Bài của GREGORY POLING trên FOREIGN AFFAIRS (Mỹ) tháng 8 năm 2022.
Ông là nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Ông là tác giả cuốn “Trên vùng đất hiểm nguy: Thế kỷ Mỹ tại biển Đông” (On Dangerous Ground: America’s Century in the South China Sea). Bài tiểu luận này tóm tắt cuốn sách trên.
Xin quý vị lưu ý, nó khác với bài báo, chỉ để đọc qua.
Từ thập niên 1980, hải quân giải phóng nhân dân (TQ) tìm cách trở thành lực lượng muốn chiếm cứ biển Đông. Họ chưa hoàn tất mục tiêu, nhưng gần hơn Hoa Kỳ, phải thừa nhận như vậy. Bồi đắp đảo nhân tao, mở rộng khả năng quân sự trong vùng, cộng với chương trình hiện đại hóa hải quân, không quân quy mô, gợi ra vấn đề nghiêm trọng cho khả năng quân đội Hoa Kỳ duy trì thế dẫn đầu trong khu vực. Đô đốc Davidson, cựu tư lịnh bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, điều trần trước thượng viện Mỹ năm 2018: Trung Quốc “ngày nay có khả năng kiểm soát biển Đông trong mọi tình huống nếu xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ”. Thực tế thì cán cân còn nghiêng về họ nhiều hơn nữa. Thực sự, Hoa Kỳ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc nhượng bộ biển Đông trong giai đoạn mở màn nếu xung đột với TQ.
Nhưng TQ lại không mong đánh nhau với hải quân Hoa Kỳ. Ngay cả TQ thắng, Bắc Kinh phải trả giá, thua nhiều hơn được. Điều TQ muốn thật sự là thuyết phục các nước ở châu Á thấy ra sự tranh giành vị trí dẫn đầu đã kết thúc. Mối nguy lớn nhất đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông không phải là việc Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh mà là các âm mưu thời bình của họ. Bằng cách sử dụng cảnh sát và dân quân biển — các lực lượng bán quân sự do nhà nước tài trợ, kiểm soát từ các tàu cá —từng bước khiến các nước láng giềng khó tiếp cận vùng biển của mình, TQ hạ thấp giá trị Hoa Kỳ là nước đỡ đầu an ninh khu vực.
Chiến lược “Đang ở phía trước” (“forward presence”) của Hoa Kỳ, thường xuyên triển khai lực lượng Mỹ ra nước ngoài, làm an tâm đồng minh và ngăn chặn kẻ thù, dựa vào sự đón tiếp từ các các đối tác. Ở biển Đông, đó là Singapore và Phillippines. Các nước này ngày càng tự hỏi, họ nhận được gì từ Hoa Kỳ để đổi lấy sự đón tiếp đó. Hải quân Mỹ có thể tự do đi lại ở biển Đông nhưng các nước Đông Nam Á thì bị loại khỏi vùng biển của mình bởi sự cản phá không ngừng của lực lượng TQ vào thời bình. TQ càng thúc ép, càng cậy dựa vào Mỹ dường như là canh bạc tồi – lợi cho Washington nhưng các đối tác thì không.
THẾ THƯỢNG PHONG
Nếu xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở biển Đông, các lực lượng Trung Quốc sẽ có lợi thế rõ rệt, những lợi thế mà họ đã gầy dựng nhiều năm. Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa các căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, một chuỗi đảo tranh chấp. Nhưng nỗ lực này sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và không chắc chắn vì lực lượng Hoa Kỳ ở quá xa khu vực và khả năng quân sự Trung Quốc xây dựng trên các đảo đã làm thay đổi cán cân quyền lực đang nghiêng về Trung Quốc. Các máy bay chiến đấu gần nhất của Mỹ đóng tại Okinawa, Guam, cách Trường Sa lần lượt là 1300, 1500 hải lý. Trung Quốc có 4 căn cứ không quân ở Biển Đông, không tính các cơ sở nhỏ hơn hoặc các căn cứ dọc theo bờ biển của họ. Họ có thể triển khai máy bay chiến đấu đến các hòn đảo trong các phi vụ chỉ trong nháy mắt. Với cơ cấu lực lượng hiện tại, Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng trời phía trên biển Đông trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào. Và lợi thế đáng kể của họ về lực lượng tên lửa sẽ biến biển Đông thành bia bắn súng. Rõ ràng, Hoa Kỳ khó có thể bảo vệ các tàu chiến của hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực.
