Thursday, January 11, 2024

CANH BẠC LIỀU LĨNH (A Reckless Gamble)

(Lời người dịch: “Chiến tranh ít khi đúng theo kế hoạch, nhất là khi bạn chỉ tin vào luận điệu của mình”. Bình luận của chuyên gia người Anh ông Lawrence Freedman ngày 25 tháng 02 năm 2022. Một cái nhìn tương đối chính xác về Putin, về cục diện đang diễn ra tại Ucraina, về lợi ích của dân chủ, cùng những lý giải khả tín).

Trong khi cố tìm tin tức từ Ukraine, hình dung ra cái gì thực xảy ra hay đang xả ra là rất khó. Không thiếu thông tin, nhưng hầu hết các tin trên mạng xã hội, không phải tất cả đều đáng tin, vì bản chất, chúng không đem lại cái nhìn toàn cảnh. Ngay cả thời đại kỹ thuật số, “bóng mờ chiến tranh” không bao giờ tan biến. Tuy nhiên, tin tức có được cũng đủ để rút ra một vài kết luận ban đầu.

Dù hơn hẳn về sức mạnh quân sự, Nga chẳng chiếm lợi thế như nhiều người tưởng vào ngày đầu cuộc chiến, khi họ thủ đắc yếu tố bất ngờ về chiến thuật và sức mạnh áp đảo. Những trận tấn công mở màn thiếu sức mạnh và động lực như mọi người trông đợi. Người dân Ucraina chứng tỏ mình can cường, giáng trả đích đáng kẻ xâm lược. Dù cho hôm nay có thể u ám hơn, những ngày kế tiếp sẽ căng thẳng hơn, thậm chí tổn thất hơn. Dù quân Nga cuối cùng chiếm ưu thế chiến trường, nhưng ngày đầu khai chiến xác quyết một điều có vẻ chắc chắn – bất kỳ chiến thắng quân sự đến đâu, đây là cuộc chiến cực kỳ cam go, Putin muốn thắng về mặt chính trị.

Một trong những lý do chính làm cuộc chiến trở nên tồi tệ, ngay cả khi nó được phát động đầy tự tin, đó là đánh giá thấp kẻ thù. Óc thiên kiến lạc quan dẫn đến tiên đoán sớm chiến thắng, dựa vào giả định rằng, đối phương kém cỏi, thiếu sáng suốt, dễ đầu hàng khi thấy “màu” nguy hiểm. Bài diễn văn khoác lác bệnh hoạn của Putin hôm thứ hai, cùng với những tuyên bố hùa theo của các cận thần, cho chúng ta thấy, ông không những ưa thích chiến tranh mà còn nghĩ mình sẽ chiến thắng trong chiến tranh. Nếu như thế, Putin từng tuyên bố, Ucraine là kết quả của sự sắp xếp, không cấu thành quốc gia, với chính phủ bất hợp pháp, do bọn Quốc xã điều khiển, thì cũng  chẳng có gì ngạc nhiên, theo ông suy luận, những người dân Ucriana bình thường sẽ không chiến đấu cho một chính phủ bất chính như thế. Theo lời của đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, dân chúng sẽ đón chào quân đội Nga tiến vào Ucraina như những giải phóng quân.

Cộng với việc đánh giá thấp quân đội đối phương là đánh giá cao quân đội của mình. Thực ra, Putin rất giỏi về chiến tranh. Ông lên làm tổng thống năm 2000 bằng cách tận dụng cuộc chiến tranh ở Chec-ni-a để chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình. Ông nhuộm máu ở Geogia năm 2008 để cảnh cáo nước này chớ gia nhập NATO và loại bỏ các vùng ly khai mà Nga từng thiết lập ở đó. Ông tách Crimea khỏi Ucraina vào năm 2014, và gần đây hơn, ủng hộ thành công Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, nỗ lực quân sự mới đây nhất lại không dính dáng gì đến sức mạnh quân sự trên bộ, phối hợp với đám du kích do các nhóm ly khai tuyển dụng ở vùng Donbas. Chỉ thời gian ngắn, khi quân ly khai có thể bị đánh bại vào mùa hè năm 2014, Putin mới đưa quân chính quy vào, đánh bật những đơn vị Ucraina vũ trang thô sơ, đánh đấm tay ngang. Ở Syria, người Nga yểm hộ không quân mà không phải bộ binh.

Kinh nghiệm chiến đấu quy mô trên đất liền, do đó, bị hạn chế. Điều này, cộng với sự ngạo mạn trước sự yếu kém của kẻ thù tiềm năng, có thể đã dẫn đến khởi đầu không vững chắc mấy trong cuộc chiến này. Ví dụ quan trọng nhất cho nhận định này là trận đánh ở Hostomel, một sân bay sát Ki-ép, quân Nga cố chiếm lấy bằng không quân. Nếu sân bay này bị chiếm chớp nhoáng thì Nga đã đưa quân vào đây, nhanh chóng tiến vào thủ đô Ki-ép. Nhưng canh bạc này bị “bể” bởi không có hỗ trợ, không quân Nga ở vào vị trí dễ bị tấn công. Quân Ucraina bắn hạ một số trực thăng, và sau đó, trong một trận đánh ác liệt, họ đã bẻ gãy lực lượng Nga. Người ta nói rằng, sau hàng mấy tháng hoạch định chiến dịch toàn diện này, mọi bước tiến được tính toán cặn kẽ, các nhà chiến lược (Nga) quyết định một thử thách rủi ro quá cao ngay vào ngày mở màn cuộc chiến.

Đây không hẳn là thời gian tạm ổn cho Ki-ép. Nhiều báo cáo sáng nay cho biết các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, cả các trận giao tranh bên trong thành phố, nhấn mạnh đây là mục đích quan trọng nhất đối với Nga. Vì vậy, sẽ là thiếu không ngoan, nếu cho rằng trận giao tranh với quân Nga hôm qua là cách họ sẽ đánh sau này. Nga sẽ học cách đối phó với kẻ thù có sự tôn trọng hơn và sẽ bài bản hơn trong các nước đi tiếp theo. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu rất quan trọng.

