Wednesday, July 5, 2023

ĂN CỖ ĐI TRƯỚC

Quan sát bức hình chụp lễ tiễn đội bóng nữ tham dự cúp thế giới (bên dưới), rất nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí bỉ bôi, châm biếm các quan chức đứng chần dần phía trước che khuất đội tuyển. Bởi họ quá to.

Chê bai các quan chức này giành lấy chỗ đứng danh dự, “ăn cỗ đi trước” là chưa thỏa đáng.

Ai là người tổ chức sắp xếp họ đứng trước chụp ảnh mới là người đáng trách. Nói rộng ra, trong tất cả các sự kiện quan trọng, nếu có sự tham dự của phía chính quyền, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, những người tổ chức sự kiện rất lấy làm hãnh diện. Từ lễ tựu trường tiểu học cho chí lễ tốt nghiệp đại học, sự có mặt của quan chức, đôi khi không thuộc ngành giáo dục, người dự và người tổ chức thưởng cảm thấy vinh hạnh.

Đảng lãnh đạo toàn diện; chính quyền là người thay mặt; sự có mặt của họ ở mọi hoạt động xã hội là lẽ đương nhiên. Nhưng, hoạt động nào cũng cần có họ, tôi muốn nói những sự kiện quan trọng, là điều chẳng tự nhiên chút nào. Viên chức chính quyền, chỗ làm việc của họ là ở cơ quan. Nếu phải có mặt ở những sự kiện phải có mặt thì chỉ một người chức vị cao nhất đến dự là tốt nhất.

Chỉ có một lễ tiễn mà hàng chục quan chức đến dự, báo chí nêu tên, chức vụ, và chắc chắn “sự có mặt của quý lãnh đạo là niềm vinh dự to lớn cho đội tuyển nữ quốc gia” (ấy là tôi suy diễn). Trong khi vinh dự to lớn đó phải là của đội tuyển.

Người ta dùng từ “ăn có” để ám chỉ các quan chức đứng án mặt các tuyển thủ là hơi oan. Họ không tự đứng chỗ đó. Ban tổ chức là người sắp xếp. Chính cái anh Ban này là người đáng trách. Mà cũng không đáng trách. Biết đâu, sắp xếp quan chức đứng trước là để “lấy lòng” cấp trên.

Quy ra “tội” gây ra phản cảm bức ảnh chụp phải “gom về” ông nhà báo. Chắc chắn lúc chụp hình lưu niệm với đội tuyển không lẽ chỉ có mỗi bức ảnh khó coi này. Biết đâu ông nhà báo này muốn “nấy nòng” các vị quan chức? Người chuộng thuyết âm mưu cho rằng, với bức chụp lên báo này, các vị quan chức kia sẽ bị cộng đồng mạng chửi “sấp mặt”. Cái này tôi nghĩ không có.

Chỉ đáng trách quan chức ở bức hình phản cảm này là: Các anh thiếu tự trọng. Khi được mời chụp ảnh, các anh phải nghĩ đến đội tuyển. Dù có mời đứng trước họ, các anh cũng nên từ chối. Nếu đối để lắm, một hay hai người trọng trách nhất đứng cùng đội tuyển. Người có lòng tự trọng và có văn hóa sẽ cảm thấy mình vinh dự vì chụp hình chung với đội tuyển chứ không phải đội tuyển vinh dự vì chụp hình chung với mình.

Qua bức ảnh dậy sóng, chúng ta có thể khẳng định, mọi hành vi và thái độ của quan chức đều được quần chúng soi rọi rất kỹ lưỡng. Do đó, nhà chức trách nên có những quy định cụ thể cho viên chức của mình những ứng xử ở đám đông hay trước quần chúng mỗi khi tham dự một sự kiện nào đó.

Sự quan tâm của nhà chức trách đúng mức ở những sự kiện trọng đại sẽ rất ý nghĩa. Nó tạo cơ hội cho chính quyền và nhân dân gần gũi hơn. Thể thao, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… sẽ thêm ý nghĩa sự có mặt của quan chức nhà nước không gây bão như sự kiện có bức hình vừa qua.

