Thursday, September 21, 2023

VẠCH QUA ĐƯỜNG

(Vừa lãng phí, vừa vô duyên, vừa buồn cười).

Tiếng Anh gọi là Zebra (crossing), vạch trắng cho người đi bộ băng qua đường. Ở Việt Nam có rất nhiều vạch qua đường tại các ngã ba, ngã tư, các giao lộ. Màu sơn rất đẹp rất ngay ngắn và rất chỉnh chu.

Khi đi qua các nước tiến bộ của châu Âu – dù chỉ là Pháp, Ý, và Đức, chưa kể Phần Lan, Thụy Điển và Estonia (tôi chưa đi Mỹ, và quyết sẽ đi Mỹ), các vạch trắng vẽ trên đường là biểu tượng của sự văn minh và lòng nhân ái. Vì sao? Khi có người đứng trên lề gần các vạch trắng, xe – tôi muốn nhấn mạnh, xe hơi – đều dừng lại. Các xe ấy chờ người đi bộ qua đường. Đi bộ thường nhảnh nha. Tài xế xe đứng chờ cũng nhảnh nha không kém. Người qua đường, họ sẽ lên ga vượt qua vạch trắng. Vì kỷ luật, lòng nhân ái, sự nhường nhịn, hay vì sợ bị cảnh sát sẽ phạt? Không. Tôi chẳng thấy cảnh sát và chẳng thấy camera giám sát. Con người là trên hết. Không vì ngồi trên xe hơi - ở nước ta, biểu hiện của sự giàu có hay đẳng cấp, người ta có thể coi thường người đi bộ. Nếu cố nhanh một chút, xe có thể cán chết hoặc bị thương người đi bộ ‘nhảnh nha’.

Tôi không tin, người phương Tây có tinh thần kỷ luật cao. Tôi tin họ có lòng nhân ái. Đạo ki-tô có lẽ ảnh hưởng người châu Âu hàng hai chục thế kỷ. Hãy “yêu thương người ta như mình ta vậy” hay sao? Trong các nước tôi qua, do tò mò và muốn tìm hiểu, tôi thấy tài xế xe Uber (như Grab của ta) ở Estonia, một nước thuộc khối Liên Bang Xô Viết cũ theo cộng sản, tài xế chạy rất…ẩu. Đèn đỏ hay vào khu dành cho người đi bộ ở thủ đô cổ Tallinn, tôi thấy xe chở chúng tôi coi như ‘chẳng có gì’, cứ đường mà chạy, mà đi, mà vượt. Ở Đức, ngồi phía sau tài xế, chúng tôi mọi người đều được yêu cầu quàng dây đai an toàn (seatbelt).

Lúc đầu ở Phần Lan, mỗi khi qua đường theo vạch trắng zebra, tôi rất lo lắng. Dù biết xe hơi sẽ ngừng trước vạch trắng để chờ người đi bộ qua đường, tôi vẫn lo sợ. Có khi ông bà mắt xanh mũi lõ nào đó, ngồi trên xe ‘sơ ý’ vẫn giữ nguyên tốc độ xe đang chạy, qua đường trên vạch trắng sẽ không tránh rủi ro, bỏ mạng xứ người là điều hết sức vô duyên; quá hồi mạt vận. Nhưng không. Có khi tôi đứng chờ thì xe hơi cũng đứng chờ. Ai cũng trễ. Thế là, tài xế hạ kính xe, đưa tay vẫy ‘hãy qua đường’, tôi ù té chạy; cứ nghĩ mình làm phiền lòng đến người bản xứ.

Nhưng không. Nhường người đi bộ qua đường là việc làm thường xuyên như trong tiềm thức của người phương Tây. Đó không phải là sự ‘thương xót’ người ‘yêu thế’…không đi lại bằng xế hộp. Đi tù vì gây tai nạn cho người đi bộ, có lẽ, không phải là hình phạt mà người ta sợ hãi phải chấp hành ‘luật giao thông’. Nhường nhau, tôi nghĩ, chính là sự biểu hiện trong giao thông xứ người.

So sánh với ta, đôi khi, tôi có mặc cảm người Việt quá tự ty (vì thường do quá tự tôn): Tây văn minh hơn ta. Không hẳn. Họ yêu thương nhau, tôi có thể nói, hơn ta rất nhiều.

