Monday, January 1, 2024

MONA LISA

Mong ước tận mắt nhìn bức tranh nổi tiếng nhất thế giới ở mọi thời đại của tôi đã thành hiện thực.

Tưởng tượng đánh lừa lý trí, bức tranh khá nhỏ so với hình dung của mình. Có lẽ không có bức vẽ nào người ta phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ xếp hàng rồng rắn để được bước đến gần chiêm ngưỡng. Vẻ đẹp bức tranh không thể tả nổi bằng lời, chỉ có trong cảm nhận: đôi mắt gần gũi, nụ cười mỉm bí ẩn, đôi bàn tay búp măng mịn màng da thịt, như của người thật.

Khoảng cách để nhìn nàng Lisa độ chừng 4 mét, giới hạn bởi sợi dây đỏ giăng ngang, có 6 bảo vệ nam nữ gương mặt lạnh như công an hình sự, mắt lom lom quan sát đám đông chen vai thích cánh nhích lên từng bước. Ông nào tốt phúc mà đứng trước một cô đầm có bộ ngực đồ sộ chắc chắn sẽ không buồn nôn nóng nhào tới trước. Đa số rất nóng ruột mong tới phiên đến gần. Ai nấn ná selfie sẽ bị bảo vệ nhắc nhở. Cảnh chen nhau trong đám đông, người Việt nhỏ bé như tôi thật thiệt thòi, không thể nhìn khi có mấy ông Tây cao ngất ngưởng ở phía trước. Kiên nhẫn nhưng háo hức.

THÁP EIFFEL

Ít ai để ý tác giả kỳ công thế giới này cũng là tác giả một công trình nổi tiếng ở VN, cầu Trường Tiền (có bác đặt lại Tràng Tiền). Trăm nghe không bằng một thấy. Tận mắt chứng kiến một cái tháp làm toàn bằng sắt, cao chọc trời, với bốn chân trụ bề thế như những tòa nhà hùng vĩ bằng khung kim loại, tôi mới thấy, dù là nước có ân oán với VN, Pháp thực sự đi đầu trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Không có nước nào vẫn sử dụng kiến trúc của kẻ thù địch để làm chỗ điều hành quốc gia: tòa hành chính thành phố HCM và dinh chủ tịch nước.

Pháp vận dụng tháp Eiffel để rút tiền du khách. Xem, chụp ảnh, quan sát thì thoải mái. Leo lên tháp để nhìn toàn cảnh Paris “hoa lệ” thì phải tốn tiền, 28 euros cho mỗi vé; trẻ dưới 14 giảm gần phân nửa, bé dưới 4 tuổi miễn tiền. Để lên được đỉnh tháp trên 300 mét, người ta phải sắp hàng ngoằn ngoèo chừng 3 giờ ngoài trời mới mua được vé. Trước có bán online, sau đẹp, tránh cảnh mua đi bán lại (phe vé).

Lên đỉnh tháp bằng cabin cáp treo. Tầng nhì chừng hơn 120 mét, giá vé 10 euros dành cho người ưa mạo hiểm, có sức khỏe leo cầu thang; còn đi cap treo thì 14 đồng.

Đứng xếp hàng mua vé, tôi nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau khi họ nói chuyện; có lẽ nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tới đây: đi cho biết Eiffel, biểu tượng của nước Pháp và để thỏa lòng ao ước, trông mong.

Chụp hình bằng smartphone là hoạt động nhộn nhịp nhất. Nhất là chụp từ đỉnh tháp: cả thành phố Paris nằm ngăn nắp bên dưới. Ban đêm tôi chưa đi, nghe nói tháp lung linh ánh đèn và rực rỡ cả bầu trời. Ở Hà Nội, tổ chức “leo” cột cờ (Minh Mạng cho xây)có lẽ cũng lượm tiền du khách dù số lượng ít hơn. Nhìn toàn cảnh Hà Nội đâu khác nhìn toàn cảnh Paris. Tôi từng leo lên một lần rồi nhìn khắp phố phường bên dưới, rất đẹp.