Thời VNCH, những sự kiện quan trọng thường có chính quyền tham dự. Họ không đến để dự rồi tiệc tùng. Vị đứng đầu ở địa phương thường là quận trưởng, tỉnh trưởng. Duy nhất một người được tiếp đón. Họ không dắt ban bệ theo. Nếu tôi không lầm, sau lễ họ về ngay. Ở thủ đô (Sài Gòn), tổng thống, văn phòng tổng thống, sẽ tổ chức vinh danh trong dinh tổng thống.

Và điều duy nhất, quan chức đầu quận, đầu tỉnh, và tổng thống hoặc phó tổng thống chỉ có mặt trong các lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, nghĩa là chỉ có mỗi ngành giáo dục. Các lãnh vực khác không hề có mặt mấy ổng. Có lần đội tuyển bóng đá VN hạ đội tuyển Nhật Bản, cả nước chỉ biết qua đọc báo, chưa bao giờ đội bóng chụp hình chung với bộ trưởng thể thao - văn hoá - thanh niên.

Người viết lại có vinh dự đó lúc là học sinh đệ lục (lớp 7, năm 1966). Phần thưởng là 20 cuốn vở, một chồng sách giáo khoa, và một cây bút máy. Ở hội trường rạp hát Phi Anh, Hội An, tôi khệ nệ ôm phần thưởng từ tay của ông tỉnh trưởng Quảng Nam. Ổng chỉ xoa đầu tôi. Chẳng có bức hình nào chụp ổng có tui đứng “ké”. Tôi và nhiều người bạn có thưởng đều nhớ mãi gương mặt, hình ảnh của vị quan chức đầu tỉnh, có thể cho đến giờ dù chẳng có 1 tấm hình; toà tỉnh không hề thiếu máy ảnh. Quan chức chính quyền đến để vinh danh học sinh xuất sắc, không phải học sinh xuất sắc vinh danh ông chính quyền.

Sự có mặt đúng lễ nghi của quan chức ở sự kiện quan trọng nó ý nghĩa như thế. Nhìn bức ảnh (bên dưới) mà kết luận “ăn cỗ đi trước” quả là oan, quá oan, còn hơn oan Thị Kính.

Tuesday, July 4, 2023

THỊT CHÓ

Con trai tôi nói, ở Phần Lan mà nhắc đến hai chữ thịt chó sẽ là chuyện không một người nào nghĩ tới, nếu không nói là kinh khủng đối với họ.

Mà thật. Mỗi buổi sáng đi bộ thể dục, những ngày rét căm căm, tôi bắt gặp người ta dắt chó đi bộ, trên các con đường hai bên cây thông còn động tuyết cuối mùa, cho chúng “dãn gân cốt”, khỏi cúm chân. Thỉnh thoảng chó ị, chủ nhân liền móc bọc lấy ra một túi ny lông, cho tay vào, kẹp lấy cục phân, rồi lộn ngược, bỏ vào bọc, có lẽ sẽ đem về nhà bỏ vào sọt rác.

Trên đường đi sáng nay, tôi gặp lại người phụ nữ đứng tuổi nhưng còn nét mặn mà (đương nhiên theo kiểu Tây, thân hình săn chắc, không phải kiểu Ta, liễu yếu mảnh mai) có con chó to như sư tử (có lần tôi nhắc tới trước đây). Sau câu nói chủ động trước, houmenta , chào buổi sáng, cô ta chỉ vào con thú cưng và nói he’s friendly, nó thân thiện lắm; ý là khoe con sư tử của mình.

