Wednesday, February 9, 2022

Bi kịch? Ngẫm nghĩ chuyện dùng Facebook




Hôm qua, tôi có bài “ca ngợi” Facebook. Hôm nay, tôi thấy ân hận quá. Tại sao tôi yêu ông Mark (trẻ) mà không yêu ông Marx già râu ria. Lẽ đáng mỗi ngày tôi phải đọc Nhân Dân. Nhưng tôi lại không. Tôi sống với nhân dân, tại sao tôi không yêu Nhân Dân. Bội bạc, thật quá là bội bạc. Vốn tính thật thà, tôi nói thẳng: Tôi thích Facebook mà không thích Nhân Dân vì cái mạng của thằng đế quốc này hấp dẫn hơn cái mạng “quốc dân”.
Dù tôi có là giáo sư nổi tiếng thì bài tôi viết chắc chắn không được đưa lên mặt báo Nhân Dân nếu quan điểm của tôi không theo định hướng hay không được phép. Chả có định hướng (con mẹ gì – xin lỗi, “cương” tý) tôi gửi cho thằng Mark, ý lộn, chú Mark, một bài dù ở dạng lơ tơ mơ, “hắn” đăng liền , mà không hỏi tôi có bằng cấp gì, hộ khẩu ở đâu, qun điểm chính trị thế nào, có thuộc thành phần phản động hay chống phá nhà nước (Mỹ) không.

Facebook của “hắn” thật tử tế. Nào là like, love, care, haha, wow, sad, angry (thích, yêu thích, quan tâm, cười vui, ngạc nhiên chưa, buồn, giận). Gần như đủ “thất tình” (hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc, bi). Trước Facebook ấy có dislike (ghét) nhưng sau đó bỏ đi. Con cháu tác giả Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie)mà lỵ. Khen hiệu quả hơn chê. Quý vị không thấy chê (phê) tự chê (tự phê), “phê bình như ăn cháo, kiểm thảo như ăn cơm” thất bại ê chề không? Càng phê và tự phê càng hỏng việc. Phê và tự phê càng nhiều con người càng chai lỳ. Xem đạo đức quan chức thì rõ, khỏi cần dài dòng.

Có mấy điểm Facebook thu hút nhân loại không chỉ VN:

1- Tự do tư tưởng: Bạn có thể suy nghĩ và viết ra suy nghĩ bất cứ điều gì, mà không phải lo lắng suy nghĩ ấy có “phạm chính trị” hay không.

2- Tự do biểu đạt: Bạn có thể đăng tin buồn, tin vui, tin tức mình, tin yêu thương hoặc ghét bỏ ai đó (miễn không phạm luật).

3- Tự do ngôn luận: Bạn có thể chửi tổng thống Mỹ hay chì chiết tổng bí thư Trung Quốc…Bạn có thể góp ý với quốc hội hay ban chấp hành trung ương đảng CSVN dù chẳng ai thèm nghe bạn.

4- Tự do tín ngưỡng: Không ai cấm bạn chụp hình trong nhà thờ và cũng chẳng ai không cho phép bạn quỳ mọp trong chùa đảnh lễ Phật. Miễn bạn không đề cao tín ngưỡng mình và hạ thấp tín ngưỡng người khác.

5- Tương tác nhanh: Chỉ cần đọc một câu còm của bạn ở VN, một người ở Mỹ có thể hồi đáp tức thì chưa tới một vài giây. Có khi bạn chỉ đề nghị một điều gì đó, năm ba giây sau đề nghị ấy được tiếp nhận và giải quyết tức thì. Có thể bạn bày tỏ “Anh yêu em” thì ngay lập tức trong messenger sẽ hiện ra câu “Em yêu anh”. Những hẹn hò sau đó có thể thực hiện không tới 60 giây.

6- Hiểu biết tha nhân: Khi lên facebook, bạn sẽ thấy đủ loại người theo suy nghĩ và nhận xét của bạn: bao dung và hẹp hòi; quảng đại và bó ró; yêu thương và thù hận; rộng rãi và nhỏ nhen; hiền lành và hung dữ; thẳng ruột ngựa và ti tiện, hiểm sâu…Nói chung con người “ảo” trên mạng không khác con người thật ngoài đời. Không tiếp xúc trực tiếp, chỉ tiếp xúc trên “giao diện”, các bạn hiểu hết lòng dạ con người. Ai nên tiếp tục là bạn, ai trở nên “thù” cần unfriend, chỉ một cái nhấp chuột. Ở ngoài đời, muốn kết bạn hay muốn chia tay ai đâu có dễ. Kết bạn xô bồ thì sẽ gặp cảnh “tin bạn mất vợ, tin bợm mất bò”. Chia tay ai thì phải tốn biết bao nước mắt. Facebook không khó khăn như thế.

