Saturday, December 2, 2023

GIÀ MÀ NGU

(Tâm tình cùng một bạn trẻ)

Bọn trẻ hay giễu mấy người già “sung sức” là Yamaha, già mà ham. Đúng ra cần ngợi khen họ, “còn ham” là còn sức khỏe. Cách nhận xét người già của người trẻ cũng có chuyện để nói hôm nay.

Thế nào là già? Thật khó định ở tuổi nào mới gọi là già. Người ta đang nới rộng tuổi của người trẻ về hưu để họ “có điều kiện” đóng góp cho xã hội nhiều hơn. 50 tuổi là già khi so sánh các cầu thủ đá banh ngoài 30 được gọi “lão tướng”. Mà cũng thiệt. Nguyễn Công Trứ: “Mười lăm trẻ năm mươi già không kể. Thoạt sinh ra thời đà khóc chóe”.

Một nhạc sĩ thời danh VNCH thì có bài “60 năm cuộc đời”. (Nay, các cụ chỉnh lại: “Em ơi, 80 năm cuộc đời… Sung sướng không bao lâu. Nên ta yêu nhau thì yêu cho trọn đời”, trọn đời có lẽ 100 tuổi).

Lúc HCM gần chết, cụ cũng trích dẫn thơ Đỗ Phủ trong di chúc, nguyên từ 2 câu : “Tửu trải tầm thường hành xứ hữu. Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nhưng cũng có người cho rằng, “cổ lai hy” xuất phát từ tâm sự của Khổng Tử trả lời người hỏi về cuộc đời của ông: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất ngoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập cổ lai hy” (Nho Phan Rang, không phải Nho Tàu, hỉ: Lập thân vào tuổi 30, ổn định lúc 40, sáng suốt nhất lúc 50, nghe sao cũng phải (thuận, chống chi cũng OK) lúc 60, và 70 (như thế) xưa nay hiếm). Bảy mươi thì đúng là xưa nay hiếm đối với người tài ba xuất chúng chứ sống làng nhàng như tôi đây trên 70 tuổi hiện nay có mà đầy.

Tạm thời, già ta định nghĩa là không còn trẻ, cho nó chắc, chứ dựa theo tuổi tác rắc rối quá, vì nhiều người 80, 90 (thủ tướng Mã Lai) vẫn trẻ vì còn phụng sự đất nước, họ có già mô.

Người già trong cựu ước kitô giáo rất được quý trọng: tóc bạc là “mão triều thiên” Chúa ban. Ở các bộ lạc, hay dân tộc thiểu số, người trọng vọng, được tin tưởng nhất là “già làng”, không có “trẻ làng”.

Xưa ở VN, người già ra đình làng cũng được dành cho chỗ ngồi trước. “Triều đình nhượng ư tước. Hương đảng nhượng ư xỉ”. (Chốn triều ca chức tước phải ngồi trên. Nơi làng xã, người già cho ngồi trước).

Trong xã hội phong kiến (bây giờ còn không?), ta hay nghe câu “kính lão đắc thọ”. Bây giờ tuổi thọ cao, không rõ người ta có nhờ “kính lão” hay không chứ mấy ông già coi bộ không được “kính” như xưa nữa.

Già mà mất nết. Già mà dê. Già mà không an phận. Già hai thứ tóc trên đầu mà còn…ngu (tôi may mắn có một thứ tóc là tóc bạc). Già mất nết, già dê xồm…thì hãn hữu nhưng không phải không có: cụ cựu giám đốc ngân hàng nào đó mò mẫm bậy bạ trẻ nít, ra tòa còn vênh váo, lớn tiếng nói nếu bị kết tội, ông thề sẽ đốt thẻ đảng. Phải chi ổng tự đốt mình “thể hiện khí tiết” chứ cái thẻ chỉ là mảnh giấy vô can, mắc chi đốt nó. Có báo đăng ông…hiếp dâm cháu. Ông hẳn bị tâm thần, người tỉnh táo không ai làm thế. Thôi, bệnh thì phải thể tất. Già mất nết và già dê xồm chỉ là cá biệt. Các vị già như tôi (trở lên) cũng không áy náy làm chi.

Già mà không an phận? (Lão giả an chi). Người nói câu này hẳn nghĩ người già thì rúc vào chỗ trú ẩn là gia đình be bé của mình, có con, có cháu, ngày ngày uống trà, thưởng nguyệt xem hoa, có khiếu thì làm thơ đối ẩm với bạn già…đăng đàn nêu ý kiến phản biện chi cho bị chúng mắng câu đó.

An phận: người già đừng có tham gia xuống đường đả đảo bọn bành trướng, xâm lấn biển đảo, việc ấy đã có đảng và nhà nước lo. Không nên tổ chức in ấn những tác phẩm trí tuệ nhân loại, đa phần rất “nhạy cảm”, không phù hợp xu thế chính trị hiện nay. Không nên phát biểu những gì trái tai, gai mắt, đối với những quan chức đang quản trị đất nước. Không nên lên gân la lối mình yêu nước, ỷ lại, công thần. “Bộ chỉ có mấy ông yêu nước thôi sao?”. Không nên lên facebook đăng lời chỉ trích thói hư tật xấu của xã hội, của người khác, nhất là không được “lợi dụng quyền tự do dân chủ” làm phương hại danh dự các vị đang điều hành guồng máy quốc gia, “xuyên tạc, bôi nhọ”… “

“Ngứa miệng quá”, (hay như cụ Hồ “dân chủ là mở mồm cho dân nói”) những người già như thế tham gia vào hội người cao tuổi, ở đó mà tha hồ phát biểu, nhưng cẩn thận phải “đúng lề phải”, có khi nhận giấy khen tì tì.

