Sunday, January 7, 2024

LỊCH SỬ là một câu chuyện kể?

(Nhân trời mưa rả rích ở Đà Nẵng chưa về lại quê. Bài dài như mưa…dầm).

Trong cuốn A Brief History of Humankind (tạm dịch: Lược Sử Loài Người), Yuval Noah Hararai cho rằng: Lịch sử là câu chuyện kể. (History is a narrative). Tôi thì hiểu ‘chuyện kể’ là ‘tự tình’.

Tự tình rất gần gũi bởi đó là nhà (xưa) của tôi, làng cũ của tôi, và quê nhà của tôi. Mỗi lần nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn, những câu chuyện kể hay những tự tình yêu mến ấy hiện ra, sâu thẳm trong tâm trí.

Lụt trên cánh đồng quê.

Làng xưa của tôi có lẽ cũng giống mọi ngôi làng quê tiêu biểu ở đất nước nhiều sóng gió này: có con sông chảy qua, có lũy tre, không biết trồng tự bao giờ, bao bọc gần trọn ngôi làng, không phải để chống lại quân giặc mà để che chắn tai ách thiên nhiên: những trận bão, những trận lụt, liên miên bất tận. Lũy tre làng không mang ý nghĩa xỏ xiên; nó bị gán ghép cái tên “trong lũy tre làng” hay “sau lũy tre làng”- một cách gọi miệt thị- để chỉ sự nhỏ nhoi, kém cỏi, quê mùa.

Dọc bờ sông là dãy tre làng dày đặc. Không có trận lụt nào khiến đất đai bị xói lở, trôi đi, để gây ra “dâu bể”: đất bồi thì ở, đất lở thì đi. Ở làng quê, đi thì biết đi đâu? Lũy tre trở thành chiến lũy.

Vì sao tre làng vẫn sống từ đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người không phải đời tre? Nếu phát hiện ai chặt tre hay bẻ măng tre, kẻ ấy sẽ bị làng phạt rất nặng. Phạt mang lại hiệu quả bảo tồn? Không. Chính lợi ích lũy tre mang lại là động lực để dân làng không “ăn“ măng để “mất” tre. Cây tre thân yêu và quý giá dường nào với dân làng.

Lũy tre còn mang lại không khí thanh bình. Chim cưỡng, chim cu thích đậu ở cành cao như cây gạo, cây đa, nhưng các bụi tre um tùm có khi là nơi chúng làm tổ, tổ chim non, ríu rít.

Mỗi chiều đi tắm sông, trẻ con chúng tôi còn thấy những bầy chim (sa) sả  bay lượn từ các ngọn tre cao rồi đáp xuống bãi cỏ xanh có đàn trâu đang gặm cỏ xa xa bên dưới; (chim sả còn gọi chim trà trả, sống theo bầy, lớn gấp đôi chim sẻ, màu lông xanh biếc, có tiếng kêu giòn giã, vui tươi).

Có ai để ý tiếng gió thổi qua các bụi tre mọc dày đặc soi bóng xuống bờ sông? Tre vừa khẽ nghiêng mình vừa cất lên âm thanh vi vu như những nốt nhạc nhẹ nhàng và êm dịu. Bên các gốc tre là nơi sinh sống của những chú trùn con nho nhỏ, tên là trùn huyết, thân chúng đỏ như huyết. Chúng tôi bươi đất mùn ra bằng một que tre để nhặt lấy chúng. Dưới làn nước trong như gương của dòng sông là các chú cá bống, có nơi còn gọi cá bống cát vì chúng nằm sát mặt cát và có màu của cát phản ánh màu nước sông trong veo. Trùn đào từ vạt đất dưới bụi tre là mồi ngon của những chú cá bống.

Lịch sử- những tự tình, những câu chuyện kể - của làng tôi còn gì nữa không ngoài luỹ tre làng? Còn. Rất nhiều. Nhưng là những câu chuyện rất giống cổ tích.

