Saturday, January 27, 2024

HÉ MỞ LỊCH SỬ “HIỆP ĐỊNH PARIS” DƯỚI CÁI NHÌN NGƯỜI MỸ

Vài lời cùng quý vị. Trốn dịch, tôi tình cờ thấy tư liệu này trên ASSOCIATION FOR DIPLOMATIC STUDIES & TRAINING (hội Nghiên cứu và đào tạo ngoại giao), chủ trang ông Coolbenm, xin dịch hầu quý vị quan tâm lịch sử cận đại VN.

NÓI RẰNG CHÚNG TÔI CHÁN NẢN CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ NÓI QUÁ ĐÁNG

To say that we were depressed would be a colossal understatement”

Đương nhiên bước tiếp của chúng tôi là đến Sài Gòn để trình bày thỏa thuận tuyệt vời vừa đàm phán xong. Không hẳn hài lòng lắm nhưng các vấn đề cơ bản được giải quyết, chúng tôi cho rằng bấy giờ có được một thỏa thuận khung, dạng dự thảo, và cần sự chuẩn thuận của bộ chính trị ở Hà Nội, của tổng thống Mỹ. Hẳn nhiên, chúng tôi nói rõ với phía Bắc Việt rằng sẽ thuyết phục với đồng minh Nam VN về bản dự thảo này.

Trước khi đến Sài Gòn để tổng thống Thiệu xem xét hiệp định, chúng tôi đánh điện trước để khái quát nội dung chúng tôi đang nắm. Tôi quên mất thuật ngữ lúc đó nhưng chúng tôi nói đó là một bước đột phá, có thể là một thỏa thuận, hay đại loại như thế. Chúng tôi cho ông Thiệu biết qua đại sứ Mỹ Bunker là sẽ bàn luận về dự thảo hiệp định với ông. Chúng tôi đến Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm 1972.

Chúng tôi đến văn phòng tổng thống Thiệu và Kissinger trình bày quyền lợi phía VN khi chấp nhận thỏa thuận, cũng như sự bảo trợ của người Mỹ. Trường hợp có vi phạm, tổng thống Nixon sẽ đáp trả mạnh mẽ. Ông Thiệu nên tin chúng tôi có thể bảo đảm thực thi hiệp định.

Kissinger nói rằng đây là một thỏa thuận tốt nhất chúng tôi đạt được, căn cứ vào sự hỗ trợ từ nội bộ nước Mỹ. Chúng tôi thực thi nhiệm vụ cũng vì Nam Việt Nam. Chúng tôi đàm phán rất gay cấn để bảo đảm ông Thiệu còn quyền lực. Chúng tôi sẽ viện trợ đáng kể về kinh tế và quân sự cho ông. Chúng tôi sẽ ào ạt viện trợ bổ sung cho Nam VN trước khi thỏa thuận được ký, nhờ vậy, ông sẽ ở vào vị thế mạnh nhất có thể, trước khi các điều khoản thực thi có hiệu lực. Nỗ lực này gọi là Kế hoạch ENHANCE (tăng cường), đại loại như thế.

Chúng tôi bảo sẽ ném bom trở lại nếu Bắc Việt tấn công hay vi phạm hiệp định. Chúng tôi bảo sẽ giúp đỡ đầy đủ VN về mặt ngoại giao, cũng như viện trợ quân sự và kinh tế. Chúng tôi nói rằng đã làm việc với người Trung Hoa, người Nga, cô lập Hà Nội, buộc họ cắt viện trợ cho Bắc Việt, nếu có thể được, và rằng đây rõ ràng là ý định của chúng tôi. Ngoài ra còn sự mở rộng viện trợ, chúng tôi thỏa thuận với Bắc Việt giúp họ tái thiết miền Bắc.

Khi tổng thống thiệu nghe trình bày của chúng tôi, ông không có phản ứng gì. Ông chỉ lắng nghe. Chúng tôi không có lý do gì để bi quan sau cuộc gặp mở đầu…Khi cuộc gặp thứ hai xảy ra, chúng tôi bị phản bác dữ dội. Ông Thiệu rất tức giận về hiệp định, gần như mất kiểm soát. Điểm mấu chốt là sự hiện diện tiếp tục của quân đội Bắc Việt (ở Nam VN).

Ông vạch ra tất cả từ ngữ ông cho là yếu thế, khi nói về giám sát quốc tế, tiếp vận, số lượng viện trợ, và nhiều thứ nữa. Ông phàn nàn hầu như mọi cái, nhưng trên hết là sự hiện diện tiếp tục của quân đội Bắc Việt ở lãnh thổ miền Nam. Thứ đến, Thiệu nói thực sự chúng tôi đánh lừa ông ta. Ông cho rằng hiệp định này đi quá xa những điều chúng tôi đã báo cáo và dành phần quyết định cho ông.

Sau cùng, trong khi đàm phán hiệp định, chúng tôi đã quyết định số phận của miền Nam VN. Ông bảo, bây giờ các ông đến tôi, chỉ vài tuần trước ngày bầu cử của các ông, buộc tôi chấp thuận hiệp định này, một hiệp định kết liễu số phận đất nước của tôi, đồng bào của tôi chỉ trong một vài ngày. Ông nói, hiệp ước đã sai về nguyên tắc, lại nhầm lẫn về nhận thức, với cái việc người Mỹ dí vào cổ tôi một cái hiệp định, mà không hề đoái hoài đến số phận của người dân miền Nam VN.

THẬT ĐIÊN ĐẦU. CHÚNG TÔI THẤY VÔ CÙNG CHÁN NẢN VỚI PHẢN ỨNG CỦA ÔNG THIỆU. TỔNG THỐNG NIXON VÀ ALEXANDER  HAIG CÒN “HÀNH HẠ” CHÚNG TÔI.