7- Kết nối: Đây là cái Facebook rất thành công. Tôi ở VN. Khi chơi facebook một thời gian, tôi biết được bạn mình, đứa ở quê, đứa ở Mỹ, ở Úc, đứa ở Đức, đứa ly dị đứa cưới vợ khác, đứa còn sống, đứa đã chết, đứa bỏ mình nơi biển cả, đứa chôn thây nơi trại cải tạo…Không gặp họ nhưng tôi biết họ qua những trao đổi với các bạn quen từ lúc nhỏ cho tới lúc trưởng thành.

8- Hiểu biết thế giới: Có thể tra trên Google để biết mọi thứ nhưng “người thật, việc thật” không bằng các bạn, người thân, các friend người nước ngoài, tôi hiểu bản chất, lối sống, văn hóa, văn minh xứ sở họ.

9- Hiểu biết người trong nước: Tôi có thể nghe một người ở Hà Nội giải thích rau diếp không hẳn là rau diếp cá, mà là một loại rau hơi giống sà lách người Pháp mang sang. Ở Sài Gòn nhưng tôi biết Hà Nội đón tết thế nào; không phải qua sách vở nhưng là qua những bài viết về Tết của các friends ở ngoài ấy.

10- Tạo sự cảm thông: Có thể tôi là người trưởng thành trong chế độ VNCH. Các friends của tôi trưởng thành trong chế độ cộng sản (gọi là XHCN). Chúng tôi không coi nhau là kẻ thù như trong chiến tranh trước đây. Bởi tôi nói họ nghe và họ nói tôi nghe, trong tinh thần hiểu biết và tương kính.

11- Cuối cùng: Hiểu nhau để thương nhau. Qua facebook chứ không phải mấy trăm tờ báo, hàng trăm đài phát thanh, truyền hình của nhà nước, con người VN, trong nước và ngoài nước, có thể bắc một nhịp cầu cảm thông. Sức mạnh quốc tế- các cường quốc- có thể nay hùng cường, mai suy yếu, không ai lường trước được. VN từng dựa dẫm vào họ để tìm con đường tiến lên cho hai miền Nam-Bắc. Sự dựa dẫm ấy từng sai lầm và ngộ nhận dẫn đến đất nước tang thương, lòng người ly tán, chia rẽ không chấm dứt dù hơn nửa thế kỷ đi qua.

Tôi luôn nhìn mọi cái bằng con mắt yêu thương. Những cái đáng ghét (có đầy trên Facebook) tôi không nhắc tới. Và tôi nghiệm ra rằng: Không có chiếc cầu nào ngoài…Facebook giúp chúng ta nối kết Nam-Bắc một nhà, hòa giải “Quốc gia” và “Cộng sản”. Trên Facebook chúng ta nói thật, dám nói thật. Có câu: Sự thật mới cứu rỗi loài người. Thật vui nhưng cũng thật buồn: Tại sao chúng ta- những con Lạc cháu Hồng- đòng bào, một bọc sinh ra, không có một diễn đàn nào "mấp mem"" hay ngang chừng phân nửa Facebook? Trong khi đất nước có hàng vạn vạn giáo sư tiến sĩ, có hàng trăm kênh thông tin, con dân VN lại dựa vào một kênh thông tin của một người ngoại quốc để bày tỏ thất tình: hỷ, nộ, ái, ố, dục, lạc, bi ai?

Khi ca ngợi Facebook tôi có cảm giác tội lỗi với Nhân Dân, một kênh thông tin mà tôi, và có lẽ hàng chục triệu người VN khác, không biết mặt mũi nó dài ngắn, xấu đẹp thế nào. Tôi yêu nước Việt nhưng không yêu Nhân Dân vì nó xa lạ với tôi quá thể. Tôi không yêu nước Mỹ nhưng tôi yêu Facebook vì nó gần gũi với tôi quá đỗi. Đó là bi kịch của tôi – một công dân Việt Nam.