Cách điều hành, thái độ phục vụ, sự sắp xếp phải nói khá chỉn chu và khoa học. Gieo ấn tượng dễ mến nơi khách có lẽ là triết lý kinh doanh du lịch, không như ở ta, “một đi không trở lại”. Chân tháp phía Bắc đang trùng tu. Tránh cảnh bề bộn trong xây dựng, người ta che lại bằng tấm bạt dài, cao tầm 5 mét, bên trên vẽ cây cối xanh tươi để khỏi làm xốn mắt du khách. Không cần câu “xin lỗi đã làm phiền”, khách tham quan không hề ca thán công trình đang hoạt động. Tấm bạt như là bức tranh phong cảnh. Nó khác rất xa những rào chắn bằng tôn, bằng lưới đen…như ở thành phố lớn của chúng ta.

Tham quan xong, thời gian dẫu dài, du khách luôn hy vọng sẽ trở lại lần nữa. Tôi chắc nhiều người sẽ như mình. Chỉ tội không có “bác” (money) dẫn đường.

Yêu thích đất nước từng “nô dịch” mình là điều nghịch lý? Không. Nghĩ dại, nếu không có thực dân Pháp, chúng ta liệu có văn minh hơn không khi biết bao thế hệ cha ông chìm sâu trong bóng đè ảnh hưởng của người Tàu?

Tuy nhiên, tôi phải học “căm thù” thực dân chứ. Vì lớ ngớ chưa biết chỗ giải quyết tâm sự (mắc tiểu đang hồi đỉnh điểm), đi vào những đám bụi cây cảnh ngoài xa chân tháp, tôi đã tìm ra đường cứu giá; lối đi thoảng mùi khai, a đây rồi, chắc chắn nhiều người cũng lâm hoàn cảnh như tôi. Thế là chơi một phát “thẳng chỗ”.

CÁNH ĐỒNG XANH

Đi thăm nhà lưu niệm danh họa Pháp Monet ở ngoại ô Paris, tôi mới thấy, lần đầu tiên, cánh đồng lúa mì. Bát ngát màu xanh. Và cũng lần đầu tôi mới biết lúa mì trồng trên đất khô. Cạnh những cánh đồng lúa là các cánh đồng cỏ chăn nuôi. Những con bò mập mạp màu trắng đĩnh đạc gặm cỏ, không thấy người chăn; lạ là cỏ lại chen lẫn đôi chỗ các khóm hoa vàng nho nhỏ. Cách đó không xa, có mấy con ngựa đang nô đùa thì phải; có cảm giác chúng cao lớn, lực lưỡng hơn ngựa mình.

Giữa tháng 5, thời tiết vẫn còn se lạnh, ánh nắng đem lại cảm giác ấm áp hay sao mà dọc đường đi, hai bên vệ đường, thỉnh thoảng có những chòm hoa dại lốm đốm vàng rực rỡ. Lúa mì đang thì ra hạt, mẫy bông, thoạt nhìn như bông cỏ. Màu xanh bát ngát là cảm giác của tôi đối với những cánh đồng lúa mì nông thôn nước Pháp.

Thỉnh thoảng các cánh đồng xuất hiện những hàng cây không sừng sững mấy; có chỗ kéo dài như là cánh rừng mỏng, đơn côi. Chưa gặp ai để hỏi chúng là những loại cây gì. Cũng không phải rừng phong. Lá phong rất dễ nhận ra, thân cây cũng vậy. Đi máy bay nhìn xuống, từng mảng rừng, từng cánh đồng lúa xen kẽ nhau, nhìn rất mát mắt.

So với lãnh địa nước Ý, mặt đất nước Pháp xanh tươi hơn. Ở Thuỵ Điển và Phần Lan nơi tôi đi qua, chỉ có thông và bạch dương chiếm lĩnh mặt đất. Có lẽ không trồng được lúa mì, lúa mạch, nên bia và rượu ở Ý và Pháp rẻ hơn ở hai nước Bắc Âu kia chăng.

Thật biết ơn đất trời, chuyến đi thăm của tôi nhằm mùa cây lúa cây cỏ cây rừng đều mang màu xanh tươi mát. Ra khỏi Paris, người ta mới thấy cái êm ả của nông thôn nước Pháp.

