Saturday, September 30, 2023

DẠY THÊM, THỜI VNCH CÓ KHÔNG?

Xin trả lời ngay: Có. Ở một thành phố tiêu biểu ‘hiếu học’ của tỉnh Quảng Nam, Hội An, việc học thêm diễn ra “xưa như trái đất”. Có trường học là có học thêm.

Vì sao học thêm? Có hai lý do: Học để nâng cao môn nào đó học sinh yêu thích hoặc khó tự học và học để đi thi, hay gọi là học ‘luyện thi’. Các môn khó hay thích thường là ngoại ngữ, toán, lý, hóa. Không ai dạy thêm cũng như học thêm các môn: Văn, công dân giáo dục, triết, vạn vật (môn sinh?), nữ công gia chánh, thể dục…Còn luyện thi (lấy bằng tiểu học, trung học, bỏ rất sớm, và tú tài 1- lớp 11- cũng bỏ nốt trước 1975, một năm thì phải) thì học các môn: Toán, Lý, Hóa và nhất là ngoại ngữ.

Ai là người dạy thêm? Có thể là người chưa hề đi dạy nhưng rất giỏi ngoại ngữ (Anh, Pháp) muốn mở lớp ‘dạy thêm’. Và những giáo viên nổi tiếng muốn dạy thêm; tất nhiên không ai nổi tiếng đều dạy thêm; nghề dạy học lúc đó có thể nuôi cả gia đình (lương một giáo viên cấp 3 cao hơn lương phó quận trưởng, hay kỹ sư Phú Thọ).

Không ai cho phép hay cấm dạy thêm. Có cung ắt phải có cầu. Học sinh muốn học thêm ắt có thầy sẽ dạy thêm. Khi chuẩn bị thi tú tài 1 và tú tài 2, học sinh mới chịu khó ôm vở đi học thêm. Học thêm diễn ra mỗi buổi tối hoặc ngày nghỉ như thứ bảy hay chúa nhật. Tất nhiên, không phải học sinh nào thi tú tài đều đi học thêm. Tự học tại nhà hoặc ‘cặp bạn’ một hai học sinh xuất sắc để cùng nhau học tập. Toán, lý, hóa thì toán là có người học thêm nhiều nhất, tôi không hiểu tại sao. Kế đến mới là ngoại ngữ.

Có ‘trung tâm’ luyện thi không? Không. Đâu có nhiều học sinh học thêm mà lập trung tâm. Như vậy, toàn tỉnh (nói cho rộng ra) chỉ có một hay đôi ba chỗ dạy thêm. Nơi dạy thường là trong nhà thầy (ít thấy cô dạy thêm;có lẽ họ còn lo việc bếp núc và chăm sóc gia đình). Thầy dạy có tiếng, học sinh học thêm đông, thì mượn chỗ dạy; có thể đó là hội quán người Hoa hay các đình bỏ trống (ít khi thuê; dân khá giả Hội An thường không lấy tiền chỗ dạy học trò).

Học phí học thêm có nhiều không? Nhẹ hều. Học thêm không nghe phụ huynh nào than vãn đắt đỏ. Miễn con có ‘đôi ba chữ’ là cha mẹ vui lòng rồi. Tiền có sá là bao. Dân Quảng chúng tôi nghèo… mà rất hiếu học. Tôi muốn nói học thêm để thi tú tài (1,2). Tú tài là cái bằng ngốn công sức rất lớn của học sinh và cha mẹ. Tỷ lệ đậu tú tài 1 chừng 35-40%; tú tài hai chừng 15-25%. Có câu “Rớt tú tài anh đi trung sĩ (chỉ huy chừng 1 trung đội). Em đi làm sở Mỹ nuôi con”. Hay câu hát “Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu…Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc”. Viễn cảnh thê thảm như rứa nên học thêm để thi là việc làm ‘dầu sôi lửa bỏng’ ảnh hưởng đến tương lai. Ai rớt một năm thì phải nhập ngũ.

