Monday, September 5, 2022

HƯ HỌC

 Chí sĩ Phan Châu Trinh lên án thói ‘hư học’. Vì là hậu sinh, tôi không hiểu cụ nói thế để so sánh với thực học thế nào. Hư học theo thiễn ý, học vì danh chứ không học để hành. Chẳng hạn, cả trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đủ các loại ngành nhưng khi ra trường không tìm ra việc làm thích hợp bèn đổ xô đi tìm cái ngành duy nhất ‘chạy xe ôm’ công nghệ. Hàng ngũ này ngày càng lớn mạnh, năm sau nhiều hơn năm trước, thế nước nhờ đó lên cao.

Hư học có thể là ‘chạy theo thành tích’. Cần học sinh giỏi: có ngay, lớp học sinh giỏi gần hết, chỉ một vài em hạng khá, tuyệt đối không có trung bình. Cần nhiều học sinh xuất sắc để nâng cao thành tích? Chuyện nhỏ như con thỏ.
Hư học còn biểu hiện ở chỗ tiến sĩ, giáo sư ngày càng nhiều như lá rụng mùa thu. Hỏi có tiến sĩ nào chế một cái máy cắt lúa cho nông dân? Không. Hai lúa tự chế máy. Hai lúa có học hành ‘mẹ gì đâu’.
Hư học nói mãi cũng không hết. Nhưng có một cái thấy ngay: đó là các vị lãnh đạo sính đánh trống khai trường. Hình ảnh luôn luôn là biểu tượng. Quan chức cầm dùi đánh trống khai trường – hình ảnh trân quý dường nào. Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Cụ Phan Châu Trinh đề ra tiêu chí ấy hàng trăm năm trước. Cho đến nay nó vẫn còn ‘thời sự’. Khai dân trí đặt lên hàng đầu. Đánh trống khai trường, các quan chức muốn khai trí là ‘quốc sách’.
Hỡi ôi, nếu trí óc còn minh mẫn, tôi thấy kẻ đánh trống khai trường (tức khai dân trí) đều dễ dàng vào tù đếm lịch. Ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Đức Chung…những nhân vật sáng chói trên chính trường.
Vì sao như thế? Một: guồng máy chọn nhầm người; hai: người chọn nhầm guồng máy. Hình ảnh một người đánh trống khai trường rất đáng trân trọng. Nhưng có trân trọng không khi kẻ cầm dùi không đáng đánh trống ‘khai dân trí’? Hay chủ trương ‘giáo dục là quốc sách’ được các quan chức cán bộ chủ chốt này ‘vận dụng’ để đánh bóng tên tuổi mình đặng dễ dàng thăng tiến trên bước đường công danh?
Tôi là người được giáo dục dưới chế độ VNCH. Ở chế độ ấy, giáo dục có hẳn triết lý: Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Mỗi khi nhắc đến ‘chế độ cũ’ tôi hay bị phê phán, ngay cả về giáo dục: tiên tiến như thế sao sớm bị diệt vong. Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất (“la raison du plus forte est toujours la meilleure”). Tôi phải bó tay. Nhưng tôi muốn nói: các quan chức chế độ Sài Gòn rất quan tâm giáo dục dù đất nước trong thời chiến tranh.
Ở Hội An, nơi tôi trải qua thời niên thiếu, đền Khổng Tử (gọi là Khổng miếu) được xây dựng sau năm đảo chánh 1963. Kiến trúc này đồ sộ có thể sánh với Quốc Tử Giám ở Hà Nội dù Hội An chỉ là một thành phố nhỏ. Nơi rộng rãi nầy thường là chỗ để vinh danh học sinh học giỏi mỗi năm. Vị tỉnh trưởng sẽ đến đây để trao thưởng cho những em học hành xuất sắc của trường trung học công lập Trần Quý Cáp.
Các trường tư thục cũng không chịu thua trường công. Trường trung học Bồ Đề (mới đầu là cấp 2 sau đó có cả cấp 3) tổ chức vinh danh học sinh xuất sắc tại rạp hát Phi Anh. Rạp hát có thể chứa cả mấy tram người. Lúc học đệ lục, tôi là người được phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đích than trao phần thưởng học sinh ‘ưu hạng’ (đứng thứ nhì trong lớp). Một chồng vừa sách vừa vở nặng ứ hự nhưng tôi cảm thấy chẳng nặng tý nào. Lòng hân hoan cộng thêm sự vinh dự, tôi nhớ mãi những quan chức VNCH. Trong thời chiến, họ không quên đến những nơi nguy hiểm để xiển dương nỗ lực học tập của những cậu bé như tôi (rạp hát dễ bị quăng lựu đạn nếu có mặt quan chức chính quyền).
Nhìn các quan chức cầm dùi đánh trống khai trường ngày nay, tôi cảm thấy an ủi phần nào: tầng lớp bên trên còn quan tâm đến giáo dục như thế là điều đáng mừng. Than ôi, hình ảnh trân trọng ấy kéo dài không lâu. Một số người trong số họ không còn cầm dùi nữa, họ đang bị cầm tù.
Có xứng đáng không khi để những người không xứng đáng cầm dùi đánh trống khai trường – để khai dân trí?
Tốt nhất, quan chức hãy thôi, đừng cầm dùi nữa. Nhà trường hãy là nơi yên tĩnh để cho các em học tập. Nhà trường không cần những tiếng trống thùng thùng háo danh, hư danh. Háo đanh và hư danh là kết quả của hư học. Hãy để trường lớp cho thầy cô. Hãy để học sinh tự gióng lên tiếng trống khai trường, cho một năm học mới, cho một tương lai mới, không còn bóng hư học, hư danh.
(Bức tranh: "Lại điểm một " nổi tiếng của một họa sĩ người Nga tôi quên tên. Cả gia đình nhìn em khinh rẻ vì điểm em thấp. Chỉ có con chó mừng rỡ).

Friday, September 2, 2022

PHẬN ĐÀN BÀ



 Tôi là đàn ông nhưng ưa hỏi chuyện đàn bà, quý bà tuổi 50, 60. Đa phần họ đều có cháu, không nội thì ngoại, có bà lủ khủ cháu. Tôi hỏi họ có ai phải trông cháu, tức giữ cháu không. Hầu hết họ gật đầu và cũng hầu hết, nét mặt thoáng chút ưu tư (ấy là tại tôi tưởng tượng?).