Nhìn những bầy chim sẻ, những con quạ, những con chim sáo, chim nhồng, các cánh đồng xanh mướt, ngựa bò nhảnh nha, nô đùa và gặm cỏ trên đất Pháp, tôi chạnh nhớ, đất Việt của tôi, cũng một thời còn thanh bình hơn; trâu tắm trên sông, các chú quạ, chú nhồng đáp trên lưng chúng, tranh thủ mổ lấy những chú ve bám trên lỗ tai, lỗ mũi. Và tôi nghĩ canh tác trên đất khô (lúa mì), người nông dân thư thả hơn canh tác trên ruộng nước (lúa gạo). Do đó, cánh đồng lúa mì ít đượm mồ hôi của người lao động ? Nghĩ đến đây tôi cảm thương nhiều cho người nông dân Việt, cây lúa vẫn là nỗi nhọc nhằn đè trên lưng họ. Ruộng đồng không còn đem lại cuộc sống thảnh thơi. Thanh niên nam nữ lữ lượt bỏ ruộng đồng về đô thị làm công nhân thì cánh đồng lúa ở nông thôn khó mà óng mượt, xanh tươi, bạt ngàn như cánh đồng nước Pháp.

SÔNG SEINE VÀ SÔNG HƯƠNG

Sông Seine nổi tiếng nước Pháp nhờ các nhà văn. Sông Hương nổi tiếng Việt Nam nhờ các nhà thơ. Cái đẹp của sông Seine ở cảnh quang hoành tráng những kiến trúc lâu đài chạy đọc ở hai bên bờ sông. Cái đẹp của sông Hương, ngoài kiến trúc nhà cửa xinh xắn, còn là cảnh  sông nước thiên nhiên, núi đồi thơ mộng.

Tôi nghĩ, con người luôn có khát vọng tìm kiếm cái mới. Là người châu Á, có thể tôi yêu thích cảnh quan châu Âu. Biết đâu, người châu Âu cũng yêu thích cảnh quan châu Á. Sự tò mò tìm hiểu chính là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch, một công nghiệp không khói, mang lại nhiều lợi nhuận.

Du lịch trên sông Seine tổ chức bài bản, thống nhất; chỗ bán vé nhất định, không có cảnh mời chào, chèo kéo. Giá vé niêm yết hẳn hoi. Người xuống tàu xếp hàng chờ đợi, kiên nhẫn, không ồn ào huyên náo. Họ chỉ thua ta ở chỗ không trang bị cho khách áo phao; có lẽ tàu du lịch của họ khá chắc chắn, an toàn, bảo đảm. Tàu có 2 tầng, trên và dưới chứa độ 200 khách. Gần như toàn bộ dân Tây chọn ngồi tầng trên, vừa xem phong cảnh vừa phơi mình trong nắng. Tiếng tàu chạy rất êm, không quá to như tàu sông Hương, du khách nghe rất rõ lời thuyết minh (cả tiếng Anh) từng chặng đi của du thuyền. Không có dịch vụ nào khác trên tàu ngoài một toa lét sạch sẽ tiện nghi. Ban ngày không thấy họ tổ chức “văn nghệ” như ta ”ca Huế” trên sông hương kèm bia rượu. Vừa đi vừa về trên sông trong thủ đô Paris đúng 1 giờ, và du khách chỉ nghe mỗi tiếng “Au revoir”, hẹn gặp lại. Và tôi cũng như bao người khác đều mong như thế.

Trên đường đi của du thuyền, chúng ta thấy du khách vẫy tay chào du khách khác trên du thuyền chạy ngang ở chiều ngược lại. Có rất nhiều chiếc cầu bắc qua sông Seine. Hai bên bờ sông xây dựng kiên cố, có chỗ, bờ kè cao hơn mặt sông tầm 3, 4 mét. Vài chục mét có các ghế dành cho ai muốn ngồi ngắm cảnh dòng sông. Du khách lại vẫy chào người ngắm sông, những người này cũng giơ cao tay vẫy lại. Dân Pháp hồ hơi quan tâm nhau dù chỉ là những cái vẫy tay của những người xa lạ.

