Thursday, August 15, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 2

                                          UNG THƯ, VÌ SAO MẮC BỆNH?

Không phải là bác sĩ hay chuyên gia nghiên cứu ung thư, lấy tư cách là người bệnh, tôi trình bày khái quát hiểu biết về căn bệnh, ngày càng nhiều người mắc này ở Việt Nam.

Ung thư là căn bệnh chết người thứ hai ở Mỹ, sau bệnh tim, nhưng thuật ngữ “ung thư” thực tế đã gộp hơn 100 bệnh vào làm một. Tất cả các ung thư đều có nhiều điểm chung: Đột biến khiến các tế bào thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, và thường gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Hầu hết mọi người phân biệt ung thư theo nơi chúng xuất hiện trong cơ thể, chẳng hạn ở vú thì gọi ung thư vú, ở phổi thì gọi ung thư phổi, ở bao tử thì gọi ung thư bao tử… Tất nhiên, trong y khoa, người ta có khi dùng những từ chuyên môn hơn để gọi loại bệnh ung thư nào đó.

Di truyền và môi trường là hai yếu tố gây ra bệnh ung thư. Điều đó không có nghĩa là ung thư là do cha mẹ mình “để lại” cho con cái, những người trong gia đình có ung thư thì người khác nên lưu ý hơn về sức khỏe của mình. Khi khám bệnh cho tôi, bác sĩ hỏi, có ai trong gia đình có tiền sử bệnh hay không, tôi trả lời không. Nhiều người ung thư từ những gia đình không ai ung thư, điều ấy nói lên, di truyền không phải là yếu tố quyết định cho bệnh ung thư, nếu có, có lẽ một số không lớn; và môi trường sẽ là phần đóng góp đáng kể.

Những người bị ảnh hưởng bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki và con cháu họ là những người mắc ung thư nhiều hơn người ở vùng khác. Nhưng nếu do môi trường, thì mọi người nằm trong vùng ảnh hưởng phóng xạ hạt nhân, ai ai cũng phải mắc ung thư, tại sao người có, người không, dù nguy cơ mắc cao những nơi nhiễm phóng xạ? Ở đây, theo tôi suy nghĩ, chính cơ thể với cơ địa mỗi người đóng vai trò chính trong việc mắc hay không mắc ung thư.

Có người cho rằng, ở Việt Nam, số người mắc ung thư ngày càng nhiều (chúng ta nên nghĩ tới số dân ngày càng tăng) là do ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sản xuất, một số rau trái có thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, các chất bảo quản, phụ gia không được phép. Thế thì ở Hoa Kỳ, số người ung thư chiếm hàng thứ hai số người chết mỗi năm, quy định an toàn thực phẩm họ kém hơn Việt Nam hay sao? Tôi không có chuyên môn để đi sâu phân tích nguyên do gây ung thư cho người Việt Nam. Tôi xin nói sơ lược về loại bệnh này, theo kiến thức một người bình thường, từng là nạn nhân ung thư.

Ung thư có trên một trăm loại. Ở Việt Nam, các loại ung thư thường gặp nhất là: Ung thư gan, ung thư họng, ung thư miệng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư ruột già, ung thư máu, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư tiêu hóa, và ung thư cổ tử cung. Những loại ung thư có khả năng chữa lành cao nhất là: Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp, ung thư tinh hoàn, ung thư da, ung thư vú.

                                                     NGUYÊN NHÂN UNG THƯ

Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: vật lý, hoá học và sinh học.

TÁC NHÂN VẬT LÝ

Bức xạ ion hóa

Bức xạ ion hóa chính là nguồn tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ tự nhiên hoặc từ nguồn xạ nhân tạo được dùng trong khoa học và y học có khả năng ion hóa vật chất khi bị chiếu xạ.

Bức xạ cực tím

Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời. Càng gần xích đạo tia cực tím càng mạnh. Tác nhân này chủ yếu gây ra ung thư ở da.

TÁC NHÂN HÓA HỌC

Thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 90% ung thư phế quản. Tính chung thuốc lá gây ra khoảng 30% trong số các trường hợp ung thư chủ yếu là ung thư phế quản và một số ung thư vùng mũi họng, ung thư tụy, ung thư đường tiết niệu.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35 % trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú, ung thư nội tiết...

