Thursday, September 21, 2023

ĐỘI BÓNG CẢNH SÁT QUỐC GIA

Chớ có giật mình, “quốc gia” đâu còn, đội bóng cảnh sát làm chi có. Cảnh sát ngày nay làm những công việc to tát hơn nhiều. Nhưng trước 30 tháng 4 năm 1975, từng có một đội bóng như thế thuộc ty cảnh sát quốc gia (Quảng Nam). Nhìn các cầu thủ “cảnh sát” (bên dưới), quý vị sẽ thấy, “chúng nó” có "đứa" mặt mày non choẹt, “búng ra sữa’; có "đứa" ngây ngô như mấy chú học trò trường tỉnh chưa biết yêu là gì. Cái anh chàng đứng giữa, cao nhất đội bóng là người có thể như thế. Tên anh là Nguyễn Mạnh Kim.

Tuổi còn nhỏ so với đàn anh, Kim không phải là cảnh sát. Lý do anh nằm trong đội tuyển bóng đá hàng đầu tỉnh Quảng Nam vì là học sinh cầu thủ xuất sắc nhất thuở đó. Cảnh sát bấy giờ không được phép uống bia rượu từa lưa nên ai cũng gầy gầy như thiếu đói. Tìm ra chú nào bụng to như Đổng Trác chắc chắn không bao giờ có. Bụng to làm sao đá banh.

Tôi không rõ người chỉ huy đội bóng trong bức ảnh; nhưng có nghe ông Tân “đầu láng” (công chức thời đó hay chải tóc bằng dầu ‘brillantine con én’) làm đội trưởng đội bóng. Là trưởng toán phụ trách làm căn cước của ty cảnh sát, ông ta rất mê đá banh. Nghe kể, lúc đôi tuyển VNCH sắp đấu giao hữu với đội bóng Cộng hòa Liên bang Đức, ông bỏ tiền mua vé máy bay, dắt theo người trọ học trong nhà, anh Trịnh Quốc Thắng (dạy trường cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng sau 1975) vào tận sân vận động Cộng Hoà (Thống Nhất) để trực tiếp xem trận đấu. Kết thúc, đội VN cầm hòa đội Đức; hồi ấy đội bóng Nam VN rất có tiếng tăm ở châu Á, từng đá thắng đội bóng xứ mặt trời Nhật Bản. Thái Lan hay Miến Điện chẳng xi- nhê gì.

Đợi mọi người rời sân bóng, ông Tân ‘đầu láng’ bèn cui xuống đất, tay vuốt mặt sân đầy cỏ xanh, và cúi sát hơn, ông hôn lấy mặt đất Sài Gòn với niềm vui ánh lên đôi mắt ngay cả khi đứng dậy, dắt tay ‘đệ tử’ ra về tìm khách sạn để nghỉ qua đêm, sáng hôm sau mua vé máy bay về lại Đà Nẵng.

Người Hội An bao đời - kể cả thời chiến tranh- đam mê văn nghệ và đá bóng. Một thành phố nhỏ (rất nhỏ so với bây giờ) có một sân vận động, một rạp hát, và một rạp xi-nê. Thỉnh thoảng thành phố bị "bên kia" pháo kích bất chợt, có khi ban đêm, có khi ban ngày. Mục tiêu của đạn pháo là các khu hành chính và quân sự. Nhưng Hội An bé như bàn tay, đạn lạc ra ngoài là không hiếm. Không thiếu nhiều thường dân trúng đạn chết và nhà bị cháy rụi. Vậy mà, mỗi lần có trận đá banh, dân chúng – nhất là đám học sinh các trường trung học, tiểu học ở thành phố chúng tôi không hề bỏ sót.

Những trận đá banh nào thu hút nhất? Đó là các trận có tham gia của đội bóng sư đoàn Thanh Long Đại Hàn và đội Cảnh sát Quốc gia (Quảng Nam). Người Nam Triều Tiên cao lớn không thua người Mỹ. Họ không đẹp như các nam diễn viên Hàn Quốc bây giờ. Gương mặt của họ bèn bẹt, trán thấp, mắt một mí, đa phần ‘ti hí mắt lươn’, tóc húi cua (gần như sát ót), nhưng mũi khá cao so với người Việt Nam.

