Friday, July 7, 2023

TẢN MẠN: PHẢN ĐỘNG

(Nhân một học sinh thi lớp 10 đậu thủ khoa với bài văn dài 21 trang viết trong 3 giờ).

Trước 1975, ở miền Nam chúng tôi không nghe hoặc ít nghe hai chữ PHẢN BIỆN. Báo chí có thể PHẢN BÁC tuyên bố của một viên chức chính quyền, hoặc ngay cả tuyên bố của tổng thống (quyền uy không thua tổng bí thư) nếu tuyên bố ấy “tà lơ” (tầm phào). Ví dụ: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (nguyên là trung tướng) tuyên bố từ chức để trở về hàng ngũ quân đội khi Sài Gòn sắp thất thủ. Vài hôm sau, có tin đồn, tổng thống sẽ có mặt ở Đài Loan. Báo diễu nhại ông: “Đất nước còn, tôi ở Sài Gòn, đất nước mất tôi đi ngoại quốc”.

Do lối học thoát thai đặc trưng phương Tây từ Pháp (Nam kỳ là thuộc địa) cho tới Mỹ (thời chiến tranh), sinh viên, ngay cả học sinh, dưới chế độ VNCH rất quen thuộc với phản bác, phản biện. Không cứ chi tây, ta cũng có từ: học hỏi. Học hành hiệu quả nếu tri hành hợp nhất. Học là phải hỏi. Không hỏi thà đừng học.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sinh viên chúng tôi ở trường đại học sư phạm Sài Gòn dành thời gian học các buổi “chính trị”. Ông hiệu trưởng tạm thời - một cán bộ có nước da trắng trẻo, hơi mảnh khảnh, đeo kính trắng - có hỏi sinh viên toàn khối (hay toàn trường, tôi không nhớ rõ), ai có câu hỏi nào thì mạnh dạn nêu ra; bất kể câu hỏi gì, sau một buổi “sinh hoạt chính trị” do ông giảng dạy. Một bạn trong lớp anh văn của tôi giơ tay xin nói.

Gần 50 năm tôi còn nhớ rõ câu hỏi của cô sinh viên người Sài Gòn này. Đại để: “Thể chế cộng sản có độc tài hay không khi bức hại những người trí thức trong nhóm Nhân văn giai phẩm và tiến hành cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc?”.

Là sinh viên, ngay cả lúc còn là học sinh, chúng tôi thường tò mò, muốn tìm hiểu những diễn biến như thế của “bên kia vĩ tuyến”. Chúng tôi sửng sốt khi nghe câu hỏi “nguy hiểm” ấy. Và nguy hiểm thật, một “đồng chí” trong hội thanh niên học sinh giải phóng Sài Gòn-Gia Định đứng phắt dậy trước đám đông, chỉ tay vào mặt cô gái và quát to: “Đồ phản động. Im ngay”. Có lẽ anh ta không ngờ, cách mạng vào đây, quân đội, chính quyền Sài Gòn vỡ trận; số trốn đi bằng đường biển, số được người Mỹ cho máy bay chở đi, cô ta thuộc bên “thua cuộc”, không an phận, mà còn dám giở giọng “chống đối chính quyền”.

Nhưng tất cả sinh viên thở phào nhẹ nhõm khi nghe câu giải đáp của vị giáo sư mặc đồ bộ đội, mang dép râu, gương mặt hiền hòa dễ mến. Đưa tay về chỗ sinh viên “cách mạng mùa”, như cắt ngang cơn thịnh nộ của anh ta, ông điềm đạm giải thích: “Hãy tôn trọng tự do phát biểu của tất cả anh chị em sinh viên. Chế độ ta phát triển hay không cũng nhờ vào tầng lớp trí thức trung thực; chị sinh viên vừa nêu câu hỏi là một người trung thực; chị hỏi câu hỏi mà ngay cả tôi cũng không dám trả lời'. Ông khéo léo cho qua câu hỏi nhạy cảm ấy: "Rồi các anh chị sẽ hiểu kỹ hơn những việc làm của Cách Mạng sau này. Có ai còn ý kiến không?”. Sau câu hỏi ấy cả đám đông sinh viên im phăng phắc. Ai cũng hiểu không phải nghĩ là nói được đâu.