Khi còn là những cậu bé vừa cắp sách đến trường, chúng tôi nghe cha mẹ hoặc ông bà kể lại những câu chuyện không khác chuyện thần tiên. Tất nhiên, tôi sẽ không nhắc lại những câu chuyện kể về…ma. Làng quê không bóng đèn điện, um tùm cây cối, chưa chiều thì đã tối, chuyện ma là đề tài gây sợ hãi nhưng hấp dẫn cho trẻ con trong gia đình quây quần sau mỗi bữa ăn tối.

Bằng cách cả quyết là có thật, ông nội tôi từng kể, cha tôi cũng  từng kể, như bao nhiêu người già cả khác ở vùng quê heo hút, thường là nhiều câu truyện bắt đầu và kết thúc “như thật”.

Có ông Tám Đảnh từ đâu đến làng chuyên hành nghề “phù thủy”. Không phải là bà phù thủy đáng ghét ở phương Tây. Học nghề “thầy pháp” (như phù thủy) để chữa bệnh cho dân làng. Một bé trai sáu tháng tuổi lên cơn co giật vì sốt quá cao. Chắc là bị “ma bắt”. Thầy được mời tới. Chẳng một lời hỏi han sự tình, sờ trán và nhìn đứa bé một chút, thầy nắm hai chân nó xách hỏng lên, đi từ tốn đến lu nước đầy (quê tôi gọi là ảng nước), trước sự ngỡ ngàng và hốt hoảng của mọi người trong nhà, ông thả vào đó, thản nhiên bỏ đi, cũng chẳng có lời nào dặn dò. Sợ con chết ngạt, người cha vội vã ẵm cháu bé ra khỏi lu nước đầy. Lạ lùng thay, đứa bé không còn sốt nóng nữa. Nó khóc và đòi bú mẹ.

Một lần khác, thầy được mời đến chữa một người đàn ông lên “cơn điên” đập phá đồ đạc trong nhà. Thầy đến với một con roi mây dài, mảnh. Đưa tay rút một cộng tranh bên dưới mái nhà (ngày xưa nhà rất thấp) vào buổi sáng sương còn đẫm phía trên mái, thầy bật lửa (bằng đá đập nhẹ vào nhau tạo lửa cháy tiêm mồi- gọi là bùi nhùi) đốt, rồi điềm nhiên phóng lên mái nhà . Lạ thay, cọng tranh cháy hết (vì khô) nhưng không bắt lửa cháy lây. Mọi người hốt hoảng chạy ra xem, trên tay là các “gàu” nước chuẩn bị chữa cháy; trong số đó có cả người đàn ông bị “ma ám”. Sẵn roi mây trên tay, thầy quất lấy quất để vào mình “ông điên”.  Đến khi người này la to: “ Đau quá, đau quá, xin thầy tha cho” thì thầy chỉ vào mặt ông, quát lớn: “Từ rày không được phá phách nữa, nghe chưa”.  Nói xong, thầy bỏ đi với chiếc roi mây dài. Thầy không mong được trả ơn. Từ đó, người đàn ông “hết điên”.

Nhưng câu chuyện này mới lạ lùng hơn. Vào mùa nắng, ở làng quê người ta thường đi bắt ếch. Ếch mùa này thịt rất ngon. “Ếch tháng ba, gà tháng chạp”. Thầy đang làm nhà; có rất nhiều thợ vì nhà khá lớn- tới năm gian. “Nghe thầy từng gọi hồn, kêu vía; chúng tôi mong thầy gọi…ếch để bắt về nấu cháo đậu đen, thưa thầy được không?”.  “Dễ ợt. Các anh cử một người ít nói nhất theo tôi. Chuẩn bị “oi” (giỏ đựng cá) cho to”. Đến một thửa ruộng khô nằm sát bờ tre rậm rạp, ra dấu người đi theo ngồi phía sau với lời dặn phải tuyệt đối im lặng, thầy bắt đầu cất lên âm thanh không khác gì tiếng kêu của ếch mùa giao phối. Tàn độ chừng nửa điếu thuốc lá, ếch bắt đầu từ các bụi tre nhảy ra, lệch bệch, con này nối con kia, những chú ếch bụ bẫm thân ướt đẫm như vừa mới tắm. Người đi theo vừa sợ hãi vừa ngạc nhiên nghĩ bụng: hay là ếch ma.

