Wednesday, January 3, 2024

THÍCH NHẤT HẠNH, CON NGƯỜI CÔ ĐƠN.





Những binh sĩ Mỹ tham dự chiến tranh ở Việt Nam về nước, một số người lại mắc những bịnh tâm lý, gọi là hội chứng “hậu chiến tranh”. Tôi thì muốn gọi đó là di chứng chiến tranh. Chiến tranh tàn phá một (hay nhiều) đất nước, giết chết nhiều nhân mạng, gây chia rẽ trầm trọng những ai tham chiến ở hai phe. Chiến tranh kết thúc sẽ có kẻ thắng (cuộc) người thua (cuộc). Thời gian bao lâu thì “hội chứng” hay “di chứng” chiến tranh chấm dứt, hay nguôi ngoai? Nội chiến Mỹ có lẽ là cuộc chiến tranh sớm kết thúc chia rẽ nhất. Tôi không hiểu vì sao. Nhưng có lẽ, cuộc chiến này nếu ở Việt Nam, thì nó sẽ không chấm dứt di chứng sớm như ở Mỹ.
Tôi tìm hiểu và thấy rằng người Mỹ rất ít nhìn về quá khứ. Họ là dân tộc phát triển nhờ nhìn nhiều về tương lai hơn quá khứ. Martin Luther King, Jr. là nhà hoạt động nhân quyền, dân quyền tại Mỹ. Ông bị chính đồng bào mình giết chết. Nhưng đa số dân Mỹ đều coi ông như thần tượng. Ông là nhân vật chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng thế giới. Năm 1961, qua bức thư của Thích Nhất Hạnh, ông càng chống chiến tranh mạnh mẽ hơn. Thích Nhất Hạnh, chống chiến tranh Việt Nam, khi đứng về phía Phật giáo “đấu tranh”, lại bị một số người VN gọi là “tội đồ” dân tộc. Họ cho vì ông, hay vì Thích Trí Quang, và một số thầy chùa xuống đường biểu tình, chế độ tốt đẹp VNCH bị sụp đổ. Có Phật giáo đấu tranh, hay không có Phật giáo đấu tranh, người Mỹ cũng phải “thay ngựa giữa dòng” khi thấy cần thiết.
Thái độ cương trực và đúng đắn của tổng thống Ngô Đình Diệm, không muốn Mỹ can thiệp bằng quân sự - bằng lính Mỹ- đưa đến cái chết của ông. Ông chết , và chế độ Việt Nam Cộng hòa, không vì thầy chùa của “Phật giáo đấu tranh”. Viên tình báo gạo cội người Mỹ mang một gói tiền hơn một triệu đô la để “tưởng thưởng” các tướng lãnh thành công trong cuộc đảo chánh 1.11. 1963. Mỹ ngạo mạn. Họ nghĩ, chỉ có họ mới tiêu diệt cộng sản miền Nam. Họ chính thức giành cuộc chiến chống cộng sản xâm chiếm Nam Việt Nam về mình. Họ trả giá đắt. Không phải phía cộng sản tài ba. Chính tinh thần dân tộc của người Việt – cả Nam lẫm Bắc – khiến Mỹ thất bại chiến tranh Việt Nam. Toàn dân miền Bắc hăng hái ôm súng "đánh Mỹ"; một bộ phận dân chúng miền Nam quay ra chống đối chính quyền vì nghĩ họ lệ thuộc Mỹ. Nội "công" ngoại kích, không sụp đổ chính quyền mới lạ. Trên thế giới, trong lịch sử nước Mỹ, họ không bao giờ thua bất cứ cuộc chiến tranh nào. Họ thất bại ở VN vì chính nhân dân họ: phản đối chiến tranh dù đó là cuộc chiến chống cộng sản. Tại sao họ thắng ở Triều Tiên nhưng thất bại ở Việt Nam? Rất dễ hiểu. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng trở về sau, Việt Nam không bao giờ mất nước, luôn có tinh thần chống ngoại xâm, không thời gian nào có mặt một đội quân nước ngoài trong các cuộc chiến tranh, dù phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”.
Trong chiến tranh, miền Bắc cộng sản, mọi mệnh lệnh của đảng đều được tuân thủ răm rắp. Không phải chỉ vì họ độc tài. Họ tuyên truyền rất giỏi. Miền Nam bị kìm kẹp bởi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dân chúng miền Nam thống khổ. Khi “giải phóng” ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người trong đoàn “quân giải phóng” mới té ngữa: dân miền Nam đâu có bị kìm kẹp và đói khổ. Không những không đói khổ, không bị kìm kẹp, một số bộ phận hiểu biết trong xã hội – tầng lớp trí thức và học sinh sinh viên – lại còn có quyền tự do biểu tình, xuống đường “đảo đảo” chính quyền VNCH và lên án quân đội viễn chinh Hoa Kỳ, sang VN chiến đấu cho tự do không cộng sản của Nam VN.
Thích Nhất Hạnh là một trong những trí thức chống chiến tranh thời đó. So với Thích Trí Quang, ông “nhuần nhuyễn” và “cao đạo” hơn nhiều. Ông chống chiến tranh VN và tiếng nói của ông rất mạnh mẽ đến nỗi mục sư nổi tiếng nước Mỹ, Martin Luther King đề cử ông nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1967 (không ai có giải này năm đó). Sự có mặt của quân đội viễn chinh nước ngoài tại VN – dù là chống cộng sản- không có thuận lợi nào trong cuộc chiến tranh giữa tư bản và cộng sản, giữa tự do và độc tài trong chiến tranh lạnh vừa qua, ở lãnh thổ Việt Nam.
Không lên án “cộng sản xâm lăng” nhưng chỉ lên án Mỹ - quân đội viễn chinh- Thích Nhất Hạnh với tác phẩm Hoa Sen Trong Biển Lửa có tiếng nói trọng lượng trong chính giới Mỹ. Chưa kể tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác, được ông viết bằng một thứ tiếng Anh giản dị dễ hiểu. Chống chiến tranh VN đâu chỉ những người biểu tình ở VN. Chống chiến tranh mạnh mẽ và khốc liệt nhất là tại nước Mỹ. Richard M. Nixon từng nói : “Chúng ta thua cuộc chiến VN tại quốc hội Mỹ và nước Mỹ, không phải tai chiến trường Việt Nam”. Lý lẽ của vị tổng thống mất chức vì vụ Watergate rất đúng. Chính hành động ác liệt của ông, phong tỏa cảng biển miền Bắc bằng mìn, đánh bom Hà Nội 11 ngày đêm đã khiến VNDCCH xuống nước ký kết hiệp định Ba Lê năm 1973.
