Saturday, January 27, 2024

NHẬT PHÂN VÂN: ẤN ĐỘ HAY VIỆT NAM NƠI NÀO ĐẦU TƯ THẾ CHỖ TRUNG QUỐC.

(Japanese Dilemma: India Vs Vietnam For Alternative Investment Destination To China).

Từ khi thủ tướng Nhật công bố gói hỗ trợ 2,2 tỷ Mỹ kim giúp các nhà đầu tư Nhật Bản rời TQ về Nhật hoặc đến các quốc gia đang phát triển, truyền thông và các “think tank” râm ran bàn tán Ấn Độ và VN, ai là nơi đầu tư thế chỗ TQ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật lại phân vân trước các kết quả khảo sát. Họ không thống nhất nước nào tốt nhất. Có khảo sát ủng hộ VN nhưng cũng có khảo sát ủng hộ Ấn Độ. Khảo sát của NNA Japan tháng giêng 2020 (tập đoàn truyền thông Kyodo) cho biết VN là điểm hứa hẹn nhất cho các nhà đầu tư.

Nhưng trong khảo sát lần thứ 31, tháng 11 năm 2019, JBIC lại coi Ấn Độ là đầu tư hấp dẫn nhất năm 2019, đặt TQ và VN nằm vị trí thứ 2, thứ 3. Khảo sát cho biết Ấn Độ lên hạng nhờ phiếu bầu cho TQ hạ xuống. Có nghĩa là, sự xuống hạng của TQ dọn đường cho Ấn vươn lên nơi đến đầu tư hạng nhất.

Tuy nhiên, thăm dò ý kiến chỉ là gợi ý, tính khả tín còn tùy vào độ phổ quát của các tổ chức dẫn đầu dư luận, trong khi đó, dữ liệu tự nó nói lên tính quyết định cho xu thế. Theo METI, Ấn nằm thứ 5 nước nhận đầu tư lớn nhất ở Châu Á năm 2019, bỏ VN nằm ở vị trí thứ 6. Đáng chú ý, đầu tư Nhật ở Ấn tăng gấp đôi so với VN năm 2019, tăng gấp 4 trong 3 năm – từ 1,6 tỷ Mỹ kim năm 2017 lên 5,1 tỷ năm 2019. Đối lại, đầu tư Nhật vào VN lò mò ở số nhỏ từ 2 tỷ năm 2017 lên 2,5 tỷ năm 2019. Xu hướng đó cho thấy nguyên lý, người Nhật tin vào tiềm năng Ấn Độ.

Tại sao Ấn Độ lại bị Việt Nam thay ngôi ở cuộc khảo sát của NNA trong vòng hai tháng sau cuộc khảo sát của JBIC? Về mức độ phổ biến và độ tin cậy, JBIC được đánh giá cao hơn vì họ từng thực hiện cuộc khảo sát trong ba thập kỷ. Nó ám chỉ điều gì? Cuộc khảo sát của JBIC đáng tin cậy hơn, hay là cuộc khảo sát của NNA nên được tin tưởng, nhằm xác định kế hoạch tương lai của Nhật Bản chọn nơi đầu tư thay cho Trung Quốc?

Thủ tướng Ấn Độ và thủ tướng Nhật Bản.

Không hồ nghi gì nữa, VN có nhiều lợi thế hấp dẫn: giá nguyên liệu đầu vào thấp, chính trị ổn định, chính sách về thương mại, đầu tư ngày càng thoáng, kèm các hiệp ước FTA (Hiệp định thương mại tự do) với Nhật và các nước. Nhưng họ cũng có những hạn chế. Đầu vào lệ thuộc quá nhiều nhập khẩu nước ngoài cho sản xuất và xuất khẩu; ngành nghề đầu tư hạn chế; toàn cầu hóa co cụm sau đại dịch Covid-19; dân số ít hơn Ấn Độ.

Lệ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài hạn chế mở rộng công suất, hứng chịu nhiều rủi ro nếu quan hệ chính trị đưa đến đối đầu, toàn cầu hóa co cụm, giảm sút mức độ nhập khẩu trong sản xuất, xuất khẩu. Dân số không nhiều (bằng Ấn) sẽ giới hạn nhu cầu tiêu thụ nội địa.

TQ là nguồn cung chính cho nguyên liệu đầu vào của VN. Hơn 1 phần 3 hàng nhập khẩu của TQ. Với tình trạng quá lệ thuộc vào nguyên liệu đầu vào của nước ngoài, hàng xuất khẩu VN có cơ cấu sản phẩm trung gian TQ nhiều hơn sản phẩm trong nước. Hậu quả là, nó dấy lên nhiều rủi ro cho phát triển xuất khẩu bền vững, trong trường hợp xảy ra bất kỳ bất ổn chính trị nào. Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Lệ thuộc quá đáng của Ấn vào linh kiện và phụ tùng TQ trong ngành chế tạo điện thoại di động gây đau đầu cho chính phủ Ấn. Mặc dầu chính phủ giúp xây dựng nền công nghệ mới, quan hệ chính trị gay cấn giữa hai quốc gia trước xung đột biên giới thường xuyên buộc chính phủ Ấn đặt hàng rào hạn chế hàng nhập khẩu TQ.

Một điểm yếu khác của VN chuyện lệ thuộc quá đáng vào TQ là việc gắn bó các nước châu Á. Nhập khẩu hàng các nước này giảm đi nhưng lại tăng cao nhập khẩu hàng TQ. Nói cách khác, sự vươn lên của VN trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) dựa nhiều vào nguyên liệu đầu vào nước ngoài, mà TQ hoàn toàn chi phối. Cho đến giờ này, nó vẫn có lợi khi còn giữ mối quan hệ chính trị bình thường. Nhưng, TQ đánh mất tính chính trực là một đối tác buôn bán tin cậy vì chính sách bành trướng. Khi TQ thách thức phán quyết của tòa trọng tài La Haye - lên án hành vi quá đáng của họ ở Biển Đông - chủ quyền Việt Nam ở vào thế hiểm nguy.