Khác với lần trước, tôi không sợ hàm răng trắng nhởn, nhe ra khi người phụ nữ trấn an, he’s very nice, nó không sao đâu. Tôi lấy tay xoa đầu con thú to nặng mấy chục ký lô. Nó liếm vào tay tôi; buổi sáng 15 độ, hơi ấm từ miệng con chó làm tôi cảm thấy ấm áp hơn. Nhờ khen con chó, how gentle, hiền lắm, mà tôi làm quen và bắt chuyện với một người phụ nữ phương Tây khá là lịch lãm, dễ thương - mới chết chớ. Nếu ở VN, chắc chắn tôi sẽ xin số nhà hoặc số điện thoại, hoặc có thể là nickname Facebook.

Không phải mỗi một người phụ nữ này dắt chó đi bộ thể dục. Cung đường đi chừng 45 phút mỗi sáng, tôi không hề thấy ai ngoài bốn hoặc năm người dắt chó, hầu hết là phụ nữ. Tôi ít thấy đàn ông dắt chó. Có lẽ phụ nữ yêu chó hơn vì họ ít yêu đàn ông? Ấy là tôi nói phụ nữ phương Tây.

Tình cảm dành cho thú cưng nhất là con chó cho thấy văn hóa sống của ta khác Tây. Từ chỗ tiêu thụ hàng mấy triệu con chó mỗi năm, ngày nay, số người không ăn thịt chó tăng lên, số quán thịt có giảm xuống (theo một bài báo đọc trên VNExpress sáng nay), tôi rất vui.

Ít ra, dân tộc chúng ta vốn yêu mến thú nuôi như mèo và chó từ xưa. Không rõ, bắt đầu từ đâu nảy lên trào lưu ăn thịt chó, năm sau hùng hậu hơn năm trước. Hùng hậu đến nổi có câu vè, “sống trên đời không ăn thịt chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn”. Khác với ông cha ta thuở xa xưa, coi chó và mèo là thú nuôi trong nhà rất có ích. Chó giữ nhà, đôi khi là nhà cầu di động, giúp thanh toán chỗ thải của trẻ con nông thôn, chưa có nhà cầu, nhà xí như ngày nay. Mèo nuôi bắt chuột, bảo vệ lúa má. Họ lấy tin tưởng duy tâm ra để khuyên người ta không giết thịt chó mèo. Ví dụ: Ăn thịt chó khó cả đời; nghèo bán chó, khó bán con; ăn thịt mèo nghèo ba năm. Hay là quan niệm ăn thịt chó xui xẻo. Thịt mèo cũng vậy.

Ở Tây, người ta không ăn thịt chó vì coi chó như người bạn thân và rất trung thành. Nếu tức lên, chúng ta nện con chó một gậy. Nhưng sau đó, chiều đi làm về, con vật bị đòn là người đầu tiên chạy ra đón chúng ta với chiếc đuôi quấn quít mừng rỡ. Chưa chắc vợ đón ta tươi cười buổi chiều nếu buổi sáng nàng bị chồng nói nặng một câu, chớ nói chi bị tát một tai.

Hay là, quý trọng chó vì người Tây cảm thấy cô đơn hơn người Ta? Chó là bạn thân bên họ? Có thể. Nhưng giết thịt bạn thân là tội ác đối với họ và là chuyện thường ngày của người VN, người TQ, người Triều Tiên. Đối xử tàn nhẫn (giết thịt) với con vật trung thành là chó, tôi nghĩ vẩn vơ, ba dân tộc trên, đất nước ấy luôn có chiến tranh trong lịch sử quá khứ, tôi nhấn mạnh là nội chiến, nhiều nhất và ác liệt nhất chăng?

Đọc tin thấy dân Việt quay lưng với thịt chó, tôi mừng vô hạn. Sát sinh là tội đối với nhà Phật. Huống hồ, giết chó. Giết người bạn trung thành.

Ngày mai, đi bộ sớm, tôi sẽ hỏi phụ nữ dễ thương người Phần Lan có con chó sư tử (cũng dễ thương) xem bài lý luận về chó của tôi có làm chị quan tâm không. Chắc chắn là như thế. Ngày mai sẽ gặp lại giai nhân đứng tuổi nhưng còn quá trẻ (so với tôi).