“It was maddening. We were very depressed anyway, because of Thieu’s reaction. We had President Nixon and Al Haig beating up on us.”

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Rốt cuộc thì đây là thời kỳ hết sức gay cấn và chán nản, nói một cách ngắn gọn. Không phải là vấn đề nói về cái việc chúng tôi lại phải trở về, chỉnh cái này hay sửa cái khác, hay vấn đề kia. Ông Thiệu hầu như bác bỏ toàn văn hiệp định. Không phải là bác bỏ hiệp định chính thức. Ông nói: “Chúng tôi cần thay đổi những điều thế này”. Nhưng ông ta đòi hỏi quá nhiều thay đổi, chúng hết sức quan trọng, không thể nào cho thấy một giải pháp.

Nói chúng tôi chán nản cũng chưa phải là nói quá đáng…Chúng tôi chấm hết ba hay bốn ngày bàn luận hết sức gay cấn ở Sài Gòn. Chúng tôi báo cáo về cho tổng thống Nixon, qua trợ lý cố vấn an ninh Alexander Haig, qua kênh thông tin mật, nhằm giải mã kép các tín hiệu gửi đi. Chúng tôi báo cáo rằng  ông Thiệu phản ứng quá đáng, cùng những điều ông ta muốn.

Tổng thống Nixon và ông Haig hồ nghi về hiệp định còn hơn chúng tôi. Họ coi trọng sự đột phá chúng tôi có được, nhưng họ không hăng hái mấy về nó như Kissinger và đội ngũ của ông ta, không kể đến Negroponte. Trên tất cả, Nixon không muốn thấy rạn nứt với đồng minh chúng tôi. Nói cho chí tình, đó là đất nước của họ.

Vì vậy, chúng tôi nán ở lại Sài Gòn một đôi ngày sau sự cố ban đầu nhằm thuyết phục tổng thống Thiệu linh hoạt hơn, cũng như ghi nhận những yêu cầu của ông ta. Vào lúc đó chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải quay lại Hà Nội, cố giải quyết các mối quan ngại hàng đầu của ông Thiệu. Các quan ngại dường như quá lớn đến nỗi đem lại thất vọng.

Trong khi đó, chúng tôi đánh điện về Washington, báo cáo kết quả các cuộc nói chuyện với ông Thiệu. Thật điên cái đầu, bởi một trễ nải thời gian khi đánh điện tín, đặc biệt phải đánh điện tín mang nghĩa kép (để bảo mật -ND)

Lại điên cái đầu. Chúng tôi thấy quá chán nản vì phản ứng của ông Thiệu. Chúng tôi lo lắng quá đỗi về nguy cơ đổ vỡ hiệp định. Tổng thống và Al Haig “hành hạ” chúng tôi, rồi trục trặc đường dẫn thông tin vì khác múi giờ, rồi các cuộc gián đoạn liên lạc, rồi quá trình giải mã kép tín hiệu. Chúng tôi luôn luôn có một thông điệp đằng sau những việc đó.

Chúng tôi rời Sài Gòn với nhiều yêu cầu thay đổi của Nam VN trong hiệp định. Chúng tôi cũng phải có hành động trì hoãn với Hà Nội. Vào thời điểm đó, dĩ nhiên, không thể nào bay ra Hà Nội. Chúng tôi chỉ có thể đến đó khi chắc chắn tuyệt đối kết thúc được thỏa thuận.

Chúng tôi phải hoãn chuyến đi Hà Nội, hệ quả, Kissinger phải nói với phía Bắc Việt: “Nào, chúng tôi nói với quý vị ở Paris rồi, đây là một ký kết ổn thỏa và chúng tôi vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, chúng tôi không thể hoàn tất hiệp định này mà thiếu sự chấp nhận của Nam VN. Chúng tôi vẫn làm việc với các đồng minh và cố gắng thuyết phục họ. Tuy vậy, chúng tôi sẽ có một số thay đổi. Chúng tôi không thể thuyết phục phía Nam Việt Nam theo kiểu thế này. Chúng tôi vẫn tôn trọng các thỏa thuận cơ bản. Chúng tôi cho rằng đó là một thỏa thuận tốt. Đừng bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với các ông. Bây giờ, tôi chưa thể đi Hà Nội được”.

Vì vậy, chúng tôi trở lại Washington. Tôi không biết bao lâu chuyện này xảy ra nhưng trong một hay hai ngày, một thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nội, đả kích Hoa Kỳ, tổng thống Nixon, và Kissinger. Thông báo nêu rõ, Hoa Kỳ đã đồng ý một ký kết với Hà Nội, và giờ đây, dưới chiêu bài không thể khiến tay sai (lackey) của họ phải làm gì, Hoa Kỳ rút lại các dàn xếp chúng tôi đã đạt được.

Hà Nội cho biết phía Mỹ đã phá vỡ một hiệp định nghiêm chỉnh với họ và hủy bỏ thỏa thuận để Kissinger ghé thăm Hà Nội. Cho nên họ tiến hành công bố toàn văn hiệp định chúng tôi đạt được trước đó.

THÁNG 10, 1972: CƠ MAY CHÚNG TÔI TÌM KIẾM.

