sinh nhật ít hơn đám giỗ. Nhà ở cho cha mẹ có khi không hoành tráng bằng nhà mồ dành cho bậc sinh thành.

Đó là "nét" văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt chúng ta?

Tấm lòng người sống dành cho người chết bằng việc tổ chức đám tang rình rang, "trọng thể", xây mồ to mả lớn, là di nguyện của người quá cố, hay ý nguyện của người còn sống? Không ai đoan chắc nhưng làm đám, xây mộ phần, thường thường "phải bằng chị, bằng em", nếu không, thiên hạ "dị nghị" người thân còn sống, đại loại "giàu, sang mà đám ma, cái mộ bố mẹ sao lại bèo thế"!

Hồ Chí Minh có di nguyện theo di chúc: hỏa thiêu. Hỏa thiêu là hình thức an táng người chết văn minh nhất. Vừa vệ sinh vừa không choán đất người sống. Thử hỏi, mỗi người cần 1 huyệt mộ, chưa nói mộ, khoảng 3 mét vuông, 100 triệu người VN thì sẽ mất bao nhiêu đất? Năm viết di chúc, thập niên 60, Hồ Chí Minh thật sự đã làm cuộc "cách mạng" về phong tục chôn cất của Việt Nam khi yêu cầu thiêu xác, vào thời điểm đất nước còn chiến tranh, loạn lạc.

Xem thời sự, về lễ tang ông Lê Khả Phiêu, con trai có ngậm ngùi "không thực hiện ý nguyện rải tro cốt" của thân phụ ở 3 dòng sông. Anh còn nói thêm, vì dịch covid, lễ tang của cha không được kéo dài; vậy nếu bình thường sẽ kéo dài bao lâu? Một quốc tang cho lãnh đạo chắn sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc hơn đám tang của người bình dân, chưa kể, các vị lãnh đạo cấp cao nằm trong ban tang lễ phải bỏ thì giờ vàng ngọc của quốc gia để tham dự nghi lễ. Thời covid, sức khỏe của các vị cần phải được bảo vệ kỹ lưỡng. Gần với xác chết, dẫu là của vị tổng bí thư, ai bảo đảm hoàn toàn không lửng lơ vài con vi rút trong không khí nơi tang lễ?

Di nguyện của chủ tịch nước, của tổng bí thư, tại sao là con dân, con cháu, không ai chịu thực hiện để người quá vãng mỉm cười nơi chín suối?  Người xưa: "Bách thiện, hiếu vi tiên". Trăm điều thiện, hiếu để là trên hết.

Di nguyện người mất là hỏa táng không được con cháu thực hiện, điều đó có làm người ta suy nghĩ gì không?

Chết không phải là hết.

LÝ DO SỐ NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT ỦNG HỘ DONALD TRUMP.

(Why some Vietnamese Americans support Donald Trump)

Vấn đề chủng tộc và phân biệt chủng tộc đang nổi lên ở Hoa Kỳ khi người Mỹ sắp bầu cử vào tháng 11.

Tuy nhiên, mặc cho bất ổn chủng tộc làm rung chuyển nước Mỹ trong 3 tháng qua, tổng thống HK Donald Trump vẫn được ủng hộ ở các cộng đồng thiểu số, trong đó có những người Mỹ gốc Việt.

Trong một cuộc thăm dò không chính thức, do một nhà báo gốc Việt thực hiện trên Facebook, có tới 94% người trả lời cho cô nói rằng, họ sẽ bầu cho Trump vào tháng 11 tới.

Và một video mới đây cho thấy một số người Việt đang trên đường đến Tòa Bạch Ốc để tuyên bố ủng hộ Trump.

Tại sao vậy?

Những người Mỹ gốc Việt này có ý định bỏ phiếu (cho Trump -ND) vì các vấn đề nội địa liên quan đến cuộc sống nhiều mặt ở Hoa Kỳ, hay vì các vấn đề liên quan quê nhà, hoặc những gì họ gọi là “nền chính trị của cộng đồng”?

LỊCH SỬ LỆ THUỘC

Là những nhà nghiên cứu về cộng đồng, người cùng viết bài này với tôi, cần nhắc tới một lịch sử lệ thuộc.