Ung thư nghề nghiệp

Khi làm việc trong môi  trường nghề nghiệp con người tiếp xúc với cả bức xạ ion hóa và virut, nhưng những tác nhân sinh ung thư quan trọng nhất trong nghề nghiệp chính là các hóa chất được sử dụng, ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng từ 2 đến 8% số ung thư tùy theo mỗi khu vực công nghiệp.

CÁC TÁC NHÂN SINH HỌC

Virus sinh ung thư

Có 4 loại virus liên quan đến cơ chế sinh bệnh ung thư:

- Virus Epstein – Barr:

Loại ung thư này đầu tiên thấy có mặt ở bệnh ung thư hàm dưới của trẻ em vùng Uganda (loại bệnh này do Epstein và Barr phân lập nên virut này được mang tên virus Epstein - Barr)

- Virut viêm gan B:

Gây ung thư gan nguyên phát hay gặp ở Châu Phi và châu Á trong đó có Việt Nam. Virus này khi thâm nhập cơ thể gây viêm gan cấp, kể cả nhiều trường hợp thoáng qua. Tiếp theo là một thời kỳ dài viêm gan mãn tính tiến triển không có triệu chứng. Tổn thương này qua một thời gian dài sẽ dẫn đến hai biến chứng quan trọng đó là xơ gan toàn bộ và ung thư tế bào gan.

- Virus gây u nhú thường truyền qua đường sinh dục:

Loại này được coi là có liên quan đến các ung thư vùng âm hộ, âm đạo và cổ tử cung, các nghiên cứu đang tiếp tục.

- Virus HTLV1:

Là loại virut (rêtrô virut) liên quan đến gây bệnh bạch cầu tế bào T gặp ở Nhật Bản và vùng Caribê

Ký sinh trùng và vi trùng có liên quan đến ung thư

Chỉ một loại ký sinh trùng được coi là nguyên nhân ung thư, đó là sán Schistosoma. Loại sán này thường có mặt với ung thư bàng quang và một số ít ung thư niệu quản ở những người ả Rập vùng Trung Đông, kể cả người ả Rập di cư.”

       (NGUYÊN NHÂN UNG THƯ, Theo ThS. BS. Nguyễn Trọng Hiếu, trên trang web của bệnh viện K Hà Nội).

Trong lúc chưa tìm ra tất cả những nguyên do gây ra bệnh ung thư ở Việt Nam hiện nay, hay nguyên do lớn nhất, nguyên do chủ yếu nhất, tôi có thể nói theo hiểu biết sơ sài của bản thân, mắc ung thư hay không mắc ung thư, ngoài môi trường chung quanh, phần lớn đều do thói quen ăn uống (tức dinh dưỡng, chiếm 35% nguyên nhân theo thống kê), sinh hoạt hằng ngày, và nhất là cơ địa con người, mỗi người mỗi khác. Tôi tin vào câu nói của cổ nhân: Bệnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra. Hoặc câu nói của các bậc lương y Việt Nam: Bách bệnh do tỳ.

Người có thói quen uống nhiều rượu mạnh, rượu nặng, chắc chắn họ có nguy cơ ung thư gan hay ung thư vòm họng cao hơn những người uống ít, uống chừng mực, hoặc không uống. Người thường xuyên hút thuốc lá cả ngày lẫn đêm có nguy cơ ung thư phổi cao hơn người không hút (trừ trường hợp hít phải khói thuốc, có người bị ung thư, gọi là hút thuốc tự động). Người luôn thức khuya quá 12 giờ đêm, hoặc mất ngủ thường xuyên dễ mắc ung thư gan, tuyến tụy, hơn người đi ngủ đúng giờ, thức dậy đúng giờ. Người thường tập thể dục đi bộ đều đặn ít bị ung thư xương khớp hơn người ngồi ỳ trước tivi cả ngày lẫn đêm.

Tôi nói đến cơ địa mỗi người giúp họ mắc hay không mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hay mắc bệnh nặng. Tại sao có người hút thuốc từ lúc 13 tuổi cho đến 90 tuổi (má vợ tôi) nay phổi bà vẫn còn tốt? Hút thuốc lá ảnh hưởng đến quả tim nhưng ở tuổi già như thế, tim bà vẫn đập tốt? Tôi chắc nhiều cụ ở nông thôn quê tôi Quảng Nam, kể cả phụ nữ, vẫn hút thuốc lá khi họ còn nhỏ cho đến lúc có cháu kêu cố, nội, các lá phổi cũng không sao, còn thở đều đều, không khí ra vô không thiếu hơi nào?