Có hay không có Thích Nhất Hạnh, Việt Nam Cộng hòa cũng sụp đổ như chế độ ở Afghanistan mới đây. Khi Mỹ muốn tách khỏi quá khứ, họ rất mạnh mẽ, không bao giờ nuối tiếc. Đây là bản chất giúp nước Mỹ tiến bộ: họ luôn nhìn về phía trước. Họ sẵn sàng dứt bỏ quá khứ dù cho dứt bỏ quá khứ ấy làm giảm đi danh giá nước Mỹ.
Khi Thích Nhất Hạnh - một nhân vật từng phản chiến - từ trần, một số người Việt ngợi ca ông. Một số khác phỉ báng ông. Dù nổi tiếng thế giới là nhà tu Phật giáo, ông vẫn là một con người mất tổ quốc. Bốn mươi năm không về quê hương. Có thể Huế đón tiếp ông những ngày cuối đời. Sài Gòn hay Hà Nội – đừng hòng. Cả hai, tuy cùng một nước nhưng hai tinh thần (trong chỗ thầm lặng, riêng tư) “quốc gia” và “cộng sản”.
Những người “quốc gia” lên án Thích Nhất Hạnh “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” (xin lỗi – cơm của mỗi người làm ra – không phải cơm của chính phủ, dù là quốc gia hay cộng sản). Họ cho ông vọng ngữ. Tỉnh lỵ Bến Tre chừng 75 ngàn dân. Thích Nhất Hạnh “cương” lên 300 ngàn. Cả thành phố bị phá hủy chỉ vì chừng năm bảy du kích giương súng trường bắn máy bay Mỹ. Thành phố bị phá hủy bởi bom Mỹ không nhất thiết 300 ngàn người như thiền sư dẫn ra đều chết hết. Có thể họp báo, ông không nắm rõ sự việc, hay chỉ nghe người ta “nói lại” nên mới tuyên bố sai lệch số người như thế.
Trừ trường hợp là thánh, con người mới không vấp sai lầm. Thiền sư Nhất Hạnh có người cho là từng có vợ, có con. Nếu có, điều này không có gì là lạ. Đức Thích Ca – ngọn đuốc soi sáng của ông – cũng từng có vợ có con. Có vợ có con nhưng vẫn tu hành, đó mới là nỗ lực cao siêu của con người xác thịt, phàm trần.
Có người trách cứ ông không bênh vực nước Mỹ bị trùm Bin Laden khủng bố ngày 9 tháng 11. Ông nói nước Mỹ gây ra biết bao cái chết ở VN năm 1968. Thảm sát Mậu Thân ở Huế của phe cộng sản ông không nói tới. Hay có nói nhưng không ai để ý? Phải công tâm mà nói, nếu không có vũ khí tối tân của Mỹ, của khối XHCN, số người chết ở VN trong chiến tranh không thể lên mấy triệu người. Một khẩu súng cối, ca nông, súng AK hay AR16 giết chết nhiều hơn một quả bom? Ở VN, bom do ai thả? Có thể Thích Nhất Hạnh nóng ruột so sánh cái chết do Mỹ gây ra ở VN và cái chết do al-Qaeda gây ra ở Mỹ nên có so sánh hơi hồ đồ. Dân Mỹ chết không nhiều bằng dân nơi Mỹ gây chiến tranh? Nếu đúng như thế, thiền sư không nghĩ tới: mạng sống là quan trọng; không thể chết ít không quan trọng bằng chết nhiều. Tôi không tin một trí thức như Thích Nhất Hạnh, từng viết hàng trăm cuốn sách, trong đó có 40 cuốn bằng tiếng Anh, lại đi bênh vực khủng bố.
Thiền sư Nhất Hạnh là sư ông không sai lầm? Tôi không nghĩ như thế. Tôi có đọc cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (toàn tập) của ông dưới bút danh Nguyễn Lang. Là người công giáo, tôi rất kính trọng ông, một tu sĩ Phật giáo. Trong cuốn sách gần 1200 trang này của ông, tôi hiểu rất rõ sự hình thành Phật giáo ở VN. Phật giáo thấm đẫm tư tưởng các vị vua quan nhà Trần. Nhờ đó, trong triều đại này, với Trần Quốc Tuấn, nước ta đánh thắng quân Nguyên Mông, từng thống trị cả Trung Hoa văn minh hơn họ và một số nước phương Tây.
Tất cả dữ liệu nêu ra trong cuốn sách đều rất thuyết phục với lối diễn tả gọn gàng và trong sáng đặc điểm Phật giáo – có đối chiếu Nho giáo. Nhưng qua chương Phật giáo hiện đại, nói ngay, Phật giáo ở miền Bắc và Phật giáo miền Nam, từ 1945 trở về sau, tôi thấy tác giả thiên vị. Tất nhiên, ông có nhận xét về Phật giáo Hà Nội nhưng, hoặc vì thiếu tài liệu hay có viết nhưng bị kiểm duyệt, tôi thấy có nhiều chỗ có ba dấu chấm và đóng ngoặc trong sách (phát hành năm 2014, nhà xuất bản Văn Học với lời giới thiệu của Nguyễn Huệ Chi).
Có mấy điểm tôi thấy nhận xét của Nguyễn Lang có phần cảm tính. Ví dụ. “Những người trung trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm thường cho rằng sở dĩ miền Nam sụp đổ là vì chế độ ông Diệm không còn. Sự thực không phải như vậy: chính vì những tàn ác độc tài của ông mà miền Bắc đã xây được cơ sở chống đối võ trang ở miền Nam” (trang 1039).
Giải phóng miền Nam là một chủ trương lớn của đảng CSVN. Có hay không có Ngô Đình Diệm, họ cũng sẽ tiến hành chiến tranh với nghị quyết rõ ràng. Nguyễn Văn Thiệu ít “tàn ác” hơn Ngô Đình Diệm? Hà Nội có “tha” không “giải phóng miền Nam”?
Ngọn lửa bùng mạnh nhất cho Phật giáo đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm phát xuất từ Huế nhân cái chết của một số thường dân. “Khi thiền sư Trí Quang và ông tỉnh trưởng từ trong đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ: tám người đã thiệt mạng vì lựu đạn và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nửa đầu và một em khác nữa mất hẳn đầu”.
Cái chết vì lựu đạn của tám nạn nhân nguyên do cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Có người cho là lựu đạn của Việt Cộng. Có người cho là của Mỹ, họ muốn gây hỗn loạn để có cớ gạt bỏ Ngô Đình Diệm. Có người cho là lựu đạn của quân đội VNCH đàn áp biểu tình.
Chiến tranh luôn luôn tàn bạo nhưng tàn bạo không đến nỗi, lính lái xe tăng cán nát đầu trẻ con khi các em đã chết vì lựu đạn. Không bao giờ đối với lương tâm của một con người VN. Hơn nữa, thời điểm ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm chưa phải đã rệu rã; chiến tranh thực sự xảy ra ác liệt khi quân Mỹ đổ bộ vào VN năm 1965.
Ở một chỗ khác, trang 1057, Nguyễn Lang viết”…một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo cà sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, biến mình thành bó đuốc”. Nhà sử học Phật giáo này nói đến hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm hà khắc, đối xử bất bình đẳng với Phật giáo (chỉ dụ cấm treo cờ Phật ở một số nơi - chẳng hạn).
Nếu không xem bức hình tự thiêu của vị tu sĩ này, chúng ta tưởng là chính ngài đổ xăng lên người. Một tu sĩ sĩ khác làm giúp chuyện này. Ông đổ xăng lên áo quần ngài Thích Quảng Đức. Nếu ra tòa ở một nước dân chủ, vị sư này sẽ bi kết án "gián tiếp" giết người. Những vị tu sĩ nằm cản xe cứu hỏa tiếp cứu dập lửa cũng sẽ bị kết tội “cản trở người thi hành công vụ” hoặc “không cứu người bị nạn”.
Nhưng ông Nguyễn Lang viết tiếp: “…vị thiền sư mà từ đây mọi nguoi xưng tụng là Bồ Tát Quảng Đức. Ngọn lửa hỏa thiêu đã không đốt cháy được trái tim thiền sư. Trái tim này được đem thiêu lại lần thứ hai với sức nóng ngót 4.000 độ nhưng vẫn không cháy”. Nếu là nhà văn thì được nhưng nhà sử học thì không thể tin chuyện có vật gì của thân thể thể con nguoi mà còn ở nhiệt độ 4000 độ, kể cả mấy chiếc răng. Nhưng Nguyễn Lang vẫn viết rạch ròi khoa học.
Nhưng có một suy nghĩ, không biết nên buồn hay nên vui về Nguyễn Lang, khi ông nói, một cách hãnh diện và sung sướng trong một chương dài nhất nói về chế độ đệ nhất nền cộng hòa Nam VN, “Ta sẽ lật một trang sử có thể gọi là kỳ diệu nhất của Phật giáo Việt Nam: Cuộc Vận Động Bất Bạo Động để lật đổ chính quyền độc tài của ông Ngô Đình Diệm”. (Trang 1029). Thần quyền muốn làm thế quyền ư?
Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước và sau 1975. Ông là nhà sư thông tuệ, trầm tĩnh, ân cần, và nhân ái như nhận xét của báo chí quốc tế. Những nhận xét của ông về chế độ VNCH (thời Ngô Đình Diệm) trong cuốn VN Phật Giáo Sử Luận, và một vài chuyện như vụ 300 ngàn dân ở thị xã Bến Tre bị “hủy diệt” hay vụ khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ không làm cho tôi mất đi sự yêu kính và ngưỡng mộ vị thiền sư có giọng nói nhỏ nhẹ này.
Không phải tôi ngưỡng mộ “theo phong trào”, kể cả phong trào rầm rộ khắp thế giới đang ca tụng Thích Nhất Hạnh, “Master of mindfulness”, “Vị Thầy dạy phương pháp chánh niệm”. Tờ The Washington Post Mỹ giật tít: “How Thich Nhat Hanh taught the West about mindfulness” (Cách Thích Nhất Hạnh dạy phương Tây về chánh niệm). Ông Nhất Hạnh có ảnh hưởng nhất ở phương Tây và cả thế giới chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Nhưng ở VN và ở một số nước có người Việt, ông bị cho là ‘tội đồ dân tộc”. "Thầy chùa vọng ngữ". "Tu hành gì mà có vợ có con".
Bên Ky tô giáo, Jesus cũng một lần than thở khi ngài không được trọng vọng ở quê nhà: “Các nhà tiên tri không được hoan hỷ đón chào tại quê hương”. VN chúng ta cũng có câu “Bụt nhà không thiêng”. Thích Nhất Hạnh chưa phải là Bụt. Ông không thiêng trong mắt một số người là đúng. Nhưng với tôi, ông không phải là vị thánh. Ông là thiền sư. Ông đem triết lý Phật vào đời sống. Tinh túy của Phật không phải có nhiều làng Mai, có nhiều chùa hoành tráng - như Bái Đính ở VN. Phật chính tại nơi ta. Tôi yêu nhất câu ông nói: “Quá khứ là cái đã qua; tương lai là cái chưa đến; hãy khu trú nơi hiện tại bởi hiện tại chính là sự sống”.
“Mindfulness in the Present” (Tỉnh thức ở hiện tại). Ý niệm này ông đã dạy cho The World Bank, Google, đại học Harvard Mỹ và những nơi tiếng tăm khác trên thế giới (ở VN rất hiếm khi).
Tôi kính trọng ông vì ông có những cái thuộc về con người phàm tục, nhưng khoảng đời sau biến động chiến tranh, ông trở nên sốt sắng giương cao ngọn đuốc soi dẫn người khác biết thực hành chánh niệm, biết biến đau khổ thành niềm vui, biết an vui trong hiện tại, biết hy vọng ngày mai để chịu đựng đau khổ ngày hôm nay, biết những uyên áo của của triết lý Phật giáo qua những lời giảng đơn sơ và dễ hiểu. Ông không nêu cao đạo Phật của ông trên các đạo khác. Những người theo ông thuộc đủ các tôn giáo ở nước ngoài. Ông không tự tôn mình là sư ông, sư cụ, sư của mọi sư. Ông là Thích Nhất Hạnh.
Cuối đời, mong ước một Làng Mai ở VN của ông bị thẳng thừng chối bỏ ở Bát Nhã, Lâm Đồng. Thật cảm thương. Nhưng tôi thương cảm thiền sư hơn, ở chỗ: ông rất cô đơn – cả VNCH lẫn CHXHCNVN không xem ông là người VN thực sự "yêu nước".

