Wednesday, January 17, 2024

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG.

Là tên cuốn tiểu thuyết nói về một người Mỹ tiêu biểu, thay thế người Pháp ở VN để sau đó can dự vào cuộc chiến tranh thảm khốc chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.

Nay, khi cho rút quân khỏi Syria bỏ mặc người Kurd, bị chính người Mỹ lên án, Donald Trump đã làm một việc hết sức ngoạn mục: tiêu diệt được trùm khủng bố Baghdadi, người thành lập một nhà nước Hồi Giáo, Caliphate, trên lãnh thổ chiếm được của Iraq và Syria, kiểm soát một “nước” 8 triệu người, với sự cai trị hà khắc, dã man chưa từng thấy: khống chế và khủng bố tinh thần con người trên hành tinh này, bằng hành quyết cắt đầu, chặt đầu, quay clip tung ra khắp thế giới.

Trong một giờ đồng hồ bị những con chó săn đuổi, cùng với toán lính Mỹ, Baghdadi chạy trốn vào một hầm không cửa thoát, kích nổ mìn trong áo giáp tự tử, cùng với 3 đứa con và 2 người vợ (áo có mìn của vợ, con chưa kịp tự kích nổ).

Chấm hết cuộc đời một tay lão luyện trận mạc, có chiến thuật khét tiếng, dã man nhưng rất khôn ngoan, còn hơn cả bin Laden, khi thành công trong việc thành lập một “nhà nước Hồi Giáo”, gieo nỗi kinh hoàng, khiếp sợ cho cả thế giới, không loại trừ Mỹ, nước đã treo giải thưởng cho ai có tin tức dẫn đến bắt giữ hoặc sát hại 25 triệu đô la Mỹ năm 2017.

Ảnh: Thủ lĩnh nhà nước Hồi giáo IS.

Trump rất hả hê diễn tả nỗi sung sướng của mình, trước sự trách móc của đồng minh cũng như chỉ trích từ ngay những người Mỹ cùng đảng cộng hòa khi để cho bọn khủng bố có nguy cơ ngóc đầu dậy sau Mỹ rút quân: “Trùm khủng bố chết như một con chó. Ông ta chết như một thằng hèn” (He died like a dog, he died like a coward). Trump hồ hởi diễn tả: Baghdadi “rên rỉ, kêu khóc, la hét khi bị bầy chó trận săn đuổi”. “Con bọ hung (bug) từng quen khủng bố người khác, trải qua những giây phút cuối cùng, trong nỗi lo lắng và sợ hãi cùng cực, kinh hoàng trước sức mạnh lực lượng Mỹ giáng xuống đầu hắn”. Ông ta nhận xét như thế vì chứng kiến trực tiếp việc bố ráp trùm khủng bố qua vệ tinh truyền trực tiếp về tòa Bạch Ốc, giống như Obama từng trực tiếp chứng kiến việc tiêu diệt bin Laden năm 2011.

Thể tất cái tật thích khoa trương của tổng thống Trump, chúng ta thấy rằng, qua sự việc tiêu diệt lãnh tụ tinh thần của một thế giới khủng bố IS, trước khi rút khỏi nơi bọn khủng bố có thể trở lại, người Mỹ đã nghĩ tới và đã thực hiện được việc xóa bỏ mối nguy cực lớn: loại bỏ nhà chiến lược hàng đầu của bọn khủng bố khi hắn lầm tưởng chẳng còn lo bọn Mỹ nữa, an tâm gầy dựng lại cơ đồ. Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị. Trump học người Trung Hoa khá tốt nhờ đang đấu quyền Anh với với võ Tàu.

Bên một người Mỹ ồn ào, Donald Trump, chúng ta thấy có những người Mỹ “trầm lặng”, họ làm cho nước Mỹ khác hẳn một TQ huênh hoang: những bước đi của họ chẳng ai mà hiểu cho nổi, như trước đây, chúng ta cũng đã không hiểu họ làm gì để cho khối xã hội chủ nghĩa hùng mạnh do Liên Xô dẫn dắt, sắp nuốt chửng thế giới, sụp đổ tan hoang. Đúng là Người Mỹ trầm lặng.

CHẾT TRONG XE Ở ANH: LÀM THẾ NÀO VIỆT NAM VẪN LÀ NƠI BÉO BỞ CHO BỌN BUÔN NGƯỜI.

(UK truck deaths: How Vietnam is still a hotbed of people traffickers)

Ba năm sau khi Al Jazeera vạch trần hành vi buôn người ở Việt Nam đến Anh, việc làm ăn vẫn còn rất mạnh.

