Monday, January 22, 2024

GIẢI NHIỆT

Lúc rày nóng quá, nóng từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Cô Ngọc Trinh xuất hiện lồ lộ ở thành Cannes  hoa lệ tưởng sẽ mát mẻ, nào ngờ lại ...nóng thêm.

Cuối tuần, tôi không lấy đạo đức và truyền thống ra để rọi cái " Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên". (Cụ Nguyễn Du tả Thúy Kiều đang tắm, không phải tui tả NT đâu nhá). Tôi xem nhiều tranh (trên mạng) vẽ rất nhiều phụ nữ khỏa thân, nhưng rất ít thấy vẽ "phụ nam" cởi truồng. Có lẽ ít họa sĩ nữ chăng? Hay là cơ thể đàn ông phẳng lỳ, cục mịch, một khối thô thiển, hổng tròn tròn, cong cong, mỹ miều như phụ nữ?

Nhưng tôi cảm nhận phụ nữ không thích cái đẹp khỏa thân của giới mình. Không phải ghen tị nhưng trong huyết quản, chảy cả ngàn năm, họ luôn buộc thân thể phụ nữ phải được che kín bởi áo quần, đó mới là phụ nữ "đứng đắn". Không trách họ lên án "nữ hoàng nội y" chẳng bận cái nội y nào.

Đàn ông cánh báo lề phải, những kẻ đạo đức chẳng có chi tót vời, cũng nhiệt liệt lên án. Có bài báo còn lôi những bê bối tình dục để bỉ bôi cái sự kiện Cannes, ám thị nơi đây như là ổ...điếm, ai muốn nổi tiếng đều phải bước qua xác đạo diễn, ý lộn, qua thể xác của những "đạo diễn" đàn ông, cằm tua tủa râu dê. Ngọc Trinh được ngầm nhắc đến như một...tội đồ, "mối nhục quốc thể".

Những nhà đạo đức đáng kính ấy quên đi một thực tế: phụ nữ, thân thể trời ban cho họ là lẽ sống, là nguồn hạnh phúc, nhờ thân thể đầy sức sống của họ, những nhân vật đáng kính hay lẫy lừng nhân loại sinh ra, giang tay cứu độ chúng sinh hay làm nên lịch sử. Tạo hóa cho họ cơ thể đầy sức sống để họ chịu đựng nỗi đau sinh đẻ, chịu đựng "giày xéo" cả đời bởi những người họ trao thân gửi phận.

Nhân loại quên rằng, dù chỉ qua tôn giáo, con người ban đầu không mặc áo quần. (Trẻ con đẻ ra trần như nhộng, lẽ đáng tạo hóa cho nó cái bọc, bọc điều càng tốt). Nhưng khi có con rắn (Sa tăng) xuất hiện, Adam và Eva mới biết xấu hổ vì chuyện 2 người đang sống ở vườn Eden tồng ngồng mấy dạo. Cái ông Sa tăng ni ác thiệt. Tại ổng nên thân thể trời ban dù có căng tràn sức sống cũng bị chửi bới ỏm tỏi nếu không chịu mặc áo quần thật kín.

Tui nghĩ ngợi bây giờ con người rất ư là đạo đức. Không biết bài thơ và câu đối sau đây có bị Cục chi đó phạt tiền vì xâm phạm thuần phong mỹ tục, hay bị lên án không? Câu đối các cụ mừng đôi tân lang, tân giai nhân (tôi chép lại của tiến sĩ Long Chu Mộng): " Thiên kim mãi đắc tam phân nhục/ Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao". "Nghìn vàng mua lấy ba phân thịt/Hai họ đón mừng một nhúm lông" ( Tiến sĩ ổng dịch luôn).

"Tam phân nhục" gợi nhớ cái thằng Tàu (xưa) chế giễu Đoàn Thị Điểm, giả vai cô chèo đò, đón sứ, trong giai thoại VN. " An Nam nhất thốn thổ/ Bất tri kỷ nhân canh". (Ý nói của thằng sứ mắc dịch này  là: An Nam ngắn như "cái đốt ngón tay",  không biết bao nhiêu người "cày").

