(Cưỡi ngựa xem hoa; chưa phải là cái nhìn đúng đắn, xin quý vị cảm thông).
Thống kê có chừng 12.000 người sinh sống và học tập ở Phần Lan. Thủ đô và cố đô, người Việt ở khá nhiều. Riêng một market town, thị trấn hay thị xã, cách Helsinki 30 km, chỉ có 10 người Việt, đó là 3 gia đình các con tôi. Tuy ít, ở thành phố này, gia đình chúng tôi được đón chào thân thiện. Mỗi sáng, Tây dắt chó tập thể dục, gặp tôi đi bộ, người da vàng mũi tẹt, họ đều moi, moi, chào ông, chào ông, hoặc houmenta, chào buổi sáng. Chỉ lời chào khách khí, tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Ít ra, bên ngoài, họ không có gì phân biệt chủng tộc. Hoặc thắc mắc: Đã làm gì cho đất nước (Phần Lan) mà người Việt các ông có quyền sinh sống, hưởng thụ phúc lợi của đất nước chúng tôi?
Tôi chưa tìm hiểu có một cộng đồng người Việt tổ chức chặt chẽ nào để bảo vệ nhau, chia sẻ với nhau vui buồn xứ ngoại hay không. Nhưng có hai chỗ người Việt gần gũi nhất là nhà thờ và nhà chùa. Ở Helsinki có một nhà thờ, thỉnh thoảng có linh mục người Việt làm lễ. Những cặp theo đạo cưới nhau đều làm phép hôn phối tại đây. Và tiệc tùng sau đó, tiếng Việt sẽ nhiều hơn tiếng Phần, tiếng quê hương mang lại sự ấm áp ở xứ người.
Nhà chùa cũng vậy. Tôi thấy người theo đạo Phật có lẽ nhiều hơn đạo Ki-tô. Có 2 ngôi chùa tại Phần Lan, trụ trì là người Việt; một trong hai chùa ấy nằm ở vị trí đẹp như trong tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, Hồn bướm mơ tiên. Tại ngôi chùa này, ngày Phật đản tôi có tham dự; dù là người công giáo tôi cũng được mời ăn bữa cơm chay: xôi chè, do người Việt mình nấu. Số người Việt tôi gặp ở đây mấy chục người, đa phần là giới trẻ, trung niên, nhiều hơn số người tôi gặp ở nhà thờ thủ đô.
Một ngôi chùa khác ở ngoại ô có quy mô to hơn, đất đai rộng lớn hơn, đang gần hoàn thiện. Vị trụ trì (đệ tử của thầy Như Điển, Hội An) từ Đức qua nhận nhiệm vụ khuếch trương Phật giáo tại xứ Bắc Âu xa lạ này. Tôi có hầu chuyện thầy. Kiến thức quảng bác, sức truyền đạt thu hút. Chắc chắn ông sẽ thành công: quy tụ ngày càng nhiều người Việt ở xứ này.
Ngoài tôn giáo, người Việt có cơ duyên nào gặp nhau? Có. Đó là ngày Tết nguyên đán. Người Việt khắp nơi tụ tập về thủ đô. Họ mang theo những thức ăn truyền thống tự nấu. Cùng nhau họ vui đùa, ca hát, chuyện trò, nhắc nhở kỷ niệm quê nhà trong ngày thiêng liêng nhất ở Việt Nam. Họ tìm hiểu nhau, tình thân ngày càng khăng khít.
Người Việt có mở những quán ăn Việt. Phở là món hàng đầu. Tôi thấy khách Tây còn nhiều hơn khách ta. Nhưng nghe đâu, người chủ mở siêu thị bán các thức ăn Á, những món ăn mà đi đâu người ta cũng không thể quên, lại là người Hoa. Tôi không hỏi kỹ, người Hoa ở Chợ Lớn hay người Hoa ở Hồng Kông.
Người Việt nhạy bén, giỏi xoay xở. Họ thông minh “kiến cơ nhi tác, tùy ngộ nhi an”, ở đâu cũng sống được. Con dâu Hà Nội của tôi làm món mì Quảng đãi cha mẹ chồng không tìm ra bắp chuối (hoa chuối) hột, đành mua chuối cây, về làm rau ghém! Ở cái xứ “quanh năm mùa đông” giá rét này, nếu tìm ra một cây chuối, quý vị sẽ trúng số Vietlott mấy tỷ đồng. Vậy mà trong siêu thị, có chuối cây, bán theo trọng lượng, mỗi ký 125.000 tiền VN (5 euros).