Monday, February 7, 2022

Hãy cho tôi biết



Có người nói hãy cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói bạn như thế nào. Có người nói lên facebook là kẻ vô công rỗi nghề. Tôi nói, qua facebook tôi có thể hiểu người, dù chưa cặn kẽ, bởi đó là thế giới, là cuộc đời, là con người thật, dẫu đó là thế giới ảo, cuộc đời ảo, và có khi con người ảo.
Tôi muốn được gần gũi, tôi muốn thân tình. Tôi muốn được sẻ chia. Tôi muốn được hiểu thấu. Tôi muốn được bao dung, yêu mến, và hiểu nhau qua tranh cãi, thậm chí qua chống đối nhau.
Tôi đâu có điều kiện để đến với người tôi quí mến khi họ xa tôi hàng chục ngàn dặm, và có người chẳng bao giờ gặp mặt; nhưng tôi vẫn yêu mến họ qua những câu chuyện, tâm tình, hình ảnh họ đăng mỗi khi lên mạng.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, Facebook biến mất, bạn và tôi như những người bơ vơ, lạc lõng, có được hỏi han nhau mỗi ngày không? Có chia sẻ cho nhau vui buồn hờn giận?
Tôi ước muốn: Phải chi đừng có facebook, cuộc đời chúng ta sẽ...khổ hơn, không?

(Bài 3 năm trước)

Sunday, February 6, 2022

Tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12



Hòa thượng Thích Tâm Giác “khai sơn” năm 1971 nhưng đến năm 2009, tu viện mới được xây dựng sau 10 năm xin phép đủ các loại giấy tờ. Thượng tọa Thích Giác Dũng được tổ đình giao việc xây dựng cũng hơn 10 năm với sự phát tâm đóng góp hằng sản của mẫu thân và anh em trong gia đình cùng với tăng ni Phật tử xa gần tiến cúng.
Tu viện nằm kế nghĩa trang Vĩnh Nghiêm; cả hai khuôn viên chiếm gần hết một con đường dài hơn 300 mét. Thiết kế chính của chùa như hình chữ H; Phật điện gồm tiền điện, chánh điện, hậu điện. Tiền điện gồm 7 gian với hơn 30 cánh cửa gỗ quý chạm khắc tinh tế, sắc sảo. Bên trong, đập vào mắt là các cột gỗ cao hơn 5 mét, vòng thân một người ôm không hết. Chánh điện gồm có chín gian, hẹp hơn tiền điện nhưng dài hơn, cũng gồm các cột gỗ uy nghi sừng sững. Nơi này có sàn gỗ bóng làm chỗ chiêm bái, quỳ lạy của thiện nam tín nữ. Hậu điện có chiều dài gần bằng tiền điện, hai bên thờ các vị thần áo mão như các vị quan thời xưa, vị nào cũng có hàm râu (đen) giống nhau, và đôi mắt không nhìn thẳng mà hơi nhìn xuống có vẻ không quan tâm một số người nhìn lên khấn vái.
Đặc điểm trong ngôi chùa: không có chỗ thắp nhang cho tín hữu hay du khách, một điểm hay, không khí trong lành không ngọt ngạt khói hương. Thỉnh thoảng có một tiếng chuông ngân nga nhè nhẹ hòa nhịp theo lời tụng (ghi âm sẵn) làm không khí trang nghiêm càng trang nghiêm hơn, tĩnh lạng càng tĩnh lặng hơn, khoan hòa càng khoan hòa hơn. Trang trí bên trong không dày đặc hoa trái như một số ngôi chùa khác.
Khoảng không thinh lặng có lẽ là mục đích của công trình sư xây dựng tu viện này. Chùa có đặt một chỗ duy nhất hai hòm công đức nhỏ bên bàn thờ chính điện, các chỗ khác không thấy, như một số chùa tôi viếng thăm, chỗ nào thuận thì sừng sững thùng quyên tiền bá tánh.
Ngày Xuân ở đây, khách vãng cảnh chùa, thiện nam tín nữ, không phải chen chúc nhau bỏ tiền vào thùng Phước Sương để rút những lá xăm, lá quẻ xem kiết hung năm mới. Cũng không có những chỗ đặt bàn giải quẻ, tán xăm, các tín hữu ngồi quanh, kẻ thì hớn hở khi gặp quẻ cát, người thì âu sầu khi gặp quẻ hung. Cảnh chùa ồn ào nhộn nhịp.
Tôi ấn tượng nhất ở ngôi tu viện này là, trên những chiếc cột cao có những câu tiếng Việt ghi lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tôi không thấy hàng cột nào có những chữ Hán như một số ngôi đình, ngôi chùa khác.
Đến ngôi chùa này, tôi có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, và suy nghĩ, mình đã hàm ơn vị tu sĩ lập nên ngôi chùa: đem lại cho những ai đến chùa phút giây tĩnh lặng trong một thành phố đua chen, bẩn chật bụi đường, tiếng xe cộ ngày đêm và quanh năm suốt tháng. Tôi chỉ tiếc một chút: ngay cổng tam quan có các cô gái đứng bên sào bán áo dài để vào chùa đảnh lễ, giá cả ghi rất rạch ròi 200 ngàn một áo. Không rõ mua rồi đứng chỗ nào để thay, để mặc. Và về mặt “phong thủy” ít có gia đình nào phơi áo trước cổng nhà nói chi đến một ngôi chùa uy nghi bề thế như tu viện Vĩnh Nghiêm.