Nước sông Seine không hẳn trong lành tươi mát như dòng sông Hương. Khung cảnh thiên nhiên của ta (phía thượng nguồn) sẽ nên thơ, lãng mạn, êm đềm hơn. Nếu Paris có sông Hương, biết đâu du khách sẽ nườm nượp kéo đến hơn là sông Seine của họ? Tôi đoan chắc như thế. Sự khác biệt trong công nghiệp du lịch chính là ở tổ chức và tất nhiên phải xuất phát từ tinh thần phục vụ, thấm đượm văn hóa, không có kiểu ăn xổi ở thì, chỉ nghĩ đến lợi mà không nghĩ gì đến lòng kiêu hãnh nước nhà.

NGƯỜI VIỆT Ở PHẦN LAN

(Cưỡi ngựa xem hoa; chưa phải là cái nhìn đúng đắn, xin quý vị cảm thông).

Thống kê có chừng 12.000 người sinh sống và học tập ở Phần Lan. Thủ đô và cố đô, người Việt ở khá nhiều. Riêng một market town, thị trấn hay thị xã, cách Helsinki 30 km, chỉ có 10 người Việt, đó là 3 gia đình các con tôi. Tuy ít, ở thành phố này, gia đình chúng tôi được đón chào thân thiện. Mỗi sáng, Tây dắt chó tập thể dục, gặp tôi đi bộ, người da vàng mũi tẹt, họ đều moi, moi, chào ông, chào ông, hoặc houmenta, chào buổi sáng. Chỉ lời chào khách khí, tôi vẫn cảm thấy hài lòng. Ít ra, bên ngoài, họ không có gì phân biệt chủng tộc. Hoặc thắc mắc: Đã làm gì cho đất nước (Phần Lan) mà người Việt các ông có quyền sinh sống, hưởng thụ phúc lợi của đất nước chúng tôi?

Tôi chưa tìm hiểu có một cộng đồng người Việt tổ chức chặt chẽ nào để bảo vệ nhau, chia sẻ với nhau vui buồn xứ ngoại hay không. Nhưng có hai chỗ người Việt gần gũi nhất là nhà thờ và nhà chùa. Ở Helsinki có một nhà thờ, thỉnh thoảng có linh mục người Việt làm lễ. Những cặp theo đạo cưới nhau đều làm phép hôn phối tại  đây. Và tiệc tùng sau đó, tiếng Việt sẽ nhiều hơn tiếng Phần, tiếng quê hương mang lại sự ấm áp ở xứ người.

Nhà chùa cũng vậy. Tôi thấy người theo đạo Phật có lẽ nhiều hơn đạo Ki-tô. Có 2 ngôi chùa tại Phần Lan, trụ trì là người Việt; một trong hai chùa ấy nằm ở vị trí đẹp như trong tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, Hồn bướm mơ tiên. Tại ngôi chùa này, ngày Phật đản tôi có tham dự; dù là người công giáo tôi cũng được mời ăn bữa cơm chay: xôi chè, do người Việt mình nấu. Số người Việt tôi gặp ở đây mấy chục người, đa phần là giới trẻ, trung niên, nhiều hơn số người tôi gặp ở nhà thờ thủ đô.

Một ngôi chùa khác ở ngoại ô có quy mô to hơn, đất đai rộng lớn hơn, đang gần hoàn thiện. Vị trụ trì (đệ tử của thầy Như Điển, Hội An) từ Đức qua nhận nhiệm vụ khuếch trương Phật giáo tại xứ Bắc Âu xa lạ này. Tôi có hầu chuyện thầy. Kiến thức quảng bác, sức truyền đạt thu hút. Chắc chắn ông sẽ thành công: quy tụ ngày càng nhiều người Việt ở xứ này.

Ngoài tôn giáo, người Việt có cơ duyên nào gặp nhau? Có. Đó là ngày Tết nguyên đán. Người Việt khắp nơi tụ tập về thủ đô. Họ mang theo những thức ăn truyền thống tự nấu. Cùng nhau họ vui đùa, ca hát, chuyện trò, nhắc nhở kỷ niệm quê nhà trong ngày thiêng liêng nhất ở Việt Nam. Họ tìm hiểu nhau, tình thân ngày càng khăng khít.