VN không có nhiều lĩnh vực thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp mục tiêu là điện tử, giày da, và dệt may, nói cách khác, các công ty có nhu cầu rời khỏi TQ chỉ tìm cách đáp ứng một phần trong nhiều nhu cầu của họ. Cái này ở Ấn thì nhiều cơ hội hơn vì có rất nhiều lĩnh vực đầu tư. Từ việc chế tạo điện tử, xe hơi, thiết bị quốc phòng đến xây dựng, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, Ấn có thể cung ứng cho Nhật nhiều lĩnh vực đầu tư phong phú.

Nhu cầu nội địa là thước đo quan trọng khác, lợi thế hơn Việt Nam. Dân số Ấn gấp hơn 10 lần dân số VN. Cuối cùng, khi tất cả đã nói và làm, các nhà đầu tư ở VN phải kiếm lợi nhuận nhờ xuất khẩu, khác với Ấn Độ nhu cầu trong nước là nhân tố quyết định cho tiêu thụ. Nhiều người lại cho rằng VN là lựa chọn thay thế TQ trong chuỗi cung ứng.

Nhưng với toàn cầu hóa co cụm trước sự bùng phát dịch Covid-19, tình hình kích hoạt rủi ro chuỗi cung ứng do sự gián đoạn sản xuất thế giới. Nó khiến các nước suy nghĩ lại vào sự phụ thuộc nhập khẩu theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), khiến họ quay vào trong nước để phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Sự thật thì từ 2011, cường độ nhập khẩu trên thế giới chứng kiến sự giảm sút, theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, lý do là căng thẳng mậu dịch, chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn trong chính sách thương mại.

Bị kẹt trong vũng lầy toàn cầu hóa co cụm, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy -  một bất lợi đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu theo chuỗi giá trị toàn cầu – chắc chắn sẽ gặp rủi ro lớn ở một nền kinh tế dựa vào chuỗi giá trị nếu so với ở Ấn Độ. Sáng kiến mới, “Make In India”, sắp thành lập chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ, chú trọng các doanh nghiệp "rất nhỏ, nhỏ, và vừa", với sự trợ giúp tài chính dồi dào.

Phân tích của Subrata Majumder, cố vấn JETRO (Tổ chức ngoại thương Nhật Bản), trên tạp chí Eurasian Review. Nguyễn Long Chiến dịch.

ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA CẦN HÒA GIẢI

(We need healing our nation)

Mẹ của Jacob Blake, bà Julia Jackson, dõng dạc cất tiếng trước truyền thông sau khi cảnh sát bắn chết con bà ở Wisconsin ngày hôm qua. Những lời nói của người phụ nữ da màu này chân thật, có vẻ không được soạn sẵn, không phải thuộc lòng, trước một cử tọa đông người, đài BBC thu hình, và tôi cố gắng dịch đúng theo nguyên văn lời bà nói.

Bị cảnh sát bắn nhiều phát đạn phía sau lưng, con trai bà không tấc sắt trong tay khi anh đang bước vào một chiếc xe mở sẵn cửa. Giết người trong trường hợp không tự vệ chính đáng là phạm tội ở Mỹ.

Một hành động vô nhân đạo, một hành vi tàn nhẫn, một hình ảnh thương tâm…không làm cho người da đen này - một người Mẹ có thể mất đi mãi mãi đứa con yêu dấu của mình - trở thành thù hận. Giáo dục nước Mỹ như thế sao. Một nền giáo dục không kích động hận thù, dù là trước một hành động gây bất bình của cảnh sát.

Bài dịch phát biểu của bà:

“Chúa sinh ra mỗi người, mọi người chúng ta ở đất nước này vì ngài muốn chúng ta có mặt ở nơi này.

Rõ ràng quý vị bây giờ có thể thấy tôi có làn da nâu tươi đẹp, nhưng hãy nhìn bàn tay quý vị, dù có tối màu đi nữa nó cũng là bàn tay tươi đẹp.

Tại sao chúng ta lại ghét bỏ chính chúng ta? Chúng ta là con người. Chúa không tạo một loại cây, một loại hoa, một loại cá, một loại ngựa, một loại cỏ, hay một loại đá.

Tại sao quý vị lại dám yêu cầu Ngài chỉ sinh một loài người (có màu da) như quý vị.

Tôi không nói đến một thiểu số sắc tộc nào, tôi đang nói cùng tất cả mọi người.

Không ai tối cao đối với người khác. Chỉ có mỗi Thượng Đế là đấng tối cao.

Thưa quý ngài, hãy nguyện cầu cho đất nước này chữa lành vết thương.

Chúng ta là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng ta có hợp hòa chưa? Quý vị có thấy chuyện gì đang xảy ra khi chúng ta chia rẽ, bó đũa không còn một, bởi mỗi chiếc bị bẻ gãy.

Thưa tất cả quý nhân viên cảnh sát, tôi đang cầu nguyện cho quý vị, cho gia đình quý vị.

Với tất cả các công dân (Hoa Kỳ), các anh chị em, da đen, da màu, tôi đang cầu nguyện cho quý vị.

Tôi tin tưởng rằng quý vị là những con người trí tuệ như tất cả những người trí tuệ còn lại của chúng ta.

Hỡi tất cả mọi người, hãy cho trái tim, tình thương, và trí tuệ, gắn bó cùng nhau, để thế giới thấy rằng, là con người họ phải cư xử như thế nào với nhau.

Nước Mỹ vĩ đại khi chúng ta hành xử vĩ đại”.

BÙNG NỔ KINH TẾ 30 NĂM CHỮNG LẠI Ở VIỆT NAM.