Điều này nói lên nguyên tắc: có cầu có cung. Ai nghĩ ra chuyện mang chuối cây cho heo ăn (xin lỗi, ở Quảng Nam, xắt lát ra băm nhỏ trộn cám gạo, cám bắp) qua đây để bán? Người nghĩ ra chuyện này rất giỏi, theo tôi. Nếu ông ta, hay bà ta có chân trong sứ quán, phụ trách thương mại, chắc chắn hàng nông sản Việt Nam sẽ có mặt khắp siêu thị Phần Lan; không thể để, nằm chễm chệ trên các kệ hàng người Tây, nào nước dứa (thơm), nước ổi, nước dừa, nước hạt điều, và nhiều thực phẩm nhiệt đới khác, kể cả nước mắm (hiệu con mực, không phải mắm mực), thách thức thực phẩm VN còn vượt xa phẩm chất.
Người Việt nhạy bén, linh hoạt, giỏi thích nghi nhưng phải thành thật mà nói, họ thiếu tổ chức, thiếu hỗ trợ nhau, ở xứ người. Bước đầu, tổ chức phải đến từ nhà nước. Người Tàu rất giỏi ở chỗ này. Chính phủ họ ưu ái cho những ai sinh cơ lập nghiệp ở nước ngoài bằng những trợ giúp vừa chìm vừa nổi. À mà thôi, nóng ruột rồi nói, biết đâu các sứ quán VN ở nước ngoài giúp đỡ rất nhiều đồng bào làm ăn ở xứ Tây. Chợ Đồng Xuân ở Berlin là ví dụ, mà tôi không biết?
Cộng đồng người Việt ở Phần Lan rất nhỏ so với các cộng đồng ở những nước khác. Nhưng so với 5.550.000 người, con số 12.000 người Việt tại xứ ông già Noel này có thể là tỷ lệ khá lớn.
Nhưng, cái lớn nhất tôi thấy, không phải buôn bán làm ăn, hay sinh cơ lập nghiệp. Đó là giáo dục. Người Việt hãy đem về VN, tinh tuý của nền giáo dục nằm trong tốp đầu thế giới. Trẻ con học mà chơi. Chơi mà học. Học là niềm vui. Học không thể là gánh nặng cho cha mẹ, cho nhà trường, cho xã hội, nhất là gánh nặng quá lớn đối với các em cần có tuổi thơ, đâu chỉ vùi đầu vào sách vở. Và một cái nữa, nhờ giáo dục, Phần Lan tách khỏi nông nghiệp để tiến lên công nghiệp hiện đại nhờ lối giáo dục: phát huy năng khiếu cá nhân từ bé, chú trọng phát triển tính cá nhân lên trên tính tập thể.
Ngày nào đó, cộng đồng người Việt tại Phần Lan sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hẳn hoi. Việc bán mấy khúc chuối ở siêu thị không phải là niềm hãnh diện cho tài năng biến báo của người Việt. Hay là việc thông báo cho nhau biết chỗ, biết khi nào, chính quyền địa phương vét hồ làm sạch chỗ cho dân chúng tắm, cuối mùa thu; cá vớt lên hàng mấy tấn, to bằng ngón tay, rất ngon. Bà con đem về có khi mấy tạ, cấp đông, dành kho ăn hàng mấy tháng để bớt nhớ cá sặc, cá rô, cá linh.
Dù sao, số người Việt ở Phần Lan đa phần là sinh viên đại học, nhất là trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Họ có điều kiện ở lại, khá nhiều. Chúng ta nên tin tưởng ở họ, tuy ở xứ người nhưng sẽ là nguồn lực xứ mình. Chỗ nào có người là chỗ đó có người… Việt.
12VN9Mq3P2QuLQMx2csuFpKReZ3vMo65lGvC1nQntDX012VN9Mq3P2QuLQMx2csuFpKReZ3vMo65lGvC1nQntDX0