Nhưng tả cái "nhất thốn thổ" hay "tam phân nhục" đó chưa nhuần nhị bằng bà Hồ Xuân Hương."Một lỗ sâu sâu, mấy cũng vừa/ Duyên em dính dáng tự bao giờ/ Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa./ Mát mặt anh hùng khi tắt gió./ Che đầu quân tử lúc sa mưa./ Nâng niu ướm hỏi người trong trướng/ Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?"

Các bác lưu ý mấy từ gợi sự tưởng tượng phong phú (tôi nghiệm ra chỉ ở cánh mày râu).

"Một lỗ sâu sâu...mấy cũng vừa". Ai mới cưới vợ thời gian đầu đều có cảm tưởng " mấy cũng vừa" khi nhìn người phối ngẫu trong những đêm âu yếm, mặn nồng. "Chành ra"... Có ai chành vô chưa? "Da còn thiếu"..."Thịt vẫn thừa". Đúng là hiện thực xã hội chủ nghĩa , ý lộn, hiện thực "không phê phán". "Mát mặt anh hùng"..."Che đầu quân tử"....Anh hùng có ai chẳng thấy " mát mặt" chưa, trừ những anh hùng không có vợ, nghe. Đầu quân tử, úi cha, sao lại "che đầu" vị đáng kính ni, trời.

Phạm thượng thật. "Mát mặt" làm ta nghĩ tới "úp mặt". Có ai "úp mặt" chưa, nhiều hay ít cũng đều rất hạnh phúc."Che đầu", bầu trời mênh mông, bềnh bồng những đám mây như tóc rối, những núi đồi tròn trĩnh, bầu mộng bầu mơ, đã che thì tới đâu mát tới đó. " Nâng niu"...Ai mà không nâng niu chớ, không những nâng niu mà còn cưng như trứng, hứng như hoa. Các đấng mày râu, anh hùng, quân tử họ còn nâng niu, các đấng sao lại không. Câu kết bài thơ có 2 từ hấp dẫn nhất và sinh động nhất. " Phì phạch"... Như những âm thanh của tình yêu, của cho và nhận, của hạnh phúc lứa đôi - giữa chồng và vợ. Phì phạch... phì phạch...phì phạch...

Sao âm thanh giống "bì bạch, bì bạch"; nghe đâu là bà  Đoàn Thị Điểm ra câu đối, đến nay chưa ai đối nổi, khi bà đang tắm bị Trạng Quỳnh(?) dòm trộm: "da trắng vỗ bì bạch" (da là bì, trắng là bạch, bì bạch vừa tạo nghĩa vừa tạo âm thanh, hai từ đều bắt đầu mẫu tự "b"). Bà thách đối được bà sẽ cho trạng ngó tí... thiên đường. Cũng may đối ở ngoài trời, chứ đối trong "thang máy" là tiêu đời nữ sĩ. " Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?". "Đã" được dùng như trong " quá đã", hay "quá đỉnh", cũng được. "Đã sướng chưa?". Câu hỏi kết thúc khá ỡm ờ. Có phải chỉ người "sướng" đâu, cả quạt cũng sướng, nhờ luôn được nâng niu, e ấp trong lòng người quân tử, kẻ anh hùng.

Thưa các nhà đạo đức, tôi chỉ diễn nôm bài thơ "Vịnh cái quạt" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thôi.

Lúc "sa mưa" cũng như "tắt gió", sao " cái quạt" này cứu độ cánh yên hùng, kịp thời quá đỗi, và cũng hàm ơn quá đỗi, cái quạt đáng yêu kia.

(Tranh Adam và Eva ở vườn địa đàng)

Sunday, January 21, 2024

NGƯỜI TÀI HAY NGƯỜI NHÀ?

Lúc hàng triệu người không kể mạng sống mình đi theo " ngọn cờ cách mạng", họ mong ước một ngày nào đó hết chiến tranh, một xã hội tốt đẹp sẽ được xây dựng, xã hội trong đó mọi giá trị tốt đẹp là chuẩn mực phải được thực thi.

Nhìn hình bên dưới, chúng ta thấy rằng cái xã hội lý tưởng ấy có đúng  như  mong ước của  mọi người không? Một gia đình có nhiều người là quan chức ở cùng một địa phương. Trước đây có người bảo con cái của những lãnh đạo làm lãnh đạo là "hồng phúc cho dân tộc".