Khả năng theo dõi tín hiệu và ra đa của TQ ở trên các đảo là rộng khắp, quan trọng nhứt, rất dày đặc. Lực lượng quân sự Hoa Kỳ khó che mắt chúng, nghĩa là, TQ sẽ nhìn thấy Hoa Kỳ từ xa. Và nhờ vào hệ thống vũ khí đất đối không, chống tàu, gây nhiễu, các đảo ấy có khả năng phòng thủ nhiều hơn người ta nghĩ.
Quy mô tuyệt đối cũng gây ra cảnh phức tạp: Căn cứ hải quân Trân Châu Cảng có thể lọt thỏm trong vũng bãi đá ngầm Subi, một căn cứ lớn thứ hai trong số các căn cứ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Căn cứ lớn nhất của họ, Đá Vành Khăn, gần bằng kích thước của Vành đai I-495 xung quanh Washington, D.C. Thêm vào đó, phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc được ngụy trang hoặc kiên cố hóa để chống lại cuộc tấn công. Sự kết hợp giữa quy mô và công sự này có nghĩa là, vô hiệu hóa các căn cứ phải cần tới hàng trăm tên lửa. Và Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dường của Hoa Kỳ không có vũ khí dự phòng, đặc biệt khi bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở biển Đông. Bất cứ thứ gì dành cho Trường Sa sẽ phải lấy ra khỏi sự phòng thủ dành cho Tokyo hoặc Đài Bắc. Bài toán vốn hóc búa ngày càng trở nên hóc búa hơn: Vị thế của Trung Quốc càng mạnh, khó hình dung lực lượng Hoa Kỳ hoạt động thế nào ở Biển Đông nếu xảy ra xung đột.
Không bên nào muốn một cuộc chiến như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra. Tháng trước, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Ely Ratner và phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Jung Pak, cho biết Washington ngày càng lo lắng về sự gia tăng mạnh mẽ trong các vụ cản đầu nguy hiểm máy bay quân sự Mỹ và Úc của máy bay quân đội TQ trên biển Đông. Một tàu của hải quân Trung Quốc lao tới trong vòng 45 mét suýt va vào tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur (của Mỹ), trong hoạt động tự do hàng hải năm 2018. Các tàu dân quân Trung Quốc còn hành xử hung hăng hơn. Những tính toán sai lầm là có thể xảy ra. Và mặc dù có các cơ chế ngăn chặn các sự cố, giảm thiểu leo thang , nhưng các tàu Trung Quốc hiếm khi tuân theo các quy trình cầu nối nhằm ngăn chặn hiểu lầm trên biển, và việc liên lạc trên các đường dây nóng quân sự nhằm giảm thiểu leo thang khủng hoảng thường không được trả lời.