Chúng ta từng được nhắc rằng, tinh thần và ý chí của của người bảo vệ tổ quốc có khuynh hướng cao hơn tinh thần và ý chí của người đi xâm lược, đặc biệt, nếu họ không hiểu rõ, vì sao họ lại làm như thế. Bây giờ, chúng ta biết rõ người dân Ucraina rất nghiêm cẩn trong việc bảo vệ đất nước; họ rất kiên cường. Họ không bị khuất phục.

Một tình huống nhanh chóng hoàn tất (fait accompli) chắc có lợi nhiều cho Putin. Ví dụ, kế hoạch và thực hiện cấm vận của phương Tây cảm thấy rất khác đi nếu nó đi ngược lại bối cảnh Nga rõ ràng đánh bại Ucraina. Nó cung cấp cho đối thủ mọi cái  bị trừng phạt quá đáng với lập luận rằng, trong khi, cái xảy ra cho Ucraina là một thảm họa, nó là một tình hình chẳng làm được gì, và các động thái trả giá đắt lại trở nên vô nghĩa.  

Sự kháng cự rất rõ của người Ucriana, về tổn thất chiến tranh cho hai phe, còn tạo ra khó xử cho Putin ở trong nước. Như một số nhà phân tích nhận xét, do Nga cạn nguồn tên lửa hành trình chính xác đồng thời bị cuốn hút vào cuộc chiến trong đô thị, trận chiến sẽ trở nên bạo tàn. Thủ đô Grozny của Chec-ni-a và thành phố Aleppo của Si-ri bị băm nát trong các trận đánh do Nga tiến hành, mục tiêu trực tiếp là dân thường. Tuy nhiên, mức độ chống đối rộng khắp ở Nga (mà không có sự ủng hộ nhiệt tình) đang rõ rệt. Thật quái lạ, Putin luôn miệng nói Ucraina là một phần của Nga, từ đó, ông kỳ vọng dân chúng sẽ khoan dung cho đồng bào Sla-vơ - “bà con”- khi cho ném bom. Như mọi nhà độc tài, Putin có nỗi sợ tiềm ẩn với chính dân chúng, và có thể lo âu về phản ứng của họ khi có nhiều thương vong; sự bạo tàn ở Ucraina; sự lên án của quốc tế.

Đối với chúng ta, từ lâu tự hỏi tại sao Putin lại dấn thân vào cuộc chiến tranh xâm lược, cốt lõi của vấn đề chính là ông ta kỳ vọng thắng lợi về mặt chính trị. Một chiến dịch giới hạn ở miền Đông Ucraina sẽ có ý nghĩa khi nó tạo ra một khu vực bền vững dễ bảo vệ về lâu về dài. Nhưng quy mô cuộc chiến hiện nay chẳng mấy ý nghĩa, bởi cơ bản, nó muốn thay đổi chính quyền ở Ki-ep. Ở I-rắc và Afghanistan, Mỹ và Anh có bài học cay đắng, vì điều này rất khó. Ví dụ đơn giản, ngay cả các tay lãnh đạo tương đối năng lực có gốc gác mạnh tại chỗ (mà cũng chẳng rõ Nga có những ai chưa) được nước ngoài đưa làm lãnh đạo sẽ không có tính chính danh; chính quyền mới sẽ dựa vào lực lượng chiếm đóng để duy trì quyền lực.

Trước vấn đề này, Nga cần tìm và đối phó với tổng thống Zelensky. Vị tổng thống thể hiện khá tốt phẩm giá và lòng can đảm, một lãnh đạo chiến tranh ít ai ngờ tới. Putin muốn loại ông ta ra khỏi mắt mình. Cho đến giờ phút này, Zelensky kiên quyết bám chặt Kiep, trực tiếp điều hành nỗ lực chiến tranh, mặc cho có báo cáo toán phá hoại người Nga đang ở trong thành phố. Đến một thời điểm nào đó, quyết định khó khăn phải chọn, hoặc di chuyển đến phía Tây Ucraina, hoặc kể cả thành lập một chính phủ lưu vong. Khi vẫn còn tiếp tục lãnh đạo Ucraina, ông ta trở thành nỗi sỉ nhục đối với Putin.

Ngay cả chính quyền mất quyền kiểm soát thủ đô, buộc phải bỏ chạy, hệ thống chỉ huy lực lượng Ucraina đổ vỡ, điều đó không có nghĩa, Nga đã thắng cuộc chiến. Chỉ có đầu óc không hiểu cội nguồn bản sắc dân tộc Ucraina, người ta mới tin rằng, một nhân vật dễ bảo sẽ được dựng lên làm tổng thống Ucraina, sẽ cầm quyền lâu dài mà không phải dựa lưng vào lực lượng chiếm đóng.

Đơn giản, Nga không có thực lực và khả năng để duy trì một lực lượng chiếm đóng bất kể thời  nào. Người ta nghĩ, với ký ức về cuộc Cách mạng cam những năm 2004-2005, và cuộc nổi dậy ở Maidan năm 2013-2014, Putin phải e sợ “sức mạnh quần chúng” có vai trò thế nào ở nước này, trừ phi ông ta vẫn tin tưởng vào sự tuyên truyền của chính mình rằng, các phong trào nổi dậy ấy hình thành do sự xúi dục của Mỹ và đồng minh.

Ucraina có cùng biên giới lãnh thổ với nhiều nước khối NATO; khí tài sẽ chuyển đến các lực lượng thường trực của Ucraina cho đến khi họ còn chiến đấu – và, khi ấy, sự nổi dậy bài Nga cuộc chiến sẽ dẫn đến giai đoạn đó.