Có một trường hợp duy nhất, học thêm không tốn tiền. Đó là những năm sau 1971 hay 1972 gì đó. Thầy dạy thêm không hề dạy học là (đại đức, thượng tọa?) Thích Tuệ Không. Gần như phân nửa học sinh thi cuối cấp đều học ông. Sự “uyên bác” trong mọi môn học của vị thầy giúp rất nhiều việc nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tú tài. Học thêm với thầy đông như đi xem phim hay coi hát. Điều lạ lùng, có lớp trên 50 em nhưng họ im phăng phắc mỗi lần ông cất tiếng bắt đầu giảng bài. Những năm thầy Tuệ Không dạy, một số lớp dạy thêm khác đều ‘giải tán’ vì không ai theo học, không phải học sinh sợ tốn tiền, mà vì muốn học với “siêu” thầy trước nay chưa từng dạy học.

Lấy tiền ít hay không đáng kể hoặc không lấy tiền…trong các lớp học thêm chứng tỏ: Học thêm là tự nguyện của người thầy, người trò. Học thêm là một nhu cầu có thực nhẹ tựa ‘lông hồng’.

Ngày nay, học thêm đang là vấn đề nóng bỏng, nặng nề. Thái Hạo, người rất nặng lòng với giáo dục nước nhà, phân tích: “Dạy thêm - học thêm do đâu?”. Thầy đưa ra lý lẽ và giải thích:

“1-Chương trình nặng?”.

Đây là nguyên nhân nhiều người nêu ra nhưng theo thầy: “Nội dung chương trình giáo dục của Việt Nam không phải nặng mà là khô cứng, cách dạy thì nhàm chán, máy móc, nặng tính văn mẫu...”

“2- Do thi cử?”.

“Đúng, thi cử nặng nề cả về nội dung lẫn sự khốc liệt trong “tỉ lệ chọi” đã dẫn đến một cuộc đua và đẩy học sinh vào con đường học thêm”. Nhưng thầy nói nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy: “…học sinh Tiểu học, đâu có thi cử gì, nhưng chính ở cấp học này nạn học thêm dường như lại trầm trọng nhất”. Thầy dẫn chứng thêm: “Áp lực thi cử chủ yếu là đối với học sinh lớp 9 chuyển cấp lên lớp 10 và học sinh 12 thi vào đại học”. Áp lực thi theo thầy: “Cái áp lực thi vào công lập là do đâu? Do thiếu trường. Vậy giải pháp đơn giản là xây thêm trường. Nhà nước không thể phó mặc cho dân tự bơi tìm trường trong khi trường lớp thiếu nghiêm trọng như hiện nay”.

“3- Vì thành tích của nhà trường?”.

“Có, và khá nặng, nhất là đối với những trường THPT chuyên, trường chất lượng cao. Nhưng các trường phổ thông bình thường thì không hoặc không đáng kể”.

“4- Vì tiền?”.

Thái Hạo thẳng thắn:” Theo tôi, đây mới là nguyên nhân chính”. Thầy giải thích: “Nếu vì chất lượng, vì sự phát triển của học sinh thì các nhà trường sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình Giáo dục Quốc dân”. “Giáo dục Quốc dân”: Như vậy thì đâu cần học thêm, cứ theo chương trình của bộ đưa ra, tự khắc, học sinh sẽ học tốt ở trường.

Thái Hạo dứt khoát: “Bên cạnh đó là ép học sinh học thêm bằng đủ các mánh khóe chiêu trò, như viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài và gắn những cái tên rất kêu như STEM, STEAM, Tin học Quốc tế, Tiếng Anh Bản ngữ, Kỹ năng sống, v.v…”

Thời đại nào cũng có học sinh. Thời đại nào cũng có học thêm. Thời VNCH cũng thế. Học thêm nhẹ nhàng và chưa hề là “vấn nạn” dù thi tú tài thời đó rất “sát phạt”, rất cam go, không kém phần gian khổ. Chỉ có thời nay, sao học thêm lại cần thuốc chữa nhức đầu nhiều như thế.