Tuesday, January 2, 2024

TƯỞNG TƯỢNG

Người ta cho sáng tạo cần tưởng tượng. Nhìn bức hình bên dưới, (Tam Kỳ, Quảng Nam), nhiều người tưởng tượng ra một dương vật giương phần đầu lên cao. Đây là mô- típ quen thuộc: một lu nước đang nghiêng cho nước chảy xuống, ở đây lu chứa đầy hoa, và cho chảy thành suối hoa.

Người chụp bức hình này đứng ở góc chụp ngang, hơi chếch lên, nên hình ảnh một dương vật hiện ra. Nếu đứng ở nhiều góc chụp khác nhau, chưa hẳn có hình ảnh mà nhiều cư dân mạng cho là “phản cảm”.

Người phụ trách vườn hoa này tức tốc thay cái lu “như đầu buồi” bằng một cái lu thật, đáy bằng, và cái lu mới cho người nhìn không còn cảm tưởng đang nhìn một nòng súng “vươn lên trời cao”.

BẢO MẪU VÀ ÁC MẪU

Cái chết thương tâm của cháu bé 17 tháng tuổi dưới bàn tay hai bảo mẫu (hình bên dưới) gây phẫn uất dư luận quần chúng. Có người đề nghị hai ”ác mẫu” này cần bị tử hình.

Tôi không bênh vực hay bào chữa hai phụ nữ này. Tôi chỉ hỏi: hình phạt cao nhất ấy có làm giảm đi hay ngăn ngừa bạo hành trẻ em dẫn đến cái chết tương tự? Chắc chắn là không.

Báo Dân Trí tháng 11 năm 2022 còn đưa tin, trẻ em 17 tháng tuổi và một em 12 tháng tuổi cũng bị chết vì bạo hành. Người giữ trẻ, bảo mẫu, là tác nhân chính.

Qua các vụ việc trên, tôi có mấy nhận xét:

- Bạo hành trẻ dẫn đến cái chết hiếm xảy ra ở cơ sở thuộc nhà nước quản lý.

- “Nhà” giữ trẻ “dân lập” thường là nhà ở thông thường. Không thể đáp ứng tiêu chuẩn giữ trẻ.

- Cha mẹ trẻ bị bạo hành có thu nhập thấp. Các nhà giữ trẻ tư nhân có quy mô, hiếm có trường hợp bạo hành vì họ làm việc có quy chế và luôn giữ uy tín. Cha mẹ có thu nhập khá, có khi bóp mồm bóp miệng, gửi con vào đây vì an tâm hơn các nhà trẻ “bình dân”.

- Nhu cầu gửi trẻ rất nhiều và rất khẩn thiết. Ở thành phố nơi có nhiều khu công nghiệp, người lao động không thể mang cha mẹ ra trông trẻ, và chưa hẳn có sức vừa nuôi con vừa nuôi cha mẹ.

- Chính quyền địa phương chưa có điều kiện cung cấp dịch vụ giữ trẻ và việc thành lập chỗ gửi trẻ chưa hẳn là quan tâm hàng đầu hay quan trọng của họ.

- Nhà nước còn nghèo, mọi trẻ em sinh ra chưa hẳn có chỗ trông coi trẻ, nuôi trẻ bữa trưa khi chúng chưa đủ tuổi vào mẫu giáo.

- Người lao động nghèo có con nhỏ là người cần trợ giúp của xã hội để họ toàn tâm làm việc, vừa kiếm sống, vừa đóng góp vào việc phát triển đất nước. Thật bất công nếu họ không được xã hội và nhà nước quan tâm.

Còn bộn bề nhiều thứ nhưng thứ nhà nước làm được và làm rất hiệu quả:

- Khuyến khích tư nhân mở trường nuôi dạy trẻ với ưu đãi phải bằng hoặc hơn ưu đãi công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Đương nhiên, điều kiện ưu đãi phải kèm theo dễ dàng.

- Đào tạo (trả phí khi có việc làm) và cấp chứng chỉ hành nghề cho những cô (hoặc thầy) có lòng yêu trẻ, muốn tham gia vào việc nuôi dạy trẻ tư nhân. Không thể để kẻ vì tiền mà không vì trẻ tham gia giáo dục lớp trẻ chưa vào mẫu giáo hay cả mẫu giáo.

- Kiểm tra  sức khỏe tâm lý, cấp giấy hành nghề hằng năm. Những ai không giám định tâm thần thì không được tiếp tục tham gia nuôi dạy trẻ. Hành hạ trẻ đến chết chỉ có ở những ai tâm lý bất ổn hay khiếm khuyết tâm thần.

