Sunday, December 3, 2023

QUÊ HƯƠNG

“Quê hương là chùm khế ngọt.

Cho con trèo hái mỗi ngày”.

Thi sĩ Đỗ Trung Quân tài hoa của tôi đã “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì là “khế ngọt” nên người ta cứ “hái” mỗi ngày cái quê hương còn lắm nỗi lo toan.

Đối với tôi, quê hương là khác. Khi xa đất nước dù đôi ba tháng, tôi vẫn thấy nhớ quê quay quắt. Cái quê đó là cuộc sống ồn ào sôi động của Sài Gòn đang vươn vai lớn mạnh. Khi về lại căn nhà nhỏ trong cái đô thành chen chúc người và người đó, tôi lại nhớ một cái quê khác, và những năm tháng sống gần bóng mát của những cánh rừng cao su xanh bát ngát, mênh mông. Rồi quê nhà, nơi còn giữ chiếc rốn nhỏ hơn bảy mươi năm trước, cái làng Trung Đạo lại canh cánh trong tôi.

Ảnh: Con sông quê.

Tôi có cảm giác Đỗ Trung Quân không đúng khi viết: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”. Khi rời đất nước, quê tôi là Việt Nam. Khi ở Sài Gòn quê tôi là Đồng Nai. Và khi ở miền Nam quê tôi là miền Trung, rõ hơn là Quảng Nam, rõ thêm chút nữa, là làng Trung Đạo. Tôi có tới hai người mẹ, yêu thương hai bà như nhau, sinh dưỡng đạo đồng, tại sao lại “chỉ một mẹ thôi”?

Quê hương là nơi mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị, các cháu tôi yên nghỉ. Quê hương là con đường lên xuống của ngôi làng. Quê hương là lối đi ra bờ sông, bến sông, ra ruộng đồng, cồn bãi, núi non. Rất giản dị. Không nhớ quê hương trong lúc vùi đầu sinh kế xứ người, vì lưu lạc phương xa; chẳng ai trách “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”

Mở ngoặc chỗ này: Hai câu thơ  trên sai hoàn toàn. Không có một người VN nào mà quên quê hương, tôi xin khẳng định. “Không lớn nổi thành người “ là câu dạy dỗ trẻ con. Không nghe tao, mày sẽ chẳng nên người. Mọi người phải nhớ quê hương. Đứa mô không nhớ “sẽ không lớn nổi thành người”. Văn dĩ tải đạo không có nghĩa người sáng tác văn học phải răn dạy người khác: phải yêu cái này cái nọ. Yêu hay ghét là tình cảm tự nhiên. Kẻ nào dạy người khác yêu và ghét, kẻ đó là giả nhân giả nghĩa.

Trở lại quê hương. Ăn một món canh cải, món “rau sống” (rau ghém) món cá kho nghệ, món thịt heo luộc xắt lát(*) làm theo cung cách của những người thân trước nay không rời khỏi ngôi làng, hay rời thời gian ngắn, tôi cảm thấy trong ngần ấy thứ, cái hương vị đặc biệt, cái mà tôi từng ăn từ thuở mới tập ăn: hương vị quê hương, không phải trong từng trang sách vở, cái hương vị của tình thương gia đình, dòng tộc, làng trên xóm dưới; cái hương vị không phải một mình tôi cảm nhận, cái hương vị mà bất kỳ ai, trở về quê hương, đều cảm nhận như tôi. Món ăn ấy không phải thuộc hàng “cao lương mỹ vị”; nó là món ăn của quá khứ. Quá khứ là tài sản duy nhất của những người trở về quê hương khi chiến tranh thay đổi mọi thứ và hoà bình thay đổi mọi cái. Món ăn ấy có người cha, người mẹ, người anh, người chị…những người thân, từng ngồi bên nhau trong quá khứ, quá khứ đầy binh đao và biến loạn. Chiến tranh có thể giết chết con người, tàn phá xóm làng, nhưng chiến tranh không thể giết chết hình ảnh những người thân yêu và tàn phá kỷ niệm- những giây phút yên bình, rất hiếm đối với người VN khi đất nước bị loang lỗ bởi đạn bom.