Việt nam có một lịch sử lệ thuộc và nô dịch dưới bàn tay những người Trung Hoa, người Pháp, người Mỹ. Họ kiên cường, gian khổ bảo vệ nền độc lập của mình nhưng con đường đi chẳng chút dễ dàng.

Đặc biệt như thế vào năm 2020, khi VN đang đối mặt với sự đe dọa rất lớn khi Trung Quốc ra sức thống trị khu vực, gồm cả Đài Loan và Hồng Kông.

Hãy nhìn qua lịch sử để hiểu các vấn đề.

Ở phương Tây, chiến tranh Việt Nam thì ai cũng biết, nhiều tư liệu ghi chép. Nhưng trong một số người Việt, mấy chữ “Chiến tranh VN” là cách gọi không đúng. Họ coi chiến tranh là do người Mỹ gây ra.

Nhưng trước khi người Mỹ đem quân qua, người Pháp thiết lập thuộc địa, Việt Nam từng nằm dưới ách đô hộ của người Trung Quốc hơn 1000 năm, từ 111 năm trước công nguyên đến năm 938.

Đất nước thống nhất năm 1975 sau khi quân cộng sản Bắc Việt đánh đuổi được người Mỹ.  Và năm 1979 xảy ra một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu ở biên giới khi Trung Quốc có ý định xâm lược và khống chế Việt Nam.

Việt Nam có thể hòa giải với Mỹ và Pháp, nhưng khi nhắc đến Trung Quốc lại xuất hiện một cảm giác mất lòng tin sâu sắc. Cảm giác này càng mạnh hơn trong các năm gần đây, khi TQ đang thực hiện mưu đồ kiểm soát một số vùng của biển Đông.

Những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải này rất quan trọng, không những đối với tài nguyên thiên nhiên mà chúng còn đem lại Trung Quốc quyền đi lại an toàn trong buôn bán và sự di chuyển của lực lượng hải quân. Trong mấy năm qua, cả người Việt Nam trong nước lẫn người đang sống ở nước ngoài đều phản đối, chống lại dự luật Đặc khu kinh tế, bị xem là phương cách giúp Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng lên đất nước.

DI DÂN NGƯỜI VIỆT.

Sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, cuộc di dân khổng lồ thoát khỏi một Việt Nam cộng sản bằng tàu thuyền để tìm tự do. Giữa những năm từ 1975 đến 1997, hơn 1,6 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, Hoa Kỳ tiếp nhận số lượng nhiều nhất người tỵ nạn trong làn sóng di dân này.

Ngày nay, tổng số cộng đồng  người Việt thế giới ước đoán chừng 4,5 triệu.

Trong số đó có khoảng 1,3 triệu người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, con số thật sự có thể khoảng 2 triệu người tự cho mình là chủng tộc pha trộn.

Ngay cả khi Trump thường ca ngợi chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình, quan hệ giữa tòa Bạch Ốc và Trung Quốc chẳng có gì là thân thiện.

Chính quyền Trump tái thương thuyết các thỏa thuận thương mại và đánh thuế quan vào hàng nhập khẩu của TQ. Các biện pháp cấm vận và trừng phạt cũng được đưa ra sau khi TQ thông qua luật an ninh mới lên Hong Kong.

Tháng vừa rồi, Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án các tuyên bố chủ quyền của TQ trên biển Đông, lập luận các tuyên bố như thế là bất hợp pháp. Và hiện nay, Trump ký một sắc lệnh cho phép một ứng dụng truyền thông xã hội Tiktok cho tới giữa tháng 9 thì phải bán lại cho Mỹ, hoặc phải bị cấm chỉ.

KHÔNG THÍCH CỘNG SẢN

Ảnh: Cảnh dân chúng di tản khỏi sự chiếm đóng của quân Bắc Việt ở cảng Đà Nẵng năm 1975.

Giống như người Ukraine và các người Đông Âu khác, bỏ nước ra đi trong đệ nhị thế chiến, sinh sống các nước khác, cộng đồng người Việt không thích cộng sản.

Do vậy, họ có mối quan hệ rắc rối với chính quyền cộng sản hiện thời của VN. Họ yêu nước nhưng không hẳn phải yêu chính quyền.