Ở cái mạng “thằng” Mark (không phải ông Marx) mở lên là nghe chửi từ trên xuống dưới, điếc đầu điếc óc, giọng chửi rè rè như hụt hơi từ các cụ không phải là “ một thành phần không nhỏ”.

Các cụ cũng nên an phận thủ thường chứ tôi thấy tội nghiệp cho các cụ quá (trong đó có tôi) khi viết bài hay comment mà “không có định hướng” thường bị những người “có định hướng” nhảy vô chì chiết: già mà nói bậy, già mà phản động; có đứa mạnh miệng hơn “già mà ngu”.

Các trường đại học VN có rất nhiều khoa nhưng “lão khoa” không phổ biến mấy, không được chú trọng, ít thấy sinh viên đăng ký học khoa này, dù VN đang nguy cơ “già hóa”, do đó, kiến thức của người trẻ (tôi nói một số) không đầy đủ để hiểu người già. Cho người già - trước mắt là cha mẹ, ông bà - có cuộc sống thỏa mãn vật chất, người trẻ đã thấy đầy đủ bổn phận của mình. Khi đi xa về, con cái được ba mẹ mua quà chứ ông bà ít được quan tâm ý để. Đó là lẽ thường tình "nước chảy xuôi", nhưng nếu cha mẹ, ông bà, được tặng một món quà nho nhỏ không bằng cháu họ, con cái đã đem lại hạnh phúc rất lớn cho người già.

Nếu mỗi gia đình có những người trẻ quan tâm người già như thế, khi ra xã hội, họ sẽ cư xử lễ phép, đúng đắn với người lớn nhiều hơn. Và nếu có những ý kiến trao đổi qua lại trên mạng xã hội giữa người trẻ với người già, không cùng quan điểm, không cùng tư tưởng, thậm chí không cùng lập trường chính trị – dù quy luật nó vốn mâu thuẫn như thế - người trẻ có nên “mắng” người già đáng tuổi cha, tuổi ông của mình “già mà ngu”?

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật. Trẻ rồi cũng già. Cha mẹ ông bà của người trẻ cũng già. Già không phải là cái tội. Nay các bạn đang trẻ, mai các bạn sẽ già. Có thằng “trẻ” nào đó nói đúng câu bạn đang nói bây giờ, bạn thấy thế nào?

Kiến thức có thể tiếp thu. Đạo đức thì tự bản chất. Đạo đức không truyền dạy từ người này sang người khác dù gương đạo đức là gương luôn chiếu sáng. Đạo ở tâm.

Có bạn trẻ tranh luận với tôi đuối lời liền tức giận chửi “già mà ngu”; tôi mỉm cười và tự hỏi, tâm bạn ấy thế nào nhỉ.

TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM (XĂNG)

Cuộc sống con người hiện tại tất bật, đa đoan, tiếng ồn sinh hoạt có vẻ không phải là quan tâm lớn đối với họ, nhưng nó gây hậu quả, chưa khủng khiếp nhưng thật đáng lo âu: ở Hà Nội, hàng xóm sử dụng bom xăng để "giải quyết" nỗi bực tức vì tiếng ồn của karaoke tra tấn.

Cách đây chừng vài năm, cũng vì hàng xóm hát hò inh ỏi, một người ở sát bên nhà đã xách dao đâm người, một cách "giải quyết" tiếng ồn.

Không rõ ở cường độ bao nhiêu thì tiếng ồn gây hại cho người. Cư dân thành phố Sài Gòn là những người chịu đựng giỏi nhất tiếng ồn. Ngoài tiếng xe cộ qua lại, đặc nghẹt mọi con đường, tiếng kèn bóp đinh tai, vô tội vạ, các loa quảng cáo, nhỏ to đủ loại, thi nhau phát ra các lời chào mời, một âm thanh hỗn loạn, người nghe cũng bối rối, vừa chạy xe vừa chịu đựng. Thán phục nhất là các nhà nằm trong vùng "phủ sóng," của các loa quảng cáo, bên lề đường, gắn trên xe ba gác, xe máy, xe đạp hay nằm chình ình trước nhiều cửa hiệu.

Người đô thị làm việc nhiều, làm việc căng thẳng, âm thanh chói tai va vào màng nhĩ của họ, sáng, chưa, chiều, tối...không rõ có tác động hay tác hại gì không. Chưa kể, mỗi khu phố nhà chen chúc, ở khu dân cư đông người, các bác "loa phường" làm việc cần mẫn, giọng oang oang sáng, chiều, mặc có ai nghe hay chẳng muốn cũng phải nghe.

Âm thanh quá mức có sức mạnh khủng khiếp. Cách nay hơn mươi năm, âm thanh đã giúp Mỹ bắt giữ tổng thống Panama. Số là, Noriega chạy vào trốn ở tòa đại sứ Rome tại đây. Không ai được vào nơi này vì miễn trừ ngoại giao, kể cả Mỹ. Thế là, hàng dọc những loa công suất lớn, hướng loa chĩa vào tòa đại sứ, phát nhạc, âm thanh cực cao. Chưa tới 3 ngày, tòa đại sứ phải đầu hàng tiếng nhạc nhức óc, tổng thống xin tỵ nạn bên trong cũng đầu hàng theo.

Quý vị nào đọc kiếm hiệp Kim Dung còn nhớ môn võ công Sư tử hống của Tạ Tốn. Khi bị kim trâm đâm mù mắt trong hang động, ông liền triển khai môn võ công này, kết quả nhiều cao thủ võ lâm vây đánh ông rách màng nhĩ, chảy cả máu máu tai mà chết. Nghe có vẻ vô lý nhưng nguyên lý không sai, âm thanh cực cao có thể phá vỡ cửa kiếng những nhà gần phi trường, khi lần đầu, các phản lực cơ bay lên xuống sân bay,  tốc độ vượt qua tốc độ âm thanh.