Một rủi ro tiềm ẩn khác có thể xảy ra sự cố trong nhiều trường hợp các tàu chiến Trung Quốc chơi kiểu ‘rung cây nhát khỉ’ (play chicken) với các nước khác trong khu vực. Vào tháng 4 năm 2020, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Hoàng Sa, một chuỗi đảo tranh chấp khác trên biển Đông. Một con tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc cũng đã đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines vào tháng 10 năm 2019, khiến các thuyền viên lâm nạn cho đến khi được cứu bởi một tàu Việt Nam đi qua. Nhiều trường hợp khác, đặc biệt là khi tàu Trung Quốc hà hiếp các tàu của chính phủ Philippines đang vận chuyển hàng tiếp tế cho các tiền đồn ở Trường Sa, các vụ va chạm suýt đã xảy ra. Với số lượng tàu Trung Quốc triển khai đến vùng biển của các nước láng giềng và chính quyền Trung Quốc khuyến khích chúng hành xử bạt mạng, thiệt hại nhân mạng là khó tránh khỏi. Nếu điều đó liên quan đến Philippines, Hoa Kỳ có thể được yêu cầu đáp trả, theo Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi. Không làm như vậy sẽ chỉ đẩy nhanh việc mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng sự can thiệp vũ trang đòi hỏi Hoa Kỳ phải đẩy mạnh leo thang, đưa nước này tiến gần hơn chiến tranh với Trung Quốc. Và nếu cả hai bên cảm thấy buộc phải giữ thể diện thay vì giảm leo thang, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Cho dù cuộc xung đột kết thúc ra sao, mỗi bên đều mất nhiều hơn được.
CÂU GIỜ CHỜ THẮNG
Bên cạnh một cuộc xung đột quân sự có thể “từ chết tới bị thương”, còn có hai kết quả khác có thể xảy ra. Đầu tiên là cái đích Bắc Kinh muốn nhắm tới. Theo tình huống này, Trung Quốc o ép liên tục, tăng thêm rủi ro cho nước láng giềng đang hoạt động bình thường trên vùng biển của họ. Các nước không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào thăm dò dầu khí ngoài khơi và các hoạt động thương mại khác. Ngư dân mất kế sinh nhai; vì lực lượng dân quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc khiến cuộc sống của họ cơ cực hoặc vì (TQ ) đánh bắt quá mức và hủy hoại san hô làm cạn đi nguồn dự trữ (hải sản).
Hầu hết các nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cuối cùng cũng phải cam chịu và buộc phải chấp nhận những điều khoản Bắc Kinh đưa ra. Liên minh Mỹ-Phi có thể chấm hết khi Manila đúc kết chẳng mấy lợi ích khi chọc giận Bắc Kinh. Khả năng Hoa Kỳ triển khai sức mạnh ở biển Đông sẽ yếu dần đi khi TQ lớn mạnh. Các nước khác sẽ mạnh mẽ hơn khi tuyên bố quá mức chủ quyền hàng hải, càng làm hại thêm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Điều này sẽ bắt đầu với các tác nhân xấu như Nga hoặc Iran, nhưng rốt cuộc sẽ lan rộng khi các quốc gia tôn trọng luật lệ cảm thấy thua thiệt vì những tuyên bố quá mức của những nước láng giềng. Và TQ, tin vào sự đi xuống không tránh khỏi của Mỹ, sẽ thách thức luật lệ và các định chế, đăc biệt là ở châu Á. Ảnh hưởng thực sự sẽ là trật tự khu vực và quốc tế lung lay hơn, đe dọa hơn quyền lợi Hoa Kỳ và các đồng minh còn lại.
Một kết quả thay thế phù hợp sẽ bảo đảm lợi ích Hoa Kỳ ở mức độ hợp lý bằng cách thúc đẩy TQ đi đến một thỏa hiệp mà các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế có thể sống chung. Như các quan chức Mỹ tuyên bố từ thập niên 1990, bất cứ thỏa ước nào giữa các bên liên quan đều phải chiếu theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Điều này có nghĩa là TQ phải công nhận tự do hàng hải: Không cản trở việc tàu bè đi lại với mục đích buôn bán, tạo điều kiện đi lại cho hải quân nước ngoài, và quyền tài nguyên đối với các nước cùng vùng biển. Bất cứ thỏa thuận nào như thế giữa TQ và các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đạt được đều không bị o ép hay đi kèm vũ lực. May mắn là công ước đem lại nhiều cơ hội hòa giải nếu các bên thực lòng thực thi nghiêm túc.