Điểm đáng nói về chiến tranh (như tôi nghiên cứu rất nhiều), là hiếm khi nó theo đúng hoạch định. Những biến cố phát sinh, hoặc các cuộc hành quân kém cỏi, đòi hỏi phải chớp nhoáng thay đổi chiến lược. Hậu quả chưa lường trước quan trọng không kém hậu quả đã lường trước. Đây là những cạm bẫy chung quanh chiến tranh và đó cũng là lý do, chúng ta nên dấn thân vào chiến tranh với một lý tưởng chính đáng (trong đó, thuyết phục nhất là “hành động tự vệ”)

Quyết định dấn sâu vào cuộc chiến này nằm trên vai của chỉ một người. Như chúng ta đã thấy tuần trước, Putin rất ám ảnh về Ucraina; ông ta ngả theo các thuyết gây hấn, dường như là tiền đề khởi phát chiến tranh, có thể là quan điểm của chính ông. Rất nhiều mạng sống bị cướp mất chỉ vì điều kiện và tính cách cá biệt của cá nhân cô độc này, kẻ từng sợ hãi Covid và một Ucraina đầy ám ảnh.

Đôi lúc, trong các nước dân chủ, chúng ta than thở về sự lộn xộn, thiếu gắn kết, sự thiển cận, và sức ỳ khi ra quyết định nếu so với các nhà độc tài, khôn hơn chúng ta bằng suy nghĩ dài lâu, rồi thực hiện những bước đi táo bạo mà không cần thuyết phục đám đông nghi ngại, chẳng nghe ý kiến phê bình, hay bị trói buộc bởi những giới hạn của pháp quyền (rule of law). Putin nhắc nhở chúng ta rằng, độc tài dễ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, trong khi dân chủ không hẳn ngăn ngừa chúng, nhưng ít ra, dân chủ cho chúng ta cơ hội, nhanh chóng thay đổi lãnh đạo, các chính sách mới do đó sẽ đẻ ra. Phải chi điều đó bây giờ có được với nước Nga.

NỖI BUỒN MANG TÊN PUTIN

Kế sách “tiên hạ thủ vi cường”, hàng trăm tên lửa hành trình, hàng ngàn quả rốc két đổ vào đất nước không quá 40 triệu dân ngày mở màn cuộc chiến xâm lược.  Cơ sở hạ tầng phòng thủ của đối phương “bị tê liệt hoàn toàn” (theo lời Nga) nhưng quân dân Ukraine vẫn kiên cường chống trả, cho đến nay, chưa thành phố quan trọng nào lọt vào quân Nga. Putin không lường trước tinh thần bất khuất của một nước “đàn em”.

Ảnh: Không tin nhau.

Thua keo này bày keo khác. Putin là người quyền biến. Vừa đánh vừa đàm. Mạnh thì đánh, thất thế thì đàm, để đỡ mất mặt nếu không khuất phục nổi một đối thủ dưới tầm. Quân sự và chính trị kết hợp. Hàng đoàn xe quân sự, xe thiết giáp, kéo dài gần 40 cây số, “từ từ” tiến vào thủ đô địch.

Hình ảnh hùng hậu về quân sự gieo nỗi khiếp sợ vào một thành phố 3 triệu dân đang vật vã lo âu. “Một cái nhá bằng ba cái đánh”. Đánh vào tinh thần người dân. Mục tiêu san bằng tháp truyền hình, quảng trường Tự do lớn nhất Ucraina (kỷ niệm Đức quốc xã giết hại hàng chục triệu người), và “tên bay đạn lạc” vào vài địa điểm dân sự như là cảnh báo nghiêm khắc gởi đến kẻ thù, nếu còn “ngoan cố”, không chịu đầu hàng, sự tàn phá sẽ còn khủng khiếp hơn. Đây là sách lược Putin áp dụng ở Chesnia, ở Si-ri: Sử dụng sức công phá của đại pháo và máy bay ném bom để “nghiền nát” các thành phố, nhằm đè bẹp ý chí của chiến đấu của đối phương.

Nếu Ukraine thất thủ sớm, một chính phủ thân Nga được dựng lên, chiến tranh chấm dứt, Putin xứng đáng lên ngôi đại đế như Alexandre tiền bối. Napoleon hay Thành Cát Tư Hãn không còn là cái đinh gì đối với Putin. Cả thế giới chống ông mà chẳng làm ông nhụt chí.

Thụy Sĩ là nước trung lập hơn 500 năm nay về vấn đề chính trị nhưng họ can đảm phong tỏa tài khoản Putin tại ngân hàng Thụy Sĩ. Tổng thống đế quốc “đầu sỏ” chẳng nhằm nhò gì khi tuyên bố (trong thông điệp Liên Bang mới đây), tổng thống Nga Vladimir Putin “bị thế giới cô lập chưa từng có từ trước đến nay”. Tòa Công lý quốc tế sẽ xét xử tuần tới cáo buộc tội ác diệt chủng ở Ukraina. Các chuyến bay, các chuyến tàu, sự vận chuyển từ Nga bị cấm chỉ hầu như hoàn toàn trên thế giới. Các công ty khổng lồ như Exxon Mobil, Shell, Maerk, Ford… đều tuyên bố ngừng làm ăn với Nga.

Wednesday, January 10, 2024

NỊNH (đời mới).

(Nhân câu nói cũ 5 năm trước “Nịnh trong sáng”).

Trước đây cộng đồng mạng bỉ bôi không tiếc lời một luận án tiến sĩ về đề tài "nịnh trong tiếng Việt". Liên quan " nịnh" đều bị khinh bỉ nhưng người ta nhầm lẫn đây là một đề tài nghiêm túc và khoa học. Tác giả luận án bị châm biếm nhiều nhất.

Người ta không thể lên án tác giả cuốn " Người Trung Quốc xấu xí" vì ông dám bỉ bôi dân tộc mình. Nhờ vạch ra cái xấu để biết mà trở nên tốt. Nhưng đây không phải là đề tài chính của bài viết.

Có chỉ thị "cán bộ không được nịnh cấp trên không trong sáng". Có người "lí lét" (tiếng Quảng: cắc cớ) bảo nịnh trong sáng thì được. Tôi nghĩ người soạn chỉ thị không muốn thế. Nịnh tất cả đều không tốt. Trớ trêu " không tốt" nhưng nịnh nhiều đã xảy ra và có lẽ lan tràn nên mới cấm.

