Sunday, July 31, 2022

LÝ DO VIỆT NAM KHÔNG BẮT CHẸT CÁC ĐẠI GIA SIÊU GIÀU. (Why Vietnam doesn’t squeeze its super-rich tycoons)

 Tin đồn "cấm xuất cảnh" đối với người giàu nhất VN chẳng qua là cách "nắn gân" tài phiệt VN: "ngoan sống, mống chết". Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình; kinh tế VN không giống kinh tế TQ; các tài phiệt VN chả 'bõ bèn' gì so với tài phiệt TQ. Đó cũng là:

................................................

Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn VinGroup


“Không như Trung Quốc trấn áp các siêu doanh nghiệp, đảng CSVN cho phép các tài phiệt tư nhân yên ổn làm giàu”.
Bài của DAVID HUTT đăng trên Asiatimes ngày 29, tháng 7 năm 2022
So với sự trấn áp của đảng CSTQ lên giới doanh nghiệp tư nhân thường thấy ở TQ, các tài phiệt giàu có ở VN tương đối làm ăn dễ dàng dưới sự cai quản của cộng sản Hà Nội.
Vì vậy, khi mạng xã hội mới đây dấy lên tin đồn người giàu nhất VN, chủ tịch tập đoàn Vingroup ông Phạm Nhật Vương đang có vấn đề với giới cầm quyền, sự đồn đoán cấp kỳ quay quanh việc siết chặt- như kiểu của TQ- đối với công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam đang ở phía trước.
“Lò” đốt tham nhũng của đảng CSVN, khởi động từ năm 2016, “xử lý” hàng ngàn quan chức cán bộ đảng, mới đây nhất là tham nhũng và hối lộ nhân vụ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đầu tháng này, phát ngôn viên bộ công an bác bỏ tin đồn chung quanh ông Vượng gồm cả chuyện bị giới hạn xuất cảnh.
Vào đầu năm, bộ (CA) cũng bác bỏ tin “bị điều tra” đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC phất như diều, chủ hãng hàng không giá rẻ Bamboo Airway
Ông Quyết – người được coi là giàu nhất VN năm 2017 nhưng năm 2020 thì tài sản đi xuống – bị bắt ngay sau đó vì tội lũng đoạn thị trường chứng khoán liên quan đế cổ phần công ty của ông ta.
Thành viên cao cấp tại chương trình nghiên cứu VN của viện ISEAS-Yusof Ishak, ông Lê Hồng Hiệp, lập luận khả năng “Vượng không còn được sũng ái và sẽ bị chính phủ xử phạt là rất thấp”.
Vượng có an toàn hay không, câu hỏi vẫn dấy lên vai trò hiện nay giữa đảng Cộng sản và doanh nghiệp tư nhân giàu có của đất nước.
Năm 1986, Đảng đưa ra chương trình cải cách vơi tên “Đổi Mới”, chấm dứt sự kiểm soát của nhà nước lên toàn bộ nền kinh tế.
GDP của VN tăng từ 26 tỷ đô la Mỹ lên 271 tỷ trong năm 2020 khi quốc gia trở thành đầu tàu xuất khẩu.
Dựa theo một phỏng đoán, con số “siêu giàu” người Việt trên 30 tỷ đô la tăng 320% từ năm 2000 đến 2020, tỷ lệ nhanh nhất trên thế giới.
Các cuộc thăm dò cho thấy, dân chúng rất hồ hởi, khi ngày càng nhiều tư bản tích lũy trong một quốc gia do người cộng sản điều hành.
Viện nghiên cứu trí tuệ (think tank) Pew (Mỹ) đặt câu hỏi trên khắp thế giới với những người được hỏi, liệu họ có nhất trí “hầu hết mọi người giàu có hơn trong một nền kinh tế tự do, ngay cả có kẻ giàu người nghèo”. Ở Hoa Kỳ có 72,1% người đồng ý. ỞVN có tới 95,4%, con số thống kê lớn nhất trên thế giới.
Rõ ràng điều đó chỉ ra sự mâu thuẫn của một chế độ pha trộn tư bản-cộng sản đối với sự chia rẽ giàu nghèo. Năm 2013, tổng bí thư đảng CS cảnh báo “sự chia rẽ giàu nghèo đang cho thấy dấu hiệu ngày càng tồi tệ”.
Ông Lê Hồng Hiệp nói với Aisa Times, cho đến giờ này, các tài phiệt VN chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng “bởi vì chiến dịch nhắm đích trước hết vào các quan chức và các giám đốc công ty tham nhũng trong chính phủ”.
Chỉ gần đây một số doanh nghiệp bị nhắm tới. Nhưng đây là “chủ yếu những người có hoạt động kinh doanh phạm pháp chứ không phải Đảng cảm thấy quyền lực bị đe dọa”.
Em của ông Vượng, Phạm Nhật Vũ, bị bắt vào đầu năm 2019 vì tội hối lộ trong vụ đình đám liên quan mưu toan công ty tư nhân mua lại tập đoàn viễn thông nhà nước Mobiphone.
“Tuy nhiên, các công ty phải tuân thủ quy tắc của Đảng, tránh xa các hành vi làm ăn tham nhũng có thể đe dọa an ninh kinh tế đất nước hoặc đi ngược chính sách của Đảng”. Ông Hiệp nói tiếp: “Sau cùng, các quan chức Đảng và các đại gia địa phương giúp nhau đạt mục tiêu của mỗi bên: sự tồn tại chế độ và mở rộng tư bản”.
Các nhà phân tích suy đoán lãnh vực tư nhân và các tài phiệt VN – không giống ở TQ – hãy còn rất yếu về mặt chính trị, chẳng thể tạo ra đe dọa nào cho Đảng.