(Three-Decade Economic Boom Comes to a Sudden Halt in Vietnam)

Ba thập niên qua, VN có nhiều tiếng tốt – có khi là, tuyệt vời, một nước tăng trưởng nhờ xuất khẩu, điều hành bởi những lãnh đạo cộng sản áp dụng chính sách hướng tới thị trường, cuối thập kỷ 1980, đưa nhiều người dân lên mức sống trung lưu.

Dịch Covid-19 khiến thay đổi hoàn toàn. Với tình hình các công ty may mặc mất thảm hại các đơn đặt hàng, các ngành khác đột ngột giảm sút xuất khẩu, người công nhân VN đang chịu sa sút do dính chặt vào kinh tế toàn cầu. Suy thoái kinh tế, ở Mỹ và các thị trường VN dựa vào để phát triển, hiện diện mọi ngóc ngách Sài Gòn và Hà Nội, cũng như các làng xã, trung tâm du lịch.

Bà Lê Thị Hoa, người bán dứa lát, xoài lát, ở ngoài khu chợ Bến Thành, trung tâm sầm uất thương mại, là một trong những người lo lắng không biết thời “hoàng kim” của bà còn hay không.

Chị Hoa 55 tuổi này mang khẩu trang ngồi trên một chiếc ghế nhựa cạnh giỏ trái cây trước một tiệm hải sản đóng cửa. “Tôi bán chỉ được 1/3 trái cây so với trước dịch”.

Việt Nam từng là một trong những “ngôi sao” toàn cầu hóa, tự chuyển biến từ một nước thuần nông nghiệp sang một “cỗ máy” sản xuất trong quãng vài thập kỷ. Mức xuất khẩu ngang tầm GDP, VN chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, 7,02% vào năm 2019, bây giờ phải chịu tăng trưởng chậm nhất trong hai thập kỷ, 2,4% trong năm nay. Trong quý hai, VN chỉ đạt 0,36% tính từ năm trước.

Ralf Matthaes, giám đốc quản lý Nghiên cứu Infocus Mekong, từng ở VN từ 1994 nhận xét: “VN trải qua hàng núi điềm lành trong 30 năm qua. Đây là lần đầu tiên từ khi gia nhập cộng đồng kinh tế thế giới 20 năm trước, VN phải chịu một cuộc suy thoái kinh tế to lớn”.

Sự sụt giảm đột ngột làm nổi bật sức tàn phá tài chính do đại dịch, và ngay cả một số nước thành công chừng mực kiểm soát dịch bệnh cũng không tránh nổi hệ lụy về kinh tế. Các nền kinh tế ấy cũng không thể trở lại làm ăn bình thường cho tới lúc các nước khác làm ăn bình thường.

Sian Fenner, nhà kinh tế thuộc khoa kinh tế Oxford trụ sở ở Singapore, dự đoán năm 2020 thương mại thế giới giảm 8% cho biết: “Con đường còn nhiều chông gai. Các nước dựa vào xuất khẩu sẽ vẫn còn tổn hại”

Theo con số của cục Hải quan, tháng tư, xuất khẩu của VN giảm xuống 14% tính từ năm trước, tiếp theo đợt giảm 12,4% vào tháng 5 khi buôn bán thế giới bế tắc. Kể luôn 7 tháng, xuất khẩu chỉ chỉ đạt 1,5% so với 8% cùng kỳ năm ngoái.

THƯƠNG MẠI BỊ TRÓI BUỘC

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo VN không cho thấy dấu hiệu đảo ngược hướng đi kinh tế sau hơn hàng chục ký kết thương mại trong các năm qua, sớm biến đất nước  thành nam châm thu hút đầu tư ngoại quốc.

Đối phó với nạn bùng phát dịch tại thành phố biển Đà Nẵng lan sang 14 tỉnh thành, chính phủ VN được thế giới đánh giá cao trong việc ngăn chặn vi rút.  Cho đến ngày 31 tháng 7, cả nước không có một cái chết do nhiễm vi rút được báo cáo. VN ghi nhận có 1029 ca nhiễm, 28 người chết (ngày 26 tháng  nhờ các viên chức áp dụng các biện pháp cứng rắn, trong khi vẫn cho các doanh nghiệp sản xuất mở cửa.

Dù có khá hơn các nền kinh tế khác ở châu Á, nơi dịch gây nhiều cái chết và sự tàn phá, sự phụ thuộc của VN vào thị trường nước ngoài và ngành du lịch đang mở rộng đem lại cho người dân một bài học về sự thất thường của thế giới.

Trong những năm gần đây, VN trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ mở các nhà máy cho các công ty như Intel, Samsung, LG, cũng như các nhà máy sản xuất tấm kính năng lượng mặt trời, các nhà sản xuất áo quần. Xuất khẩu của VN năm 2019 đạt 264, 3 tỷ Mỹ kim – tăng vọt gấp 4 lần so với năm 2008. Lương bình quân hằng năm 1.154 đô la (chừng 27 triệu) lên khoảng 2.800 (chừng 65 triệu) trong cùng thời gian, theo số liệu của chính phủ.

Nhịp độ xuất hàng của VN qua Mỹ, chiếm thị trường lớn nhất 23% tổng xuất khẩu năm 2019, hạ thấp trong 6 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ ghi nhận tăng 14,6% xuất khẩu qua Mỹ, khoảng phân nửa số hàng xuất đi trong năm 2019.

Nhiều lĩnh vực khác cũng chịu thiệt hại, như áo quần, dệt may, sử dụng hàng triệu công nhân tay nghề thấp. Samsung Việt Nam, đơn vị có sản phẩm điện tử chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu cả nước năm ngoái, đã điều chỉnh xuất khẩu năm 2020 dự kiến còn 45, 5 tỷ đô la Mỹ, sụt giảm hết 13, 5 tỷ từ năm 2019, theo bộ Công nghiệp và thương mại VN.