Ở Sài Gòn, âm thanh người ta phải chịu mỗi ngày to không đến nổi như Sư tử hống, như máy bay phản lực, nhưng chắc chắn nó có ảnh hưởng sức khỏe, thể xác lẫn tinh thần, của trên 10 triệu cư dân. Nhà chức trách đang ở đâu? Chỉ kêu gọi trên loa phường mỗi ngày,  "âm thanh quảng cáo không nên quá lớn", có tác dụng ngăn ngừa, răn đe gì không? Quá lớn là lớn cỡ nào? Âm thanh quá lớn có lẽ quá nhỏ trong quan tâm của họ?

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ thời VNCH khi tôi còn nhỏ cho đến trưởng thành,  trước 1975. Lúc chiến tranh, tiếng súng, tiếng bom, tiếng đạn pháo kích, là âm thanh người ta nghe mỗi ngày, nông thôn, thành phố. Vậy mà, mỗi khi gần 12 giờ trưa, 10 giờ tối, từ các chiếc radio, không phải nhà nào cũng có, người ta nghe giọng nhỏ nhẹ của phát thanh viên nữ: "Xin quý thính giả điều chỉnh máy thu thanh vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền hàng xóm, đang cần yên tĩnh để nghỉ ngơi".

Nhiều người cười tôi hoài cổ, cái gì cũng VNCH, xưa cũ, lạc hậu quá rồi. Không, tôi thấy cái chế độ non trẻ ấy, ngay cả âm thanh nhỏ của chiếc radio, người ta cũng sợ nó "làm phiền" người khác; hoài cổ của tôi đáng cười hay sao? Bây giờ, âm thanh tra tấn cư dân đô thị mỗi ngày, không đáng để quan tâm?

CẤM

“Cấm” trong các chữ: Cấm Thị, Cấm Trao (sao?), Cấm Muồng… Những tên gọi vùng đất có trồng cây thị (trong cổ tích), cây trao, cây muồng (đen). Vì sao gọi là “cấm”? Nôm na, không ai được phép chặt chúng. Đây là quy định nghiêm ngặt – từ đời này sang đời khác, có từ thời cư dân theo Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp. Quá trình khai khẩn, vùng đất có các loại cây mọc kể trên được giữ lại. Tuổi thọ khá dài, những loại cây cổ thụ ấy có thân lớn bằng “mấy người ôm”. Cây càng cao, bóng càng cả, người dân sống chung quanh đem lòng kính sợ. Họ liên tưởng đến “cây đa dựa thần, thần dựa cây đa”. Rừng cấm thành rừng thiêng, dù chỉ là vạt rừng, chưa phải dãy rừng.

Cấm Thị nằm về phía Nam chân núi có tượng đài chiến thắng Thường Đức (Đại Lộc, Quảng Nam). Các bô lão còn nhớ, nơi này có miễu “Ông Cọp”. Miễu lập nên để thờ chúa tể sơn lâm. Những năm trước thế kỷ 20, con đường mòn đi qua Cấm Thị là nỗi kinh hoàng cho dân làng. Người ta nói, nhiều khách bộ hành qua đây, “một đi không trở lại”. Cọp tha mất. Không ai dám qua đây một mình.

Năm 1944 trước khi đầu hàng, người Nhật xuất hiện tại quê tôi, để “bắt Tây” đang trú đóng tại đồn Hiên (gần khu du lịch Cổng Trời ngày nay). “Lẳng lặng mà nghe. Nghe vè Nhật Bổn. Nó qua làm rộn (làm càn). Phòng thủ Đông Dương. Nó mượn nhà thương. Học trường cũng ở. Biểu (bảo) nhà phải dỡ. Lập trảng (sân) máy bay. Kế độc mưu cay. Càng ngày càng quá. Người Tây thủ hạ (cúi đầu). Nhật Bổn đè đầu”…”Ở đặng ít lâu. Lại thâu (thu) khí giới. Đồn nào cũng tới. Bắt sạch người Tây. Xiềng xích với dây. Xâu đầu (nối tù này với tù kia) lại hết. Đứa nào sợ chết. Thì lết ra xe. Đứa nào không nghe. Xách đầu nó thổ (dộng xuống đất)…Thân hình cực khổ. Quần áo sơ sài. Râu tốt tóc dài. Chưn (chân) giò chảy máu. Quan năm quan sáu (Trung tá, đại tá). Thấy cũng thất kinh”…(*)

“Thất kinh” không chỉ người Pháp. Cả người Việt Nam – đúng hơn, dân quê VN.

Đó là câu chuyện Nhựt (Nhật) đấu với cọp. Biết có cọp lẫn khuất rình bắt người, hai sĩ quan bèn "thị uy", ra oai, đeo gươm, xách súng đi vào Cấm Thị theo chỉ dẫn của người địa phương; đám đông tò mò đi theo, đứng ở xa xa. Tìm kiếm không lâu, một tiếng gầm vang lên dữ dội, lá thị như rớt khỏi cành, hai người lính thụt lại, giương cao súng; người dẫn đường vội vã chạy thoát thân. Một tiếng nổ tiếp theo. Người đứng xa vẫn nghe tiếp tiếng gầm, ngày càng lớn. Có lẽ phát đạn không trúng đích. Cọp nhảy tới người nổ súng, tát mạnh, khẩu súng trường văng xa. Người còn lại chĩa họng súng vào cọp định bóp cò. Nhưng không kịp. Bạn đồng hành đang ra đòn với cọp. Cả hai gần như quấn chặt nhau, tấn công chớp nhoáng, bằng gươm và bằng móng vuốt. Hai bên đang ra sức đánh, võ cọp và võ Judo kết hợp chiếc gươm dài sắc ngọt. Không còn sợ nữa, dân làng ngày càng đông, dạn dĩ đến gần hơn để dễ dàng quan sát trận “huyết đấu”.

Đúng là huyết đấu. Từ sáng tinh mơ đến gần giữa trưa, cuộc đấu bất phân thắng bại. Chỉ thấy máu văng tứ tung, trên thân cọp, trên thân người. Không biết máu bên nào. Tiếng gầm ngày càng nhỏ. Tiếng thở nặng nề của viên sĩ quan càng nặng nề hơn. Vị sĩ quan còn lại muốn nổ súng nhưng không dám. Cọp và người dường như gần dính chặt. Huyết đấu đến hồi kết cuộc. Cọp rống to một tiếng thống thiết rồi ngã quỵ trước đối thủ. Gương mặt nát bét loang đầy máu. Viên sĩ quan cũng trút hơi thở cuối cùng không lâu sau cọp. Người còn lại ôm lấy bạn, khóc lóc thảm thiết. Thấy cái chết anh dũng của con người trước kẻ thù từng gây kinh hoàng vùng Cấm Thị, dân làng lặng lẽ cúi đầu; không ai bảo ai, họ như muốn tiễn biệt một vị anh hùng không rõ tên.

Ngày nay, Cấm Thị còn không? Thưa không. Số phận nó không khác với Cấm Trao, Cấm Muồng…chỉ còn trong các câu chuyện kể và nỗi bùi ngùi của những người nặng lòng với quê hương.

Cả một vùng rộng lớn miền quê có rất nhiều miếu “Ông Cọp” (có chỗ thờ bạch Hổ, cọp trắng, theo truyền thuyết rất linh thiêng). Và cũng một vùng rộng lớn không còn một cái miểu nào. Chiến tranh chia cắt lòng người. Chiến tranh còn chia cắt quá khứ với hiện tại. Chiến tranh làm đứt lìa mạch chảy văn hóa không chỉ là miếu ông Cọp mà còn là miếu Ông, miếu Bà, chùa, đình, đền…

Tôi đi lần la nhiều thôn xóm, làng mạc; lòng ủi an đôi chút, tại ngôi làng từng có 9 công trình truyền thống bị  thiêu rụi trong cuộc “tiêu thổ kháng chiến “ còn duy nhất Miếu Bà (làng Trúc Hà), còn gọi là Ngũ Long Tiên Nương. Nhìn thùng kính nhỏ chứa những mảnh vỡ chén, bình, từng dùng để cúng tế và viên gạch cũ, tôi thấy mừng: dân làng tự nguyện trùng tu nhưng vẫn không quên gìn giữ di tích, dẫu là những mảnh vỡ của quá khứ.

BÀI CHÒI

Ngày xưa, mỗi lần đón Tết, dân làng tổ chức chơi bài chòi. Bài là quân bài (32 con) và chòi là chỗ ngồi người chơi. Có thể gọi: đánh bài chòi, hát bài chòi, hô bài chòi và chơi bài chòi.

Chòi có sàn cao hơn đầu người và bậc thang leo để ngồi; chòi làm bằng tre lợp tranh (mỗi mái 2 tấm) chia thành 2 dãy, mỗi dãy 5 cái. Chính giữa là chòi hiệu (chòi tổng), nơi đặt trống và một cây tre, cao quá đầu, trên cùng là ống chứa 32 thẻ tre dan hình 32 quân bài, có tên như học trò, nọc thược, bạch tuyết, thái tử…Mỗi chòi có một hay hai người chơi (hùn tiền mua).

Mỗi người mua một cây bài là một thẻ tre to có dán 3 con bài, tương ứng với 3 trong 32 con của chòi tổng. Mỗi lần hô, sau một tiếng trống, người chạy hiệu, tay cầm lá cờ và một con bài mang đến cho ai có bài trùng tên. Ba con liên tục trùng tên với thẻ mình đang có, người chơi sẽ thắng (gọi là tới). Bài do vậy còn có tên “bài trùng”. Một hồi trống vang lên thật dài, thật to, trong tiếng reo vui của người vừa “tới”. Tiền thưởng bằng số tiền 10 chòi mua trích lại 1/10, 100 đồng sẽ để lại 10 đồng cho chòi tổng, tức người tổ chức.

Cái hay của bài chòi không nằm ở chỗ thắng thua. Nó hay ở chỗ “hô” bài chòi. Người hô thuộc rất nhiều bài thơ, bài ve, điệu hát. Trước khi công bố tên con bài sẽ có một bài như thế xướng lên. Người chơi nhiều, chơi quen, sẽ hiểu bài ấy ám chỉ một tên của quân bài trùng. Người ngồi trên chòi sẽ gõ tiếng mõ để anh hiệu biết, đến kiểm tra trước khi trao cờ.

Tiếng hô bài chòi rất to và lảnh lót, nhưng cũng có lúc trầm bổng, có lúc du dương, có khi khoan, có khi nhặt… Khi thấy các chòi ở tình trạng sắp có kẻ tới, tức ai cũng “thủ” 2 chiếc cờ, người hô sẽ từ tốn, đĩnh đạc, tìm một bài hát hay bài thơ dài, một cách ’câu giờ’ trong bóng đá, để bàn thắng thêm hồi hộp, thót tim, và hấp dẫn.

Tiếng còi của trọng tài vang lên dứt khoát không khác chi câu cuối của bài hát cho biết chiếc cờ thứ ba, tức cúp vàng sẽ về chòi nào. Tiếng trống chòi tổng giục lên liên hồi trước khi vang một hồi dài chấm dứt. Tiếng mõ ở chòi thắng vẫn còn nghe gõ đều, như tỏ bày niềm vui không muốn dứt.