Giáo sư khoa chính trị đại học Oregon, ông Vũ Tường, cho biết: “Khu vực tư nhân còn quá yếu và quá phụ thuộc vào nhà nước, không như đồng nghiệp của họ ở TQ. Có rất ít các tài phiệt và tất cả họ tập trung vào đất đai và dịch vụ. Họ không những làm giàu nhờ quan hệ cá nhân và quan hệ chính trị mà còn phụ thuộc vào những quan hệ đó để sinh tồn và phát triển. Kinh doanh của họ có thể khống chế một lĩnh vực nhưng cũng rất dễ bị thay thế mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Theo thống kê của bộ tài chính năm 2020, có 96% doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, đa số trong đó chẳng đạt cỡ trung bình.
Ông Vũ còn nói, chẳng có tài phiệt nào có mối quan hệ quốc tế như các tài phiệt TQ gầy dựng qua rất nhiều năm.
Nhà phân tich này nói thêm, quan chức Đảng CSVN và các ông lớn lĩnh vực tư nhân đã có mối cân bằng “có đi có lại” (qui pro quo).
Đảng cần tư nhân để phát triển kinh tế, nhờ đó khẳng định tính chính danh trước nhân dân, và tư nhân cũng cần Đảng ổn định sự ưu ái, dễ dãi, tiếp cận thị trường.
Trước đại hội Đảng năm 2021, sự kiện diễn ra 5 năm một lần, các chính sách và chức vụ chủ chốt được quyết định, người ta tuyên bố Đảng mong muốn các công ty tư nhân chiếm hơn phân nủa nền kinh tế đến năm 2025, tăng chừng 42% so với năm 2020.
Đặc biệt hơn, Đảng muốn 1,5 triệu công ty tư nhân đóng góp trên 55% GDP vào năm 2025, so với 700.000 công ty chiếm 42% vào năm 2020.
Chủ tịch hội phụ nữ VN đại biểu Đảng bà Hà Thị Nga phát biểu ở đại hội: “Các công ty tư nhân phải là động lực cho nền kinh tế, đóng góp tăng trưởng cho GDP”.
Ông Hiệp nhận định: “Tiến tới trước, thay vì hạn chế khu vực tư nhân, có lẽ đảng CSVN muốn nuôi dưỡng tư nhân chắp cánh cho tăng trưởng kinh tế VN, giảm thiểu nguy cơ trở nên quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.
Khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm xưởng VinGroup năm 2017, nơi mới có dây chuyền sản xuất xe hơi của tập đoàn, ông ta ca ngợi tập đoàn là “nhà tiên phong xây dựng thương hiệu xe hơi quốc gia”.
Nguyễn Xuân Phúc, nay là chủ tịch nước, công khai tầm quan trọng của tập đoàn VinGroup khi ông thăm xưởng máy năm 2019 lúc còn là thủ tướng.
Sau khi lái thử chiếc xe điện mới đầu năm 2019, ông tuyên bố với quần chúng “ưu tiên dung hàng VN”, một chỉ dấu cho thấy các ông lớn này rất quan yếu trong kế sách giảm thiểu lệ thuộc vào công ty vốn và đầu tư nước ngoài.
Chính phủ ông Phúc đưa ra các hạn chế nhập khẩu xe hơi năm 2018, một động thái làm an tâm VinGroup.
Đáp lại đối đãi này, người ta kỳ vọng các đại gia VN phải ngoan ngoãn và kín tiếng. Không như các đại gia khác, ông Vượng rất kín đáo trong việc mua sắm hoành tráng.
Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi với tờ báo quốc doanh Tuổi Trẻ, ông cho biết, quy tắc cốt lõi trong tập đoàn của ông là “yêu nước, kỷ cương, và đúng đắn”.
Tuy nhiên, quan hệ “có đi có lại” không phải là mãi mãi như đang thấy hôm nay. Khi các nền kinh tế phát triển và vươn tầm, áp lực cải cách chung đang tăng lên.
Tham nhũng và lạm quyền có lợi cho phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu, gồm cả sự chuyển đổi từ cộng sản sang tư bản, nhưng vấn đề trở nên gai góc khi các công ty tư nhân lớn mạnh và sự phân cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc.
Bởi vì VN thiếu nền pháp quyền đúng nghĩa hoặc không có quyền sở hữu tư nhân rõ ràng, tiềm năng xảy ra mâu thuẫn ngày càng tăng với nhận thức rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân thủ chung luật chơi như nhau.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích ở đại học Victoria, Wellington, sự trấn áp công khai lên khu vực tư nhân và các đại gia vẫn chưa thấy như ở TQ nhưng có dấu hiệu đang gia tăng.
“Giải quyết tham những trong khu vực tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là bài toán nan giải đối với Đảng bởi mô hình phát triển của nó, theo cách nào đó, dựa vào tham nhũng, hoặc tham nhũng ‘vặt’, tham ô hay ‘tiếp cận tiền’.
Ông Giang dự đoán: “Tham nhũng là dầu bôi trơn hệ thống. Kết quả cuối cùng sẽ là trừng phạt có chọn lọc một số doanh nghiệp để “dĩ giới” (răn đe), trong khi số khác, đặc biệt những ông lớn ‘khó đổ nổi’ sẽ không đụng đến”.
Nguyễn Long Chiến dịch.

