Thursday, June 30, 2022

NỘI CHIẾN TỪNG NGÀY?



Báo đăng ban tổ chức đêm văn nghệ ở Đà Lạt bị “mời làm việc” do Khánh Ly hát Gia tài của mẹ, bài hát ngoài danh sách đăng ký. Nếu không “có vấn đề” thì chả ai phải bị “mời” cả.
Vấn đề ở đây là gì? Chắc chắn không phải ca sĩ hát bài bị cấm hát. Lý do, theo VNEXPRESS ngày 17/02/2020, “Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975”. Vậy vì lý do gì? Không trách “cơ quan chức năng”. Nhiệm vụ của họ là phải tuýt còi nếu có gì không nằm trong sự quản lý của mình. Tất cả cũng vì trách nhiệm, hay nôm na hơn, vì nồi cơm. Ăn cơm chúa mà không múa thì chúa đâu có chịu.
Vậy, bài hát có “vấn đề” gì?
Theo suy luận của tôi, nội dung khiến cơ quan chủ quản “ra tay” nằm trong câu cuối của đoạn hát (trích): “Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày”.
Nhưng tại sao lại sợ mấy chữ “nội chiến”? Cuộc chiến vừa qua có rất nhiều tên gọi cách nhìn của các bên tham gia. Mỹ gọi là Vietnam war (Cuộc chiến VN). Nhà cầm quyền Hà Nội gọi là cuộc chiến chống Mỹ (xâm lược). Vì khác cách gọi mà người Việt có thái độ khác nhau với cuộc chiến.
Có mặt của đội quân nước ngoài ở VN, đứng đầu là Mỹ, chiến tranh xâm lược là tên gọi dễ dàng được nhiều người bên VNDCCH (Việt Nam dân chủ cộng hòa) chấp nhận nhất. Về phía VNCH (Việt Nam cộng hòa), phần nhiều người dân miền Nam gọi cuộc chiến chống lại “quân cộng sản xâm lược”.
Cuộc chiến tranh lần nhì (phân biệt với lần nhất – chống thực dân Pháp) xảy ra vì đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17. Vì sao bị chia cắt, chẳng cần giải thích, ai ai cũng hiểu: Việt Nam lọt vào “gọng kìm lịch sử” của các cường quốc thuộc hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Nói huỵch tẹt ra, nếu không có chủ nghĩa cộng sản thì không có chiến tranh ở Việt Nam.
Tôi dẫn chứng: Lúc tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bức thư gửi tổng thống Mỹ đề nghị được công nhận. Vì phát hiện ra Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, chính phủ Mỹ không dám công nhận một nước có lãnh tụ là…cộng sản. Giả sử Mỹ coi VN là một nước độc lập, liệu cụ Hồ có phát động cuộc chiến chống Mỹ cứu nước? Khi VN là bạn Mỹ, người Mỹ có mang quân qua VN, giúp chính quyền Sài Gòn, đánh chính quyền Hà Nội? Sự có mặt của Mỹ ở VN không khác sự có mặt của Mỹ ở Triều Tiên. Hàn Quốc tri ân sự có mặt của Hoa Kỳ. Nếu không có họ, Nam Hàn bây giờ cũng húp cháo để chế bom nguyên tử như Bắc Hàn.
“Đế quốc” Mỹ không có nhu cầu đất đai, do đó, Mỹ không xâm lược ai. Họ có thể thất bại trên phương diện nào đó như không thể duy trì chế độ họ cưu mang một thời ở Việt Nam hay ở Afghanistan (Thực ra lỗi không hoàn toàn ở họ).
Vậy, cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam chủ yếu là cuộc chiến giữa người miền Bắc (theo cộng sản) và người miền Nam (chống cộng sản). Số người Việt chết trong chiến tranh ước tính trên 3 triệu người. Đất nước tan hoang vì bom đạn, dân tộc đổ quá nhiều máu bởi loại vũ khí không phải chính người Việt làm ra. Giết chết người Việt là đạn, là bom, của người Nga, của người Tàu, của người Mỹ, của người Pháp.
Nếu không có chủ nghĩa cộng sản thì thế giới không thể chia hai phe đánh nhau, hậu quả, hai miền Nam-Bắc VN cũng phải cầm vũ khí đánh nhau, giết nhau.
Trong bài Gia tài của mẹ, Trịnh Công Sơn than thở “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”; lời than thở ấy cũng là lời than thở sâu thẳm trong tâm khảm của mọi người dân Việt Nam.
Vì sao anh em một nhà giết chết nhau? Không thể nói người miền Nam muốn “ôm chân” đế quốc để giết hại đồng bào miền Bắc. Cũng không thể nói đồng bào miền Bắc bảo vệ khối XHCN muốn giải phóng miền Nam khỏi sự nô dịch và kìm kẹp của đế quốc Mỹ. Ai giải phóng ai, sau năm 1975, mọi người Việt đều có câu trả lời, rất đơn giản.
Tất cả những điều tôi nói trên không phải là chủ đích chính của bài viết. Tôi muốn nói thái độ nhìn nhận cuộc chiến đối với tương lai hòa giải và hòa hợp dân tộc – một vấn đề lớn, ngốn không biết bao nhiêu tâm huyết của mọi người VN còn có tấm long sâu nặng với mảnh đất từng đau thương này.
Khi nhìn nhận cuộc chiến tranh vừa qua là nội chiến, tức trong gia đình đánh nhau, giết nhau, sự bao dung mới có điều kiện hiển hiện trong suy nghĩ của mỗi người Việt Nam. Có thể nhìn nhận như thế sẽ thay đổi (không dễ gì chấp nhận) cách giải thích từ xưa đến nay của bên “thắng cuộc”, với lý tưởng: cuộc kháng chiến thần thánh, chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có biết bao nhiêu sự thay đổi kèm theo. Một thay đổi đau đớn nhất: hàng triệu người hy sinh cũng chỉ vì “nội chiến” hay sao?
Mỹ không cướp nước không phải họ không thể cướp được. Miền nào cần được giải phóng? Chỉ có "thống nhất” trong cái lý tưởng trên là chấp nhận được: chấp nhận với giá quá đắt, nếu chúng ta so sánh sự thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức (sắp tới biết đâu sẽ là Nam Hàn và Bắc Hàn). Cho đến ngày hôm nay, sự trả giá ấy không phải là không dai dẳng. Có biết bao cuộc “nội chiến” giữa bên “thắng cuộc” và bên” thua cuộc” âm thầm xảy ra ngày đêm, biểu hiện một phần nổi qua các trang mạng xã hội. Bất kỳ một sự việc nào xảy ra ở VN, chúng ta đều thấy – không còn lấp ló nữa – sự chia rẽ sâu sắc của người VN xuât phát từ hai thể chế trong lịch sử, từ hai miền chia cắt chỉ tạm thời chưa quá hai chục năm.
Khi xem cuộc chiến tranh này là nội chiến, người Việt Nam sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau. Máu đỏ, da vàng mà. Họ sẽ hiểu vì ai mà người Việt giết nhau. Khi là nội chiến thì sự mất mát của bên kia cũng là mất mát của bên này. Máu bên kia đổ cũng đau đớn như máu bên này đổ. Hai đứa con cùng một mẹ, chúng đối nghịch nhưng cũng từ núm ruột rứt ra. Bàn thờ gia tiên, hai anh em, hai cha con, sống từng bắn vào nhau, nhưng khi chết, đều cùng một chỗ, cùng một gia đình, cùng một cội nguồn. Nếu là “địch ta” bàn thờ sẽ phải bỏ đi?
Nếu sự kiện Khánh Ly hát bài Gia tài của mẹ có vấn đề (vì câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày) thì sự hòa giải hòa hợp dân tộc, suy rộng ra, đang có vấn đề. Và vấn đề lớn hơn, cuộc chiến huynh đệ tương tàn lùi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ, “nội chiến” vẫn còn dai dẳng nhức nhối hay sao?