(October 1972:  “It was the break that we were looking for”)

Khi gần đến tháng giêng năm 1972, dần dần chúng tôi đi đến một quyết định ý nghĩa đối với Tổng thống, để ông có một bài phát biểu công khai, quan trọng một lần nữa về (vấn đề) Việt Nam. Trong bài phát biểu, tổng thống sẽ khái quát chiến lược và mục tiêu của Mỹ, gọi là Việt Nam hóa chiến tranh (một chủ trương phát triển, trang bị, huấn luyện quân đội Nam VN, giao cho họ vai trò tăng cường chiến đấu, cùng lúc, từ từ cắt giảm số binh sĩ chiến đấu Hoa Kỳ), đánh giá lại tiến triển đã đạt, số thương vong, số quân thấp xuống ở Việt Nam.

Trên hết, tổng thống sẽ tiết lộ, sự thật là chúng tôi có một đề xuất hợp lý với Bắc Việt, và có lúc phải tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với họ. Và còn tùy vào Hà Nội có đáp ứng nào không. Tôi nghĩ vào cuối năm 1971, phía Mỹ còn bồi thêm 5 đề xuất nữa từng đưa ra hồi tháng 5, 1971. Thật sự là chúng tôi làm  y như thế.

Chúng tôi còn tổ chức các cuộc gặp bí mật từ tháng 6 kéo dài cho đến tháng 9 năm 1971. Tôi tin rằng chúng tôi phơi bày hết cốt lõi đề nghị, chỉ còn làm sáng tỏ các chi tiết về một giải pháp quân sự thế nào thôi. Chừng tháng giêng năm 1972, người ta quyết định cho công bố các cuộc đàm phán bí mật trước đó, bởi vì phía Hà Nội vẫn không nhúc nhích, mà chúng tôi lại bị chỉ trích quá nhiều ở trong nước cũng như các nơi trên thế giới.

Thế là có bài phát biểu của Nixon ngày 25 tháng giêng 1972. Giống như tất cả các bài phát biểu dạng này, tôi phải đích thân sửa soạn kỹ lưỡng bản thảo. Tất nhiên phải có người biên tập lại với một thứ tiếng Anh trôi chảy trong khi tôi chỉ làm phần chính của bài phát biểu.

Chúng tôi lại qua Paris để có cuộc gặp vào tháng 10 năm 1972, và lần này thì Lê Đức Thọ đã có quà cho chúng tôi. Phía Mỹ còn phải cật lực nhiều về “món quà”, nhưng về cơ bản, đây là cơ may chúng tôi đang tìm kiếm. Nó kết hợp việc triệt thoái đơn phương quân đội Mỹ với việc trao trả tù binh, về mặt quân sự. Ngôn ngữ trong đề xuất khá cụ thể về phương diện này.  

Đề xuất của phía Bắc Việt cũng gồm cuộc ngừng bắn tại chỗ, có thỏa thuận giám sát quốc tế. Bắc Việt đã không còn khư khư chuyện thành lập chính phủ liên hiệp nữa. Vẫn còn một số đàm phán gay go nhưng đã có  tiếng nói mới mẻ hơn. Họ đề nghị một thỏa thuận hòa giải dân tộc, nhưng thật sự, vẫn để trống chỗ cho tổng thống Thiệu cầm quyền ở Sài Gòn. Vậy là, Bắc Việt từ bỏ đòi hỏi chính trị họ từng đeo bám rất nhiều năm.

CHÚNG TÔI ĐÀM PHÁN THÊM MẤY NGÀY. NGÀY CUỐI MẤT CẢ 14 TIẾNG ĐỒNG HỒ.

(“We had several days of further negotiations. The last day ran for 14 hours straight.”)

Theo quan điểm của tôi, không nói Nixon hay Kissinger, các đòi hỏi này là cái chúng tôi không nên thỏa thuận.

Chúng tôi gặp lại người Bắc Việt, thảo luận thêm mấy ngày, cho đến 11 tháng 10, cố thêm, bớt bản dự thảo, và thường thì phải thông tin cho Washington và Sài Gòn. Ngày cuối kéo dài đến 14 tiếng đồng hồ. Như thường lệ, chúng tôi sửa soạn bản thảo đúng nguyên văn, thậm chí đi tắm cũng không có thì giờ, cà phê "nươm" sẵn để tôi làm cho tròn việc.

Chúng tôi phải được bảo đảm trao trả tù binh Mỹ từ cả Lào và Campuchia; chúng tôi còn buộc phía Cộng sản phải rút quân ra khỏi và ngừng bắn tại đó. Đó lại là vấn đề. Vấn đề khác là cho phép viện trợ quân sự cho hai phe sau ngừng bắn.  Sau đó là các chi tiết về cơ chế giám sát quốc tế, rồi định vị khu Phi quân sự (DMZ). Vùng này thực sự chia đôi hai bên Nam và Bắc Việt Nam.

Có nhiều chi tiết cần giải quyết, nhiều vấn cần dàn xếp, nhưng cơ bản, bước đột phá đã có. Bắc Việt không còn khăng khăng về chính phủ liên hiệp nữa.

Ngôn ngữ của dự thảo làm rõ chi tiết, tổng thống Thiệu vẫn nắm quyền, trong khi gợi ý sẽ có một cuộc thương thuyết dẫn đến một chính phủ hòa giải dân tộc. Chúng tôi cố làm cho văn bản càng mơ hồ, càng tối nghĩa, càng tốt. Mục tiêu thật sự là giữ chính quyền Sài Gòn nắm quyền lực.

11 tháng 10 năm 1972 là ngày cuối cùng đàm phán. Vì vậy còn có 4 ngày đàm phán, trong đó 1 ngày kéo dài 14 tiếng đồng hồ. Kissinger chuẩn bị quay về báo cáo cho tổng thống Nixon. Bước đầu, chúng tôi đồng ý có một thỏa ước sơ thảo, nhưng với các vấn đề nổi cộm có tính thứ yếu cũng cần được giải quyết.

Vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật về các câu chữ cụ thể thế nào, đại loại như thế. Vì vậy, đây là thời gian kéo dài đuối sức mấy ngày trời, kể cả ban đêm, các buổi họp viết lại bản dự thảo, rà soát, đánh điện tín, báo cáo, đầy đủ cho Sài Gòn lẫn Washington, cũng như chuẩn bị các đề mục trao đổi cho ngày hôm sau. Chúng tôi còn chuẩn bị một số đề xuất mới, ngoài việc ghi chép đúng nguyên văn, các việc khác nữa.

Tôi được ở lại Paris với nhân viên phục vụ nước ngoài Dave Engle, người từng là phiên dịch chính tiếng Việt trong các buổi đàm phán cho chúng tôi ở sở Ngoại vụ. Chúng tôi ở lại để bàn các chi tiết kỹ thuật với phía Bắc Việt, làm rõ thêm một số vấn đề ít quan trọng hơn. Ngày hôm sau, chúng tôi ngồi xuống cùng phía Bắc Việt. Tôi không nhớ đã bàn những chi tiết gì trừ cái chuyện tôi thấy mình vừa phấn khởi lại vừa rã rời, đuối sức.

HỌ (BẮC VIỆT) CHƯA MUỐN KÝ KẾT.

(“They were not in a mood to compromise”)

Tháng 7 năm 1971, chúng tôi ở Paris sau một chuyến đi bí mật đến Trung Quốc. Thế giới chẳng những không biết chuyến đi bí mật đến TQ, họ cũng chẳng biết chúng tôi có những cuộc gặp bí mật với người Bắc Việt, về mặt công khai, chúng tôi đang ở Paris. Nói một cách nào đó, thì giữ bí mật các cuộc thương thuyết này với Hà Nội còn rắc rối hơn là những chuyến đi Pháp vào cuối tuần từ Washington. Mọi người biết Kissinger đang ở Pháp, có lẽ họ theo dõi ông, theo nghĩa nào đó. Vì vậy, chúng tôi làm việc hết sức “kín kẽ” với đại sứ Mỹ khi đó là Richard Watson.  

NHẬT BẢN, VIỆT NAM DUY TRÌ QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC SAU THỜI ABE

(Vietnam, Japan to maintain strategic ties after Abe)

Shinzo Abe, vị thủ tướng phục vụ lâu nhất Nhật Bản, để lại nhiều di sản ngoại giao quan trọng, một di sản đáng kể nhất, đó là quan hệ chiến lược song phương giữa nước ông và Việt Nam. Vì vậy, khi rời khỏi chức vụ, có thật nhiều tâm tư cho cả hai nước.

Tuy nhiên, với những gì hai bên đạt được cho tới nay, các mối quan tâm chung, bối cảnh địa chính trị khu vực, căn bản là hợp tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản cần phải tiếp tục giữ vững.

Abe có đóng góp hết sức đáng kể cho sự phát triển quan hệ VN-Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ của ông, VN và Nhật Bản tuyên bố vào năm 2006, hai nước sau hết đã hướng tới hợp tác chiến lược cho hòa bình và thịnh vượng châu Á, một cột mốc lịch sử trong quan hệ ngoại giao hai nước.

Rồi vào năm 2014, nhiệm kỳ hai của Abe, nhờ ủng hộ kiên trì cho quan hệ quốc phòng và an ninh với VN trước đó, trong chuyến viếng thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên nâng cấp hợp tác hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện đối với hòa bình và thịnh vượng châu Á”, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Bên cạnh, Nhật ủng hộ VN giữ chức chủ tịch hiệp hội các nước Đông Nam Á và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Về các mặt này, sự từ chức đột ngột của Abe dễ dấy lên các câu hỏi về tương lai việc hợp tác chiến lược VN-Nhật Bản, đặc biệt về lĩnh vực an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, Nhật Bản có lẽ sẽ duy trì động lực thúc đẩy quan hệ chiến lược của mình với VN, cả hai mặt an ninh và kinh tế.

QUAN HỆ AN NINH

Về quan hệ an ninh hai nước, thời sau Abe, dù sẽ có vài điều chỉnh trong chính sách quốc phòng, Nhật vẫn tìm cách mở rộng hợp tác quốc phòng với VN.

Theo một báo cáo chính thức về hợp tác của bộ quốc phòng VN vừa công bố, hai bên đồng ý thúc đẩy các mặt quan hệ quốc phòng trong năm nay. Người ta suy đoán sự từ chức của Abe không biết có dẫn đến gián đoạn trong hiệp ước này không, cũng như không chắc chắn người kế nhiệm ông Abe có ưu tiên các quan hệ quốc phòng với VN.

Từ chức của Abe không thể tránh gây trở ngại các hoạt động quốc phòng phối hợp Nhật-Việt, ít nhất, trong thời gian chuyển quyền lãnh đạo. Tuy nhiên, còn lâu mới xảy ra trường hợp quan hệ Việt-Nhật bị rạn nứt.

Thoạt đầu, hai bên quan tâm sâu sắc sự hung hăng ngày càng tăng của TQ trong khu vực. VN và Nhật Bản đều có tranh chấp hàng hải với TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Do đó, hai nước cùng có các quyền lợi trong việc củng cố hợp tác an ninh hàng hải.

Vì các hành động quân sự gia tăng gần đây của TQ, nhận thức chung hai nước về mối đe dọa trực diện với TQ càng sâu sắc hơn, tạo ra xúc tác cho VN và Nhật Bản, hình thành các quan hệ về an ninh.