NỊNH

Ai cũng nghĩ nịnh là xấu nhưng thật ra nịnh rất tốt trong một số trường hợp. Chẳng hạn như Tú Xương:

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Không hiểu sao ông bà xưa có câu “ Đàn ông miệng quắp râu vô. Ham ăn với vợ, hàm hồ với con”. Râu là đặc trưng của nam giới. Quắp râu vô, nhiều người lầm tưởng “râu quắp” là tướng xấu; họ không hiểu ông bà ta dùng từ “quắp” diễn tả ý nghĩa cao xa hơn, không phải râu “quắp” là râu “cong” vào. Đàn ông khí thế nhờ “râu” (không hẳn ai cũng có râu thật: “nam tu nữ nhũ”) nhưng râu mà quắp vô, nghĩa là như “co quắp”, giống như đầu hàng trước khó khăn: ham ăn, hàm hồ, đúng là bản chất. Cái ông đại tá nhà báo nào đó nghĩ “mặt dơi mõm chuột” là tướng xấu mà không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó đâu có khác “quắp râu vô”. Đó là một biểu tượng, một ước lệ, không phải là sự thật.

Vuốt râu nịnh vợ….Ai mà không nịnh vợ, tây văn minh, nó còn nịnh vợ hơn ta, rất nhiều; họ gọi là nịnh đầm (dame). Nếu tinh ý, quý vị sẽ thấy trên Facebook trước đây, ngoài like, chàng trai Mark còn cho dislike, thích và không thích. Nay chỉ còn like không có dislike. Mỹ thống lĩnh thế giới không phải họ giàu mà là họ khôn.Dale Carnegie nổi tiếng với cuốn “ How to Win Friends and Influence People” (Đắc nhân tâm, Nguyễn Hiến Lê dịch, cái tên ngắn mà quá hay) có nói nên khen không nên chê, khác với những người cộng sản Việt Nam, phê bình và tự phê bình, nghĩa là chê người và chê luôn mình (tự phê).

Phê và tự phê, chê nhiều hơn khen, là vũ khí xây dựng Đảng nhưng cũng bị một số người lợi dụng, đấu đá nhau nhiều hơn xây dựng, mấy chục năm nay.

Khen nhiều thường được cho là nịnh.

Carnegie bảo: Khen đúng không phải là nịnh. Thủ trưởng ngu thấy mẹ, nhưng cấp dưới khen nức nở, đó là nịnh. Thủ trưởng thông thái, cấp dưới nhận định thông thái, ấy là khen, khen đúng, khen thật.

“Chống diễn biến, chống chuyển hóa” hay chống “tự diễn biến, chống tự chuyển hóa” là cuốn cẩm nang xiển dương và nâng cao chủ trương của chế độ. Cuốn sách ca ngợi chủ trương của Đảng (viết hoa) và nhà nước. Nhưng người chủ biên lại tự diễn biến, tự chuyển hóa. Hóa ra ông ta không khen ngợi chế độ nhưng là nịnh bợ chế độ, để nuốt nhẹ, nuốt êm, mấy trăm ngàn đô la tiền của “đế quốc Mỹ” in ra.

Kết quả của công trạng nịnh bợ đã đưa người chủ biên sớm vô tù ngồi gỡ lịch, “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài xem ngày tháng dần qua”.

Nịnh, như vậy có thể chia làm hai: nịnh "trong sáng" (Tú Xương, và tất cả những đàn ông nịnh vợ, nịnh đầm, có cả tôi) và nịnh "không trong sáng" (một số siêu nịnh đang thở như leo dốc, heo hắt trong tù và một số còn nhảnh nha hí hửng bên ngoài).

ÔNG hay THẦY hiệu trưởng?

Vì sao tôi đặt câu hỏi ấy? Ông chắc chắn uy quyền hơn thầy, thời nay. Trước 1975, học sinh gọi hiệu trưởng là thầy mà không hề gọi là ông. Thầy hiệu trưởng – hay bất cứ thầy, cô nào- cũng gọi học sinh mình là trò. Người học sinh ‘ê càng’ nhất và sợ hãi nhất của mỗi trường là ông… giám thị. Nhưng học sinh vẫn gọi là thầy giám thị mà không gọi là ông giám thị.

Thời ‘thai nghén’ chế độ VNCH, có một vài thầy giáo (hồi đó không hiểu tại sao rất ít cô giáo) – chưa nói tới giám thị- có lúc sử dụng…roi mây hay thước kẻ (bằng gỗ vuông 1 phân dài 5 tấc) để… “giữ gìn trật tự” trong trường học; nhất là các lớp tiểu học và trung học đệ nhất cấp (cấp 2) và thi thoảng ở cả trung học phổ thông. Quất vào mông hay khẻ vào bàn tay lật ngửa những học sinh “quậy phá” (*) là chuyện không hiếm. Chúng tôi vẫn yêu mến gọi thầy giám thị.