Có bà nội than vãn: "tôi thương cháu, chứ không ưa con dâu. Mỗi lần đi làm về, nó chỉ hỏi con, hôm nay thế nào, con có vui không, có ai quát mắng con không. Tôi muốn chửi nó nhưng sợ con trai nghe được, nó buồn. Tôi làm gì để cháu tôi không vui, ai quát nạt con nó khi trong nhà chỉ có mỗi tôi?". Bà tức tối buông 1 câu khó chịu dù chỉ gặp tôi lần đầu: "Quá mất dạy".
Một bà khác, buồn bã hơn, không giận dâu nhưng lại "hờn" con. Bà kể, một lần bế cháu 2 tuổi vào buồng tắm, vô ý trợt té, đứa bé văng ra một góc, khóc thét, bà thì thở không ra hơi, nền gạch "nện" vào bờ mông xương xẩu, đau thấu trời. Con trai đang lướt web trên điện thoại, nghe tiếng thét, hốt hoảng băng qua cửa phòng, bế thốc đứa con, vỗ vỗ vào lưng, và quay qua mẹ quát to: "má không biết buồng tắm lúc nào cũng trơn hay sao? Già rồi mà quá vô ý". Nói đến đây, đôi mắt bà ánh đỏ, tôi vội ngắt ngang câu chuyện, sợ bà rơi nước mắt, thêm tội.
Không phải con cái, dâu rể, ai cũng như hai người tôi nói. Nhưng bà nội, bà ngoại, những người từng làm mẹ, ai cũng có đặc điểm chung: hết thương con rồi thương cháu, cả đời không "rứt" được cháu con.
Người phụ nữ VN truyền thống, hầu hết đều làm việc cần mẫn, yêu chồng, thương con, bỏ cả sức khỏe để chăm chút gia đình, cư xử hẳn hoi với gia nương bên chồng, hiếu thảo với cha mẹ. Cuộc sống ngày càng khác xưa, giá trị đạo đức ngày càng thay đổi chuẩn mực.
Có thời, con cái tố cáo và lên án cha mẹ, ông bà mình là địa chủ, ác ôn. Chiến tranh ập đến, dịch chuyển gia đình ra khỏi ranh giới làng xã, người nơi này phải bỏ đi nơi khác, cầm súng đánh nhau hoặc tránh đạn, tránh bom, tránh nơi máu đổ ở chỗ không phải quê hương, bổn xứ. Người đàn bà trong chiến tranh luôn luôn mang lấy số phận bất hạnh hơn nhiều so với người đàn ông, chưa kể, bất hạnh vô vàn nếu chẳng may chồng họ bỏ mình trong chiến trận.
Hết chiến tranh, cuộc sống không hơn trước, cái đói ám ảnh mọi nhà. Ăn không đủ, chưa thể nói no, người đàn bà vắt kiệt thân mình thành sữa để bảo bọc lấy con.
Ngày nay, người phụ nữ có cuộc sống khá hơn xưa nhưng liệu "phận đàn bà" có khá hơn không? Nếu ở nông thôn, họ sẽ vất vả việc đồng áng hơn người đàn ông. Nếu ở thành thị làm công nhân công nghiệp, họ vẫn thua thiệt rất nhiều. Có con đường bán thức ăn nào ở thành phố đàn ông đi chợ nhiều hơn phụ nữ? Trong căn phòng ở trọ chật hẹp, nếu có con dại, người phụ nữ nào không bận bịu hơn đàn ông?
Có gia đình cư dân đô thị nào, người phụ nữ ngồi xỉa răng, uống nước trà, đang khi người đàn ông dọn lấy chén bát, xếp cất nồi soong? Có người phụ nữ nào ngồi hàng giờ nơi quán bia, tán chuyện trên trời dưới đất, trong khi người đàn ông đang cho con bú, bên đống tã lót ngút ngàn, và không hề tỏ lời than thở?
Cuộc sống bộn bề sẽ bớt đa đoan nếu con người chia sẻ nhau, hiểu thấu nhau.
Nghe có vẻ đơn giản vì nói thì dễ nhưng thực hành rất cam go, nếu con người không hưởng một nền giáo dục nhân bản từ lúc nhỏ.
Nếu cô con gái và cậu con trai (nói ở đầu bài) được nuôi nấng trong môi trường giáo dục lành mạnh, thì hai bà mẹ sẽ không phải xót xa khi nói về những đứa con họ xé ruột đẻ ra.
Người ta cứ nghĩ, nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm hoàn toàn về giáo dục. Tôi thì nghĩ phần lớn giáo dục xuất phát từ gia đình. Không hẳn cha mẹ có bằng cấp cao, con cái sẽ được giáo dục tốt. Không, chính cái gương, chứ không phải cái bằng của họ.
(Bài cũ đăng lại)

Wednesday, August 31, 2022

MIKHAIL GORBACHEV: LÃNH TỤ SÔ VIẾT CÓ CÔNG KẾT THÚC CHIẾN TRANH LẠNH

 Để tưởng nhớ ân nhân của loài người:

Gorbachev và phu nhân Raisa



(Nhiều bài về Gorbachev nhưng tôi thấy bài này viết nhẹ nhàng, khái quát, và công tâm nhất - Xin dịch tặng quý vị đọc).
Ông chứng kiến sự tan rã của Liên Bang Sô Viết sau 70 năm khối này thống trị nhiều vùng rộng lớn ở châu Á và Đông Âu.
Tuy nhiên, khi nỗ lực cải cách từ năm 1985, ý định duy nhất của ông là hồi sinh nền kinh tế bế tắc và cải tổ chính trị.
Những nỗ lực ấy lại kéo theo hàng loạt biến cố dẫn đến sự chấm dứt của chế độ cộng sản, không những trong nội bộ Liên Sô mà lan sang cả các nước đàn em.
Michail Gorbachev sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931 ở một vùng nông thôn miền nam nước Nga.
Cha mẹ ông là xã viên hợp tác. Lúc còn thiếu niên ông từng giúp bố lái máy gặt đập liên hợp.
Ngày tốt nghiệp đại học quốc gia Moscow ông đã là đảng viên chính thức của đảng cộng sản Nga.
Khi trở lại quê hương mình cùng với người vợi mới cưới Raisa, ông nhanh chóng thăng tiến trong tổ chức đảng địa phương.
Gorbachev là một trong các nhà hoạt động trong đảng chán nản ngày càng nhiều các vị lãnh đạo già nua trong hàng ngũ chóp bu.
Năm 1961, ông làm bí thư đoàn thanh niên trong vùng và được cử về dự đại hội đảng toàn quốc.
LÀN GIÓ MỚI
Năm 1978, ông đến thủ đô với tư cách thành viên ban bí thư phụ trách nông nghiệp và chỉ với hai năm, ông được bổ nhiệm chính thức vào bộ chính trị.
Trong nhiệm kỳ của tổng bí thư Andropov, Gorbachev có dịp công du nước ngoài, trong đó có Luân Đôn năm 1984; ông gây ấn tượng khá mạnh mẽ đối với thủ tướng Anh bà Margaret Thatcher.
Trong bài phỏng vấn với BBC, thủ tướng cho biết bà rất lạc quan về quan hệ với Liên Sô. Bà nói: “Tôi thích ông Gorbachev. Chúng tôi có thể hợp tác với nhau”.
Gorbachev lẽ ra sẽ kế nhiệm Andropov sau khi ông này chết năm 1984 nhưng Konstantin Chernenko bịnh hoạn lại lên làm tổng bí thư.
Chưa tới một năm, tân tổng bí thư đi đời, và Gorbachev, ủy viên bộ chính trị trẻ nhất, lên thay.
Ông là tổng bí thư đầu tiên sinh sau cách mạng 1917, được xem là người mang làn gió mới sau những năm cai trị ngột ngạt của Leonid Brezhnev.
Cách ăn mặc chải chuốt và nói năng cởi mở của Gorbachev không giống bất kỳ vị tổng bí thư tiền nhiệm nào và vợ ông bà Raisa trông như đệ nhất phu nhân ở Mỹ hơn là vợ của một tổng bí thư.
THỊ TRƯỜNG TỰ DO
Nhiệm vụ đầu tiên của Gorbachev là hồi sinh nền kinh tế xô viết lụn bại đang bên bờ đổ sụp.
Ông rất am tường rằng, cần cải tổ bản thân đảng CS từ gốc tới ngọn một khi cải tổ kinh tế thành công.
Sách lược của Gorbachev biến hai chữ Nga trở nên nổi tiếng “perestroika” (cải tổ kinh tế) và “glasnost” (mở rộng chính trị).
Ông nói với các quan chức chủ chốt của Leningrad (sau trở lại tên cũ Saint Peterburg năm 1991): “Các ông phát triển kinh tế quá lẹt đẹt. Sản phẩm tồi của các ông là nỗi ô nhục”.
Nhưng đó không phải là ý định của ông muốn thay đổi kinh tế do nhà nước kiểm soát bằng kinh tế thị trường tự do – đó là điều ông khẳng định với các đại biểu đảng năm 1985.
“Một số vị coi thị trường là chiếc phao cho nền kinh tế. Nhưng, thưa các đồng chí, các vị không nên nghĩ đến chiếc phao mà hãy nghĩ đến chiếc tàu, và chiếc tàu ấy là chủ nghĩa xã hội”.
Vũ khí khác để đối phó với nền kinh tế trì trệ của ông, đó là dân chủ. Lần đầu tiên, quốc hội được tự do bầu cử.
THỬ NGHIỆM HÓC BÚA
Sự nới lỏng chế độ khắc nghiệt này lại gây ra rối loạn ở nhiều nước trong Liên Bang Sô Viết mênh mông. Các cuộc nổi dậy ở Kazakhstan tháng 12 năm 1986 báo hiệu cho một thời kỳ bất ổn sắp xảy ra.
Gorbachev muốn chấm dứt chiến tranh lạnh, thương thuyết thành công với tổng thống Ronald Reagan trong việc phá hủy một số vũ khí thông qua hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung.
Ông tuyên bố đơn phương cắt giảm lực lượng quy ước của Liên Sô và cuối cùng là chấm dứt sự chiếm đóng đẫm máu và tai tiếng ở Afghanistan.
Nhưng thử nghiệm hóc búa nhất đối với ông lại đến từ những nước bị Liên Sô cưỡng bức sáp nhập từ trước.
Sự cởi mở và dân chủ đưa đến việc lên tiếng đòi độc lập và ban đầu, Gorbachev dẹp bỏ bằng bạo lực.
Sự rạn nứt của Liên Bang Sô Viết bắt đầu từ các nước cộng hòa vùng Baltic. Latvia, Lithuania và Estonia tuyên bố tách khỏi Moscow, gây ra phản ứng dây chuyền, lan tới các đồng minh của Nga trong hiệp ước Vác-xa-va.
Đỉnh điểm xảy ra ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi, hưởng ứng cuộc xuống đường đông chưa từng thấy, các công dân Đông Đức, nước kiên định nhất trong các nước đàn em Sô viết, được tự do vượt biên giới đổ xô qua Tây Bá Linh.
Phản ứng của Gorbachev, không phải là điều xe tăng theo như cách trước đây để đàn áp sự chống đối trắng trợn, mà là tuyên bố, sự thống nhất nước Đức: chuyện nộ bộ của người Đức.
Năm 1990, Gorbachev nhận giải Nobel hòa bình “nhờ vai trò lãnh đạo của ông trong sự thay đổi mạnh mẽ giữa quan hệ Đông - Tây”.
Nhưng vào tháng 8 năm 1991, cánh cộng sản già nua ở Moscow không chịu đựng được nữa. Họ tiến hành đảo chính, bắt giữ Gorbahcev đang nghỉ mát ở Biển Đen.
Bí thư thủ đô, Boris Yeltsin, chớp cơ hội, phản đảo chính, bắt giữ những người biểu tình ủng hộ, tước mọi quyền hành của Gorbachev với điều kiện ông này muốn tự do.
Sáu tháng sau, Gorbachev biến khỏi vũ đài; đảng cộng sản bị đặt ra ngoài pháp luật và nước Nga khởi đầu cho một tương lai mới đầy bất định.
NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI
Gorbachev tiếp tục có tiếng nói trong các vấn đề ở Nga và quốc tế nhưng trong nước ông không được coi trọng bằng ngoài nước.
Thập niên 1990, ông đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới và giữ quan hệ với nhiều lãnh đạo quốc tế, vẫn còn là hình ảnh anh hùng đối với nhiều người không ở nước Nga và ông nhận nhiều giải thưởng vinh dự.
Nhưng ông nhận cú sốc lớn vào năm 1999 khi Raisa chết vì ung thư máu. Sự sát cánh của người vợ luôn là nguồn sức mạnh nhân ái ảnh hưởng lên nhiều cải cách chính trị của ông.
Gorbachev luôn chỉ trích tổng thống Vladimir Putin về việc điều hành một chế độ ngày càng nhiều trấn áp.
Gorbachev nói: “Chính trị ngày càng biến thành dân chủ giả hiệu khi quyền lực tập trung vào tay hành pháp”.
Tuy nhiên, năm 2014, Gorbachev lại bênh vực việc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga.
Gorbachev tuyên bố: “Trước đây, Crimea sáp nhập vào Ukraine dựa vào luật lệ sô viết, nghĩa là luật lệ của đảng, mà không hỏi ý kiến nhân dân, bây giờ chính nhân dân quyết định sửa chữa sai lầm đó”.
Nhân sinh nhật lần thứ 90 của Gorbachev vào tháng ba năm 2021, tổng thống Putin ca ngợi ông là “một trong những chính trị gia xuất sắc của thời đại, ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới”.
Và di sản mà Gorbachev tự đánh giá ra sao? Đó là: chấm dứt thể chế toàn trị, kết thúc chiến tranh lạnh, và cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhưng vẫn còn nhiều hối tiếc về cuộc đảo chính và sự chấm hết của Liên Bang Sô Viết. Nhiều người Nga quy cho ông chịu trách nhiệm về sự sụp đổ đó.
Dù là nhà chính trị thực tiễn và có lý luận, Mikhail Gorbachev không thể nào nhận ra rằng, chẳng bao giờ cải cách thành công nếu không phá vỡ chế độ cộng sản tập quyền mà hàng triệu người trong khối Liên Sô và bên ngoài, chẳng ai muốn nó nữa.