Một anh hiệu trang phục như lính triều đình sẽ mang đến người “tới” số tiền trong một chiếc khay cẩn xà cừ, bên cạnh là mấy miếng trầu trong đĩa cho người thắng là bà, hoặc một ve rượu với chiếc ly cho người thắng là ông. Số tiền thắng sẽ để lại một hai đồng cho ban tổ chức. Nhà quê chưa hẳn quê, họ đâu thua người Mỹ, cho tiền tip như ai. Đương nhiên ông bà cao tuổi rất thích tham gia chơi bài chòi, sẵn sàng thưởng cho người hô bài chòi tài năng với 1,2 đồng khi mình may mắn.

Dù ván chơi kéo dài có khi nửa tiếng chưa có ai tới, cụ ông cụ bà vẫn thích, thích nghe “hô” bài chòi. Ông ‘tổng’ nào có tài ứng tác trong khi hô bài chòi luôn luôn là thần tượng của dân làng, không hẳn dân chơi bài chòi. Mà có cả trẻ con chúng tôi, hồi ấy, rất "nghèo" trò chơi Tết, ngoài đánh bi, đánh sấp ngửa (quay đồng xu) ăn “dây thun” (cột túi ni lông ngày nay) trong mấy ngày Xuân.

Làm chòi là công sức của cả dân làng, có khi cả tuần mới xong nhưng thời gian chơi bài chòi chỉ giới hạn trong ba ngày Tết. Chơi lấy vui, lấy hên, lấy lộc đầu năm. Chẳng hạn tới cờ có con “mỏ đỏ”, người chơi sung sướng như lên tiên, cả năm sẽ đỏ. Hay có con thái tử, người chơi sẽ mong con cháu họ trong năm sinh đặng con trai nối dõi tông đường.

Nhưng nghe hô bài chòi là chính, nhất là những bài ứng tác hay xuất khẩu thành thơ, thơ bài chòi. Ứng khẩu theo hứng khởi tạo cái hay đồng thời tạo bất ngờ, không ai đoán con bài gì sẽ ra.

Ngày nay, bài chòi có người già chơi không, như ở Hội An tổ chức mỗi tối trong mùa du lịch? Khách du lịch tham gia bài chòi theo kiểu ’chơi cho biết ‘, trải nghiệm cái gọi là văn hoá dân gian của người Quảng Nam. Chòi cũng làm bằng tre nhưng rất công kỹ, mái, sàn, trang trí đẹp đẽ với nhiều màu sắc của ánh đèn màu rực rỡ.

Các bài hát, bài thơ (hầu hết là lục bát hay song thất lục bát); nếu để ý, quý vị sẽ thấy không bài nào được ứng tác theo tình huống của trò chơi, tạo kết quả bất ngờ không ai đoán được, dù ý nghĩa của các bài hát chòi đa dạng, vui, tươi, giễu, nhại…đủ cả. Bài chòi theo một mô-tip nhất định. Khán giả chỉ tò mò tham gia, tò mò nghe người Quảng hát giọng Quảng. Họ không còn hứng thú như ông bà chúng tôi, mong cho mau đến Tết, để “chơi “ bài chòi, để nghe “hô” bài chòi. Có lẽ đó là lý do bài chòi trở thành trò chơi nhiều hơn là trải nghiệm văn hoá dân gian. Không tin, quý vị hãy quan sát Tây... chơi bài chòi. Họ biết con bài ra, người hiệu giương một cái bảng to tướng, nhờ trùng với con bài họ đang giữ, và mấy âm giọng Mỹ “en- ếch-wai- en-ji- ếch-i-âu” (nhi ngheo- nhì nghèo). Đố ông Tây bà đầm nào hiểu các bài thơ bài hát chỉ dấu cho con bài nào.

CƠM HẾN HUẾ

Mỗi vùng có mỗi món ăn “đặc sản”, Quảng Nam tôi nổi tiếng duy nhất mỳ Quảng, Nha Trang có chả cá, Hà Nội có phở…nhưng không nơi nào nhiều món ăn nổi tiếng như Huế.

Chả là nơi ở của vua chúa mấy trăm năm, các món ăn hẳn phải quý tộc, nghĩa là độc đáo “không nơi nào có được”. Có thể các món ăn đậm đà Huế, cùng với sông Hương, núi Ngự…hun đúc trong con người Huế sâu đậm đến nỗi nơi này có rất nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, kể cả bác sĩ…rất nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng nhất trong các thứ nổi tiếng là món cơm Hến (viết hoa, để tỏ lòng quý trọng).

“Đờn ông” các bác sao không biết chứ đờn ông tui: trẻ ham kiếm vợ đẹp (đã toại nguyện) già ham ăn…ngon (đang kiếm tìm). Món ngon rất khó định nghĩa cũng giống tiếng Việt khó học đến độ “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng ta”.

Đối với tôi, tiêu chuẩn hơi kỳ cục là chọn món ăn mình gọi ngon phải là giọng nói của người nấu món đó. Tôi sẽ vào tiệm nào chủ quán và nhân viên nói tiếng Bắc nếu ăn phở, tiếng Quảng nếu ăn mỳ Quảng, tiếng Sài Gòn nếu ăn hủ tiếu và lẽ đương nhiên, tiếng Huế nếu ăn cơm hến. (Trừ trường hợp duy nhất, không nên ăn hủ tiếu Nam Vang khi đến Campuchia, rất tệ, tiệm quảng cáo “ngon nhất” ở đó sau tôi mới biết người chủ đến từ Thành Đô, Trung cộng).

