Ảnh chụp các sĩ tử ở Hà Nội cung kính bái lạy hai chữ Hạ Mã trước ngày thi tốt nghiệp cho thấy chữ Hán vẫn còn trọng vọng. Trọng vọng đến nỗi, “hạ mã” là hai chữ nhắc nhở “xuống ngựa” cũng coi là chữ thánh hiền. Quan lớn mới có ngựa mà cỡi. Quan nhỏ hẳn phải đi bộ, ấy là thời quân chủ chuyên chế. Nơi “linh thiêng” như Văn Miếu không cho phép ai cưỡi ngựa đi qua hoặc đi đến kể cả quan. Văn Miếu có gì quan trọng? Đó là nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.
Với hơn “700 năm hoạt động”, Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến của nước này (theo wikipedia). Bảy trăm năm hoạt động khiến người ta tưởng cái đại học này hoạt động liên tục bảy thế kỷ. Cái rốn tri thức ấy với từng ấy thời gian chỉ còn ghi lại mấy chục “hiền tài”, mấy chục (83) tấm bia tưởng niệm, với tên khắc 1304 vị tiến sĩ .
Học vị tiến sĩ ngày xưa như giấy thông hành; hầu hết sĩ tử miệt mài đèn sách đặng thi đỗ chỉ để... làm quan. Đếm trên đầu ngón tay những vị tiến sĩ mới chuyên về nghiên cứu. Với "lý tưởng" đi vào ca dao: “Võng anh đi trước võng nàng theo sau”, học hành thời quân chủ phong kiến chỉ để làm quan. “Anh chưa thi đỗ thời chưa động phòng”. Việc thi cử lấy bằng cấp để làm "giấy thông hành" ấy đã chấm hết sau 700 năm xuất hiện của trường đại học đầu tiên của Việt Nam? Xin thưa, không chấm hết, nó còn phát triển, lên tầm cao mới. Nhìn những vị quan chức có bằng tiến sĩ, ngày càng nhiều trong guồng máy quốc gia, lời nhận xét của tôi không xuyên tạc hay khoa đại.
Các sĩ tử (tuy không phải đa số ở Hà Nội) đến Quốc Tử Giám không phải để noi gương các vị tiền bối về học vấn. Họ đến để “cầu may” bằng cách sờ vào đầu những chú rùa bằng đá đội bia có khắc tên tiến sĩ. Cúng bái là lẽ đương nhiên. Thần thánh thời @ này cũng rất thực dụng “cao lễ dễ thưa” hay sao? Đứa nào cúng nhiều, thần sẽ phù hộ may mắn đỗ đạt. Lễ càng trọng, đậu càng cao. Sĩ tử nào không cúng có lẽ sẽ rụng như sung?
Đến đây, tôi xin lưu ý quý vị, đó không phải mục đích của bài viết. Tôi muốn nói đến sự tự tin của người Việt Nam qua câu chuyện tưởng bình thường này.
Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam không có chữ viết riêng. Chữ Hán là ngôn ngữ truyền tải suy nghĩ của ông bà chúng ta. Có người bảo có chữ viết chứ, chữ Nôm kìa. Xin thưa, đây là ý muốn tổ tiên ta, tạo cho mình một chữ riêng, để ghi tiếng nói riêng; nhưng nếu không giỏi chữ Hán sẽ không đọc được và viết được chữ Nôm. Không khác chi bây giờ, không có phần mềm Windows của chú Bill Gates đố mà vi tính hoạt động.
Chữ Hán là ngôn ngữ chính thức trong các chế độ quân chủ chuyên chế VN. Và chữ Hán với Khổng Tử trở thành chữ thánh hiền. Tất cả nho sinh mở đầu đều "Tử viết, Tử viết". Không tin, quý vị đi khắp đất nước, nhất là miền Bắc, nơi rất nhiều công trình văn hóa có bề dày thời gian, đố ai tìm ra một chữ quốc ngữ (có thể gọi chữ Nôm đi) đúc trên mặt tiền của mỗi kiến trúc ấy. Và ngay cả ngày nay, hầu hết, nếu không nói là tất cả, các công trình “văn hoá “ mới xây dựng như đền, đài, miếu, nhà thờ tộc, chữ Hán đều được trọng vọng. Cũng có nhiều chỗ ghi chữ Việt nhưng để “trang trọng” hơn, chữ Hán được đứng song song.