Saturday, June 24, 2023

CHÌA KHOÁ TÌNH YÊU

Đây không phải là cẩm nang giữ gìn hạnh phúc. Mà là cái khoá biểu lộ tình yêu vững bền, cô dâu chú rể “trăm năm hạnh phúc “.

Một chiếc khóa phơi ngoài trời chừng mười năm là thành sắt gỉ. Vậy mà dân Tây dùng những ổ khóa, ghi tên hai vợ chồng, hoặc hai người đang yêu, rồi khóa vào hàng rào sắt dọc lối đi dẫn vào nhà thờ trên đồi Monmartre, Paris. Hàng rào sắt trở thành hàng rào ổ khóa, không biết cơ man nào kể.

Có lẽ không chỉ của dân Gaulois. Du khách là những đôi uyên ương đến từ khắp nơi trên thế giới chắc không thể bỏ qua tập tục hiện đại này: bấm ổ vào hàng rào rồi vất chìa xuống sông Seine. Ông Tơ bà Nguyệt có đổi ý, xe duyên lại, cũng phải bó tay: sức lực đâu mà lặn xuống con sông sâu mấy thước, tìm cho ra cái chìa mở ổ khóa, thay đổi tơ duyên.

Chi chít các ổ khóa ghi tên các cặp tình nhân, có lẽ khắp nơi trên thế giới về đây du lịch. Nhìn kỹ, quý vị sẽ thấy tên tôi và một người nữa, bí mật cả đời nằm trên ổ khóa.

Xem ra tục này chẳng xi- nhê gì với người Việt Nam. Không cần khoá, vợ chồng sau khi cưới, dẫu có gặp đắng cay, u đầu mẻ trán, vợ chồng khó mà tan vỡ; phần lớn, người phụ nữ cam lòng chịu đựng để được tiếng vợ hiền, dâu thuận. Trong khi ly dị của những người phương Tây, giữ tình yêu bằng ổ khóa mà chìa liệng mất xuống sông, có tỉ lệ cao chót vót.

Mới hay, người VN có một ổ khóa khác kèm giữ hôn nhân chặt chẽ mãn đời: sự hy sinh của người phụ nữ? Hèn chi ở VN không thấy có chỗ nào ổ khóa tình yêu lồ lộ, tràn tràn như ở Pháp. Mấy cô, mấy bà “giấu kỹ” quá chăng?

THƯƠNG CÂY TRÁI QUÊ NHÀ

Không phải đứng núi này trông núi nọ , nhưng khi qua quê người tôi mới thấy thương quê nhà: trái cây.

Một quả đu đủ hơn 1 ký giá 20 euro (500 ngàn). Quả bơ không đắt bằng nhưng không thể ai thích thì mua ngay mà không chút đắn đo.

Trong khi ở quê nhà điệp khúc xót xa: được mùa mất giá hay được giá mất mùa. Tây nhìn trái cây ta mà thèm thuồng nhỏ dãi. Ta thì xem trái cây như rơm như rác vì ngập tràn số lượng, và ê hề chủng loại. Ở Đồng Nai, tôi từng chứng kiến người ta cho heo ăn chuối chín.

Hầu hết dân ta ở vùng nông nghiệp. Công nghiệp hoá và hiện đại hoá đang thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng để thanh niên kéo nhau ra phố tìm việc làm hay bỏ đại học đi lao động xuất khẩu là nỗi đau cho đất nước. Là nước nông nghiệp, người nông dân không khá hơn trên dải đất màu mỡ này hay sao?

Nghe nhiều tuyên bố “tầm nhìn” của nhà chức trách chúng ta tràn trề hy vọng. Nhưng có một cái, không thấy ai đưa vào tầm nhìn: biến sản phẩm nông nghiệp “thô” thành sản phẩm có giá trị cao nhờ chế biến.