Người Việt có mở những quán ăn Việt. Phở là món hàng đầu. Tôi thấy khách Tây còn nhiều hơn khách ta. Nhưng nghe đâu, người chủ mở siêu thị bán các thức ăn Á, những món ăn mà đi đâu người ta cũng không thể quên, lại là người Hoa. Tôi không hỏi kỹ, người Hoa ở Chợ Lớn hay người Hoa ở Hồng Kông.

Người Việt nhạy bén, giỏi xoay xở. Họ  thông minh “kiến cơ nhi tác, tùy ngộ nhi an”, ở đâu cũng sống được. Con dâu Hà Nội của tôi làm món mì Quảng đãi cha mẹ chồng không tìm ra bắp chuối (hoa chuối) hột, đành mua chuối cây, về làm rau ghém! Ở cái xứ “quanh năm mùa đông” giá rét này, nếu tìm ra một cây chuối, quý vị sẽ trúng số Vietlott mấy tỷ đồng. Vậy mà trong siêu thị, có chuối cây, bán theo trọng lượng, mỗi ký 125.000 tiền VN (5 euros).

Điều này nói lên nguyên tắc: có cầu có cung. Ai nghĩ ra chuyện mang chuối cây cho heo ăn (xin lỗi, ở Quảng Nam, xắt lát ra băm nhỏ trộn cám gạo, cám bắp) qua đây để bán? Người nghĩ ra chuyện này rất giỏi, theo tôi. Nếu ông ta, hay bà ta có chân trong sứ quán, phụ trách thương mại, chắc chắn hàng nông sản Việt Nam sẽ có mặt khắp siêu thị Phần Lan; không thể để, nằm chễm chệ trên các kệ hàng người Tây, nào nước dứa (thơm), nước ổi, nước dừa, nước hạt điều, và nhiều thực phẩm nhiệt đới khác, kể cả nước mắm (hiệu con mực, không phải mắm mực), thách thức thực phẩm VN còn vượt xa phẩm chất.

Người Việt nhạy bén, linh hoạt, giỏi thích nghi nhưng phải thành thật mà nói, họ thiếu tổ chức, thiếu hỗ trợ nhau, ở xứ người. Bước đầu, tổ chức phải đến từ nhà nước. Người Tàu rất giỏi ở chỗ này. Chính phủ họ ưu ái cho những ai sinh cơ lập nghiệp ở nước ngoài bằng những trợ giúp vừa chìm vừa nổi. À mà thôi, nóng ruột rồi nói, biết đâu các sứ quán VN ở nước ngoài giúp đỡ rất nhiều đồng bào làm ăn ở xứ Tây. Chợ Đồng Xuân ở Berlin là ví dụ, mà tôi không biết?

Cộng đồng người Việt ở Phần Lan rất nhỏ so với các cộng đồng ở những nước khác. Nhưng so với 5.550.000 người, con số 12.000 người Việt tại xứ ông già Noel này có thể là tỷ lệ khá lớn.

Nhưng, cái lớn nhất tôi thấy, không phải buôn bán làm ăn, hay sinh cơ lập nghiệp. Đó là giáo dục. Người Việt hãy đem về VN, tinh tuý của nền giáo dục nằm trong tốp đầu thế giới. Trẻ con học mà chơi. Chơi mà học. Học là niềm vui. Học không thể là gánh nặng cho cha mẹ, cho nhà trường, cho xã hội, nhất là gánh nặng quá lớn đối với các em cần có tuổi thơ, đâu chỉ  vùi đầu vào sách vở. Và một cái nữa, nhờ giáo dục, Phần Lan tách khỏi nông nghiệp để tiến lên công nghiệp hiện đại nhờ lối giáo dục: phát huy năng khiếu cá nhân từ bé, chú trọng phát triển tính cá nhân lên trên tính tập thể.

Ngày nào đó, cộng đồng người Việt tại Phần Lan sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hẳn hoi. Việc bán mấy khúc chuối ở siêu thị không phải là niềm hãnh diện cho tài năng biến báo của người Việt. Hay là việc thông báo cho nhau biết chỗ, biết khi nào, chính quyền địa phương vét hồ làm sạch chỗ cho dân chúng tắm, cuối mùa thu; cá vớt lên hàng mấy tấn, to bằng ngón tay, rất ngon. Bà con đem về có khi mấy tạ, cấp đông, dành kho ăn hàng mấy tháng để bớt nhớ cá sặc, cá rô, cá linh.

Dù sao, số người Việt ở Phần Lan đa phần là sinh viên đại học, nhất là trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Họ có điều kiện ở lại, khá nhiều. Chúng ta nên tin tưởng ở họ, tuy ở xứ người nhưng sẽ là nguồn lực xứ mình. Chỗ nào có người là chỗ đó có người… Việt.

ĂN CHI BỔ NẤY?

Nhiều người nghĩ, muốn bổ phổi thì ăn phổi; bổ óc ăn óc; bổ dương ăn “ngầu pín” (ngoc duong). Có người giàu tưởng tượng còn nâng cách ăn lên tầm cao mới. Thấy chó giao hợp lâu, họ quấn quýt thịt chó. Thấy dê “quất” nhiều “em” trong ngày, thịt dê thành chọn lựa số một cho mấy ông chồng cảm thấy “thua sút”…gối chăn. Nghĩa là: Ăn chi bổ nấy? Thật khôi hài. Phi khoa học.

“Triết lý” ni được áp dụng “khoa học” hơn. Muốn bác sĩ có lòng nhân thì đưa môn văn vào “thực đơn” xét tuyển. Nhân…văn. Bác Lưu Trọng Văn vừa có một status rất cấp thời về đề tài này nhưng ông xoay qua y đức, hay đạo đức trong giới y khoa.

Tôi có dịp nói chuyện vài lần với nhà báo tên tuổi này. Ông có nghe tôi đọc 4 câu thơ nổi tiếng của bố ông trong bài thơ bất hủ Tiếng Thu. Trong phần trích dẫn sau, ông nhận xét các bác sĩ VNCH rất am hiểu thơ văn, nói chung là văn học trong nước và ngoài nước. Không nói ra, tôi hiểu ý ông, là bác sĩ cũng nên trang bị cho mình một kiến thức văn học. Và cũng không nói ra, tôi đoán, ông có thể tán thành việc đưa môn văn vào thi tuyển ở một số trường đại học y. Biết đâu, nhờ học văn, hay giỏi văn, một số "từ mẫu" sẽ không còn “tiền trao cháo múc” trong việc chữa trị bệnh nhân.

Tôi hay đọc Facebook của Lưu Trọng Văn. Khi cả nước có cái gì “nóng”, ông là người “tiên phong” đề cập. Đưa môn văn vào thi tuyển y khoa hẳn là đang “hot”.

Quay lại “ăn chi bổ nấy”. Muốn bác sĩ “nhân văn”, đưa vào đề văn. Như trước đây có đề xuất, muốn bớt tai nạn giao thông, luật giao thông nên đưa vào trường học. Nghe đâu, có ý kiến, muốn chống tham nhũng thành công, chương trình giáo khoa cũng cần có giáo trình chống tham nhũng. Muốn cái gì tốt, cứ đưa vào học đường. Xã hội sẽ tốt hơn sau này. Quả đúng như thế. Nhưng không thể có cái gì “nóng” trong xã hội thì cứ đưa vào giáo dục. Chương trình giáo dục cần hình thành từ triết lý giáo dục.

Lưu Trọng Văn ca ngợi trình độ thưởng ngoạn văn học trong giới bác sĩ trưởng thành từ nền giáo dục VNCH. Và ông cũng biết, nhân bản, dân tộc, khai phóng là mục tiêu của nền giáo dục đó.

Dù không dài, nền giáo dục ấy sản sinh ra những con người mà nhà báo đánh giá cao trong bài viết ngắn; và hàng triệu người ở tuổi 60 trở lên như tôi đều biết ơn và rất buồn khi nó bị bức tử năm 1975.

Chương trình giáo dục lập ra có thể thay đổi theo trào lưu tiến bộ của xã hội. Chương trình ấy không thể bạ đâu sửa đó. Hậu quả của thay đổi xoành xoạch sách giáo khoa khiến học sinh và phụ huynh hoang mang. Tâm lý bất an sẽ có hại cho môi trường giáo dục.