Thật sự, Nhật Bản và Việt Nam từng chứng kiến những thành tựu hết sức đáng kể trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải. Trong tháng 7, hai nước ký kết một hiệp ước, trong đó, Nhật Bản hỗ trợ VN xây dựng sức mạnh trên biển, bao gồm việc cung cấp 6 tuần duyên hạm thế hệ mới cho VN.

VN rất hoan nghênh việc này, tái xác nhận vai trò quan trọng của Nhật trong khu vực. Quan ngại chung về TQ và những thành quả có được trước đó trong quan hệ an ninh hai nước, đặt nền móng vững chắc cho việc đẩy mạnh hợp tác, vì vậy, nhiều khả năng mục tiêu quan hệ an ninh Việt Nhật hậu Abe sẽ được duy trì, thậm chí lớn mạnh hơn.

Một nhân tố khác, giúp giữ vững Việt Nam và Nhật Bản về mặt an ninh sau thời Abe là “chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương(FOIP) tự do và mở rộng” mà kiến trúc sư chính là ông Abe. Cộng với quan ngại trước đó về sự hung hăng ngày càng tăng của TQ, không cứ ai là thủ tướng kế nhiệm, chiến lược FOIP sẽ là công cụ giúp Nhật Bản trong một tương lai thấy được.

Trong chiến lược này, Nhật Bản đề cao vai trò quan trọng của ASEAN – trọng tâm và đoàn kết trong cấu trúc khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cũng như cam kết quốc phòng Nhật Bản đối với Đông Nam Á, được thể chế hóa trong “Tầm nhìn Viêng Chăn” vào năm 2016.

Nhờ vào vị trí trọng yếu trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ- Thái Bình Dương, VN là trung tâm cho “Chiến lược  Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở rộng”

Quan trọng hơn, là chủ tịch Asean năm 2020, quan trọng , nước dẫn đầu mặc nhiên (de facto) nổi bật của Asean, VN có thể có ảnh hưởng to lớn hơn vào nghị trình an ninh của khối Đông Nam Á. Điều này cho biết VN sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược FOIP của Nhật Bản, và Nhật Bản cần Việt Nam để tăng cường sức mạnh an ninh của mình với các nước ASEAN.

Về mặt này, dù cho Abe không còn là thủ tướng, chắc chắn người kế nhiệm sẽ củng cố an ninh của họ với VN lên tầm cao hơn.

QUAN HỆ KINH TẾ

Về lĩnh vực kinh tế, từ chức của Abe không làm cản trở tương lai quan hệ kinh tế Nhật -Việt, bởi có nhiều động lực đối ngoại và đối nội, để Tokyo thúc đẩy kinh tế với Hà Nội.

Đối ngoại, căng thẳng Mỹ-Trung đang tăng cao, cộng đại dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế VN-Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật Bản dần dần tách đầu tư ra khỏi TQ, đến các nước khác, gồm Đông Nam Á, ngỏ hầu giảm phụ thuộc vào sản xuất ở TQ trong, nhất là sau đại dịch.

Về phương diện này, VN là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty Nhật Bản, với sự thuận lợi, họ khống chế hiệu quả Covid-19 cho tới nay, và tăng trưởng GDP tương đối cao so với một số nền kinh tế các nước Đông Nam Á đang trong đại dịch.

Dựa theo thống kê trực tuyến của tập đoàn Kyodo News Nhật NNA thực hiện, VN là điểm đến đầu tư ở châu Á hứa hẹn nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Sự gia tăng trong các hoạt động kinh doanh người Nhật ở VN được coi là điểm tựa, duy trì động lực cho các quan hệ kinh tế Nhật-Việt. Vì lý do này, sự thu hút đang tăng của VN đối với công ty Nhật Bản là một tín hiệu tích cực để các quan hệ kinh tế đang nẩy nở giữa hai quốc gia.

Cũng cần chú ý, VN và Nhật Bản có sự hợp tác kinh tế bền vững từ rất lâu. Nhật là một trong các nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại VN. Năm 2019, Nhật đầu tư đứng hàng thứ ba ở VN, sau Singapore và Thái Lan. Vào tháng 7 năm nay, chính quyền Nhật trợ cấp 15 công ty để họ di chuyển tới các hãng xưởng VN, dọn đường cho một làn sóng đầu tư mới của người Nhật.

Về đối nội, Nhật có động cơ chiến lược mạnh mẽ nhằm tăng cường các hoạt động kinh tế với VN. Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu cạnh tranh vai trò dẫn đầu kinh tế ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với TQ, ảnh hưởng kinh tế của Nhật ở các quốc gia Đông Nam Á yếu thế hơn, theo như nhận định của Kei Koga, trường quốc tế S Rajaratnam, thuộc đại học Nanyang, Singapore.

TQ vẫn là đối tác lớn nhất với các nước ASEAN, đóng vai trò ảnh hưởng kinh tế nhất trong vùng. Do đó, về lâu về dài, đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước ASEAN sẽ hết sức quan trọng đối với Nhật Bản.

Hiện nay, tách các ngành kinh tế thiết yếu ra khỏi TQ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình ở Đông Nam Á, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực Nhật có lợi thế hơn TQ.

Nhờ vào vị trí cửa ngõ dẫn vào Đông Nam Á, VN là ưu tiên một trong trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Những năm gần đây, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng TQ ở VN, nổi bật nhất là đường sắt Cát Linh- Hà Đông, quá tai tiếng về giá thành, hiệu quả công nghệ kém và môi trường tồi tệ. Những cái này tạo hoàn cảnh thuận lợi cho Nhật Bản cạnh tranh với TQ trong lãnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thật ra, Nhật Bản bỏ xa TQ trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở VN, với tổng giá trị 208 tỷ đô la Mỹ so với 69 tỷ của TQ. Với thuận lợi ấy, người kế tục Abe chắc sẽ tiếp tục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở VN.