Hạt điều là “đại gia “ của VN. Phần Lan là “tiểu tốt” về cây điều. Vậy mà tiểu tốt đem sản phẩm của đại gia vào siêu thị khắp nước; biến hạt điều rang, nước điều ép thành thực phẩm cao cấp, giá ngất ngưởng.

Đi Tây nhớ Ta

CỔNG TRỜI, ba năm trước

Đây là tên địa điểm du lịch sinh thái phía cực tây rừng núi Quảng Nam. Ngoài hang động có "cổng trời", nơi đây còn có thêm 10 thác nước rải rác, gần nhau, theo một lối đi lên đỉnh núi.

Cổng trời  là nơi cao nhất, lên đến đỉnh, người ta có thể lên luôn trời nếu có được một chiếc thang tre. Mây trắng la đà trên đỉnh núi.

Từ Đà Nẵng đi Cổng Trời khoảng 85 km. Nếu từ trung tâm cải tạo An Điềm mà đi thì khoảng 20 km. Đường lên Cổng Trời quanh co, uốn lượn, chân núi xếp chồng chân núi. Tuy xa nhưng đường lên này không nguy hiểm như đường lên Bà Nà hay Langbian, không có các đường "cùi chõ", dễ gây ra tai nạn giao thông.

Trên con đường vắng vẻ trong rừng ngày càng cao, du khách đi xe máy sẽ cảm thấy an tâm, chừng 10 cây số đồi dốc, họ sẽ bắt gặp các khung nhựa  đựng bia La Rue trước lề đường một hay hai ngôi nhà:người dân tộc ở vùng này đã biết uống bia, không hẳn mỗi rượu cần như xưa. Ngay cả xăng lẻ cũng có bán. Chạy xe máy không sợ thiếu xăng. Xin lưu ý: hơn 30 km đường rừng, chỉ có một chỗ bán xăng. Xe số tiện lợi hơn xe tay ga.

Nhiều khách yêu du lịch mạo hiểm sinh thái đều có đến Cổng Trời; họ thăm thú hang động và tắm suối nước nhiều gần như đoạn sông nhỏ. Mang thức ăn, bia rượu, bạt, võng...để có một picnic hiếm hoi ở rừng sâu, khí hậu mùa hè mát mẻ không kém Bà Nà là một may mắn.

Tôi và một người anh thạo đường rừng lại không may mắn như những du khách đi trước: Cổng Trời đang xây dựng, cấm người vào. Quy mô xây dựng các công trình như khách sạn, nhà ăn, chùa, các lối đi bậc thang đến các thác nước...thật hoành tráng. Chỉ thấy nhà ban quản lý như khách sạn 5, 6 tầng, người ta nghĩ ra tầm vóc khu du lịch ở rừng sâu trong tương lai, nghe nói có cả sân bay trực thăng, ở một vùng núi non từng là nơi đánh nhau ác liệt nhất, ngột ngạt bom đạn chiến tranh. Quê tôi tơi tả trong quá  khứ nay có được khu du lịch thế này cũng xứng đáng. Có những người phấn khích nói như thế. Nghe đâu công trình có thể kéo dài trên 10 năm và rất hoành tráng.

Mừng cho quê hương nhưng cũng rầu cho tôi, chẳng được vào Cổng Trời để tắm thác, thăm thú hang động, thiên nhiên.

Trong rủi có may, trong xui có hên; chúng tôi bắt gặp một con suối khá lớn, gần nơi định đến chừng 200 mét. Không thác thì khe, khe suối nước chảy xiết qua các tảng đá, nước trong như kính. Gởi xe trong 1 ngôi nhà làm quán duy nhất có sân khá rộng, đậu sẵn 1 chiếc xe con bóng lộn.