Không phải ở VN mà ở Trung Quốc những người lãnh đạo thường là con cái của những vị trước đây là lãnh đạo, bọn "phản động" hay gọi là "thái tử đảng". Hổ phụ sinh hổ tử, đó là hồng phúc thực sự. Bush cha sinh ra Bush con, Bush con cũng có anh trai là "tổng thống" của một bang ở nước Mỹ.

Giòng họ hổ tử: John F.Kennedy, bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy, thượng nghị sĩ Edward Kennedy, những người là tổng thống và có khả năng làm tổng thống, lãnh đạo một đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Hồng phúc quá đi chứ.

Nhưng ở VN, con cái và người thân của một vị bí thư (trong ảnh) đều là quan chức, cha ông cũng là quan chức, ở cùng một địa phương. Liệu có đúng hổ phụ sinh hổ tử không? Liệu có địa phương nào trên đất nước này không có hổ phụ sinh hổ tử như gia đình ông lãnh đạo này? Vì sao những thành viên trong một gia đình quan chức lãnh đạo dễ dàng thăng tiến hơn những người không có cha mẹ là quan chức chóp bu ở một địa phương?

Ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng có phải là một hổ tử khi có cha là hổ phụ? Và ông Nguyễn Bá Cảnh? Sinh mệnh quốc gia hay sinh mệnh một địa phương cần phải giao phó cho những người được tin tưởng, tin cẩn, không thể giao "khơi khơi" cho kẻ chẳng có "bề dày truyền thống cách mạng", thiếu tin tưởng, tin cẩn. Con cái của những người là lãnh đạo trước đây, có ai được tin tưởng, tin cẩn hơn họ?

Do đó, việc chế giễu hay châm biếm "con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" cần phải được phê phán, thật nghiêm khắc ! Trước đây, con cái của những công chức, viên chức, quân đội chính quyền Sài Gòn phải trả giá bằng những thiệt thòi bản thân và gia đình vì cha mẹ họ là "ngụy quân ngụy quyền"  thì bây giờ, con cháu của những gia đình quan chức, nghĩa là những gia đình đã đóng góp rất nhiều cho xây dựng đất nước XHCN này, họ có được ưu ái, được cất nhắc cũng là lẽ tự nhiên, thuận lẽ công bằng?

Chỉ có  "mất tự nhiên và không thuận lẽ công bằng" khi những con cháu có cha là "hổ phụ" mà họ chẳng xứng đáng là "hổ tử" như Nguyễn Xuân Anh hay Nguyễn Bá Cảnh ở Đà Nẵng.

TRUNG QUỐC KHÔNG GÂY RA CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ CỦA CHÚNG TA – MÀ LÒNG THAM CỦA DOANH NGHIỆP.

Lời người dịch: “Thương người thương cả lối đi/ Ghét người ghét cả tông ty họ hàng” (ca dao).

Đánh đấm buôn bán với chú Sam, anh cả Tập hô hào cả nước chuẩn bị “cuộc trường chinh”. Lại hô hào luôn cả châu Á “vào cuộc” chống Mỹ, làm như châu lục này là chư hầu không bằng. Kết cuộc thương chiến : Mỹ sẽ thắng, không phải đánh sập nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, mà thắng trên thương thuyết, không để con cháu anh cả Tập lấn lướt, thoải mái ăn cắp công nghệ như trước. Chú Sam ngu ngắn lắm! Hổng có ngu lâu, đâu. Tôi dự đoán Mỹ thắng không phải hơn một tỷ dân TQ không đứng “chung một bóng cờ” chống Mỹ. Mỹ thắng nhờ họ có những công dân có thái độ khẳng khái chống tổng thống Trump trong cuộc thương chiến đang diễn ra. Sự khác biệt giữa toàn trị và dân chủ nằm ở chỗ: có nhiều ý kiến khác biệt cho mọi vấn đề nhưng tựu chung cái tốt, cái xấu  được phân tích thấu đáo, không bao giờ có chuyện “cả vú lấp miệng em”. Mỹ sẽ thắng trong cuộc thương chiến này nhờ những lời “nghịch nhĩ” như tác giả bài viết, Jeffrey Sachs, giáo sư và là giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững ở đại học Columbia, Hoa Kỳ (bài đăng trên CNN sáng nay). Cũng có những người Mỹ lo lắng cho nước họ, trong khi ở Việt Nam có người mừng rỡ khi thấy Mỹ Trung so găng đánh đấm, những con cưng kinh tế TQ sẽ té ngửa nay mai."Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết",ông bà ta đúc kết rất gọn nếu có chiến tranh xảy ra giữa hai ông Kẹ này.