Tôi sẽ không tả cơm hến gồm những thứ gì vì mọi người đều có thưởng thức qua. Cái tôi nhận xét là tất cả các món Huế, kể cả cơm hến, đều chứa nhiều loại thực phẩm trong mỗi món ăn, đặc biệt “mỗi thứ một chút”, không “tràng giang đại hải” như bát rau sống ăn kèm ở miền Nam. Mỗi chút, mỗi chút nhưng tất cả đều có hương vị riêng, hết sức đậm đà. Món Huế đa phần đều cay, càng cay càng ngon. Lý do người Huế thích ăn cay, có lẽ vì thời tiết ở đây nhiều tháng mưa dầm, không khí se lạnh, hơi cay hơi nồng của gia vị, nhất là ớt, làm lòng người Huế ấm lên; tất nhiên, nếu có vợ Huế, các bạn sẽ thấy họ rất hay ghen, ngấm ngầm nhưng dữ dội, theo nhận xét của tôi, vì họ ăn nhiều ớt quá. “Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Ghen là gia vị đâu khác món ớt, làm tình yêu lứa đôi, chồng vợ nồng nàn hơn.

Món ăn Huế thưởng thức phải trong không gian rất Huế: người chủ phải có giọng Huế (bắt buộc), nếu là chủ phái nữ (tôi rất ghét vào quán ăn ngon toàn đàn ông phục vụ), mái tóc không uốn quăn, không đờ-mi gác xông (giống trai), cột bằng một bím tóc màu tím. Áo họ mặc sẽ là màu tím Huế. Tím thì của chung nhưng màu tím Huế có chiều sâu văn hóa riêng, cũng như phố thì có phố Phái (Bùi Xuân Phái vẽ về Hà Nội). Ít nhiều nơi ăn phải có vài bụi trúc nho nhỏ, đôi giò lan, mấy bức tranh của các họa sĩ đất thần kinh và nhạc, phần không thể thiếu, cất lên nhè nhẹ, trầm lắng, không xô bồ, ầm ĩ, có nhạc Trịnh Công Sơn không lời thì đúng là quán Huế.

Trong lúc thưởng thức món cơm Hến, các bạn sẽ thỉnh thoảng được cô gái nền nã, trong cánh thun màu tím Huế, hỏi han, bằng một giọng nói không lẫn, không pha, không trau chuốt, nguyên gốc Huế. Đôi khi ăn món cơm hến lặng lẽ cũng mất ngon nếu không điểm xuyết vài tiếng Huế ấm áp, thân tình, hồn hậu.

Nhiều người Việt ở nước ngoài khá lâu về nhận xét dân ta nói nhiều, rất ồn trong lúc ăn. Họ đâu biết ăn cũng cần có âm thanh, ngoài màu sắc, hương vị món ăn. Trần Văn Khê tâm sự mỗi lần đi ăn món Việt ở Pháp, ông giáo sư ít rủ bạn tây ăn cùng, vì sợ chúng chê ông ăn…kêu to quá. Chả là ông bảo, bưng tô bún ăn gần hết lên kê miệng húp sồn sột, nghe mới đã, mới ngon; ăn nhỏ nhẻ, từ tốn, miệng không mở môi, nó sao sao ấy, không ngon. Cơm hến tất nhiên không húp kêu như thế nhưng bát (gọi theo người Bắc - cái chén) nước hến không có, và người ăn không…húp thì thà đừng đi ăn cơm hến. Món mỳ Quảng truyền thống không ăn bằng muỗng, chỉ bằng đũa, không múc nước nhưn (nước dùng, nước lèo) mà bưng tô lên húp…Húp “quê quá hỉ” nhưng các bạn thấy ông Trần Văn Khê có quê hơn chúng ta không?

Bát nước hến luôn nóng, nghi ngút khói; nếu ở Huế mùa đông, người ta có thể quan sát hơi nóng bay lên rất rõ, mang theo một cái mùi đặc biệt không có mùi thơm nào so sánh. Hơi nước hến nóng như là hơi thở cực nhọc của những người dân nghèo, sống bằng nghề cào hến thời xa xưa. Cào hến không phải là nghề giản dị như cấy lúa. Những con sông rộng, có những bãi cạn gần bờ, những đàn hến lẫn khuất trong cát và bùn non, được vớt lên bằng một dụng cụ gọi là cái đủi (đuổi?) xúc hến. Đất, cát, rong, cỏ…lẫn với hến. Một vài động tác tiếp theo, hến sẽ ở riêng ra, người xúc bỏ chúng vào giỏ đựng. Người làm nghề cào hến luôn ngâm mình dưới nước, cả những mùa đông giá lạnh, quanh năm suốt tháng. Hến là món ăn bình dân, rẻ tiền, thích hợp với những người nghèo lao động, không như bây giờ cơm hến thành “đặc sản” không phải ai cũng có dịp thưởng thức.

Công đoạn cho các thao tác hết sức nhiêu khê để có những con hến nho nhỏ chúng ta ăn với cơm nguội rời, có rau thơm các thứ, nhưng không thể thiếu ruột bạc hà bào nhỏ thành sợi như giá (một loại môn ăn sống).

Tại sao ăn hến với cơm nguội mà không ăn với cơm nóng? Không đơn giản là ăn vậy mới đúng điệu sành ăn. Thời xưa, dân lao động đâu có “ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần” mà luôn có cơm nóng. Những con hến có được buộc phải trộn với cơm dù cơm đã nguội. Món sushi gì đó của Nhật cũng được ăn với cơm nguội. Tập quán của người nghèo cào hến, ăn hến, bán hến cho người khác ăn, đơn giản từ đời này sang đời khác, thấm vào dòng máu; ăn hến với cơm nguội thành một nếp “văn hóa”, “truyền thống”, món ăn nào không có hai thứ ấy, dẫu cao lương mỹ vị chắc chắn cũng không ngon.

Có một chiều sâu, có một câu chuyện, đi kèm một món ăn, món ăn sẽ đi theo ta cả cuộc đời: ăn để nhớ thuở hàn vi, ăn để nhớ thời thiếu thốn, cùng với những người thân trong gia đình, người còn người mất, món ăn nào thấm đượm,ý nghĩa, và ngon miệng hơn?

