Tôi vừa đăng, để thay đổi không khí, một bức ảnh, chụp từ cuốn sách của ký giả Mỹ, Catherine Karnow, tặng cho tôi mấy năm trước. Hình như năm ngoái, trên mạng cũng có ai đăng ảnh này, và status ấy đón nhận hàng trăm lời nhận xét (comment) khác nhau, hầu hết là ‘chống đối’ nhau – giông giống như với bức hình tôi đăng (tuy còm ít hơn).
(Ảnh của Catherine Karnow).
Với câu hỏi, phụ nữ trong ảnh đến từ vùng nào, thì có một số bảo, cô ấy là người miền Nam; số khác cho là người miền Bắc. Tất cả đều không đúng: Cô ta không ở “vùng” nào cả. Nguyễn Phương Anh, một người Mỹ gốc Việt, về Sài Gòn mở quán Q Bar năm 1992 – những năm VN bắt đầu mở cửa mạnh mẽ. Cách ăn bận ‘mát mẻ’, đi xe xịn (thời đó đã sắm Vespa là oai lắm), không bước xuống xe và nắm cổ con gà, thay vì nắm chân dốc ngược, chắc chắn không có người Việt nào ở vùng nào mà như thế. Quan sát nhiều khách đi đường trố mắt nhìn cô gái mua gà, chúng ta thấy ‘sự khác biệt’ giữa một số người Việt Nam với nhau.
Khác biệt là bản chất sự sống. Cuộc sống giống nhau sẽ là ‘sống mòn’, sống như máy, sống ‘không hồn’. Nhưng có một sự khác biệt -dù rất nhỏ đi nữa- dễ dàng gây chia rẽ, đó là ‘khác biệt’ Nam- Bắc. Chiến tranh chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của nó vẫn chưa chấm dứt. Ở đây, xin đơn cử một số còm trong một status ngắn của tôi về một bức ảnh (Tôi xin mạn phép người có comment)
(Ảnh Katherine Karnow và Võ Nguyên Giáp).
“Chắc đây là cảnh Bắc kỳ. Bởi đều vượt hẳn ra ngoài lề xưa”. “Kiểu nắm cổ con gà thì rõ cô ấy người bên kia vĩ tuyến!”. “Vùng lõm”. “Vùng Vịnh”… Và thêm một số ‘tương tự’. Nhưng có một số ý khác: “Ngoài cái cách cô gái nắm cổ gà ra thì trang phục, xe cho thấy ở Miền Nam". “Người Sài Gòn”. Hay một ý thận trọng hơn: “Chỉ có miền Nam mới thế, miền Bắc, miền Trung thì khép kín. Huế lại càng dịu dàng. Chắc là nữ Sài Gòn”. Có người hoài nghi đây là bức ảnh ghép hay ảnh giả (fake). Chỉ một ít người đoán đúng, hoặc do suy luận, hoặc do biết chắc nhân thân nhân vật trong ảnh (anh Đỗ Văn).
Và điều đáng nói, một số bạn rất bất bình, đúng hơn, rất tức giận với cách đặt câu hỏi của tôi, câu hỏi dễ làm “tan đàn, xẻ nghé”: “Bắc- Nam thì có ý nghĩa gì ạ?”. “Bắc với Nam thì khác gì nhau? Cùng máu đỏ da vàng...”. “…thiết nghĩ anh không nên đặt câu hỏi như vậy cho tút này!”.
Và một bạn facebook (có thể là ‘vong niên’ của tôi ở Hà Nội) rất thẳng thừng: “Người Nam sau khi thua trận đâm ra thù người Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra. Nên nhớ: Người Bắc chịu đói rét khốn khổ cưu mang người Nam tập kết.... (chưa kể được yêu ái còn phá quấy…)”Người Bắc vì Người Miền Nam mà đi lính đến người chưa đủ tuổi 18(!) Và chắc là hy sinh rất nhiều...."
Không nói ra, tôi đoan chắc, bất cứ một sự kiện có tính chính trị nêu ra trên mạng ảo (chủ yếu là trên Facebook, không rõ thực tế thế nào), đều thu hút hai cực của một thỏi nam châm. Nhưng Nam-Bắc là một…thỏi nam châm thì quý biết chừng nào. Cùng cực (dương hay âm) nam châm đẩy nhau; khác cực nam châm hít vào nhau.