(China is not the source of our economic problems – corporate greed is)

Trung Quốc không phải là kẻ thù. Họ là một quốc gia đang nỗ lực nâng cao mức sống qua con đường giáo dục, buôn bán quốc tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, và nâng cao công nghệ.

Tóm lại, họ đang thực hiện như bất cứ nước nào cũng muốn khi phải đối đầu với thực tế lịch sử nghèo nàn, lạc hậu hơn những nước hùng mạnh khác.

Nhưng chính quyền Trump lại đang nhắm tới việc ngăn chặn sự phát triển của TQ, đó có thể  là thảm hoạ cho cả Hoa Kỳ và toàn thế giới.

TQ đang là con dê tế thần cho những bất công đang gia tăng ở Hoa Kỳ.

Trong lúc giao thương Mỹ với TQ đang có lợi cho cả hai bên qua nhiều năm, một số công nhân Mỹ đã bị bỏ lại phía sau, nhất là những công nhân hãng xưởng miền Trung tây, đang đối mặt sự cạnh tranh do năng suất tăng và giá nhân công rẻ (dù hiện đang tăng) ở Trung Quốc.

Thay vì qui tội TQ, một hiện tượng bình thường của sự cạnh tranh trên thị trường, chúng ta nên đánh thuế lợi nhuận doanh nghiệp ngút ngàn của những công ty đa quốc gia của chính chúng ta và sử dụng doanh thu đó trợ giúp những gia đình thuộc thành phần lao động, xây dựng lại cơ sở hạ tầng rách nát, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mới và đầu tư vào những ngành kỹ thuật, khoa học mũi nhọn.

Chúng ta nên hiểu rằng TQ chỉ muốn tìm lại thời đại đã mất sau quãng thời gia dài tụt hậu về địa chính trị và những thất bại kinh tế liên quan.

Đây là bối cảnh lịch sử quan trọng hữu ích để hiểu được sự phát triển kinh tế TQ trong 40 năm qua.

Năm 1839, Anh tấn công Trung Hoa bởi vì họ từ chối cho các nhà buôn người Anh tiếp tục bán cho dân Tàu chất nghiện nha phiến. Anh quốc thắng, rồi nỗi nhục thất trận của Trung Hoa trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, kết thúc năm 1842, đóng góp một phần vào một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại triều đình nhà Thanh, gọi là cuộc Nổi loạn của Thái bình thiên quốc, kết thúc gây ra cái chết hơn 20 triệu người.

Cuộc Chiến tranh nha phiến lần hai chống Anh và Pháp cuối cùng dẫn đến sự xói mòn sức mạnh và  ổn định nội tình Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ thứ 19, TH thua trận một quốc gia mới công nghiệp hoá là Nhật Bản, và phải bị chấp nhận lép vế tuân thủ những yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ về vấn đề buôn bán.

Những nỗi ô nhục này dẫn đến một cuộc nổi loạn nữa, tiếp theo là sự thất bại khác dưới tay của các cường quốc.

Triều đình nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, sau khi TH nhanh chóng bị xâu xé bởi các lãnh chúa, xung đột nội bộ, và sự xâm lăng của Nhật bắt đầu năm 1931.

Chấm dứt đệ nhị thế chiến được tiếp theo bằng cuộc nội chiến, sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1949 và rồi là các cuộc trỗi dậy của chủ nghĩa Mao, bao gồm cả hàng triệu cái chết vì đói trong Đại nhảy vọt, chấm hết vào đầu những năm 1960 và rối loạn quần chúng trong Cách mạng văn hoá, những di hại của nó kéo dài tận năm 1977.

Phát triển nhanh chóng của TQ theo kinh tế thị trường, do đó, chỉ bắt đầu từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền và phát động cuộc cải cách kinh tế rộng khắp.

Trong lúc TQ chứng kiến sự lớn mạnh thần kỳ trong 4 thập kỷ qua, di sản quá khứ của hơn một thế kỷ nghèo đói, bất ổn, bị xâm lược, và những mối đe dọa từ nước ngoài vẫn lảng vảng xa xa.