Với một nền tảng vững vàng như thế, sự hợp tác chiến lược toàn diện Nhật-Việt vẫn sẽ lớn mạnh trong tương lai, dù cho Abe không còn tại vị.

Chắc có vài điều chỉnh nhỏ trong chính sách đối ngoại Nhật Bản một khi có thủ tướng mới lên cầm quyền. Dẫu sao, các điều chỉnh ấy sẽ không ảnh hưởng lớn đến quan hệ Hà Nội và Tokyo, di sản của Abe sẽ là một sự khởi đầu quan trọng, tiếp tục thực hiện liên kết chiến lược Việt Nam -Nhật Bản.

Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Shinzo Abe cúi đầu chào quốc kỳ hai nước khi duyệt đội quân danh dự tại dinh thủ tướng ở Tokyo ngày 28 tháng 5 năm 2016.

Bài trên Asia Times ngày 5 tháng 9 năm 2020.  Nguyễn Long Chiến dịch.

NHỨT NGHỆ TINH

Quảng Nam là quê hương loại mì nổi tiếng Việt Nam: Mì Quảng (không dính dáng chi tới Quảng Ngãi hay Quảng Bình).

Nhiều người giàu nhờ làm lá mì, bán mỳ. Giàu nghĩa là khởi nghiệp bằng một quán ăn tồi tàn lên chỗ bán thênh thang thuê hàng chục người phụ việc. Ở Đồng Nai, bất kỳ một chiếc xe nào, xe con, xe tải, từ Quảng Nam, đi qua Dầu Dây đều ghé quán Thủy Tiên, ăn mì Quảng. Cách đây 20 năm, quán rất tuềnh toàng, khi khách vào, bà chủ trẻ tầm 30 vừa cho con bú, vừa tráng bánh, lá mì khi xắt bỏ vào tô, khói còn bốc lên. Người chồng vừa bưng tô, vừa lấy rau, vừa mời thực khách hồi ấy khá lèo tèo.

Nay, quý vị có lái xe ngang qua, ghé vào sẽ thấy không còn dấu vết chi của một quán ăn nghèo. Hàng chục dãy bàn, hàng chục người phục vụ, bà chủ 50 tuổi chỉ đi tới lui, nhắc nhở phục vụ khách. Tầng hầm có hàng chục nhà vệ sinh sạch sẽ, 2 chiếc xe hơi đời mới, một của con trai, đứa bé còn bú mẹ 20 năm trước, một cho ông chồng bưng bê thuở ấy.

Ở Đà Nẵng, ngay ngã ba Túy Loan, không người sành ăn nào không biết tên mỳ Quảng bà Tỉnh. Tên của bà nhưng con bà đứng bán vì bà không còn nữa. Bánh tráng bà Tỉnh, mỳ bà Tỉnh, những người sành ăn hàng đầu Đà Nẵng đều yêu chuộng. Bức ảnh bên dưới là nhà của "Bánh tráng bà Tỉnh", con bà xây dựng. Trong khuôn viên sang trọng vẫn có hàng chục vỉ tre phơi bánh.

Nhờ lá mì mà nhà cửa khang trang. Lò mì bà Tỉnh (tên thương hiệu truyền lại cho con cháu).

Lá mì, bánh tráng từ lá mì phơi khô, là nguồn sống, động lực làm 2 gia đình người Quảng trên trở nên giàu có. Tôi hỏi ra, cả 2 người phụ nữ chủ quán không học quá lớp nhất (lớp 5). Hiếm có tiến sĩ hay cử nhân có được tài sản như hai người "thất học" trên. Vì sao? Có thể vì tiến sĩ toán lại làm chủ tịch huyện, cử nhân tin học chạy xe ôm.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh là đó.

Vì sao người Việt quý trọng bằng cấp, và bắt con cái họ phải có bằng cấp? Cái này có nguồn gốc sâu xa. Nhiều thế hệ trước: học để làm quan, tú tài, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, là cây cầu đi đến danh vọng, từ danh vọng mang lại tiền tài. Học để có bằng, ít ai học để dễ bước vào đời nhờ kiến thức, tấm bằng chỉ là giấy chứng nhận cho kiến thức đó.

Tiến sĩ, giáo sư xứ người chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu. Tiến sĩ, giáo sư xứ ta là nấc thang danh vọng. Quan chức VN có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất thế giới so với tỷ lệ nằm trong guồng máy điều hành quốc gia.

Có nước như Mỹ chú trọng đào tạo người có tay nghề. Đại học của họ có hệ 2 năm và hệ 4 năm. Ở ta, có thêm hệ cao đẳng, nằm giữa trung cấp và đại học. Do chuộng đại học, sinh viên cao đẳng đều muốn "liên thông" lên đại học. Do đó, ra trường, lớp sinh viên " thứ thiệt" khá hiếm, đây có thể là lý do hàng năm, các trường đại học cung ứng cho xã hội hằng trăm ngàn người thất nghiệp. Đội ngũ Grab car, Grab bike ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước.

Tại sao sau lớp 9, 12, học sinh khả năng không thể học cao, không chọn cho mình một nghề, và học thật tinh nghề đó, khỏi tốn công đèn sách 4 năm đại học để làm cái nghề "chạy xe ôm" hay tham gia vào đội ngũ thất nghiệp có trình độ đại học?

Hay là làm "một cuộc cách mạng" trong tư duy mỗi người, phụ huynh và học sinh, với triết lý: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh?