Sunday, July 24, 2022

TÁI ÔNG THẤT MÃ (Chuyện đã 4 năm)

 Chủ tịch nước vừa ký quyết định đình chỉ công tác bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Nôm na ông ta bị cách chức. Hẳn ông ấy đang buồn thúi ruột. Đường hoạn lộ thênh thang bỗng dưng đóng lại. Về vườn.

Nếu được quen ông, tôi sẽ mời đi uống cà phê, và kể câu chuyện, những người như chúng tôi, được nghe ngay khi còn lò dò vào bậc trung học mấy mươi năm trước: Tái ông thất mã.
Tái ông rất giàu có, sinh một con trai duy nhất; khi biết cưỡi ngựa, người cha mua rất nhiều ngựa quý. Chàng thường xuyên luyện tập. Một hôm, có một con ngựa đẹp nhất đi mất. Hàng xóm chia buồn ngựa mất. Ông trả lời chưa hẳn là rủi. Mấy ngày sau, con ngựa lại trở về, dắt thêm một con khác, cực kỳ xinh đẹp. Hàng xóm chia vui. Ông nói chưa hẳn đã may. Và thật, con ông đã ham cưỡi con ngựa mới, chẳng may ngã té, gãy chân. Hàng xóm chia buồn, ông nói không hẳn rủi. Khi xảy chiến tranh, tất cả trai làng đi lính bỏ mạng gần hết, con ông không chết nhờ gãy giò, miễn lính. Hàng xóm mừng gia đình ông may mắn.
Câu chuyện không rõ đúng sai nhưng đúng ở chỗ: may - rủi, được - thua, thành công - thất bại là...quy luật, không lấy làm mừng khi được, không lấy làm buồn khi thua.
Lúc chiến tranh còn ác liệt trên đất nước mình, rủi may cũng rất nhiều. Những người sống chui nhủi trên rừng, sốt rét, đói kém, bị bom đạn Mỹ và đối phương săn lùng, mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, trong lúc đó, ở chỗ an toàn hơn nơi phố thị người ta sống ở đó, thật "may", những "người kia" thật "rủi". May mắn hơn thì nằm trong guồng máy chính phủ, tuy phải ra sa trường nhưng có lương, lỡ chết vợ con cũng còn tiền tử tuất, cuộc sống không phải như những "người ở núi".
Năm 1975, Hà Nội "giải phóng" Sài Gòn. Những người sống "chui nhủi" trên núi về thành phố cầm quyền. Những người ở thành phố tưởng thảnh thơi phải cơm đùm gạo gói, lên núi học tập cải tạo.
May rủi, sướng khổ...đổi thay, chẳng biết đâu mà lường. Những người ở trại cải tạo cũng bị sốt rét, có khi ăn không đủ no, khổ sở tứ bề. Từ sướng chuyển qua khổ thật đoạn trường. “May" qua "rủi" tức thì.
Nhưng có "rủi" mãi đâu. Chương trình ra đi có trật tự gì đó đã đưa hàng trăm ngàn người đói ốm và gia đình túng quẫn qua Mỹ, hình thành những Việt kiều...yêu nước, dù trước đây bị coi là..."bán nước". Cộng với hàng trăm ngàn người Việt đi vượt biên, họ, những người bị cải tạo kia đã gởi hàng chục tỷ Mỹ kim về thân nhân, gia đình , góp phần cho kinh tế đất nước. Con cháu họ trở thành những công dân xứ sở tự do, thành đạt hầu hết trên mọi lãnh vực, thậm chí có người còn là nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế, những nhân vật kiệt xuất làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam.
Nội dung chuyện kể ở trên cũng tương tự nội dung câu chuyện Tái ông mất ngựa. Có tí xíu hơi hơi chuyện thời sự báo đăng mấy ngày nay.
Ông Trương Minh Tuấn một thời "hét ra lửa" với giới báo chí, trước thật may(lên chức vù vù), nay thật rủi (chưa hết giấc hòe đã mất chức), như một con hổ của Thế Lữ: “Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt". "Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua".
Thế mới biết: “Hữu thế bất khả ỷ tận". “Hữu phước bất khả hưởng tận".Những câu nói khôn ngoan của cha ông chúng ta ít được các quan chức hiện nay suy gẫm. Làm sao khi trở về làm dân, quan chức được người ta mừng rỡ, mời một ly nước, một ly rượu chân tình. Chứ không phải mới chỉ "đình chỉ công tác", người ta hồ hởi xúm vào nhíu mày đay nghiến, bỉ bôi, chửi bới. Chưa kể người dân còn hân hoan khi quan vào tù, nghỉ sống, chuyển qua từ trần.

Thursday, July 21, 2022

ĐÔI GUỐC



(Kỷ niêm một chuyến đi).
Về Tiên Phước, Quảng Nam, ghé thăm nhà lưu niệm chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.
Ngôi nhà ở từ bé của cụ trông nhỏ hẹp. Chung quanh là hàng rào chè tàu. Lối vào nhà cũng là hàng rào chè tàu, một loại cây lá rất nhiều và nhỏ như móng tay, cành mọc chi chít, nhưng mảnh khảnh dễ uốn, đan vào nhau rất kín, dân quê thường trồng làm hàng rào, cắt tỉa thẳng tắp.
Căn nhà rường toàn gỗ, thấp lè tè, chật hẹp, mái ngói móc âm dương, đặc trưng nhà cổ Quảng Nam, chứa các di vật quý: đôi guốc mộc, khăn đóng vải đen, và chiếc gối cũng bằng gỗ. Vật dụng đơn sơ nói lên cốt cách một nhà chí sĩ.
Người quản thủ ngôi nhà hãnh diện nói: mới có một vị thứ trưởng vào đây thắp nhang. Chúng tôi thấy nhang còn cháy, mùi quế rất thơm, vùng Tiên Phước rất giàu loại cây này.
Tôi thấy có trưng bày một bản gốc báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập năm 1927, kéo dài đến 1943 thì bị Pháp buộc đình bản.
Người ta bảo cụ có huy hiệu danh dự nhất là Huân chương sao vàng. Có người nhắc đến chức cao nhất quyền chủ tịch nước, thay ông Hồ Chí Minh đi hội nghị Fontainebleau 1946 khi cụ đang giữ bộ trưởng nội vụ chính phủ lâm thời.
Đối với tôi, vinh dự lớn nhất của cụ không phải là chức "vua" (tạm thời) mà chính là sự ra đời của báo Tiếng Dân. Dân ta bị cai trị bởi bọn thực dân, nhưng một tờ báo tư nhân lại được xuất bản có tuổi thọ khá dài và khá nhiều ấn bản (1766).
Sống trong nô lệ nhưng suy nghĩ tự do(ở đây là ngôn luận), đó là một sứ mạng của tờ báo. Sứ mạng hết sức hiếm có. Thời buổi 4.0, đố ai ở VN ra được một tờ báo tư nhân như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã làm gần 100 năm trước?
Nhà lưu niệm của cụ giá trị vì cụ là "quyền" chủ tịch nước hay là một nhà báo tiên phong? Tôi không thể trả lời. Giá trị nhà lưu niệm có nhờ ông thứ trưởng nào đó vừa ghé thăm hay sân nhà có cây khế "cổ thụ" một vị chủ tịch nước mới trồng vài năm trước? Nhà lưu niệm nổi tiếng nhờ cây khế của chủ tịch nước, hay chủ tịch nước nổi tiếng hơn nhờ trồng cây khế trong vườn nhà lưu niệm? Rồi sẽ có nhiều cây trồng "cổ thụ" của các bậc vương tướng khác mọc lên bên ngôi nhà bé nhỏ này? Đến đây để thăm nơi sinh thành một bậc chí sĩ hay để được vinh dự sờ vào các cây "cổ thụ" mới trồng?
Tôi ra về, lòng băn khoăn, đầu nghĩ vơ vẩn. Đôi guốc mộc của cụ Huỳnh có sánh được cây "đại mộc" kia không?

Wednesday, July 20, 2022

NGHĨA TỬ, NGHĨA TẬN?