Tôi mấy chục năm sống dưới chế độ XHCN nên rút ra một chân lý: cái gì nhà nước " chống" cái đó đang có và có rất nhiều. Chống "gian thương" thì đầy người buôn bán. Chống tham nhũng thì tham nhũng tràn lan. Chống bão, chống lũ thì bão lũ càng hung hãn. Chống chạy chức chạy quyền thì cửa chạy càng thênh thang.  Tất nhiên "nhiều" mới chống chớ không phải "chống" mới sinh "nhiều".

Trở lại nịnh. Nịnh là hành vi thuộc về đạo đức và phẩm giá con người. Nó không phải hành vi thuộc về xã hội có thể chế tài bằng luật, bằng chỉ thị, bằng nghị quyết.

Nịnh có từ rất sớm. Có khi lúc xuất hiện loài người từ 3 mạng trở lên. Adam và Eva cũng bị nghe lời dụ dỗ (một cách nịnh) của Satan ăn trái cấm nên thấy ở truồng là mắc cỡ, thấy thiện khác với ác.Cũng vì bị dụ dỗ(nịnh) sẽ sáng suốt như Thượng đế, tổ tiên loài người mới " phạm tội", bên kitô giáo gọi "tội tổ tông".

Trong tất cả các vở kịch hay cải lương, ta đều thấy có vai trung, vai nịnh; trong lịch sử đầy rẫy không thiếu. Nịnh là bản chất loài người. Bản chất sao bị rẻ khinh? Lý do rẻ khinh vì nịnh mang lại bất công. Tài cán không ra ôn gì nhưng thăng tiến vù vù nhờ đầu gối dẻo dai. Những thửa đất vàng lẽ ra dành cho công ích lại lọt vào tay nịnh cầm triệu đô đút lót trở thành tài sản của một người.

Nhưng vì sao nịnh lại "hoành hành"? Đơn giản: Ngoài chuyện nịnh để o bế cấp trên – nhứt là cấp có quyền ban phát ba chữ “tự diễn biến”,  nịnh để mang lại mối lợi cho người nịnh, chả công lao, chả tài cán, cũng không vốn liếng gì, chỉ cần uốn lưỡi cho tròn, nước miếng cho nhiều. Vì nhiều người có đặc quyền nên có nhiều người nịnh. Không một ai nịnh tôi, một công dân quèn, kẻ chuyên tào lao trên mạng. Cũng không ai bây giờ đi nịnh ông cựu thủ tướng một thời quyền uy tột đỉnh đã về làm người tử tế. Ổng không còn quyền uy.

Cốt lõi của thói xu nịnh tràn lan trong chính giới chính là: mọi người không tuân thủ pháp luật, chỉ tuân thủ kẻ có quyền hành phủ trùm, nắm quyền " sinh sát" trong tay. Nếu tuân thủ đúng pháp luật thì không ai phải sợ mà đi nịnh cấp trên. Cảnh sát gửi giấy phạt cho một vị cựu thủ tướng Úc khi phát hiện một bức ảnh của phóng viên chụp ông ta không kịp cài dây an toàn trong lúc lái xe chạy “trốn” cánh báo chí. Hunsen ở Miên có lần phải nộp phạt vì ngồi sau một chiếc xe máy mà không có nón bảo hiểm…

Cấp trên quyết định số mệnh chính trị cấp dưới thì việc xu nịnh không thể tránh khỏi. Một cơ chế quản trị quốc gia minh bạch, ở đó từ một cán bộ cấp ấp đến vị trí cao nhất nước đều phải tuân thủ pháp luật thì sẽ không có tình trạng có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái, mưu lợi cá nhân, đang lần lượt vào lò. Sợ pháp luật, không còn sợ cấp trên, nịnh sẽ không còn là nỗi quan tâm đến mức phải ra chỉ thị cấm nịnh.

Nhưng bao giờ thì mọi người tuân thủ pháp luật mà không còn sợ hãi phải tuân thủ một cuộc gọi từ đâu đó, ở một nơi cao nào đó, chi phối quyền hành quyết định theo pháp luật của cấp dưới?  Quyền uy pháp luật không chi phối quyền uy cá nhân thì khi đó sẽ còn nịnh và nịnh dài dài.

Cứ thế mà "nịnh trong sáng".

ĂN CẮP

Tiếng Anh, ăn cắp là steal. Ngữ nguyên của chữ này, tôi không rõ, nhưng ngữ nguyên của ăn cắp tiếng Việt, tôi cũng mù. Tôi chỉ thấy tại sao “ăn” lại nằm trong chữ “ăn cắp”. Bần cùng sinh đạo tặc? Nghèo sinh ăn cắp. Ăn cắp là một hành vi xấu. Nhưng tại sao, một trẻ vị thành niên ăn cắp một chiếc váy lại được xã hội cảm thông và tha thứ, chưa nói tới, có các “vị mạnh thường quân” tới nhà tặng tiền và chụp ảnh đưa lên Facebook?

Có vị tiến sĩ bảo ăn cắp ổ bánh mì vì đói có thể tha thứ. Ăn cắp chiếc váy không thể tha thứ. Xin thưa, đã thiếu (đói) chiếc váy mà không có tiền sắm thì dễ sinh ăn cắp. Thiếu ăn hay thiếu chiếc váy cũng là thiếu.

Vì sao thiếu ăn, vì sao thiếu váy, vấn đề lớn lắm.

Câu chuyện sẽ không rình rang, tạo ra rối loạn, kẻ bênh người chống, trong đó không thiếu các nhà trí thức,  sự vụ cô bé ở Thanh Hóa nếu chủ tiệm mất váy cư xử có hiểu biết – nghĩa là có giáo dục nhân bản. Có thể răn đe cô gáí, không lấy lại chiếc váy với số tiền quá lớn sau khi hạ nhục “kẻ cắp” bằng cách cắt tóc, cắt nịt ngực, quay video trưng ra công chúng. Cháu gái kia cảm kích lòng độ lượng của người bị thiệt hại, sẽ không bao giờ tái phạm. Chủ tiệm đã cứu danh dự của một con người. Sau vụ ăn cắp, cô bé sẽ cảm thấy thương tổn xiết bao, dù xã hội có thể đứng về phía cháu.

