Sunday, February 27, 2022

ĐẤT QUẢNG NAM



“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm.
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”.(Ca dao).
Dân Quảng nổi tiếng hiếu học. Có thời, người ta ca tụng Quảng Nam có “ngũ phụng tề phi” ( Năm người xứ Quảng cùng đỗ khoa thi hội, thi đình tại Huế). Nhưng Quảng Nam nổi tiếng lạ lùng có hai ông Phan Khôi. Một là học giả Phan Khôi, “ngự sử văn đàn”, phê phán không từ một ai, kể cả triều đình Huế. Người nổi tiếng nhất Bắc hà, học giả Phạm Quỳnh, cũng không tránh bị ông gọi đích danh “học phiệt”. Ông Phan Khôi hậu sinh là thầy dạy chúng tôi, lớp thi tú tài 1972.
Những năm biến động miền Trung, Phật giáo đấu tranh, 1965-1966, tỉnh Quảng Nam khuyết chức tỉnh trưởng. Không ai dám về làm lãnh đạo vùng đất nóng của “Phật giáo xuống đường”; dân chúng (không cộng sản) biểu tình chống đối các vị lãnh đạo tạm thời của VNCH, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, “đả đảo Thiệu, Kỳ, Có”.
Thầy dạy cấp ba của chúng tôi, ông Phan Khôi, được chính phủ Sài Gòn mời ra làm tỉnh trưởng. Ông ra điều kiện: không đi xe công vụ đến toà hành chánh. Vẫn giữ chiếc xe đạp đi dạy đến cơ quan. Không ở dinh tỉnh trưởng, vẫn ở nhà riêng cấp bốn. Không chập nhận có binh sĩ hộ vệ. Vì điều kiện an ninh cho một lãnh đạo cấp tỉnh, lời yêu cầu của ông không được chấp nhận. Thế là thầy đi dạy tiếp. Vừa dạy tiếng Pháp vừa dạy tiếng Anh cấp ba. Các vị lãnh đạo tân nhiệm đều đến nhà thầy chúng tôi để vấn kế “quản lý “ dân dù họ đóng lon trung tá, có khi đại tá tỉnh trưởng.
Thầy Phan Khôi của dạy học ở trường Trần Quý Cáp, một ngôi trường cấp ba công lập duy nhất đầu tiên của tỉnh Quảng Nam trước 1975, thành lập 1952 khi tôi vừa ra đời.
Giáo sư Trần Văn Thọ, trường đại học Waseda, cố vấn kinh tế mấy triều thủ tướng Nhật Bản, là học sinh của Trần Quý Cáp. Tôi khoe khoang một tý vì hôm nay, tôi vừa đi dự họp mặt cựu học sinh của ngôi trường có thầy, có trò “nổi tiếng”.
Ở Sài Gòn, lớp học sinh trước, cùng, sau thế hệ chúng tôi, rất nhiều người thành đạt. Tôi sẽ không “khoe” nữa. Tôi chỉ nhấn mạnh một điểm: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm “. Người Quảng chúng tôi rất nghĩa tình. Chưa mưa nhưng đã thấm. Không nghĩa tình thì cựu học sinh chúng tôi, kẻ từ Hội An, từ Lâm Đồng, người từ miền Tây, Đông Nam bộ, nước ngoài, không tụ họp về đây, Hội An quán tại Sài Gòn, góp tiếng cười, tiếng hát, tiếng tỉ tê tâm sự, mà không hề sợ COVID-19 rập rình.
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ “ (Trịnh Công Sơn).
Học sinh trẻ, học sinh già đều vui vẻ gặp nhau trong một không gian ấm áp, một khung cảnh trang trí màu gỗ, đồ gỗ, gợi nhớ phố cổ Hội An. Cao lầu, bánh tráng đập, cơm gà, mắm cái, ớt xanh…sao mà nhớ quê nhà quá đỗi. Gặp nhau, chúng tôi hàn huyên tâm sự , và bui ngùi, có vài bạn không còn sau mùa dịch bịnh. Nhưng chúng tôi vẫn vui vì cùng là học sinh trường TQC, vì “duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác “ (Nguyễn Khuyến).
Ghi chú: Hành khúc Trần Quý Cáp do thầy Phan Khôi viết (lời).

Wednesday, February 23, 2022

Báo NIKKEI của Nhật phỏng vấn giáo sư John Mearsheimer dạy về quan hệ quốc tế ở đại học Chicago


 

Báo NIKKEI của Nhật phỏng vấn giáo sư John Mearsheimer dạy về quan hệ quốc tế ở đại học Chicago, Mỹ. Vị học giả này nói: “Cuộc viếng thăm của Nixon (đến Bắc Kinh) 50 năm trước rất ý nghĩa nhưng sau này, chính sách của Mỹ thì không”. Bài khá dài gần 3000 từ nói về quan hệ Mỹ- Trung- Nga- Nhật, có nhắc đến biển Đông. Nhận định của một học giả từng viết, tổng thống Bill Clinton rất sai lầm, khi ông không cho Ukraine sở hữu hạt nhân để bây giờ đất nước này bị Putin bắt nạt. Viễn kiến của vị giáo sư trong bài phỏng vấn có lẽ sẽ không quá tầm nhìn. Thái độ chừng mực của Mỹ đối với sự “xâm lược của Nga” cho thấy nước Mỹ có quan điểm không xa mấy quan điểm của vị giáo sư này. Mong quý bạn quan tâm thời sự Nga- Ukraine đọc bài tôi dịch.

(Tôi lược bỏ đoạn “mào đầu” cho bài viết ngắn bớt).
Hỏi: Nhìn lại lịch sử 50 năm giữa TQ và HK, ông có nghĩ là cựu bộ trưởng ngoại giao Henry Kissinger và cố tổng Riachard M. Nixon đã có quyết định sai lầm?
Đáp: Không. Tôi nghĩ, bạn nên phân biệt chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thời Chiến tranh lạnh – thời gian cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980 – với thời chiến tranh lạnh quãng năm 1990 cho đến 2017.
Trong thời Chiến tranh lạnh, dưới chính sách của tổng thống Nixon, Hoa Kỳ quyết định liên kết với TQ, tạo một liên minh “cho là” với họ để chống lại Liên Xô.
Điều đó cực kỳ ý nghĩa. Nixon đúng khi giúp kinh tế TQ phát triển, bởi TQ càng mạnh, họ càng hiệu quả khi đối trọng Liên Xô. Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989, Liên Xô tan rã năm 1991, Hoa Kỳ không còn cần TQ để ngăn chặn Liên Xô nữa.
Cái chúng ta ngu ngốc (tôi dịch chữ foolish= ngu ngốc, tuy không sát nghĩa, nhưng muốn nhấn mạnh Mỹ “ngu ngốc” thật) là theo đuổi chính sách liên kết, rõ ràng là làm cho TQ hùng mạnh hơn về kinh tế. Dĩ nhiên, khi mạnh về kinh tế, họ biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, và Hoa Kỳ, hậu quả của chính sách liên kết ngu ngốc này là đã tạo ta đối thủ cho mình.
Điểm tôi nhấn mạnh là, chính sách của Nixon- Kissinger cực kỳ ý nghĩa từ đầu thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Nhưng sau đó, (vẫn) liên kết (với TQ) là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.
Hỏi: Sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ không đánh giá đúng một TQ tiềm năng trở thành một cường quốc?
Đáp: Tôi không nghĩ điều đó đúng. Theo tôi, Hoa Kỳ suy nghĩ TQ nên mạnh về kinh tế, và thực sự là Hoa Kỳ muốn giúp TQ giàu có.
Hoa Kỳ tận lực giúp TQ hội nhập kinh tế thế giới, tham gia vào các định chế như WTO.
Hoa Kỳ không chỉ mong TQ mạnh hơn về kinh tế; HK còn cố tâm giúp TQ hùng mạnh hơn. Làm như thế, HK tin vào ảo vọng là, TQ dần dà trở thành nước dân chủ, từ đó, sẽ chia sẻ trách nhiệm trong một trật tự quốc tế do người Mỹ dẫn đầu.
Dĩ nhiên, chuyện đó không xảy ra. TQ không trở thành nước dân chủ. Kết cuộc là, TQ lại thiết lập bá quyền nước lớn ở châu Á, thách thức luôn Hoa Kỳ khắp hành tinh.
Hỏi: Tại sao vào thời điểm đó, Mỹ cho rằng TQ sẽ trở thành nước dân chủ?
Đáp: Hoa Kỳ cảm thấy, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không còn là hình thái chính quyền khả dĩ nữa; tất cả các nước rốt cuộc trở thành dân chủ, như Mỹ, như Nhật, và tất cả chúng ta ở phương Tây phải làm là đẩy nhanh quá trình giúp TQ trở thành nước tự do dân chủ.
Câu chuyện mà các giới tinh hoa phương Tây hay nói là, sau chiến tranh lạnh, cả TQ lẫn Nga phải trở thành các nước dân chủ. Tôi tin rằng, tất cả câu chuyện phản ảnh rất đầy đủ trong một bài viết rất nổi tiếng của Francis Fukuyama, “Sự kết thúc của lịch sử?” phát hành năm 1989.
Lập luận của Fukuyama có sức ảnh hưởng to lớn. Tuyên bố chủ đạo của ông là, thế giới đang ngày càng dân chủ, và khi điều đó xảy ra, thế giới sẽ ngày càng thái bình. Khi giới tinh hoa nước Mỹ giúp TQ phát triển kinh tế, họ thực tâm không nghĩ sẽ có ngày TQ trở thành đối thủ, mối đe dọa địa chính trị đối với Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
Dẫu sao, đây không phải là quan điểm quẩn quanh ở Mỹ. Nếu bạn đến châu Âu, nếu bạn đến Nhật Bản, nếu bạn đến Đài Loan, quan điểm này nơi nào cũng có.
Không những Hoa Kỳ giúp TQ phát triển kinh tế, mà còn Đài Loan, tất cả các nước, ngu ngốc giúp TQ lớn mạnh, cả Nhật Bản, cả Hàn Quốc, cả các nước châu Âu cũng thế.
Hỏi: Đã 30 năm kể từ chiến tranh lạnh chấm dứt. Ông có nghĩ, chính sách ngăn chặn có còn hữu hiệu để đổi phó TQ? Ngày nay, nó còn tác dụng không?
Đáp: Chà, rõ ràng là, từ khoảng 1990 đến khi Trump vào Nhà Trắng, HK theo đuổi chính sách liên kết, như bạn biết đó, mục đích để TQ giàu có hơn.
Trump làm tổng thống, căn bản ông chấm dứt liên kết và tuyên bố, “Chúng ta đang theo đuổi chính sách ngăn chặn (TQ) hoàn toàn khác”.
Tổng thống Biden đi theo con đường của Trump. Giống Trump, Biden đang theo đuổi chính sách ngăn chặn. Không nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cố ngăn chặn TQ.
Hỏi: Ngăn chặn thế nào? Chiến lược cố làm chậm tăng trưởng kinh tế TQ khó bề thực hiện.
Đáp: Ngăn chặn có hai hướng, và chúng ta nên ưu tiên về quân sự, sau đó mới tới kinh tế.
Khía cạnh quân sự, rõ ràng TQ quyết đảo ngược hiện trạng ở Đông Á. TQ tin họ “sở hữu” được Biển Đông. Đó là số một.
Số hai, họ quyết chiếm lấy Đài Loan, đem bán đảo về đại lục.
Số ba, họ quyết kiểm soát biển Hoa Đông, chiếm lấy cái họ gọi là Điếu Ngư Đài, Nhật gọi Senkaku.
Chẳng nghi ngờ nữa, TQ là cường quốc “không xét lại”, và Hoa Kỳ cùng đồng minh, gồm Nhật Bản, cũng quyết ngăn họ chiếm lấy biển Đông, thu phục Đài Loan, thay đổi hiện trạng (status quo) ở biển Hoa Đông.
Rồi mới đến ngăn chặn kinh tế. Về điểm này, không thể nào Hoa Kỳ có thể đảo ngược TQ tăng trưởng kinh tế, một cách hữu hiệu nhất.
Cái Hoa Kỳ có thể làm là cố hạn chế sự tăng trưởng ấy càng nhiều càng tốt, cùng lúc, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở phương Tây.
Khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy cạnh tranh sẽ thế nào, đó là chú trọng các công nghệ mũi nhọn, như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chất bản dẫn, 5G, vân vân. Đó mới thực là chỗ cạnh tranh cần có.
Hỏi: Về mặt kinh tế, HK và đồng minh làm thế nào hạn chế tăng trưởng của TQ mà không (quay lại) hại chính mình?
Đáp: Câu hỏi trong trường hợp này luôn luôn trở thành “Ai bị hại hơn ai?”. Nếu bạn gây hại nhiều cho kinh tế TQ, ít gây hại cho kinh tế Mỹ, kinh tế Nhật, bạn “thắng” rồi đó.
Hỏi: Có khả năng Hoa Kỳ và TQ sa vào một xung đột vũ trang không?
Đáp: Trong tương lai thấy được, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh an ninh căng thẳng giữa TQ và HK, trông khá giống chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Khi nào nó trở nên chiến tranh “nóng” lại là vấn đề khác.
Lý do tôi quan tâm nhiều về chiến tranh, bây giờ, phần lớn là vì địa lý. Chiến tranh lạnh lần nhất tập trung vào châu Âu. Mặt trận trung tâm là điểm xung đột chính giữa Mỹ và đồng minh với Liên Xô và đồng minh của họ.
Sự răn đe ở trung tâm châu Âu hết sức mạnh mẽ và đó là vì, khả năng chiến tranh xảy ra rất thấp bởi cái giá phải trả rất cao.
Nếu nhìn vào hiện trạng ở Đông Á, gồm Hoa Kỳ và đồng minh chống lại TQ, bạn có thể hình dung các cuộc giao tranh giới hạn ở biển Đông, ở Đài Loan, hay ở biển Hoa Đông. Chỉ mỗi điều bạn hình dung, chiến tranh hạn chế - rất khác với loại chiến tranh chúng ta hình dung trên mặt trận xung yếu trong Chiến tranh lạnh lần nhất, nghĩa là hôm nay hoặc ngày mai, bạn có thể chứng kiến một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự thật là, chiến tranh Mỹ-Trung có thể là chiến tranh hạn chế - không như chiến tranh trên mặt trận xung yếu – dễ xảy ra hơn.
Hỏi: Vậy thì khả năng xảy ra chiến tranh hạn chế có dẫn đến chiến tranh hạt nhân không? Và nó có dễ xảy ra hơn hồi Chiến tranh lạnh?
Đáp: Đúng. Bởi vì vị trí địa lý; bạn có thể hình dung, TQ khi thua trận ở Đài Loan, họ sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử (từ) dưới nước. Hoặc giả nếu Hoa Kỳ thua TQ ở Đài Loan, bạn có thể hình dung Mỹ sẽ dùng vũ khí nguyên tử để cứu vãn tình hình.
Tôi muốn nói rõ chỗ này. Tôi không nói chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra, tôi chỉ muốn nói cho thật dễ hiểu. Tôi chọn từ ngữ thận trọng tại đây. Không khó hình dung vũ khí hạt nhân đem ra sử dụng giữa Hoa Kỳ và TQ trong cuộc chiến trên biển Đông dễ hơn là trong cuộc chiến trên mặt trận xung yếu giữa Hoa Kỳ - đồng minh NATO với Liên Xô - đồng minh trong hiệp ước Vác-xa-va.
Hỏi: Hoa Kỳ có thực sự muốn đánh TQ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra ở Eo biển Đài Loan?
Đáp: Tôi tin Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan khi bị TQ tấn công. Tôi tin giới tinh hoa làm chính sách ngoại giao Mỹ, những người phải đưa ra quyết định, sẽ không quan tâm dư luận quần chúng. Họ sẽ quyết định xem một chiến lược tốt để bảo vệ đài loan có ý nghĩa thế nào.
Chúng ta không thể biểu quyết bằng phiếu xem nên hay không nên bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc này bị đe dọa. Các vị lãnh đạo Nhà Trắng, bộ ngoại giao, bộ quốc phòng sẽ ra quyết định, và chúng ta sẽ bảo vệ Đài Loan vì hai lý do.
Một, Đài Loan có vị trí chiến lược hết sức to lớn. Đó là mảnh đất quý, có mục tiêu bẻ gãy sức mạnh hải quân và không quân TQ trong trong chuỗi đảo đầu tiên. Đó là mệnh lệnh, như mọi chiến lược gia Nhật Bản biết, chúng ta phải giữ Đài Loan, không để Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh. Đó là lý do chiến lược hàng đầu để chúng ta chiến đấu và hi sinh cho Đài Loan.
Lý do thứ hai, (nếu) chúng ta, Hoa Kỳ, buộc phải bỏ rơi Đài Loan, điều này gởi đi thông điệp hãi hùng cho mọi đồng minh của chúng ta trong khu vực. Ví dụ như Nhật Bản, họ sẽ không còn tin cậy vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ nữa, đặc biệt là an ninh hạt nhân.
Hỏi: Các quan chức TQ thường nói về tình hình Đài Loan, vào lúc (xung đột) đó Đài Loan sẽ ngả về phía họ?
Đáp: Có thể đúng. Nếu TQ tiếp tục tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong 30 năm tới, tăng trưởng nhanh, vượt Hoa Kỳ, và một khi TQ mạnh hơn sau 30 năm so với bây giờ.
Theo cái nhìn về TQ, nếu nghĩ đến việc chinh phục Đài Loan, tốt nhất bạn chờ cho đến khi bạn mạnh hơn, hoặc cho đến khi mạnh hơn so với Mỹ, chứ không phải là bạn bây giờ.
Vấn đề TQ đối mặt là, rất khó biết đích xác, những gì sẽ xảy ra với nền kinh tế TQ trong 30 năm nữa. Sự thật là, cũng rất khó mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế Nhật hay Mỹ.
Hỏi: Trở lại năm 1993, ông từng viết rằng, tổng thống Clinton đã sai lầm trong việc bắt ép Ukraine phải là nước “phi hạt nhân”. Ông đã dự đoán được vấn đề hiện nay Ukraine phải đối mặt?
Đáp: Đúng như thế.
Hỏi: Giờ đây, Nga và TQ đang vun đắp tình hữu nghị theo tiền đề coi Mỹ như kẻ thù chung. Ông có nghĩ là Nga và TQ sẽ hòa thuận về tư thế của họ ở châu Á?
Đáp: Hoa Kỳ đã ngu ngốc đẩy người Nga về vòng tay người Tàu. Tôi nghĩ, Nga là đồng minh tự nhiên của Hoa Kỳ đối với TQ.
Năm 1969, Liên Xô và TQ đánh nhau ở Siberia. Họ - bây giờ ta gọi Nga và Tàu – có một lịch sử bang giao tồi tệ, phần lớn vì họ có chung biên giới và chiếm cứ một số lãnh thổ ở châu Á. Nga nên là đồng minh của Mỹ chống TQ, và Hoa Kỳ cần tất cả các đồng minh để họ có thể ngăn chặn TQ.
Nhưng những gì chúng ta làm, mở rộng NATO về hướng đông, chúng ta đã thấy trước một khủng hoảng to lớn, ngăn chúng ta quay trục hoàn toàn về châu Á. Quay trục không hoàn toàn về châu Á bởi vì chúng ta quá lo lắng về Đông Âu. Đó là tác hại thứ nhất. Tác hại thứ hai là chúng ta đẩy người Nga vào vòng tay người Tàu. Thật vô nghĩa.
Hỏi: Căng thẳng hiện nay dọc biên giới Ukraine dấy lên câu hỏi liệu Hoa Kỳ có khả năng đối phó cùng một lúc các vấn đề ở châu Âu và châu Á?
Đáp: Để tôi lựa lời thật cẩn thận. Hoa Kỳ có khả năng đối phó xung đột ở châu Âu và xung đột ở châu Á cùng một lúc.
Tuy nhiên, HK không có khả năng tốt nhất trong cả hai chiến dịch cùng một lúc. Dính vào cuộc xung đột ở Đông Âu, chúng ta, Hoa Kỳ, đang làm giảm đi năng lực ngăn chặn TQ, chiến đấu với họ, nếu xảy cuộc chiến như thế.
Hỏi: Nhìn vào châu Á, một số nước như Bắc Hàn vẫn tiếp tục trò nguy hiểm với vũ khí hạt nhân. Liệu thế giới có trở nên bất ổn, một thế giới đa cực? Đâu là con đường phía trước?
Đáp: Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một vấn đề quan yếu, với Nhật Bản, với Nam Hàn, và ngay cả với Hoa Kỳ. Khi HK duy trì đồng minh gắn bó với Nhật Bản và Nam Hàn, Bắc Hàn sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiếc ô hạt nhân sẽ bảo vệ Nhật Bản và Nam Hàn không bị Bắc Hàn tấn công.
TQ hài lòng cho phép Bắc Hàn thủ đắc vũ khí hạt nhân. TQ xác định vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một sức mạnh giúp Bán đảo Triều Tiên ổn định, nói chung là ở Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, TQ lo ngại Kim Jong-un sa đà thử nghiệm vũ khí hạt nhân và họ có bảo ông ta bằng cam kết không chắc lắm, rằng như thế là không chấp nhận được. Kết quả là, Kim có kiềm chế hành vi của mình.
Nếu Kim Jong-un “ngựa quen đường cũ”, TQ sẽ bảo ông ta, “thôi đi” bởi họ không muốn một cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Hỏi: Chính quyền Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước dân chủ hồi năm ngoái. Ông có nghĩ đường lối này có hiệu quả trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của các nước toàn trị không?
Đáp: Không. Đây là cuộc cạnh tranh địa chính trị, chúng ta nên nghĩ đó là cạnh tranh địa chính trị, không phải cạnh tranh ý thức hệ.
Sự thật là Nhật và Mỹ là hai nước dân chủ tốt đẹp nhưng sự thật cũng là, họ nên liên minh để chống lại TQ bởi TQ là mối đe dọa cho cả hai nước, không kể gì đến ý thức hệ.
Nếu đưa lập luận ý thức hệ quá xa, bạn sẽ đến một điểm, bạn nói Nga không thể nằm trong liên minh cân bằng đối trọng với TQ bởi vì Nga không phải là một nền dân chủ có tự do. Tôi tin điều ấy là ngu ngốc. Cái bạn phải làm là thiết lập một liên minh với bất cứ cường quốc nào bạn thấy có thể giúp bạn ngăn chặn TQ. TQ là một đối thủ đáng sợ.
Hỏi: Nhật và những nước không phải là cường quốc có thể làm gì để bảo đảm ổn định ở khu vực và trên thế giới?
Đáp: Nhật nên là tay chơi chủ đạo trong liên minh cân bằng đối trọng với TQ; họ cần thấy ra, làm thế nào để đối phó với TQ, cũng như tác động lên Mỹ theo cách nào tích cực nhất.
Người Nhật nên cố giải thích với người Mỹ tại sao sa vào cuộc chiến với người Nga tại Đông Âu chẳng có ý nghĩa gì, và tại sao nên chú trọng vào Hoa Kỳ, như tia la de vậy, ở châu Á, và hơn hết là, đừng có chú trọng gì đến Đông Âu. Theo https://asia.nikkei.com/.../U.S.-engagement-with-China-a...

Monday, February 21, 2022

LÁ DIÊU BÔNG



Bài thơ làm ra từ câu chuyện có thật của chính thi sĩ Hoàng Cầm, lại là cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài Sao em nỡ vội lấy chồng. Hôm qua, ngày ra mắt sách Về Kinh Bắc, tại Đường Sách Sài Gòn, Trần Tiến cho biết hoàn cảnh ra đời bài hát; chỉ sử dụng một số chi tiết trong bài thơ, nhưng ông muốn chia sẻ phân nửa số tiền thưởng 2 triệu cho tác giả Hoàng Cầm và thi sĩ quyết từ chối. Mỗi bài hát thời đó được trả tác quyền 50 đồng.
Đáng nói không phải sự đồng cảm của hai nghệ sĩ. Mà đó là, trong hoàn cảnh ràng buộc của xã hội thời chiến tranh, có những tác phẩm nổi tiếng ra đời và “để đời”. Trần Tiến nói bài hát của ông làm theo đơn đặt hàng: sinh đẻ có kế hoạch. “ Lấy chồng sớm mà làm gì để lời ru thêm buồn”. Chính sách 3 khoan: khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ là nếp sống của thanh niên tới tuổi cầm súng. “ Lá diêu bông” của Hoàng Cầm là ước muốn của các chàng trai, “ai tìm ra lá Diêu bông, em xin lấy làm chồng”. Diêu bông, hỡi diêu bông. Khát khao của nam nữ thanh niên là khát khao cháy bỏng. Vì không tìm ra lá Diêu bông nên tình yêu tìm kiếm mãi. Cái đẹp và tìm kiếm cái đẹp giúp nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm tuyệt mỹ. Hoàng Cầm và Trần Tiến làm được điều ấy cũng nhờ …lá Diêu bông. Hoàn cảnh lịch sử che mờ ngôi sao Hoàng Cầm. Lịch sử bắt Trần Tiến sáng tác theo “sinh đẻ kế hoạch”. Nhưng cả hai ngôi sao vẫn sáng.
Nghệ sĩ trong hoàn cảnh nào cũng giữ được chất nghệ sĩ trong người, tự do sáng tạo, đó là những nghệ sĩ chân chính. Hoàn cảnh nào họ vẫn giữ nhân cách và tính cách của mình. Cũng không lấy làm ngạc nhiên, một bịnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn ung dung tự tại, nụ cười thu hút và quyến rũ không bao giờ tắt trên môi ông. Vị chủ tọa buổi ra mắt sách, nhà thơ Hoàng Hưng, cũng rất ngạc nhiên trước sự mạnh mẽ và an nhiên của nhạc sĩ.
Cơ duyên các người làm văn nghệ văn học gắn bó nhau, tôi nghĩ, không khác lá Diêu bông gắn bó Hoàng Cầm và Trần Tiến. Buổi ra mắt sách thành công với niềm hân hoan của những người đến dự, không thiếu các anh chị tuổi mới lớn, ngồi chen với những cụ ông, cụ bà tóc ngả trắng màu.
Cái đẹp luôn gắn kết mọi người và mọi thời đại.

THÁCH THỨC KÉP VỀ CÔNG NGHỆ CỦA VN: VỪA LÀ “MŨI NHỌN” VỪA LÀ “BẮT KỊP” (Vietnam’s Twin Tech Challenge: Spearheading While Catching Up)

 VN mượn giầy nhiều người để đi nhưng riêng về công nghệ số, VN có thể tự sắm giày mà đi. Nếu lệ thuộc mãi các ông lớn, chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đồng loạt lấy lại giầy?


Bài của Lê Thu Hường đăng trên CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế), Hoa Kỳ.
17, tháng 2 năm 2022
Việt Nam đang trở thành “cường quốc” kỹ thuật số của Đông Nam Á. Báo cáo của Google, Temasek, và Bain e-Conomy SEA 2021 gọi thập niên 2020 là “thập niên ngàn tỷ” ở Đông Nam Á khi kinh tế số của khu vực vượt mốc giá trị ngàn tỷ đô. VN nổi lên như một trung tâm phát triển năng động trong vùng. Dù giá trị doanh số nền kinh tế internet của VN đi sau một số nước láng giềng, ước khoảng 21 tỷ đô năm 2021, con số ấy sẽ đạt 150-220 tỷ vào năm 2030.
Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng Internet là 70,3% (đứng thứ 4 ở Đông Nam Á) - điều đáng chú ý là tỷ lệ dân số thành thị tương đối thấp (38% vào năm 2021, chỉ xếp sau Campuchia, Lào và Brunei trong khu vực). Nhưng dân số trẻ của Việt Nam là một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy tiếp thu công nghệ trên toàn nước lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Báo cáo mức độ tiếp nhận kỹ thuật số của PwC Việt Nam, năm 2021, cho thấy, 42% người Việt Nam được hỏi, bày tỏ sự hào hứng áp dụng công nghệ vào công việc của họ, so với mức trung bình toàn thế giới là 16%.
Nền kinh tế kỹ thuật số chỉ là một phần trong tham vọng tổng thể của đất nước đói với Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo kế hoạch này, Việt Nam dự kiến sẽ lọt vào danh sách 40 quốc gia có thành tích hàng đầu trong Chỉ số đổi mới toàn cầu, top 30 trong Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế, và top 50 trong Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2030. Chính quyền Việt Nam mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp vào khoảng 30% GDP và năng suất tăng trung bình 7,5% hàng năm. Nó cũng hướng tới mục tiêu hoàn thiện và thiết lập các thành phố thông minh tại các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Việt Nam đưa ra chính sách kinh tế để định vị Việt Nam như một trung tâm khu vực sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Khi sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn tiếp tục, những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Samsung, LG và Foxconn, cùng với những doanh nghiệp khác, đều khẳng định sự hiện diện tại quốc gia này. Xu hướng dịch chuyển công ty, dây chuyền sản xuất, khỏi Trung Quốc có thể sẽ làm Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn nhiều.
Tham vọng của chính quyền, hỗ trợ bởi các chính sách tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ, bao gồm cả các ưu đãi về thuế. Bất chấp đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục đổ vào để phát triển và sản xuất với các công ty như Microsoft, Sony, Pegatron, Nokia, Panasonic, Intel và Canon. Việt Nam hiện cũng là trung tâm khu vực về nghiên cứu và phát triển (R&D) gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi, và Jupiter Networks, cùng nhiều công ty khác. Việt Nam đang trên đường trở thành một nhà sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực và là một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp dụng ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến trong các nước phát triển ngày nay sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh lao động rẻ ở những nền kinh tế kém công nghiệp hóa. Trong lúc các nước phát triển dẫn đầu các ngành công nghệ tiên tiến thì những nước đang phát triển, như Việt Nam, vẫn còn đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc thích nghi, “bắt kịp”.
Cạnh tranh công nghệ đòi hỏi rất lớn nguồn kinh phí R&D (Nghiên cứu & phát triển) - không là gì đối với các nước phát triển. Kinh phí R&D của VN vẫn còn èo uột (dwarfed) so với nguồn kinh phí của các láng giềng quan trọng trong khu vực; phần lớn tiếp nhận công nghệ của nước này là từ các khu vực FDI (đầu tư nước ngoài) chứ không phải đầu tư quốc nội trong các công nghiệp kỹ thuật cao.
Tiến bộ công nghệ đẩy mạnh sự phát triển nhưng đồng thời tạo thêm bất bình đẳng. Chỉ trước đại dịch bùng phát, Ngân hàng Thế giới ước tính 56% việc làm ở Việt Nam, cùng với Campuchia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, có nguy cơ cao, bị thay thế bởi công nghệ và tự động hóa trong hai chục năm tới. Đại dịch mang lại việc áp dụng kỹ thuật số rộng khắp trong vùng – nó kích thích thương mại điện tử, giao hàng và dịch vụ trực tuyến, thúc đẩy nền kinh tế số. Nó cũng đẩy nhanh tốc độ tiến trình dịch chuyển việc làm: giảm sút rất rõ trong việc sản xuất với công việc kỹ thuật bậc trung nhưng lại gia tăng các dịch vụ và công việc kỹ thuật bậc cao trong những nước đang phát triển. Nhưng nâng cao hay đào tạo lại tay nghề sẽ không hoàn chỉnh nếu việc ấy không hòa nhập và bền vững. Như nhiều nước láng giềng, VN vẫn còn chậm chân khi nói đến chính sách quốc gia đối phó với việc hòa nhập kỹ thuật số đối với nữ, đặc biệt với việc tiếp cận Internet, việc đào tạo kỹ thuật số dành cho phụ nữ, và giáo dục STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).
Đối với nhiều người trong khu vực, kinh tế kỹ thuật số trở thành liều thuốc chữa trì trệ kinh tế do đại dịch gây ra. Nhưng nó cũng hằn sâu tính bất bình đẳng, khiến thế giới hậu covid càng phân cực hơn. Chuyển qua internet như là cách chống chọi lại covid trở thành một lựa chọn thiết thân chỉ dành cho những ai có đủ điều kiện sẵn có. Như thế, chuyển đổi kỹ thuật số cũng đem lại nguy cơ trở nên một vec-tơ kéo dài bất bình đẳng. Học trực tuyến là giải pháp học trong thời dịch bịnh. Nhưng giải pháp ấy không phải ai ai cũng có. Đó là những cá nhân sống ở vùng sâu, vùng xa, kết nối kém, và những cộng đồng dân cư thiếu thốn, khó tiếp cận internet hay không sắm được máy vi tính cá nhân. Giáo dục là truyền thống giúp thay đổi cuộc sống những nhóm người này, cơ hội của họ sẽ bị hạn chế nếu giáo dục không đến được nơi họ.
Việc nhanh chóng áp dụng dịch vụ kỹ thuật số trong bán lẻ, giáo dục, và y tế cũng khiến người sử dụng đối mặt với rủi ro về an ninh và an toàn mạng ở trong môi trường việc thực thi, nói chung, còn kém. VN có cải thiện nhanh chóng việc thích ứng an ninh mạng. Năm 2018, họ xếp thứ 50 theo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu, tăng 50 bậc so với năm trước đó. Nhưng vẫn còn phải cải thiện thêm, và chính phủ hứa nâng hạng lên top 30 thế giới vào năm 2030.
Tiềm lực và tham vọng của VN sẽ được đo lường qua khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh đổi mới, điều hướng thành công thế giới mạng phức tạp cũng như khuôn khổ pháp lý còn kém phát triển ở nước mình. Họ có thể khống chế phân chia lợi ích dân số của mình để thúc đẩy một tương lai có lợi thế cạnh tranh.
Nhưng để có một tương lai bền vững, họ cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ngày càng gia tăng trong xã hội, và không bỏ ai lại phía sau trong lĩnh vực này. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số có một tiềm năng to lớn đáng tin cậy, nhưng quốc gia này nếu muốn vượt khỏi lợi ích trước mắt như ứng dụng công nghệ (apps) và thương mại điện tử, họ cần một bước đột phá trong chuỗi giá trị kỹ thuật số và phát triển mũi nhọn trong phát triển kỹ thuật quan trọng tương lai.

Nguyễn Long Chiến dịch
Theo https://www.csis.org/analysis/vietnams-twin-tech-challenge-spearheading-while-catching

CON HAY TÔI?



Ảnh: ổng thống Richard M.Nixon bắt tay một cô giáo VN.

Danh xưng tiếng Việt khá tế nhị và (có phần) rắc rối. Cho đến giờ này, trong học đường vẫn còn tranh cãi cách xưng hô giữa người dạy và người học. Cộng đồng mạng (chứ không phải cộng đồng dân cư đại diện công luận) lên tiếng gay gắt khi thấy một bảng ghi lời chào học sinh đến trường sau gần một năm ở nhà vì dịch bịnh. ““Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”.
Tôi thấy cách xưng học sinh bằng con như thế vừa thân mật vừa yêu mến. Học sinh như con mình, các thầy cô giáo nghĩ như thế, rất chân tình.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Lúc ở trường cô giáo như mẹ hiền” (một câu hát rất hay) Nhưng có thực sự học sinh được yêu mến như con? Cô giáo như mẹ hiền một thời gian không còn là mẹ hiền nữa khi nền giáo dục ngày càng nhiều vấn đề. Vai trò của học trò và thầy cô bị cuốn vào một môi trường, chạy theo thành tích là chủ đạo. Có cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng vì muốn nó không thể là học sinh “cá biệt” hay “học sinh dở”, có thể ảnh hưởng đến thành tích dạy dỗ của cô. Có lớp học gần như 100/100 là học sinh giỏi để bảo đảm “học tốt, dạy tốt”. Chưa kể những vấn nạn như áp lực thi cử, thi đua, tất bật việc lo trường, lo lớp cho con cái, tiền học thêm, tiền mua sách “tham khảo” ào ào phát hành của cái bộ chăm lo…giáo dục. “Cô giáo như mẹ hiền” khiến người ta liên tưởng “Lương y như từ mẫu”, một số người diễu cợt “Lương y như kế mẫu”.
Lý tưởng tốt đẹp của những khẩu hiệu ấy không còn tốt đẹp nữa vì những “biến tướng” của việc (một số) người phục vụ sức khỏe và chăm lo tinh thần của công dân biến thành ông cha bà mẹ uy quyền…
Gọi học trò là con không còn thân thương nữa. Ở vào vị trí con, học trò chắc chắn sẽ “gọi dạ, bảo vâng”, một lối giáo dục phi giáo dục, khi gọi những điều dối là thật, bảo những việc “xưa bày nay bắt chước” là truyền thống ông cha (dưới dạng “kiên định” lập trường) và bắt học trò tin theo và làm theo.
Chính vì thế, dư luận mới phản ứng việc gọi học sinh bằng “con”. Vì chữ con này làm họ nhớ tới: “Con không mặc áo quá đầu”; “Thương (con) cho roi cho vọt”. Họ muốn bỏ từ “con” trong ý nghĩa, học sinh không còn là một thứ dễ sai bảo như trong gia đình "gia giáo", nói đâu nghe đó, để được tiếng “hiếu thảo”. Học sinh là học sinh. Người thầy là người thầy. Học sinh có thể sẽ trở thành người thầy trong tương lai. Họ là “đồng nghiệp” của vị thầy một ngày nào đó. Họ không cần sự bình đẳng vì xã hội không bao giờ bình đẳng mọi cái. Họ cần sự tôn trọng. Họ không thể là con của một ai ngoài cha mẹ họ.
Nhưng tên gọi không nói hết sự tôn trọng khi tên gọi ấy là kết quả của một nền văn hóa lâu đời của người Việt Nam.
Có thể bây giờ không còn quan điểm tôn ti “Quân-Sư-Phụ” nhưng trong thâm tâm một số nguoi VN đều có tư tưởng ấy. Ông thầy đứng sau vua, trên cả cha mẹ. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy. Ông thầy trọng vọng vì nhờ ông mà con người Việt thời xưa mới có thể “đổi đời”, từ một nông dân tay lấm chân bùn, trở thành một vị quan (huyện) “trên đầu nào biết có trời là ai”. Học để làm quan, để giải thoát số phận con ngươi, do đó, học rất quan trọng. Chỉ có ai đỗ đạc mới ra làm quan. Học để làm quan, “một nguoi làm quan cả làng đều hưởng”. Học để thi, và thi cho đỗ. “Anh chưa thi đỗ, thời chưa động phòng”. Vợ cưới về để thèm thuồng ngó chứ nào dám “rờ tới” khi việc học thi quan trọng hơn cả hạnh phúc. Không quá đáng khi một "nhà" thực dân nổi tiếng (Paul Doumer) nhận xét: Trong mỗi đầu óc của người An Nam đều có một ông quan”.


Ảnh: Cô giáo dạy tôi thời trung học.


Học để làm quan chứ không phải học để làm nguoi, học để phụng sự bản thân, phụng sự xã hội. Ông thầy do đó còn hơn cha hơn mẹ. Việc họ gọi học trò bằng “con” cũng có chỗ hữu lý.
Xưa thì như thế còn nay thì sao? Như tôi nói, tư tưởng học làm quan không phải là không còn rơi rớt trong suy nghĩ của một số nguoi hôm nay. Nếu không coi trọng thi cử thì chắc chắn sẽ không có những sĩ tử thời @ ra Văn Miếu Quốc Tử Giám, sờ đầu mấy chú rùa đội bia tiến sĩ “để lấy hên”. Họ dựa vào uy danh các vị tiến sĩ, hồn thiêng của mấy vị này, mà không dựa vào chính bản thân họ, là cái quyết định tương lai của mình, chứ không phải mấy ông có tên trên văn bia, tài năng đa phần trong số họ chỉ là "làu làu" kinh sử của nước Tàu phong kiến.
Chưa bao giờ các quan chức nhà nước VN có bằng cấp nhiều như trong lịch sử. So với Mỹ, một nước văn minh nhất thế giới, tỷ lệ bằng tiến sĩ hay chức giáo sư trong chính phủ của họ thua xa trong chính quyền VN. Học quan trọng vì học để có bằng cấp?
Ai là người có thể giúp học trò của mình đỗ ông nghè, ông cống nếu không phải là thầy, cô? Sự quan trọng của nguoi thầy là hướng dẫn học sinh, sinh viên tự học chứ không phải chỉ có dạy họ học. Vai trò học sinh phải là trung tâm chứ không phải nguoi thầy. Do đó, việc các ngươi làm giáo dục gọi học sinh là “con” khiến dư luận bất bình. Họ không phải là hạng “con, cháu” nữa khi giáo dục ngày càng xuống cấp, học sinh không còn như ruột thịt (con), họ trở thành “con” của cha của mẹ. "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Nhưng không gọi học sinh bằng con, thầy cô thì gọi họ bằng gì? Có nguoi bảo thầy cô xưng tôi và học sinh cũng xưng tôi. Có nguoi nói gọi học sinh bằng trò, nguoi dạy gọi mình là thầy, cô. Đây có thể là cách gọi có vẻ “trung tính” nhất trong danh xưng giữa nguoi học và nguoi dạy. Nhưng xin đi vệ sinh, học sinh nói: “Trò xin thầy (cô) trò đi tiểu”. Thầy (cô): Thầy cho trò đi tiểu, đó”. Cách xưng này có vẻ dung hòa hơn cách gọi con, xưng tôi nhưng nghe sao không êm tai mấy. TRường họp khó nghe hơn khi học sinh 5 tuổi (mẫu giáo) nói với cô: “Tôi xin cô đi tiểu” nếu tất cả học sinh không cứ nhỏ tuổi xưng với thầy cô bằng “tôi”. Hay học sinh lớp 1: “Tôi thấy thầy giảng sai” thì thử hỏi có vị thầy nào không nổi nóng? Nếu là tiếng Anh thì vấn đề không còn “khó nghe” vì “I” (trò, con, em, tôi) xin “You” đi tiểu. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai rõ ràng. I và You không thể hiện “danh xưng” rắc rối như tiếng Việt.
Nhưng không xưng, trò với thầy, tôi với em, hay tôi với thầy (cô) thì gọi bằng từ gì cho nó không thể hiện địa vị “con” thấp bé? Rất nan giải.
Tiếng Việt, khi xướng danh xưng, người ta nói lên ngay tức khắc “thân phận” nguoi nói, nguoi nghe. Trong công sở, “Thưa bác, xin bác ký giấy này giùm em (giùm cháu)”. Chắc chắn ông quan chức này lớn tuổi. Cũng không hẳn. Một số nguoi miền Bắc hay gọi nguoi cùng tuổi hay nhỏ tuổi hơn chút bằng bác và xưng em trong khi ở miền Nam, bác là anh của cha, lớn tuổi hơn cha. Chỉ có chữ bác thôi, ý nghĩa khác nhau tùy ngữ cảnh và thân phận nguoi nói, nguoi “được thưa”. “Ông mà gọi một cú phone, con đi ăn mày ngay”. Ông này có nghĩa là tôi, không phải grandfather. Tôi này nhớn lắm, oai quyền lắm. Con này có nghĩa là thằng, mầy. Chỉ nghe danh xưng, chúng ta biết ngay thân phận, địa vị của mỗi người. Tiếng Việt mình nó thế, phong phú lắm.
Con, do đó, dễ gây dị ứng khi các thầy cô gọi học sinh của mình. Nghe nói ở đại học, nhiều vị thầy giáo sư, tiến sắp về hưu hay sử dụng lại (lưu dung?) gọi các cô cậu sinh viên bằng con, cháu vì thực sự tuổi của họ chỉ tầm bằng tuổi con, cháu của các vị này.
Danh xưng biểu hiện tư duy nữa. Trước đây, trong tiếng Anh, gọi ông, bà bằng Mr. hay Mrs (Mrs. thường hiểu là nguoi có gia đình). Sau này, để bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ có gia đình hay độc thân, người ta dùng Ms. chỉ chung cho phụ nữ. Người đọc sẽ không biết Ms., những phụ nữ, có gia đình hay chưa; đó là quyền riêng tư, không ai được xâm phạm. Tiếng Việt có chữ nào gọi chung như thế không? Không. Bà để chỉ nguoi có chồng; cô để chỉ nguoi chua chưa chồng. Nhưng về mặt pháp lý, Ông/Bà để gọi đàn ông và đàn bà. Đây là bước tiến bộ. Nhưng tròng công đường hiện nay, việc xưng hô giữa nguoi dân và quan chức có tiến bộ như vậy không? Vào đó thì nào là con, cháu, chú, bác, ông, cô, dì…như trong một gia đình?
Quay lại vấn đề xưng hô thầy cô, tôi thấy quan điểm dung hòa là có cũ, có mới, có châm chước, có nguyên tắc: hãy trở lại cách gọi trước đây (ở miền Nam và nghe nói ở miền Bắc). Cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở: nguoi dạy xưng “thầy, cô” và gọi nguoi học bằng em. Học sinh xưng em với thầy cô. Cấp ba và đại học, học sinh sinh viên gọi nguoi dạy bằng thầy, cô và xưng em; thầy cô gọi học sinh bằng anh, chị và xưng tôi.
Không thể một sớm một chiều thay đổi cách gọi ăn sâu trong tiềm thức khi vị thầy đứng trên cha, mẹ; tuổi tác của họ ở vào hàng cha mẹ, có khi ông bà, của học sinh. Nhưng không thay đổi bây giờ, vị trí ngươi dạy nguoi học qua cung cách xưng hô, vừa tương kính vừa thân yêu, thì đến khi nào nữa? Đừng để chuyện cỏn con (tôi nói cỏn con vì chỉ cần một thông tư của bộ là xong chuyện xưng hô) như cách gọi đang bàn có thể ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, sự tự do và bình đẳng cần tỏ rạng, trong quan hệ thầy trò.


MI NGU QUÁ

 


Lúc nhỏ, tôi hay bị chị mắng như thế khi tôi không thuộc bài hay làm sai một bài toán. “Mi ngu quá” không làm tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Bởi đó là lời “nhắc nhở” đầy yêu thương của chị tôi. Nhưng nếu dịch mấy chữ này sang tiếng Anh, “How stupid you are”, như thế, chắc chắn tôi sẽ đứng dậy, vất sách, vất vở, trợn mắt với chị tôi và bỏ đi chơi. Và bây giờ tôi sẽ không làm được bài toán 2+2=4 hay viết nổi một lá thư tình gởi cho bạn gái là…vợ tôi bây giờ.

Tiếng Việt, người ta bảo “giàu lắm”. Chỉ tên con chó có bộ lông màu đen thôi đã có biết bao từ để gọi: chó mực, chó mun, chó đen hay cún mực, cún mun, cún đen. Tiếng Việt phát ra từ một tình cảm đôi khi lại ẩn giấu. "Nói zậy nhưng không phải zậy". “Mẹ mày” sẽ rất dễ thương nếu đó là lời của cha nói với mẹ. Nhưng với một người khác, “mẹ mày”, người nói sẽ nhận một cú đá hay cú đánh, lổ đầu vỡ trán…là chuyện đương nhiên.
Mấy hôm nay, tôi thấy trên mạng, từ trí thức đến thường dân, tất cả đều phẫn nộ khi đọc lời nhắc nhở của nhà trường đối với học sinh “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”. Như tôi nói, tiếng Việt chất đầy cảm tính. Câu chào này rất tình cảm, rất yêu thương, và rất gần gũi. Mấy tháng xa cách nhau vì dịch bịnh, cô thầy và học trò ao ước gặp nhau. Ao ước thật lòng, tự tấm lòng. Thầy cô không có học trò hay học trò không có thầy cô thì đâu còn giáo dục, đâu còn tình thầy trò, đâu còn tình nghĩa “giáo khoa thư”.
Khi gọi học sinh là con, các “nhà giáo dục” coi học trò như ruột thịt thì “con” hết sức thiêng liêng. Nhưng thực sự học sinh có là con như trong gia đình, con với cha, với mẹ, với tình yêu thương cùng dòng máu? Chắc chắn là không.
Con ơi! Hãy mua sách giáo khoa nhiều như núi, lớp một thôi, cũng cả bạc triệu. Con ơi! Hãy đóng đủ tiền phụ huynh học sinh đề nghị, càng cao, uy tín nhà trường, uy tín hội phụ huynh càng lớn. Con ơi! Hãy là học sinh giỏi, học sinh khá, không được học sinh trung bình, học sinh kém, các nhà quản lý sẽ mất điểm thi đua. Con ơi! Hãy đăng ký học thêm ở thầy A, cô B nếu con muốn đạt học sinh giỏi, khá, không phải làm ô danh nhà trường, có học sinh trung bình, học sin kém. Con ơi! Con cần phải có “màu cờ, sắc áo” của trường ta. Đồng phục nhà trường các con cần có. Bộ áo quần đi học ở chợ có thể rẻ hơn nhưng bộ áo quần đồng phục nhà trường là niềm kiêu hãnh “trường ta”. Niềm kiêu hãnh cũng như tự hào, tiền nào mua được. Dẫu đồng phục nhà trường có đắt hơn ngoài chợ, đó vẫn là niềm tự hào, hãnh diện vô giá, các “con nên nhớ”…
Các “con” mà như vậy thì thôi, xóa bỏ là vừa, là đúng lúc. Nhưng “các con”, giỏi cũng như kém, nhà trường không vì thế mà có hay mất thi đua, tiền “phí” do hội phụ huynh đề xuất đóng nhiều hay ít, không em nào mặc cảm, y phục đến trường tùy hoàn cảnh mỗi học sinh miễn “kín đáo”, “cơ động” chơi cũng như học, đi học thêm hay không học thêm cũng không bị phân biệt đối xử, cũng không lấy đó làm lợi thế điểm cao nhờ “học trước”…các con như thế ai mà chống đối?
Thay cách gọi học trò bằng “con”, gọi họ là “anh” là “chị”, học trò nên xưng “tôi” với thầy cô mà không thay đổi căn cơ giáo dục: học trò là trung tâm, hay những thực trạng như tôi vừa nhắc (chỉ là bề nổi mà thôi) thì tốt nhất các thức giả cũng đừng cần lớn tiếng. “Nước đổ đầu vịt” mà thôi.
Quý vị thấy khi nào ở một xã hội mà các quan chức cấp dưới không bắt tay cấp trên bằng hai cánh tay khúm núm thì tiếng nói quý vị mới có "chút ký lô". Và khi một ông “cao cấp chính trị” lại đi rao giảng văn hóa giáo dục cho những người làm văn hóa giáo dục thì tốt nhất quý vị nên yên lặng cho nó…lành. Gọi học trò là “con” hay “thằng” cũng rứa mà thôi.

TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG DẠY LỊCH SỬ CHIẾN TRANH VIỆT TRUNG? (Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War?)

 Bài khá dài nhưng khá lý thú. Chỉ dành cho ai kiên nhẫn đọc vì tôi kiên nhẫn dịch tặng quý vị.



“VN ngần ngại đưa cuộc chiến 1979 vào sách giáo khoa, kéo dài hàng thập kỷ im lặng”.
Travis Vincent đăng trên The Diplomat, ngày 09 tháng 02, 2022
Thời gian thi học kỳ ở đại học thường vào cuối tháng giêng, một vài tuần trước kỷ niệm chiến tranh Việt –Trung, thường gọi là Chiến tranh biên giới. Cô Hằng, giảng viên tại một trường đại học đẳng cấp ở Hà Nội, cho biết cuối học kỳ như thế “là thời điểm lý tưởng để suy niệm về cuộc chiến 1979 nhưng, cuối cùng, tôi không thể hướng dẫn sinh viên thảo luận điều gì”.
Đáp trả việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia và ký kết Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô năm 1978, Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, chiếm một số tỉnh biên giới. Bang giao giữa hai nước cộng sản anh em tệ hại chưa từng thấy. Từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3, cuộc chiến cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn binh sĩ Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù con số thương vong chính xác vẫn còn nhiều tranh cãi. Quân đội Trung Quốc rút lui sau ba tuần với thông báo hoàn tất “sứ mệnh trừng phạt”.
Nhưng bốn chục năm sau chiến tranh, các trường học VN vẫn ngần ngại, một cách khó hiểu, khi giảng về cuộc chiến. Với một tên khác, Hằng không thể đưa sự kiện này vào kỳ thi cho sinh viên, ngay cả không đưa vào giáo trình của mình.
Sự im lặng về cuộc chiến trong học đường có phần khá hơn thời cô là sinh viên năm thứ hai tại chính trường đại học cô đang dạy, năm 1979.
Cô Hằng nói: “Giáo sư dạy chúng tôi cả quyết cuộc chiến (giữa TQ và VN) sẽ không thể xảy ra bởi vì chúng tôi là đồng chí, là anh em. Rồi ngày hôm sau, TQ nã đạn pháo vào biên giới. Nhưng vị giáo sư của chúng tôi không hề tự mình đính chính. Chẳng ai dám cất lên tiếng nói”.
Trong khi đó, trường học TQ nhắc đến cuộc xung đột với tên gọi “Chiến tranh tự vệ chống Việt Nam” (对越自卫反击战).
Trên thực tế, chính quyền Việt Nam miễn cưỡng dạy học sinh ở tất cả các cấp học về chiến tranh Việt-Trung - một điều gây tò mò, vì học sinh Việt Nam từng làm quen với lịch sử chống xâm lăng Trung Quốc. Từ lớp 6 đến lớp 7, học sinh tìm hiểu gần một thiên niên kỷ dưới sự chiếm đóng của Trung Hoa cho đến năm 938, cũng như các cuộc chiến tranh rải rác qua các triều đại khác nhau chống lại các vua chúa Trung Hoa. Các cuộc chiến tranh đó được nghiên cứu sâu hơn từ lớp 10 đến lớp 11. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia năm 1979 lại bị che mờ trong các giờ lịch sử. Bản in năm 2001 sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam kể lại cuộc chiến chỉ với 24 dòng ở cuối sách, trong khi bản in năm 2018 giảm phần miêu tả (cuộc chiến), chỉ còn 11 dòng.
Lời kêu gọi cải cách sách giáo khoa lịch sử của các nhà chuyên môn, đặc biệt là cung cấp các tường thuật chi tiết về cuộc xung đột năm 1979, cho đến nay vẫn rơi vào im lặng. Mặc dù chính quyền cho phép các cuộc thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng việc giảng dạy toàn diện hơn về cuộc chiến này vẫn chưa được thực hiện và vẫn chưa chắc sẽ xảy ra. Việc viết lại và ghi nhớ cuộc chiến đòi hỏi một cuộc “đại tu” các sách giáo khoa lịch sử, do đảng Cộng sản chỉ đạo viết.

CUỘC CHIẾN NGẮN NGỦI VÀ QUAN TRỌNG

Hằng thấy mình mắc kẹt giữa hai khối đá: cô không thể thực hành điều mình giảng dạy. Cô nói: “Tôi bảo sinh viên thảo luận và đặt câu hỏi trong lớp, nhưng rồi tôi chẳng lôi kéo nổi họ vào chính đề tài này”.
Để giải quyết tình huống khó xử,cô gợi ý sinh viên đọc “Hồi ức và suy nghĩ”, cuốn hồi ký nổi tiếng, phổ biến trên mạng, của nhà ngoại giao kỳ cựu Trần Quang Cơ, được xem là tài liệu có thẩm quyền nhất về quan hệ Trung-Việt trong thập niên 1980. Cô còn khuyến khích sinh viên thảo luận thân tình với cô về cuốn hồi ký ấy.
Đây là cách các giáo sư đại học thường làm để lấp bớt khoảng trống tri thức.
Một sinh viên năm thứ ba học về quan hệ quốc tế ở TP.HCM, cô Phạm Kim Ngọc, cho biết giáo sư của cô có nhắc đến cuộc chiến trong một bài giảng ngắn; ông rất hoan nghênh các câu hỏi sau giờ đứng lớp. Tuy nhiên, cô không có sách giáo khoa nào để nghiên cứu thêm (về đề tài này- ND).
Ngọc nói: “Người ta dạy chúng tôi, rằng TQ là nước quan trọng nhất chúng tôi cần nghiên cứu, nhưng sự kiện như thế (nói về cuộc chiến –ND) vẫn còn “nhạy cảm”.
Một giáo viên dạy sử trường trung học tư thục ở Hà Nội, cô Nguyễn Ngọc Trâm thấy rằng, phương thức giảng dạy về chiến tranh từ trên đưa xuống rất là hời hợt. Trong sách dành cho giáo viên, không có hướng dẫn cụ thể việc nói về cuộc chiến. Trâm cho biết: “Cuộc chiến biên giới nhắc tới ở cuối cuốn sách, nghĩa là, sẽ được dạy vào giờ cuối của năm học. Lúc đó, chẳng ai chú ý”.
Ngoài ra, Trâm còn dạy kèm học sinh lớp 12 môn lịch sử để thi vào đại học. Bộ giáo dục không đưa cuộc chiến tranh ấy vào nội dung thi. “Vì cuộc chiến (biên giới) ấy không phải thi, học sinh của tôi không buồn để mắt tới”.
Việc giảng dạy ít ỏi về cuộc chiến khiến Trâm ngạc nhiên, vì học sinh cấp tiểu học, trung học, phải chú trọng cái gọi là “giáo dục về biển đảo”, nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tranh chấp cốt lõi giữa VN và TQ.
Chuyên ngành sử, Trâm có cơ hội tìm hiểu cuộc chiến ấy ở đại học, dù ở mức độ hạn chế. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên của Trâm lại không để ý điều đó.
Đặng Ngọc Oanh, sinh viên năm nhất đại học Kinh tế quốc dân, cho biết cô có kiến thức về cuộc chiến (biên giới) nhờ bố. Oanh cảm thấy kinh ngạc khi cô chưa hề được dạy ở trường: “Bố tôi là bộ đội. Ông không tham dự cuộc chiến đó nhưng ông kể cho tôi nghe”, Oanh nói và cho biết, cô tìm hiểu thêm cuộc chiến qua tiếng Anh.

HIỆP ƯỚC TỪ TRÊN CỐ QUÊN QUÁ KHỨ.

Mặc dù TQ viện trợ VN trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, quan hệ giữa hai nước xấu đi vào cuối thập niên 1960. Phát động cuộc chiến 1979, TQ muốn dạy “tiểu bá tham vọng” VN một bài học, sau khi Hà Nội đánh bật Khmer đỏ, do TQ đỡ lưng, sau cuộc xâm chiếm Campuchia.
Sự căm phẫn của đảng CSVN đối với Trung Quốc sau đó cao đến nỗi, phần mở đầu của Hiến pháp 1980, Việt Nam gọi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”. Tuy nhiên, cụm từ này bị loại bỏ khỏi Hiến pháp vào năm 1988, mở đường cho quá trình bình thường hóa giữa hai nước.
Từ 1980 đến 1987, Hà Nội có nhiều động thái chính thức và bí mật để nối lại đàm phán bình thường hóa với đồng chí phương Bắc, nhưng tất cả đều vô ích. Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cưỡng chiếm các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Việt Nam.
Tuy nhiên, do bị quốc tế cô lập sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Bắc Kinh đề xuất cuộc gặp bí mật năm 1990 tại Thành Đô; hai nước “gác bỏ quá khứ, hướng tới tương lai”. Kết quả là, nước VN không tổ chức kỷ niệm cuộc chiến 1979 một cách chính thức, và cuộc chiến đi vào quên lãng. Lãnh đạo hai nước thông báo bình thường hóa song phương ở cấp quốc gia lẫn cấp đảng năm 1991.
Một thập kỷ sau, hai bên ký Tuyên bố chung về hợp tác chiến lược toàn diện. Năm 1999, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới Bắc Kinh, một phương châm, còn gọi là “16 chữ vàng”, được thông qua cho mối quan hệ của hai nước: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, và hướng tới tương lai. Đồng thời, Nguyễn Cơ Thạch, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong các vấn đề Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, bị loại khỏi bộ Chính trị và Ủy ban trung ương, thậm chí mất chức ngoại trưởng.
Trong nhiều bảo tàng, từ “chiến tranh” tránh nói với “Trung Quốc” thậm chí không được nhắc đến khi đề cập đến sự kiện năm 1979, không như cách mô tả “cuộc đấu tranh kiên cường và chính nghĩa chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quân ngụy miền Nam Việt Nam”. Trong một thời gian dài, Việt Nam không công nhận những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới là liệt sĩ. Những người lính hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc chỉ được gọi là “bảo vệ tổ quốc”, không giống đồng đội của họ trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Trong khi Việt Nam thành công trong việc buộc Trung Quốc thoái lui vào năm 1979, cả phương tiện truyền thông chính thống lẫn sách giáo khoa lịch sử của nước này đều không đề cập đây là một chiến thắng quân sự. Mặc dù Việt Nam nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh, nhưng Việt Nam hoàn toàn im lặng trước những hành động tàn bạo của cuộc chiến năm 1979 do Trung Quốc gây ra.

TƯỞNG NHỚ CHIẾN TRANH (là) “PHẢN ĐỘNG”.

Tuy nhiên, chính quyền đã thay đổi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở biển Nam Trung Hoa, tiếng Việt là Biển Đông.
Năm 2014, căng thẳng giữa hai nước leo thang khi Trung Quốc chuyển một giàn khoan dầu đến vùng biển gần quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổi lên khắp Việt Nam. Nhiều người bắt đầu bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc xung đột vũ trang trong quá khứ với nước láng giềng phương Bắc. Cuộc chiến do đó đã sống lại trong ký ức của quần chúng.
Theo Giáo sư Tường Vũ từ Đại học Oregon, chiến tranh Việt-Trung vẫn chia rẽ sự lãnh đạo của Hà Nội ngày nay. Một bên đổ lỗi cho Lê Duẩn, cựu lãnh đạo đảng nổi tiếng chống Trung Quốc, một bên cho rằng đảng đã sai lầm vì cả tin Trung Quốc.
Qua email, ông Vũ viết: “Cho phép tranh luận về chiến tranh sẽ đe dọa sâu thêm hố chia rẽ và sự tồn vong của đảng; việc ấy còn phơi bày những sai lầm của lãnh đạo chóp bu. Dạy trẻ em biết về cuộc chiến này, qua thời gian, có thể tạo ra áp lực buộc đảng phải quay khỏi TQ và tiến gần Mỹ hơn, một điều đảng không muốn”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với BBC, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu và là nhà nghiên cứu Trung Quốc hàng đầu tại Việt Nam, cho biết vẫn chưa rõ ai là người chủ trương giữ im lặng về cuộc chiến (Việt-Trung).
Nhưng rõ ràng, người đóng vai trò chính, mở lại các cuộc bàn thảo và tưởng niệm chính là: Các cựu chiến binh trong cuộc chiến này. Đặc biệt, các chiến sĩ tham dự trận đánh Vị Xuyên và Hà Giang là những người cất to tiếng nhất.
Các kênh truyền hình quốc gia bắt đầu phát nhiều phim tài liệu về cuộc chiến (biên giới). Nhiều tác phẩm nghệ thuật bắt đầu lưu hành. Hơn 30 năm sau cuộc chiến, nhà nước phát động sáng kiến tìm kiếm hài cốt binh sĩ ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên.
Tháng giêng năm 2016, chủ tịch Trương Tấn Sang viếng thăm chính thức các tỉnh biên giới phía bắc để tưởng niệm cuộc chiến; ông trở thành chủ tịch nước đầu tiên thực hiện việc đó.
Bắt đầu kỷ niệm 40 năm cuộc chiến năm 2019, truyền thông quốc nội mới công khai đề cập cuộc chiến mặc dù có nhiều chuyện kể bị kiểm duyệt. Cuốn sách năm 2019, “Bảo vệ biên giới”, của nhà xuất bản bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong rất ít xuất bản phẩm về cuộc chiến (biên giới) phát hành tại VN. Cuốn sách vẫn nhắc đến cuộc xung đột là chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, không đả động gì tên Trung Quốc.
Đầu năm nay, thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc thăm chính thức nhà tưởng niệm phía bắc tỉnh Quảng Ninh, nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến 1979.
Tuy vậy, một số đề tài vẫn còn bị giới hạn, ví như số thương vong, hay số người thiểu số bị “xử” (execution) ở bắc VN vì hùa theo quân Trung Quốc trong cuộc chiến.

CẦN THAY ĐỔI SÁCH GIÁO KHOA

Là cô giáo, Trâm phải cân nhắc việc nói với học sinh về cuộc chiến đa phần “bị bỏ quên” và không được phép đi quá lằn ranh bất thành văn.
Trâm nói: “Tôi phải dạy mọi thứ với một ngôn ngữ ‘uyển chuyển’, từng chút, từng chút, kẻo phụ huynh sẽ phàn nàn tôi dạy điều không giống sách giáo khoa”.
Tận dụng môi trường sư phạm tương đối mở trong một trường tư thục, Trâm còn cố dạy học sinh nhỏ tuổi của mình về những cột mốc lịch sử quan trọng không nêu trong sách giáo khoa.
Trâm cho biết: “Rất quan trọng khi dạy học sinh rằng, VN từ 938 không như Việt Nam ngày nay, (Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, đem lại độc lập cho VN sau gần 1000 năm đô hộ giặc Tàu, từ khi Hai Bà Trưng nhảy xuống Hát giang tuẫn tiết năm 43– ND). Tôi vẫn phải dạy học sinh của mình rằng, có rất nhiều trang sử về những gì các em gọi là ‘Việt Nam’ ngày nay, không phải chỉ có một Việt Nam như sách giáo khoa nhà nước định nghĩa”.
Ngay cả vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp, nhà chỉ huy chủ chốt phía sau chiến thắng quan trọng của cộng sản đối với người Pháp trận Điện Biên Phủ, cũng bị loại khỏi sách giáo khoa chính thống.
Tuy nhiên, còn một số tự tình (narrative) vẫn khó mà thay đổi.
Viết lại lịch sử chiến tranh Việt-Trung còn đòi hỏi trình bày chi tiết cuộc xâm chiếm năm 1978 vào Campuchia, bên Việt Nam vẫn coi là “Giải phóng Campuchia khỏi ách Khờ-me Đỏ”. Cuộc chiến này chỉ nhắc có 13 dòng là “cuộc chiến bảo vệ biên giới tây nam” trong sách giáo khoa hiện hành.
Nhà nước Cộng sản cũng chẳng bao giờ công nhận Việt Nam Cộng hòa là một chính quyền hợp pháp. Nói cách khác, họ chưa bao giờ chấp nhận có hai Việt Nam cùng tồn tại trong thế kỷ thứ 20, mà vẫn coi Việt Nam là một nước bị bọn xâm lược và bè lũ bán nước chia cắt. Sự sụp đổ của Sài Gòn mô tả trong sách giáo khoa cho thấy việc thống nhất đất nước là lẽ tất nhiên.
Hậu quả là, giao chiến quân sự giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Nam Việt Nam năm 1974 cũng rơi vào quên lãng. Tất cả sách giáo khoa lịch sử quốc gia dạy cho học sinh cả nước chỉ tập trung vào miền Bắc Việt Nam.
Ở VN, nhà xuât bản Giáo dục, thuộc bộ Giáo dục và Đào tạo, độc quyền in sách giáo khoa sử dụng toàn quốc hàng nhiều thập kỷ. Từ 2019, chính quyền cho phép thêm một số nhà xuất bản tham gia làm sách. Trường học ngày nay có thể chọn sách nào họ muốn. Năm 2021, sách giáo khoa mới của lớp 10 vừa phát hành. Một số sách cho lớp 12 sẽ phát hành vào năm 2023. Nhưng, trừ phi Đảng Cộng Sản đồng ý nới lỏng “sự tình” (câu chuyện, narrative), sách giáo khoa sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi.

Nguyễn Long Chiến dịch.

Bài gốc
https://thediplomat.com/2022/02/why-wont-vietnam-teach-about-the-sino-vietnamese-war/?fbclid=IwAR1XELltjsuQYKG0OrSn1txvrlWV7hKNeCTh5TmC19xSAMs9zVCGyaJvJaE