Nước suối mát chưa từng thấy giữa mùa hè miền Trung nóng nực. Dầm mình trong nước như khi còn 5, 6 tuổi ở quê, bắt chước người tiền sử, tôi thấy một cảm giác thú vị, thoát trần, tự do, không còn vướng bận nào trên cơ thể. Tôi nghĩ quý vị sẽ cảm thấy như chúng tôi nếu tắm như tôi nói giữa núi rừng mênh mông; không màng “quy chuẩn” đạo đức, truyền thống ràng buộc nào cả. Tắm tiên. Đắm mình trong dòng nước mát, leo lên ngồi trên tảng đá, cầm lon bia nhâm nhi từng ngụm, nghe tiếng róc rách của nước, thấy những bọt nước sưới trắng lăn tăn như bọt bia, nhìn bầy cá nhỏ vừa bơi vừa như quan sát, bắt đầu làm quen và thử mồi những mẩu bánh mì chúng tôi rứt nhỏ, thả xuống.

Chuyến du hành bỗng dưng trở nên thú vị, và thú vị hơn, chúng tôi may mắn gặp 1 cô gái tầm 26 tuổi chủ quán người Katu. Nếu không nghe giọng nói tiếng Việt chưa ngọt, tôi nghĩ cô ta là người Kinh, xinh xắn, có nụ cười duyên dáng. 16 tuổi bị mẹ ép lấy chồng, một thanh niên hơn 6 tuổi là trưởng thôn. Cô có hai con, đứa đầu 10 tuổi, đứa kế 6 tuổi. Nếu không "khai lý lịch", tôi nghĩ cô chưa có chồng.

Bắt ép lấy chồng, cô có yêu chồng không? Cô lưỡng lự không trả lời, mỉm cười e thẹn. "Làm cán bộ đi nhiều lắm, về nhà lúc nào cũng say vì giao tế với dân, với cấp trên. Tối về có khi ngủ luôn tới sáng" Cô gái Katu này chất phác.

Thấy buổi nói chuyện giữa 3 người kéo dài, có thể dẫn đến tình huống trên mức thân mật, có khi thành suồng sã, tôi chủ động đứng lên chào cô gái, dắt xe nổ máy, trở về nhà.

Nhìn kính chiếu hậu và qua khúc cua bên hông nhà, quay lại chào, tôi thấy cô gái đang dõi mắt nhìn theo chúng tôi.

Lúc nãy, cô ta nói, khi khu du lịch đang xây dựng, cả mấy năm, không thấy khách. Cô ta tâm sự có người nói chuyện đỡ buồn, nơi rừng sâu cô quạnh, nhất là người Kinh, họ ăn nói "hiểu biết" và "tình cảm".

Có lẽ cô không hiểu, thấy cô xinh xắn, ai cũng mong bắt chuyện, kể cả chúng tôi, những người trước đây hơn 40 năm là thanh niên, cùng mấp mếm tuổi nhau.

Trên đường về, tôi cảm thấy bâng khuâng, bỗng dưng nhớ mấy câu trong bài hát của Trần Hoàn:

"Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng". Ngược đời, lữ khách lại bâng khuâng chứ không phải cô gái duyên dáng này. Anh lữ khách bây giờ thành "ông" lữ khách...ông nội, ông ngoại rồi.

BIA ĐỨC

Khi biết tôi đi du lịch châu Âu, một người khuyên, nếu có đến Berlin hãy thưởng thức bia Đức.

Không là người ghiền bia nhưng tôi có khiếu cảm nhận bia ngon, bia dở, có khi vì tửu lượng nằm dưới trung bình. Quả thật,lần đầu tiên trong lịch sử uống bia, tôi thấy lời giới thiệu của người quen là đúng đắn. Ngon quá.

Không biết tả thế nào để quý vị cảm nhận được hai chữ “ngon quá”. Trước khi ngụm một hớp bia, tôi ngửi ra cái mùi thơm của hoa bia (houblon) trong tâm trí, dù chưa từng trực tiếp thấy nó. Sự tưởng tượng bao giờ cũng phong phú. Mường tượng ra hoa houblon làm nên ly bia sủi bọt, vàng óng, thơm lừng, cái vị ngòn ngọt, đăng đắng, lâng lâng ở đầu lưỡi, để lại một cảm giác tê tái trước khi hớp bia nhẹ nhàng đi vào bao tử. Tiếng A sung sướng nho nhỏ kéo dài, không khác tiếng Um hạnh phúc của một thiền sư vừa đắc đạo.