Những cái chết khủng khiếp. Phát hiện kinh hoàng 39 người chết cóng trong container trên xe kéo ở nam nước Anh tháng này là một cảnh báo nghiêm khắc nhiều hiểm nguy cho những ai mong ước đổi đời.

Ban đầu, cảnh sát tưởng tất cả là công dân TQ nhưng hơn 20 gia đình VN, hầu hết cùng một vùng, đang lo lắng những người thân yêu của họ nằm trong số những người chết. Có người nói 39 nạn nhân đều từ VN.

Nạn buôn người thường xuyên, nguy hiểm cực kỳ từ VN đến Anh được tiết lộ trong một phóng  sự tài liệu của Al Jazeera năm 2016.

Tổ chức Britain's Modern Slave Trade (Buôn bán nô lệ hiện đại tại Anh) tiết lộ tỉnh Nghệ An – nơi nhiều gia đình đang làm lễ cầu siêu cho nạn nhân chết trong xe – là mảnh đất béo bở cho bọn buôn người.

Trong một vùng nghèo nhất VN, các băng nhóm tội phạm thường lợi dụng những ai có khát vọng đến tây Âu kiếm việc làm, gửi tiền về gia đình.

Các nhân viên của chúng tôi ở VN, giả dạng một cặp vợ chồng muốn làm việc tại Anh, gặp một tay buôn người ở thành phố Vinh. Cô ta nhỏ nhẹ bảo sẽ thu xếp với số tiền 32 nghìn euro.

Tay buôn người ở Vinh bảo các phóng viên giả dạng của chúng tôi rằng cô sẽ liên lạc để đưa 2 người ra Hà Nội, bay đến Nga, ở đó, 2 người giả làm sinh viên nước ngoài hoặc tham gia một tua du lịch theo nhóm. Từ Nga họ sẽ được chở xe qua châu Âu và tiếp tục đến Anh.

“Tôi sắp xếp anh chị đến Nga, sau đó đi xe qua Ba Lan, Đức, rồi Pháp. Khi ở Pháp chúng tôi sẽ đón anh chị đi Anh. Tôi bảo đảm với anh chị, rất an toàn”, cô gái giải thích. Cô còn bảo đảm chuyến đi sẽ dễ dàng, cả cuộc hành trình mất đôi ba tuần.

Nhưng thực tế cuộc hành trình kéo dài nhiều tuần lễ đầy rẫy hiểm nguy. Lợi dụng sức lao động và lạm dụng tình dục rất là phổ biến. Một số đến Anh bình yên, tìm được việc làm, có thể gửi tiền về nhà. Nhưng nhiều người khác bị cưỡng bách thành nô lệ thời hiện đại khi đặt chân đến Vương quốc Anh. Tay buôn người nói với nhân viên nữ của chúng tôi là có một chỗ làm dành cho cô ở một tiệm nail.

Cuộc điều tra tiết lộ nhiều phụ nữ Việt đưa lậu sang Anh cố tìm việc trong các tiệm nail nhưng một số khác bị buộc làm rất nhiều giờ, ít lương, có khi không lương – và buộc phải đi khách (bán dâm) vào ban đêm. Trong phóng sự điều tra, một phóng viên người Việt của chúng tôi khởi đầu thử làm việc không lương trong một tiệm nail ở Romford, đông bắc London.

TẨM DẦU VÀO NGƯỜI

Một người làm công ở tiệm nói cô được đưa lậu vào Anh trong một xe tải. Cô kể lại, những “hành khách xe tải” áo quần tẩm đầy dầu nhớt để đánh lạc hướng những con chó ngửi mùi ở các cảng vào Anh, họ được bảo phải mặc bỉm dành cho người lớn để khỏi phải dừng tiểu tiện trong suốt hành trình.

Điều tra của chúng tôi cũng tiết lộ rất nhiều tiệm nail, các băng đảng tội phạm làm chủ, chúng cũng điều hành các trang trại trồng cần sa mỗi năm mang lại hàng triệu euro. Những người đàn ông Việt được sắp xếp làm trong những trang trại này, và không ngờ đến những điều kiện khủng khiếp họ phải đối mặt.

Phóng viên chúng tôi chú ý đến điều kiện làm việc ở một vườn trồng cần sa và tiếp xúc được với một thiếu niên Việt 17 tuổi, đang chăm sóc một “vườn” ở Ilford, đông bắc London.

Cuối cùng, phóng viên chúng tôi thuyết phục “người làm vườn” cần sa chỉ nơi làm việc của cậu; thật ra là một căn nhà vây bọc chung quanh, bề ngoài trông rất bình thường ở ngoại ô. Bên trong không có góc nào không có cây cần sa phủ kín. Cậu bé “làm vườn” giải thích cách cắt nối dây cáp thế nào giúp bọn tội phạm có thể ăn cắp đủ lượng điện để chăm sóc cần sa.