Những nhà lãnh đạo TQ muốn mọi thứ phải trở lại công bằng lần này, và điều đó có nghĩa là họ không muốn cúi đầu trước Hoa Kỳ hay các cường quốc phương Tây một lần nữa.

TQ bây giờ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, khi GDP được định lượng theo giá thị trường.

Tuy nhiên, đó là một quốc gia vẫn đang trong quá trình vươn lên khỏi đói nghèo.

Năm 1980, theo tài liệu của IMF, quỹ tiền tệ quốc tế, GDP đầu người của TQ chỉ bằng 2,5% của Hoa Kỳ, và năm 2018, mới đạt mức 15,3 % so với Mỹ.

Khi GDP được xem xét theo thuật ngữ so sánh sức mua, bằng cách sử dụng cái thông lệ giá cả quốc tế áp dụng cho các nước, phúc lợi đầu người TQ chỉ cao hơn 1 chút ở mức bằng 28,9% của Hoa Kỳ.

TQ theo đuổi đại khái chiến lược phát triển tương tự các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore trước đó.

Dưới góc nhìn  kinh tế, TQ không làm cái gì đặc biệt khác người đối với một quốc gia đang muốn bắt kịp các nước.

Sự e ngại liên tục của Hoa Kỳ rằng TQ ăn cắp công nghệ Mỹ là quá sức đơn giản.

Những quốc gia đang đi sau nâng cao công nghệ của họ theo nhiều cách, qua nghiên cứu, bắt chước, mua lại, sáp nhập, đầu tư nước ngoài, sử dụng diện rộng phát minh ngoài bản quyền, và, vâng, cả sự sao chép.

Với những công nghệ ngày càng thay đổi chóng mặt, luôn luôn có những mặt trận chạy đua sở hữu trí tuệ.

Điều đó càng đúng ngay trong các công ty Mỹ hiện nay – loại cạnh tranh này đơn giản là một phần trong hệ thống kinh tế thế giới.

Các nhà dẫn đầu công nghệ biết rõ họ không thể dựa vào sự dẫn đầu của mình bằng cách bảo hộ, nhưng là bằng cách tiếp tục phát minh .

Hoa Kỳ không ngừng áp dụng kỹ thuật Anh quốc trong thời gian đầu thế kỷ 19. Và khi một nước muốn thu hẹp khoảng cách kỹ thuật, họ phải chiêu mộ chất xám từ nước ngoài. Chương trình tên lửa Mỹ, nay rất tiếng tăm, đã được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của những nhà khoa học tên lửa cũ cựu của Phát xít Đức, tuyển mộ đến Hoa Kỳ sau thế chiến hai.

Nếu TQ là một nước châu Á ít dân, như Nam Hàn chẳng hạn, với hơn 50 triệu người, họ đơn giản sẽ được Hoa Kỳ ca ngợi như là một câu chuyện thành công về sự phát triển to lớn- mà đúng nó là như thế.

Nhưng vì lớn quá, TQ bác bỏ khẳng định dẫn dắt thế giới của Mỹ. Sau cùng, HK chỉ chiếm 4,2 % dân số thế giới, ít hơn ¼ dân số TQ.

Sự thật là cả hai không phải đang ở vị trí thống lĩnh thế giới ngày nay, khi kỹ thuật và công nghệ đang lan rộng nhanh chóng khắp trái đất hơn bao giờ hết.

Giao thương với TQ sẽ cung ứng Hoa Kỳ  hàng hoá tiêu dùng giá rẻ và những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao.

Nó cũng gây ra cảnh mất việc làm trong những ngành như chế tạo đang cạnh tranh trực tiếp với TQ.

Đó là cách giao thương vận hành thông thường.

Lên án TQ không công bình trong chuyện này là sai lầm – biết bao nhiêu công ty Mỹ đã gặt hái lợi nhuận trong chế tạo ở TQ hoặc xuất khẩu hàng hoá tại đó. Người tiêu dùng Hoa Kỳ có mức sống cao nhờ vào kết quả sử dụng hàng hoá TQ giá rẻ.

Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tiếp tục đàm phán và triển khai những luật lệ cải tiến giao thương song phương hay đa phương, thay vì đổ lửa vào chiến tranh thương mại với những đe doạ một phía và lên án nhau quá mức.