Không. Ếch thật. Khi bắt độ trên hai chục con, thầy đứng lên, ra hiệu cho người đi theo ra về. Ông thầy lầm rầm cái gì trong miệng, người đi theo không nghe rõ, rồi giơ tay cao về phía những bụi tre như chào từ biệt những con ếch trong đó chưa kịp nhảy ra.

Cha tôi (sinh 1902) còn kể thầy Tám Đảnh có thể đi qua sông bằng chiếc nón lá. Nếu có ai thấy mà la to, chiếc nón sẽ chìm. Cha tôi còn quả quyết ông nội tôi từng thấy hồi còn trẻ thầy phù thủy lướt qua mặt sông mà không cần nón lá.

Gần 60 năm sau, lịch sử, quá khứ của làng tôi chỉ còn sống trong lòng những người tha hương như tôi qua các câu chuyện kể, những tự tình.

Kể cả lũy tre làng yêu dấu của tôi.

Chúng chỉ là lịch sử - câu chuyện tự tình. Nhìn bãi cát xô bồ vì lũ lụt, bãi cát vô tri, bên con sông đỏ quạch, cạn cợt, nơi có dòng nước trong veo với những chú cá bống ngày xưa, tôi không hình dung ra ở đâu là những bụi tre bao đời thầm lặng bảo bọc dân làng trong đó có tổ tiên tôi.

Lịch sử chỉ là chuyện kể thôi ư?

HÒA NHI BẤT ĐỒNG

Sáng nay CNN (Mỹ) đưa tin, cái chết của một bé trai 3 tuổi gây bão dư luận không chỉ ở thành phố Lan Châu mà cả nước Trung Quốc. Sự phẫn nộ lớn đến nỗi, sau một ngày người bố đăng sự việc lên Weibo và Baidu, bài đăng bị xóa mất.

Lý do phẫn nộ: dân chúng TQ quá ngán ngẩm chính sách Zero-Covid, đại hội đảng CS vừa qua, Tập Cận Bình kiên định “chính sách lớn” của quốc gia với  khẩu hiệu cửa miệng “đặt sinh mạng nhân dân lên hàng đầu”.

Đứa bé 3 tuổi chết vì không thể cấp cứu  kịp thời đến bệnh viện cách nhà 3km, lý do cha em “không có giấy” chứng nhận âm tính covid để rời khỏi khu phong tỏa. Nhân viên y tế quản lý khu chung cư làm theo “quy định của nhà nước”. Trớ trêu, cả 10 ngày trước, chưa có cuộc xét nghiệm “đại trà” nào, người cha tìm đâu ra giấy xét nghiệm?

Trước đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương phong tỏa thực thi nghiêm ngặt, con kiến cũng khó có thể lọt qua các trạm gác với thép gai chắn đầy đường phố. Số chết do dịch không vì phong tỏa mà giảm đi. Đầu tháng 10 năm 2021, thành phố “mở cửa”; ông bí thư tâm tình: “không lẽ phong tỏa mãi”. Số lượng người chết giảm lại. Đời sống dân chúng từ trạng thái “giới nghiêm” chuyển sang “thả lỏng” dần dần. Đến nay, Covid dường như biến mất khỏi tâm trí người dân Sài Gòn. Chẳng thấy ai đeo khẩu trang trong những chỗ đông người dù chính phủ chưa công bố hết dịch. Cả thế giới đều an toàn “sống chung” với covid. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng nhờ gỡ bỏ phong tỏa. Điều này hoàn toàn khác Trung Quốc, vẫn kiên trì chủ trương phong tỏa, phong tỏa, và phong tỏa.

TRÂU

Ngày xưa, ‘con trâu là đầu cơ nghiệp ‘. Người làm nông sống nhờ cây lúa. Cơ nghiệp của họ là đất ruộng. Trâu giúp họ cày, bừa, ‘đạp’ lúa (lúa bó chất sát nhau, thành hình tròn, trong nhà hoặc trên sân , trâu lùa đi quanh, chân nó dẫm lên lúa cho đến khi hạt rụng hết, thân lúa gọi là rơm). Trâu đực khỏe còn kéo gỗ từ rừng về nhà.