Cậu bé cũng giải thích không thể rời khỏi nhà vì không biết tiếng Anh, hộ chiếu bị tịch thu, tối ngủ trên một tấm đệm dưới cầu thang, thức ăn được một thành viên buôn người mang đến mỗi tối. Cậu bé than thở rất trơ trọi và buồn bã.  Cậu nói: “Ở trong nhà cả ngày lẫn đêm như là ở tù”

Cậu ước mơ ngày nào đó cậu sẽ kiếm đủ tiền để xa lánh “vườn” cần sa, gửi tiền về nhà nhưng cậu thật thà nói, tiền được hứa trả vẫn chưa thấy đâu.

39 cái chết trong xe đông lạnh cho thấy một bằng chứng lạnh lùng, nạn buôn người từ Việt nam và từ các nước châu Á vẫn còn tiếp diễn.

Cảnh sát Anh cáo buộc tài xế xe đông lạnh 25 tuổi với 39 tội danh ngộ sát.

Ảnh của Hannah McKey/Reuters.

Bài của David Harrison, trên Al Jazeera 28-10-19. Nguyễn Long Chiến dịch.

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CHUI – vấn đề còn bỏ ngỏ.

Từ 39 cái chết thương tâm trong container, báo chí nước ngoài tập trung tìm hiểu vì sao những người Việt mạo hiểm đánh đổi cả mạng sống để đến nước Anh. Tờ Guardian (30/10) “Người di dân VN không bị bọn buôn người “dụ dỗ”, họ chỉ muốn một tương lai tốt hơn” (Vietnamese migrants are not ‘lured’ by traffickers. They just want a better future ). RFA (30/10): “Nghèo nàn và ước vọng đưa đẩy những “lao động hạng thấp” tìm đến phương Tây – theo các học giả” (Poverty, Ambition Drive Vietnam’s ‘Underground Labor’ Movement to West, Scholars Say). BBC(31/10): Người Việt làm lậu ở Anh: Ra đi có phải vì nghèo? . VOA (31/10) có “định hướng tuyên giáo” hơn: Việt Nam đang phát triển, tại sao người lao động tìm đường xuất ngoại?"

James Pearson của Reuters (30/10) viết hẳn một bài nhan đề  “In Vietnam’s ‘Billionaire Village’, migrant cash can buy a palace (Trong ngôi ‘Làng tỷ phú’ ở VN, tiền người đi lao động có thể mua một dinh thự”).

Phóng viên viết: “Một tỷ đồng tương đương 43 nghìn đô la Mỹ, nhưng ở xã  Đô Thành phía bắc Trung bộ VN, tiền làm được khối chuyện, ngay cả những nông dân cũng sống trong những biệt thự lộng lẫy, xây bằng tiền của thân nhân chuyển về từ lao động ở nước ngoài. Vị chủ tịch xã nông thôn trồng lúa Nguyễn Văn Hà, địa phương thuộc tỉnh Nghệ An phát biểu: ‘70-80% những vi-la ở đây đều xây nhà nhờ tiền gửi về’ (“70-80% of the villas here have been built with remittances,” said Nguyen Van Ha, chairman of the rural, rice-farming commune in Nghe An province). Ông chỉ những ngôi nhà cao nhiều tầng, quanh trụ sở ủy ban rồi tiếp: ‘Nếu bạn làm việc ở VN để kiếm tiền đồng (không phải tiền đô -ND), không biết đến bao giờ có thể làm một vi-la như thế”.

Nhiều ái ngại cho hoàn cảnh những người phải vay mượn tiền với số lớn để xuất khẩu lao động chui, mạo hiểm đánh đổi cả cuộc đời, thấy qua 39 cái chết đau đớn trong xe đông lạnh vì không thở được. Tôi muốn nói một khía cạnh khác về khát vọng làm giàu của con người nông dân, và không nói đến những người đã khuất. Nghĩa tử là nghĩa tận. Hãy thắp cho họ một nén nhang lòng: những đồng bào chẳng may gặp nạn của chúng ta.

Nếu đúng như mô tả của phóng viên Reuters, hãng thông tấn thường đưa tin khá cẩn trọng, thì những căn nhà hoành tráng được xây gần như bằng tiền lao động làm thuê xứ người gửi về.