- Giám sát chặt chẽ mọi hoạt động nuôi dạy trẻ tư nhân.

Và cái cuối cùng: cải tổ giáo dục, ở đây là xây dựng con người hiểu biết có lòng bao dung. Việc hai cô nuôi dạy trẻ thay nhau hành hạ cháu bé 17 tháng tuổi, tuổi non dại, ngây thơ, dẫn đến chấn thương và chết do đá đạp là vấn đề cần suy nghĩ.

Do bức bối công việc dạy dỗ nhiều trẻ và có một em “cứng đầu”, biện pháp TRẤN ÁP là cách của hai cô giáo mang ra sử dụng để giữ SỰ ỔN ĐỊNH lớp học là “triết lý” phát sinh từ giáo dục: TUAN PHỤC. Cá nhân phải vì tập thể (lớp học). Giáo dục ấy  không tôn trọng cá nhân, vì sao, trẻ 17 tháng tuổi khóc quấy không chịu tuân phục. Phát triển cá nhân phải là động cơ giáo dục con người. Đằng này, giáo dục để cá nhân tuân phục tập thể (đứa bé bị ’tra tấn và bỏ mạng vì là ‘cá biệt’: mấy đứa kia ‘tuân phục’ mà thằng này “chống đối” (bằng cách khóc lóc không chấp hành như những đứa khác).

Một cô giáo vì tức giận mà phạm tội khác rất nhiều với hai cô giáo CÙNG tức giận và phạm tội đưa đến cái chết của cháu bé 17 tháng tuổi. Hai cô này được giáo dục thế nào? Hay bản năng hai cô là “ác” như nhau?

Đau lòng vì cái chết tức tưởi thương tâm của một đứa trẻ không đồng nghĩa với việc lên án phải trừng phạt hai cô bảo mẫu bằng cái chết khác. Chúng ta hãy tỉnh táo nhìn lại xã hội: Cốt lõi là giáo dục- triết lý giáo dục.

DẠ.

(Nhân câu chuyện giữa Thái Hạo và Chu Mộng Long).

Dạ, chưa hẳn là bằng lòng. Nhưng sau câu  dặn dò hay bảo ban của ai, tiếng dạ ấy khiến người nghe dễ chịu: có kẻ vâng phục mình dù vâng phục có khi là miễn cưỡng, đôi lúc, lấy lòng.

Khi vào quán ăn hay quán nước, khách hàng sẽ rất vui khi nghe chủ quán hay người phục vụ “dạ, có ngay” dù “có ngay” của tiệm có khi cả chục phút ngồi chờ. Và, tôi nói thật, khi tỏ tình, chàng thanh niên thao thao lời yêu đương sẽ đứng tim khi cô gái yên lặng không một lời đáp nào, dù khẽ, ngoài tiếng “dạ” rất nhỏ đầy âu yếm.

Tiếng dạ mầu nhiệm lắm. Không tin bạn cứ dạ sau mỗi câu quát tháo của thủ trưởng hay của ông bà, cha mẹ, thậm chí anh chị mình. Cơn giận dữ của họ sẽ dịu đi, nhanh chóng, khi tiếng dạ càng nhiều và càng thật lòng. Có thể bị quát oan nhưng tiếng dạ sẽ là tiền đề để sau đó, chúng ta sẽ dễ dàng thanh minh. Đốp chát lại sẽ là thảm họa không cứu chữa ngay cả mình bị hàm oan hay hiểu lầm khi cơn giận dữ đổ lên đầu.

Dạ không có nghĩa là chịu khuất phục. Sự giải thích hay bày tỏ sẽ dễ dàng hơn sau tiếng dạ. “Dạ, thưa ba. Dạ, thưa má. Con thấy điều ấy không đúng. Hay điều ấy oan cho con”. Không cha mẹ nào không mềm lòng khi con cái ứng xử chừng mực, mềm mỏng, và lễ phép.

Dạ là một chữ ngắn nhưng tác động của nó rất dài. Ở đây, tôi có thể tán rộng ra: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vừa lòng ở đây không có nghĩa là lấy lòng. Vừa lòng ở đây hàm ý win-win, hai bên cùng vui vẻ, dù từng phải đấu nhau hay tranh biện với nhau.

Lịch sử miền Nam. Ông Nguyễn Văn Thiệu từ nhiệm, giao chức tổng thống cho ông Trần Văn Hương theo quy định của hiến pháp; trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, người ta vẫn đĩnh đạc cư xử với nhau, lễ vẫn giữ. Khi bị người Mỹ thúc ép nhường quyền cho tướng Dương Văn Minh, người nhiều tai tiếng, Trần Văn Hương không chịu, sau phải nhượng bộ, giao cho ông Minh làm thủ tướng. Big Minh lấn tới: “Thầy nhường một bước, nay vì quốc gia dân tộc, thầy nên đi thêm bước nữa” (ý là giao luôn chức tổng thống).

Năm 1964, đảm nhiệm chức quốc trưởng, ông Phan Khắc Sửu nhiều lần thoái thác chức vụ khi các tướng lĩnh hầm hè chia chác quyền lực với nhau. “Mấy ông làm quá, qua (tui, tôi) từ chức cho coi”. Các tướng từ đó mới thôi kèn cựa. Chuyện chính trị nhưng các nhân vật chính trị vẫn cư xử tương kính, đúng lễ.

Suốt thời gian ở miền Nam, từ tấm bé, tôi chưa hề nghe trẻ em hay người lớn theo “Nguỵ” mà chửi bới lãnh tụ miền Bắc, gọi họ thằng nọ, thằng kia như sau  ngày “giải phóng”, người ta gọi thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ…Trong trường học không hề dạy phải căm thù cộng sản hay lên án miền Bắc “xâm lăng”. Chính trị dường như không ảnh hưởng gì đến nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa. Chửi bới, dù là chửi Việt Cộng, không hề được giảng dạy. Chính trị không thể làm hoen ố phẩm chất con người. Việt cộng hay quốc gia cũng đều là người Việt Nam. Chẳng qua, ý thức hệ trong giai đoạn đã chia rẽ người Việt Nam; dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một.

