Xin thắp một nén nhang cho những người đã khuất.
Bản chất người Việt là nhanh mủi lòng trước các nỗi đau thương. Nhưng họ cũng nhanh quên đi nguyên do gây ra đau thương ấy. Cái chết của 56 người trong vụ cháy vừa qua ở Hà Nội cũng sẽ nhạt nhòa theo ngày tháng khi cả trăm triệu dân Việt đang cuốn hút vào cuộc mưu sinh chật vật mỗi ngày.
Theo ước tính có 2000 ‘chung cư mini’ tại Hà Nội và (nghe đâu) 42.200 cái nữa ở Sài Gòn. Không rõ quy mô thế nào, chung cư mới gọi là mini (tức là ‘nhỏ’). Trong lúc nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, sự có mặt của các chung cư ấy là một đóng góp tích cực. Không thể vì sự cố chết người ở chung cư mini Khương Hạ, vai trò của loại nhà ở này cần phải xem xét xóa bỏ. Có thể nói, càng nhiều chung cư mini có tình trạng như cái đã cháy, an sinh người dân càng trở nên mờ mịt; một khi nhà ở xã hội của chính phủ không xúc tiến nhanh chóng, kịp thời và mạnh mẽ.
Để các chung cư mini an toàn, nhất là vấn đề hỏa hoạn, tôi nghĩ có mấy cách:
- Buộc tất cả các chủ chung cư, ngay ngày hôm nay, phải rà soát toàn bộ lại hệ thống phòng chống chữa cháy, với sự giúp sức của những người chuyên môn từ các cơ quan thẩm quyền.
- Nếu chung cư nào không đáp ứng tối thiểu biện pháp phòng chống cháy phải ngừng hoạt động. Điều này khó khăn, các chủ nhà lỡ mua thì phải dọn đi đâu? Nhưng hiện nay, theo luật xây dựng, một ngôi nhà đơn vẫn phải tuân thủ quy định về phòng chống chữa cháy. Chắc chắn các chung cư mini tối thiểu cũng phải đáp ứng quy định ấy.
- Các chung cư mini- kể cả chung cư quy mô- đều phải nghiêm cấm các cư dân tự ý thay đổi cấu trúc bên trong căn hộ. Tôi thấy nhiều chủ nhà đập bỏ, cắt đục, một số bức tường xây, để cải tạo lại theo ý muốn, mà không hề để tâm đến nguy cơ làm suy yếu kết cấu chung cư.
- Đối với việc thay đổi cấu trúc bên trong nơi ở chung cư theo ý muốn của chủ nhà, mọi thay đổi phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, nghĩa là, thợ điện, thợ xây, thợ trang trí nội thất, thợ đặt ống nước…đều phải có giấy phép hành nghề của nhà nước cấp. Những người này phải nằm trong một công ty có đăng ký pháp nhân, nghĩa là ban quản trị công ty phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra sau này vì sự bất cẩn hay sơ sót trong quá trình thi công, sau thi công, gây hậu quả nguy hiểm.
- Các cư dân trong chung cư đều phải mua bảo hiểm nhà ở. Công ty bảo hiểm chính là người sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Công ty này sẽ trả tiền sửa chữa cho chủ nhà khi người sửa chữa có giấy phép hành nghề. Nghiêm cấm chủ nhà tự động sửa chữa hay lắp mới bất kể cấu trúc có sẵn trong mỗi chung cư. Nhiều vụ cháy nhỏ, không thiếu các vụ cháy lớn, xảy ra khi chủ nhà tự động thiết kế các đường dây dẫn điện. Cư dân thường nghĩ, nhà mình mình có mọi quyền. Từ nay, suy nghĩ đó cần phải chấm dứt: vì sự an toàn chung trong cộng đồng dân cư.
- Khi sự cố xảy ra, ví dụ như vụ cháy chết người vừa qua, ngoài chủ chung cư , những ai liên quan đến việc cấp phép xây dựng, thiết kế an toàn điện, phòng chống chữa cháy, mà không kiểm tra việc xây dựng, thực thi, đúng quy định, để xảy ra sự cố chết người, đều phải bị đưa ra tòa xét xử. Chính quyền quản lý cơ quan hữu trách, người đứng đầu, cũng phải chịu trách nhiệm liên đới kể cả những người về hưu, thậm chí đã chết (để tăng mạnh sự răn đe, nghiêm minh của luật pháp. Không thể chết là hết trách nhiệm).
- Để hạn chế việc hối lộ, ví dụ tình trạng ‘phạt cho tồn tại’, quy chế ưu ái cần lưu ý cho những người có trọng trách thực thi công vụ. Cái này hơi khó nhưng không phải không làm được. Ở Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời từng cho phép trợ cấp mỗi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường mỗi tháng 5 triệu động, gọi là tiền ‘dưỡng liêm’. Tuy sai quy định chung nhưng việc làm này có ý nghĩa giúp người thực thi công vụ ‘an tâm’ công tác, không vì đời sống còn khó khăn mà làm sai lệch nhiệm vụ của mình.