Vì sao gọi là ông hiệu trưởng, thời buổi bây giờ? Bởi ông thì quyền uy hơn thầy lắm lắm. Ở Buôn Ma Thuột, theo báo VNExpress điện tử, số ngày 5 tháng 10: Ông hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đông Du cho phép “lục cặp, soát người học sinh”. Trích: “Mỗi buổi sáng, khi bước vào cổng chính, các học sinh (…) phải để bảo vệ, giám thị, giáo viên kiểm tra cặp, túi áo khoác và dùng máy quét an ninh xem có vật cấm hay không”.

Tôi không rõ nhà trường quy định ‘vật cấm’ là vật gì nhưng ông hiệu trưởng Lê Ngọc Sơn “khẳng định không thấy quy định nào của ngành giáo dục cấm kiểm tra tư trang của học sinh trước khi vào trường. Đây là nội dung quy định đã được trường thực hiện 10 năm qua” (trích báo). À ra thế. Không cấm là cứ làm. Có nhận xét chỗ này: Một, tình hình an ninh trong học sinh ở trường này có vấn đề nghiêm trọng. Hai, nhà trường như an ninh sân bay: sử dụng máy dò kim loại.

Một “ông” hiệu trưởng khác của trường Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) thì ‘sắt máu’ hơn khi ra tối hậu thư buộc phụ huynh của một em học sinh phải lên trường để giải quyết vụ phát ngôn “làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường”. Nếu không thì trường sẽ “từ chối” giáo dục con của phụ huynh này. Nói trắng ra là đuổi học.

Một chuyện khác. Ông hiệu trưởng trường Đa Phúc, Nguyễn Duy Hiền, đòi ‘xử lý nghiêm’ học sinh quay clip vụ cô giáo bạo hành một nữ học sinh báo mới đăng gần đây. Một clip đau lòng.

Học sinh trong ba trường trên cho thấy: Họ như những chú cừu non, ngơ ngác trong sân cỏ nhà trường. Ai cũng có thể cho họ ‘roi vọt’, đe nẹt, kỷ luật, thậm chí đuổi học.

Không hiểu tất cả các ngôi trường khác trên lãnh thổ VN này có vị nào như các “ông” hiệu trưởng kia?

Tôi thấy nhớ mấy “thầy” hiệu trưởng của chúng tôi thời xưa. Một đời đi học, tối thiểu mỗi học sinh phải gặp ít nhất ba thầy hiệu trưởng. Chẳng có vị nào quyền uy như ba ông hiệu trưởng kể trên. Cả ‘hung thần’ cầm roi, cầm thước giữ gìn ‘kỷ cương trật tự, chúng tôi vẫn gọi là “thầy giám thị”.

(*) “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà lỵ.

TINH THẦN TỰ CHỦ

Nhân ngoại giao cây tre, phiếm luận :

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Ai cũng muốn tự chủ nhưng đâu có dễ. Sinh ra đã phụ thuộc nhiều, con người khó mà tự chủ nếu không được hun đúc từ nhỏ, tập tành từ bé .

Trẻ con phương Tây được giáo dục tự chủ sớm. Ta thấy cách trả lời hay nói chuyện của trẻ con xứ họ trước đám đông rất tự tin, rất đĩnh đạc. Chúng ta xem “trẻ em là búp trên cành”, rất mỏng manh. Con cái các cặp vợ chồng trẻ có học bây giờ được giáo dục phương pháp tự chủ sớm ngay khi trẻ nhận biết, không giống thế hệ chúng ta, ông bà cha mẹ luôn bên mình, luôn đưa tay ra cầm chặt và dẫn dắt, có khi cả cuộc đời.

Những bà nội bà ngoại, rồi những bà mẹ, cầm chén cháo chạy bám theo con, dỗ dành mớm đút, mong cho trẻ vui mà ăn, không được…tự do cầm muỗng xúc ăn, vấy đổ dơ dáy khắp  bàn. Trẻ em 5, 6 tuổi luôn được ông bà, bố mẹ đi theo, cầm hộ, mang hộ, những vật dụng của chúng, chẳng hề để chúng tự cầm, tự mang mỗi khi đi đâu.