Trâu không bao giờ quên lối về nhà. “Lạc đường ‘nắm’ đuôi chó, lạc ngõ ‘nắm’ đuôi trâu. Trâu sống thành bầy luôn có ‘trâu đầu đàn ‘. Đầu đàn nên trâu không cần người vịn, kẻ dắt; nó rất khỏe mạnh.

Ngày xưa chưa có máy móc nên trâu là máy móc. Nhưng chúng chẳng “máy móc” chút nào. Khi đồng ruộng mênh mông nước lụt, không còn chỗ gặm cỏ, trâu từng nhà được thả rông lên núi. Lúc này tố chất lãnh đạo của trâu mới thể hiện. Ví dụ, mỗi đêm, kết thúc một ngày tản lạc, từng con kiếm ăn từng khu vực, trên những đồi cỏ ven chân núi; trâu tập trung lại một chỗ rộng, trống, và bằng phẳng. Trâu đầu đàn (luôn luôn là con đực vạm vỡ, dũng mãnh), chỉ đạo bằng cách nào không rõ, tất cả các con khác trong bầy nằm thành vòng tròn rất lớn, có khi lên đến trăm gồm cả nghé con. Tất cả trâu đều quay đầu với hai sừng nhọn ra ngoài. Bên trong vòng tròn dành chỗ cho các chú nghé thiếu niên, thiếu nhi, chạy nhảy đùa nghịch nếu chưa tới giờ ngủ.

Sau khi đi một vòng ‘giám sát’, trâu đầu đàn xếp mình vào vòng tròn; các anh trâu biết ý không nằm sát lãnh đạo. Có lẽ quy chế trâu dành cho nhau chăng. Trâu đầu đàn cần yên tĩnh, không bị mấy ‘thằng trâu ‘ nằm sát, quất đuôi đuổi muỗi quá mạnh, có khi bùn văng vào trâu ‘lãnh đạo’ thì sao. Và trâu đầu đàn cần khoảng rộng để dễ dàng “chiến đấu “ nếu bất ngờ có kẻ địch tấn công. Ở rừng, chỉ có cọp, tức ông Hổ, mới có khả năng uy hiếp trâu. Nhưng trâu bầy thì cọp cũng “kiêng dè” lắm.

Ảnh tác giả: Trâu ‘đằm’ trong nước sông.

Cha tôi (1902) kể lại câu chuyện trâu giết cọp.

Dù sống ‘có tổ chức ‘ như thế, trâu bầy vẫn sợ cọp, chỉ trừ con đầu đàn. Ai không sợ ‘cọp beo’  cơ chứ? Nhưng là ‘lãnh đạo ‘, sợ thì có sợ, tôi nghĩ vậy, nhưng trâu đầu đàn không bao giờ khiếp nhược, bắt chước những con khác, bỏ chạy tán loạn khi cả bầy trâu đang  mơ màng nhai lại cỏ chợt nghe tiếng gầm thị uy của chúa tể sơn lâm, núi rừng tĩnh mịch, thâm u như rúng động.

Mỗi sáng dân làng cử một số người khỏe mạnh thay phiên nhau chống ghe vào rừng nơi trâu “tránh lụt” để thăm chừng. Cả bầy trâu không thấy tăm dạng. Một điều chưa từng có. Nhóm ba người bèn đi vào rừng có cây lớn trên cao.

Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt họ: gần vực đá đứng sát con suối lớn, một con cọp bất động, thân mình bị gí sát vào vách; chiếc sừng to, nhọn của trâu đầu đàn như cọc sắt đâm thủng bụng cọp, dí chặt như đinh đóng vào vách đá.

