Chí sĩ Phan Châu Trinh lên án thói ‘hư học’. Vì là hậu sinh, tôi không hiểu cụ nói thế để so sánh với thực học thế nào. Hư học theo thiễn ý, học vì danh chứ không học để hành. Chẳng hạn, cả trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đủ các loại ngành nhưng khi ra trường không tìm ra việc làm thích hợp bèn đổ xô đi tìm cái ngành duy nhất ‘chạy xe ôm’ công nghệ. Hàng ngũ này ngày càng lớn mạnh, năm sau nhiều hơn năm trước, thế nước nhờ đó lên cao.
Hư học còn biểu hiện ở chỗ tiến sĩ, giáo sư ngày càng nhiều như lá rụng mùa thu. Hỏi có tiến sĩ nào chế một cái máy cắt lúa cho nông dân? Không. Hai lúa tự chế máy. Hai lúa có học hành ‘mẹ gì đâu’.
Hư học nói mãi cũng không hết. Nhưng có một cái thấy ngay: đó là các vị lãnh đạo sính đánh trống khai trường. Hình ảnh luôn luôn là biểu tượng. Quan chức cầm dùi đánh trống khai trường – hình ảnh trân quý dường nào. Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Cụ Phan Châu Trinh đề ra tiêu chí ấy hàng trăm năm trước. Cho đến nay nó vẫn còn ‘thời sự’. Khai dân trí đặt lên hàng đầu. Đánh trống khai trường, các quan chức muốn khai trí là ‘quốc sách’.
Hỡi ôi, nếu trí óc còn minh mẫn, tôi thấy kẻ đánh trống khai trường (tức khai dân trí) đều dễ dàng vào tù đếm lịch. Ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Đức Chung…những nhân vật sáng chói trên chính trường.
Vì sao như thế? Một: guồng máy chọn nhầm người; hai: người chọn nhầm guồng máy. Hình ảnh một người đánh trống khai trường rất đáng trân trọng. Nhưng có trân trọng không khi kẻ cầm dùi không đáng đánh trống ‘khai dân trí’? Hay chủ trương ‘giáo dục là quốc sách’ được các quan chức cán bộ chủ chốt này ‘vận dụng’ để đánh bóng tên tuổi mình đặng dễ dàng thăng tiến trên bước đường công danh?
Tôi là người được giáo dục dưới chế độ VNCH. Ở chế độ ấy, giáo dục có hẳn triết lý: Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng. Mỗi khi nhắc đến ‘chế độ cũ’ tôi hay bị phê phán, ngay cả về giáo dục: tiên tiến như thế sao sớm bị diệt vong. Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất (“la raison du plus forte est toujours la meilleure”). Tôi phải bó tay. Nhưng tôi muốn nói: các quan chức chế độ Sài Gòn rất quan tâm giáo dục dù đất nước trong thời chiến tranh.
Ở Hội An, nơi tôi trải qua thời niên thiếu, đền Khổng Tử (gọi là Khổng miếu) được xây dựng sau năm đảo chánh 1963. Kiến trúc này đồ sộ có thể sánh với Quốc Tử Giám ở Hà Nội dù Hội An chỉ là một thành phố nhỏ. Nơi rộng rãi nầy thường là chỗ để vinh danh học sinh học giỏi mỗi năm. Vị tỉnh trưởng sẽ đến đây để trao thưởng cho những em học hành xuất sắc của trường trung học công lập Trần Quý Cáp.
Các trường tư thục cũng không chịu thua trường công. Trường trung học Bồ Đề (mới đầu là cấp 2 sau đó có cả cấp 3) tổ chức vinh danh học sinh xuất sắc tại rạp hát Phi Anh. Rạp hát có thể chứa cả mấy tram người. Lúc học đệ lục, tôi là người được phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đích than trao phần thưởng học sinh ‘ưu hạng’ (đứng thứ nhì trong lớp). Một chồng vừa sách vừa vở nặng ứ hự nhưng tôi cảm thấy chẳng nặng tý nào. Lòng hân hoan cộng thêm sự vinh dự, tôi nhớ mãi những quan chức VNCH. Trong thời chiến, họ không quên đến những nơi nguy hiểm để xiển dương nỗ lực học tập của những cậu bé như tôi (rạp hát dễ bị quăng lựu đạn nếu có mặt quan chức chính quyền).
Nhìn các quan chức cầm dùi đánh trống khai trường ngày nay, tôi cảm thấy an ủi phần nào: tầng lớp bên trên còn quan tâm đến giáo dục như thế là điều đáng mừng. Than ôi, hình ảnh trân trọng ấy kéo dài không lâu. Một số người trong số họ không còn cầm dùi nữa, họ đang bị cầm tù.
Có xứng đáng không khi để những người không xứng đáng cầm dùi đánh trống khai trường – để khai dân trí?
Tốt nhất, quan chức hãy thôi, đừng cầm dùi nữa. Nhà trường hãy là nơi yên tĩnh để cho các em học tập. Nhà trường không cần những tiếng trống thùng thùng háo danh, hư danh. Háo đanh và hư danh là kết quả của hư học. Hãy để trường lớp cho thầy cô. Hãy để học sinh tự gióng lên tiếng trống khai trường, cho một năm học mới, cho một tương lai mới, không còn bóng hư học, hư danh.
(Bức tranh: "Lại điểm một " nổi tiếng của một họa sĩ người Nga tôi quên tên. Cả gia đình nhìn em khinh rẻ vì điểm em thấp. Chỉ có con chó mừng rỡ).