Khát vọng làm giàu: mua xe sang, xây nhà lớn, con cái có nơi học hành tử tế, cuộc sống không “thua chị kém em” là khát vọng chân chính. Nhưng có nhất thiết người lao động phải đánh đổi khát vọng ấy bằng con đường đi làm việc chui, qua sự tiếp tay của bọn buôn người, không lường trước hành trình nơi muốn đến, muôn vàn hiểm nguy, chưa kể đến nước Anh để tham gia trồng cần sa mới có nhiều tiền, dễ gặp rắc rối pháp lý, và chưa chắc được sống đàng hoàng, đối xử hẳn hoi, trong các nơi trồng cần sa, vì đó là hoạt động trái pháp luật.

Ở nông thôn, ý tưởng người dân “không muốn thua kém ai” là khá phổ biến. Hàng xóm có người sắm chiếc xe máy đời mới mấy chục triệu, lập tức vài tuần, có khi vài hôm, nhà bên cạnh chơi ngay một con xe “xịn hơn”, cho hàng xóm lác mắt. Khốn nỗi, người ta thừa tiền mua xe, nhà anh này “thừa nợ” để sắm. Người trong làng có con đi lao động nước ngoài gửi tiền về xây một ngôi nhà mấy tầng, hàng xóm cũng không muốn kém cạnh, vay mượn tứ bề, cầm cố cả sổ đỏ, sổ hồng, cho con mình ra đi, với ao ước một ngày sẽ “bằng chị bằng anh”.

Đồng tiền là huyết mạch nhưng đồng tiền thời buổi bây giờ được đẩy lên quá cao so với nhiệm vụ chính của nó là “trao đổi thành quả và giá trị lao động”. Trên những phương tiện truyền thông, ta thấy rất nhiều sự kiện liên quan tới tiền. Một ngôi chùa bình dị, những người tu hành bình dị, ở một khung cảnh bình dị, chưa nói đến hoằng pháp là mục đích của tín hữu đến chùa, không còn là cách thông thường để phát triển một tín ngưỡng có giáo lý sâu xa, giúp con người giải thoát lụy trần, khổ não. Hàng chục “mạnh thường quân” bỏ ra hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ, để đất nước này sẽ có những ngôi chùa “lớn nhất Đông Nam Á, lớn nhất Châu Á” có cả nơi nghỉ ngơi như khách sạn, trong khi số tiền ấy có thể xây bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu bệnh viện, làm được bao nhiêu con đường, thanh toán bao nhiêu cái cầu khỉ ở miền sông nước miền Nam. Du lịch tâm linh, một cái tên rất kêu, rất “đậm đà bản sắc dân tộc” thực ra là một cách kinh doanh. Nơi linh thiêng, sự có mặt của đồng tiền là quan trọng, không phải phần tâm hồn, phần trái tim, phần sâu lắng, cần thể hiện ở những nơi thiêng liêng ấy.

Bà bộ trưởng y tế hãnh diện trao những tấm bảng ghi to con số 15 triệu đồng cho những sinh viên xuất sắc trong một lễ khai giảng trân trọng ở một đại học lớn, thay vì việc ấy nên thể hiện nơi kín đáo đối với cá nhân được khen thưởng vì trong đó có em nghèo nhưng học giỏi. Người ta hồ hởi vô tư sẽ trao thưởng 100 triệu cho cầu thủ quốc gia sút thắng vào lưới đối phương (không mất tiền nếu không có trái nào). Trong khi đá đâu thắng đó, “thế nước đang lên” cùng bóng đá, người ta quên đi nhiệm vụ của cầu thủ đá bóng mang màu cờ sắc áo, ngoài tinh thần thể thao, nhiệm vụ hàng triệu người hâm mộ mong đợi, là đem vinh quang về cho đất nước (dù chỉ là một trận bóng), vinh quang ấy được kích thích và đem lại bằng tiền hay sao?

Khi xã hội từ dân thường, quan chức đến tôn giáo đều tôn vinh vật chất  và vật chất là động lực tinh thần, việc người dân ra đi lao động không theo “chính ngạch”, đầy hiểm nguy, bất trắc, đặng kiếm nhiều tiền, để gia đình mình "không thua chị kém em" sẽ không thể nào chấm dứt, và một khi ở trong nước, người lao động bình thường cần mẫn, cả đời dành dụm, lương thiện làm ăn, tích cóp chắt chiu từng đồng, liệu có làm nổi một căn nhà hoành tráng như ở thị trấn Đô Thanh hay không?

Ảnh: Bố anh Lê Văn Hà cùng đứa cháu nội mất cha

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT.

(Nhân có thông tri về việc kỷ luật “sinh viên bán dâm 4 lần”).