Người ta không cổ vũ việc ăn cắp nhưng họ phẫn nộ hành động của người bị mất cắp: phi nhân tính, coi trọng tiền hơn nhân phẩm con người dẫu đó là nhân phẩm của một cháu gái vị thành niên ăn cắp.

Vì sao, ở VN người ta thường bênh vực kẻ yếu thế dù không hẳn kẻ yếu thế lúc nào cũng có hành động hợp lẽ, hợp tình, hợp pháp. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ có thời được ca ngợi “nghĩa hiệp” vì có lúc “cướp" của người giàu san sẻ cho người nghèo.  Hai vị vua không hiểu đâu phải ai giàu cũng xấu vì bóc lột? Hai ngài không còn sống để thấy kẻ “bóc lột nhất” thời đại ngày nay lại là những người được vinh danh nhiều nhất. Phạm Nhật Vượng là một ví dụ nếu giàu có đồng nghĩa với bóc lột.

Vì sao trẻ gái vị thành niên ăn cắp váy lại có sự cảm thông của xã hội?

Vì xã hội vốn ghét người giàu thiếu giáo dục. Họ là trọc phú? Không thể bênh vực cháu gái để lên án chủ tiệm nếu chủ tiệm có tấm lòng và có giáo dục. Nếu cháu gái này ăn cắp sách thì sao? Chủ tiệm sách sẽ không hành hạ, đánh đập cháu, vì họ hiểu, cháu này hiếu học nhưng nghèo, không có tiền mua sách. Chủ tiệm áo quần thời trang sỉ nhục cháu bé vì họ không phải là chủ tiệm sách, như ông Khai Trí (*) ở Sài Gòn thuở xưa.

Giáo dục rất quan trọng ở chỗ này. Cháu gái sẽ không ăn cắp váy nếu gia đình, xã hội dạy dỗ cháu hiểu rõ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Xã hội không tôn vinh vật chất cao hơn tinh thần (cái này đầy rẫy trên ti-vi) thì cháu gái sẽ không cảm thấy xấu hổ khi các bạn mặc váy đẹp còn mình thì không. Cháu sẽ thấy giá trị vật chất (như chiếc váy) không cao hơn giá trị nhân phẩm (phải mang tiếng ăn cắp).

Trẻ vị thành niên nhiễm thói hư tật xấu, lỗi trước tiên không phải ở gia đình hay xã hội, mà sẽ ở những người thành niên.

Một học sinh ăn cắp sách ở nhà sách Khai Trí được đối xử bởi người lớn, ông Nguyễn Hùng Trương, trở thành một người thành đạt. Vì sao? Vì chủ nhà sách có giáo dục. Ông không bắt trói hay đánh đập kẻ cắp, không cắt tóc, không cắt áo ngực, không quay phim bêu xấu kẻ cắp. Người có học, có giáo dục, sẽ hiểu thấu vì sao đồng bào mình ăn cắp. Họ thấy kẻ cắp là đồng bào. Kẻ cắp không phải "kẻ thù địch" (từng có lần bị bêu xấu bằng tấm bảng treo trước ngực), cần bị cắt tóc, cần bị đánh đập, cần dạy nó “một bài học” như vị tiến sĩ nào đó rất rạch ròi “ "l’œil pour œil, dent pour dent".(mắt đổi mắt, răng đổi răng; nợ máu phải trả bằng máu)

Khi còn trẻ em ăn cắp ở VN, chúng ta những người trưởng thành nên  cảm thấy xấu hổ. Mấy chục năm xây dựng con người mới XHCN nhưng có một người nổi tiếng ăn cắp khắp thế giới  (bình luận viên chuyên mục văn hóa của truyền hình) lại chẳng hề hấn gì. Một cô bé vị thành niên ăn cắp, cả xã hội lại rùm beng “trừng phạt hay không trừng phạt”. 

Ăn cắp trở nên nổi tiếng hay sao?


CHÚ THÍCH: (*) Câu chuyện có thật. Một học sinh đệ ngũ (lớp 8 ) giấu một cuốn toán tiếng Pháp(đắt gấp chục lần sách nội) trong áo bị nhân viên bắt quả tang tại tiệm sách Khai Trí trước 1975. Đang ồn ào, có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề bước tới. Hiểu sự việc cậu học trò nghèo ăn cắp, ông bèn rút trong túi áo ra một tấm cạc viết mấy chữ: " Tiệm sẽ không lấy tiền bất cứ cuốn sách người cầm cạc này cần mua". Ký tên Nguyễn Hùng Trương. Cậu học trò sau đó đi du học Mỹ và không bao giờ quên lòng độ lượng của một người giàu, có giáo dục, thực sự thương yêu người yếu thế lỗi lầm.

TRUNG QUỐC SẼ VƯỢT PHƯƠNG TÂY HAY BẮT ĐẦU SUY THOÁI?

(Will China overtake the West or has it started to decline?).

“Đảng CSTQ cai trị lẫn lộn giữa bất an và tự tin thái quá”.

Sở tình báo đối ngoại Vương Quốc Anh, MI6, khán giả xi-nê biết nhiều nơi làm việc của điệp viên James Bond, thường rất bí mật. Trong bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng, chỉ huy trưởng MI6 Richard Moore, phá bỏ vỏ bọc, đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về nhiều mối đe dọa an ninh do TQ gây ra tại buổi nói chuyện có tên “Trí thông minh nhân tạo trong thời đại kỹ thuật số”.

Ông nói: “Các cơ quan tình báo TQ có khả năng rất lớn; họ tiếp tục các hoạt động do thám rất quy mô đối với Anh và các đồng minh chúng ta”

CIA, đối tác Mỹ của MI6, vừa thiết lập Trung tâm đặc vụ TQ, một đơn vị chuyên tập trung về các mối đe dọa do TQ gây ra.