Monday, August 29, 2022

NHĨ THUẬN



 Ảnh: (Từ trái qua) giáo sư Nguyễn Văn Chương; dịch giả, nhà thơ Thiếu Khanh; nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Phú Yên; tác giả Ký Ức Sơ Sài Nguyễn Anh Khiêm; nhà văn Đào Hiếu; nhà soạn tự điển Hán Viêt Lâm Hữu Tài; facebooker Nguyễn Long Chiến; tác giả Đại tự điển Hán Việt Trần Văn Chánh.

Khổng Tử ’ tự bạch’ : Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập cổ lai hy (tuổi 30 lập thân, 40 ổn định, 50 thông suốt trời đất, 60 tai nghe sao cũng phải, 70 thì xưa nay hiếm).

Một số người thời nay lại chiếu vào lời này rồi cho ra ‘công thức ‘ cho mỗi giai đoạn của đời một ‘nam nhi’. Cần nghiên cứu thêm để phân định thời gian cho một đời người. Nhưng “lục thập nhi nhĩ thuận “, tôi thấy, rất đáng suy nghĩ. Tai nghe sao cũng phải có thể là cách chấp nhận khác biệt: đa nguyên. Sẽ không có ‘địch-ta’ trong tư tưởng. Ta luôn đúng, địch luôn sai. Cũng vì địch-ta mà VN đổ rất nhiều máu từ vấn đề bất đồng ý thức hệ.
Trong buổi gặp mặt một số vị “thất thập” ở Sài Gòn, tôi thấy rõ, ‘nhi nhĩ thuận’ chi phối suốt buổi nói chuyện ở các vị huynh trưởng, ai nấy đều trên 80, ngoại trừ 2 người thuộc diện ‘cổ lai hy’ (70 tuổi). Những quan điểm đưa ra trong buổi nói chuyện đôi lúc khác biệt và có điểm gây tranh biện. Sự tranh biện để vấn đề thấu đáo chứ không phải để tỏ ra hơn thua, đúng sai theo quan điểm ‘địch-ta’.
Nhĩ thuận chắc chắn không là ‘ba phải. Thật hiếm để có những buổi nói chuyện như thế bởi có người cùng ngồi trong bàn mới gặp nhau lần đầu, có người chưa hề biết nhau, dù có thể quen nhau trên mạng xã hội. Đây đích thị “duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác (Nguyễn Khuyến). Tuổi 60 trở lên đúng là lục thập nhi nhĩ thuận’?
(Ảnh từ trái sang: thầy Chương, giáo sư tiếng Anh; dịch giả, nhà thơ Thiếu Khanh; nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Phú Yên; tác giả Ký Ức Sơ Sài, thầy Nguyễn Anh Khiêm; nhà văn Đào Hiếu, tác giả cuốn sách nổi tiếng Lạc Đường; thầy Lâm Hữu Tài tác giả Tri Thức Cơ Bản Chữ Hán, “bình loạn” thời sự Nguyễn Long Chiến và học giả Trần Văn Chánh, tác giả Đại Tự Điển Hán Việt).

Sunday, August 28, 2022

THƯỜNG ĐỨC HAY THƯỢNG ĐỨC?

 Hai cái tên cùng địa danh này có lẽ xa lạ với quý vị nhưng rất gần gũi với tôi. Cũng có thể không xa lạ mấy nếu quý vị từng theo dõi tình hình chiến sự Việt Nam trước 1975. Cộng sản Bắc Việt rất khôn ngoan. Không khôn ngoan làm sao họ buộc de Castries phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ với hơn 18 ngàn quân. Trận Thường Đức (cấp quận) sau đó là trận Phước Long (cấp tỉnh) là cách quân Giải Phóng trắc nghiệm sự cam kết của Hoa Kỳ đối với VNCH sau hiệp định Paris 1973. Cả hai trận đánh, cộng sản Hà Nội mới nhận thấy Hoa Kỳ thực sự muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự”, họ không còn e ngại Mỹ, nghĩa là đối với Hoa Kỳ, số phận Sài Gòn “sống chết mặc bay”. “Bay” ở đây là VNCH và những người miền Nam chống cộng sản.