Một bài học cơ bản nhất của lý thuyết, thực hành, và chính sách giao thương là không ngăn trở giao thương – ngăn trở dẫn đến mức sống xuống thấp, khủng hoảng và xung đột kinh tế.

Thay vì thế, chúng ta nên chia sẻ phúc lợi tăng trưởng kinh tế để kẻ được bù đắp cho người mất.

Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản Mỹ, từ lâu xa rời tinh thần hợp tác của thời đại Kinh tế mới (New Deal era, giúp Hoa Kỳ ra khỏi suy trầm kinh tế 1929-1933 của tổng thống Franklin Roosevelt- chú thích của ND), những người thành công ngày nay thẳng thừng từ chối chia sẻ thành công của mình cho người khác.

Kết quả của thiếu vắng chia sẻ, nền chính trị Hoa Kỳ đầy rẫy những xung đột về giao thương.

Lòng tham hoàn toàn chi phối những chính sách của Hoa Kỳ.

Cuộc đấu tranh thực sự không phải với Trung Quốc mà là với những công ty khổng lồ của chính nước Mỹ, biết bao trong số họ chỉ lo làm giàu (raking in fortunes) mà không trả cho ngay những lao động của chính mình một đồng lương tử tế.

Những ông chủ doanh nghiệp Mỹ, những tập đoàn khổng lồ và chi nhánh nước ngoài mong cầu cắt giảm thuế - bằng mọi cách để có lợi nhuận lớn hơn – trong khi từ chối bất cứ chính sách nào giúp xã hội Mỹ công bằng hơn.

Trump đang đánh TQ, vẫn cứ tin rằng họ một lần nữa sẽ cúi đầu khuất phục trước một sức mạnh phương Tây. Cố ý đè bẹp những công ty làm ăn thành công như Huawei bằng cách tức thì và đơn phương thay đổi luật lệ giao thương quốc tế.

Trung Quốc tôn trọng luật chơi của phương Tây trong 40  năm qua, dần dần bắt kịp con đường mà những đồng minh châu Á của Mỹ đã đi trong quá khứ.

Giờ thì Hoa Kỳ đang kéo tấm thảm ra khỏi chân Trung Quốc bằng cách phát động một cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Trừ phi sự khôn ngoan hơn ngự trị, còn không chúng ta có thể quay đầu đối nghịch với TQ, trước là kinh tế, sau là địa chính trị và quân sự, với thảm hoạ toàn diện cho tất cả.

Chẳng ai thắng trong một cuộc xung đột như thế.

Tuy nhiên đó lại là sự thiển cận và hủ bại thâm căn của nền chính trị Hoa Kỳ (the profound shallowness and corruption of US politics ) buộc chúng ta phải đi con đường đó.

Chiến tranh thương mại với TQ không giải quyết vấn đề kinh tế của chúng ta.

Trái lại, chúng ta cần những giải pháp trong nước: chăm lo y tế cho nhiều người, trường học tốt hơn, cơ sở hạ tầng hiện đại, mức lương tối thiểu nâng lên, và phải dẹp ngay lòng tham vô độ của các doanh nghiệp.

Như thế, chúng ta cũng rút ra bài học có lợi nhiều hơn qua hợp tác với TQ hơn là kích động bất công và nguy hiểm.

KHỎI LO.

Nhiều người lo lắng giáo dục sẽ suy đồi nếu tình trạng dốt thành giỏi, điểm 1 thành điểm 10, và 1 tỷ cho một học sinh tiền khốn nạn. Tôi có biết 1 trường hợp nâng điểm tương tự, không gây hậu quả ầm ĩ nhưng cũng đáng suy gẫm. Năm 1977, bạn tôi chuyển từ Huế vào dạy 1 trường cơ sở có tiếng nhiều thành tích ở 1 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Anh mang cả gia đình theo.

Dù 2 vợ chồng đều là giáo viên, đời sống vẫn rất bấp bênh, khi "hộ khẩu" chưa được ổn định vì giấy tờ đang chờ thời gian xác nhận nhiêu khê.

Phụ huynh 1 học sinh trong lớp là trưởng công an xã.