Những con hến và những bát nước hến là hình ảnh nhắc nhớ thuở xa xưa, khi ăn lại, hay thưởng thức nó, quá khứ như hiện về, những người thân hiện ra…Ngon là chỗ đó. Chúng ta ăn với kỷ niệm, ăn với những tháng ngày xa xưa thời niên thiếu.

Món cơm hến thật đơn giản, nếu không nói khá “thô sơ”, đi vào tâm trí tôi những ngày tháng chiến tranh ở Hội An. Một thành phố gẫn gũi nhiều con sông, nơi người ta sinh sống bằng ghề cào hến. Họ nghèo mới đi làm nghề cực khổ là cào hến và lũ trẻ con chúng tôi, nạn nhân chiến tranh tản cư khỏi vùng cộng sản, cũng nghèo nên mỗi bữa sáng, nghe tiếng rao lảnh lót, quen thuộc, của một người phụ nữ như tuổi mẹ mình “hến không, hến không”, lòng mừng khấp khởi, sẽ có một bữa ăn chút nữa đây: một chén vun con hến trộn hành lá, ớt màu đỏ thái nhỏ, và một ít ngò rí rất thơm, ít đậu phụng rang giả bể rắc lên, kèm theo một tô nước hến rõ to nóng khói nghi ngút, giá chỉ có một đồng, tương đương một cây cà-rem Hương An ( tên tiệm kem), tôi quên kể, người bán còn “khuyến mãi” một cái bánh tráng nướng to tướng, lốm đốm hạt mè vàng thơm lựng nếu mua 2 chén hến. Tôi thích ăn cơm hến vì thời thơ ấu đã sống với những chén hến nghèo khổ kỷ niệm Hội An.

Nhưng tại sao lại cơm hến Huế, đó là điều bí mật, tôi không thể kể, bởi cơm hến thường không ai chế biến ngon bằng người Huế và sâu xa hơn, đâu phải cô gái nào trên đất nước này có giọng nói ngọt ngào như giọng cô gái Huế.

“Học trò xứ Quảng ra thi.

Thấy cô gái Huế chân đi không rời” (Ca dao). Các cụ đồ còn mê giọng giai nhân xứ Huế huống hồ gì tôi, đi ăn cơm hến Huế, ngoài chuyện hoài niệm, phần khác chỉ để được nghe giọng cô gái Huế của dòng Hương giang. Rứa thôi.

XÓA HẾT

Tôi ít khi viết bài phê phán cá nhân trừ những trường hợp quá đặc biệt, chẳng hạn lần này về Trần Long Ẩn, vì câu nói hay ý nói của ông: “Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”.

Bây giờ, trên mạng tin thật và tin giả lẫn lộn khó phân, tôi nghĩ đây có thể không phải câu nói của một người trưởng thành trong nền giáo dục VNCH (ông học trường công giáo La San, Qui Nhơn và đại học văn khoa Sài Gòn). Vì mấy lý do như sau:

• Trần Long Ẩn là một nhạc sĩ, không phải là nhà phê bình văn học tiếng tăm, nhận định của ông về một nền văn học như thế là hồ đồ, nếu không nói là sai quấy. Ông cũng không phải là người phụ trách văn hóa, văn học, nghệ thuật… đầy quyền năng. Văn học, nghệ thuật miền Nam ông hiểu gồm những gì, nếu không phải là tác phẩm văn học, nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc…

Những tác phẩm ấy độc hại, tại sao lãnh đạo văn hóa, văn học, nghệ thuật của ông cho in lại, cho phát hành lại, phổ biến lại, một số tác phẩm tiêu biểu ở miền Nam? Họ không có trí tuệ bằng ông hay sao? Trí tuệ ông siêu việt hơn họ hay sao?

• Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nghĩa là sao? Từ khi xuất hiện nền văn học phôi thai ? Những tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh… có nằm trong “bản án” của Trần Long Ẩn hay không? Nếu cẩn trọng, phải nói gói gọn thời gian nền văn học xuất hiện và phát triển. Câu nói của ông có thể thể tất nếu do ông đang uống rượu quá say, trên vỉa hè, sôi nổi lên án "ngụy quyền" Sài Gòn trong đám bạn nhậu của ông, chứ không thể là câu kết luận nông nổi, đầy cảm tính, và rất hời hợt,  gây chấn động, trên mạng người ta đang bàn luận xôn xao hổm rày.

• Nền văn học, nghệ thuật độc hại, tôi nghĩ ông ám chỉ “văn hóa đồi trụy phản động của Mỹ-Ngụy”, sau 1975 đau đớn với cảnh tịch thu sách, đốt sách, một số tác giả tiểu thuyết, văn học…đi vào chốn lao tù, thân phận trí thức trở thành thân phận những tù nhân chính trị. Nền văn học nghệ thuật đó không giống nền văn học nghệ thuật miền Bắc cùng thời gian: nó không được ai “lãnh đạo”, nó không có định hướng, không mang nhiệm vụ chính trị nào. Trần Long Ẩn xuất thân từ đại học văn khoa hiểu rất rõ điều đó. Như vậy, có thể nói nền văn học từ nhân dân mà sản sinh ra chứ không phải được chính quyền VNCH chỉ đạo thực hiện cho nhiệm vụ tuyên truyền.

Nếu nền văn học, nghệ thuật đó độc hại, hóa ra những công dân tác giả đẻ ra những tác phẩm hình thành nền văn học nghệ thuật, tất cả đều độc ác? Độc ác mới đẻ ra độc hại.Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, kim Định, Lê Hữu Mục, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Thanh Lãng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…và những nhân vật đáng kính khác, tôi không nhớ hết, am hiểu hết, vì tôi không phải là nhà nghiên cứu, đều là những người sản sinh ra những tác phẩm độc hại, trong một nền văn học nghệ thuật độc hại?