Thường Đức là một “trận đánh điểm” như thế. Ai từng sống dưới chế độ CHXHCNVN đều hiểu “điểm” là thế nào. Điểm nghĩa là thí nghiệm. Thí nghiệm có thể đúng, sai. Đúng thì tốt; sai thì sửa. Sửa sai hay sai thì sửa chẳng có hại gì. Người bị thí nghiệm mới bị hại. Người làm thí nghiệmsẽ thí nghiệm tiếp cho đến khi không còn sai. Nghĩa là thí điểm thành công. Thường Đức là trận đánh thí điểm hay thí nghiệm thành công. Đây là một quận lỵ chỉ một hay hai chục ngàn dân. Dân sống trong các “khu dồn” (theo suy nghĩ của Cách mạng) hay “trại tạm cư” (theo suy nghĩ của ‘Ngụy’).
Quân đội Bắc Việt đánh vào quận lỵ này ở cấp sư đoàn. (Nếu tôi không lầm, đấy là sư đoàn 320). Sau 11 hay 12 ngày cầm cự, quận lỵ Thường Đức thất thủ. Viên quận trưởng bị thương ở mắt quyết định tự tử, dung súng bắn vào đầu, không chịu để thuộc hạ cáng trên võng để đi theo quân rã ngũ tán loạn bỏ chạy. Vì là trận đánh ác liệt, số chiến sĩ Bắc Việt bị chết non 1000 người (bia hiện còn ghi tên trên tượng đài chiến thắng ở xã Đại Lãnh – trước là quận Thường Đức) những binh sĩ của quận bị bắt đều phải “học tập cải tạo” hơn 12 tháng cho đến ngày ‘giải phóng’, kể cả lính nghĩa quân (lính tuyển tại đại địa phương không thuộc biên chế chính quy quân đôi VNCH).
Đây là khai sinh của tôi. Thường Đức chứ không phải Thượng Đức. Sau 1975, Thường thành Thượng. Đau lòng.


Khi nhắc đến tên Thường Đức, không những đau lòng, mà tôi còn cảm thấy bùi ngùi; quê hương một thời của tôi bị mất tên; bị đổi tên cũng vậy. Thường Đức bỗng thành Thượng Đức. Quá đau lòng. Tên đã mất vì nó bị thay đổi. Thay đổi do sự cưỡng bức ngôn từ.
Thường Đức xuất xứ từ hai chữ tổng Đức Thượng. Sau này Đức Thượng đổi thành (xã) Thượng Quý. Lúc ông Ngô Đình Diệm ký tên thành lập quận mới, tách khỏi quận Đại Lộc cũ, Đức Thượng được gọi là Thượng Đức. Thời đó, Thượng là tên gọi người miền thượng; Kinh là tên gọi người miền xuôi (đồng bằng). Có những chợ phiên Kinh -Thượng ở quê tôi thời ông Diệm và cũng có khẩu hiệu do guồng máy của ông chỉ ra “Kinh-Thượng một nhà”, ý nói người Thượng, người Kinh đoàn kết. Khi đặt bút ký, theo một số nguồn tin sau này, Ngô Đình Diệm không muốn để chữ Thượng trong tên gọi mà cho sửa thành Thường, Thượng Đức thành Thường Đức (hiểu nôm na cái đức thường hằng).
Ông Diệm là người ích kỷ, có tinh thần dân tộc hẹp hòi. Ông ta không muốn quê tôi có Thượng chung sống. Thượng Đức phải là Thường Đức. Giống một suy nghĩ hẹp hòi khác của ông khi đặt tên Bảo Lộc. Bảo Lộc nguyên là B’lao. Tên gọi của dân tộc thiểu số vùng nổi tiếng trồng chè miền Nam. Khi đi kinh lý đến B’lao, ông hỏi tên địa danh, các tùy viên đáp lại tên theo cách gọi người dân tộc địa phương. Ông đam chiêu một chút rồi nói Bảo Lộc nên thay cho B’lao, “mọi” quá. Thế là B’lao biến thành Bảo Lộc. Giữ cái lộc của trời ban? Ngô Đình Diệm quả quá hẹp hòi về dân tộc. Ông muốn tất cả phải là Việt Nam. Hạnh phúc thay, Thượng Đức của quê tôi được ông cho sửa thành Thường Đức, một miền quê không có người Thượng (sau này gọi là dân tộc) sinh sống.
Thượng Đức có lẽ rất quen thuộc với cái sư đoàn Bắc Việt đã hy sinh gần một ngàn người để đánh chiếm nó năm 1974. Cái tên lại lạ lẫm và xa lạ đối với tôi một trong số những người con sinh ra tại vùng quê mà giấy khai sinh ghi là Thường Đức. Thượng Đức lai là tên gọi với hầu hết dân chúng vùng quê từng có tên gọi Thường Đức. Tên quận lỵ Thường Đức sinh ra tôi và một số người lại không phải là tên địa danh ghi trong giấy khai sinh của hầu hết những công dân sinh sau năm 1975. Thường Đức mất đi, mất đi vĩnh viễn, khi cái tên Thượng Đức đắp trên tượng đài chiến thắng rất hoành tráng trên ngọn đồi có trụ sở của một quận lỵ hiện ra uy nghi trước mắt của con dân một địa phương trước đây là Thường Đức.
Vì sao như vậy? Vì tên ấy do những người thuộc “bên thắng cuộc” đặt ra. Có người lý giải, những người còn sống trong đơn vị đánh chiếm quận lỵ Thường Đức không phân biệt dấu huyền với dấu nặng. “Dù” phát âm thành “dụ”. “Đù” phát âm thành “đ.”. Thường Đức thành Thượng Đức là chuyện thường tình. Tôi không tin lý giải này. Những người miền Bắc hầu hết đều thông thạo cách nói, cách phát âm. Giọng Hà Nội là giọng chuẩn cơ mà. Thượng Đức thay cho Thường Đức là ý muốn của họ.
Ngay cả điêu khắc gia hang đầu VN hiện đại, tác giả hai tượng đài chiến thắng quê tôi (nay là xã Đại Lãnh) , ông PVH cũng phải chấp nhận Thượng Đức chứ không phải Thường Đức khi đặt tên trên sáng tao hai biểu tượng chiến thắng đẫm máu của tỉnh Quảng Nam. Trí thức như thế huống hồ dân thường. Thường thành Thượng là lẽ đương nhiên. Thường Đức phải biến thành Thượng Đức. Lý kẻ mạnh bào giờ cũng nhất ?(La raison du plus fort est toujours la meilleure). Giả dụ, là kẻ mạnh, đánh chiếm Hà Nội, có người muốn xóa (mẹ nó cái tên quê mùa) Nhổn (trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn), được không?
Và có công bằng không, khi quý vị đánh chiếm quận Thường Đức, biến quê hương quen thuộc, nơi tôi chôn nhau cắt rún thành Thượng Đức, một cái tên xa lạ, vô tình, và hãnh tiến. Viết đến đây lòng tôi vẫn còn ấm ức. Tên quê hương tôi mất đi vì nó là tên của “bên thua cuộc” (chữ của Huy Đức)?