Phụ nữ làm lụng ngoài đồng ruộng mỗi sáng tinh mơ, hút thuốc lá để xua muỗi, riết rồi thành thói quen, thành phong trào; họ hút thuốc lá nhiều đến nổi hồi xa xưa có câu ca dao vui: “Tiếng đồn con gái Quảng Nam. Mất mùa thuốc lá chết năm trăm người”. Nay, về quê, ra chợ quê, tôi thấy các sạp có bán thuốc lá, khách hàng đa phần là những cụ ông, cụ bà. Nếu hút thuốc ung thư thì các cụ đã về nước Chúa lúc bốn, năm chục tuổi, bây giờ đâu có còn “chống gậy” ra chợ mua thuốc lá?

Nói như thế để thấy, yếu tố gây bệnh, nhất là bệnh ung thư đến từ nhiều thứ và cơ địa từng người quyết định rất lớn trong việc mắc hay không mắc một loại bệnh nào đó. Bệnh luôn bám sát loài người.

Bệnh luôn có mặt trong cả những năm tháng thanh xuân cho đến những ngày héo hắt ở con người. Nếu nó không xuất hiện, con người sống phải hơn 125 tuổi, để đạt theo ước nguyện chúc nhau khi cưới vợ, lấy chồng: trăm năm hạnh phúc (đó là nói họ lập gia đình lúc 25 tuổi).

Tôi là người không hút thuốc, uống rượu (ít) bia (thường xuyên) rất chừng mực, luôn điều độ trong ăn uống, và nhất là tập thể dục hằng ngày (có thể nói trên 30 năm nay), tại sao tôi lại…mắc ung thư? Gia đình tôi ngoài anh chị em ruột 7 người, từ ông cố, ông nội, ông thân sinh, ai ai cũng sống khỏe, sống thọ, chẳng người nào chết vì ung thư. Chẳng biết đâu mà lần.

Như vậy, nếu mắc ung thư, người bệnh cũng không quy trách nhiệm cho ai (di truyền từ cha mẹ), hay vì nguyên do nào từ bên ngoài, mà hãy chấp nhận, nó đến với ta, và nếu có trách, thì ta là người đáng trách trước tiên; ví dụ, uống rượu thường xuyên khi bụng đói, lại rượu mạnh, độ cồn cao, rượu không rõ nguồn gốc, bệnh chai gan rồi ung thư gan là con đường phải tới.

Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, dẫu đó là ung thư, hãy chấp nhận mình bệnh, không ân hận chuyện sinh hoạt quá khứ, hãy bỏ đi “khúc trước”, mà chú ý “khúc này”: điều chỉnh lối sống trở nên lành mạnh hơn. Tôi có lối sinh hoạt hằng ngày khá lành mạnh nhưng tôi mắc cái tính nóng nảy.

Tôi hay nổi nóng trước những cái “chướng tai, gai mắt”; tôi có thể bỏ hàng mấy tiếng đồng hồ để “cãi cho hơn” một ai đó vì quá…tức, cứ cho họ “ngu” hơn mình, “cãi cho nó biết tay”. Tôi hồ nghi cái nóng nảy dẫn đến căn bệnh ung thư của mình. Khi chữa khỏi ung thư, một phần tuổi đang cập 60, “lục thập nhi nhĩ thuận”, (nghe sao cũng thuận, tức có nhận biết, chứ không “ba phải”) tôi bỏ hẳn, phải nói rất thần kỳ, sự nóng giận của mình, có khi vô cớ hay cớ rất nhỏ trước đó. Có phải khi con người thoát lưỡi hái tử thần, họ sinh ra bao dung hơn?

Sinh lão bệnh tử là quy luật nhưng tại sao có người “hưởng” quy luật “bệnh” nhiều hơn “lão”? Như nói ở trên, bệnh ung thư phát sinh do di truyền và môi trường. Bệnh nào lại không do di truyền và môi trường, cứ chi ung thư?