• Chiến tranh đến với dân tộc này có thể nói là liên miên và hết sức ác liệt. Sau chiến tranh đánh nhau thời Trịnh-Nguyễn, có ông nào ở Thăng Long bảo rằng nền văn học nghệ thuật Đàng trong đáng phải bị xóa bỏ vì nó thù địch, hay ngược lại, có ông nào ở Phú Xuân, Huế, bảo nền văn học Đàng ngoài cần xóa bỏ vì nhà Trịnh đem quân vô đánh nhà Nguyễn không thôi?

Hình thái chính trị thay đổi, chế độ thay đổi, chủ nghĩa nay còn chưa chắc mai không mất, nhưng đất nước và nhân dân không bao giờ thay đổi. Sản phẩm của đất nước, của nhân dân, “nền văn học, nghệ thuật” ấy cũng trường tồn cùng dân tộc, trừ trường hợp nền văn học đó, nền nghệ thuật đó, chỉ có tính cách minh họa, tô hồng, nhất thời, không phản ảnh những giá trị nhân bản, sâu thẳm của tâm hồn, có chiều sâu văn hóa dân tộc.

• Gần nửa thế kỷ, vết thương chiến tranh còn chưa lành, lòng người Nam Bắc chưa hẳn tất cả đã bao dung, yêu thương, đoàn kết, tuyên bố như vậy khác chi cầm lưỡi dao sắc cứa sâu vết thương đau đớn vẫn còn. Tâm địa người nói ra câu đó thế nào, ở đây không xét về mặt học thuật, nghiên cứu, vì người nói không xứng đáng thuộc hạng ấy, khi nhận định một vấn đề quá lớn với một câu kết luận nông cạn, cảm tính nhất thời, gây bất bình và chia rẽ, không chỉ trong những người trưởng thành ở miền Nam thời VNCH mà cả những người học thức, lương tri, trưởng thành trong chế độ XHCN miền Bắc.

Nếu không kết luận người nói câu này thuộc hạng “ăn cháo đá bát” thì cũng không đúng. Đâu có thiếu những người trưởng thành trong chế độ cũ, hoạt động cách mạng lâu dài, không hề có ai nổi tiếng trong số họ có một câu kết luận “sắt máu” như thế. Nhà trường VNCH nuôi dạy ông, tạo điều kiện cho ông trở thành một nhạc sĩ tiếng tăm, để ông hoạt động cách mạng, trở về “giải phóng” nơi ông học là trường đại học văn khoa, nơi ông ở với tuổi thanh xuân hoa mộng là Sài Gòn, sau khi vô bưng chịu cực khổ chỉ có 3 năm từ 1972 đến 1975; so với những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, mấy chục năm theo cách mạng, có người bỏ xác nơi chiến trường, ông có bằng họ không và họ có tuyên bố hùng hồn như ông không? Với danh vọng xênh xang chủ tịch hội nọ, hội kia, ông không có gì xuất sắc về âm nhạc như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn ngoài duy nhất một bài hát “Một đời người, một rừng cây”. Nhiều người yêu bài hát và yêu ông nhưng nay, không biết trong lòng họ có còn giữ những tình cảm vô tư, trong lành ấy nữa không, tôi không rõ. Nói tóm lại, chỉ có một câu nói thôi, ông tự đổ đi những tình cảm của những người “mến mộ” dành cho bài hát rất hay của ông.

Và tôi không tin chính ông nói ra lời:“Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”;  nội hàm câu nói đó chỉ có thể của người không văn hóa, không có tình người, không bao dung, và sâu xa hơn, đó là câu nói của một người không yêu nước, người ấy vẫn còn thù oán, luôn muốn trả thù, có tâm địa chia rẽ đoàn kết dân tộc này, chưa nói đã xúc phạm những người làm văn học, nghệ thuật còn sống hay đã chết, những người đã hình thành ra nền văn học nghệ thuật mà ông rắp tâm xóa bỏ.

Và liệu có xóa nổi không?

NHẬN XÉT TRONG HỌC BẠ: Tương lai học sinh

Tôi lại không thích mừng Ngày nhà giáo. Tôi thích mừng nhà giáo nhân ngày 20 tháng 11.

Nhìn vào hình trích dẫn bên dưới, quý vị sẽ thấy lời phê của 2 giáo viên. Tôi thích gọi giáo sư trung học, như trước 1975, ở Sài Gòn. Xin lạc đề một chút. Mấy thằng thầy cúng tào lao cũng có tên pháp sư. Đánh võ giỏi, dạy môn sinh, gọi là võ sư.  Một sinh viên học sư phạm, tức giáo dục, đại học (4 năm) không đáng gọi giáo sư (trung học)? Chưa kể, sinh viên học kỹ thuật 4 năm, gọi là kỹ sư. Tốt nghiệp giáo dục thì nhận cái tên "giáo viên", nghe tội nghiệp quá!.

Lời phê quý vị thấy có 2 ý chính cần nêu ra, cái phụ, thôi bỏ đi: chê bai học sinh và xem mê đọc sách là tính xấu (kỷ luật chưa cao). Gạt qua trình độ nhận thức của 2 giáo viên, không trách họ được đào tạo nặng thành tích, "ai cũng phải khá, giỏi" (kém toán, Anh là..."sỉ nhục"!), kỷ luật phải trên hết, trên cả "mê đọc truyện" (sách), chúng ta nên để ý "tác động" của lời phê ở đây trở thành "tác hại" trong suy nghĩ của học sinh cầm cái học bạ này hành trình cả chục năm ở học đường, thậm chí, cả cuộc đời, mỗi khi lấy học bạ hồi còn trẻ ra để hồi tưởng thời đi học.