DU LỊCH GẶP TAI ƯƠNG

Trong khi đó, ngành du lịch, chiếm khoảng 9% nền kinh tế, mất 55,4 % tổng thu trong bảy tháng đầu năm. Do sự gia tăng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh khách sạn, gần một phần ba dân số - 31 triệu công nhân - đã phải chịu đựng hệ lụy tài chính của quý hai.

Người tiêu dùng thắt chặt mạnh hầu bao trong 3 tháng quý II, trở thành những người tiết kiệm chi tiêu nhất thế giới, coi việc làm là an toàn số một, theo nhận định của Nielsen Vietnam. Anh Nguyễn Anh Dzũng nói, dẫu sao, vốn có truyền thống lạc quan, người Việt sẽ ít nhiều nhanh chóng trở lại tiêu dùng bình thường một khi hết dịch.

Hàng triệu công nhân lắp ráp mất việc, một số chính quyền địa phương lo ngại nguy cơ bất ổn xã hội, đó là lời của Fred Burke, thành viên quản lý công ty luật Baker McKenzie ở thành phố HCM. Ông còn nhớ bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây xin các thành viên trong Diễn đàn doanh nghiệp không sa thải công nhân, hãy cố giữ họ lại.

Theo nghiên cứu của Infocus Mekong, với tình trạng bấn loạn ấy, niềm tin của người tiêu dùng nằm ở điểm thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Hai phần ba cư dân VN đình hoãn hay không bỏ tiền mua sắm nhiều. Nghiên cứu cho biết, 63% người Việt cân nhắc chuyện vay tiền khi họ muốn tìm đến các chiếc phao cứu sinh tài chánh..

Bùi Việt Nam, người điều hành 34 tuổi nhà sản xuất áo quần thành phố HCM nói: “Mọi người đều tiết kiệm. Chúng tôi không đi ra ngoài nhiều. Thu nhập đi xuống, có người nghĩ tới chuyện kiếm tiền qua bán hàng trên mạng, hoặc là kiếm thêm một nghề phụ ngoài giờ”. Đây là một thế giới mới.

Cư dân mang khẩu trang ngồi chờ  xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội ngày 13 tháng 8. Photographer: Nhạc Nguyễn/AFP, Getty Images.

CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG

Trông người mà ngẫm đến ta.

Đất nước có lịch sử hình thành không dài, Hoa Kỳ là quốc gia chú trọng hòa giải, có thể nói, bậc nhất thế giới. Sau cuộc nội chiến đẫm máu, tướng chỉ huy bên Thắng cuộc không cho phép binh sĩ ăn mừng chiến thắng trước sự thất bại nhục nhã của bên Thua cuộc. Ở nghĩa trang quân đội, chiến sĩ hai bên khi sống từng giết nhau nhưng khi chết lại nằm chung một chỗ.

Mới đây, hiệp hội Bảo tồn đời sống hoang dã - điều hành sở thú Bronx ở New York – chính thức xin lỗi hành động 114 năm trước của họ về việc bắt cóc và trưng bày một em bé da đen trong sở thú cho khán giả đến xem, dù thời gian “triển lãm” không quá 2 tuần (theo lời xin lỗi), vì sự phản đối cực lực của các mục sư người Mỹ và dân chúng tiến bộ.

Sở thú Bronze, Mỹ.

Ota Benga (trong ảnh) bị bắt năm 1904 ở xứ sở ngày nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo để mang về Mỹ “triển lãm” (exhibition). Lời xin lỗi của người đứng đầu tổ chức, nguyên văn: “Chúng tôi hết sức hối hận, quá nhiều người, qua nhiều thế hệ đã bị thương tổn vì hành động này, cũng như không kịp thời lên án, tố cáo các hành động đó của chúng tôi”.

ĐÓNG DỄ, MỞ KHÓ

Tin tức phong thanh ngày 31/8 có thể chấm dứt biện pháp “cách ly” tại Đà Nẵng là tin tức hết sức phấn chấn đối với tôi, một công dân đang kẹt trong “vùng dịch”.

Có dịp quan sát, tôi thấy các biện pháp ngăn chặn của nhà chức trách ở đây khá quyết liệt và đồng bộ, có cả việc “phát phiếu” đi chợ; ban đầu có người chế giễu như “tem phiếu” thời bao cấp. Hạn chế giao tiếp, cách ly xã hội (social distance) là biện pháp “số một” trong lúc chưa sử dụng được vắc-xin ngừa covid-19.

“Đoạn trường ai có qua rồi mới hay” (*). Sống trong vùng dịch, quý vị mới thấm thía nỗi ngăn cách và trân quý khi sống tự do ngoài vùng dịch. Người thân yêu dẫu là cha mẹ cũng không thể thăm viếng nhau. Đau đớn hơn: cha, con, ông, bà, chồng, vợ, bạn hữu…ai cũng có thể là người mang theo “thần chết” trong mình – vi rút corona. Bản năng sinh tồn là bản năng mạnh nhất chứ không phải bản năng bầy đàn (sống quây quần quanh nhau). Người dân bị cách ly tự mình tìm những việc làm “khuây khỏa” cho bản thân, cho gia đình.

Thế giới internet thật diệu kỳ. Người ngoại quốc, cùng hoàn cảnh cách ly, tìm ra cách giúp con người giam hãm trong nhà, bằng ứng dụng WindowS wap. “Người tù covid” có thể nhìn thấy qua điện thoại thông minh hay laptop của mình hình ảnh sinh động, đa dạng thế giới ảo bên ngoài, dù đang ngồi co ro trên sô pha trong phòng khách.