Máu của cọp và trâu vung vãi một vạt đất rộng; máu nhuộm đẫm bộ lông cọp; hình hài oai hùng của hổ nhầy nhụa màu máu đỏ lúc ấy đã thẫm đen. Thê thảm không kém, trâu đầu đàn chỉ còn hai chiếc sừng nguyên vẹn. Mắt, mũi, miệng, cả chiếc cổ vạm vỡ nhìn như khối  loang lỗ, thịt, xương, máu: móng vuốt tàn nhẫn của con cọp chính là thủ phạm.

Nếu không nghe tiếng thở phì phò của trâu, với thân hình rách nát, bất động, ba người chứng kiến cứ nghĩ nó đã chết. Và nó chết thật sau đó mấy tiếng: mất máu và kiệt sức. Có thể cả một đêm quần thảo với chúa Sơn Lâm, trâu đầu đàn hy sinh anh dũng. Điều lạ lùng không thấy con trâu đực nào nhảy vào tiếp sức. Chúng không lấy thịt đè người? Hay chúng nghĩa hiệp “một chọi một”? Và ở cách đó không xa, một số trâu trong bầy lặng lẽ quan sát trận ác chiến cả đêm hôm qua? Người ta ngạc nhiên khi thấy chúng hướng về vị anh cả của mình, tất cả yên lặng, có lẽ chúng cũng biết buồn mà truy điệu chăng?

Không cách nào khiến trâu rút sừng ra khỏi thân cọp, người ta chỉ biết đứng bên ngoài và nhìn; lòng họ xót xa. Con trâu yêu quý, niềm hãnh diện của dân làng chọn lấy cái chết oai hùng. Mạng con cọp không làm họ sung sướng; nỗi sợ miên viễn của dân làng sống ở vùng heo hút, núi rừng trùng điệp vây quanh làng mạc, cái thời cách nay cả 100 năm, cái thời mà cọp thỉnh thoảng xuống làng bắt heo, bắt cả người. Nỗi đau mất một con trâu anh dũng lấn át nỗi mừng rỡ một con cọp, một con beo phải “trả giá”.

Friday, January 5, 2024

CHỨNG NHÂN THẦM LẶNG

Một người bạn cũng là đàn em của tôi hãnh diện cho tôi biết có một “cây duối gần làng” bị ngã vì bão được giới chức địa phương cho “dựng” lên bằng những cây tre chống đỡ. Ở thành phố hay đô thị khắp miền Trung, trước mùa mưa bão, những cây lớn dọc đường phố được cắt tỉa, có khi gần như trụi, để khỏi bị bão đánh ngã. Ông trời không thương khúc ruột miền Trung nên năm nào dải đất nghèo luôn luôn hứng bão tố, lũ lụt.

Vì không tỉa cành, nhánh trước bão, cây "duối lịch sử" bị ngã.

Cây duối cổ tỉa cành sau bão. Tương truyền, người Hời và cây duối dường như gắn bó nhau.

Ở  vùng quê ngày càng bê tông cốt thép để “đô thị hóa”, những cây “cổ thụ” trở thành “vật quý hiếm”. Cuộc sống dần cải thiện, hay cải thiện lên cao, người ta mới để ý đến thiên nhiên. Trễ còn hơn không.

Vùng quê của tôi (Tây Quảng Nam) nổi tiếng với những cái tên “cổ thụ”. Cây gạo Hà Tân. Cây gạo Trúc Hà. Cây gạo ông Tuân…Gạo là loài cây sống khỏe, sống lâu, gần gũi với nông dân. Những buổi trưa hè nắng nóng, bóng mát phủ cả một khu vực rộng lớn nhờ những cành cây tỏa ra quanh thân cây cao vút, gạo như một căn nhà lớn, “nuôi đủ trăm con”.  Cả một bãi đất bồi ven sông không biết bao nhiêu là cây gạo của không biết bao nhiêu thế hệ. Ông tôi, cha tôi, và tôi cùng “thấy” những cây gạo khi vừa bước vào tuổi 9, 10 - lứa tuổi nhận biết. Gạo có hàng trăm năm tuổi. Mùa hoa gạo không phải chỉ có trong văn học. Cả một vùng trời đỏ rực những buổi trưa gần hè cuối tháng 3. Gạo vừa cao vừa tỏa ra nhiều nhánh. Nó là nhà của những tổ chim cu, chim cưỡng, chim sáo, chim nhồng – những loài chim yêu thích chiều cao của bao la đất trời.

