Ngày nay, bánh trung thu không còn là niềm mong ước của trẻ thơ. Không rõ ở thôn quê, trẻ em thành thị bây giờ rất hờ hững với những chiếc bánh đựng trong những hộp giấy sang trọng và lấp lánh sắc màu. Hai chất cần thiết cho sự sống là đường và tinh bột không còn cần thiết nữa trong những chiếc bánh trung thu đầy đủ dưỡng chất, quá ngon và quá ngọt ấy.
Nhưng đối với chúng tôi – tuổi ‘xưa nay hiếm’ – bánh trung thu là một ước mơ của tuổi thơ. Cơm là thức ăn hằng ngày mà (cơm) nếp lại là hàng ‘đẳng cấp’. Ngày trọng đại như Tết hay kỵ giỗ, trẻ con mới được dịp ăn…xôi. Xôi là loại cung cấp tinh bột rất quý. Người lớn còn thích huống hồ trẻ con. “Chập chập rồi lại cheng cheng. Con gà trống thiến để riêng cho thầy. Đơm xôi thời đơm cho đầy. Đơm mà vơi đĩa thòi thầy không ưa”. Xôi nấu từ nếp quan trọng lắm lắm. Không quan trọng người ta đâu có ghép hai chữ xôi và thịt thành “xôi thịt”, xôi luôn ngon khi ăn kèm với thịt; chỉ có ‘bọn xôi thịt’ mới không khen ngon.
Dông dài để nói cái quan trọng của một loại bánh trung thu hồi nhỏ chúng tôi được phát trong đêm rằm tháng tám: Bánh ú. Bánh ú là đơn vị nhỏ nhứt nhưng ăn có thể ấm bụng nhứt. Trẻ em tập trung đầy đủ ra “nhà hội” – một loại ‘nhà văn hóa’ ngày nay, hay là đình trung ngày xưa. Các em sẽ ngồi sắp hàng như xếp hàng vào lớp. Ngồi mà không đứng vì các em phải chờ rất lâu để ‘ổn định trật tự’. Khi thấy số lượng khớp hay gần khớp với số bánh ú có sẵn thì người ta bắt đầu phát bánh. Còn nhỏ, tôi không nhớ là ai nấu bánh nhưng chắc chắn ở quê không ai ‘mướn’ nấu hay mua bánh ú để làm quà trung thu. Mỗi năm chỉ có một lần. Chắc chắn có một hay hai mạnh thường quân nào trong làng muốn đem lại niềm vui cho tuổi thơ và có thể cho con cháu của họ. Những năm tháng yên bình chưa có khói súng chiến tranh.
Điều đáng nói bánh ú trung thu ấy không em nào nhận ‘thêm’ một chiếc 'ngoài' tiêu chuẩn. Có thể ngồi cuối hàng rồi chạy qua hàng khác nhân lúc chộn rộn lãnh bánh để ‘nhận’ thêm một cái bánh quý giá. Trẻ con rất ngây thơ, trong sáng. Chúng không ‘nghĩ’ ra ‘mưu đồ’ giành lấy phần hơn. Có em lột bánh ra ăn ngay nhưng có em cầm lấy trên tay như là niềm hãnh diện- để ‘dành’ mang về nhà chia phần cho anh chị hoặc em nhỏ chưa nằm trong tuổi nhận bánh ‘theo quy định’ của thôn làng.
Ở miền Trung, tháng tám là tháng mưa dầm. Chẳng thà mưa thật to nước ngập mọi nhà. Người ta chèo ghe đến từng gia đình để phát bánh ú trung thu. Chứ mưa dầm rả rích, đêm trung thu trở thành ‘đêm không ngủ’ vì thao thức mong được cùng nhau ra ‘đình’, nghe tiếng trống lân giục giã ‘tiếng’ trung thu, đón mừng vầng trăng sáng vành vạnh trên bầu trời trong xanh, cao vút.
Người miền Nam sẽ rầu thúi ruột nếu vô phước tham quan miền Trung nhằm những tuần (không phải ngày) mưa dầm ‘thúi đất’. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”, huống chi mưa dầm! Lũ lụt có ảnh hưởng đến trung thu không? Vô vàn. Hãy tưởng tượng cảnh lầy lội khi ban đêm, ở quê trời rất tối, không đèn điện, trẻ con phải lục tục đến nhà hội để lãnh quà trung thu. Vậy là, bánh ú trung thu sẽ mang đến từng nhà. Cầm chiếc bánh ú còn nóng trên tay mà lòng đứt từng đoạn ruột: Bóng trăng chìm trong bóng mây. Ánh trăng là ánh đèn ‘bóng hột vịt’ trong nhà leo lét. Tiếng trống trung thu lẫn chìm mất hút trong tiếng mưa dầm nẫu ruột, nát gan. Còn đâu:
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
….
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang (*)
Trung thu ngày nay có nhiều quà bánh hơn nhưng trẻ em (có thể là) ít háo hức hơn chúng tôi thời con nít ở một vùng quê heo hút xa xăm. Niềm vui trẻ con bây giờ phong phú và đa dạng. Mùi vị của những chiếc bánh đắt tiền không làm cho chúng ‘ngẩn ngơ’ như chúng tôi: Mùi nếp chin tỏa ra nhẹ nhàng từ chiếc bánh vừa tháo dây buộc và tước từng mảnh là chuối thơm phưng phức. Mùi của bánh trung thu.
“Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Cho mượn cái thang ...”
“Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Cho mượn cái thang ...”
(*) Nhạc sĩ Lê Thương.