Sáng, tập thể dục, tôi thấy nhiều người đứng chen chúc trên vỉa hè, họ đang “coi”đám ma.
Hai đoàn người đưa đám di chuyển ngược chiều: một đám tang theo nghi thức Công giáo, đám kia Phật giáo. Tiếng kèn tây mạnh mẽ như xé không gian át hẳn tiếng mõ gõ chậm rãi, tiếng đờn cò ò í e mệt mỏi nhưng bù lại là sự nổi bật của hình ảnh vị sư trang phục đỏ chói, rực rỡ, như Tam Tạng trong phim Tây du ký.
Đám ma lớn quá. Người bàng quan nhận xét, cả hai đoàn đưa tang. Xe cộ trên quốc lộ ngang thành phố đều ngưng, nhường cho hai đoàn người, nối tiếp cơ man nào xe lớn, xe con, đang chầm chậm đi qua. Tôi vội tiếp tục buổi sớm đi bộ của mình, không rõ bao lâu thì xe đang dừng được khởi hành đi tiếp.
Lúc ra Huế, ở một làng quê ngoại ô, tôi cũng chứng kiến một đám tang, không lớn như hai đám vừa gặp, nhưng cũng "rình rang" không kém. Trong căn nhà nhỏ lợp tôn fibro xi măng bằng các đòn tay thân tre, đang quàn một quan tài bên trên rất nhiều đèn cầy, đèn điện đang đỏ, phủ chung quanh toàn là hoa vải, hoa nhựa.
Tôi theo đoàn người quen, vào thắp nhang cho người đã khuất, một cựu sĩ quan không quân VNCH. Tiếng tụng kinh, tiếng nói chuyện trên các bàn ăn trong rạp dựng nhờ trên con hẻm khá rộng trước hiên nhà, hòa lẫn mùi khét khói nhang, mùi vàng mã đang đốt, mùi của đám đông người phục vụ tang quyến, khách viếng, tạo nên một không khí ngột ngạt, âm thanh chật chội, dưới mái tôn hầm hập nóng của một buổi trưa hè oi bức.
Len lỏi cho khỏi vướng bàn thờ, bàn đặt hoa quả và thức ăn đang cúng, chúng tôi đi quanh quan tài, sau khi đốt nhang bái biệt người quá cố, trước các người thân, trang phục tang chế mồ hôi ướt đẫm, mặt mũi bơ phờ, chậm chạp vái lạy trả lễ.
Đám ma như thế kéo dài đến ngày thứ chín, ngày tốt nhất cho an táng. Chúng tôi được mời cơm chính ngọ nhưng đều ân cần từ chối. Ai mà ăn nổi trong một đám ma khi nghe tiếng mời khản cả giọng vì khóc của người vợ tiều tụy vừa qua tuổi 70.
Vừa uống nước, vừa quan sát các bàn ăn, cái đang có người, cái chờ đủ người. Thức ăn trên bàn trong một đám ma không thiếu các loại thịt heo, gà, vịt, kể cả ca ri bò. Đương nhiên, mỗi bàn đều có 2 chai rượu trắng.
Tôi hỏi người địa phương, tang gia trong 9 ngày đều dọn ăn như thế hay sao. Vâng, họ phải trả hiếu thay cho người quá cố. Ai đến phụ giúp đều được mời cơm, bà con thân tộc, kể cả khách viếng là bà con, chòm xóm.
Người quá cố theo lời kể bạn bè có cuộc sống hết sức khó khăn vì bệnh tật và con cái nheo nhóc ngay sau ngày "giải phóng". Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng kia, tiền chữa trị ung thư một thời gian dài, đều là phần đóng góp của bạn đồng ngũ, kẻ Nam, người Trung, kẻ trong nước, người ở nước ngoài.
Số tiền phúng điếu của bạn đồng ngũ cũng kha khá nhưng không rõ có bù đắp nổi chi phí tang ma, hòm giỏ, tiền mướn thầy tụng kinh, kể cả cả 9, 10 ngày phục vụ cơm nước không; bước ra khỏi đám tang, tôi tự hỏi mình.
Phong tục ma chay -như các đám tôi vừa kể - có thực sự là phong tục cần được duy trì, "phát triển", cho nó đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam?
Đãi đằng ăn uống, tổ chức rình rang, đôi đám còn phô trương thanh thế giàu có, đẳng cấp quan chức về tang ma, hiếu hỷ, hiện nay trong xã hội chỉ là cá biệt? Có nhất thiết phải coi ngày, coi giờ chôn cất? Và có nên kéo dài đám ma 9, 10 ngày vì chờ "ngày tốt" để chôn, để người thân mồ yên, mả đẹp, con cháu giàu có hanh thông?
Ở các thành phố lớn, lựa chọn hỏa thiêu đang có chiều hướng phát triển. Có gia đình không phải coi ngày tốt để chôn, họ "nghèo" hơn, "thất bại" hơn những người chọn giờ chôn cho người chết? Các nước tiến bộ chôn người sau khi chết không quá 24 hay 48 giờ, không coi giờ chôn, ngày chôn, họ kém hơn người Việt Nam chúng ta?
Tốn kém cho đám ma sau đó còn nhiều hơn vì xây mồ to, mộ lớn, có cả mái che, có nơi ngôi mộ như một lăng tẩm nguy nga.
Kéo dài việc quàn quan tài chờ ngày chôn cất quá lâu, liệu điều kiện vệ sinh, thân người thối rữa nhung nhúc vi trùng, có ảnh hưởng những người chung quanh hay không? Kẻ giàu "trả hiếu" đủ đầy, phủ phê cho người chết, còn người nghèo thì sao? Sống đầy rẫy chia rẽ giàu nghèo, chết vẫn còn chia rẽ thêm sao?
Vai trò của nhà chức trách ở đâu trong việc chấn chỉnh phong tục ma chay ngày càng méo mó trong mọi tầng lớp nhân dân?
Ông Hồ Chí Minh có câu nói rất chí lý: cán bộ đi trước, làng nước theo sau.
Liệu có cán bộ nào sẽ thực hiện chôn cất người thân quá cố của mình đơn giản như mong muốn của vị chủ tịch nước là hỏa táng, không tổ chức linh đình, như ghi trong di chúc của ông?
Nghĩa tử chưa phải là nghĩa tận.