Ngày xưa, người ít, đất nhiều. Cái ăn không dằn xé tâm can. Chỉ đủ ăn hay “hằng ngày dùng đủ”, nên người ta không phải “cải tạo” thiên nhiên như sau này: “bắt núi phải quỳ, bắt sông phải lạy”. Hay “nghiêng sông đổ nước lên đồng”. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Hàng trăm cây gạo mọc trên bãi bồi ven sông, như tôi nói, có lẽ sẽ không bị con người đốn hạ để lấy đất trồng cây…cứu đói.

Cây cổ thụ quê tôi - đa phần là gạo – gần như tuyệt diệt trong một thời gian không dài. Cũng vì cái ăn ám ảnh.

Số phận cây cổ thụ không hẳn bi đát như nhau. Ngày nay, quê tôi vẫn còn một số cây sót lại. Không phải là ý muốn bảo tồn. Nhưng là những “kỷ niệm”. “Cây duối bên làng” là một ví dụ. Một cụ ông 93 tuổi còn minh mẫn nói với tôi, cây duối Trúc Hà (tên của một làng) xuất hiện khi ông còn nhỏ năm ba tuổi. Cha ông cũng nói từng thấy cây duối ấy.

Giữa đồng lúa mênh mông, cây duối đứng  trên một vạt đất hình chữ nhật, bao quanh bằng những khối đá có tảng dài 2 mét, chiều  cao 6,7 tấc, chồng sát lên nhau như tường thành của một ngôi mộ cổ, có chiều rộng hơn 4 mét, chiều dài gần 8 mét. Dân làng nghe kể lại đây là ngôi mộ Hời, không có bia, cây duối là dấu tích thay bia mộ. Một lịch sử hình thành tại vùng đất này, lịch sử của những cư dân Chàm (người quê tôi gọi là Hời)?

Tôi không rõ có đúng thế không. Nhưng có một cây “cổ thụ” khác, tôi biết chắc, là chứng nhân của lịch sử: Cây sung bên cầu gãy. Người Pháp để ý quê tôi rất sớm khi họ đặt xong nền cai trị thực dân ở Việt Nam. Huyện Hiên (nay gồm huyện Đông Giang và Tây Giang, giáp Lào) có đồn Hiên với sự cai quản của một vị quan hai (trung úy). Thời Ngô Đình Diệm thì có căn cứ quân sự An Điềm (gọi là đồn An Điềm, nay có trại giam cùng tên).

Chiếc cầu, có cây sung phía hạ nguồn, xây dựng từ thời Tây, rất kiên cố. Xe nhà binh của Pháp rồi của Mỹ đều sử dụng chiếc cầu này cho chiến tranh. Khi người Mỹ “lùa” dân vào các khu định cư, chiếc cầu bị "cách mạng" đánh sập. Hiện vẫn còn mấy nhịp cầu chìm một phần trong nước (như trong ảnh). Không rõ có người nào chết ở chiếc cầu này nhưng cây sung vẫn còn sống từ thời Tây qua thời Mỹ, từ chiến tranh đến hòa bình. Cây sung có trên 100 năm tuổi.

BÙN NON

Cái gì non cũng…ngon. Trừ non nớt, non kém. Non tơ, non sương, phụ nữ mà có các tính từ  ấy đi kèm, tôi bảo đảm ông nào cũng…nuốt nước miếng. Ấy là nói mấy ông dê cụ, chưa tính tới dê xồm.

Bùn non là thứ ngon hảo hạng với người nông dân. Người ở thành phố rất sợ lũ lụt. Các nơi đông dân sinh sống hiếm khi ở chỗ thấp lụt. Trừ một lần ở Đà Nẵng vừa qua, trăm năm có một. Lụt mang lại bùn non. Sao không gọi bùn già, mà gọi bùn non. Đó là điều đặc biệt. Bùn non làm cây lúa, cây bắp xanh tốt. Bùn non đem về màu mỡ, phì nhiêu cho ruộng đồng. Một cây lụt, hay hàng chục cây đi nữa, nông dân vẫn rất vui mừng. Dọn lụt là nỗi khổ vì vất vả. Không vì thế nông dân sợ lụt. Họ chỉ sợ lũ.