- Tôi để ý nơi dễ cháy nhất và ‘nguy hiểm’ nhất của chung cư là nơi để xe máy, thường là tầng hầm (chung cư lớn), tầng trệt (nếu là chung cư nhỏ). Nơi này cần buộc chủ đầu tư kinh doanh nhà ở phải hết sức chú trọng. Các camera quan sát cần được theo dõi thường xuyên, nhất là ban đêm. Các thiết bị báo cháy cần ưu tiên đặt ở nơi này. Các bình chữa cháy cần bố trí những nơi thuận tiện nhất. Ai cũng có thể trở thành ‘nhân viên cứu hỏa’ nếu hỏa hoạn xảy ra. Nguyên tắc hàng đầu của chữa cháy là dập tắt tức thời nơi phát ra ngọn lửa. Đốm lửa dễ chữa hơn rừng lửa.
- Tất cả người trên 18 tuổi, sống trong chung cư, đều phải có giấy chứng nhận (1) tập huấn phòng chống chữa cháy. Có tình trạng, ban quản lý chung cư mời cảnh sát phòng chống cháy đến với phương tiện chữa cháy đầy đủ. Cư dân đứng xem như là xem phim, xem kịch mà không hiểu, các hướng dẫn của các nhân viên cảnh sát chữa lửa sẽ cứu mạng sống của mình một khi biết được cách xử trí lúc chung cư mình ở nằm trong ‘đống lửa’. Chỗ này cũng cần thêm: Đừng vì có vài trăm, vài chục bỏ túi mà giấy chứng nhận tập huấn PCCC cấp ra rào rào. Người làm lơ cho chủ chung cư mini nâng cấp xây dựng từ 6 tầng thành 9 tầng gián tiếp nhúng tay vào tội ác giết chết 56 người vừa qua. Tang tóc và vết cắt đau thương của biết bao gia đình không biết khi nào nguôi ngoai, lành lặn.
- Nhà chức trách nơi có các chung cư mini cần có thái độ cởi mở, hiểu thấu, thể hiện bằng việc làm, giúp đỡ bằng biện pháp trong chức năng sẵn có, các chủ nhân các chung cư ấy thực hiện, càng nhiều càng tốt, các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Chung cư yên bình thì người dân yên bình. Quý vị từng nói, hạnh phúc của người dân là mục đích cao nhất của mình mà.
Các chung cư mini này là nơi những người ‘yếu thế’ trong xã hội sinh sống. Họ càng được quan tâm hơn. Những người ‘không yếu thế’ đều có nhà riêng an toàn hay mua các căn hộ ở những chung cư cao cấp, vấn đề an toàn mạng sống được đảm bảo tối đa. "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ) mà ông Hồ từng nhắc, đừng có làm ngược lại “chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”(2).
Thời buổi này mà còn nói đến luân lý, như câu nói của người xưa qua lời nhắc lại của ông Hồ Chí Minh từng nói với cán bộ mấy chục năm trước, tôi không nghĩ là ‘lạc hậu’ hay ‘lạc lõng ’. Con người Việt Nam, dù theo chủ nghĩa nào đi nữa, đều có phần sâu thẳm bên trong: tình thương yêu đồng bào.
Hãy quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Hãy chú ý đến họ, những người đang sinh sống trong những nơi ở ‘thiếu thốn’ ‘thiếu tiện nghi’, xa trong hẻm, trong ngách, mà chúng ta gọi là chung cư mini, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn.
Ghi chú:
(1) Ở Phần Lan, cái gì cũng có giấy phép. Vào siêu thị, thấy có rất nhiều cần câu máy, tôi định mua một hai chiếc vì giá khá mềm. Con tôi bảo, không được vì muốn sở hữu chúng, người mua phải có giấy phép câu cá. Người có giấy sẽ biết cá nào được câu, cá nào cấm câu; câu vào mùa nào hoặc cách thức câu, quăng câu thế nào không móc vào người đứng cạnh; lưỡi câu mắc vào vật chìm, người câu phải biết cách xử lý và phải biết bơi nữa. Chứ không phải hứng lên là xách cần đi câu. Phần Lan là nước có rất nhiều hồ nước( trên 188. 000 cái). Giấy phép 'lung tung': Sửa ống nước, cầu tiêu, bắt dây điện...đều phải có giấy hành nghề. Không vì sợ tốn, chủ nhà muốn làm gì trong nhà cũng được. Mọi nhà ở đều có mua bảo hiểm. Mọi thay đổi sẽ không được thanh toán tiền mà phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 463.