Đối với những ai là bộ phận của cộng đồng người Việt ở Mỹ, ủng hộ Trump phát xuất không chỉ vì luận điệu chống chủ nghĩa xã hội của ông ta mà còn vì hy vọng và quan niệm ông sẽ tiếp tục đứng lên chống TQ, và như thế gián tiếp bảo vệ Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc gia rộng lớn hơn, lá phiếu chọn lựa của người Việt có vẻ không ảnh hưởng mấy nhưng nếu chúng ta xem xét số người sống ở những bang đấu đá quyết định (battleground), lá phiếu của họ có thể sẽ làm nên chuyện.

DỊCH Ở MỸ THỜI XƯA

Viết nhân câu chuyện một thầy giáo mắc Covid đi coi thi ở Quảng Nam, lấy nguồn từ CNN. Dịch cúm 1918 cho chúng ta biết học sinh Mỹ được nhà nước họ quan tâm cỡ nào, cách nay hơn 100 năm.

Hiện có hai luồng dư luận, mở hay nên đóng cửa trường lúc có đại dịch, trong một số người ở Mỹ, nước dự đoán có 260.000 người chết vì vi- rút cuối năm 2020, nếu các biện pháp khống chế không tốt hơn.

Năm 1918, bệnh cúm (influenza) giết chết 675.000 người Mỹ trước khi nó chấm dứt. Hầu hết các thành phố đều đóng cửa trường học chỉ có ba "ông" này là không: New York, Chicago, và Haven. Quyết định của quan chức y tế dựa trên giả thuyết, học sinh an toàn hơn, sức khỏe tốt hơn khi chúng ở trường. Lý do, đây là “Thời phát triển” (Progressive Era), y tế học đường được chú trọng và số y tá phục vụ học sinh nhiều hơn người ta nghĩ so với ngày nay.

Ảnh: Nơi chữa trị người bị dịch cúm

New York có 1 triệu học sinh nhưng 75% số đó sống trong những căn hộ riêng biệt, đông đúc, thiếu vệ sinh. Đối với chúng, trường học đem lại môi trường sạch sẽ, thoáng khí; thầy cô giáo, y tá, bác sĩ làm việc, theo dõi sức khỏe họ rất đều đặn.

New York là một nơi ác liệt nhất, cúm tấn công mạnh nhất; học sinh rời khỏi nhà để đến các ngôi trường học rộng rãi, thoáng khí, sạch sẽ, sức khỏe đều được kiểm tra đều đặn. Học sinh không được phép tụ tập bên ngoài trường lớp, phải báo cáo cho thầy cô mọi thứ. Thầy cô kiểm tra học sinh, xem em nào có dấu hiệu sốt, em đó lập tức bị cách ly, nhân viên y tế đem họ về nhà, bác sĩ xem xét bệnh, có nên cách lý và chăm sóc hay phải đưa đi bệnh viện. Bộ phận y tế yêu cầu gia đình học sinh bị sốt dưỡng bệnh tại nhà phải có một bác sĩ gia đình theo dõi, hoặc là kêu dịch vụ bác sĩ tất cả không phải mất tiền.

500.000 học sinh ở Chicago cũng theo cách như thế. Mở cửa trường học giữ chân học sinh không để chúng ra đường, tránh những nơi người lớn đang bệnh. Tỷ lệ học sinh vắng mặt rất cao, cũng không sao, nhà trường vẫn mở cửa. Quyết định mở cửa trường của thành phố có thể hiểu được.

TRUNG QUỐC TRƠ TRỌI

(China Alone)

NEW DELHI. Trong bài diễn văn đầu năm mới, chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố, 2020 là năm đánh dấu một “cột mốc quan trọng”. Tập đúng, nhưng không đúng như ý ông ta. Còn xa mới “là bạn với mọi người trên mọi ngóc ngách thế giới”, ông ta khoe khoang trong bài diễn văn, Trung Quốc làm hại nghiêm trọng uy tín mình khắp hành tinh, xa lánh đối tác, chỉ còn giữ mỗi một động cơ: vũ lực thô bạo.  Viễn ảnh bị cô lập có kìm hãm tham vọng đế quốc của Tập hay không thì hãy còn phải xem.