Không khác gì khán giả ngày nay “ghét” đội Thái Lan (thời chưa có ngài Park), khán giả Hội An thời đó cũng “ghét” đội Đại Hàn thậm tệ. Các cầu thủ họ đều có võ nghệ. Té ngã trên sân cỏ chẳng làm chậm đà tiến trong việc tranh bóng dưới thấp, trên cao. Họ thắng ta toàn tập. Rất ít khi họ thua. Đội bóng CSQG từng nằm hạng nhất nhì cấp vùng, cấp quốc gia, nhưng khó khi nào thắng họ nếu không có cầu thủ xuất sắc cao lớn Nguyễn Mạnh Kim tham gia đội bóng. Là con vị đại bài gạo giàu có Hội An, ông Nguyễn Tữu, anh từng học tại Đà Nẵng trong trường Pascal dành cho giới giàu sang và Pháp kiều sinh sống ở VN. Rất xuất sắc các môn: bóng bàn, nhảy cao, nhảy xa, đua xe đạp, quần vợt, nhưng đá banh là xuất sắc nhất.

Vì sao ghét đội bóng ‘Đại Hàn’? Vì nhiều thứ lắm. Họ là dân tộc không bao giờ chịu thua kém ai. Đá banh cũng thế. Nếu dẫn trước bàn thắng, họ chơi rất thăng hoa và đẹp mắt. Nhưng bị dẫn trước, ôi là là, họ bắt đầu trổ ngón nghề, taekwondo là số một. Bên ta ư. Lăn như dưa. Ngã như rạ. Té như sung rụng. Cầu thủ đội CSQG như những chú gà đá. Lông lá tả tơi. Trầy trụa khắp người. Cầu thủ họ vừa cao vừa khỏe. Tài dắt banh, lừa banh, bấm banh, thả banh cho đồng đội, bằng kỹ thuật nhuần nhuyễn của đôi bóng VN cũng phải chào thua khi đội bóng Đại Hàn giở trò ‘chơi xấu’, foul play. Có lúc trọng tài (người Việt Nam- đương nhiên) thổi phạt, cầu thủ họ ôm cứng trái banh, không chịu đặt xuống, và nổi gân cổ xí lô xí là, có lẽ cho là thiên vị. Thấy kỳ cục, vị sĩ quan cao cấp, đại diện sư đoàn Thanh Long, ngồi trên khán đài bước xuống can thiệp. Trận đấu mới tiếp tục. Từ đó, ở Hội An, dân chúng có thêm một tục ngữ “Đại Hàn chơi xấu”.

Đội bóng CSQG thua gần như hầu hết khi đấu với đội sư đoàn Thanh Long Hàn Quốc. Nhưng khi đội này đấu với đội bóng Không đoàn 41, đóng tại phi trường Đà Nẵng, họ đều không thắng nổi. Lý do, dân không quân, hầu hết là phi công và chuyên viên, tuyển nhiều người cao không kém người Hàn, lại có sức khỏe và kỹ thuật đá banh khá tốt. Là quân chủng ít chiến đấu, khi về hậu cứ, họ có nhiều thời gian tập dợt đá banh. Kỹ thuật Không đoàn Việt lấn lướt kỹ thuật sư đoàn Hàn. Nhưng đóng góp cho thắng lợi ấy, nổi bật nhất, là anh Nguyễn Mạnh Kim – được tăng cường vào đội bóng VN mỗi khi mở trận.

Người Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc rất cao, nhất là trong bóng đá. Mỗi lần đội CSQG hay Không đoàn 41 (Đà Nẵng) đấu với đội Hàn Quốc (sư đoàn Thanh Long), khán giả ai ai cũng khản giọng sau 90 phút, vì hò hét cổ vũ 'quá hớp' đội nhà. Chúng tôi rất ‘ghét’ Hàn Quốc, không phải vì họ chơi xấu trong đá banh. Tuy là học sinh, chúng tôi còn biết, Việt Cộng ít khi nào dám tấn công vào bộ chỉ huy của họ đóng tại Thanh Hà (sát Hội An). Lý do: Nếu họ chết một người Việt sẽ chết ba, chết năm. Đau khổ không phải là người Việt theo cộng sản mà là người Việt thường dân trong những làng xã gần đó. Việt Cộng khéo léo; họ không dại chi chọc 'ổ kiến lửa' say máu tàn sát. Thảm sát làng Phong Nhị là một trong những thảm sát đau đớn nhất trong lịch sử chiến tranh VN.