Một chuyên gia tình báo Mỹ nói với Nikkei châu Á, CIA chịu tổn thất ê chề trong các hoạt động của họ ở TQ giữa các năm 2010 và 2012 nhiều đặc tình của họ bj thủ tiêu bên trong lãnh thổ.

Nguồn tin còn nói: “Lần này, CIA sẽ khai thác công nghệ kỹ thuật cao nhằm khôi phục lại các hoạt động nhắm đến TQ”.

Sức mạnh và khả năng tình báo TQ giờ đây gây khó khăn cho cả CIA lẫn MI6. Tuy nhiên, đối nội, TQ đang phơi dần những lỗ hổng. Đó là bất bình đẳng kinh tế và dân số giảm sút.

TQ có thể tiếp tục xây dựng cho mình mục tiêu chính thức là trở thành quốc gia hùng mạnh nhất vào năm 2050? Câu hỏi ấy nêu ra bởi các nhà quan sát và hoạch định chính sách cả Âu lẫn Á.

Tạp chí chuyên về vấn đề quốc tế của Mỹ, Foreign Policy, mới đây công bố hai bài báo cho thấy nhiều cái nhìn mâu thuẫn về TQ.

Bài đầu tiên phát hành ngày 24 tháng 9 có tựa “TQ là cường quốc suy thoái – đó mới là vấn đề”. Các tác giả lập luận, TQ đang bước vào giai đoạn suy thoái khi đối mặt hàng loạt vấn nạn – nào là dân số ở tuổi lao động thu hẹp lại, ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và thực phẩm, nào là nạn ô nhiễm, những vấn nạn làm giảm sức tăng trưởng một thời mạnh mẽ. Bài báo cảnh báo Bắc Kinh “sẽ rất muốn sử dụng vũ lực nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan theo dự tính trong thập niên tới trước khi Washington và Đài Bắc kịp hoàn tất việc tái vũ trang quân sự để đáp trả quyết liệt hơn.

Bài báo thứ hai phát hành ngày 21 tháng 11 với tiêu đề: “Đảng CSTQ vẫn nghĩ đến tương lai đảng”.

Bài báo lập luận, TQ trỗi dậy chưa đến đỉnh, nhưng các lãnh đạo vẫn tin tưởng rằng quốc gia đông dân nhất hành tinh sẽ vượt Hoa Kỳ về mặt chiến lược. Họ nhấn mạnh TQ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn Hoa Kỳ và đang mạnh lên ở nhiều phương diện. Trong lúc Mỹ bị chia rẽ xã hội trầm trọng thì đảng CSTQ vẫn giữ quyền kiểm soát quần chúng qua chế độ toàn trị với bàn tay sắt.

Cái nào phản ánh đúng thực tế? Hiện nay, có vẻ TQ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế mặc dù có chững lại. Tăng trưởng GDP của TQ khoảng 6% trong năm 2019 trước đại dịch. GDP (trên danh nghĩa) của TQ có thể vượt mặt Hoa Kỳ vào năm 2028, theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản.

TQ đi trước Hoa Kỳ về hồ sơ đăng ký bằng sáng chế quốc tế cả năm 2018 và 2020, trở thành nước số một của thế giới. Họ còn bắt đầu làm lu mờ Hoa Kỳ ở một số mặt công nghệ, như máy tính cá nhân, thiết bị giám sát, và hạ tầng giao thông di động.

Mặc dù dân số giảm sút và chênh lệch lợi tức trầm trọng không phải là vấn đề xem nhẹ nhưng đảng CSTQ vẫn tin họ có thể duy trì ổn định xã hội bằng cách áp dụng mạng lưới giám sát kỹ thuật số khó có ai bì, đang mở rộng.

Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên Cứu Nhật Bản chuyên theo dõi tình hình nội địa TQ cho biết các nhà lãnh đạo không nghi ngờ gì về năng lực vượt trội của họ.

Bà nói với Nikkei: “Nguoi ta tin hàng chục triệu người bỏ mạng ở TQ giữa thập niên 1950 và 1976 trong Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa cùng các sự vụ khác, nhưng đảng CSTQ vẫn chẳng hề hấn gì. Bây giờ đảng có trong tay một dụng cụ quyền lực – giám sát kỹ thuật số. Lãnh đạo có thể bất an về cách cai trị thế nào nhưng họ vẫn còn khá mạnh tự tin”.

Tuy nhiên, một tình huống khác có thể xảy ra về lâu về dài, trong đó, TQ sẽ dần đi vào suy thoái. Đó là vì có nhiều vấn đề mà chẳng lãnh đạo nào có thể giải quyết nổi.

Giảm sút dân số là mối lo lớn. Số người già TQ gia tang 60% trong một thập kỷ, theo số thống kê năm 2020. Năm 2000, một người già được 6,5 công dân độ tuổi lao động từ 15 đến 65 hỗ trợ nhưng năm 2020 thì số đó sụt xuống còn 3,5. Theo một số dự báo, dân số thực sự sẽ giảm từ năm 2022.

Một vấn đề nữa, đó là hệ thống giám sát số dần dần tạo ra các lỗ hổng liên quan đến không gian mạng đang mở rộng.

Một vận động viên quần vợt nổi tiếng nhất TQ, cô Peng Shuai, đăng trên Weibo (dạng như Facebook) hồi đầu tháng 11, cho biết cô bị bắt buộc quan hệ xác thịt với cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ. Các nhà lãnh đạo TQ được nhắc nhở thẳng thừng rằng chẳng thể nào ngăn cản các luồng thông tin kỹ thuật số.

Nhìn bên ngoài, chia rẽ xã hội có thể châm ngòi bất ổn có vẻ nghiêm trọng ở Hoa Kỳ hơn ở TQ. Nhưng trong các chế độ dân chủ, chính quyền có thể êm đềm bị truất phế nếu không có quần chúng ủng hộ. Ở TQ, sẽ có nguy cơ đổ vỡ nếu chính quyền cộng sản thất bại.

Một vài nhà quan sát tin rằng TQ đang đi vào giai đoạn đó, trong ấy có nhà chiến lược Mỹ, ông Edward Luttwak. Nếu TQ đi vào suy thoái, các nhà lãnh đạo bất an của họ chắc sẽ quay qua các biện pháp liều lĩnh.