Friday, August 26, 2022

NGHĨ VĨ ĐẠI



Nhưng ít làm vĩ đại. Ngoại trừ đánh Mỹ, đánh Pháp, người Việt chẳng làm cái gì vĩ đại. Trong đầu lãnh đạo, VN sẽ là nước vĩ đại. Ví dụ: Hà Nội sẽ là thành phố của lương tri nhân loại hãy thành phố Hồ Chí Minh sẽ là “hòn ngọc Viễn Đông” trong tương lai (dù trong quá khứ Sài Gòn có tên như vậy). Vĩ đại nhất là VN sẽ cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020. Tương lai luôn luôn là niềm hy vọng của hiện tại. Nhờ lạc quan như thế nên dân lẫn quan luôn nằm trong top các nước hạnh phúc nhất thế giới dù mức sống hãy còn thuộc dạng “đang nghèo”.

Tôi mạnh dạn nhận xét như thế là có cái lý của mình. Nhìn vào cách quản lý vỉa hè ở cách đô thị tiêu biểu, quý vị sẽ thấy: nhếch nhác là cơ bản.
Khi du lịch qua Singapore, tôi thấy con cháu ông Lý Quang Diệu đáng nể hơn nhiều hậu duệ của cụ Hồ Chí Minh, cả hai vị đều được hai nước coi như hai anh hùng lập quốc.
Không phải họ sạch sẽ. Họ đáng nể ở tầm nhìn: làm đường, dù ở vùng xa trung tâm, họ luôn nghĩ đến người đi bộ. Họ dành hẳn lề đường cho người đi bộ. Có những lối cho người đi bộ khiếm thị nữa kia: những con đường lát gạch có gờ để những người mù có thể dùng gậy dò lối đi. Hầu như ở mỗi trạm xe điện đều có.
Khi khen đảo quốc nhỏ như Phú Quốc “văn minh”, tôi cũng áy náy và cảm thông cho VN chưa “văn minh” ( ở chỗ dành lề đường cho người đi bộ). Ở thành phố ta, lề đường không có ai …đi bộ. Đó là sự thật. Hoạ hoằn lắm, buổi sáng tinh mơ, có các bác lớn tuổi đi bộ thể dục. Cái này là nguyên do cho cái kia. Không có hệ thống xe buýt phủ khắp thì việc đi bộ không có là lẽ đương nhiên. Đường phố VN ồn ào, khói bụi, đầy người buôn bán, có chỗ tràn xuống lòng đường, thử hỏi, có ai đi “bách bộ “ thư giãn đâu mà cần lề đường? Chiếm dụng lề đường là lẽ đương nhiên. Nhưng nhà mặt tiền, chiếm lề đường để kinh doanh, buôn bán (để xe, đặt quầy) các chủ hộ coi lề đường là của họ. Có những chiếc xe hơi, hai bánh bị tạt sơn, đâm thủng lốp vì “dám” đỗ trước cửa tiệm, dù là trên mặt đường. Đã không dành lề đường cho khách bộ hành thì người sử dụng hay chiếm dụng lề đường, có ai phải trả phí “lề đường” cho chính quyền không? Hay xài chùa lề đường?
Nếu vì xe buýt chưa phổ cập, nếu vì ít hay không có người sử dụng lề đường thì ai chiếm dụng hay sử dụng chúng cần có nghĩa vụ phải đóng góp vào ngân sách quốc gia chớ.
Có ai thống kê bao nhiêu km lề đường được sử dụng ở các thành phố VN và số tiền nếu có đóng vào ngân sách nhà nước là bao nhiêu không?
Hay là mạnh ai nấy tính? Mạnh ai nấy chiếm. Và các bác đừng có ta thán về lề đường đấy nhá. Vì lề đường không phải là chuyện phù hợp cho “nghĩ vĩ đại”?

Tuesday, August 23, 2022

THẾ THƯỢNG PHONG CỦA BẮC KINH Ở BIỂN ĐÔNG (Beijing’s Upper Hand in the South China Sea)

 Bài của GREGORY POLING trên FOREIGN AFFAIRS (Mỹ) tháng 8 năm 2022.