Học sinh chúng tôi học tiểu học rồi trung học rất an nhiên. Chỉ có hai kỳ thi gây “bất an” là tú tài 1 (bãi bỏ năm 1972) và tú tài 2. Hai năm đó, nếu hỏng, học sinh phải đăng lính vì đủ tuổi. Bất an là vì vậy. Trong giáo trình, chưa bao giờ nghe, bộ giáo dục sẽ đưa môn nào vào giảng dạy thêm, giống như bây giờ, ta có đề xuất đưa giao thông, chống tham nhũng…vào nhà trường khi hai cái này là nỗi bất an của xã hội hiện nay.

Vì sao thanh niên chúng tôi yêu văn chương? Vì văn chương thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi khi mới bước vào mái trường . Ban đầu là những bài thơ ngắn, đoạn văn năm bảy dòng, diễn tả những cảnh đẹp của quê hương, đạo lý ở đời, tình yêu dành cho anh em, bè bạn, cha mẹ, thầy cô, đồng bào; số lượng các bài trích giảng trong sách giáo khoa như thế không ít hơn những bài ca ngợi lòng yêu nước qua những nhân vật lịch sử.

Lên trung học, chúng tôi được cho đọc sách, những tác phẩm hay, nhất là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chúng tôi làm quen với các nhà thơ cổ điển, có cả Nguyễn Du (với truyện Kiều). Từ lớp 6 đến lớp 11 (lớp 12 không học văn, chỉ học triết), học sinh có thêm môn Thuyết Trình. Đó là các nhóm trong lớp chọn bất kỳ tác phẩm văn học nào để thuyết trình trước lớp qua một “diễn giả”, thường là đọc sách khá nhiều. Các bạn khác trong lớp sẽ theo dõi bài thuyết trình về tác phẩm đó. Họ buộc phải đọc nó trước để có thể nắm nội dung và đặt câu hỏi về chủ đề tác giả sách muốn chuyển tải. Diễn giả hay bạn của nhóm thuyết trình “bí” thì thầy phụ trách sẽ đứng ra giải thích. Rồi đến các nhóm khác với cuốn sách khác. Sinh hoạt này dẫn đến tình hình: tất cả học sinh phải đọc sách.

Đọc sách, mượn của nhau, hay ở thư viện, là niềm vui của mỗi học sinh. Không ai buộc phải đọc loại sách nào kể cả nhà trường. Vì sao đọc sách nhiều ở thời gian trung học? Vì chương trình học rất nhẹ. Không đọc sách thì lấy gì làm thú vui khám phá ở tuổi đang lớn? Đọc sách nhiều còn là niềm hãnh diện. Bạn nào "mọt sách" được nhiều người kính nể. Ai mà không ưa người khác kính nể mình?

Thú vui duy nhất của học sinh thời chiến tranh chỉ có đọc. Rạp hát, rạp chiếu phim khá hiếm, chỉ có ở những thành phố lớn. Cũng không có games hay smartphone nên đọc trở thành niềm vui. Chưa kể, yêu nhau, các cô cậu thường tặng sách cho nhau, những cuốn sách thời thượng của những tác giả ăn khách. Đoán ý người yêu để tặng sách phù hợp là cả một nghệ thuật.

Lên đại học, ngoài sách giáo khoa, sinh viên còn tự mình đọc sách nhiều chủ đề, mua hay mượn ở thư viện. Các chủ đề "triết học" (như thuyết hiện sinh, chẳng hạn) rất thời thượng. Sinh viên nào không đọc sách triết kể như là hậu đậu, không "a la mode" chút nào.

Ở đại học, sinh viên có nhiều thời gian đọc sách như ở trung học. Đọc sách để mở mang kiến thức. Đó là suy nghĩ đơn giản trong giới sinh viên. Trong câu chuyện, đề sách, loại sách đang đọc có thể đánh giá "trình độ" hiểu biết của sinh viên. Ai muốn mình "kém trình độ" cơ chứ.