Trà tam rượu tứ. Uống rượu cần phải có người đối ẩm, mà bia lại cần…khẩn thiết hơn. Lần đầu tiên uống bia tươi (draft) tại vương quốc bia với một người anh quen qua Facebook. Anh định cư trên 30 năm tại Đức. Gốc người Hà Nội, kỹ sư từng tu nghiệp ở Trung Quốc, trông anh rất lịch lãm, dù trước đây, anh từng là…hạt giống đỏ. Tôi quen một số trí thức miền Bắc. Anh là một trong những người cởi mở và tiến bộ nhất, trong suy nghĩ của tôi. Thích nghi trào lưu tiến bộ xã hội khi chủ nghĩa cộng sản chứng tỏ sai lầm không dễ có ở những người tôi quen khi biết họ trưởng thành dưới mái trường XHCN.

Khi tôi vừa đến phi trường Berlin, anh nhắn tin mời tôi cà phê. Tôi hăng hái nhận lời ngay. Sáng sớm 8 giờ, anh và chị, chạy chiếc Audi cáu cạnh đến khách sạn khi tôi chưa kịp mở cửa đón ông bà.

Sau cà phê, ông bà đưa vợ chồng chúng tôi thăm một số nơi nổi tiếng của Berlin. (Tôi sẽ hầu chuyện quý vị trong những ngày tới, cảm nghĩ của mình về nước Đức). Nào đài tự do, công viên rừng (chỗ Trịnh Xuân Thanh bị tó), khải hoàn môn Brandenburg, bức tường ô nhục…

Nhưng phần thưởng thức bia Đức, đối với tôi, mới là quan trọng. Bởi nơi uống là “quê hương” thứ hai của người Việt tại Đức. Chợ Đồng Xuân. Nó toạ lạc trên khu đất rất rộng hàng mấy mẫu tây. Vào chợ, ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Việt không phải tiếng Đức bởi đa phần chủ tiệm là người miền Bắc đến từ Đông Đức cũ.

Ở nước ngoài, nghe ai nói tiếng Việt, dù không quen, bạn vẫn có ngay cảm tình, tình quê hương. Tất cả các loại rau quả bán ở đây đều có như ở VN; hoặc nhập qua, hoặc trồng tại chỗ.

Anh chị mới gặp mời vợ chồng tôi ăn trưa, phở. Thật buồn cười, đi Tây lại thích ăn Ta. Hơn 1 tháng xứ người, cái chúng tôi nhớ nhất là cơm, đôi đũa, ớt, nước mắm và cá khô. Đặc biệt là các loại rau thơm.

(Như) rượu Hồng Đào (Quảng Nam) chưa nhấm đà say

Phở Nam Định tại đây ngon còn hơn phở tôi ăn ở Sài Gòn. Thiên vị chăng? Không. Vị phở đúng Bắc, không pha như ở miền Nam. Nhưng thật ra không ngon bằng bia uống kèm.

Mỗi tối, tôi đều uống một lon bia, ngay cả khi du lịch nước ngoài; bia như ở Phần Lan khá đắt, 4 đồng/ lon (chừng hơn 100 ngàn. Nhưng chưa thưởng thức bia tươi. Và phải nói ngay, bia đóng chai, đóng lon, hương vị không bao giờ bằng bia tươi (draft). Cái nước có vị vừa nồng, vừa thơm, vừa ngọt, vừa đắng, có màu vàng đậm, sủi tăm, như bọt nước sông mùa lũ, lại vừa tê tái, khiến bia tươi hơn hẳn bia đóng chai, đóng lon. Tôi không hiểu vì sao.

