Trước chỉ đu dây giữa Tàu và Mỹ nay thêm ông Nga, Đông Lào thật vất vả. Phải chi có tiềm lực thì , mẹ nó, sợ gì ai. Bị dịch bịnh, nội xâm (tham nhũng), thêm lão Putin giở thói chí Phèo, Đông Lào hẳn phải ngất ngư con tàu đi.
........................................................
TOKYO: Nhật là một cường quốc ít ảnh hưởng bởi sự thay đổi trật tự thế giới nhờ sự “bảo bọc” của Hoa Kỳ, không bị ai xâm lược, và họ tiếp tục chính sách an ninh với điều kiện trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo sẽ tiếp tục.
Không hẳn điều này dẫn đến sự hiểu sai nhưng những diễn biến địa chính trị mới đây cần sự đánh giá tỉnh táo lại khả năng lâu dài một trật tự do Mỹ dẫn đầu khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Chỉ mới bốn tháng sau ngày Nga xâm lược Ukraine, trật tự thời hậu chiến do Mỹ lãnh đạo rõ ràng ở bên bờ sụp đổ. Không hiếm chứng cứ củng cố cho quan điểm này. Khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu một nghị quyết gạt Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền ngày 7 tháng 4, 100 nước hoặc bỏ phiếu chống, phiếu trắng, hoặc là không bỏ phiếu so với 93 nước ủng hộ.
Theo Economist Intelligent Unit, tính đến 30 tháng 3, các nước tham gia cấm vận quốc tế chống Nga, hoặc ít ra chỉ trích họ xâm lược, chiếm tỷ lệ 36% dân số thế giới. Đa số là các nước dân chủ phương Tây.
Trong lúc đó, 64% dân số thế giới sống ở các nước hoặc trung lập trước xung đột Ukraine hoặc tỏ ra “cảm thông” hay ủng hộ Nga. Các nước trung lập chiếm 32% dân số toàn cầu gồm Ấn, Brazil, Nam Phi. Số còn lại, thuộc khối ủng hộ Nga, gồm Trung Quốc và Iran (tác giả quên Syria -ND).
Lãnh đạo các nền dân chủ lớn, có cả tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thích nói thế giới đoàn kết lên án Nga xâm lược, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Sự thật này thấy rõ ở Đối thoại Shangry-La, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á tổ chức từ 10-12 tháng 6 ở Singapore.
Thủ tướng Nhật Kishida lên án Nga xâm lược Ukraine, cũng như các bộ trưởng của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Úc. Tất cả đều cảnh cáo thái độ quân sự ngày càng hung hăng của TQ, kêu gọi hợp lực chống lại cái họ thấy là mối đe dọa từ TQ.
Nhưng sự chỉ trích Nga và TQ của họ không tìm đồng thanh trong các nước Đông Nam Á hay Thái Bình Dương. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia cho biết nước ông đã có quan hệ lành mạnh với Nga, mà ông mô tả như “một người bạn tốt”. Ông còn gọi TQ là đối tác thân cận
.
Bộ trưởng quốc phòng Malaysia minh định vị thế trung lập của nước ông, trong khi người đồng cấp nước Fiji nói đảo quốc của ông sẽ gặt hái lợi ích nhờ quan hệ với tất cả các nước, kể cả TQ.
Những phát ngôn như thế thật không tưởng tượng được trong một thế giới mà nghiễm nhiên Mỹ đang phụ trách. Nhiều thành viên từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ tham dự hội nghị, phát biểu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ngày càng suy yếu khoảng 10 năm gần đây khi nêu ra các sự kiện như sau:
Tháng 8 năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh cáo tổng thống Syri, việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” và sẽ dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chẳng sợ hãi, quân đội Syri dung hơi độc sarin giết chết hàng trăm người một năm sau đó. Obama im thin thít. Rồi 2013, Obama tuyên bố Mỹ không còn đóng vai “cảnh sát quốc tế” nữa. Ông ta chẳng có hành động nào để ngăn chận Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hoặc ngăn chặn TQ xây dựng các căn cứ quân sự ở biển Đông.