Tôi nói thương nhau ngoài đường: giao thông. Rất nhiều người chạy xe – xe máy chiếm đa phần- luôn luôn bóp kèn, có thể nói là inh ỏi, điếc đầu, điếc óc. Để làm chi? Để người khác nhường đường cho mình tới trước dù phía trước chẳng có chỗ trống để tìm chỗ nhường đường. Khi chạy xe, ai cũng muốn mình chạy nhanh hơn người phía trước. Việc đi trước dường như phải là ưu tiên một. Ai cũng muốn dẫn đầu. Cuối cùng, xe dồn cục, người ở trước không khác người ở sau: kẹt xe. Tranh nhau chạy nhanh, rồi chạy ẩu,gây tai nạn cho người khác, là biểu hiện của lòng yêu thương?

Còn các chỗ qua đường với các vạch trắng – vấn đề đang nói- thì sao? Thì bó tay chứ sao. Tôi không thấy ai, lái xe hơi và xe máy, hạ ga và chạy chậm lại ở những vị trí có vạch sơn vẽ qua đường. Ngay cả các giao lộ có đèn xanh-đỏ, người đi bộ vẫn hồi hộp quan sát, chạy qua đường như ma đuổi, vì sợ đèn chuyển vàng rồi xanh, các ‘anh hùng’ xe máy có thể húc họ nếu có ai ‘nhảnh nha’ quen tập quán qua đường ở phương Tây.

Vẽ các vạch trắng qua đường ở bao nhiêu chỗ trên các con lộ Việt Nam? Hàng trăm ngàn chỗ, nếu tôi đoán không nhầm. Có ai tôn trọng luật giao thông trước các vạch trắng qua đường? Không. Tôi chắc chắn là không. Nhà chức trách bỏ tiền, không biết cơ man nào kể, để sơn các vạch trắng ấy nhằm mục đích gì? Hay là người ta làm thì mình cũng làm – cho nó văn minh?

Qua đường, trên những vạch sơn trắng khi thấy xe cộ, không thấy xe cộ ai dừng lại, chưa nói chuyện chạy chậm lại, tốc độ xe không hề vì biển báo hiệu ấy mà thay đổi, người đi bộ cảm thấy mình nhỏ bé, có cảm giác, rất nhỏ bé trước các ông các bà chạy xe máy, xe hơi. Nếu có lòng thương hại, một vài xe chạy chậm chờ người qua đường. Còn thì, đường ta ta cứ đi. Sống chết mặc bay – những thằng, những con đi bộ.

Người ta nói văn hóa quyết định lối sống văn minh. Tôi cho là không đúng. Chính luật lệ làm cho con người văn minh. Nếu qua Singapore ai mà ăn và xả rác trên tàu điện, chắc chắn người đó sẽ không đủ tiền về nước. Phạt trắng máu. Hay chỉ cần mang theo keo cao su (chewing gum), ăn rồi nhả xuống sàn xe buýt, hay sảnh khách sạn, du khách sẽ không còn đường về vì không đủ tiền đóng phạt.

Để người đi bộ qua đường không có cảm giác ‘mang ơn’, ‘yếu thế’, lo sợ, thì tại sao, nhà chức trách không có biện pháp nào, để người lái xe – xe hơi và xe máy- tuân thủ luật qua đường dành cho người đi bộ?

Tôi có biết hiện nay, việc đo nồng độ cồn những người chạy xe máy (xe hơi -chắc chẳng ai ‘dám’ tự tiện đón lại mà đo) đang triển khai. Rất tốt. Uống rượu bia, chắc chắn lái xe sẽ không an toàn. Người có rượu bia rất dễ gây tai nạn. Nhưng, có nhân viên công lực nào, hay có camera nào, giám sát việc xe cộ phải chạy chậm lại hay ngừng hẳn lại để cho người đi bộ qua đường? Tôi chắc chắn là không. Người qua đường trên các vạch sơn trắng ưu tiên dường như sống trong một xã hội không còn luật lệ.

Tóm lại, các vạch sơn vẽ cho người qua đường chỉ là hình thức. Trừ ở các ngã tư có đèn báo giao thông, tất cả vạch sơn trắng ở những nơi không có đèn dừng, tất cả chúng, vừa tốn kém ngân sách, vừa vô duyên (chẳng ai tuân thủ) và lại vừa buồn cười.

Và tôi đoan chắc, hầu hết người Việt Nam, không ai biết, các lằn sơn trắng ngang qua đường ấy là dấu hiệu giao thông dành ưu tiên dành cho người đi bộ qua đường. Trừ phi, họ có qua Tây (hay Thái Lan, Singapore) du lịch.