Các sử gia hầu hết xem 2020 là một năm của biến động. Nhờ Covid-19, nhiều nước mới vỡ ra bài học về chuỗi cung ứng chỉ dựa mỗi Tàu; thái độ quốc tế đối với chế độ cộng sản TQ đã thay đổi.

Thủy triều chuyển hướng khi có tiết lộ cho thấy, Đảng Cộng sản TQ che giấu thông tin quan trọng về Covid-19, lần đầu tiên tìm thấy ở Vũ Hán – theo một báo cáo xác quyết bởi tình báo Hoa Kỳ. Tồi tệ hơn, Tập Cận Bình cố tâm làm giàu trên dịch bệnh, ban đầu, bằng cách tàng trữ các dụng cụ y tế - một thị trường TQ chi phối - sau đó, đẩy mạnh các bước bành trướng hiếu chiến, đặc biệt trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh địa chính trị trong khu vực, khiến các cường quốc khác đều phải chuẩn bị đối địch với TQ.

Trước mắt, Nhật Bản hiện giờ có vẻ bắt đầu hợp tác với Five Eyes (Năm Cảnh Giác) – liên minh thu thập, chia sẻ thông tin tình báo lâu đời nhất thế giới gồm Úc, Canada, Tân Tây Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Liên minh “Six Eyes” (Sáu Cảnh Giác) sẽ là trụ cột quan trọng đối với an ninh Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bộ Tứ, gọi là Quad, gồm Úc, Ấn, Nhật, Mỹ đang cân nhắc đẩy mạnh sâu hơn hợp tác chiến lược của họ. Đặc biệt, đây là một thay đổi đáng kể đối với Ấn Độ từng nhiều năm cố làm lành với TQ.

Như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông O’Brien, mới đây nhấn mạnh: “Càng về sau, người Trung Quốc càng lấn lướt Ấn Độ”. Từ cuối tháng tư, quân đội Giải phóng nhân dân đã chiếm một số vùng Ladakh ở phía bắc Ấn Độ, nung nóng thêm xung đột biên giới từ lâu đang sôi sục. Điều này khiến thủ tướng Ấn ông Narendra Modi chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc chuyển hướng.

Modi đang xem xét lời mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar hằng năm với Nhật, Mỹ, Ấn cuối năm nay. Úc rút khỏi cuộc tập trận năm 2008 khi chỉ có hai nước Hoa Kỳ và Ấn Độ. Mặc dù Nhật tập trận lại bình thường vào năm 2015, Ấn dè dặt không muốn mời Úc tham gia, vì lo ngại Trung Quốc. Lần này thì không. Với sự tham gia của Úc ở Malabar, bộ Tứ sẽ có một sân chơi chính thức, thiết thực, cho diễn tập hải quân.  

Hiện tại, hợp tác bộ Tứ đang đạt được một số sức mạnh chiến lược. Tháng 6, Úc và Ấn đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần hỗ tương, tăng cường khả năng tương tác quân sự, qua các hoạt động quốc phòng song phương. Ấn có một ký kết tương tự với Hoa Kỳ và sẽ sớm có một ký kết với Nhật Bản.

Về phần mình, Nhật mới đây tham gia cùng Úc, Ấn, Anh làm đối tác chia sẻ tin tình báo bằng việc điều chỉnh luật bí mật quốc gia 2014, trước đó chỉ có trao đổi với một mình Hoa Kỳ. Điều này tăng cường hợp tác an ninh Nhật theo luật 2016, xem xét lại hiến pháp sau chiến tranh Thái Bình Dương do Mỹ áp đặt, cho phép Nhật bây giờ có thể trợ giúp đồng minh khi họ bị tấn công.

Như thế, các nước dân chủ vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương đang hình thành gắn kết chiến lược sâu hơn trong nỗ lực đối phó lại hành động xâm lấn ngày càng tăng của TQ. Bước tiếp hợp lý đối với các nước này là nắm một vai trò phối hợp, đồng bộ nhiều hơn nhằm thúc đẩy an ninh khu vực rộng lớn hơn. Vấn đề còn lại là lợi ích an ninh Mỹ, Úc, Ấn, Nhật lại không hoàn toàn giống nhau.