Nhưng thế giới ảo cũng là thế giới ảo; làm sao bằng thế giới thật. Thế giới dù cỏn con cũng là thế giới thật, đáng yêu - trong một quán cà phê có vài chậu hoa lan, mùi thơm thoang thoảng, có âm thanh nhè nhẹ nhạc hòa tấu, hay giọng ca mượt mà, thánh thót, sang cả của Thái Thanh, có tiếng nói nho nhỏ, tiếng cười râm ran của một hai người bạn thân, nhất là các bạn nữ tươi nguyên xuân sắc.

Thế giới tầm thường cũng là một thế giới thật. Đi bộ dọc các con đường bờ sông Hàn, bạn sung sướng được nghe những tiếng ly tách va chạm, tiếng ơi ới zô zô, tiếng cười sảng khoái…của những người người dân hay du khách; một hình ảnh trước đây có khi thật nhàm chán, tầm thường, đôi khi khó chịu nhưng bây giờ, thời covid-19, hình ảnh ấy sao quá đỗi thân thương! Những con phố vui của một thành phố du lịch trở thành những con phố buồn. Đà Nẵng vắng hoe, lặng tờ, im ắng như một thành phố vừa qua một trận bom nguyên tử.

Tổn hại kinh tế có bằng hay lớn hơn tổn hại tinh thần cho con người bị cô lập trong hoàn cảnh phập phồng lo sợ bóng ma dịch bệnh? Không có một thống kê nào chính xác mà cũng chẳng thống kê nổi, nhất là những tác động tinh thần của con người bị cách ly xã hội.

Con số người nhiễm vi rút Corona ở VN cho đến hôm nay là 1.040. Số ca khỏi bệnh 677 (chiếm 65% trên tổng số người bệnh), số tử vong 32 (tỷ lệ khoảng 3% người bệnh, đa phần có bệnh nền nguy hiểm, covid khiến cái chết mau hơn vì có số người chết xét nghiệm 3, 4 lần âm tính – theo báo cáo). Một thành quả đáng trân trọng, đáng tri ân, nhất là  với các đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm làm việc.

Biện pháp mạnh trong khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh không phải chỉ VN hay Trung Quốc mới áp dụng. Tại Đức, một đất nước dân chủ, biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng đến nỗi ngày hôm qua, dân chúng họ biểu tình như “nổi loạn”. Theo BBC, thủ đô Berlin bắt trên 300 người ném gạch đá vào cảnh sát trong số hơn 38.000 người biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế sinh hoạt thường ngày của người dân. Đức phạt ai không đeo khẩu trang ở những nơi bắt buộc, cao nhất là 59 ero (khoảng 1,6 triệu VN đồng). Nghiêm cấm tổ chức sự kiện tụ tập đông người cho đến hết năm nay. Nhờ mạnh tay, Đức có số chết thấp hơn Nga, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, với tỷ lệ so với người mắc là 3,8% (cao hơn VN).

Nhưng người Đức cũng hiểu cấm như thế chỉ là giai đoạn. Biện pháp cách ly và biện pháp thúc đẩy kinh tế đối với họ có lẽ quan trọng như nhau. Bà thủ tướng tuyên bố: “Chúng ta phải sống chung với vi rút này một thời gian dài nữa. Dịch vẫn còn nghiêm trọng”, và mùa đông dịch sẽ nguy hiểm hơn.

Ảnh: Cảnh biểu tình ở thủ đô nước Đức. Vài hình ảnh thư giãn trên WindowS wap.

Chống dịch bằng cách phong tỏa (lockdown), cách ly xã hội (social distance) là biện pháp “ưu tiên nhất” và là biện pháp dễ thực hiện nhất – chỉ cần một cái lệnh của nhà chức trách qua một thông báo ngắn.

Nhưng vừa ngăn dịch hiệu quả và vừa mở rộng hoạt động sinh hoạt của người dân, giúp họ bươn chải sinh kế trong thời covid, là nhiệm vụ hết sức khó khăn cho nhà chức trách. Chứ không phải chỉ mỗi câu: “hãy áp dụng biện pháp đã làm ở Vũ Hán cho Đà Nẵng” là xong.

Chính khó khăn xã hội càng lớn đòi hỏi tài năng nhà chức trách càng cao.

Làm “như Vũ Hán” không cần chi tới giáo sư tiến sĩ, và nếu là tôi: a lê hấp – làm ngay không quá một nốt nhạc, không bạo liệt, không hiệu quả tức thời hơn TQ thì cũng không thua họ; “không đẹp không ăn tiền”.

(*) Nguyễn Du.

HÉ MỞ LỊCH SỬ “HIỆP ĐỊNH PARIS” DƯỚI CÁI NHÌN NGƯỜI MỸ

Vài lời cùng quý vị. Trốn dịch, tôi tình cờ thấy tư liệu này trên ASSOCIATION FOR DIPLOMATIC STUDIES & TRAINING (hội Nghiên cứu và đào tạo ngoại giao), chủ trang ông Coolbenm, xin dịch hầu quý vị quan tâm lịch sử cận đại VN.

NÓI RẰNG CHÚNG TÔI CHÁN NẢN CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ NÓI QUÁ ĐÁNG

To say that we were depressed would be a colossal understatement”

Đương nhiên bước tiếp của chúng tôi là đến Sài Gòn để trình bày thỏa thuận tuyệt vời vừa đàm phán xong. Không hẳn hài lòng lắm nhưng các vấn đề cơ bản được giải quyết, chúng tôi cho rằng bấy giờ có được một thỏa thuận khung, dạng dự thảo, và cần sự chuẩn thuận của bộ chính trị ở Hà Nội, của tổng thống Mỹ. Hẳn nhiên, chúng tôi nói rõ với phía Bắc Việt rằng sẽ thuyết phục với đồng minh Nam VN về bản dự thảo này.