Khi tới chia buồn ở địa điểm 11 người gốc Do Thái bị bắn chết, vợ chồng tổng bí thư, à quên, vợ chồng tổng thống Donald Trump chỉ được tháp tùng rất ít người ngoài 2 vợ chồng con rể (rể là người Do Thái). Một số thượng nghị sĩ tên tuổi được tòa Bạch Ốc mời đi cùng tổng thống nhưng họ từ chối và ngay cả thị trưởng thành phố Pittsburgh, nơi xảy ra thảm sát, cũng chẳng thèm có mặt trong dịp trọng đại này. Lý do khiến họ từ chối tháp tùng tổng thống là việc đến thăm thời điểm như thế khiến việc chôn cất những nạn nhân ít được cộng đồng chú ý vì phải chú ý nguyên thủ quốc gia.

Họ kính trọng người chết hơn sự có mặt của người cao nhất nước Mỹ. Nếu ở VN hay Trung Quốc, những thượng nghị sĩ này, nhất là “thằng” thị trưởng “láu cá” kia, khó mà sống nổi: họ đã coi thường lãnh đạo. Vì sao họ lại “bất tuân” thượng cấp? Thì ra, họ chỉ tuân theo lương tri và luật pháp. Trump có “bỏ bụng mắm” thì cũng chẳng “đì” được họ.

Lúc tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas, Texas, phó tổng thống Lyndon B. Johnson tức thì bay đến, tuyên thệ nhậm chức tổng thống dưới sự chứng giám của tay chánh tòa “ốc tiêu” của quận, không phải họp nội các, không phải lấy phiếu tín nhiệm, không phải mời ông chánh án tòa tối cao pháp viện Mỹ. Tất cả theo trình tự luật pháp.

Ở VN khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp” có thời được treo khắp nơi. Liệu chúng ta có sống và tôn trọng pháp luật như những người Mỹ kia không?

Không thể so sánh trình độ dân trí của 2 quốc gia. Mọi so sánh đều khập khiễng. Ta không thể so sánh người Mỹ được mua vũ khí mà người Việt tại sao không. Nhưng ở đây, chúng ta muốn nhấn mạnh, khi sống đúng và làm đúng theo pháp luật, chúng ta sẽ được tự do, được bảo vệ, không phải e dè sợ hãi bất cứ ai, kể cả những ông quyền lực cao nhất nước. Chúng ta chỉ sợ phạm luật mà không sợ bất cứ kẻ nào lợi dụng quyền lực đe dọa chúng ta.

Lãnh đạo có mặc áo bỏ ngoài thùng vì ý thích cá nhân, thuộc cấp cũng không vì thấy thế mà bỏ áo ngoài thùng, muốn cho… “giống” lãnh đạo. Lãnh đạo có đi dọn rác thì phóng viên, nhà báo, nhà quay phim, nhà nhiếp ảnh cũng chẳng buồn rầm rộ chạy theo quay phim, chụp ảnh, đưa tin, một cách “nịnh” khéo, lấy lòng cấp trên.

Và những người soạn chỉ thị đuổi học những sinh viên bán dâm 4 lần cũng không phải bị chì chiết chửi bới. Việc này có luật bảo vệ thuần phong mỹ tục, có tòa án và cảnh sát. Những vị đại biểu quốc hội cũng không băn khoăn phải làm thế nào để “xử lý” những kẻ nói xấu bộ trưởng trên mạng.

Tốt mà nói thành xấu sẽ bị chi phối bởi luật mạ lị, bôi nhọ. Các đại biểu cứ lo chuyện quốc kế dân sinh, chuyện "chửi ai cũng được", "muốn nói gì thì nói" để cho luật pháp lo. Các thầy hiệu trưởng cũng không phải đuổi học sinh, sinh viên vì nói xấu trường, thầy cô trên Facebook. Ai làm phần việc nấy. Không nên đá lộn sân. Rối rắm mà chẳng hiệu quả. Tất cả đều có pháp luật.

Sống và làm việc đúng theo pháp luật, mọi người sẽ… “phẻ re”.

Bộ giáo dục cũng không phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ chi cho mệt 4 lần hay 3 lần bán dâm thì buộc sinh viên nghỉ học. Nếu ngành sư phạm yêu cầu nghiêm ngặt về quy chuẩn đạo đức cho thầy cô giáo tương lai, một lần bán dâm đã đủ chuyển họ qua ngành khác…phù hợp hơn, ví như hoa hậu ngàn đô, nếu cao giá quá, thì khuyến mãi hay giảm giá còn vài chục đô cũng được, miễn đừng ở lại cái nghề không sản sinh ra những Tiểu Vy hoa hậu mà lại sản sinh những nàng Kiều thời @ là quý hóa quá rồi.

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ VÀ Ý THỨC CÔNG DÂN.