Luttwak nói với Nikkei: “Vài năm gần đây, khi Tập Cận Bình dở trò (evolve) cai trị mãn đời như Mao, hành động đối ngoại của TQ ngày càng hồ đồ (irrational)”.

“Cho đến 2009 hoặc gần đó, TQ duy trì “chính sách trỗi dậy hòa bình”. Nhưng từ đó, họ dần dần lên mặt (assertive) một cách thiếu khôn ngoan, không đe nẹt ai, nhưng lại đẩy một số nước liên kết lại để chống TQ, gồm Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, VN, và một số nước.

Luttwak cho biết: “Khi TQ đối mặt các vấn đề đối nội nghiêm trọng hơn, như về dân số học, các nhà lãnh đạo TQ dần dần mất đi khả năng hành động khôn ngoan”.

Lịch sử lâu dài của TQ cho thấy không triều đại nào kéo dài vĩnh viễn. Nhà Minh cai trị 300 năm thì chấm dứt vào năm 1644. Triều nhà Thanh sau đó nới lỏng cai trị không như nhà Minh nhưng cũng thất bại vào đầu thế kỷ thứ 20 vì các cuộc xâm chiếm của ngoại bang.

Cựu bộ trưởng ngoại giao Singapore, ông Bilahari Kausikan, cho rằng lãnh đạo TQ đang đấu tranh với những cảm xúc mâu thuẫn. Ông nói với Nikkei: “Các nhà lãnh đạo TQ cùng một lúc vừa rất tự tin nhưng cũng rất bất an. Dựa vào kinh nghiệm lâu đời các triều đại TH, họ biết nếu vuột khỏi tầm kiểm soát, sự việc nhanh chóng dẫn tới triều đại sụp đổ. Từ đó, sự kết hợp giữa tự tin và sự bất an, đặc trưng duy nhất của các triều đại TH, làm cho hành vi của họ càng thêm phức tạp.

Thế giới đối phó với những phức tạp và những thách thức TQ tạo ra như thế nào?

Một điều rất rõ: Trỗi dậy hay suy thoái, TQ vẫn giữ thái độ cứng rắn với thế giới bên ngoài.

Một TQ trỗi dậy thúc đẩy tự tin thái quá có thể trở nên liều lĩnh, trong khi một TQ suy thoái chịu sự thất vọng và nỗi lo âu cũng có khi dẫn đến hành động nguy hiểm.

Tình huống thứ hai rất khó xác định và đối phó phức tạp hơn. Thế giới cần chuẩn bị cho hai tình huống, cả những điều bất trắc lẫn phương sách đối thoại.

Nguyễn Long Chiến dịch https://asia.nikkei.com/.../Will-China-overtake-the-West...

CHỐNG...PHÁ, CÒN CHỐNG NÀO THÌ XÂY?

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vừa bị kết án chín năm tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Tuyên truyền ở đây là nói hoặc viết cái gì đó chống lại chính quyền? “Nói và viết” để chống, không “âm mưu lật đổ chính quyền”, cô gái này lĩnh tù 9 năm… kể ra ngôn tự, đối với một số người, cũng "nguy hiểm" không thua – có khi còn hơn cả- vũ khí. Nếu Đoan Trang chịu khó “học tập” và “làm theo”… hẳn tuổi thanh xuân của mình sẽ phơi phới như nhà văn nữ “nhạy bén” nào đó, tả một cô bé ở vùng cao chống rét bằng cách nung ba viên gạch hồng như lúc Bác mới đến Paris những ngày đông giá buốt.

Cuộc sống luôn đi lên bằng sự mâu thuẫn nội tại. Triệt tiêu mâu thuẫn – mà cũng chẳng triệt nổi – sẽ làm chậm lại sự tiến bộ của nhân loại. Có câu nói rất hay, không rõ của ai, “nhân loại vừa cười vừa tách khỏi quá khứ”. Nếu quá khứ tốt đẹp thì chẳng ma nào muốn tách.

Mâu thuẫn thúc đẩy quá trình “tách khỏi” ấy mạnh mẽ. Một trong cách tách khỏi quá khứ là dùng “vũ khí” tư tưởng. Ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng do đó con người mới sử dụng ngôn ngữ để nói lên tư tưởng của mình. Nói nôm na theo thiển ý, càng xuất hiện nhiều nhà tư tưởng (có cả tư tưởng triết học) thì xã hội càng tiến bộ. Nếu chỉ có mỗi ông Khổng Tử hay mỗi ông Mác thì thế giới này buồn tẻ biết bao. Đi đâu, ở đâu cũng nghe “Tử viết, Tử viết”  hay “Mác nói, Mác nói”, con người sẽ như những sinh vật vô hồn, chuyên hô khẩu hiệu Khổng Khâu muôn năm hoặc Các Mác muôn đời. Các thể chế chính trị, nói cho chí tình, đều hình thành dựa theo những triết lý soi dẫn của những nhà tư tưởng, như Khổng Tử hay Các Mác, cho mỗi triều đại, mỗi thời kỳ.

Nhưng nhà tư tưởng viết sách chống lại cái tư tưởng triều đại Nho giáo hoặc chế độ Cộng sản đang áp dụng, có bị tù đày, bị giết hại không? Có: xã hội sẽ trì trệ. Không: xã hội sẽ tiến bộ. Tôi suy nghĩ như thế.

Phản biện - thật sự là chống nhau trên tư tưởng – có mắc tội không? Trong xã hội ngày nay, có ai phản biện mà không phập phồng lo sợ, vì có lúc, một một quan chức nói “không có phản biện – chỉ có phản động”? Hai chữ sau nghe thôi cũng nổi da gà.

Nhưng xã hội sẽ thụt lùi nếu không có mâu thuẫn – nghĩa là xã hội thiếu tiếng nói phản biện. Nhà đương cuộc nào sẵn sàng nghe phản biện, nhà đương cuộc ấy sẽ tiến bộ. Nhìn sinh hoạt chính trị của Mỹ hay của các nước tiên tiến, quý vị sẽ tin tôi nói đúng.