Trước khi đến Sài Gòn để tổng thống Thiệu xem xét hiệp định, chúng tôi đánh điện trước để khái quát nội dung chúng tôi đang nắm. Tôi quên mất thuật ngữ lúc đó nhưng chúng tôi nói đó là một bước đột phá, có thể là một thỏa thuận, hay đại loại như thế. Chúng tôi cho ông Thiệu biết qua đại sứ Mỹ Bunker là sẽ bàn luận về dự thảo hiệp định với ông. Chúng tôi đến Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm 1972.

Chúng tôi đến văn phòng tổng thống Thiệu và Kissinger trình bày quyền lợi phía VN khi chấp nhận thỏa thuận, cũng như sự bảo trợ của người Mỹ. Trường hợp có vi phạm, tổng thống Nixon sẽ đáp trả mạnh mẽ. Ông Thiệu nên tin chúng tôi có thể bảo đảm thực thi hiệp định.

Kissinger nói rằng đây là một thỏa thuận tốt nhất chúng tôi đạt được, căn cứ vào sự hỗ trợ từ nội bộ nước Mỹ. Chúng tôi thực thi nhiệm vụ cũng vì Nam Việt Nam. Chúng tôi đàm phán rất gay cấn để bảo đảm ông Thiệu còn quyền lực. Chúng tôi sẽ viện trợ đáng kể về kinh tế và quân sự cho ông. Chúng tôi sẽ ào ạt viện trợ bổ sung cho Nam VN trước khi thỏa thuận được ký, nhờ vậy, ông sẽ ở vào vị thế mạnh nhất có thể, trước khi các điều khoản thực thi có hiệu lực. Nỗ lực này gọi là Kế hoạch ENHANCE (tăng cường), đại loại như thế.

Chúng tôi bảo sẽ ném bom trở lại nếu Bắc Việt tấn công hay vi phạm hiệp định. Chúng tôi bảo sẽ giúp đỡ đầy đủ VN về mặt ngoại giao, cũng như viện trợ quân sự và kinh tế. Chúng tôi nói rằng đã làm việc với người Trung Hoa, người Nga, cô lập Hà Nội, buộc họ cắt viện trợ cho Bắc Việt, nếu có thể được, và rằng đây rõ ràng là ý định của chúng tôi. Ngoài ra còn sự mở rộng viện trợ, chúng tôi thỏa thuận với Bắc Việt giúp họ tái thiết miền Bắc.

Khi tổng thống thiệu nghe trình bày của chúng tôi, ông không có phản ứng gì. Ông chỉ lắng nghe. Chúng tôi không có lý do gì để bi quan sau cuộc gặp mở đầu…Khi cuộc gặp thứ hai xảy ra, chúng tôi bị phản bác dữ dội. Ông Thiệu rất tức giận về hiệp định, gần như mất kiểm soát. Điểm mấu chốt là sự hiện diện tiếp tục của quân đội Bắc Việt (ở Nam VN).

Ông vạch ra tất cả từ ngữ ông cho là yếu thế, khi nói về giám sát quốc tế, tiếp vận, số lượng viện trợ, và nhiều thứ nữa. Ông phàn nàn hầu như mọi cái, nhưng trên hết là sự hiện diện tiếp tục của quân đội Bắc Việt ở lãnh thổ miền Nam. Thứ đến, Thiệu nói thực sự chúng tôi đánh lừa ông ta. Ông cho rằng hiệp định này đi quá xa những điều chúng tôi đã báo cáo và dành phần quyết định cho ông.

Sau cùng, trong khi đàm phán hiệp định, chúng tôi đã quyết định số phận của miền Nam VN. Ông bảo, bây giờ các ông đến tôi, chỉ vài tuần trước ngày bầu cử của các ông, buộc tôi chấp thuận hiệp định này, một hiệp định kết liễu số phận đất nước của tôi, đồng bào của tôi chỉ trong một vài ngày. Ông nói, hiệp ước đã sai về nguyên tắc, lại nhầm lẫn về nhận thức, với cái việc người Mỹ dí vào cổ tôi một cái hiệp định, mà không hề đoái hoài đến số phận của người dân miền Nam VN.

THẬT ĐIÊN ĐẦU. CHÚNG TÔI THẤY VÔ CÙNG CHÁN NẢN VỚI PHẢN ỨNG CỦA ÔNG THIỆU. TỔNG THỐNG NIXON VÀ ALEXANDER  HAIG CÒN “HÀNH HẠ” CHÚNG TÔI.

“It was maddening. We were very depressed anyway, because of Thieu’s reaction. We had President Nixon and Al Haig beating up on us.”

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Rốt cuộc thì đây là thời kỳ hết sức gay cấn và chán nản, nói một cách ngắn gọn. Không phải là vấn đề nói về cái việc chúng tôi lại phải trở về, chỉnh cái này hay sửa cái khác, hay vấn đề kia. Ông Thiệu hầu như bác bỏ toàn văn hiệp định. Không phải là bác bỏ hiệp định chính thức. Ông nói: “Chúng tôi cần thay đổi những điều thế này”. Nhưng ông ta đòi hỏi quá nhiều thay đổi, chúng hết sức quan trọng, không thể nào cho thấy một giải pháp.

Nói chúng tôi chán nản cũng chưa phải là nói quá đáng…Chúng tôi chấm hết ba hay bốn ngày bàn luận hết sức gay cấn ở Sài Gòn. Chúng tôi báo cáo về cho tổng thống Nixon, qua trợ lý cố vấn an ninh Alexander Haig, qua kênh thông tin mật, nhằm giải mã kép các tín hiệu gửi đi. Chúng tôi báo cáo rằng  ông Thiệu phản ứng quá đáng, cùng những điều ông ta muốn.

Tổng thống Nixon và ông Haig hồ nghi về hiệp định còn hơn chúng tôi. Họ coi trọng sự đột phá chúng tôi có được, nhưng họ không hăng hái mấy về nó như Kissinger và đội ngũ của ông ta, không kể đến Negroponte. Trên tất cả, Nixon không muốn thấy rạn nứt với đồng minh chúng tôi. Nói cho chí tình, đó là đất nước của họ.

