Quan sát bức hình chụp lễ tiễn đội bóng nữ tham dự cúp thế giới (bên dưới), rất nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí bỉ bôi, châm biếm các quan chức đứng chần dần phía trước che khuất đội tuyển. Bởi họ quá to.
Chê bai các quan chức này giành lấy chỗ đứng danh dự, “ăn cỗ đi trước” là chưa thỏa đáng.
Ai là người tổ chức sắp xếp họ đứng trước chụp ảnh mới là người đáng trách. Nói rộng ra, trong tất cả các sự kiện quan trọng, nếu có sự tham dự của phía chính quyền, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, những người tổ chức sự kiện rất lấy làm hãnh diện. Từ lễ tựu trường tiểu học cho chí lễ tốt nghiệp đại học, sự có mặt của quan chức, đôi khi không thuộc ngành giáo dục, người dự và người tổ chức thưởng cảm thấy vinh hạnh.
Đảng lãnh đạo toàn diện; chính quyền là người thay mặt; sự có mặt của họ ở mọi hoạt động xã hội là lẽ đương nhiên. Nhưng, hoạt động nào cũng cần có họ, tôi muốn nói những sự kiện quan trọng, là điều chẳng tự nhiên chút nào. Viên chức chính quyền, chỗ làm việc của họ là ở cơ quan. Nếu phải có mặt ở những sự kiện phải có mặt thì chỉ một người chức vị cao nhất đến dự là tốt nhất.
Chỉ có một lễ tiễn mà hàng chục quan chức đến dự, báo chí nêu tên, chức vụ, và chắc chắn “sự có mặt của quý lãnh đạo là niềm vinh dự to lớn cho đội tuyển nữ quốc gia” (ấy là tôi suy diễn). Trong khi vinh dự to lớn đó phải là của đội tuyển.
Người ta dùng từ “ăn có” để ám chỉ các quan chức đứng án mặt các tuyển thủ là hơi oan. Họ không tự đứng chỗ đó. Ban tổ chức là người sắp xếp. Chính cái anh Ban này là người đáng trách. Mà cũng không đáng trách. Biết đâu, sắp xếp quan chức đứng trước là để “lấy lòng” cấp trên.
Quy ra “tội” gây ra phản cảm bức ảnh chụp phải “gom về” ông nhà báo. Chắc chắn lúc chụp hình lưu niệm với đội tuyển không lẽ chỉ có mỗi bức ảnh khó coi này. Biết đâu ông nhà báo này muốn “nấy nòng” các vị quan chức? Người chuộng thuyết âm mưu cho rằng, với bức chụp lên báo này, các vị quan chức kia sẽ bị cộng đồng mạng chửi “sấp mặt”. Cái này tôi nghĩ không có.
Chỉ đáng trách quan chức ở bức hình phản cảm này là: Các anh thiếu tự trọng. Khi được mời chụp ảnh, các anh phải nghĩ đến đội tuyển. Dù có mời đứng trước họ, các anh cũng nên từ chối. Nếu đối để lắm, một hay hai người trọng trách nhất đứng cùng đội tuyển. Người có lòng tự trọng và có văn hóa sẽ cảm thấy mình vinh dự vì chụp hình chung với đội tuyển chứ không phải đội tuyển vinh dự vì chụp hình chung với mình.
Qua bức ảnh dậy sóng, chúng ta có thể khẳng định, mọi hành vi và thái độ của quan chức đều được quần chúng soi rọi rất kỹ lưỡng. Do đó, nhà chức trách nên có những quy định cụ thể cho viên chức của mình những ứng xử ở đám đông hay trước quần chúng mỗi khi tham dự một sự kiện nào đó.
Sự quan tâm của nhà chức trách đúng mức ở những sự kiện trọng đại sẽ rất ý nghĩa. Nó tạo cơ hội cho chính quyền và nhân dân gần gũi hơn. Thể thao, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… sẽ thêm ý nghĩa sự có mặt của quan chức nhà nước không gây bão như sự kiện có bức hình vừa qua.
Thời VNCH, những sự kiện quan trọng thường có chính quyền tham dự. Họ không đến để dự rồi tiệc tùng. Vị đứng đầu ở địa phương thường là quận trưởng, tỉnh trưởng. Duy nhất một người được tiếp đón. Họ không dắt ban bệ theo. Nếu tôi không lầm, sau lễ họ về ngay. Ở thủ đô (Sài Gòn), tổng thống, văn phòng tổng thống, sẽ tổ chức vinh danh trong dinh tổng thống.
Và điều duy nhất, quan chức đầu quận, đầu tỉnh, và tổng thống hoặc phó tổng thống chỉ có mặt trong các lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, nghĩa là chỉ có mỗi ngành giáo dục. Các lãnh vực khác không hề có mặt mấy ổng. Có lần đội tuyển bóng đá VN hạ đội tuyển Nhật Bản, cả nước chỉ biết qua đọc báo, chưa bao giờ đội bóng chụp hình chung với bộ trưởng thể thao - văn hoá - thanh niên.
Người viết lại có vinh dự đó lúc là học sinh đệ lục (lớp 7, năm 1966). Phần thưởng là 20 cuốn vở, một chồng sách giáo khoa, và một cây bút máy. Ở hội trường rạp hát Phi Anh, Hội An, tôi khệ nệ ôm phần thưởng từ tay của ông tỉnh trưởng Quảng Nam. Ổng chỉ xoa đầu tôi. Chẳng có bức hình nào chụp ổng có tui đứng “ké”. Tôi và nhiều người bạn có thưởng đều nhớ mãi gương mặt, hình ảnh của vị quan chức đầu tỉnh, có thể cho đến giờ dù chẳng có 1 tấm hình; toà tỉnh không hề thiếu máy ảnh. Quan chức chính quyền đến để vinh danh học sinh xuất sắc, không phải học sinh xuất sắc vinh danh ông chính quyền.
Sự có mặt đúng lễ nghi của quan chức ở sự kiện quan trọng nó ý nghĩa như thế. Nhìn bức ảnh (bên dưới) mà kết luận “ăn cỗ đi trước” quả là oan, quá oan, còn hơn oan Thị Kính.