Có lần tôi lên cầu thang bộ cùng 1 trẻ cỡ 4 tuổi người nước ngoài; cháu đang khệ nệ với cái  ba lô trên tay. Tôi bảo để  mang phụ cho thì nghe mẹ nó đã ở đầu cầu thang nói xuống: cám ơn, ông cứ để cháu tự mang". Cháu đi cùng mẹ nhưng vì ba lô nặng nên đi chậm hơn.

Tính tự chủ không dễ có nếu không được giáo dục từ nhỏ. Trẻ con chúng ta có được dạy dỗ từ nhỏ như đứa trẻ  này không? Tất cả những việc như mang dép, lấy áo quần, tìm mũ đội, cả cặp sách, đều được ông bà cha mẹ lãnh làm tất cho cháu cho con. Tính tự chủ đâu có được khuyến khích.

Tự chủ ở trẻ con cần gắn liền với tự chịu trách nhiệm. Ta từng chứng kiến trẻ con ngã té khóc thét, được người lớn dỗ dành bằng cách chỉ và đập tay xuống đất, không giải thích cho trẻ hiểu tự nó bất cẩn, chớ cái nền nhà không thể "lãnh tội” thay. Chưa kể luân lý Á đông từ Trung Hoa, cả mấy ngàn năm, vẫn còn  là dòng máu đang chảy trong huyết quản, “truyền nhân” là người Việt…chúng ta.  Tự chủ sao được khi trẻ mới mấy tuổi đã khép vô khuôn. Để trẻ tỏ ra lễ phép, ta bắt chúng vòng tay cúi đầu chào người lớn. Thậm chí còn bảo thấy ai lớn tuổi phải chào hỏi, khiến những trẻ bối rối ngẩn tò te khi bất ngờ gặp đám đông người lớn tuổi. Những bậc cha mẹ thậm chí còn phạt quì gối quay mặt vô tường khi con cái sai phạm.

Họ còn khoe khoang con mình rất "ngoan ngoãn", bảo im thì im, bảo nói thì nói, rất “lễ phép”. Trong lớp học rất hiếm hoặc không bao giờ trẻ được chất vấn hay bắt bẻ thầy cô, trong khi việc đó phải là động lực cần khuyến khích để trẻ làm quen phản biện, làm quen sự hoài nghi, một trong động lực giúp khả năng sáng tạo phát triển.”Biết vâng lời" thầy cô…là tiêu chí hàng đầu. Cãi là vô lễ, dù cãi đúng.

Người lớn, cha mẹ, thầy cô…luôn luôn là hình mẫu mà con cái, học sinh phải noi theo nếu muốn…thành công, thành người. Ông Hồ Ngọc Đại bị chửi bới không tiếc lời vì nói rằng cha mẹ không nên là hình mẫu cho con cái noi theo. Hình mẫu đẹp thì không sao nhưng hình mẫu không đẹp thì sao? Ông ta có lý: Cha mẹ, bề trên, càng không nên bao trùm con cái, che khuất bề dưới; tự chủ đi liền với tự do.

Tính tự chủ không hề có được khi cá nhân chỉ là một sinh vật bé mọn trong một tập thể hoành tráng. Tập thể mạnh khi cá nhân mạnh. Nhưng tập thể đã quay lại…hạn chế cá nhân, xem cá nhân chỉ là… “bộ phận cỏn con ” của tập thể. Vai trò cá nhân không được đề cao, làm sao cá nhân có được tự chủ khi cá nhân không có quyền tự khẳng định mình? Tập thể luôn được coi là sức mạnh trong khi cái cấu tạo tập thể đó là cá nhân thường  bị xem mờ nhạt. Chính cá nhân không được đề cao nên có những sai phạm tày trời xảy ra mà không định được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Vinashin, Vinaline gì đó trong quá khứ là thí dụ rõ ràng nhất. Không thể có tinh thần tự chủ khi cá nhân không đóng vai trò quyết định. Không có tinh thần tự chủ khi không có trách nhiệm cá nhân.Không có tinh thần tự chủ khi cá nhân không suy nghĩ tự do, không hành động độc lập.

Chúng ta có thể thay đổi được hiện tại, có thể thay đổi được tương lai nhưng chắc chắn không thể thay đổi được quá khứ, nhất là “quá khứ huy hoàng", bị "đánh đồng" với lịch sử, với truyền thống, với văn hóa, ngấm sâu trong dòng máu con người chúng ta, không thể một sớm một chiều mà gột rửa những cái thứ quá khứ đã và đang kiềm hãm tương lai của chính chúng ta.