Vì vậy, chúng tôi nán ở lại Sài Gòn một đôi ngày sau sự cố ban đầu nhằm thuyết phục tổng thống Thiệu linh hoạt hơn, cũng như ghi nhận những yêu cầu của ông ta. Vào lúc đó chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải quay lại Hà Nội, cố giải quyết các mối quan ngại hàng đầu của ông Thiệu. Các quan ngại dường như quá lớn đến nỗi đem lại thất vọng.

Trong khi đó, chúng tôi đánh điện về Washington, báo cáo kết quả các cuộc nói chuyện với ông Thiệu. Thật điên cái đầu, bởi một trễ nải thời gian khi đánh điện tín, đặc biệt phải đánh điện tín mang nghĩa kép (để bảo mật -ND)

Lại điên cái đầu. Chúng tôi thấy quá chán nản vì phản ứng của ông Thiệu. Chúng tôi lo lắng quá đỗi về nguy cơ đổ vỡ hiệp định. Tổng thống và Al Haig “hành hạ” chúng tôi, rồi trục trặc đường dẫn thông tin vì khác múi giờ, rồi các cuộc gián đoạn liên lạc, rồi quá trình giải mã kép tín hiệu. Chúng tôi luôn luôn có một thông điệp đằng sau những việc đó.

Chúng tôi rời Sài Gòn với nhiều yêu cầu thay đổi của Nam VN trong hiệp định. Chúng tôi cũng phải có hành động trì hoãn với Hà Nội. Vào thời điểm đó, dĩ nhiên, không thể nào bay ra Hà Nội. Chúng tôi chỉ có thể đến đó khi chắc chắn tuyệt đối kết thúc được thỏa thuận.

Chúng tôi phải hoãn chuyến đi Hà Nội, hệ quả, Kissinger phải nói với phía Bắc Việt: “Nào, chúng tôi nói với quý vị ở Paris rồi, đây là một ký kết ổn thỏa và chúng tôi vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, chúng tôi không thể hoàn tất hiệp định này mà thiếu sự chấp nhận của Nam VN. Chúng tôi vẫn làm việc với các đồng minh và cố gắng thuyết phục họ. Tuy vậy, chúng tôi sẽ có một số thay đổi. Chúng tôi không thể thuyết phục phía Nam Việt Nam theo kiểu thế này. Chúng tôi vẫn tôn trọng các thỏa thuận cơ bản. Chúng tôi cho rằng đó là một thỏa thuận tốt. Đừng bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với các ông. Bây giờ, tôi chưa thể đi Hà Nội được”.

Vì vậy, chúng tôi trở lại Washington. Tôi không biết bao lâu chuyện này xảy ra nhưng trong một hay hai ngày, một thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nội, đả kích Hoa Kỳ, tổng thống Nixon, và Kissinger. Thông báo nêu rõ, Hoa Kỳ đã đồng ý một ký kết với Hà Nội, và giờ đây, dưới chiêu bài không thể khiến tay sai (lackey) của họ phải làm gì, Hoa Kỳ rút lại các dàn xếp chúng tôi đã đạt được.

Hà Nội cho biết phía Mỹ đã phá vỡ một hiệp định nghiêm chỉnh với họ và hủy bỏ thỏa thuận để Kissinger ghé thăm Hà Nội. Cho nên họ tiến hành công bố toàn văn hiệp định chúng tôi đạt được trước đó.

THÁNG 10, 1972: CƠ MAY CHÚNG TÔI TÌM KIẾM.

(October 1972:  “It was the break that we were looking for”)

Khi gần đến tháng giêng năm 1972, dần dần chúng tôi đi đến một quyết định ý nghĩa đối với Tổng thống, để ông có một bài phát biểu công khai, quan trọng một lần nữa về (vấn đề) Việt Nam. Trong bài phát biểu, tổng thống sẽ khái quát chiến lược và mục tiêu của Mỹ, gọi là Việt Nam hóa chiến tranh (một chủ trương phát triển, trang bị, huấn luyện quân đội Nam VN, giao cho họ vai trò tăng cường chiến đấu, cùng lúc, từ từ cắt giảm số binh sĩ chiến đấu Hoa Kỳ), đánh giá lại tiến triển đã đạt, số thương vong, số quân thấp xuống ở Việt Nam.

Trên hết, tổng thống sẽ tiết lộ, sự thật là chúng tôi có một đề xuất hợp lý với Bắc Việt, và có lúc phải tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với họ. Và còn tùy vào Hà Nội có đáp ứng nào không. Tôi nghĩ vào cuối năm 1971, phía Mỹ còn bồi thêm 5 đề xuất nữa từng đưa ra hồi tháng 5, 1971. Thật sự là chúng tôi làm  y như thế.

Chúng tôi còn tổ chức các cuộc gặp bí mật từ tháng 6 kéo dài cho đến tháng 9 năm 1971. Tôi tin rằng chúng tôi phơi bày hết cốt lõi đề nghị, chỉ còn làm sáng tỏ các chi tiết về một giải pháp quân sự thế nào thôi. Chừng tháng giêng năm 1972, người ta quyết định cho công bố các cuộc đàm phán bí mật trước đó, bởi vì phía Hà Nội vẫn không nhúc nhích, mà chúng tôi lại bị chỉ trích quá nhiều ở trong nước cũng như các nơi trên thế giới.

Thế là có bài phát biểu của Nixon ngày 25 tháng giêng 1972. Giống như tất cả các bài phát biểu dạng này, tôi phải đích thân sửa soạn kỹ lưỡng bản thảo. Tất nhiên phải có người biên tập lại với một thứ tiếng Anh trôi chảy trong khi tôi chỉ làm phần chính của bài phát biểu.