Ảnh tác giả: Bùn non đọng trong nhà như sóng nước.

Vì sao? Lũ, nhất là lũ quét, kẻ thù của nông thôn có sông nước đi qua. Lũ kéo bùn non ra biển. Lụt giữ bùn non tại ruộng đồng, bãi bồi ven sông. Một năm canh tác, bao nhiêu tấn thuốc trừ sâu (gọi mỹ miều là thuốc bảo vệ thực vật) lưu cửu trên ruộng đồng? Lụt giúp rửa sạch chất độc hại của con người. Lụt giúp nông dân thoát nạn chuột phá hại mùa màng. Lụt đem lại sung túc cho nông dân nhờ có bùn non đọng lại. Có năm, bùn non cao cả tấc. Phân bón hóa học nhiều bao nhiêu để sánh với bùn non?

Cái bùn non gây khó chịu là…dọn bùn non. Nhiều người quê ra sống ở Đà Nẵng không phải dùng hàng khối nước máy để dội sạch bùn non trận lụt lịch sử cách đây vài tháng. Nước rút tới đâu dọn bùn non tới đó. Khi nền nhà còn mấp mem nước, tức nước sắp ra đường đi vào cống thoát, chủ nhà dùng thau hay soong nhôm múc nước tạt mạnh lên sàn nhà, bùn non theo đó mà đi.

Đó là cách thức dân làng quê tôi “giải quyết” bùn non khi lụt đang rút. Không đợi nước ra sông mới dọn bùn non, lúc ấy đã đóng một lớp trong nhà. Khi để khô, bùn non thành bùn già, tức thành đất. Một chút bụi vướng lấy chỗi, chủ nhà phát bực, huống hồ cả “đống” bùn “già”.

Thích nghi là tập tính số một của loài người. Không thích nghi, con người ngày nay sẽ không khác số phận khủng long dẫu chúng nặng gấp trăm lần con người.

Bùn non có thể ví như đường non. Không ăn được nhưng rất ngọt ngào. Hãy tưởng tượng ruộng đồng không có bùn non. Tôi mường tượng ly nước chanh không đường: chua lét.

Chanh đường là thức uống dinh dưỡng siêu hạng. Một nhà dinh dưỡng học hàng đầu người Pháp (giờ quên mất tên vì mấy lần tôi bị COVID) có nói “Nhân loại nên tri ân Thượng Đế vì ngài sinh cho họ một loại trái quý giá vô ngần- quả chanh”.

Bùn non cũng quý giá như thế đối với nông dân. Xin lưu ý bùn non của lụt, chớ hổng phải của lũ: bùn lấp không phải là bùn non. Bùn non muôn năm!

BỒNG BỒNG

Là tên loại cây có trái to tròn như bưởi ( ảnh). Có nơi gọi là đào tiên, trồng làm cảnh để lấy trái. Đào tiên có người liên tưởng đến bầu sữa của cô gái “một con”. Gái một con trông mòn con mắt. “Còn hai con mắt khóc người một con” (Bùi Giáng). “Nhứt gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu”. Gái  dậy thì không có gò bồng đảo” như gái một con. Một con, ngo lâu đến nỗi mắt phải mòn. Bồng bồng biết đâu là tên gọi từ xưa trong thơ Hồ Xuân Hương:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm.

Một lạch đào nguyên nước chửa thông.

Bồng trong chữ bồng bồng? Trái bồng bồng no tròn, đầy đặn, căng phồng. Nữ sĩ tài hoa mới tả cặp nhũ hoa là bồng đảo? Tôi không hiểu tại sao thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ  thiên tài hầu hết (chứ không phải đa phần) đều ca ngợi bằng nét vẽ, chữ viết những bộ phận trên thân thể đàn bà. Thơ, văn, ca nhạc, tranh ảnh, điều khắc…nói nhiều về phụ nữ mới là tác phẩm…để đời. Mona Lisa là một ví dụ. Có ông nào là cái “đinh” của các bức tranh nổi tiếng thế gian? Tôi chưa thấy.