Chẳng may, vị phụ huynh này đến gặp hiệu trưởng khiếu nại sao điểm môn học, bạn tôi dạy, của đứa con quá thấp, với lý lẽ học sinh con ông nhiều năm là học sinh khá, giỏi, thầy cô đều cho điểm cao, chỉ có bạn tôi là cho điểm thấp.

Bạn tôi thẳng thắn bảo phụ huynh là em ấy học rất kém, thầy nói mình trung thực, không có thái độ cá nhân gì với con ông.

Ông hiệu trưởng ra dấu thầy giáo bình tỉnh, vui vẻ trao đổi với vị cán bộ, và hứa sẽ " làm rõ lý do" sao điểm thấp.

Khi vị khách ra khỏi phòng, hiệu trưởng cười buồn, tâm sự " tôi quên dặn thầy vì mới về trường thầy chưa rõ, ở đây tất cả thầy cô đều ưu ái con vị cán bộ ấy, ông ta sẽ không dung thứ cho ai đánh giá con ông học kém, vì những năm ở tiểu học, em ấy lúc nào cũng là học sinh giỏi".

Những năm sau 1977, cả nước thiếu đói, không hộ khẩu ở một nơi xa là một gánh nặng.

Thầy, cô vùng này đa phần từ các tỉnh khác đến.

Chưa hộ khẩu không khác chi dân lậu.

Mọi người đều phải nhờ vả ông phụ huynh công an đó.

Hiểu ra nguyên do, từ đó, bạn tôi buộc phải "phóng bút", dù trong lòng luôn luôn ấm ức.

Em học sinh xuất sắc đó, ôi chẳng may mắn, đã thi rớt tốt nghiệp lớp 9, khi đó còn duy trì.

Giáo dục tổ chức thi có lẽ đã trung thực trong việc thi cử.

Kết quả quá sốc đối với 1 em học sinh giỏi.

Em là nạn nhân của gia đình.

Nạn nhân của cả nể, nạn nhân của quyền lực, dẫu là quyền lực cỏn con.

Sau nghe đâu em được bố gởi đi hợp tác lao động nước ngoài, ăn chơi lêu lổng bị đuổi về nước.

Những học sinh 1 điểm thành 10 điểm, rồi ra sẽ thế nào trong một xã hội tương lai, một ngày nào đó không còn là  một xã hội đầy rẫy bất công.

Quí vị hồ nghi sẽ không bao giờ ư?

Không chuyện gì trên đời này là không có thể xảy ra.

Chỉ một hai năm thôi, khối XHCN dũng mãnh hơn 70 năm, từng đem lại hãi hùng ngày đêm cho đế quốc, bỗng đổ sụp tan tành.

Lo lắng mần chi cho mệt vài chục học sinh gian lận, có 9 điểm mỗi môn chớ mấy.

ĐIỂM 2.

Đó là tên bức họa vẽ năm 1952 của họa sĩ người Nga, hiện đang trưng bày ở thủ đô nước này.

Không rành hội họa, chúng ta quan sát gương mặt mỗi người trong bức tranh vẫn thấy:

Điểm 2, học kém, là nỗi xấu hổ của đứa bé đang cầm cặp sách. Cái nhìn khinh bỉ, căm ghét của người chị. Vẻ diễu cợt trong gương mặt người em. Chỉ có người mẹ vừa thương hại con và vừa buồn bã.

Tất cả cư xử với "điểm 2" đều không như chú chó, chồm lên cậu bé đau khổ, đuôi vẫy, mặt mừng rỡ, muốn tỏ bày lòng trung thành, yêu quý, cho dù cậu bé điểm 2, bị mọi người trong gia đình như muốn lánh xa.

Điểm số ghi nhận thành quả học tập biến thành thành tích. Thành tích biến thành đích đến, không còn là học tập. 42/ 43 học sinh giỏi là thành tích. Bao nhiêu ngàn tiến sĩ, bao nhiêu ngàn giáo sư là mục tiêu giáo dục, thành tích giáo dục. Chủ nghĩa cộng sản được áp dụng đầu tiên ở Nga. VN ôm ấp áp dụng theo sau dù có trễ do chiến tranh. Giáo dục 2 nước do đó cũng cùng từ một cái nôi mà lớn.

Nỗi đau của thành tích, điểm 2, ở Nga trong bức tranh vẽ năm 1952 vẫn không khác nỗi đau chạy theo thành tích năm 2019 ở Việt Nam.