Chúng tôi lại qua Paris để có cuộc gặp vào tháng 10 năm 1972, và lần này thì Lê Đức Thọ đã có quà cho chúng tôi. Phía Mỹ còn phải cật lực nhiều về “món quà”, nhưng về cơ bản, đây là cơ may chúng tôi đang tìm kiếm. Nó kết hợp việc triệt thoái đơn phương quân đội Mỹ với việc trao trả tù binh, về mặt quân sự. Ngôn ngữ trong đề xuất khá cụ thể về phương diện này.  

Đề xuất của phía Bắc Việt cũng gồm cuộc ngừng bắn tại chỗ, có thỏa thuận giám sát quốc tế. Bắc Việt đã không còn khư khư chuyện thành lập chính phủ liên hiệp nữa. Vẫn còn một số đàm phán gay go nhưng đã có  tiếng nói mới mẻ hơn. Họ đề nghị một thỏa thuận hòa giải dân tộc, nhưng thật sự, vẫn để trống chỗ cho tổng thống Thiệu cầm quyền ở Sài Gòn. Vậy là, Bắc Việt từ bỏ đòi hỏi chính trị họ từng đeo bám rất nhiều năm.

CHÚNG TÔI ĐÀM PHÁN THÊM MẤY NGÀY. NGÀY CUỐI MẤT CẢ 14 TIẾNG ĐỒNG HỒ.

(“We had several days of further negotiations. The last day ran for 14 hours straight.”)

Theo quan điểm của tôi, không nói Nixon hay Kissinger, các đòi hỏi này là cái chúng tôi không nên thỏa thuận.

Chúng tôi gặp lại người Bắc Việt, thảo luận thêm mấy ngày, cho đến 11 tháng 10, cố thêm, bớt bản dự thảo, và thường thì phải thông tin cho Washington và Sài Gòn. Ngày cuối kéo dài đến 14 tiếng đồng hồ. Như thường lệ, chúng tôi sửa soạn bản thảo đúng nguyên văn, thậm chí đi tắm cũng không có thì giờ, cà phê "nươm" sẵn để tôi làm cho tròn việc.

Chúng tôi phải được bảo đảm trao trả tù binh Mỹ từ cả Lào và Campuchia; chúng tôi còn buộc phía Cộng sản phải rút quân ra khỏi và ngừng bắn tại đó. Đó lại là vấn đề. Vấn đề khác là cho phép viện trợ quân sự cho hai phe sau ngừng bắn.  Sau đó là các chi tiết về cơ chế giám sát quốc tế, rồi định vị khu Phi quân sự (DMZ). Vùng này thực sự chia đôi hai bên Nam và Bắc Việt Nam.

Có nhiều chi tiết cần giải quyết, nhiều vấn cần dàn xếp, nhưng cơ bản, bước đột phá đã có. Bắc Việt không còn khăng khăng về chính phủ liên hiệp nữa.

Ngôn ngữ của dự thảo làm rõ chi tiết, tổng thống Thiệu vẫn nắm quyền, trong khi gợi ý sẽ có một cuộc thương thuyết dẫn đến một chính phủ hòa giải dân tộc. Chúng tôi cố làm cho văn bản càng mơ hồ, càng tối nghĩa, càng tốt. Mục tiêu thật sự là giữ chính quyền Sài Gòn nắm quyền lực.

11 tháng 10 năm 1972 là ngày cuối cùng đàm phán. Vì vậy còn có 4 ngày đàm phán, trong đó 1 ngày kéo dài 14 tiếng đồng hồ. Kissinger chuẩn bị quay về báo cáo cho tổng thống Nixon. Bước đầu, chúng tôi đồng ý có một thỏa ước sơ thảo, nhưng với các vấn đề nổi cộm có tính thứ yếu cũng cần được giải quyết.

Vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật về các câu chữ cụ thể thế nào, đại loại như thế. Vì vậy, đây là thời gian kéo dài đuối sức mấy ngày trời, kể cả ban đêm, các buổi họp viết lại bản dự thảo, rà soát, đánh điện tín, báo cáo, đầy đủ cho Sài Gòn lẫn Washington, cũng như chuẩn bị các đề mục trao đổi cho ngày hôm sau. Chúng tôi còn chuẩn bị một số đề xuất mới, ngoài việc ghi chép đúng nguyên văn, các việc khác nữa.

Tôi được ở lại Paris với nhân viên phục vụ nước ngoài Dave Engle, người từng là phiên dịch chính tiếng Việt trong các buổi đàm phán cho chúng tôi ở sở Ngoại vụ. Chúng tôi ở lại để bàn các chi tiết kỹ thuật với phía Bắc Việt, làm rõ thêm một số vấn đề ít quan trọng hơn. Ngày hôm sau, chúng tôi ngồi xuống cùng phía Bắc Việt. Tôi không nhớ đã bàn những chi tiết gì trừ cái chuyện tôi thấy mình vừa phấn khởi lại vừa rã rời, đuối sức.

HỌ (BẮC VIỆT) CHƯA MUỐN KÝ KẾT.

(“They were not in a mood to compromise”)

Tháng 7 năm 1971, chúng tôi ở Paris sau một chuyến đi bí mật đến Trung Quốc. Thế giới chẳng những không biết chuyến đi bí mật đến TQ, họ cũng chẳng biết chúng tôi có những cuộc gặp bí mật với người Bắc Việt, về mặt công khai, chúng tôi đang ở Paris. Nói một cách nào đó, thì giữ bí mật các cuộc thương thuyết này với Hà Nội còn rắc rối hơn là những chuyến đi Pháp vào cuối tuần từ Washington. Mọi người biết Kissinger đang ở Pháp, có lẽ họ theo dõi ông, theo nghĩa nào đó. Vì vậy, chúng tôi làm việc hết sức “kín kẽ” với đại sứ Mỹ khi đó là Richard Watson.