Tôi nói dông dài là do, gần đây, có hai nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội tranh biện với nhau về một số vấn đề thời sự nổi cộm. Thái độ của họ khác nhau dù cả hai đều có kiến thức quảng bác của một người thầy: một là thầy giáo cấp 3 và một là thầy giáo đại học.  Nhưng vì tức giận hay khinh bỉ, trong bài viết của mình, một trong hai gọi người kia là “thằng”.

CÓ CUNG, CÓ CẦU

VN Express đưa tin: "Gần 50 cán bộ Bến Tre mua chứng chỉ giả" để  nộp hồ sơ xét tuyển dụng, thăng hạng viên chức. Không rõ cả nước thế nào; chẳng có thống kê, làm sao mà mò cho ra.

Học thêm một chứng chỉ hay một bằng cấp để nâng cao nghiệp vụ là nguyện vọng chính đáng của bất kỳ một công nhân viên chức nào trong guồng máy quốc gia. Nguyện vọng trở nên bê bối khi người ta mua chứng chỉ giả, bằng giả, nói chung là học "giả".

Học giả vì, một, người ta không có năng lực, hai, không có thì giờ, ba, "ai sao mình vậy" (họ mua thì mình mua).

Trừ phi là Tề Thiên đại thánh, nhà nước này đố mà tìm ra tất cả nhân sự trong guồng máy của mình xài bằng...giả. Xui xẻo cho Lan nào bị Điệp mách lẻo (như 50 chục ông bà ra hầu tòa). Kỳ dư, tất cả đều "giỏi chuyên môn, nhiều bằng cấp".

Tôi biết trước 1975, ở miền Nam, công chức, quân đội có người vừa đi làm vừa đi học (hàm thụ). Họ học riêng nhưng thi chung với học sinh, sinh viên "chính quy". Bằng cấp hay chứng chỉ giúp họ thăng tiến trong công tác, cụ thể là "lên lương". Học thêm lấy bằng cấp là ý muốn cá nhân; nhà nước không bắt buộc. Một người nằm trong guồng máy không cần phải "đào tạo thêm" hay "đào tạo lại" trừ phi anh (hay chị ta) muốn thăng tiến hay nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Vì là ý muốn cá nhân, không ai đi "mua" bằng cấp, chứng chỉ; có mua cũng không biết ai bán. Làm giả giấy tờ sẽ ở tù như chơi.

Con người sống với nhiều cái "giả" nên coi giả như "thật". Bằng giả nói lên đạo đức của người "mua" nó. Khi có lòng tự trọng, nghĩa là, danh dự cá nhân đặt trên hết, người ta không dám "xài" bằng giả. Kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật (hạ bậc lương, không vào dạng cơ cấu...) cũng không chấm dứt nạn xài bằng giả. Chỉ có lòng tự trọng. Không ai tôn trọng mình bằng bản thân mình, đó là lòng tự trọng. Xã hội không giúp con người xây dựng lòng tự trọng cá nhân, xã hội ấy rất dễ hỏng hóc.

Hồi mới qua Việt Nam, quân đội Mỹ cần một số lao động người Việt giúp họ xây dựng một số loại cơ sở trú đóng. Hồi đó gọi là "làm sở Mỹ". Hồ sơ làm sở Mỹ đơn giản là tờ đơn xin việc làm có xác nhận "an ninh"  bằng 2 chữ ký của hai viên "trung sĩ" (VNCH). Vì sao không có chữ ký của xã trưởng hay quận trưởng? Hai ông này chưa chắc biết rõ nhân thân của người xin việc; hai trung sĩ thì biết rõ. Và vì sao không cần xác nhận của sĩ quan như chuẩn úy, thiếu úy, trung úy...mà lại là trung sĩ? Nếu đi lính, ai cũng sẽ hiểu thời gian một binh sĩ "bò" lên chức trung sĩ ít nhất là trên 3 năm trong quân ngũ, từ binh nhì, binh nhất, đến hạ sĩ, rồi mới tới trung sỹ. Phục vụ "lâu dài" như thế, viên trung sĩ sẽ tạo ra niềm tin; anh ta mới có thể "bảo lãnh" cho một người vô "làm sở Mỹ". (Nếu lơ mơ, các viên trung sĩ giới thiệu "đặc công" cộng sản vào làm sở thì toi đời Mỹ).

Xin vào làm viên chức chính quyền thì thế nào? Trừ những chức vụ được bổ nhiệm do tốt nghiệp hay ra trường chuyên đào tạo nghiệp vụ hành chính, phần lớn chính quyền tuyển người vào làm qua bằng cấp (ưu tiên từ cao xuống thấp). "Hồ sơ cá nhân" không phải gồm lý lịch có xác nhận của công an xã. Người xin việc tự khai nhân thân. Họ chỉ cần nộp thêm một tờ giấy chứng nhận của tòa án, gọi là giấy chứng nhận "không can án" (tức chưa lần nào bị tòa tuyên phạt bất cứ hành vi gì).

Dù trong chiến tranh, nhà nước "Ngụy" vẫn tôn trọng danh dự của mỗi cá nhân, nghĩa là tin tưởng hoàn toàn vào lòng tự trọng của những người tham gia guồng máy điều hành quốc gia. (Đây cũng chính là kẽ hở, nhiều người hoạt động tình báo đối phương chui vào guồng máy chính quyền, quân đội. Niềm tin chính là cái người ta thường ứng xử với nhau chứ không phải là thái độ "trung thành").

Lòng tự trọng (danh dự cá nhân) là lẽ sống, do đó người ta không cần sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả để "tiến thân". Có thể  lừa người khác chứ không ai tự đi lừa mình. Lòng tự trọng sẽ làm con người đẹp hơn và thanh cao hơn. Một người tự trọng không ai xài bằng giả. Xã hội càng xài nhiều bằng giả, cá nhân trong xã hội ấy càng thiếu vắng lòng tự trọng.