Saturday, February 5, 2022

Tắm xuân




Đón Xuân, chơi xuân, ít ai tắm Xuân. Miền Bắc đón Xuân trong không khí se lạnh, có khi giá rét. Miền Trung có không khí Xuân ấm cúng pha chút lành lạnh. Miền Nam đón Xuân trong nắng nóng; có người gọi “nắng ấm” cốt để “an ủi” thôi.

Tắm Xuân đối với dân Sài Gòn là tắm biển. Có thể ở Vũng Tàu, gần hơn, có khi Cần Giờ. Nước biển cạnh rừng đước, tràm đầy nhóc khỉ, không trong trẻo lắm. Dưới bước chân khách tắm là lớp cát pha bùn hay lớp bùn pha cát, không rõ, nước biển có màu ngà ngà như nước hến chợ Đông Ba.

Những người không thích tắm Xuân ở biển thì tắm Xuân ở hồ, suối. Suối Mơ ở Đồng Nai là địa điểm tắm lý tưởng. Nước tắm ở đây chảy ra từ các hốc đá của núi nên trong vắt và mát lạnh. Gần nguồn suối, người ta chèn nhiều tảng đá làm bờ mương dẫn nước vào các hồ tắm. Vì suối liên tục tuôn nước ra, rất dồi dào, các hồ bên dưới thiết kế theo địa hình cao thấp, hàng ngàn người tắm, nước vẫn trong mát.

Ai thích cảm giác mạnh có thể ngồi bên dưới các thác nước nhân tạo, thác này kế thác kia, theo đường vòng cung; nước bắn tung toé, trắng xoá, ở xa nhìn như nhiều thác Cam Ly (thời xa xưa) nằm kế nhau. Trong nước, trên lớp cát sạch bên dưới thác, từng đàn cá to bằng bàn tay chạy qua, chạy lại, quanh các tảng đá tròn, nhám, để ai không tắm có thể đi qua, chụp hình, ngắm thác; nhiều con cá chạy như muốn va vào chân người tắm. Có bạn trẻ nhào người theo chụp nhưng chụp hụt, khôn ngoan và rất là dạn dĩ, chúng bơi như tên bắn, có lẽ muốn vui Xuân với người.

Không khí oi bức của mùa Xuân miền Đông Nam bộ trở nên mát dịu nhờ những dòng suối mát lành trong vắt. Cùng tắm với trẻ em, thiếu niên, thiếu nữ, thanh niên, thanh nữ, các cụ ông cụ bà “thất thập cổ lai hy” chúng tôi cảm thấy như trẻ lại. Nhìn người tắm, nhất là các giai nhân (tất cả phụ nữ là giai nhân), người ta rất yêu đời, và qua đôi kiếng đen, lỡ có ngắm họ hơi quá đà, cũng không mang tiếng “ông già mất nết”, có ai thấy ánh mắt của U70 này đâu.
Tắm Xuân mà.