Chi tiết của những thỏa thuận giữa TQ với các nước láng giềng không quan trọng đối với Hoa Kỳ. Mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ là khuyến khích TQ tìm kiếm thỏa hiệp rồi ủng hộ các đồng minh và đối tác của Washington trong các quyết định của họ miễn là hợp lý và hòa bình. Làm như thế đòi hỏi cần nỗ lực lâu dài để đặt ra cái giá để thúc đẩy TQ. Hoa Kỳ không thể làm một mình: Họ cần liên minh với các nước châu Á, châu Âu. Liên minh đó phải áp cái giá phải trả về ngoại giao và kinh tế cũng như tăng cường khả năng quân sự cho các nước Đông Nam Á, giúp ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của TQ. Từ 2016, Bắc Kinh đã ra tay trước và chẳng có lý gì mà chịu thỏa thuận. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu một số quốc gia quan trọng hành xử với TQ theo cách họ từng hành xử với các tác nhân xấu khác - chẳng hạn như với Nga. Rõ ràng điều đó sẽ làm hỏng chủ trương của TQ ở biển Đông. Nó còn cho thấy TQ hoặc là nước lãnh đạo thế giới hoặc là nước chuyên bắt nạt trong vùng, nhưng không thể cả hai.
Không có giải pháp quân sự nào ở biển Đông nhưng sự cứng rắn của Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò thiết yếu trong bất kỳ kế sách thành công nào. Một chiến dịch đa phương nhằm thay đổi toan tính của TQ qua sức ép ngoại giao, kinh tế, và pháp lý cần phải nhiều thời gian. Và trong khi đó, khả năng quân sự của TQ tiếp tục lớn mạnh. Áp lực lên các nước láng giềng mở rộng. Một điều duy nhất giúp các nước ấy có không gian và thời gian cần để thấy rõ chiến lược lâu dài là sự giúp đỡ quân sự của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và các đối tác an ninh phải tiếp tục giúp đỡ xây dựng tiềm lực cho khu vực. Nhưng vai trò quan trọng nhất mà quân đội Mỹ thực hiện là trực tiếp ngăn chặn trên danh nghĩa (bảo vệ) Phillippines, bố trí lực lượng đủ gần để đe dọa hữu hiệu việc đánh trả TQ nếu nước này dùng vũ lực tấn công Manila. Khi TQ mạnh họ sẽ trắc nghiệm sự gắn kết của liên minh Mỹ-Phi. Và nếu không có cách luân chuyển khí tài qua Phillippines, Hoa Kỳ ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp trả hiệu quả các hoạt động khiêu khích. Lấy ví dụ, nếu TQ sử dụng sức mạnh để loại bỏ tàu chiến mà Phi sử dụng như một tiền đồn ở bãi cạn Thomas Đệ Nhị trong vùng đảo Trường Sa thì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Guam và Okynawa chẳng còn ý nghĩa. Hoa Kỳ chỉ cần một lực lượng nhỏ phòng không và thiết bị tên lửa ở Phi đủ để đe dọa các tàu bè của TQ và đáp trả kịp thời các hoạt động khiêu khích nhỏ lẻ trước khi chúng leo thang. Manila và Washington gần đây đã nỗ lực tối tân hóa liên minh từng có của nhau, nhưng thời gian thì không còn.
Biển Đông chưa phải mất đối với Hoa kỳ và các đối tác. Nhưng không có quốc gia nào chấp nhận cách lý giải luật biển của TQ; cũng không quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh. Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò an ninh được trông cậy trong khu vực. Liên minh Mỹ-Phi còn đó và rõ ràng, ai cũng thấy. Vẫn còn đó con đường bảo đảm lợi ích của Hoa Kỳ ở mức chấp nhận được. Nó hẹp hơn, bất trắc hơn một vài năm trước. Nhưng đó là lý do để khẩn trương chứ không để thoái thác.
Nguyễn Long Chiến dịch từ https://www.foreignaffairs.com/china/beijing-upper-hand-south-china-sea