Ông là nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Ông là tác giả cuốn “Trên vùng đất hiểm nguy: Thế kỷ Mỹ tại biển Đông” (On Dangerous Ground: America’s Century in the South China Sea). Bài tiểu luận này tóm tắt cuốn sách trên. Xin quý vị lưu ý, nó khác với bài báo, chỉ để đọc qua.
Từ thập niên 1980, hải quân giải phóng nhân dân (TQ) tìm cách trở thành lực lượng muốn chiếm cứ biển Đông. Họ chưa hoàn tất mục tiêu, nhưng gần hơn Hoa Kỳ, phải thừa nhận như vậy. Bồi đắp đảo nhân tao, mở rộng khả năng quân sự trong vùng, cộng với chương trình hiện đại hóa hải quân, không quân quy mô, gợi ra vấn đề nghiêm trọng cho khả năng quân đội Hoa Kỳ duy trì thế dẫn đầu trong khu vực. Đô đốc Davidson, cựu tư lịnh bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, điều trần trước thượng viện Mỹ năm 2018: Trung Quốc “ngày nay có khả năng kiểm soát biển Đông trong mọi tình huống nếu xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ”. Thực tế thì cán cân còn nghiêng về họ nhiều hơn nữa. Thực sự, Hoa Kỳ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc nhượng bộ biển Đông trong giai đoạn mở màn nếu xung đột với TQ.
Nhưng TQ lại không mong đánh nhau với hải quân Hoa Kỳ. Ngay cả TQ thắng, Bắc Kinh phải trả giá, thua nhiều hơn được. Điều TQ muốn thật sự là thuyết phục các nước ở châu Á thấy ra sự tranh giành vị trí dẫn đầu đã kết thúc. Mối nguy lớn nhất đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông không phải là việc Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh mà là các âm mưu thời bình của họ. Bằng cách sử dụng cảnh sát và dân quân biển — các lực lượng bán quân sự do nhà nước tài trợ, kiểm soát từ các tàu cá —từng bước khiến các nước láng giềng khó tiếp cận vùng biển của mình, TQ hạ thấp giá trị Hoa Kỳ là nước đỡ đầu an ninh khu vực.
Chiến lược “Đang ở phía trước” (“forward presence”) của Hoa Kỳ, thường xuyên triển khai lực lượng Mỹ ra nước ngoài, làm an tâm đồng minh và ngăn chặn kẻ thù, dựa vào sự đón tiếp từ các các đối tác. Ở biển Đông, đó là Singapore và Phillippines. Các nước này ngày càng tự hỏi, họ nhận được gì từ Hoa Kỳ để đổi lấy sự đón tiếp đó. Hải quân Mỹ có thể tự do đi lại ở biển Đông nhưng các nước Đông Nam Á thì bị loại khỏi vùng biển của mình bởi sự cản phá không ngừng của lực lượng TQ vào thời bình. TQ càng thúc ép, càng cậy dựa vào Mỹ dường như là canh bạc tồi – lợi cho Washington nhưng các đối tác thì không.
THẾ THƯỢNG PHONG
Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở biển Đông, các lực lượng Trung Quốc sẽ có lợi thế rõ rệt, những lợi thế mà họ đã gầy dựng nhiều năm. Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa các căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, một chuỗi đảo tranh chấp. Nhưng nỗ lực này sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và không chắc chắn vì lực lượng Hoa Kỳ ở quá xa khu vực và khả năng quân sự Trung Quốc xây dựng trên các đảo đã làm thay đổi cán cân quyền lực đang nghiêng về Trung Quốc. Các máy bay chiến đấu gần nhất của Mỹ đóng tại Okinawa, Guam, cách Trường Sa lần lượt là 1300, 1500 hải lý. Trung Quốc có 4 căn cứ không quân ở Biển Đông, không tính các cơ sở nhỏ hơn hoặc các căn cứ dọc theo bờ biển của họ. Họ có thể triển khai máy bay chiến đấu đến các hòn đảo trong các phi vụ chỉ trong nháy mắt. Với cơ cấu lực lượng hiện tại, Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng trời phía trên biển Đông trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào. Và lợi thế đáng kể của họ về lực lượng tên lửa sẽ biến biển Đông thành bia bắn súng. Rõ ràng, Hoa Kỳ khó có thể bảo vệ các tàu chiến của hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực.
Khả năng theo dõi tín hiệu và ra đa của TQ ở trên các đảo là rộng khắp, quan trọng nhứt, rất dày đặc. Lực lượng quân sự Hoa Kỳ khó che mắt chúng, nghĩa là, TQ sẽ nhìn thấy Hoa Kỳ từ xa. Và nhờ vào hệ thống vũ khí đất đối không, chống tàu, gây nhiễu, các đảo ấy có khả năng phòng thủ nhiều hơn người ta nghĩ.
Quy mô tuyệt đối cũng gây ra cảnh phức tạp: Căn cứ hải quân Trân Châu Cảng có thể lọt thỏm trong vũng bãi đá ngầm Subi, một căn cứ lớn thứ hai trong số các căn cứ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Căn cứ lớn nhất của họ, Đá Vành Khăn, gần bằng kích thước của Vành đai I-495 xung quanh Washington, D.C. Thêm vào đó, phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc được ngụy trang hoặc kiên cố hóa để chống lại cuộc tấn công. Sự kết hợp giữa quy mô và công sự này có nghĩa là, vô hiệu hóa các căn cứ phải cần tới hàng trăm tên lửa. Và Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dường của Hoa Kỳ không có vũ khí dự phòng, đặc biệt khi bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở biển Đông. Bất cứ thứ gì dành cho Trường Sa sẽ phải lấy ra khỏi sự phòng thủ dành cho Tokyo hoặc Đài Bắc. Bài toán vốn hóc búa ngày càng trở nên hóc búa hơn: Vị thế của Trung Quốc càng mạnh, khó hình dung lực lượng Hoa Kỳ hoạt động thế nào ở Biển Đông nếu xảy ra xung đột.
Không bên nào muốn một cuộc chiến như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra. Tháng trước, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Ely Ratner và phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Jung Pak, cho biết Washington ngày càng lo lắng về sự gia tăng mạnh mẽ trong các vụ cản đầu nguy hiểm máy bay quân sự Mỹ và Úc của máy bay quân đội TQ trên biển Đông. Một tàu của hải quân Trung Quốc lao tới trong vòng 45 mét suýt va vào tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur (của Mỹ), trong hoạt động tự do hàng hải năm 2018. Các tàu dân quân Trung Quốc còn hành xử hung hăng hơn. Những tính toán sai lầm là có thể xảy ra. Và mặc dù có các cơ chế ngăn chặn các sự cố, giảm thiểu leo thang , nhưng các tàu Trung Quốc hiếm khi tuân theo các quy trình cầu nối nhằm ngăn chặn hiểu lầm trên biển, và việc liên lạc trên các đường dây nóng quân sự nhằm giảm thiểu leo thang khủng hoảng thường không được trả lời.