Thursday, February 3, 2022

NEM, TRƯỞI



Thường thì nem đi với chả, hai món ngon nhất ngày xưa. “Ngon như chả”. Ngon như thế, dân gian mới nói “ông ăn chả, bà ăn nem”. Cân bằng chuyện "ăn ngon".
Nhưng trưởi lại đi kèm với nem, nem- trưởi, ở Quảng Nam, trong những ngày xuân. Trưởi không phải là tré của Huế.
Trưởi ngon nhất là làm từ lỗ tai heo luộc vừa chín, để ráo, nguội, xắt thật mỏng, dài độ ngón tay út. Trộn thịt xắt với riềng sấy khô (đâm nhuyễn), một ít tiêu hạt giã nhỏ, mè rang (nguyên hột), tý muối rang (không iod); có người lấy nước mắm cô đặc thành bột trắng, thay muối. Gói thành từng gói nhỏ dài tầm sáu phân tây, to như cán rựa, bằng lá chuối hột (chuối chát) phơi nửa nắng (không phải một nắng), lót trên hai lá vông nem, cột ngang dọc thật chặt bằng lạt giang (dan, gian?)- một loại cây như trúc to thân, chỉ có trên núi, thường dùng để cột các đòn bánh tét.
Cột 10 gói một chùm treo lên cao chỗ thoáng mát. Trưởi ăn dần nhờ có thể để lâu đến nửa tháng, khác với nem, để lâu không ăn được vì quá chua. Trưởi làm từ tai heo cỏ (heo mọi, heo tộc “cặp nách”) mới đạt độ ngon vì mỏng, giòn, và dai.
Yêu cầu ngon nữa là trưởi không ẩm ướt và ăn với bánh tráng nướng. Ở vùng quê Quang Nam thời xưa, trưởi đắc dụng ngày Tết đãi khách đến thăm xuân, một hay hai gói, khách sẽ hiểu đó là “liều lượng” hiếu khách. Chủ nhà sẽ con tiếp một số khách “quan trọng” khac. Vài chục trưởi giúp gia đình ăn Tết tinh tươm. Điều bất công là món này chỉ để nhắm rượu xuân cho các ông. Có bà mẹ thương con cũng nhẹ nhàng cất riêng cho trẻ đôi gói nếu chúng ăn được thịt có mùi riềng.
Nhưng trưởi không “bắt mồi” bằng nem. Món này nổi tiếng lắm, tôi không phải mô tả nữa. Nem thường chua ăn mới ngon, nên có tên nem chua. Đi khắp nước có điều kiện thưởng thức món nem, tôi thấy nem huyện Tiên Phước, Quảng Nam là “số dách”.
Vùng quê nhiều thắng cảnh, nổi tiếng trầm hương thơm nhất nước, ở vị trí bán sơn địa, có ngôi đền thờ của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng.Thổ nhưỡng và đặc trưng núi rừng tại đây khiến mọi thứ tầm thường trở nên đặc biệt. Ví dụ, một ký tiêu thường có giá 100 ngàn thì ở Tiên Phước phải là 500 ngàn vì mùi vị đặc biệt, thơm giống tiêu rừng, tiêu lốp (Nam bộ), rất cay nhưng không cay xé; có thưởng thức, một hạt tiêu thôi, quý vị sẽ thấy tôi nói không ngoa.
Còn nữa, các nơi đều có mít, có sầu riêng, có bưởi, có bòn bon (trái nam trân), có xoài nhưng hương vị các loại trái cây ở đây đều ngon hơn, tôi không hiểu vì sao. Hay tại nơi này có nước con sông Tiên chảy ngược gần như duy nhất ở VN- từ Đông sang Tây, chứ không từ Tây sang đông như tất cả các con sông khác.
Nhưng có lẽ chưa hẳn đúng. Một lẽ khác: phụ nữ ở đây đa phần đều xinh nhờ nước da trắng, hàm răng sáng,mái tóc đầy ? Thấy họ thì thấy thứ gì không ngon kia chứ. Món nem này chẳng hạn. Một phụ nữ tên Nguyễn Tiên Phước gửi tặng đồng hương 20 gói nem đặc biệt, chỉ để dành đến Tết. Từ Quảng Nam đến Sài Gòn, nem đi chưa tới hai ngày, thật “thần tốc”. Cô còn gửi bán khắp nơi qua mạng.
Cám ơn Tiên Phước quê nhà.