Hay là, lòng tự trọng cũng bị chi phối bởi luật "cung, cầu"?

Monday, January 1, 2024

ĐÀ LẠT 2019:

Năm 1973, tôi có dịp đến đây lần đầu tiên vào các ngày sau Tết. Buổi sáng phải dùng nước ấm để rửa mặt. Và buổi sáng đầy hoa: bên đường, trong vườn nhà, trong các villa sang trọng. Thật nhiều ấn tượng. Thành phố rất vắng người, càng về chiều, đường phố càng vắng hoe. Sương mù che khuất những con  đường uốn lượn theo chân những ngọn đồi thông hàng hàng cao vút. Nhà cửa thưa thớt, đa phần như biệt thự sơn màu hồng, màu trắng, nhô lên những ống khói, trên những con đường trung tâm thành phố. Nhà cửa ở những vùng xa hơn, thường nằm nép bên những con dốc, lên xuống qua những bậc thang, lát đá, ít xây bằng xi măng. Lưu thông trên đường chỉ thi thoảng vài chiếc xe con, xe công vụ, và người đi bộ, không có xe đạp, rất ít xe máy.

Người Đà Lạt đa phần thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn. Không thấy sự giàu nghèo bày ra bên ngoài, ai cũng mặc những bộ đồ ấm nhiều màu sắc, da mặt hồng hào, có thấy ai mặc áo quần rách rưới đâu, nhìn người Đà Lạt ai cũng...như nhau. Đời sống "quý phái" của người Đà Lạt có lẽ nhờ sự giàu có sẵn từ cha ông họ, hoặc họ là công chức, và những người sinh nghiệp với những vườn rau xanh mướt, hay những vườn hoa hé nở quanh năm. Số còn lại, đa phần người lao động, với mảnh đất nhỏ của mình, đủ sống.

Thành phần "bất hảo" có lẽ không có. Đường này nối đường kia xa ngát có nhiều quãng đường dài không một ngôi nhà nhưng chẳng có những vụ cướp giật nào được biết, và điều này, sự an bình duy trì đến tận ngày nay: buổi tối, những chiếc xe máy còn mới để la liệt trong những con hẻm, không sợ mất trộm. Cuộc sống thanh lịch phát sinh từ một vùng đất thanh lịch? Đà Lạt hiện nay bề bộn, đông người hơn, nhiều du khách hơn, xưa kia giàu mới du lịch lên Đà Lạt, giờ không nhất thiết như thế, người nghèo cũng vẫn đi.

Đường phố ngoằn ngoèo, lên xuống những đồi dốc, các ngã tư không thấy đèn đỏ, người lái xe, người đi bộ, luôn nhường nhau khi lưu thông, không ùn đẩy, hối hả, bươn tới như ở Sài Gòn.

Nhường nhau trên đường xuất phát từ sự từ tốn điềm đạm của người Đà Lạt? Nhưng năm mười năm nữa, Đà Lạt còn giữ sự từ tốn như thế khi giao thông ngày càng nhộn nhịp vì cuộc sống bề bộn hơn?

Tôi nghĩ sẽ tồi tệ hơn khi không giữ được bản chất của Đà Lạt. Nhiều resort mọc lên, nhà bê tông, biệt thự nguy nga, chen chúc, những cây thông già, đặc trưng thành phố núi, bị đốn hạ mặc tình giành đất cho công trình xây dựng. Quan trọng nhất, con người Đà Lạt và những du khách đến đây, họ có giữ cho thành phố không khí trong lành, rừng thông xanh ngát, như câu hát nằm lòng "Đà Lạt mộng, Đà Lạt mơ"?

E ngại của tôi có cơ sở khi tôi quan sát chợ Đà Lạt: nhếch nhác, luộm thuộm, bừa bộn, mất vệ sinh... Xe hơi đậu choáng lối đi, khoảng sân rộng trước chợ, mạnh ai nấy đậu, chặn cả người, xe máy của người muốn vô chợ. Trong khi xe máy giữ 5000 đồng một chiếc thì xe hơi miễn phí, đậu đâu cũng được. Sao không quy hoạch nơi nào, hoặc không dừng đậu thời gian nhất định như ở sân bay? Chỗ vệ sinh công cộng không ở vị trí dễ thấy, bảng chỉ dẫn  nằm lọt thỏm vào cửa hiệu to đùng, hoành tráng, không ai nghĩ bên trong có nhà vệ sinh công cộng.

Không cần xét tiêu chí "văn hóa" qua những hạng mục cao vời, chỉ cần nhìn chợ, nơi đi vệ sinh, người ta đánh giá nơi ấy có văn hóa hay không. Đà Lạt cần quản trị bởi những người có đầu óc biết yêu mến thiên nhiên, hiểu thiên nhiên, hiểu con người phố núi, đau đớn khi có một cây thông già bị gãy đổ, biết xót xa khi thấy những phụ nữ gầy yếu với đôi quang gánh, ngồi trước mặt chợ, khẩn cầu nhìn những du khách giàu có, mua giúp họ lọn rau, quả cà, trái mướp trong khi du khách vô tình ấy đang hướng mắt vào những cửa hàng to lớn, bày hàng hóa tràn ra hè chợ.

Biết bao giờ có được những người như ‘bọn thực dân’, dày công gầy dựng Đà Lạt, để rồi ngậm ngùi cuốn gói về nước, bỏ lại một di sản thiên nhiên, cho những người lúc nào cũng hô hào yêu nước nhưng thiếu năng lực giữ được một thành phố không cần "quá" văn minh như tôi thấy ở những năm 70 khi đất nước còn chiến tranh. Đà Lạt sẽ kẹt xe như Sài Gòn, đó sẽ là viễn cảnh, nếu bây giờ không ai coi nó là một thắng cảnh có một không hai ở miền Nam. Tôi vừa thấy hôm qua, trên một con đường lớn, đoàn xe dài tít tắp nối đuôi nhau, cảnh sát giao thông vất vả lắm mới giải quyết thông xe sau gần 20 phút. Đà Lạt thơ mộng trở thành Sài Gòn khói bụi, thì hỡi ôi...