Một rủi ro tiềm ẩn khác có thể xảy ra sự cố trong nhiều trường hợp các tàu chiến Trung Quốc chơi kiểu ‘rung cây nhát khỉ’ (play chicken) với các nước khác trong khu vực. Vào tháng 4 năm 2020, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Hoàng Sa, một chuỗi đảo tranh chấp khác trên biển Đông. Một con tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc cũng đã đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines vào tháng 10 năm 2019, khiến các thuyền viên lâm nạn cho đến khi được cứu bởi một tàu Việt Nam đi qua. Nhiều trường hợp khác, đặc biệt là khi tàu Trung Quốc hà hiếp các tàu của chính phủ Philippines đang vận chuyển hàng tiếp tế cho các tiền đồn ở Trường Sa, các vụ va chạm suýt đã xảy ra. Với số lượng tàu Trung Quốc triển khai đến vùng biển của các nước láng giềng và chính quyền Trung Quốc khuyến khích chúng hành xử bạt mạng, thiệt hại nhân mạng là khó tránh khỏi. Nếu điều đó liên quan đến Philippines, Hoa Kỳ có thể được yêu cầu đáp trả, theo Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi. Không làm như vậy sẽ chỉ đẩy nhanh việc mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng sự can thiệp vũ trang đòi hỏi Hoa Kỳ phải đẩy mạnh leo thang, đưa nước này tiến gần hơn chiến tranh với Trung Quốc. Và nếu cả hai bên cảm thấy buộc phải giữ thể diện thay vì giảm leo thang, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Cho dù cuộc xung đột kết thúc ra sao, mỗi bên đều mất nhiều hơn được.
CÂU GIỜ CHỜ THẮNG
Bên cạnh một cuộc xung đột quân sự có thể “từ chết tới bị thương”, còn có hai kết quả khác có thể xảy ra. Đầu tiên là cái đích Bắc Kinh muốn nhắm tới. Theo tình huống này, Trung Quốc o ép liên tục, tăng thêm rủi ro cho nước láng giềng đang hoạt động bình thường trên vùng biển của họ. Các nước không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào thăm dò dầu khí ngoài khơi và các hoạt động thương mại khác. Ngư dân mất kế sinh nhai; vì lực lượng dân quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc khiến cuộc sống của họ cơ cực hoặc vì (TQ ) đánh bắt quá mức và hủy hoại san hô làm cạn đi nguồn dự trữ (hải sản).
Hầu hết các nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cuối cùng cũng phải cam chịu và buộc phải chấp nhận những điều khoản Bắc Kinh đưa ra. Liên minh Mỹ-Phi có thể chấm hết khi Manila đúc kết chẳng mấy lợi ích khi chọc giận Bắc Kinh. Khả năng Hoa Kỳ triển khai sức mạnh ở biển Đông sẽ yếu dần đi khi TQ lớn mạnh. Các nước khác sẽ mạnh mẽ hơn khi tuyên bố quá mức chủ quyền hàng hải, càng làm hại thêm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Điều này sẽ bắt đầu với các tác nhân xấu như Nga hoặc Iran, nhưng rốt cuộc sẽ lan rộng khi các quốc gia tôn trọng luật lệ cảm thấy thua thiệt vì những tuyên bố quá mức của những nước láng giềng. Và TQ, tin vào sự đi xuống không tránh khỏi của Mỹ, sẽ thách thức luật lệ và các định chế, đăc biệt là ở châu Á. Ảnh hưởng thực sự sẽ là trật tự khu vực và quốc tế lung lay hơn, đe dọa hơn quyền lợi Hoa Kỳ và các đồng minh còn lại.
Một kết quả thay thế phù hợp sẽ bảo đảm lợi ích Hoa Kỳ ở mức độ hợp lý bằng cách thúc đẩy TQ đi đến một thỏa hiệp mà các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế có thể sống chung. Như các quan chức Mỹ tuyên bố từ thập niên 1990, bất cứ thỏa ước nào giữa các bên liên quan đều phải chiếu theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Điều này có nghĩa là TQ phải công nhận tự do hàng hải: Không cản trở việc tàu bè đi lại với mục đích buôn bán, tạo điều kiện đi lại cho hải quân nước ngoài, và quyền tài nguyên đối với các nước cùng vùng biển. Bất cứ thỏa thuận nào như thế giữa TQ và các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đạt được đều không bị o ép hay đi kèm vũ lực. May mắn là công ước đem lại nhiều cơ hội hòa giải nếu các bên thực lòng thực thi nghiêm túc.
Chi tiết của những thỏa thuận giữa TQ với các nước láng giềng không quan trọng đối với Hoa Kỳ. Mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ là khuyến khích TQ tìm kiếm thỏa hiệp rồi ủng hộ các đồng minh và đối tác của Washington trong các quyết định của họ miễn là hợp lý và hòa bình. Làm như thế đòi hỏi cần nỗ lực lâu dài để đặt ra cái giá để thúc đẩy TQ. Hoa Kỳ không thể làm một mình: Họ cần liên minh với các nước châu Á, châu Âu. Liên minh đó phải áp cái giá phải trả về ngoại giao và kinh tế cũng như tăng cường khả năng quân sự cho các nước Đông Nam Á, giúp ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của TQ. Từ 2016, Bắc Kinh đã ra tay trước và chẳng có lý gì mà chịu thỏa thuận. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu một số quốc gia quan trọng hành xử với TQ theo cách họ từng hành xử với các tác nhân xấu khác - chẳng hạn như với Nga. Rõ ràng điều đó sẽ làm hỏng chủ trương của TQ ở biển Đông. Nó còn cho thấy TQ hoặc là nước lãnh đạo thế giới hoặc là nước chuyên bắt nạt trong vùng, nhưng không thể cả hai.
Không có giải pháp quân sự nào ở biển Đông nhưng sự cứng rắn của Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò thiết yếu trong bất kỳ kế sách thành công nào. Một chiến dịch đa phương nhằm thay đổi toan tính của TQ qua sức ép ngoại giao, kinh tế, và pháp lý cần phải nhiều thời gian. Và trong khi đó, khả năng quân sự của TQ tiếp tục lớn mạnh. Áp lực lên các nước láng giềng mở rộng. Một điều duy nhất giúp các nước ấy có không gian và thời gian cần để thấy rõ chiến lược lâu dài là sự giúp đỡ quân sự của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và các đối tác an ninh phải tiếp tục giúp đỡ xây dựng tiềm lực cho khu vực. Nhưng vai trò quan trọng nhất mà quân đội Mỹ thực hiện là trực tiếp ngăn chặn trên danh nghĩa (bảo vệ) Phillippines, bố trí lực lượng đủ gần để đe dọa hữu hiệu việc đánh trả TQ nếu nước này dùng vũ lực tấn công Manila. Khi TQ mạnh họ sẽ trắc nghiệm sự gắn kết của liên minh Mỹ-Phi. Và nếu không có cách luân chuyển khí tài qua Phillippines, Hoa Kỳ ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp trả hiệu quả các hoạt động khiêu khích. Lấy ví dụ, nếu TQ sử dụng sức mạnh để loại bỏ tàu chiến mà Phi sử dụng như một tiền đồn ở bãi cạn Thomas Đệ Nhị trong vùng đảo Trường Sa thì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Guam và Okynawa chẳng còn ý nghĩa. Hoa Kỳ chỉ cần một lực lượng nhỏ phòng không và thiết bị tên lửa ở Phi đủ để đe dọa các tàu bè của TQ và đáp trả kịp thời các hoạt động khiêu khích nhỏ lẻ trước khi chúng leo thang. Manila và Washington gần đây đã nỗ lực tối tân hóa liên minh từng có của nhau, nhưng thời gian thì không còn.
Biển Đông chưa phải mất đối với Hoa kỳ và các đối tác. Nhưng không có quốc gia nào chấp nhận cách lý giải luật biển của TQ; cũng không quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh. Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò an ninh được trông cậy trong khu vực. Liên minh Mỹ-Phi còn đó và rõ ràng, ai cũng thấy. Vẫn còn đó con đường bảo đảm lợi ích của Hoa Kỳ ở mức chấp nhận được. Nó hẹp hơn, bất trắc hơn một vài năm trước. Nhưng đó là lý do để khẩn trương chứ không để thoái thác.
Nguyễn Long Chiến dịch từ https://www.foreignaffairs.com/china/beijing-upper-hand-south-china-sea