Con trai tôi nói, ở Phần Lan mà nhắc đến hai chữ thịt chó sẽ là chuyện không một người nào nghĩ tới, nếu không nói là kinh khủng đối với họ.
Mà thật. Mỗi buổi sáng đi bộ thể dục, những ngày rét căm căm, tôi bắt gặp người ta dắt chó đi bộ, trên các con đường hai bên cây thông còn động tuyết cuối mùa, cho chúng “dãn gân cốt”, khỏi cúm chân. Thỉnh thoảng chó ị, chủ nhân liền móc bọc lấy ra một túi ny lông, cho tay vào, kẹp lấy cục phân, rồi lộn ngược, bỏ vào bọc, có lẽ sẽ đem về nhà bỏ vào sọt rác.
Trên đường đi sáng nay, tôi gặp lại người phụ nữ đứng tuổi nhưng còn nét mặn mà (đương nhiên theo kiểu Tây, thân hình săn chắc, không phải kiểu Ta, liễu yếu mảnh mai) có con chó to như sư tử (có lần tôi nhắc tới trước đây). Sau câu nói chủ động trước, houmenta , chào buổi sáng, cô ta chỉ vào con thú cưng và nói he’s friendly, nó thân thiện lắm; ý là khoe con sư tử của mình.
Khác với lần trước, tôi không sợ hàm răng trắng nhởn, nhe ra khi người phụ nữ trấn an, he’s very nice, nó không sao đâu. Tôi lấy tay xoa đầu con thú to nặng mấy chục ký lô. Nó liếm vào tay tôi; buổi sáng 15 độ, hơi ấm từ miệng con chó làm tôi cảm thấy ấm áp hơn. Nhờ khen con chó, how gentle, hiền lắm, mà tôi làm quen và bắt chuyện với một người phụ nữ phương Tây khá là lịch lãm, dễ thương - mới chết chớ. Nếu ở VN, chắc chắn tôi sẽ xin số nhà hoặc số điện thoại, hoặc có thể là nickname Facebook.
Không phải mỗi một người phụ nữ này dắt chó đi bộ thể dục. Cung đường đi chừng 45 phút mỗi sáng, tôi không hề thấy ai ngoài bốn hoặc năm người dắt chó, hầu hết là phụ nữ. Tôi ít thấy đàn ông dắt chó. Có lẽ phụ nữ yêu chó hơn vì họ ít yêu đàn ông? Ấy là tôi nói phụ nữ phương Tây.
Tình cảm dành cho thú cưng nhất là con chó cho thấy văn hóa sống của ta khác Tây. Từ chỗ tiêu thụ hàng mấy triệu con chó mỗi năm, ngày nay, số người không ăn thịt chó tăng lên, số quán thịt có giảm xuống (theo một bài báo đọc trên VNExpress sáng nay), tôi rất vui.
Ít ra, dân tộc chúng ta vốn yêu mến thú nuôi như mèo và chó từ xưa. Không rõ, bắt đầu từ đâu nảy lên trào lưu ăn thịt chó, năm sau hùng hậu hơn năm trước. Hùng hậu đến nổi có câu vè, “sống trên đời không ăn thịt chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn”. Khác với ông cha ta thuở xa xưa, coi chó và mèo là thú nuôi trong nhà rất có ích. Chó giữ nhà, đôi khi là nhà cầu di động, giúp thanh toán chỗ thải của trẻ con nông thôn, chưa có nhà cầu, nhà xí như ngày nay. Mèo nuôi bắt chuột, bảo vệ lúa má. Họ lấy tin tưởng duy tâm ra để khuyên người ta không giết thịt chó mèo. Ví dụ: Ăn thịt chó khó cả đời; nghèo bán chó, khó bán con; ăn thịt mèo nghèo ba năm. Hay là quan niệm ăn thịt chó xui xẻo. Thịt mèo cũng vậy.
Ở Tây, người ta không ăn thịt chó vì coi chó như người bạn thân và rất trung thành. Nếu tức lên, chúng ta nện con chó một gậy. Nhưng sau đó, chiều đi làm về, con vật bị đòn là người đầu tiên chạy ra đón chúng ta với chiếc đuôi quấn quít mừng rỡ. Chưa chắc vợ đón ta tươi cười buổi chiều nếu buổi sáng nàng bị chồng nói nặng một câu, chớ nói chi bị tát một tai.
Hay là, quý trọng chó vì người Tây cảm thấy cô đơn hơn người Ta? Chó là bạn thân bên họ? Có thể. Nhưng giết thịt bạn thân là tội ác đối với họ và là chuyện thường ngày của người VN, người TQ, người Triều Tiên. Đối xử tàn nhẫn (giết thịt) với con vật trung thành là chó, tôi nghĩ vẩn vơ, ba dân tộc trên, đất nước ấy luôn có chiến tranh trong lịch sử quá khứ, tôi nhấn mạnh là nội chiến, nhiều nhất và ác liệt nhất chăng?
Đọc tin thấy dân Việt quay lưng với thịt chó, tôi mừng vô hạn. Sát sinh là tội đối với nhà Phật. Huống hồ, giết chó. Giết người bạn trung thành.
Ngày mai, đi bộ sớm, tôi sẽ hỏi phụ nữ dễ thương người Phần Lan có con chó sư tử (cũng dễ thương) xem bài lý luận về chó của tôi có làm chị quan tâm không. Chắc chắn là như thế. Ngày mai sẽ gặp lại giai nhân đứng tuổi nhưng còn quá trẻ (so với tôi).