Giáo trình giảng dạy sinh viên mấy năm nay mới phát hiện "đường lưỡi bò" nhờ sinh viên. Đường lưỡi bò là một thách thức chủ quyền lớn nhất đối với Việt Nam. Nếu nó thành pháp lý, nghĩa là ra vào bờ biển VN phải được phép TQ, VN sẽ không còn là Việt Nam. Phim, xe hơi, nay đến sách giáo khoa.

Vì sao công dân VN, nhất là người làm giáo dục, đào tạo hạt giống tương lai, lại hờ hững với chủ quyền đất nước, đường lưỡi bò nằm ngang nhiên trong sách giáo khoa? Họ có biết thủ tướng và nội các Nhật ghé thăm ngôi đền thờ các vị tiên liệt ngay trong đất nước, lại bị Trung Quốc kịch liệt lên án, vì trong đó có thờ cả những tướng lĩnh từng dẫn quân xâm lược nước họ. Vào viếng đền là quyền của người Nhật, tại sao người TQ phản đối?

Người Việt Nam (không phải tất cả) in sách dịch ca ngợi "Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt", trong khi mấy chục ngàn đồng bào, chiến sĩ VN, bị chết dưới bàn tay đẫm máu của ông ta năm 1979.

Đường lưỡi bò còn, chủ quyền VN sẽ bị đe dọa. Vậy mà cái đường khốn nạn đó lại nằm chình ình trong sách giáo khoa giảng dạy cho sinh viên. Ý thức chủ quyền nhạt nhòa có thể có mấy nguyên nhân.

Trung Quốc là người vẽ ra đường lưỡi bò cướp biển, tòa quốc tế phán quyết bác bỏ, nhưng người Việt lại không được cảnh giác đúng mức, nghiêm túc. Thậm chí TQ cho tàu xâm phạm lãnh hải, ngay một tướng lĩnh cũng không dám gọi đích danh, ngoài " tàu nước ngoài". Trước đây những người xuống đường phản đối đường lưỡi bò, những thanh niên mặc áo thun No-U, đều bị gây khó dễ, thậm chí có người bị bắt nhốt. Trong những cuộc xuống đường phản đối TQ bành trướng, có người phải tù tội vì thể hiện, đôi lúc sôi bỏng lòng yêu nước quá khích.

Chúng ta không chống Trung Quốc (có chống cũng không nổi) nhưng chúng ta phải chống hành động của họ xâm phạm chủ quyền quốc gia. Người Việt Nam nguội lạnh lòng ái quốc rồi sao? Không phải. Họ yêu nước nhưng lòng yêu nước ấy phải được "dẫn dắt". Yêu nước "quá mức", "quá đà", "chệch định hướng" có khi sẽ mang lại bất an bản thân người thể hiện tình cảm thiêng liêng ấy. Lòng yêu nước như dòng máu của mỗi người Việt Nam; lòng yêu nước đã được hun đúc cả ngàn đời; lòng yêu nước nồng nàn bùng lên khi tổ quốc bị đe dọa xâm lăng.

Có phải cho đến bây giờ khi kỷ luật người trách nhiệm nhập phim, xử lý xe hơi, thu hồi sách giáo khoa, tất cả có "đường lưỡi bò", thì lòng yêu nước mới được phép thể hiện, mới được nhắc đến? Đây chính là nỗi lo rất lớn cho tinh thần ái quốc của người Việt khi đất nước đang đối mặt nguy cơ chủ quyền bị đe dọa.

NẾU

(Nhân cái chết ngạt trong container của 39 công dân VN tại Anh)

Nếu là trợ lý nguyên thủ quốc gia, tôi đề xuất:

1-Cấp một chuyên cơ đến Anh nhận xác 39 người chết sau khi có đầy đủ tên tuổi.

2-Khi về nước, cho xe đưa thi thể nạn nhân và gia đình (nếu có) về quê quán.

3-Tuyên bố quốc tang (vì cái chết quá đau đớn của 39 đồng bào) để cả nước chia buồn cùng những số phận bi thương, một sự cố chưa từng có, gây chấn động lương tâm nhân loại.

4-Ra lệnh “dư luận viên” không nên lên tiếng chỉ trích những người chết vì ra đi bất hợp pháp.

Làm như thế, Việt Nam sẽ được mấy cái:

1-Quốc tế có cái nhìn thiện cảm hơn, họ mất đi nghi ngờ rằng con dân VN chỉ được người ngoại quốc như thủ tướng Anh quan tâm, còn lãnh đạo VN điềm nhiên tọa thị.

2-39 cái chết thảm vì ngạt, vì cóng, là cảnh báo cho toàn thế giới cảnh giác hùng hồn nạn “buôn người”.

3-Những cái chết đau đớn ấy cũng cảnh báo sự hiểm nguy cho những người còn dự định đi lao động không chính ngạch. Lao động xuất khẩu đem lại cuộc sống chứ không thể đem lại cái chết.