Tôi không bài bác chữ Hán. Nó là bộ phận trong gia tài văn hóa, văn học nước nhà. Không có nó chúng ta làm gì có được tác phẩm hùng tráng như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Không có chữ Hán, lịch sử dân tộc chẳng biết ghi bằng tiếng gì, ở đâu. Chữ Hán là phần của dân tộc. Chữ Hán là công cụ ghi chép một thời của dân tộc.
Ngày nay, chữ quốc ngữ (chữ Việt) thay thế rất thành công cái chữ “thánh hiền” kia. Nhưng trớ trêu, không phải chữ quốc ngữ thoát hẳn cái “bóng” của chữ Hán (ta hay gọi xách mé “chữ Tàu”). Ngay trong biểu tượng của một quốc gia tuyên bố độc lập đầu tiên ở châu Á, chữ Tàu vẫn còn nằm trên tờ giấy bạc có in hình một vị lãnh tụ. Đây là chi tiết không quan trọng, nhưng chi tiết này nói lên cái tính cách người Việt Nam chưa thật sự hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của một loại chữ viết mà bao thế hệ, cả ngàn năm, trong một nước tự chủ vẫn gọi là chữ thánh hiền.
Người Việt Nam không tạo ra cho mình một lối đi hoàn toàn tự chủ. Xem lịch sử thì thấy. Có một tư tưởng - chưa nói triết học - một tôn giáo, một trường phái văn học, một lý thuyết chính trị... do người Việt Nam lập ra? Tất cả đều “du nhập” từ phương Tây, và trước đó hằng ngàn năm, từ phương Đông. Ngay cả chủ thuyết được dung để “giải phóng” đất nước cũng của ngoại bang. Một nhà cách mạng nổi tiếng thế giới, bất chợt thấy được “Luận cương Lê Nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, ngài mừng rỡ còn hơn nhặt được vàng. Việt Nam có cần một chủ thuyết ngoại lai để giải phóng đất nước mà không phải chủ thuyết của chính mình, những tinh hoa ông cha chúng ta sử dụng để không sống tiếp “một ngàn năm nô lệ giặc tàu”?
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi).
Vì hoàn cảnh lịch sử hay vì căn tính dân tộc: chúng ta không hề là dân tộc tự tin? Dân tộc tự tôn, khỏi nói rồi. Lịch sử đánh thắng ngoại xâm cả ngàn năm: có khi nào người Việt nghiền ngẫm lại các trận thua, các thất bại đẫm máu, rồi viết vào lịch sử cho hậu thế “rút kinh nghiệm”? Tất cả là chiến thắng. Địch chết lềnh sông, phơi thây đầy núi. Vì ở gần một đế chế có máu xâm lược, người Việt chỉ lo đánh giặc mà không có thời gian xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa, văn minh, mà sự tự tin phải lấn lướt sự tự tôn? Các công trình kiến trúc lịch sử của ta có bề thế, hùng vĩ hơn các công trình của các nước láng giềng? Có xây dựng nền tảng chiều sâu văn hóa thì người ta mới có thể có những công trình “để đời” về: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học, triết học…Di sản văn hóa thế giới Cung Đình Huế chỉ là bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành Trung Quốc.
Tôi cho rằng người Việt thông minh nhưng người Việt không tạo ra những cái “đặc sắc” độc đáo Việt Nam có tầm vóc quốc tế vì: người Việt thiếu tự tin (dù họ thừa tự tôn).
Các sĩ tử ở Hà Nội (trong bức ảnh) nếu tự tin, dựa vào nỗ lực của mình, thì các em sẽ không lạy bái hai cái chữ HẠ MÃ để mong hai chữ này phò hộ mình “vượt vũ môn” xênh xang áo mão. Và tôi cũng múa may một tý: Nếu thất bại việc hình thành trong giới trẻ VN lòng tự tin (mạnh hơn tự hào), như ở các em này, thì đó là lỗi hoàn toàn do giáo dục gia đình và xã hội.
(Chép lại bài cũ nhân ngày học sinh “lều chõng” đi thi).