Một người bưng mì Quảng, bán bánh tráng, sống được, sống khỏe, tại sao không là một "đột phá" trong bước đường đi vào cuộc sống, thay vì lao tâm khổ tứ, thi thi, cử cử, tốn biết bao nhiêu tiền cha mẹ, để rồi ra đời không sống nổi, hay sống bên lề xã hội của những người thất nghiệp?

Tất nhiên, bưng mì,  tráng bánh không phải là mục đích của bài viết này.

Mục đích là: sống bằng nghề, không phải sống vì bằng cấp. Tuy nhiên, thay đổi não trạng võng anh đi trước võng nàng đi sau của ông tú, ông cử, không dễ một sớm một chiều biến khỏi cái đầu của một người "An Nam" ngày nay.

Với "khai dân trí", và "thực học", cụ Phan Châu Trinh đi trước những con người vô số là giáo sư, tiến sĩ cả 100 năm, đến nay tại sao vẫn chẳng ai theo kịp?

ÁO DÀI, KHĂN ĐÓNG

Là hình ảnh quen thuộc của đàn ông thời quân chủ. Chống phong kiến, chống thực dân, khiến người ta "chống" luôn cái hình ảnh đặc trưng trang phục truyền thống ấy của đàn ông Việt.

Thời Việt Minh thấy cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố thỉnh thoảng có mặc quốc phục. Sang thời đệ nhất cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm cũng hay bận quốc phục trong các ngày lễ trọng đại của quốc gia. Sau khi tổng thống bị giết, nguyên thủ như Nguyễn Văn Thiệu không thấy mặc áo dài, khăn đóng như vị tiền nhiệm.

Mỗi quốc gia có mỗi quốc phục. Trung Quốc, Ấn Độ là nước lớn, cũng thấy lãnh đạo họ vận quốc phục như ở nước nhỏ Phi Luật Tân hay Thái Lan, trong vài sự kiện quốc tế trọng đại tổ chức ở nước chủ nhà. Nếu tôi không lầm, ở VN lần nào đó, các nguyên thủ các nước chụp hình kỷ niệm trong quốc phục VN; tất nhiên, các bộ áo có nhiều màu sắc đẹp đẽ khác nhau, không chỉ mỗi quần trắng, áo dài, khăn đóng đen thông thường.

Nay, ở Huế đang có phong trào trong quan chức, khôi phục lại truyền thống trang phục xưa. Có ý kiến chê bai, có ý kiến đồng tình.

Quốc phục sử dụng trong các ngày lễ quan trọng của quốc gia hay hội hè, đình đám ở nông thôn, giỗ kỵ, thậm chí đám cưới...thì dễ coi, ý nghĩa, nhưng sử dụng nơi công sở, dù mỗi tháng 1 lần, có lẽ không phù hợp mấy;  vì đóng cái áo dài, khăn đóng (nếu có), và quần "bà ba" trắng vào, người mặc sẽ cảm thấy lượt thượt trong đi lại và giao tiếp. Tôi thấy một quan chức vận "quốc phục" có cả thẻ bài trước ngực, y như một vị quan thời quân chủ, một hình ảnh có lẽ sẽ gợi nhớ tầng lớp cai trị xa xưa ở Việt Nam - một tầng lớp thống trị không mấy thiện cảm đối với người ngày nay, ghét cay ghét đắng quan huyện "bá đạo", một thời bị đánh đổ.

Cần khôi phục lại quốc phục-  áo dài khăn đóng màu đen, quần trắng dung dị, thay vì nhiều màu sắc, có cả hoa văn trên vải áo. Trang phục này chỉ nên xuất hiện trong các sự kiện có tính truyền thống nói lên cái gì đó thuộc "quốc hồn, quốc túy".

LÀM TỪ THIỆN, KHÁ GIAN NAN

Mỗi lần đất nước tôi gặp hoạn nạn do thiên tai như bão lũ, xót xa thay, vấn đề làm từ thiện lại nổi lên, chiếm nhiều bút mực, thời gian gõ bàn phím, còn hơn chính người nhận từ thiện. Vì sao?

Người tự nguyện làm từ thiện cũng chẳng dễ dàng vì hoạt động của họ vướng nhiều quy định hành chính. Người có lòng bác ái, muốn chia sẻ nỗi bất hạnh của đồng bào cũng không biết gởi lòng cho ai. Không tin vào hội đoàn, họ tin vào cá nhân, trường hợp Thủy Tiên là một ví dụ. Người được gởi gắm niềm tin to lớn ấy chẳng phải dễ dàng thực hiện từ tâm của mình. Thay vì, tay trái bố thí, tay phải không hay, có người săm soi, có người nghi vấn, việc từ thiện đôi khi mất đi ý nghĩa ban đầu: cứu người là chính.

Đất nước tôi, dải đất miền Trung, luôn chịu ách nạn thiên nhiên, gần như là thường xuyên. Việc cứu trợ, chia sẻ miếng cơm, manh áo là nghĩa cử cao đẹp của con người dành cho con người. Làm từ thiện thể hiện tình yêu thương. Làm từ thiện không phải gây tiếng ồn ào. Đừng bao giờ làm từ thiện để vinh danh, dẫu đó là vinh danh từ tâm.

Cầm gói mì, chai nước trao cho người đói, người khát, trong cơn hoạn nạn rất ý nghĩa nhân văn khi người trao thật lòng, hành động thấm đẫm văn hóa. "Cách cho hơn của đem cho".