Ông Lưu ngạc nhiên sao bác sĩ VNCH lại yêu văn học. Họ có tình yêu ấy từ bé. Đại học Sài Gòn tuyển sinh viên: học thứ gì thì thi môn đó. Không hề có chuyện, muốn nâng cao y đức, cần phải đưa môn văn vào thi tuyển. Không phải, vi du , tránh tai nạn giao thông thì đưa luật đường bộ vào trường học; chống tham nhũng thì đưa môn đạo đức công vụ vào nhà trường… Các nội dung trên phải nằm trong “triết lý” giáo dục từ trước.

Không thể thấy xã hội bất an vấn đề gì thì đưa vấn đề đó vào chương trình giáo dục. Tuy khác nhau nhưng cùng ý nghĩa “ăn chi bổ nấy” hay sao?

CƠ DUYÊN?

Tôi theo kitô giáo nhưng thích lân la chuyện trò với mấy vị thầy chùa. Không phải lúc nhỏ có cơ duyên học chung lớp với mấy chú tiểu đầu để chỏm mà lớn lên tôi yêu mến chùa chiền. Tôi thích nói chuyện với các vị tu sĩ. Hầu như có dịp là tôi hầu chuyện với họ. Sức quyến rũ trong các buổi nói chuyện của các vị sư không hẳn ở sự uyên bác. Sức quyến rũ là: Tâm hồn tôi thư thái sau khi nghe sư “giảng pháp”.

Các chú tiểu tôi quen nay đều là bậc trưởng thượng ở các ngôi chùa nổi tiếng Hội An, Đà Nẵng cả ở Úc châu. Hầu hết họ là hoà thượng, thấp là thượng tọa, thấp nhất là đại đức- những chức vụ trong Phật giáo.

Đại đức của tôi lại già tuổi, mới ngộ chứ. Bởi ổng mới đi tu thực thụ chừng 25  năm nay. Trước đó thầy có vợ, có con (nay có đứa là chủ tịch một thành phố lớn ở Đồng Nai) và đặc biệt ăn chay trường từ nhỏ.  Và thầy từng làm trưởng phòng trong một đơn vị kinh tế quốc doanh dù trước 1975 là sĩ quan VNCH.

Rất hiếm có một lính “nguỵ” lại là trưởng phòng trong một đơn vị cấp dưới có nhiều đảng viên những năm sau thập niên 80.  Vì anh lính này giỏi và đạo đức. Vị giám đốc công ty càng giỏi hơn khi “cả gan” chọn một sĩ quan chế độ cũ làm trưởng phòng cho mình.

Những năm về sau, có quy định các chức vụ chủ chốt phải là Đảng viên và vị đại đức bạn tôi buộc lòng phải làm hồ sơ xin vô Đảng. Cơ duyên khiến anh ta không thăng tiến công tác, tôi không rõ xui hay hên. Vì là chuyên viên không quân lãnh đạo hy vọng anh sẽ được kết nạp nhằm bảo đảm cho đơn vị có một “tài năng” ổn định công tác.

Kết quả xác minh làm thất vọng nhiều người nhưng là hy vọng cho bạn tôi: hoàn thành ước nguyện trở thành tu sĩ ngay từ thuở nhỏ nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, anh không thực hiện được.

Vợ con đề huề và gia sản tích cóp dư ăn dư để nhưng anh ta vẫn xuống tóc đi tu. Nhiều người cho là bạn tôi có căn tu, hay có duyên tu, cơ duyên gì gì đó.

Thiên đường hay địa ngục; niết bàn hay cõi ngạ quỷ, đều là chỗ do con người chọn lựa. Tôi nghĩ chẳng có cơ duyên gì. Vì sao? Chính những câu chuyện tôi nghe các vị tu sĩ nói với mình có tính soi dẫn: Chỉ có chính ta mới có thể chọn thiên đàng hay địa ngục; chốn niết bàn hay cõi ngạ quỷ.

Kết cuộc: Ý muốn con người hay cơ duyên đưa đẩy số phận con người? Tôi không cho là cơ duyên. Thích Ca Mâu Ni hay bạn tôi đều tự ý phát nguyện đi tu. Con người thực sự là con người tự do.

Ảnh: Về Đồng Nai thăm bạn.