Saturday, July 16, 2022

Nhân bất học bất tri lý. Không chuyên môn vẫn cứ làm y tế. Luận về: LON VÀ LU



Sài Gòn sẽ không ngập nước như biển nhờ có lu của tiến sĩ, phó giáo sư đưa ra hứng trọn, trong đề xuất chống ngập đô thị. Trước rối với cái Lon, nay rối với cái Lu. L, sao rối dữ vậy “cưng”?
một ông “nhiều chiện”, thắc mắc và phát hiện: chị Lu này có bằng tiến sĩ nghiên cứu về Mã Lai và ông tiến sĩ thượng thư bộ học (ngọng L thành N) cũng có luận án về nước họ Mã này.
Tiến sĩ nhiều là hồng phúc cho dân tộc. Quan chức cần bằng cấp cao để đảm nhận chức vụ cao là đúng đắn.
Nếu người có bằng cấp giỏi thì quá tốt, bằng cấp dỏm thì hỡi ôi, hết đường hồng phúc khi họ phát ngôn nhiều câu khi nhắc lại, người ta tưởng là thế lực thù địch nó…xuyên tạc, chứ quan chức ai lại nói như thế.
Quốc hội công nhận bằng chính qui có giá trị ngang bằng tại chức. Tôi cho cái này là đúng. Bằng quốc gia đã cấp đều có giá trị ngang nhau. Phân biệt hai loại bằng khác nhau là khi dễ “tại chức” và “chuyên tu” hay sao?
Nhưng tôi muốn thêm: người học tại chức và chính qui theo hai hệ riêng nhưng phải thi chung, đó mới thực sự công bằng.
Thời VNCH, những công chức và binh sĩ vì công vụ không đến được trường nhưng họ có quyền lấy bằng cấp cho công việc và cho thăng tiến qua học “hàm thụ” (nhận tài liệu về nhà tự học). Họ buộc phải thi cùng học sinh nếu là cấp trung học, và sinh viên nếu là cấp đại học.
Học tập không hạn chế độ tuổi, không hạn chế cách học (tại chức, chính qui) là lối giáo dục đại chúng và nhân bản nhất.Tại sao ngày nay người học tại chức không thi chung với người học chính quy? Câu hỏi tưởng khó nhưng ai cũng có thể trả lời, rất dễ.
Quay lại chuyện lấy bằng tiến sĩ. Tại sao người làm luận án tiến sĩ về một nước không phải là VN, trong khi những đề tài về nước VN không thiếu, lại làm quan chức cho nước Việt Nam?
Tất nhiên, đề tài của luận án không hạn chế phạm vi quốc gia đối với những người chuyên nghiên cứu hay giảng dạy, chứ không phải những người chuyên quản lý hay làm lãnh đạo.
Đây là chỗ hở trong công tác cán bộ, học đường làm nẻo, không cần đúng sở trường đã học, miễn có cái bằng tiến sĩ hay giáo sư là đủ tiêu chuẩn làm quan chức. Thế mới có chuyện Lu chống ngập và Lon đọc nhầm thành L.
Nước ta đang “sốt nóng” trước Lon nay Lu, biết đâu vài hôm nữa, một luận án tiến sĩ về “Tác động xã hội học của Lu và Lon trong cộng đồng mạng VN” sẽ ra đời.
Lại một tiến sĩ nữa.
(Bài cũ đăng lại nhân ồn ào chữ Việt không dấu LON VN, lon VN, rồi dùng LU chống ngập ở Sài Gòn).

Saturday, July 9, 2022

(Nhớ một chuyến đi ) TRUỒI



"Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về." (ca dao)
Một địa phương rộng có nhiều địa danh trong đó, tên gọi khác nhau, nhưng xứ Truồi lại rất ít địa danh, chung quy, cái gì cũng Truồi: Núi Truồi, sông Truồi, cầu Truồi, hồ Truồi, đập Truồi, thậm chí đồn Truồi...Tất nhiên nơi đây có làng Truồi.
Tôi hỏi nhiều người và không ai cắt nghĩa Truồi là gì. Truồi, tên gọi dân dã, có vẻ "nghèo khổ" nhưng thiên nhiên ở đây thì không.
Xứ Truồi gần Lăng Cô, tính từ Nam ra Bắc, nằm dưới chân núi thắng cảnh Bạch Mã. Núi rừng ở đây xưa kia giàu có các loại cây hàng "danh mộc" như lim, kiền kiền, chò, sến...Nay vẫn còn gọi rừng "nguyên sinh" để phân biệt với rừng trồng. Nguyên sinh sau khi các loại thuộc "rừng vàng" bị đốn hạ sạch, do bảo vệ rừng kém cỏi, nhưng có lẽ do mưu sinh là chính: cái đói và đời sống cơ cực, dẫu người dân nơi đây vẫn biết "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".
"Rừng nguyên sinh" hiện nay nhìn rất dễ biết: cây thấp cao bao phủ toàn là dây và dây, những đám bụi dây rừng. Còn cây cao, đố mà dây che phủ. Rừng lòi thòi còn sót một số cây dây dại đeo bám khiến tôi nhớ câu "giậu đổ, bìm leo".
Trễ còn hơn không. Con người nhận ra, sống thiếu thiên nhiên là sống như...chết. Núi rừng còn lại của xứ Truồi được bảo vệ khá chặt chẽ hiện nay. Một điểm son cho vùng "Truồi" là sự xuất hiện của quần thể các ngôi chùa Truồi, có cái "tên chữ" rất thoát tục Trúc Lâm.
Trúc Lâm tọa lạc trên một ngọn núi tương đối cao so với mặt đất, nằm giữa vùng nước trong xanh, mênh mông, có chỗ sâu 60 mét. Đi vào chùa du khách cần qua đò trên mặt hồ rộng non nửa cây số vuông.
Đi bộ vài trăm mét quanh co dưới bóng cây rừng, các bậc thang xi măng hiện ra, càng lên càng dốc, cả thảy 174 bậc. Các bậc thang ở đây không thấm tháp gì so với núi Thị Vải, Vũng Tàu, nhưng đi lên cũng khá mệt nhọc.
Du khách cảm thấy nhẹ nhàng khi thấy cổng tam quan chùa, tiếng kính coong phát ra từ chuông gió treo cao trên một nhánh cây rừng khá lớn. Âm thanh của chuông gió như âm thanh của một quả chuông đồng, ít ngân nga nhưng thánh thót, nhẹ nhàng, cao vút hơn. Tiếng chuông gió theo nhịp thiên nhiên, gió mạnh tiếng chuông nhanh nhặt, gió lơi tiếng chuông bỗng khoan hòa. Lòng người cũng thế, khoan nhặt theo nhịp đập đất trời: ở đây là chốn thiền môn, giữa núi rừng tĩnh mịch. Bụi trần phủi sạch khi đi qua hồ nước lăn tăn sóng gợn.
Cuộc sống nơi phồn hoa như rớt lại khi nhác thấy cổng chùa, nghe thoang thoảng tiếng chuông thanh thoát trên cao. Tôi rất yêu các ngôi chùa dù tôi là người theo Thiên Chúa giáo. Nhà thờ, nhà chùa đều có tiếng chuông. Một bên tiếng chuông như giục giã yêu đời, một bên tiếng chuông như ngân nga mà thoát tục.
Các ngôi chùa theo Thiền có một đặc điểm chung: cảnh quan không gian thoáng đãng, không "chật chội" bày biện nhiều cây cảnh, tượng thờ. Vào đảnh lễ trong nội điện, bước ra hiên, hè, quanh chùa, tôi có cảm giác mình trở thành một thày chùa bình dị. Không mặc áo cà sa, tôi vẫn thấy nỗi lo toan cuộc sống bon chen mỗi ngày như lặn mất, tan vào khoảng không tĩnh mịch ở một ngôi chùa trên núi, chung quanh là các cây rừng yên lặng, thỉnh thoảng chúng rì rào như trò chuyện với thiên nhiên, gió đang lay động cành, một vài chiếc lá vàng an nhiên rơi rụng không một chút thở than.
Phía sau lưng chùa có bức thư pháp vẽ hình vị Đạt Ma lão tổ, mặt mũi như bợm trợn nhưng lòng ngài lại bao dung: ngài đã đốn Ngộ.
Ngắm bức thư pháp một hồi, rồi lặng lẽ bắt chước tín đồ ngoan đạo, tôi chắp tay bái biệt vị đạt ma kia, lòng nhẹ nhàng thanh thản.
Lúc đi lên để vãn cảnh chùa, chúng tôi cảm thấy mệt nhọc, đi bộ, qua đò, leo bậc thang nhưng khi chuẩn bị rời chùa, tiếng chuông gió lại kính coong vang lên, ai cũng thấy mình nhẹ nhõm: bái biệt nhau, chuông nhé.
Tiếng chuông vui vẻ như theo bước chúng tôi qua đò, trở về cuộc sống biết đâu sẽ bớt đi chật vật đa đoan?
Chùa Trúc Lâm ở Truồi không có lấy một thùng "phước sương", loại thùng nhận tiền thập phương, tôi thấy bày cả 3 gian nội điện như ở một ngôi chùa lớn của Hội An.
Chùa có tiếng chuông ngân có lẽ khác với chùa vang tiếng kim ngân?