Kế tục sau đó, Donald Trump áp dụng chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, hậu quả là, từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các sự việc thế giới. Sự xâm lược Ukraine của Nga nổ ra trong bối cảnh địa chính trị như thế.
Với hy vọng hạ thấp hơn nữa ảnh hường của Hoa Kỳ, Moscow từng bước gây áp lực lên châu Á. Lấy ví dụ, Nga đe dọa ngưng vận chuyển các thiết bị quân sự đến các quốc gia Đông Nam Á nếu các nước này ủng hộ phương Tây kết án Nga đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo một nguồn tin ngoại giao trong khu vực.
Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á. Theo viện nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm, giữa các năm 2000 đến 2021, Nga bán cho các nước 10,9 tỷ đô la vũ khí, nhiều hơn Mỹ.
Nước mua nhiều nhất là Việt Nam, Malaysia, Indonesia sẽ gặp rắc rối vận hành khí tài nếu Nga cắt nguồn cung. Thật an toàn để nói rằng Moscow cũng tạo áp lực lên các nước ở Trung Đông và châu Phi, hai nơi phụ thuộc vào vũ khí Nga.
TQ sử dụng không những sức ép ngoại giao mà còn giúp đỡ kinh tế và đầu tư để lấy long các nước đang phát triển.
Diễn tiến này chỉ ra sự kết thúc của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo và thay thế họ không phải bởi một thế giới không có các cực, hay "G-zero", như một số chuyên gia đã dự đoán, mà là một thế giới ba cực nơi ba khối các quốc gia cạnh tranh để giành giựt ảnh hưởng toàn cầu .
Khối thứ nhất gồm các nền dân chủ phương Tây và châu Á, như Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Anh, Canada. Khối thứ hai gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn và các nước toàn trị khác. Khối thứ ba là liên minh lỏng lẻo của các nước “trung lập” hoặc không liên minh với phương Tây hay khối Nga-TQ. Khối này gồm Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil.
Khi sự đối đầu giữa “phương Tây” – gồm cả các thành viên châu Á – với khối Nga-Tàu thêm căng thẳng, các nước trung lập thấy ra cơ hội mở rộng ảnh hưởng của họ qua động thái cân bằng thận trọng. Phấn khởi với sự thành công của mình, các nước lớn trong khối thứ ba này – như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - hiện nổ lực hơn để theo đuổi hướng đi của riêng họ.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, sau đó thì tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao với Anh hôm 23 tháng 6 để thăm dò cách thức chấm dứt sự phong tỏa của Nga ở các cảng Biển Đen.
Về phía mình, Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu dầu của Nga từ tháng ba, nhưng đồng thời, cùng làm việc với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc là nhóm Bộ Tứ chống lại sự bành trướng của TQ.
Khi nhiều nước “trung lập” không dựa vào một liên minh an ninh nào với cường quốc dẫn đầu, họ tránh tuyên bố các phát ngôn có tính nguyên tắc, và có xu hướng tập trung vào những lợi ích hạn chế hơn. Điều này khó làm cho họ đoàn kết trong bất kỳ vấn đề nào như các nền dân chủ phương Tây hay liên minh Nga-Tàu.
Các cường quốc dẫn đầu phương Tây cần lôi kéo những nước lừng khừng này về phía mình và giữ nguyên hiện trạng. Nhưng làm thế chẳng dễ dàng gì. Muốn thành công, các nước phương Tây phải minh định những yêu cầu của các quốc gia này, kiên trì xây đắp quan hệ với họ dựa vào quyền lợi hỗ tương. Phương Tây có thể chẳng còn nhiều lựa chọn: TQ đã quyết tâm hoạch định các nỗ lực ngoại giao với cùng mục đích như thế.
Nguyễn Long Chiến dịch từ