Có người ngày nay ít đọc sách báo, còn gọi những người chiến đấu trong hàng ngũ quân đội VNCH là ‘ngụy’. Họ không biết, sau khi xảy ra thảm sát không chỉ một làng, quân đội VN đóng gần đó, có đơn vị từng kéo quân về bộ chỉ huy sư đoàn Thanh Long để tính chuyện “ăn thua đủ”. Người Hàn kịp thời kêu cứu lên cấp cao hơn để họ can thiệp với cấp trên của đơn vị định ‘tìm lẽ công bằng’ cho đồng bào mình. Câu chuyện này không ai trong tỉnh Quảng Nam mà không nghe tới.

Tuy nhiên, đó là chiến tranh. Người Mỹ cũng có gây thảm sát ở Mỹ Lai. Còn người Việt thì không bao giờ? Tôi không nói thêm. Đây là vấn đề nhạy cảm.

Nhưng khi đội bóng CSQG đấu với đội bóng của cố vấn Mỹ đóng tại tiểu khu Quảng Nam, chúng tôi, những học sinh, thanh niên, không hề ‘ghét’ họ như ‘ghét’ đôi bóng Hàn. Không phải họ đá dở và luôn luôn thua đội bóng VN. Đá bóng không phải là sở trường của người Mỹ. Nhưng nhìn cách dẫn bóng, tranh cướp bóng, những chàng Mỹ cao lêu nghêu, chạy những bước dài nhưng không vững chãi. Họ dễ dàng bị lừa bóng như trẻ con chơi bóng. Họ cao hơn nên có lợi thế tranh chấp bóng trên không. Nhưng đâu qua Việt Nam. Các anh chàng nhỏ con của đội CSQG có rất nhiều ‘chiêu’ để làm các chàng Mỹ khổng lồ té lăn kềnh ra sân cỏ. Chỉ cần hai cầu thủ cùng nhảy tranh bóng trên cao, chàng VN sớm cúi cong người, cái lưng anh trở thành ‘đòn kê’. Thế là ‘đế quốc’ té ngửa đánh uỳnh xuống đất. Vừa lóp ngóp bò dậy, cầu thủ Mỹ đôi tay lồm cồm tìm đôi kính cận có dây đeo rơi ra và không quên nhoẻn miệng cười, hàm răng trắng hếu, như muốn nói ‘không sao, không sao’. Cả khán giả trên sân cười vang. Mỹ chơi đẹp dù ta ‘chơi xấu’. Mỹ vẫn fairplay. Không như ‘anh chàng mắt một mí kia’.

Chúng tôi, người Hội An thời đó, thích người Mỹ còn vì lý do khác. Không rõ lính chiến đấu thế nào. Lính cố vấn Mỹ rất lịch sự và đáng yêu. Họ yêu quý trẻ con. Dịp Noel, họ thường cho xe nhà binh chở học sinh vào căn cứ của họ để vui chơi và cho bánh kẹo. Nhưng ấn tượng không phải chỉ chừng ấy. Hội An là nơi thấp lụt. Năm nào cũng có lũ lụt. Người Mỹ đem tới những chiếc ca nô và cả trực thăng. Họ đi khắp nơi để giúp đồng bào tránh vùng ngập nước. Nhiều người Mỹ mặc áo thun trắng cả ngày ngoài mưa cùng với đồng đội đi cứu trợ nạn nhân thiên tai.

Có lẽ vì thế mà khi đá banh, giữa đội VN và đội Mỹ, học sinh chúng tôi rất có cảm tình với họ? Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành bạn, “đối tác chiến lược toàn diện”. Khép lại quá khứ, mở ra tương lai. Bây giờ, người ta mới thấy ‘chân dung’ người Mỹ. Chúng tôi thấy ‘chân dung’ họ qua vài trận đá banh cách nay hơn nửa thế kỷ cơ. Khi ra sân, có Nguyễn Mạnh Kim (ảnh), chúng tôi không thấy người Việt thấp hơn người Mỹ; anh chàng cầu thủ này khiến cho thủ môn phía Mỹ nhiều bận vào cầu môn nhặt bóng.

Thể thao (và văn hóa) thật sự giúp con người xích lại gần hơn. Đội bóng CSQG (Quảng Nam) một thời làm nên điều đó. Ngôi sao bóng đá Quảng Nam ngày xưa còn giữ lại, ở nơi trang trọng, bức ảnh duy nhất chụp đội bóng; nó quý giá vô cùng: Hội An không chỉ là nơi xuất hiện bản bolero (*) đầu tiên của Việt Nam. Hội An còn là tỉnh lỵ đầu tiên của VN hội ngộ những đội banh ‘quốc tế’ Việt-Mỹ-Hàn.

(*) Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.