4-Vì yêu thương cha mẹ, vợ con, vì một cuộc sống tươi đẹp hơn, những người chết đã đánh đổi mạng sống của mình, chưa kể sẽ lao động vất vã, cực nhọc, hiểm nguy xứ người, giả như họ may mắn sống sót; việc làm của họ nếu cái chết không ngăn trở - nhìn ở một khía cạnh khác – là việc làm yêu nước, đóng góp cho quốc gia: những đồng tiền chắt chiu mồ hôi nước mắt gởi về quê hương còn bộn bề gian khổ.

5-Dù chết vì lý do nhập cư bất hợp pháp, những cái chết ấy vẫn là những nỗi đau, không chỉ cho gia đình, cha mẹ vợ con họ, mà còn là nỗi đau cho những người còn sống trên quê hương này: nước còn nghèo nên họ phải nghèo, họ phải đi làm thuê, tổ quốc không đủ chỗ thích hợp cho họ sinh cơ lập nghiệp, là lao động giản đơn, không có điều kiện học hành. Họ là những thành phần yếu thế nhất trong xã hội, họ phải tốn tiền quá lớn cho hành trình ra đi đầy bất trắc, họ phải mang một trách nhiệm nặng nề với gia đình, để rồi chết thảm thương dưới bàn tay lạnh lùng của bọn buôn người tàn nhẫn; nếu họ là thành phần ưu thế, họ đã đi ra nước ngoài  theo chuyên cơ quốc hội, không phải chui nhủi trong container rồi chết thảm. Cả nước hãy cảm thông nỗi đau của họ và gia đình họ.

6-Chính quyền sẽ đem lại một cái nhìn thiện cảm hơn đối với người dân, đất nước gặp một sự cố thảm thương chưa từng có, chính quyền đã cùng góp sức giúp đỡ những người xấu số, thi thể họ được mang về chôn cất vĩnh hằng nơi đất mẹ.

Những người VN hãy nghĩ đến câu “một giọt máu đào”. Những ai còn lương tri, hãy thôi trách chê người quá cố. “Bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Ảnh:

NGƯỜI VIỆT: CHẾT TRỌNG HƠN SỐNG?

Hình bên dưới không phải là dinh cơ hay một nhà bảo tàng. Đó là một phần trong một nghĩa trang hoành tráng, bề thế trong hàng trăm nghĩa trang hoành tráng, bề thế khắp nước. Lo chỗ an nghỉ những người thân là việc làm tình nghĩa, cần trân trọng.

Nhiều quốc gia tiến bộ, mộ phần những người chết không được chú trọng như ở Việt Nam. Phần mộ của các tổng thống Mỹ nhìn rất giản dị, bình thường, không như phần mộ các nguyên thủ hay quan chức Việt Nam, có người nằm trong khuôn viên rộng 6 mẫu đất.

Khi một người thân qua đời, việc đầu tiên là “làm đám”. Từ thành thị cho chí thôn quê, một đám tang, giàu cũng như nghèo, tổ chức không dưới 2, 3 ngày. Có đám kéo dài cả tuần lễ do nhà khá giả hay coi chưa đặng ngày giờ tốt chôn người chết. Ở nông thôn, đám không khó khăn như ở thành thị, không gian tổ chức đám rộng rãi. Ở phố, có những đám gia quyến dựng rạp ngay trên đường, án cả lối đi, không ai thấy phàn nàn; có đám cả ngày lẫn đêm đội kèn trống nhà hiếu với âm thanh inh ỏi, hàng xóm cũng đành lòng cam chịu, mong cho mau vãn đám, tất cả mọi người đều nghĩ:  nghĩa tử là nghĩa tận.

Đời sống ngày càng khá giả, những người trẻ chú trọng tổ chức các sự kiện vui cho gia đình: kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, ngày đầy tháng, ngày thôi nôi…cho người còn sống. Nhưng số đông khác vẫn coi trọng những ngày giỗ kỵ, chạp mả, tảo mộ…cho người đã khuất. Đây là việc làm thể hiện lòng hiếu đạo, không quên cội nguồn, nòi giống, dù  không ít những đám kỵ, đám giỗ, lớn không khác lễ hội, xe pháo người đến dự đậu dài dài trên đường trước nhà gia chủ, không khác đoàn xe các quan chức đi dự đại hội. Người dân thường tổ chức họp mặt nhân ngày giỗ kỵ thật trân trọng: gia đình, con cháu có dịp gặp nhau vì ngày thường ai cũng lo việc mưu sinh ở xa.