MẮM KHO QUẸT

Tôi cứ nghĩ, chỉ nhà nghèo ngày xưa mới ăn món này với cơm. Không ngờ, trên đường về ăn giỗ người chị, ngang qua đường Phạm Văn Thuận, Biên Hoà, Đồng Nai, tôi thấy có một tiệm ăn không gian rộng rãi, bề thế, với bảng to ghi chữ: Cơm cháy, mắm kho quẹt. Tôi sẽ ghé lại dịp thuận tiện để xem món ăn nghèo ngày nay sao lại bán cho người giàu (nghĩa là dư ăn món cao lương mỹ vị).

Có lẽ, hầu như tất cả người thành phố không biết món ăn lạ lẫm này. Món lạ này làm từ mắm. Mắm có nhiều loại. Thông thường là mắm nêm, mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc, mắm cá cơm… Nhưng chỉ có mắm cái Quảng Nam là “nguyên liệu” số một cho mắm kho quẹt. Nước mắm cũng có thể làm được nhưng bất đắc dĩ, không có mắm cái.

Tôi không rõ địa phương khác có loại mắm này không. Mắm cái làm bằng cá nục, to hơn ngón tay cái; công thức đơn giản: 3 muối+ bẩy mắm, tức 3 kg muối trộn với 7 kg cá nục tươi xanh, không làm cá ươn, cả trầy da, mắt bầm đỏ. Thời gian phải là 1 năm ủ, mắm mới ngon. Cá thành mắm, đỏ tươi, nguyên con, rất mềm, và rất thơm, tất nhiên thơm của mắm. Mùa đông giá buốt, bên ngoài mưa phùn từng cơn phủ mờ đất trời bằng những luồng gió bấc, gia đình cha mẹ, anh chị em, xúm xít bên bàn ăn với những bát cơm nóng trên tay, giữa chén cơm trắng là một con mắm cái; người lớn thì con mắm lăn sơ tý ớt bột.

Một buổi sáng ấm cúng, ấm cúng nhờ con cá mắm nục, vừa ngọt, vừa mặn, vừa thơm, vừa beo béo làm nhưn cho những chén cơm, không ngớt “đưa bới “ nếu nhà đông con nít.

Ảnh: Đây không phải là loại mắm kho quẹt đang đề cập.

Nhưng, con mắm không phải là hạt nhân cho mắm quẹt. Nước mắm cái mới là thành phần nòng cốt. Bắc một chảo gang, ”trả đất “ càng tốt (giờ mất dạng), chờ chảo thật nóng, cho nước mắm cái vào; lượng nước mắm khi chín vừa tráng một lớp mỏng, dày sẽ không ”đạt”. Lớp mắm còn đang ướt, rắc ngay tiêu bột vào, rắc thật đều tay, chờ lớp mắm khô, quanh chảo có màu hơi vàng, không phải cháy, bắc chảo xuống. Khi ăn, đũa sẽ dùng để quẹt, mỗi lần quẹt là đủ cho một miếng cơm, lưu ý, cơm phải dẻo, phải nóng, vị mắm quẹt mới ngon. Nếu muốn ăn đậm đà hơn, nghĩa là mặn hơn, thì đè đôi đũa nặng tay một chút nhưng coi chừng…gãy đũa.

Và khi ăn, chú ý người ăn cùng, kẻo tốc độ quẹt đũa của mình có thể “lấn lướt “ họ; tôi bảo đảm, đã là người Quảng Nam, không người nào chê món mắm quẹt cả. Nó không phải là món cầu kỳ, khó làm nhưng nó gợi cho người ăn cái ký ức thiếu thốn cái ăn, cái gì “đưa cơm” cũng quý. Và chỉ những người từng ăn mắm quẹt họ mới cảm nhận cái ý vị của một món ăn, cái tên “quẹt” thật quê mùa, giản dị. Món ăn không phải để mời khách. Món ăn của gia đình đoàn tụ vào những ngày mưa phùn gió bấc, mọi người co ro quanh bếp lửa nồng. Món ăn của ký ức. Ký ức nào mà không ấn tượng đâu.

Vì sao mắm quẹt lại có thể “sống” ở một thành phố như Biên Hòa, nơi hội tụ của nhiều cư dân từ mọi miền đất nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Chắc chắn mắm kho quẹt không phải là đặc sản của quê tôi Quảng Nam.

Mắm kho quẹt đi vào đời sống vì một lý do đơn giản: cái ăn.

Tôi không khi dễ đồng bào mình. Quý vị hãy để ý tất cả những từ ngữ chỉ những gì trọng đại của người Việt đều có cái ăn trong đó. Ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, và quan trọng nhất là ăn Tết. Tết sao phải kèm theo ăn?

Ở Quảng Nam có ca dao:

"Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè

Nhớ hồi ‘ thượng mã, lên xe’ (*)

Nhớ bát nước chè nhớ chén đường non

Nhớ hồi cá trụng (hấp) y con

Thịt heo xắt khúc, lòng còn ước mơ".

Một ước mơ giản dị. Cái ăn đi vào thơ ca. Cái ăn đi vào văn hoá. Cái ăn đi vào truyền thống.

Món “ mắm kho quẹt “ không phải là văn học, văn hoá, và truyền thống sao. Ăn mắm kho quẹt để nhớ mình là người có truyền thống, có văn hóa, có văn học, tại sao không? Lưu ý: phải là mắm nguyên chất. Mắm ngày nay mà chế biến thành kho quẹt coi chừng là chè… quẹt. Đường giết chết rất nhiều món ăn truyền thống, trong đó có món mắm cái Quảng Nam. Đường quá nhiều.

Mắm quẹt vạn tuế !

(*): Chơi cờ? Hay là mơ ước ‘lên xe, xuống ngựa’?