Với Ấn Độ và Nhật Bản, đe dọa an ninh từ TQ đặt ra gay gắt và cấp thiết hơn, với thái độ hung hăng của TQ chống Ấn Độ, và họ thường xuyên gia tăng xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản. Hơn nữa, là nước duy nhất trong bộ Tứ giữ vị trí phòng thủ trên bộ, Ấn Độ còn phải đối mặt viễn cảnh xung đột nghiêm trọng với TQ trên biên giới ở Hy mã lạp sơn.

Trái lại, Hoa Kỳ chưa bao giờ nghĩ đến chiến tranh trên bộ với TQ. Mục tiêu hàng đầu của họ là chống lại thách thức địa chính trị, ý thức hệ, và kinh tế đối với vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo đuổi của Mỹ về mục tiêu đó sẽ là di sản chính sách đối ngoại ảnh hưởng nhất đối với tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, Úc phải có hành động cân bằng khéo léo. Trong lúc muốn bảo đảm giá trị và ổn định khu vực, họ vẫn phải duy trì phụ thuộc kinh tế vào TQ, nước chiếm một phần ba hàng nhập khẩu của mình. Vì vậy, ngay cả theo đuổi gắn bó hơn với bộ Tứ, Úc cũng đã từ chối lời mời của Mỹ tham gia tuần tra hàng hải ở biển Đông. Như bộ trưởng ngoại giao, Marise Payne, tuyên bố mới đây, Úc “không có ý định làm tổn hại” quan hệ với TQ.

Tuy nhiên, nếu TQ tiếp tục theo đuổi chiến lược bành trướng, sự tránh né như thế sẽ không còn biện hộ được nữa. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Taro Kono mới đây tuyên bố “sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế” rằng TQ “phải trả một giá đắt” cho chủ nghĩa xét lại võ biền ở biển Đông, biển Hoa Nam, dãy Hy mã lạp sơn, và Hong Kong. Ông ta đúng – khi nhấn mạnh “giá đắt”.

Cho đến khi cái giá của chủ nghĩa bành trướng còn vận dụng, Tập Cận Bình sẽ vẫn dấn bước, tìm cách khai thác chính trị mùa bầu cử, sự chia rẽ, phân cực trong các nước dân chủ lớn. Các cường quốc dân chủ lớn ở Ấn Độ- Thái Bình Dương phải không cho điều đó xảy ra, có nghĩa là cái giá để TQ không còn vận dụng mãi.

Machiavelli (1) viết một câu nổi tiếng: “Thà (họ) sợ hãi  (mình) hơn là được yêu mến”. Người ta không sợ Tập bằng thù ghét ông ta. Điều đó sẽ có ý nghĩa nhỏ bé, trừ phi các nước dân chủ Ấn Độ- Thái Bình Dương cùng chung tay hành động, đề ra phương sách ngăn chặn TQ bành trướng, điều phối chiến lược an ninh của mình, đóng góp xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp. Tầm nhìn của các nước ấy phải được làm sáng tỏ, chuyển thành một sự tiếp cận chính sách rõ rệt, hậu thuẫn bởi một sức mạnh có tính chiến lược thực sự. Nếu không như thế, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục sử dụng vũ lực thô bạo để gây bất ổn Ấn Độ - Thái Bình Dương thêm nữa, biết đâu không là một cuộc chiến tranh.

Ảnh trong bài: Tổng thống Mỹ, thủ tướng Nhật, thủ tướng Ấn.

Bài viết của BRAHMA CHELLANEY(2) Aug 21, 2020. Nguyễn Long Chiến, dịch.

(1) Triết gia chính trị người Ý đầu thế kỷ thứ 16, nổi tiếng thế giới với tác phẩm Quân Vương. Kinh nghiệm cho ông thấy, chính trị luôn đi kèm với sự lừa dối, phản bội và tội ác (theo Wikipedia).

(2) Giáo sư dạy Nghiên cứu chiến lược, trung tâm Nghiên cứu chính sách, ở New Delhi, Ấn Độ, thành viên Học viện Robert Bosch, Berlin, Đức.