Thursday, July 7, 2022

TỰ TY, TỰ TÔN NHƯNG THIẾU TỰ TIN



Ảnh chụp các sĩ tử ở Hà Nội cung kính bái lạy hai chữ Hạ Mã trước ngày thi tốt nghiệp cho thấy chữ Hán vẫn còn trọng vọng. Trọng vọng đến nỗi, “hạ mã” là hai chữ nhắc nhở “xuống ngựa” cũng coi là chữ thánh hiền. Quan lớn mới có ngựa mà cỡi. Quan nhỏ hẳn phải đi bộ, ấy là thời quân chủ chuyên chế. Nơi “linh thiêng” như Văn Miếu không cho phép ai cưỡi ngựa đi qua hoặc đi đến kể cả quan. Văn Miếu có gì quan trọng? Đó là nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.
Với hơn “700 năm hoạt động”, Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến của nước này (theo wikipedia). Bảy trăm năm hoạt động khiến người ta tưởng cái đại học này hoạt động liên tục bảy thế kỷ. Cái rốn tri thức ấy với từng ấy thời gian chỉ còn ghi lại mấy chục “hiền tài”, mấy chục (83) tấm bia tưởng niệm, với tên khắc 1304 vị tiến sĩ .
Học vị tiến sĩ ngày xưa như giấy thông hành; hầu hết sĩ tử miệt mài đèn sách đặng thi đỗ chỉ để... làm quan. Đếm trên đầu ngón tay những vị tiến sĩ mới chuyên về nghiên cứu. Với "lý tưởng" đi vào ca dao: “Võng anh đi trước võng nàng theo sau”, học hành thời quân chủ phong kiến chỉ để làm quan. “Anh chưa thi đỗ thời chưa động phòng”. Việc thi cử lấy bằng cấp để làm "giấy thông hành" ấy đã chấm hết sau 700 năm xuất hiện của trường đại học đầu tiên của Việt Nam? Xin thưa, không chấm hết, nó còn phát triển, lên tầm cao mới. Nhìn những vị quan chức có bằng tiến sĩ, ngày càng nhiều trong guồng máy quốc gia, lời nhận xét của tôi không xuyên tạc hay khoa đại.
Các sĩ tử (tuy không phải đa số ở Hà Nội) đến Quốc Tử Giám không phải để noi gương các vị tiền bối về học vấn. Họ đến để “cầu may” bằng cách sờ vào đầu những chú rùa bằng đá đội bia có khắc tên tiến sĩ. Cúng bái là lẽ đương nhiên. Thần thánh thời @ này cũng rất thực dụng “cao lễ dễ thưa” hay sao? Đứa nào cúng nhiều, thần sẽ phù hộ may mắn đỗ đạt. Lễ càng trọng, đậu càng cao. Sĩ tử nào không cúng có lẽ sẽ rụng như sung?
Đến đây, tôi xin lưu ý quý vị, đó không phải mục đích của bài viết. Tôi muốn nói đến sự tự tin của người Việt Nam qua câu chuyện tưởng bình thường này.
Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam không có chữ viết riêng. Chữ Hán là ngôn ngữ truyền tải suy nghĩ của ông bà chúng ta. Có người bảo có chữ viết chứ, chữ Nôm kìa. Xin thưa, đây là ý muốn tổ tiên ta, tạo cho mình một chữ riêng, để ghi tiếng nói riêng; nhưng nếu không giỏi chữ Hán sẽ không đọc được và viết được chữ Nôm. Không khác chi bây giờ, không có phần mềm Windows của chú Bill Gates đố mà vi tính hoạt động.
Chữ Hán là ngôn ngữ chính thức trong các chế độ quân chủ chuyên chế VN. Và chữ Hán với Khổng Tử trở thành chữ thánh hiền. Tất cả nho sinh mở đầu đều "Tử viết, Tử viết". Không tin, quý vị đi khắp đất nước, nhất là miền Bắc, nơi rất nhiều công trình văn hóa có bề dày thời gian, đố ai tìm ra một chữ quốc ngữ (có thể gọi chữ Nôm đi) đúc trên mặt tiền của mỗi kiến trúc ấy. Và ngay cả ngày nay, hầu hết, nếu không nói là tất cả, các công trình “văn hoá “ mới xây dựng như đền, đài, miếu, nhà thờ tộc, chữ Hán đều được trọng vọng. Cũng có nhiều chỗ ghi chữ Việt nhưng để “trang trọng” hơn, chữ Hán được đứng song song.
Tôi không bài bác chữ Hán. Nó là bộ phận trong gia tài văn hóa, văn học nước nhà. Không có nó chúng ta làm gì có được tác phẩm hùng tráng như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Không có chữ Hán, lịch sử dân tộc chẳng biết ghi bằng tiếng gì, ở đâu. Chữ Hán là phần của dân tộc. Chữ Hán là công cụ ghi chép một thời của dân tộc.
Ngày nay, chữ quốc ngữ (chữ Việt) thay thế rất thành công cái chữ “thánh hiền” kia. Nhưng trớ trêu, không phải chữ quốc ngữ thoát hẳn cái “bóng” của chữ Hán (ta hay gọi xách mé “chữ Tàu”). Ngay trong biểu tượng của một quốc gia tuyên bố độc lập đầu tiên ở châu Á, chữ Tàu vẫn còn nằm trên tờ giấy bạc có in hình một vị lãnh tụ. Đây là chi tiết không quan trọng, nhưng chi tiết này nói lên cái tính cách người Việt Nam chưa thật sự hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của một loại chữ viết mà bao thế hệ, cả ngàn năm, trong một nước tự chủ vẫn gọi là chữ thánh hiền.
Người Việt Nam không tạo ra cho mình một lối đi hoàn toàn tự chủ. Xem lịch sử thì thấy. Có một tư tưởng - chưa nói triết học - một tôn giáo, một trường phái văn học, một lý thuyết chính trị... do người Việt Nam lập ra? Tất cả đều “du nhập” từ phương Tây, và trước đó hằng ngàn năm, từ phương Đông. Ngay cả chủ thuyết được dung để “giải phóng” đất nước cũng của ngoại bang. Một nhà cách mạng nổi tiếng thế giới, bất chợt thấy được “Luận cương Lê Nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, ngài mừng rỡ còn hơn nhặt được vàng. Việt Nam có cần một chủ thuyết ngoại lai để giải phóng đất nước mà không phải chủ thuyết của chính mình, những tinh hoa ông cha chúng ta sử dụng để không sống tiếp “một ngàn năm nô lệ giặc tàu”?
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi).
Vì hoàn cảnh lịch sử hay vì căn tính dân tộc: chúng ta không hề là dân tộc tự tin? Dân tộc tự tôn, khỏi nói rồi. Lịch sử đánh thắng ngoại xâm cả ngàn năm: có khi nào người Việt nghiền ngẫm lại các trận thua, các thất bại đẫm máu, rồi viết vào lịch sử cho hậu thế “rút kinh nghiệm”? Tất cả là chiến thắng. Địch chết lềnh sông, phơi thây đầy núi. Vì ở gần một đế chế có máu xâm lược, người Việt chỉ lo đánh giặc mà không có thời gian xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa, văn minh, mà sự tự tin phải lấn lướt sự tự tôn? Các công trình kiến trúc lịch sử của ta có bề thế, hùng vĩ hơn các công trình của các nước láng giềng? Có xây dựng nền tảng chiều sâu văn hóa thì người ta mới có thể có những công trình “để đời” về: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học, triết học…Di sản văn hóa thế giới Cung Đình Huế chỉ là bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành Trung Quốc.
Tôi cho rằng người Việt thông minh nhưng người Việt không tạo ra những cái “đặc sắc” độc đáo Việt Nam có tầm vóc quốc tế vì: người Việt thiếu tự tin (dù họ thừa tự tôn).
Các sĩ tử ở Hà Nội (trong bức ảnh) nếu tự tin, dựa vào nỗ lực của mình, thì các em sẽ không lạy bái hai cái chữ HẠ MÃ để mong hai chữ này phò hộ mình “vượt vũ môn” xênh xang áo mão. Và tôi cũng múa may một tý: Nếu thất bại việc hình thành trong giới trẻ VN lòng tự tin (mạnh hơn tự hào), như ở các em này, thì đó là lỗi hoàn toàn do giáo dục gia đình và xã hội.
(Chép lại bài cũ nhân ngày học sinh “lều chõng” đi thi).