Nhưng phản biện rất khó. Người phản biện vừa phải trí tuệ vừa phải có tâm và nhất là phải can đảm. Vì sao số người phản biện trí tuệ và tâm huyết VN đếm trên đầu ngón tay? Không phải không có những vị như vậy. VN không thiếu. Phản biện ngay trong lòng giới cầm quyền dường như không bao giờ xảy ra. Nếu có thì lác đác ở một số vị “hạ cánh an toàn” nghĩa là chỉ “mạnh miệng” khi không còn nắm chức vụ nào đó trong guồng máy. Số còn lại – như tôi nói, không phải thiếu – nhưng đều sống cầu an, thủ khẩu như bình, “ai sao tôi vậy”; phản biện léo nhéo không chừng “chưa tới mạ mà má đã sưng”. Họ có đáng trách không? Không. Trách là trách cho nền giáo dục với lý tưởng “con ngoan trò giỏi” “thuật nhi bất tác” (trên bảo dưới phải nghe). Có học sinh nào dám cãi lại thầy không? Chắc chắn là hiếm nếu có sẽ dễ bị quy là học sinh cá biệt.

Có hai môn học ảnh hưởng nhiều đến nhân cách học sinh: văn và sử. Nếu học văn, học sinh muốn có điểm cao thì phải giỏi văn mẫu – những bài văn “kinh điển” của những nhà văn “kinh điển” (ông nào sau ưa “phản biện”, bài văn sẽ rút ra khỏi sách giáo khoa như trường hợp Nguyên Ngọc). Khi thi các em sẽ dễ đậu nếu trả lời đúng những yêu cầu theo một thang điểm nhất định. Có mấy học sinh tham dự những đề văn đòi hỏi tự luận không theo “văn mẫu”? Có tổ chức thi đâu mà biết. Chưa kể tự luận mà “phạm húy” hay “phạm chính trị” thì lộn cổ xuống ao là cái chắc. Có học sinh nào dám phản biện, trẻ Việt tập nói không thể như trẻ Nga:  “Vui biết mấy khi con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”? Nếu trong học đường, người ta mang “các cây đa, cây đề” ra để cho học sinh tự do tìm kiếm những “nhánh khô, lá héo” chen lẫn (và có khi “đầy rẫy”) trên “cây cao bóng cả” ấy thì sự phản biện xã hội (cho tốt đẹp hơn) sẽ chẳng còn là nỗi sợ hãi “tai bay vạ gió” hay “ách giữa đàng, mang vào cổ.

Có học sinh nào dám thắc mắc, trận đánh Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, bắt sống mười mấy ngàn quân địch có cả một tướng lĩnh, nghĩa là rất thành công, nếu không có sự trợ giúp vũ khí và các cố vấn Trung Quốc? Đánh cho bọn Pháp thất điên bát đảo, tại sao quân ta không kéo luôn về giải phóng Hà Nội, chạy tuốt vô Sài Gòn, bắt trọn bọn đầu não thực dân, đuổi chúng về nước, thu giang sơn về một mối, có hơn hẳn phải cùng chúng đặt bút ký phân đôi đất nước, để rồi tạo cớ cho “giặc Mỹ cọp beo” nhảy vào cùng với bom B52, thuốc khai quang, và súng M16 tàn phá đất nước VN?

Nếu thắc mắc – hay cả gan phản biện lịch sử trong sách giáo khoa -  thầy và trò nếu may mắn sẽ bị đuổi dạy, đuổi học, và nếu không may, họ sẽ dính vào cái tội “bôi nhọ lịch sử”, “phủ nhận quá khứ”, án tù không phải là không có.

Cho nên, trong thời buổi người ta dự định đưa vệ tinh phát sóng wifi lên không gian; phóng tàu thăm dò sao Hỏa; trí thông minh nhân tạo sắp điều khiển cuộc sống  thì VN chúng ta còn loay hoay với lắp ráp (dù có cả xe hơi Vinfast), gia công, xuất khẩu lao động, nông hải sản thô sơ, trông chờ kiều hối…thì tôi nghĩ rằng, đó là vì tiếng nói phản biện trí tuệ và tâm huyết của người Việt Nam còn quá le lói như đèn dầu trước gió, chưa tạo ra sức mạnh thức tỉnh, để người dân lẫn nhà đương cuộc hiểu ra: chỉ có bao dung và dân chủ– nghĩa là chấp nhận đối nghịch tư tưởng, chấp nhận khác biệt mới đem lại một môi trường lành mạnh cho những ý tưởng xây dựng đất nước thật xuất sắc. Ví dụ mới đây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đề xuất, tạo điều kiện cho các nhà tỷ phú trong nước đầu tư vào công nghệ cao thay vì người ngoại quốc, một lĩnh vực người Việt không thiếu chuyên gia tài năng, thay vì để họ chi hàng tỷ đô la vào đầu tư bất động sản.

Nếu cho phản biện hay phản biện tự do, VN đã không “đánh tư bản”, “đánh tư sản” te tua sau 1954, 1975, không cho chúng ngóc đầu dậy, để rồi chừng 10 năm sau phải công nhận “kinh tế thị trường” là quy luật phát triển kinh tế chứ không phải “kinh tế tập trung”. Xây dựng kinh tế tư bản trên thân thể đầy thương tích như thế nên việc mở cửa đất nước buộc phải thuận lợi cho FDI vào đầu tư, điều đã xảy ra để đến giờ chưa có một sản phẩm nào cho ra hồn được họ “chuyển giao công nghệ”.

Cô Phạm Đoan Trang vướng tù tội có lẽ vì cuốn sách thứ chín của mình “Chính trị bình dân”, một tiếng nói phản biện, xuất phát từ tấm lòng yêu nước của một cô gái trẻ, hy sinh cuộc sống cá nhân của mình vì lý tưởng cô đang theo đuổi: một nước VN bao dung và dân chủ.

Ảnh: Phạm Đoan Trang.