Sa đà chuyện…đàn bà, có hơi thất thố. Xin trở lại trái bồng bồng.

Ở quê, ngày xưa không có bi đông, bình đựng nước; trái bồng bồng là vật dụng chứa nước chè chín (sẽ có bài nói về chè chín). Khi trái già, vỏ cứng, bồng bồng hái xuống, khoét một lỗ tròn trên đỉnh, đây là chỗ đổ nước và rót nước ra để uống. Ruột bồng bồng màu trắng, mềm như ruột bầu nhưng khác trái bầu vì không có hạt. “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon” (ca dao). Nhưng không ai ăn lớp cơm trắng mềm ấy. Bồng bồng trồng bằng nhánh, không bằng hạt. Vì vậy hạt không cần thiết? Lấy sạch ruột bằng một que tre có hình như que tre ăn bánh bèo nhưng dai như chiếc đũa. Ngày xưa muỗng nhựa, muỗng nhôm, muỗng i nốc không có.

Lấy hết ruột, vo trái bồng phơi khô. Ánh nắng làm vỏ bồng bồng rắn chắc cũng như vỏ trái bầu dung để đựng nước (bầu bà con với bí) của người nông dân. Làm sao giữ trái bồng bồng không vỡ? Người ta dùng mây chẻ thành sợi bọc lấy bồng bồng. Không êm ái bằng nịt ngực “đôi gò bồng đảo”, nhưng giỏ mây bọc lấy trái bồng bồng, êm ái vạn lần. Không bảo bọc, bồng đảo hay bồng bồng cũng…tiêu. Tôi muốn nói tiêu đời.

Có đàn bà mới có đàn ông. Nhưng người nông dân không có bồng bồng đựng nước, có nông dân nhưng không có nông nghiệp. Khát nước, không nước, ai mà cày ai mà cấy ai mà gặt… Ấy là không có lúa, không có gạo, không có ăn.

Trên đường ra con sông quê (chỗ tôi sẽ nhờ vợ con rải tro xác minh khi qua đời), cây bồng bồng cho trái. Trái bồng bồng quá khứ. Quá khứ là phần cuộc sống con người trong đó có tôi. Ai có tương lai mà không qua quá khứ?

Wednesday, January 3, 2024

‘NHƯ ĐI TRÊN ĐẦU TÊN LỬA’:

Một phi công Mỹ nhớ lại nỗi kinh hoàng trận đánh bom Giáng sinh ở VN 50 năm sau.

(‘Like walking on missiles’: US airman recalls the horror of the Vietnam ‘Christmas bombings’ 50 years on).

(Lời người dịch: Gần Noel, Putin vẫn cho đánh bom vào lưới điện Kyiv khiến dân chúng Ucraina sống trong băng giá của mùa đông, không điện, không nước. 50 năm trước, Nixon cũng đánh bom vào Hà Nội, VN, mục tiêu khác nhau, nhưng sự tàn nhẫn của chiến tranh thì không bao giờ khác. Đọc bài báo, thấy ngòi bút múa may tự do của các sử gia Mỹ mà tôi cám cảnh cho các sử gia XHCN Việt Nam ta, viết sử phải dựa vào lập trường chính trị "Ta thắng, địch thua", "Ta chính nghĩa, địch phi nghĩa"...Nixon hay Kissinger cũng bị họ mang ra 'làm thịt'. Có sử gia VN nào dám viết như họ đối với các 'nhân vật lịch sử cận đại' không? Thủ khẩu như bình là ăn chắc.)

Đó là một trong những cuộc đánh bom nặng nề nhất trong lịch sử. Chiến dịch gây kinh hoàng của sức mạnh không quân áp đảo nhằm khuất phục bằng bom một đối thủ ngoan cố, yếu rất nhiều về vũ khí, nhưng vẫn ngoan cường chống đỡ cuộc chiến tranh ghê gớm nhất mà bộ máy đổ vào nó.