Tuesday, July 5, 2022

SỢ


Không rõ súc vật cùng loài có sợ nhau không. Mèo sợ cọp, chuột sợ mèo thì rõ rồi. Vì chúng khác loài. Nhưng người sợ người là điều chắc chắn, tuy cùng loài với nhau. Nỗi sợ là bản năng. Chính vì sợ, con người mới tồn tại. Thấy lửa cháy, không sợ, nhảy vào, con người sẽ ra than. Gặp cọp đói mà không sợ, chạy trốn, con người bị ăn thịt ngay.
Sợ làm người dễ trị người. Người dễ khiến người. Lúc nhỏ ở vùng quê, đèn điện chưa có, tôi hay đi chơi về khuya, nghĩa là về trễ, khi mọi người trong nhà đã yên giấc. Thế là cha tôi kể cho nghe chuyện ma. Trong những con đường làng vắng vẻ, bóng tối ngập tràn, mỗi nhà ban đêm leo lét ngọn đèn dầu, nhà này rất xa nhà kia, thì bên ngoài trong đêm tối mịt mờ, trong những cây xoài, cây mít xum xuê, những con ma núp trong đó, trẻ con đi qua, con ma sẽ le lưỡi dài đỏ chót, có đứa bị liếm mà rụng sạch tóc. Thế là, tôi không còn đi chơi đêm. Sợ ma làm cho tôi làm theo ý muốn của cha. Có lẽ ông vui vì dùng nỗi sợ để khuất phục con: Cha nói con phải nghe.
Nỗi sợ đi theo con người qua nhiều thời đại. Và nỗi sợ giúp thời đại “yên bình”. Đó là thời Việt Minh. Quê tôi là vùng tự do, nghĩa là vùng có VM quản lý, khác vùng bị chiếm, bọn Tây (tức Pháp) kiểm soát. Thỉnh thoảng, lính Pháp tổ chức hành quân càn quét vùng “tự do “. VM kháng cự sơ sài rồi rút vào núi để trốn, dù đông hơn quân số, do giáo mác, một vài khẩu súng trường, không địch lại bọn Tây vũ khí trang bị tận răng. Dân làng đều theo lực lượng VM chạy lẫn vào núi rừng mênh mênh mông tìm nơi ẩn nấp, bỏ lại nhà không đồng trống. Có ai ở lại không? Có nhưng rất ít. Một số có hận thù với VM muốn ở lại để dựa vào Tây mà rắp tâm trả thù. Có kẻ ở lại để dễ bề trộm cắp. Cũng có người ở lại vì nghề đưa đò hay trẻ em không hiểu “địch, ta”.
Bọn Tây hành quân lên đốt phá xóm làng; số người ”lợi dụng Tây”: chống ghe đưa chúng qua sông, ăn cắp gạo, lúa, bắt trộm gà, hoặc tố cáo với giặc đốt nhà ở của các lãnh đạo VM. Chừng 12 trong số người này bị “toà án nhân dân” kết án tử hình sau khi giặc rút đi. Tất cả dân chúng các xã, các làng, đều được huy động đến để trực tiếp chứng kiến phiên toà xử bọn “Việt gian” phản quốc. Cha tôi kể lại, sau vụ hành quyết tập thể này, không bao giờ có vụ mất cắp đối với lúa gạo nào xảy ra, và không ai dám ở lại nhà mỗi lần bọn giặc Pháp tổ chức hành quân. Tất cả một lòng theo VM. Cái chết của bọn “Việt gian” có sức mạnh răn đe khủng khiếp.
Nỗi sợ này không hẳn chỉ có của VM. Sau 1954 một thời gian ngắn, ở vùng quốc gia, nỗi sợ tràn lan không kém. Thành phần cốt cán tập kết ra Bắc không mấy người. Số còn lại, tuổi trai trẻ, ai không theo VM? Thế là các người tham gia guồng máy VM bị tập trung để… sám hối. Một số người “có ân oán” trong đấu tố địa chủ thì bị thủ tiêu, không nhiều, nhưng nỗi sợ hãi sẽ có người tiếp theo bị “bỏ bao tời” thả sông (bao bố sọc xanh chứa 1 tạ gạo) thì bao trùm cả vùng quê. Cha tôi là một trong những người may mắn. Là đảng viên CS, trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng bị chiếm huyện tôi ở, ông chỉ bị tập trung tra hỏi và “sám hối” một thời gian rồi được tha nhờ không có hành động “gây oán” nào trong thời kháng chiến chống Pháp.
Nỗi sợ của người Việt không chấm dứt khi cuộc chiến tranh Nam- Bắc bắt đầu. Lúc này, nỗi sợ của mỗi người dân là: theo bên này sẽ là địch thủ của bên kia. Chết sẽ là kết cục. Hoà bình lặp lại sau 30 tháng 4, nỗi sợ chấm dứt?
Không. Nỗi sợ lúc này là miếng ăn, cái đói chực chờ. Cái đói do sai lầm quản lý kinh tế không đáng sợ. Cái đáng sợ là mặc cảm thua trận. Nỗi sợ bị phân biệt đối xử của những người “cầm súng chống lại nhân dân”, cả người trong gia đình họ. Nỗi sợ tương lai mịt mờ. Có ai là con cái “ngụy quân, ngụy quyền” vào đại học thời điểm sau “giải phóng” ? Nỗi sợ theo đuổi không chỉ thân nhân người đi cải tạo, biền biệt rừng sâu. Nỗi sợ còn đeo bám những người đi vào biển cả, thách thức hiểm nguy, bão tố, hải tặc, biên phòng, để đi tìm tự do, tự do trả bằng mạng sống.