THÍCH NHẤT HẠNH, NHÀ HOẠT ĐỘNG CHO HÒA BÌNH, THI SĨ, BẬC THẦY DẠY TỈNH THỨC, QUA ĐỜI Ở TUỔI 95



(Thich Nhat Hanh, poetic peace activist and master of mindfulness, dies at 95)

Reuters, ngày 22/01/2022: Thích Nhất Hạnh, thiền sư Phật giáo, thi sĩ, nhà hoạt động cho hòa bình, nổi tiếng chống chiến tranh VN thập niên 1960 vừa qua đời hôm thứ bảy bên các đệ tử tại ngôi chùa nơi ông bắt đầu một hành trình tu hạnh.
Danh khoản Twitter của thiền sư phát đi tin: “Cộng đồng phật giáo dấn thân Làng Mai thế giới kính báo, vị thầy kính mến của chúng tôi đã viên tịch tại chùa Từ Hiếu, Huế, vào lúc 0 giờ ngày 22 tháng 02 năm 2022 ở tuổi 95”.
Dấn thân với nhiều công việc to lớn và xuất hiện trước công chúng qua nhiều thập kỷ, Thích Nhất Hạnh, với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng uy vũ về sự cần thiết “đi những bước trên đất như thể hôn nó bằng đôi chân”.
Năm 2014, ông bị đột quỵ không còn nói được và trở về Việt Nam sống những ngày cuối đời ở cố đô Huế, nơi ông sinh ra, sau phần hết cuộc đời lưu lạc xứ người.
Là nhà tiên phong Phật giáo ở phương Tây, ông thành lập đạo tràng “Làng Mai” ở Pháp, thuyết pháp đều đặn về thực hành tỉnh thức (mindfulness)- quán chiếu, tách khỏi ý niệm xét đoán – đến giới doanh nghiệp và các môn đồ quốc tế.
Trong một bài thuyết giảng, ông nói: “Bạn nên học biết đau khổ. Nếu biết đau khổ, bạn sẽ bớt đi rất nhiều đau khổ. Và nhờ thế, bạn biết dùng đau khổ để tạo an lạc và hạnh phúc”. “Nghệ thuật hạnh phúc và nghệ thuật đau khổ luôn luôn song hành”. ("The art of happiness and the art of suffering always go together").
Ra đời với tên Nguyễn Xuân Bảo năm 1926, Thích Nhất Hạnh xuống tóc đi tu khi nhà cách mạng tiền bối Hồ Chí Minh lãnh đạo phong trào giải phóng một nước Đông Nam Á khỏi ách cai trị của thực dân Pháp.
Nói được bảy thứ tiếng, Thích Nhất Hạnh giảng dạy ở đại học Princeton và Columbia những năm đầu thập niên 1960. Ông trở về Việt Nam năm 1963 tham gia phong trào Phật giáo chống chiến tranh Việt Nam, bằng những cuộc tự thiêu phản đối của một số thầy chùa.
Năm 1975, ông viết: “Tôi thấy người cộng sản và người chống cộng sản giết nhau và tiêu diệt nhau vì mỗi bên đều tin rằng, họ độc quyền chân lý. Tiếng nói của tôi chìm trong bom đạn và tiếng gào thét”.
‘NHƯ MỘT CÂY TÙNG’
Khi chiến tranh lên đỉnh điểm thập niên 1960, ông gặp lãnh đạo nhân quyền Martin Luther King, và thuyết phục vị mục sư này lên tiếng chống chiến tranh. King gọi Thích Nhất Hạnh là “sứ giả hòa bình và bất bạo động”, đề cử ông giải Nobel Hòa Bình. Trong thư đề cử, ông viết: “Cá nhân tôi chưa từng biết ai xứng đáng giải Nobel hòa bình hơn vị sư Phật giáo hiền hòa này từ Việt Nam”.
Trong lúc ở Mỹ để gặp mục sư King một năm trước, chính quyền Nam VN cấm chỉ Thích Nhất Hạnh trở về nước.
Vị sư đồng hành Haenim Sunin, người phiên dịch cho Thích Nhất Hạnh trong chuyến đi Nam Hàn, cho biết Thiền sư rất tĩnh lặng, tận tâm, và yêu thương. Haemin Sunim nói với Reuters: “Ngài như cây tùng lớn, giúp nhiều người an trú dưới bóng mình bằng lời dạy tuyệt vời về tỉnh thức và lòng từ bi. Ngài là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng được gặp”.
Các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh, sự quảng bá ý tưởng tỉnh thức và thiền định được quần chúng tiến bộ đón nhận khi cả thế giới vật vã dịch bịnh, xã hội đảo lộn, mạng sống của mấy triệu người mất đi.
Thích Nhất Hạnh nói: “Hy vọng rất quan trọng, bởi vì nó làm cho giây phút hiện tại bớt đi đau khổ. Nếu tin tưởng ngày mai tốt đẹp, chúng ta có thể chịu đựng đau khổ ngày nay. Nếu bám vào hy vọng, bạn có thể hoàn toàn an trú trong phút giây hiện tại và khám phá ra niềm an lạc trong đó ”.

CHỐNG HAY SỐNG CHUNG? - Mạn đàm chuyện covid ở Sài Gòn

 




Có thời điểm Sài Gòn có số ca nhiễm kèm ca chết vì Covid-19 tăng vọt. Một vài người ở Hà Nội phê phán thành phố Hồ Chí Minh thiếu ý thức, dịch bịnh, ngăn đường, chốt hẻm, dân vẫn cứ ào ào ra đường. Họ đâu có thấu hiểu, ở Sài Gòn, thời dịch, ai muốn ra đường làm chi. Đói đầu gối hay bò. Ra đường chỉ để tìm lẽ sống. Không ai muốn ra đường để rước con corona vào người. Ra đường vì lẽ sống, sướng ích chi khi bị cản trở bởi rào chắn thép gai, bởi xử phạt nghiêm khắc, bởi chỉ thị “ai ở đâu, ở yên đó”.

Dịch bịnh nhờ thế mà giảm xuống? Không. Ông boss của thành phố Hồ Chí Minh than thở: không thể phong tỏa mãi. Đành áp dụng phương sách "sống chung với lũ". Triết lý này không phải từ dịch hay từ lãnh đạo mà có. Nó có rất sớm ở mỗi người dân Nam bộ, năm nào cũng có lũ về. Dân Nam bộ không nói chống lũ. Họ nói sống chung với lũ. Muốn không có Covid, Trung Quốc theo đuổi chính sách “zero-covid”. Phong tỏa (lockdown), truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đại trà, cưỡng bách cách ly. Kết quả thế nào không ai rõ vì con số công bố của họ có định hướng, và chưa chắc đã thật. Họ đang phong tỏa “lai rai” các thành phố lớn. Cầu mong cho họ thành công. Và cũng thất vọng cho VN áp dụng theo họ (ít nhất là ở Sài Gòn), nhưng chẳng thành công.
Covid không những làm chết người, phá hỏng kinh tế, chia rẽ nhân loại; nó còn làm cho nhân loại đối xử với nhau chẳng chút tình nhân loại. Ai mắc corona bị xem như cùi hủi. Cha, mẹ, vợ, con, chồng, vợ, người ruột thịt…xem nhau như kẻ thù. Chống dịch như chống giặc. Giặc (corona) ám ai, người đó như thành ma, mọi người đều run sợ và xa lánh. Không run sợ hay xa lánh thì chẳng ai dùng khóa để khóa cổng, khóa nhà “người F1 hoặc người về từ vùng dịch”. Chưa kể có tỉnh khuyên con dân đừng về quê ăn Tết. Ôi, tha phương cầu thực, mang từng đồng xu cắc bạc về cho gia đình, cũng là cho quê hương, người lao động đắng lòng khi quê hương từ chối đón họ trong những ngày thiêng liêng nhất một năm – tết Nguyên Đán, tết đoàn tụ gia đình. Quê hương không còn là chùm khế ngọt. Cũng có quê hương mang chùm khế (chưa biết ngọt chua) áp dụng cách ly 7 ngày (có nơi 14 ngày) đối với những con dân về quê ăn tết.
Covid còn làm cho con người hiểu thấu lòng dạ con người. Trong lúc xét nghiệm giá ba, bốn trăm ngàn/một người/một lần thì những công bộc của dân nhập về từ nước xuất phát dịch đầu tiên với giá thành chưa quá 22.000/mỗi que thử. Họ ăn cả trên sức khỏe và xác chết đồng bào. Tận cùng khốn nạn.
Covid có còn là kẻ thù nguy hiểm? Chưa ai biết được. Nhưng nó không còn là nỗi kinh hoàng cho Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi…những nước tưởng đâu dân chúng bị “xóa sổ” dần dần vì nó. Nói đâu xa, covid có còn là nỗi kinh hoàng cho dân chúng Sài Gòn nữa không? Trong khi Hà Nội, thủ đô có tỷ lệ chích ngừa cao nhất nước, ghi nhận hàng ngàn ca bịnh mỗi ngày. Số thương vong tuy cao (hôm nay 33), rất trớ trêu, không đáng kể, so với thành phố Hồ Chí Minh thời cao điểm dịch bịnh.