Nhiều người cảm thấy tự hào khi là kẻ chiến thắng trong chiến tranh. Người thất bại thì trĩu nặng với nỗi oán thù “mang xuống tuyền đài không tan”. Cuộc chiến tranh tương tàn. Không có gì là vinh quang khi có hàng triệu người chết, đến nay còn có người không tìm ra xác.
(Máy bay B52 của Mỹ)
Có lần, tôi nói, người Việt thật ra…không yêu nước như người ta nghĩ, khi lập luận, yêu nước là phải yêu đồng bào. Ở VN, có “tình đồng bào” không - qua các cuộc chiến tranh kể cả Trịnh-Nguyễn phân tranh? (Tôi nhấn mạnh, đồng bào là cùng một bào thai sinh ra, cùng một dòng máu Việt, từ sự tích Âu Cơ). Mấy triệu người chết trong các cuộc chiến tranh không phải là đồng bào? Người Mỹ phải chịu trách nhiệm với hàng triệu cái chết mà không là trách nhiệm của những người chúng ta gọi là đồng bào hay sao? Có thống kê nào chính xác nói về số người chết trong chiến trận giữa hai miền Nam-Bắc?
“Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai”, chúng ta chỉ dành câu ấy cho mỗi người Mỹ thôi sao? Tôi rất buồn về bức ảnh của nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo nổi tiếng người Mỹ– phải nói là rất ‘thời sự’, rất ‘thần thái’- lại trở thành đề tài gây chia rẽ, thậm chí có người còn đặt vấn đề về câu hỏi tôi nêu- chắc là ‘tay này’ muốn chia rẽ dân tộc, khơi lại quá khứ hận thù, có khi là 'phản động' không chừng.
Người Pháp (và cả chúng ta) từng gọi Việt Nam gồm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Rồi đến chiến tranh lại thêm tên Miền Nam (VNCH) và miền Bắc (VNDCCH). Dù ở thể chế nào, giai đoạn lịch sử nào, người ba miền (có lúc gọi là Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ) cũng đều là người Việt Nam.
Cô gái trong ảnh là biểu tượng của sự tự do (gần như “thách thức”, mặc áo ngực đi chợ và khi chưa có luật nào cấm), không câu nệ tập quán (cầm cổ gà chứ không cầm cẳng gà, không bước khỏi xe), rất tự nhiên tự tại (một đặc điểm không dễ có ở phụ nữ Việt) không quan tâm đến khách đi đường đang trố nhìn vào cô. Và sau hết, với chiếc xe Piaggio (Ý) thời đó (bắt đầu thập niên 90), cô gái biểu thị sự “giàu sang’, bây giờ hay gọi là ‘đẳng cấp’, trong thời buổi xe đạp cũng là phương tiện không dễ gì ai cũng sắm nổi.
Lẽ ra phải nhìn bức ảnh và thưởng thức tài nghệ người chụp thì có người lại rút kiếm ra. Một nỗi buồn canh cánh. Cho đến khi nào, hai tiếng Nam-Bắc trở thành yêu thương.? Nam-Bắc không vấy bẩn hận thù? Nam-Bắc một nhà. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (*). Người Nam (gộp luôn người Trung) đều có tổ tiên là người Bắc đều từ một giống nòi.
May mắn cho tôi, cô gái trong ảnh không ở miền nào cả. Cô ấy ở tuốt “miền xa, trời quen đất lạ”. Tôi là người có duyên nợ với người Bắc rất sớm. Những ông thầy dạy tôi, đa số là người Bắc di cư. Và người con gái tôi ‘bỏ bụng mắm’ lúc thi tú tài lại là người Bắc (tóc demi garcon). Ấy là bởi mấy câu thơ:
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em có nụ cười ngây thơ
Thành khi không quãng đường im gió,
Không gió lấy gì lang thang,
Cô có thương thầm anh không? (**)
(Niềm vui trên chuyến tàu về Bắc, chụp tại đèo Hải Vân, ảnh của Catherine Karnow)
Hóa ra, văn hóa hay văn chương, dễ làm người ta quên đi vùng miền mà dễ dàng yêu thương nhau chứ không phải là chính trị.
Bức ảnh nghệ thuật này, trớ trêu thay, lại biến thành đề tài chính trị.
(*) Huỳnh Văn Nghệ.
(**) Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy.