Không rõ súc vật cùng loài có sợ nhau không. Mèo sợ cọp, chuột sợ mèo thì rõ rồi. Vì chúng khác loài. Nhưng người sợ người là điều chắc chắn, tuy cùng loài với nhau. Nỗi sợ là bản năng. Chính vì sợ, con người mới tồn tại. Thấy lửa cháy, không sợ, nhảy vào, con người sẽ ra than. Gặp cọp đói mà không sợ, chạy trốn, con người bị ăn thịt ngay.
Sợ làm người dễ trị người. Người dễ khiến người. Lúc nhỏ ở vùng quê, đèn điện chưa có, tôi hay đi chơi về khuya, nghĩa là về trễ, khi mọi người trong nhà đã yên giấc. Thế là cha tôi kể cho nghe chuyện ma. Trong những con đường làng vắng vẻ, bóng tối ngập tràn, mỗi nhà ban đêm leo lét ngọn đèn dầu, nhà này rất xa nhà kia, thì bên ngoài trong đêm tối mịt mờ, trong những cây xoài, cây mít xum xuê, những con ma núp trong đó, trẻ con đi qua, con ma sẽ le lưỡi dài đỏ chót, có đứa bị liếm mà rụng sạch tóc. Thế là, tôi không còn đi chơi đêm. Sợ ma làm cho tôi làm theo ý muốn của cha. Có lẽ ông vui vì dùng nỗi sợ để khuất phục con: Cha nói con phải nghe.
Nỗi sợ đi theo con người qua nhiều thời đại. Và nỗi sợ giúp thời đại “yên bình”. Đó là thời Việt Minh. Quê tôi là vùng tự do, nghĩa là vùng có VM quản lý, khác vùng bị chiếm, bọn Tây (tức Pháp) kiểm soát. Thỉnh thoảng, lính Pháp tổ chức hành quân càn quét vùng “tự do “. VM kháng cự sơ sài rồi rút vào núi để trốn, dù đông hơn quân số, do giáo mác, một vài khẩu súng trường, không địch lại bọn Tây vũ khí trang bị tận răng. Dân làng đều theo lực lượng VM chạy lẫn vào núi rừng mênh mênh mông tìm nơi ẩn nấp, bỏ lại nhà không đồng trống. Có ai ở lại không? Có nhưng rất ít. Một số có hận thù với VM muốn ở lại để dựa vào Tây mà rắp tâm trả thù. Có kẻ ở lại để dễ bề trộm cắp. Cũng có người ở lại vì nghề đưa đò hay trẻ em không hiểu “địch, ta”.
Bọn Tây hành quân lên đốt phá xóm làng; số người ”lợi dụng Tây”: chống ghe đưa chúng qua sông, ăn cắp gạo, lúa, bắt trộm gà, hoặc tố cáo với giặc đốt nhà ở của các lãnh đạo VM. Chừng 12 trong số người này bị “toà án nhân dân” kết án tử hình sau khi giặc rút đi. Tất cả dân chúng các xã, các làng, đều được huy động đến để trực tiếp chứng kiến phiên toà xử bọn “Việt gian” phản quốc. Cha tôi kể lại, sau vụ hành quyết tập thể này, không bao giờ có vụ mất cắp đối với lúa gạo nào xảy ra, và không ai dám ở lại nhà mỗi lần bọn giặc Pháp tổ chức hành quân. Tất cả một lòng theo VM. Cái chết của bọn “Việt gian” có sức mạnh răn đe khủng khiếp.
Nỗi sợ này không hẳn chỉ có của VM. Sau 1954 một thời gian ngắn, ở vùng quốc gia, nỗi sợ tràn lan không kém. Thành phần cốt cán tập kết ra Bắc không mấy người. Số còn lại, tuổi trai trẻ, ai không theo VM? Thế là các người tham gia guồng máy VM bị tập trung để… sám hối. Một số người “có ân oán” trong đấu tố địa chủ thì bị thủ tiêu, không nhiều, nhưng nỗi sợ hãi sẽ có người tiếp theo bị “bỏ bao tời” thả sông (bao bố sọc xanh chứa 1 tạ gạo) thì bao trùm cả vùng quê. Cha tôi là một trong những người may mắn. Là đảng viên CS, trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng bị chiếm huyện tôi ở, ông chỉ bị tập trung tra hỏi và “sám hối” một thời gian rồi được tha nhờ không có hành động “gây oán” nào trong thời kháng chiến chống Pháp.
Nỗi sợ của người Việt không chấm dứt khi cuộc chiến tranh Nam- Bắc bắt đầu. Lúc này, nỗi sợ của mỗi người dân là: theo bên này sẽ là địch thủ của bên kia. Chết sẽ là kết cục. Hoà bình lặp lại sau 30 tháng 4, nỗi sợ chấm dứt?
Không. Nỗi sợ lúc này là miếng ăn, cái đói chực chờ. Cái đói do sai lầm quản lý kinh tế không đáng sợ. Cái đáng sợ là mặc cảm thua trận. Nỗi sợ bị phân biệt đối xử của những người “cầm súng chống lại nhân dân”, cả người trong gia đình họ. Nỗi sợ tương lai mịt mờ. Có ai là con cái “ngụy quân, ngụy quyền” vào đại học thời điểm sau “giải phóng” ? Nỗi sợ theo đuổi không chỉ thân nhân người đi cải tạo, biền biệt rừng sâu. Nỗi sợ còn đeo bám những người đi vào biển cả, thách thức hiểm nguy, bão tố, hải tặc, biên phòng, để đi tìm tự do, tự do trả bằng mạng sống.
Nỗi sợ ấy tuy đau đớn nhưng nỗi sợ cất lên tiếng nói sự thật còn đau đớn hơn. Có ai dám nói thật suy nghĩ của họ sau những ngày tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng? Không. Không có ai. Cất tiếng nói trong lúc này của bên thua cuộc chắc chắn chẳng được ai để ý; chưa nói, tiếng nói khác biệt ấy có khi là “tàn dư của bọn từng cầm súng chống lại nhân dân”. Nhưng bên thắng cuộc, tiếng nói có được tự do? Chưa chắc.
Nếu tiếng nói tự do, chân thật, được lắng nghe thì ông Kim Ngọc của Vĩnh Phú đâu bị thất sủng khi sáng suốt đề xuất khoán hộ trong nông nghiệp hợp tác xã thập niên 1960? Để rồi 20 năm sau đó, tiếng nói của ông mới trở thành chân lý: sản xuất do động lực tập thể không hiệu quả bằng sản xuất từ động lực cá nhân. Vì sao hợp tác xã nông nghiệp- đặc trưng của XHCN- không thành công nhưng vẫn được áp dụng? Bởi ai cũng không dám cất lên tiếng nói phản bác. Phản bác đồng nghĩa với phản động: đi ngược lại đường lối cách mạng.
Nỗi sợ hãi không những làm kẻ bình dân không dám cất lên tiếng nói tự đáy lòng, tự suy nghĩ của mình. Nỗi sợ hãi còn làm cho những bậc trí thức không dám cất lên tiếng nói của trí tuệ. Nếu có góp tiếng, thì, hoặc là không phải tự thâm tâm, hoặc xuôi chiều gió, đặng kiếm chút bình an. Nỗi sợ làm cho họ nhớ đến Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An. Nói thẳng, nói thật để về vườn?
Ngày nay, nhân loại đang ở vào giai đoạn tiến bộ vô cùng. Cách mạng công nghệ kĩ thuật số có làm con người không còn nỗi sợ nào?
Các chế độ toàn trị bây giờ- như ở Trung Quốc- đã làm chủ việc ban phát nỗi sợ. Bất kỳ hoạt động của bất cứ người nào trong hơn 1,4 tỷ dân đều được theo dõi. Đó là lý do xã hội TQ trở thành một thế giới riêng. Thế giới của nỗi sợ. Người dân không biết tới cuộc nổi dậy Thiên An Môn. Người dân không biết tới có các trại “huấn nghiệp “ ở Tân Cương. Người dân không biết tới cuộc xâm lược VN năm 1979. Họ chỉ biết đó là ”dạy cho VN một bài học “. Chính trị ổn định, người dân chỉ biết làm giàu. Họ không bao giờ dám lên án một người sửa hiến pháp để lãnh đạo mãn đời không khác gì vua chúa, ở cái thể chế mà cha ông cộng sản của họ đổ xương máu để đánh đổ. Nỗi sợ làm cho người dân cảm thấy bình an khi ai đó cho họ bình an, hạnh phúc khi có ai đó ban họ hạnh phúc, giàu có khi có ai đó cho họ giàu có, trong khi bình an, hạnh phúc, giàu có chính họ mới tạo ra cho mình, đó mới trường cữu.
Khi có những suy nghĩ, tôi thường hay viết ra, và đăng lên Facebook. Nếu có một chỗ khác để tự do bày tỏ suy tư, tôi sẽ không chọn mạng xã hội này. Một mạng ảo. Xem qua rồi bỏ. Không xem nó cũng trôi mất. Mà biết có ai xem? Viết ra và tôi có nỗi sợ nào ám ảnh không? Sao lại không. Nhiều bạn học, bạn đọc, người thân khuyên tôi: Viết “táo bạo” coi chừng bị “hốt”, bỏ gia đình, ảnh hưởng tới con cái, chẳng lợi ích gì ở xã hội bây giờ. Nhiều người theo dõi tôi viết nhưng (thẳng thắn nhận xét) họ chẳng buồn like, buồn còm, vì “nguy hiểm” lắm.
Suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình là cái tôi học trong trường thời nhỏ ở miền Nam. Không có vị thầy nào nói với học sinh, rồi sinh viên chúng tôi, các em phải suy nghĩ như thế này, không được suy nghĩ như thế kia. Nghĩa là không sợ hãi khi suy nghĩ và tự do biểu đạt suy nghĩ cá nhân.
Khi đã “thất thập”, tôi mới nghiệm ra, ở quê vì tăm tối, thiếu ánh sáng của đèn điện, tôi mới tin cha tôi kể về ma và tôi sợ ma. Khi có ánh sáng, nỗi sợ không còn thì ma cũng mất. Rất đơn giản.