Yêu cầu tự chủ chỉ là một ước vọng, và nói cho chí tình, ước vọng cũng như giấc mơ, êm đềm và không hề có thực. Nhưng bi quan như vậy, chúng ta không thể bắt đầu, ngay từ bây giờ, xây dựng cho bản thân, chứ chưa cầu mong người khác, tinh thần tự chủ có tên là Việt Nam hay sao?

VÌ SAO THAM NHŨNG TRÀN LAN?

Trả lời gọn: Vì tư hữu không được công nhận.

Cái này bắt đầu từ khi  thực hiện…sở hữu toàn dân. Ở nhà máy, xí nghiệp, người lao động (giới vô sản, đại diện giai cấp tiên tiến) “làm chủ”. Ác nỗi, họ cần người thay mặt họ để lãnh đạo; họ chỉ là ông chủ trên danh nghĩa. Ông giám đốc nhà máy hay xí nghiệp ấy lại là người do một giới khác cất nhắc. Ai cũng biết giới ấy là ai. Vì làm ăn lương, mấy ông “chủ” này đâu có quan tâm sản phẩm làm ra. Do đó, có những sản phẩm như ống kem đánh răng, để lâu thì phải nghiến răng bóp lớp kem ngoan cố mới chịu lòi ra. Chưa kể đánh gãy bàn chải nhưng răng vẫn vàng ố như răng người tiền sử .

Vì “làm chủ tập thể “ nên sản phẩm kém chất lượng, hay may mắn có chất lượng, một số cũng bị mất cắp. Lương không đủ sống, ăn cắp trong các nhà máy, xí nghiệp không thể ngăn chặn xuể. Bảo vệ dâu phải ai cũng là trăm tai nghìn mắt ? Đâu phải ai cũng là Tề Thiên Đại thánh. Tôi có biết một xí nghiệp gỗ, những năm sau ngày giai phóng chuyên sản xuất sản phẩm gỗ phải phá sản. Gỗ lấy từ rừng, không phải mua. Chỉ tốn công cắt gỗ, vận chuyển bằng xe về thành phố, đưa vào xí nghiệp gỗ, cưa ra thành phẩm và bán cho cơ quan, xí nghiệp có nhu cầu . Vậy mà xí nghiệp làm ăn thua lỗ và kết cuộc là giải tán .

Vì sao? Ăn cắp. Tức tham nhũng. Ban giám đốc “ăn cắp “ theo cách của họ . Nhân viên ăn cắp theo kiểu nhân viên . Người lao động ăn cắp theo kiểu của người làm công. Người người ăn cắp; ai ai cũng ăn cắp; mỗi ngày một ít. Càng lâu thì ăn cắp càng nhiều .  Vì sao? Xí nghiệp đâu thuộc sở hữu của ai. Nếu có ông A hay bà B là chủ thì đố có mất. Mạt cưa chưa chắc đã mất. Đây là ví dụ về “công nghiệp”.

Về “nông nghiệp “, chúng ta lấy ví dụ của hợp tác xã nông nghiệp .

Làm chủ xã hội chủ nghĩa, xã viên hợp tác đối xử với hợp tác xã, tổ chức tiên tiến nhất của nông nghiệp nông thôn “ mới” sẽ như thế nào ? Rất miễn cưỡng. Xã viên sẽ không màng bảo vệ sản phẩm hợp tác - lúa, hoa màu, trâu bò - như là của cá nhân họ. Vì ăn điểm- điểm sẽ qui ra lúa, nên năng suất lúa không có . Người ta chạy theo công điểm (làm lấy lệ, lấy nhiều ) mà không chạy theo năng suất . Do đó, hợp tác xã đem lại cái đói, triền miên và te tua. Nhưng nếu là ruộng của họ , mà không phải của chung, thì có ai muốn làm dối để ăn điểm mà không làm thật để ăn lúa, ăn cơm?

Cách mạng công nghiệp và nông nghiệp như nói ở trên gây ra hậu quả sai lầm vì quan điểm công hữu tư liệu sản xuất? Một phần. Phần lớn là cuộc “cách mạng” quan hệ sản xuất ấy kéo dài trong một thời gian đủ điều kiện để hình thành một cái văn hóa “của chung”, hay có thể gọi là của chùa cũng được.

Cái “cốt” tham nhũng hình thành từ một hay hai thế hệ con người trong xã hội coi của chung là của chùa. Họ coi tài sản nhà nước (của chung) là của chùa. “Cho quan trèo hái mỗi ngày”. Nếu tài sản của tư nhân liệu có xảy ra tham nhũng? Elon Musk hay Bill Gates, trong cơ ngơi trùng điệp tài sản của họ, có ai “tham nhũng “ không ?

Tôi nghĩ , nhà nước càng ít tài sản thì guồng máy của nó sẽ ít đẻ ra tham nhũng. Người ta nói, càng nhiều dân chủ càng ít tham nhũng. Tôi không nghĩ như thế. Ở Hàn Quốc nhiều dân chủ (so với mợ số nước), tổng thống không đi tù vì bê bối tham nhũng sao ? Trưởng ban đối ngoại thượng viện Mỹ sẽ không bị mất chức vì tham nhũng ?

Cho người ta “làm chủ” một tài sản khổng lồ không phải của họ thì có ai chắc chắn ông chủ kia liêm khiết mãn đời? Quan chức chỉ điều hành quốc gia. Không giao cho họ làm chủ hay có quyền làm chủ tài sản quốc gia. Anh ta có nhiệm vụ giám sát tài sản ấy. Và làm chủ nên giao cho người dân. Chính phủ Mỹ thậm chí có khi phải mua máy bay và bom đạn của tư nhân chế tạo . Họ không sợ Elon Musk phóng vệ tinh lên không gian  cạnh tranh với NASA.

Quan chức phải trở về vai trò “công bộc”. Còn làm chủ hãy trao lại cho người dân. Càng”làm chủ” quan chức càng dễ vô lò. Đất nước cần xây cái gì ích lợi hơn là  xây lò, đốt lò- hao tốn củi, hao tốn cây rừng, hao tổn nguyên khí quốc gia.

KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC

- 17 tuổi, cô gái bị đuổi học

- 25 tuổi, mẹ cô bịnh chết

- 26 tuổi, cô qua Bồ Đào Nha dạy tiếng Anh

- 27 tuổi, cô lấy chồng. Bị chồng hành hạ, cô vẫn sinh con

- 28 tuổi, cô ly dị và mắc chứng tự kỷ

- 29 tuổi, cô làm mẹ đơn thân, sống nhờ trợ cấp

- 30 tuổi, cô không muốn sống nữa. Nhưng, cô dồn hết tâm huyết vào một việc mà nhiều người không làm hơn cô: Đó là viết.

- 31 tuổi, cô trình làng cuốn sách đầu tay

- 35 tuổi, cô phát hành 4 cuốn sách và được vinh danh là “Tác giả của năm” (Author of the Year)

- 42 tuổi, cô bán được 11 triệu cuốn sách mới viết ngay ngày đầu tiên phát hành sách

Cô là J.K Rowling. Hãy nhớ lại thời cô định quyên sinh ở tuổi 30.

Ngày nay, Harry Potter là một thương hiệu quốc tế có giá 15 tỷ đô la Mỹ.

Không bao giờ bỏ cuộc. Hãy tin chính mình. Hãy hăng say. Hãy nỗ lực làm việc.Chẳng có gì là quá trễ. Đó chính là J.K. Rowling.

LỚP VỠ LÒNG

"Xót mình cửa các buồng khuê.

Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!" (Nguyễn Du).

Vỡ lòng trong Kiều có vẻ xót xa. Nhưng vỡ lòng trong “lớp vỡ lòng” lại báo hiệu một điều tốt đẹp nhất của một đời người: Đi học.

Ai cũng thuộc nằm lòng đoạn văn: " Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học".

Chỉ những trẻ bất hạnh mới không thể đến trường. Lớp vỡ lòng quan trọng như thế đối với cuộc đời học sinh. Và vì rất quan trọng nên ngày xưa dạy lớp 1 thường là người lớn tuổi hay đứng tuổi. Vì sao? Trẻ lớp vỡ lòng chỉ quen với cha, mẹ, anh, chị trong gia đình. Trẻ sẽ rất bỡ ngỡ với “cha, mẹ” mới, những người răn dạy chúng  bước chập chững vào đời. Lớn tuổi có gia đình, có con cháu, người dạy sẽ dễ dàng yêu mến học sinh vỡ lòng vì họ từng hiểu biết tâm lý trẻ con.