Nỗi sợ ấy tuy đau đớn nhưng nỗi sợ cất lên tiếng nói sự thật còn đau đớn hơn. Có ai dám nói thật suy nghĩ của họ sau những ngày tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng? Không. Không có ai. Cất tiếng nói trong lúc này của bên thua cuộc chắc chắn chẳng được ai để ý; chưa nói, tiếng nói khác biệt ấy có khi là “tàn dư của bọn từng cầm súng chống lại nhân dân”. Nhưng bên thắng cuộc, tiếng nói có được tự do? Chưa chắc.
Nếu tiếng nói tự do, chân thật, được lắng nghe thì ông Kim Ngọc của Vĩnh Phú đâu bị thất sủng khi sáng suốt đề xuất khoán hộ trong nông nghiệp hợp tác xã thập niên 1960? Để rồi 20 năm sau đó, tiếng nói của ông mới trở thành chân lý: sản xuất do động lực tập thể không hiệu quả bằng sản xuất từ động lực cá nhân. Vì sao hợp tác xã nông nghiệp- đặc trưng của XHCN- không thành công nhưng vẫn được áp dụng? Bởi ai cũng không dám cất lên tiếng nói phản bác. Phản bác đồng nghĩa với phản động: đi ngược lại đường lối cách mạng.
Nỗi sợ hãi không những làm kẻ bình dân không dám cất lên tiếng nói tự đáy lòng, tự suy nghĩ của mình. Nỗi sợ hãi còn làm cho những bậc trí thức không dám cất lên tiếng nói của trí tuệ. Nếu có góp tiếng, thì, hoặc là không phải tự thâm tâm, hoặc xuôi chiều gió, đặng kiếm chút bình an. Nỗi sợ làm cho họ nhớ đến Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An. Nói thẳng, nói thật để về vườn?
Ngày nay, nhân loại đang ở vào giai đoạn tiến bộ vô cùng. Cách mạng công nghệ kĩ thuật số có làm con người không còn nỗi sợ nào?
Các chế độ toàn trị bây giờ- như ở Trung Quốc- đã làm chủ việc ban phát nỗi sợ. Bất kỳ hoạt động của bất cứ người nào trong hơn 1,4 tỷ dân đều được theo dõi. Đó là lý do xã hội TQ trở thành một thế giới riêng. Thế giới của nỗi sợ. Người dân không biết tới cuộc nổi dậy Thiên An Môn. Người dân không biết tới có các trại “huấn nghiệp “ ở Tân Cương. Người dân không biết tới cuộc xâm lược VN năm 1979. Họ chỉ biết đó là ”dạy cho VN một bài học “. Chính trị ổn định, người dân chỉ biết làm giàu. Họ không bao giờ dám lên án một người sửa hiến pháp để lãnh đạo mãn đời không khác gì vua chúa, ở cái thể chế mà cha ông cộng sản của họ đổ xương máu để đánh đổ. Nỗi sợ làm cho người dân cảm thấy bình an khi ai đó cho họ bình an, hạnh phúc khi có ai đó ban họ hạnh phúc, giàu có khi có ai đó cho họ giàu có, trong khi bình an, hạnh phúc, giàu có chính họ mới tạo ra cho mình, đó mới trường cữu.
Khi có những suy nghĩ, tôi thường hay viết ra, và đăng lên Facebook. Nếu có một chỗ khác để tự do bày tỏ suy tư, tôi sẽ không chọn mạng xã hội này. Một mạng ảo. Xem qua rồi bỏ. Không xem nó cũng trôi mất. Mà biết có ai xem? Viết ra và tôi có nỗi sợ nào ám ảnh không? Sao lại không. Nhiều bạn học, bạn đọc, người thân khuyên tôi: Viết “táo bạo” coi chừng bị “hốt”, bỏ gia đình, ảnh hưởng tới con cái, chẳng lợi ích gì ở xã hội bây giờ. Nhiều người theo dõi tôi viết nhưng (thẳng thắn nhận xét) họ chẳng buồn like, buồn còm, vì “nguy hiểm” lắm.
Suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình là cái tôi học trong trường thời nhỏ ở miền Nam. Không có vị thầy nào nói với học sinh, rồi sinh viên chúng tôi, các em phải suy nghĩ như thế này, không được suy nghĩ như thế kia. Nghĩa là không sợ hãi khi suy nghĩ và tự do biểu đạt suy nghĩ cá nhân.
Khi đã “thất thập”, tôi mới nghiệm ra, ở quê vì tăm tối, thiếu ánh sáng của đèn điện, tôi mới tin cha tôi kể về ma và tôi sợ ma. Khi có ánh sáng, nỗi sợ không còn thì ma cũng mất. Rất đơn giản.