Văn hóa làm cho lòng nhân ái cao đẹp thêm. Văn hóa hình thành không phải một sớm một chiều. Không lạ gì, người ta hay gọi đi đôi văn hóa, giáo dục. Tướng Lê Chiêm than thở, một số cán bộ cơ sở nơi ông giám sát cứu trợ, xén bớt phần lương khô giúp dân qua cơn đói. Tôi nghĩ chỉ là số ít cán bộ như thế. Số ít nhưng tác hại không ít. Cụ Hồ từng nói người xưa dạy: cực trước cái cực của dân, vui sau cái vui của dân. Số người này hẳn phải học tập rất nhiều, rất thường xuyên, đạo đức HCM.

Giáo dục quan trọng ở chỗ này, nhưng phải giáo dục từ nhỏ chứ không đợi là quan chức rồi mới bắt đầu giáo dục. Những ai là học sinh trước 1975 ở miền Nam đều quen công tác từ thiện, nhất là các em ở trong đoàn thể của tôn giáo. Họ không được "dạy" phải làm từ thiện thế nào: họ chỉ "làm" từ thiện.  Các em học sinh được nhà trường khuyến khích, tự nguyện đi theo người lớn, làm công tác thiện nguyện cho các nạn nhân chiến tranh từ các vùng quê chạy ra thị trấn, ra phố, ở các trại "tạm cư" (hồi đó gọi là trại tỵ nạn cộng sản). Họ giúp phân phát gạo, mắm, dựng lều, dọn vệ sinh nơi đồng bào sinh hoạt; ngày nghỉ họ đến chơi với trẻ con còn lạ lẫm nơi ở mới.

LÒNG TIN CHỐNG LÒNG THƯƠNG

Xem phần minh họa bên dưới, quý vị sẽ thắc mắc, liệu có facebooker nào tên Tran Van Ket (không dấu) tự xưng là cán bộ tư tưởng cao cấp, minh định trên hình đại diện: chống phản động đến giọt máu cuối cùng?

Thời công nghệ, fake news, tin thất thiệt, có mà tràn. Biết đâu có kẻ ngụy trang cán bộ cao cấp Mác Lê ghi khẩu hiệu "sắt máu" này để chia rẽ nhà nước với nhân dân - đến giọt máu cuối cùng?

Mục đích của tôi không nói về chuyện này; tôi muốn nói lòng tin. Ông Kết này hồ nghi số tiền khá lớn người ta ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung gửi vào tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên, biết đâu của thành phần phản động nước ngoài và mạnh mẽ kêu gọi nhà nước phong tỏa tài khoản người làm từ thiện này, chuyển qua hội Chữ Thập Đỏ hay hội Phụ Nữ VN.

Nếu ở nước dân chủ, khi chưa có kết luận của tòa, bác Két này chụp mũ "phản động" (kẻ luôn ác theo suy nghĩ ông ta) lên đầu người khác, chắc chắn sẽ lĩnh án tù về tội vu khống. Ở ta, việc gọi ai đó "phản động" có khi được xem là cách nói...yêu nước.

Có lẽ cũng có một vài cá nhân suy nghĩ như bác Ket. Tại sao các hội đoàn nổi tiếng, như Mặt trận tổ quốc, hội Nông dân, hội Phụ nữ, hội Thanh niên, hội Chữ Thập Đỏ...nhiệt thành kêu gọi người dân quyên góp tiền, của cứu trợ đồng bào ở vùng thiên tai, lại thu được kết quả không bằng một cô ca sĩ tay yếu chân mềm? Bác Két nghi cho "bọn phản động" nước ngoài "nhúng tay" vào, mới có số tiền khủng như thế, lại cũng...có người tin.

Kinh thánh kitô-giáo: "Phúc cho ai không thấy mà tin". Té ra những người tin cô Thủy Tiên này, gửi hàng trăm tỷ đồng chỉ một thời gian ngắn, lại "vô phúc" thế sao vì có kẻ "cho thấy": đồng tiền mồ hôi, nước mắt, chắt chiu mỗi ngày của hàng ngàn người Việt, xót xa cảnh khốn khó của đồng bào gặp nạn, bị đánh đồng với đồng tiền của bọn "phản động"?

Không thời nào trong lịch sử dân tộc, lòng thương lại không có được lòng tin. Tại sao người dân không tin các hội đoàn nhà nước nhiều như tin một cá nhân? Nếu yêu nước thật sự, người ta sẽ thành khẩn tự vấn lương tâm, vì đâu nên nỗi, để tìm mọi cách gầy dựng lại lòng tin trong nhân dân về các tổ chức chính trị xã hội nhà nước lập ra.

Vấn đề cấp bách trước mắt, người Việt hãy ủng hộ, giúp đỡ cô Thủy Tiên, và nhiều người như cô, thực hiện cách làm thế nào, số tiền quyên góp đến tay người cần giúp đỡ, kịp thời, nhất là làm thế nào bản thân những ai làm từ thiện chứng tỏ mình luôn luôn là người không phụ lòng tin tưởng. Số tiền lớn như thế, nếu giải quyết không khoa học trong việc trao gửi tận tay người hoạn nạn, sẽ bị những kẻ như bác Két kia "bới lông tìm vết", thì mục đích "lá lành đùm lá rách" vô tình là gánh nặng cho những người thiện tâm như Thủy Tiên. Quá khứ đâu dễ quên, không quá xa, như chúng ta thấy trước đây chuyện quyên góp, từ thiện, xảy ra với người "của quần chúng".

Sự kiện Thủy Tiên còn cho thấy một thực trạng đau lòng khác: Một số người Việt không tin nhà nước nhưng cũng chẳng tin nhau, vì có những người như bác Ket, và những người không thấy vầng trán, trái tim, đôi chân của Thủy Tiên, chỉ chăm chăm vào...mông của ca sĩ khi cô đi làm từ thiện.

Khi nào thì lòng tin không còn chống lòng thương "đến giọt máu cuối cùng"?