Ngày nay, thầy cô mới ra trường có thể dạy lớp vỡ lòng. Và ngoài tình yêu trẻ, người dạy buộc phải am hiểu tâm sinh lý trẻ con tầm năm bảy tuổi. Có ai để ý thầy cô dạy lớp vỡ lòng cần phải có điều kiện tiên quyết “giàu chuyên môn”? Hẳn là hiếm. Sinh viên sư phạm nổi trội đều có đích nhắm đến: dạy phổ thông trung học, rất hiếm ai chọn tiểu học, bắt đầu từ lớp 1.

Bước chập chững vào đời cần người dìu dắt giỏi giang. Đây là điều ít xảy ra ở nền giáo dục Việt Nam. Dạy lớp càng cao, người dạy càng hãnh diện. Giáo viên tiểu học, dạy lớp 1, không phải là mong ước của nhiều sinh viên sư phạm. Điều này rất khác ở Phần Lan. Một thầy dạy mẫu giáo, tiểu học không nhìn đồng nghiệp dạy trung học cơ sở, phổ thông bằng con mắt vừa ước muốn vừa so sánh hơn thua. Họ đều có trình độ ngang nhau - thạc sĩ, và đều được đào tạo bài bản. Lương bổng của một giáo viên không cao hơn ở một số ngành nhưng làm thầy cô là niềm hãnh diện đối với một công dân Phần Lan. Thi đua, khen thưởng, danh hiệu không bao giờ là động lực dạy dỗ học sinh của người giáo viên Phần Lan.

Niềm đam mê giáo dục là động lực của cả cuộc đời người dạy học.

Có ai ở Phần Lan chán, rồi bỏ nghề cao quý ấy không? Có. Nhưng rất, rất hiếm. Họ bỏ nghề khi cảm thấy có ai (vị hiệu trưởng, chẳng hạn) can thiệp vào quyền quyết định trong cách dạy dỗ học sinh của mình. Không có ai làm đơn nghỉ việc vì thấy không thể tiếp tục “dối trá” như một vị thầy dạy ở Vũng Tàu than thở trước đây khi rời khỏi học đường.

Trong các cải cách xã hội, tôi nhận thấy giáo dục là ngành có “cải cách” nhiều nhất, rầm rộ nhất, có lẽ tốn kém nhất. Nhưng mấy ai vừa lòng với hiện trạng giáo dục nước nhà.

Vậy, cải cách (nhiều người mong là cuộc cách mạng- to tát quá) bắt đầu từ đâu? Tôi thấy bắt đầu từ lớp “vỡ lòng “. Nghe "vi mô" quá? Chẳng vĩ mô chút nào? Phải bắt đầu từ lớp người chập chững bước vào học đường. Hãy chú trọng trẻ mới vào đời. Nhân cách công dân tương lai bắt đầu từ đây. Sinh viên sư phạm giỏi nhất phải hãnh diện nếu được giao dạy lớp vỡ lòng chứ không phải lớp 12.

Thay đổi cách tuyển dụng để thay đổi quan niệm giáo dục. Ưu ái một giáo viên cấp trung học không khác ưu ái giáo viên dạy tiểu học. Những học trò lớp vỡ lòng khó dạy hơn học trò lớp 12. Không như thế, trước 1975, ở miền Nam, cô (nhiều hơn thầy) đứng tuổi được giao dạy lớp “vỡ lòng”.

Khi thu hút tài năng vào ngành giáo dục, làm sao người dạy cấp học thấp không cảm thấy “tủi” hơn người dạy cấp  học cao (như ở bậc phổ thông). Khi sinh viên chọn nghề sư phạm, điểm cao không tập trung vào ngành dạy lớp học bậc cao thì lớp vỡ lòng sẽ không kém quan trọng bằng lớp 12 chuẩn bị vào đại học. Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có giáo viên đào tạo bài bản như nhau, cùng thời gian, tuy khác giáo trình. Họ thực sự là những người dạy có trình độ đào tạo ngang nhau. Tất cả giáo viên ở Phần Lan đều phải có bằng thạc sĩ. Giáo dục nước này là  một trong các nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Lớp vỡ lòng sẽ không phải dành cho người lớn tuổi đảm trách nữa. Người dạy lớp 1 có năng lực giáo dục không kém người dạy lớp 12. Giáo dục VN, hãy "cách mạng" bắt đầu từ lớp vỡ lòng.