Cái không khí tự do tư tưởng vẫn chưa phai nhòa trong những ngày đầu miền Nam chuyển qua một thể chế chính trị mới. Cô sinh viên kia chưa quen với nếp nghĩ mới. Cái nếp nghĩ tôn ti trật tự. Nghe và không phản bác, phản biện. Cấp trên luôn đúng. Thầy luôn luôn giỏi hơn trò và đương nhiên trò không thể “mặc áo quá đầu”.

Thói quen phản bác hay phản biện chỉ hình thành gần đây sau những năm đổi mới. Nhưng trên phương tiện truyền thông chính thống, sự phản bác hay phản biện rất hiếm xảy ra nhất là “phản bác” nhà chức trách. Nếu có phản biện hay phản bác quan điểm của viên chức đương nhiệm thì giọng điệu của báo chí thường hết sức dè dặt, kiểu ngó trước dòm sau. Hay đợi cho vị quan chức ấy chuẩn bị vào lò hoặc sắp "về vườn" thì lúc ấy báo chí tha hồ mà “phản bác”, “phản biện”.

Phản bác hay phản biện có cùng họ với phản động, bắt đầu từ chữ phản. Trên báo chí (giờ chỉ có nền tảng Facebook) sẽ có hai luồng đối chọi nhau khi xảy ra một sự kiện nào đó khá đình đám. Dư luận thường chia phe nếu sự kiện đó liên quan đến chính trị. Một bên là A và bên kia là B; có kẻ “xấu miệng” gọi là “bò đỏ”, “bò vàng” gì gì đó, (tôi mù mờ chỗ này lắm!).

Phản bác hay phản biện là lẽ đương nhiên trong sự vận hành tư tưởng. Không ai độc quyền tư tưởng. Không thể tư tưởng nào “bách chiến, bách thắng”. Những gì hôm qua đúng chưa chắc ngày mai không sai. Chưa chắc ngày nay sai mà ngày mai không đúng. Để tìm kiếm chân lý, con người cần luôn luôn tỉnh thức, nghĩa là luôn luôn đặt hồ nghi với tất cả mọi thứ. Hồ nghi không phải là yếm thế. Hồ nghi để đặt câu hỏi, để phản bác, phản biện, để tiệm cận chân lý.

Nói về phản bác, phản biện, dân Quảng Nam chúng tôi là…hàng đầu. Nhiều người nhận xét “Quảng Nam hay cãi”. Tôi lại nghĩ: Không cãi không phải Quảng Nam. Chúng tôi luôn luôn hồ nghi kết luận do đó chúng tôi cãi cho đến khi có kết luận khác, đúng hơn. Quý vị cũng rõ tính phản bác, phản biện rất rõ ở những danh nhân tiêu biểu: Phan Châu Trinh và Phan Khôi.

Nếu phản biện, phản bác không bị coi là phản động thì chắc chắn chúng ta rút ngắn thời gian phát triển đất nước. Ví dụ, nếu có quyền phản biện thì, hợp tác hóa nông nghiệp chấm dứt ngay sau một năm áp dụng. VN trì trệ hàng chục năm; động cơ sản xuất tư nhân bị triệt tiêu; cảnh thiếu ăn xảy ra ở một đất nước dân chúng cần mẫn, vốn rất giàu có sức bật trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngày nay, phản bác, phản biện có còn bà con với phản động không? Tôi e là còn – có lẽ chút chút. Không thế, trên diễn đàn “tự do ngôn luận” của Facebook, lúc nào dư luận cũng chia ra hai phe choảng nhau, hầu như không phải vì tìm kiếm chân lý, mà vì ai cũng muốn độc quyền chân lý “tao đúng, mày sai”.

Ví dụ cỏn con. Một học sinh lớp 10 làm bài thi văn dài tới 21 trang giấy bị đem ra đặt ở đấu trường La Mã. Một vị tiến sĩ phải xin lỗi cô bé vì nhận xét em “không não”. Thay vì dùng ngòi bút sắc thì vị trí thức này dùng thanh gươm bén. Dù có xin lỗi thì hành động ấy nói lên một điều: thay vì phản bác thì người ta xem hành vi viết bài thi dài 21 trang là…phản động. “Phản động” hay bị ghép chung với “không não”. Có rất ít người chế giễu em học sinh kia? Không. Tôi thấy không ít. Phản bác, phản biện không đem lại chân lý bởi nó “bà con gần” với…phản động hay sao?