Đối với quốc gia, những ngày kỷ niệm của các bậc “khai quốc công thần” thì vô số kể;  đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, anh hùng xuất hiện đầy rẫy. Tri ân họ là việc làm đúng đắn của người sống. Chỉ có điều là hơi bị nhiều. Việc tổ chức lễ tang cho những vị chức sắc cũng có đôi điều suy nghĩ. Khi một quan chức mất, việc tiếp theo là thành lập ban lễ tang. Không phải cấp trung ương mà cấp thấp như xã cũng làm tương tự. Tôi có biết ở nông thôn, quan chức cấp nào qua đời, ngay cả cha mẹ họ, đều có thông báo cho tất cả những người làm việc cùng cấp. Nếu là cấp trên, cấp dưới cũng được thông báo để mọi người biết, đến chia buồn cùng tang quyến. Đến chia sẻ nỗi buồn gia đình có người qua đời là việc làm tình nghĩa không phải là “nghĩa vụ” cần được nhắc nhở bởi thông tri. Những tổ chức kinh tế quốc doanh cũng thực hiện việc thông báo đến chia buồn tương tự như thế.

Nhìn rộng ra chút nữa ở tầm “vĩ mô”: quốc tang. Tôi theo dõi các nước tiên tiến, họ có rất ít quốc tang, chỉ dành cho những vị cực kỳ xuất sắc, "công lao trời bể", hay nhiều dân thường chết 1 lần quá thảm thương  và nếu có thì quốc hội nhóm họp quyết định, ít có chuyện quy định như ta, các vị được vinh dự ấy gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội. Hiện giờ những người nằm trong diện vinh danh đó còn rất nhiều. Đất nước ta sẽ tha hồ tổ chức quốc tang.

Các quan chức cấp thấp hơn khi qua đời, cách tổ chức lễ tang cũng quy mô không kém. Nhiều ban lễ tang thành lập gồm những vị đương chức. Không rõ tham gia nhiều “ban” quá, họ có đủ thời giờ để lo chuyện quốc kế dân sinh không.

Ngay cả chỗ nằm của các vị được tổ chức lễ tang như thế cũng là vấn đề: thứ bậc vị trí hẳn cũng phải trang trọng như khi họ còn sống. Dự định xây nơi chôn cất các vị công bộc quốc gia nghe đâu sẽ rất hoành tráng. Công sức người còn sống dành cho người quá cố rất đáng biểu dương: nghĩa tình trọn vẹn, chết cũng như sống. Nhưng chỗ nằm cho người chết sẽ nhiều lên và đất dành cho người sống co lại. Đây là cái ít ai nghĩ tới và cũng không dám nghĩ tới: người sống rất sợ người chết, “tính toán” với người chết có khi người chết “tính sổ” lại, người sống tiêu đời.

Lúc Mao Trạch Đông lên cầm quyền, ông ta ra lệnh “giải quyết” hàng ngàn nghĩa trang, đất dôi ra cho sản xuất, xây dựng nghe đâu mấy triệu mẫu, dẫu đất nước Trung Quốc hết sức mênh mông. Ý tưởng quá tả, quá khích của ông ta đôi khi lại là ý tưởng chúng ta chưa nghĩ rốt ráo: không chôn người tràn lan, lấy đâu mà “giải tỏa, quy hoạch”? Nếu chôn cất trật tự, diện tích mỗi người được quy định, bằng nhau từ “thằng dân” cho đến chủ tịch nước, đất dành cho người mất sẽ còn chỗ cho người sống, không phải đến thời điểm nào đó, “đào mồ” người chết để có đất cho người sống.

Lúc đệ tử hỏi Khổng Tử về cái chết, ông ta đáp: “Tử giả biệt luận” (chết là hết, không bàn làm chi). Nhưng không hiểu các môn đệ thấm nhuần Lễ của ông thế nào mà khi ổng chết, họ xây một ngôi mộ tổ bố, môn sinh ra đó làm nhà canh giữ hàng mấy trăm người, trong 3 năm trời.

Thấm nhuần đạo đức cách mạng, í lộn, đạo đức Nho giáo, người Việt Nam hôm nay, chừng mực nào đó, cũng còn tuân thủ truyền thống “đậm đà bản sắc dân tộc”, người chết, chỗ nằm của người chết, là điều thiêng liêng, việc tổ chức ma chay linh đình, chôn cất trang trọng trong những ngôi mộ hoành tráng, âu cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều này là khó hiểu. Khi cả nước “học tập và làm theo” gương Bác nhưng chẳng ai làm theo di chúc của cụ: hỏa táng. Tôi thấy cái giá trị lớn nhất trong di chúc của cụ Hồ là ý tưởng này: sống mới quan trọng chứ chết không quan trọng: chỉ là một nắm tro. “Người là cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.