Từ tốn nhâm nhi ly bia, anh chị chủ mời thêm ly nữa; trong bụng rất ưng nhưng tôi nhẹ nhàng thoái thác. Ở đời, cái gì thiếu mới quý. Thèm mà không uống nữa, bia nó mới ngon. Quý hồ tinh, không quý hồ đa. Huống hồ tinh hoa ẩm thực: bia Đức.

Anh Duong Gia còn nói, nếu tôi sắp xếp được, anh sẽ dẫn đến chỗ uống bia nấu trực tiếp. Ở đây phải chờ để uống. Và không phải uống ly mà phải uống “thước”, gọi là bia thước. Cô phục vụ lực lưỡng sẽ khênh một khung gỗ to dài chừng 1 mét chứa trên đó 10 hay 12 ly bia to đùng. Uống bia thước phải có bạn bè. Mỗi ly bia gần như một lít.

Uống bia như uống nước, tôi nghĩ, nước giải khát. Đó là lý do bia Đức rất rẻ. Ở Ý, ở Pháp bia rẻ hơn ở Phần Lan nhưng không rẻ bằng Đức. Vào siêu thị, thấy 1 lon (nửa lít) để giá 0,6 rồi 0,7 rồi cao nhất là 1 đồng, tôi sửa lại mục kỉnh để quan sát cho tường, có đúng vậy không. Và đúng thật. Ôi, cái xứ hạnh phúc nhất thế giới (Phần Lan) bia đắt như vàng trong khi ở Đức bia bán như cho. Của rẻ, của hôi. Không dám đâu. Rẻ mà ngon, chỉ có bia Đức.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC UỐNG BIA (với vợ)

- Không bị ép uống vì tửu lượng nam nữ khác nhau. Hơn nữa, chồng thường ép vợ chứ vợ không ép chồng.

- Lỡ có quá lời khi tửu nhập ngôn xuất, chồng cũng không bị bắt bẻ như uống với bạn bè hay cấp nhớn.

- Ít tốn tiền bia vì vợ tiết kiệm, và quan trọng nhất là “bả” giữ túi tiền.

- Không thể uống quá nhiều khi vợ luôn luôn nhắc: uống nhiều sẽ hại sức khỏe “của ông”.

- Khi nhậu xong với vợ, chồng không bao giờ bị sa ngã, ví dụ, ngả vào chỗ “nhạy cảm” nào đó.

- Chỉ vợ với chồng, nhậu sẽ không to tiếng. Chồng muốn cao giọng cũng phải dè dặt. Mất lòng vợ sẽ dẫn đến chấm dứt uống bia khi chồng muốn “lì một lam” nữa khi bia quá ngon.

- Bia vào lời ra, hứng lên, lỡ chửi bới nhà nước, chẳng sợ ai nghe ngoài vợ, nên được tiếng không mất lập trường, nghĩ sai quan điểm.

- Uống với vợ lỡ có say cũng được chở về bằng taxi; phụ nữ không thể dìu người say là đàn ông.

- Và điều quan trọng nhất, chỗ bia ngon, mắc tiền, chồng tha hồ uống, vì vợ là người chi tiền. Hầu bao sẽ không lưng bằng uống với bạn bè.

- Và điều quan trọng nữa: Tôi muốn xiển dương phụ nữ bình quyền. Tui nhậu bà cũng nhậu.

- Uống bia với vợ sẽ có nhiều sức khỏe, không phải: One beer a day keeps doctor away. Mỗi ngày một ly bia, bác sĩ cũng phải đi hia. Huống hồ nhiều ly.

- Phụ nữ rất dễ bị dụ dỗ. Uống ngà ngà xong, chồng dễ dàng dụ dỗ hơn, chẳng hạn “em có nhớ lúc cưới nhau, mình uống rượu giao bôi không?”.

Rượu giao bôi sao bằng bia giao bôi. Nhớ chớ. Ở nhà làm sao bằng khách sạn ngoại, bia ngoại, và nhứt là bà ngoại. Xin ngưng, nói thêm dễ sinh chuyện lắm.