Chỉ có khác ở chỗ: nỗi đau ấy được người nghệ sĩ, người trí thức, khắc họa thành tác phẩm để đời.

Còn ở VN, rất nhiều "nghệ sĩ" ôm bằng giáo sư đang vẽ hàng triệu bức tranh, những bức tranh "Điểm 10" lịch sử.

SỐNG CHẾT MẶC BAY.

Rượu bia đang ngập tràn từ thôn quê ra thành thị. Vấn đề rượu bia được nêu ra giữa quốc hội là trông mong của mọi người, nó lớn quá mà. Ai cũng biết VN là cường quốc về bia rượu, sản xuất và tiêu thụ, bia 5 tỷ lít một năm, rượu chưa rõ nhưng hẳn không kém chị thua em. Tác hại lạm dụng rượu bia không chỉ cho xã hội mà còn cho cơ thể, tinh thần, nhất là sức khỏe nòi giống.

Ông bà ta khuyên " rượu say chớ có nhập phòng". Phòng, đây là phòng the, không phải phòng nhậu tiếp. Các ngài lo cho tương lai nòi giống, con cháu đẻ ra không muốn hổ mà muốn Tiger thì lúa đời.

Tác hại rượu bia trong giao thông nguy hiểm đến độ đi đâu ta cũng thấy khẩu hiệu "Đã uống rượu thì đừng lái xe". Các nước cấm ngặt chuyện này bằng những hình phạt khắt khe.

Nhưng VN ta, í lộn , quốc hội ta, cho phép có rượu bia trong người khi lái xe thì hơi lạ. Tôi không rõ nếu nồng độ cồn quá mức cho phép, người lái xe có bị phạt hay không. Người lái xe có  uống rượu bia, ắt hẳn độ cồn phải vượt ngưỡng 2 lon, mức có thể bị phạt. Ở VN, tôi chắc chắn không ai khi bù khú mà uống chỉ một lon bia. Cả buổi tiệc mấy tiếng đồng hồ, tiếng la ó "dô, dô, 100 %" minh chứng khẳng định của tôi là đúng.

Từ đây, có thể suy rộng ra, uống rượu bia thì không nên lái xe, nguy hiểm cho bản thân và cho người khác cùng đi trên đường. Nhưng quốc hội của dân thì không nghĩ thế. Số biểu quyết cấm uống ngang ngửa số cho uống, kết quả "cứ uống rượu bia rồi lái xe". Chỗ dân không nói làm chi, cấm rượu bia khi lái xe, có mà "chết" cả đám.

Không lẽ đi bộ đến chỗ tiệc tùng, đám cưới, đám ma, xong rồi đi bộ về? Nhưng ở quốc hội, cấm rượu bia khi lái xe gây bức bối nhưng phải làm, vì có biết bao tai nạn giao thông thảm khốc, người chết mỗi năm nhiều hơn chiến tranh ở một số nước mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính, không thế thì khẩu hiệu " Đã uống rượu bia thì không tham gia điều khiển phương tiện giao thông" dựng lên đầy đường để làm gì? Đến đây, người dân chúng tôi có quyền đặt câu hỏi:

Bỏ phiếu thuận cho phép lái xe uống rượu bia - tác hại đã rõ -   nhắm đến ai? Chúng tôi có quyền nghi ngờ luật tạo thuận lợi cho các ông bà nghị nghiện rượu. Không thế mà có cả nhà sử học hùng hổ bảo vệ rượu, lại còn "hù" người khác bằng cách trích dẫn thơ HCM về rượu. Ổng lại còn lý sự bác học: rượu tác hại, vậy gạo làm ra rượu có tác hại không.

Nếu ở quốc hội, những người thuận cho phép uống rượu bia khi lái xe không hiểu luật giao thông các nước về cấm rượu bia quá mức thì có thể thông cảm, có ai giỏi hết đâu. Nhưng vì không hiểu biết mà cho phép uống rượu bia khi lái xe - đã dẫn đến chết người - thì câu chuyện chuyển qua một hướng khác: - Các vị bỏ phiếu "thuận" đại diện cho dân hay đại diện cho bản thân mình? Thôi thì, "sống chết mặc bay", lái xe cứ nhậu.