Sài Gòn hiện nay thì sao? Tỷ lệ nhiễm trên 100.000 dân (hôm nay) là 20. Trong khi ở Hà Nội là 251 và tỉnh cao nhất Cà Mau, 671. Nhìn bản đồ nhiễm dịch, chúng ta thấy, dịch nơi nào cũng có. Trước nhiều sau ít, trước ít sau nhiều, đó dường như là quy luật. Cao, cao mãi đến đỉnh thì xuống, cao tới trời, ai mà chịu thấu? Trong lúc nước Mỹ đang xính vính vì Omicron thì nước Anh tuyên bố “xả cổng”: không bắt buộc ai mang khẩu trang nơi công cộng. Vì sao Mỹ lo lắng? Dân họ có số người áp huyết cao, béo phì nhất thế giới, lại có bộ phận dân chống vắc xin, không chịu đeo khẩu trang.
Chỉ trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước “bí mật” hoàn toàn với thế giới với các con số liên quan dịch covid, tất cả các nước trên thế giới đều minh bạch các con số dịch bịnh ở nước mình.
Covid đáng sợ không? Tôi cho là không trong tương lai. Tôi không biết căn cứ vào số liệu khoa học. Tôi chỉ trông vào thực tiễn. Thành phố Hồ Chí Minh một thời có người nhiễm, người chết cao nhất nước. Nhưng Sài Gòn hôm nay có người nhiễm, người chết thấp gần nhất nước. Đừng có nói nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao ở Sài Gòn. Có nơi còn cao hơn. Cũng đừng có nói nhiễm nhiều quá, còn đâu mà nhiễm nữa. Mà hãy nói dân Sài Gòn phát huy lẽ sống tiền nhân họ từng sống: Chống dịch không bằng sống chung với dịch. Chống lũ không bằng sống chung với lũ. Dịch đến rồi dịch đi. Lũ đến rồi lũ đi. Chúng ở mãi thì người đâu còn. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Thuận lẽ trời thì sống, trái lẽ trời thì vong.
Mỗi chiều hãy đi dọc các con phố ở Sài Gòn để thấy dân Sài Gòn "chịu chơi". Họ chịu chơi, ví như chuyện nhậu: nhậu (hưởng thụ) ra nhậu, làm( tạo của cải) ra làm. Nhậu và làm không lẫn lộn. Nếu lẫn lộn chơi và làm, dân Sài Gòn không thể là đầu tàu của cả nước. Dân cả nước sẽ không kéo về Sài Gòn để kiếm sống. Đóng góp cho ngân sách thủ đô cũng không địch nổi. Mỗi ngày nhìn Sài Gòn xe cộ dày đặc, nối đuôi nhau, các phố, các chợ dày ken người đi lại, chúng ta mới thấy Sài Gòn đầy sức sống sau những ngày "ngõ không qua, nhà không tới". Nếu phong tỏa “ai ở đâu ở đó” thêm hai tháng nữa để thực hiện chủ trương “zero-covid” như bạn vàng đang làm, Sài Gòn sẽ thành thành phố chết. Sài Gòn chết cả nước chết theo.
Hãy cảm thông cho dân Sài Gòn sinh hoạt gần như bình thường khi hiện nay nhiều tỉnh còn lo sốt vó vì covid những ngày cận tết. Họ đã đến tận cùng của khổ nạn Covid thì họ đáng được hưởng ý nghĩa cuộc sống, chẳng hạn một vài ly bia, hay chén rượu vỉa hè, một tô hủ tiếu, một tô phở nơi quán xá, nơi công cộng, mỗi buổi chiều tối sau ngày làm việc hay mỗi ngày lễ, ngày chủ nhật.
Sài Gòn sống vững nhờ triết lý “không chống” nhưng “sống chung”, dù đó là với dịch hay với lũ. Tất nhiên, sống chung không có nghĩa "sống xả lán, sáng về sớm".