Thiền sư Nhất Hạnh, nói theo hiểu biết của ông về Phật pháp, con người chết không phải là mất. Tổ tiên mất đi? Không, họ hiện diện nơi ta. Ta mất đi? Không, ta hiện diện nơi con cháu. Đó là nhờ di truyền? Nếu ta không có con cháu, hiện diện ở đâu? Có thể là trong các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, thành tựu khoa học; nhỏ nhoi hơn là tình cảm, kỷ niệm đọng lại ở người còn sống…thậm chí là xác thân chôn sâu trong lòng đất. Đất sẽ sinh sôi cây cỏ. Cây cỏ sẽ mang hình hài của mình.

Nói qua triết lý cho vui thôi. Người trần như tôi thì không nghĩ sâu xa như các vị thiền sư trí tuệ. Sinh ra, đã mang lấy số phận con người, tôi phải sống, và sống chiến đấu (không phải giết “quân thù”) để khi không còn trên cõi đời, nhắm mắt, tôi mỉm cười mình đã sống xứng đáng sự “chiến đấu” với thiên nhiên, với con người, và nhất là với bản thân.

Do đó, khi mắc ung thư, ban đầu tôi “choáng váng”, thương cảm, nhưng một thời gian ngắn, tôi nghĩ, sợ hãi hay tủi thân, cũng không giúp mình thoát qua bạo bệnh. Tôi nghĩ, đã ở trong địa ngục, ngồi đó chịu chết, ngồi đó than vãn, sao số tôi hẩm hiu, không ai chung quanh ta bệnh mà ta lại bệnh. Tại sao tôi không đứng dậy để bước đi? Biết đâu nhờ bước đi, tôi có thể bước ra khỏi địa ngục? Ngồi đó đầu hàng hay bước đi với hy vọng, cái nào là chọn lựa tốt hơn?

Tôi thấy có nhiều người rất can đảm, họ không hốt hoảng khi biết mình ung thư. Họ thản nhiên chấp nhận, vui vẻ mang căn bệnh quái ác trong người. Họ không muốn đến bệnh viện chữa trị. Họ nghĩ chữa trị với tác dụng không mong muốn của hóa chất còn đau đớn cho cơ thể họ hơn căn bệnh đang có. Có ít người như thế. Họ chấp nhận. Nếu có chữa, họ chọn cách chữa trị “dân gian”, thuốc Nam, thuốc Đông y, họ không muốn hóa trị, xạ trị cơ thể đau đớn. Nhờ chữa trị “đau đớn”, tôi bước khỏi “địa ngục” (chẳng qua tôi mường tượng như thế; đâu phải ai ung thư cũng ở địa ngục?). Tôi “trở về” với người thân với gia đình, bè bạn. Đó là chọn lựa cá nhân, hạnh phúc “sau cơn mưa trời lại sáng”.

“Số khá, bĩ rồi thời lại thái

Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân” (*)

Lỡ có mắc ung thư, có chi mà phải lo ngại, phải sợ hãi? Tôi đã lo ngại và tôi đã sợ hãi. Nay tôi không còn lo ngại nữa, tôi không còn sợ hãi. Tôi đón nhận bịnh cũ nếu nó có trở lại, ở tư thế sẵn sàng. Bệnh, ai mà tránh khỏi, dẫu đó là ung thư.

Ngày nay, khoa học ngày càng tiến bộ; có nhiều cái thần kỳ về mọi lĩnh vực trong đó có y học. Người ta áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence) trong việc phát hiện, chữa trị ung thư. Rất nhiều nghiên cứu đột phá về phương pháp chữa trị ung thư, một ngày không xa, căn bệnh có tỷ lệ người chết trên số mắc khá cao sẽ được khống chế và đẩy lùi. Năm 2018, một loại vắc-xin ung thư mới vừa được tiêm vào người bệnh nhân đầu tiên tại Mỹ của Moderna Therapeutics, một công ty công nghệ sinh học Hoa Kỳ. Khi có vắc xin thì việc chữa trị ung thư sẽ không còn là vấn đề ảnh hưởng sức khỏe và tốn kém tiền bạc của người mắc bệnh ung thư.

Một thử nghiệm khác hứa hẹn rất lớn trong tương lai; người ta có thể sử dụng tế bào máu của những bệnh nhân ung thư sống sót thần kỳ để truyền cho các bệnh nhân khác với hi vọng giúp những người này “khỏi bệnh”.

Một tin mừng cho nhân loại đi theo hai nhà khoa học nữ vừa nhận giải Nobel hóa học năm 2020. Phát hiện của họ về điều chỉnh gen được sử dụng trong việc chữa trị ung thư, gọi là “chiếc kéo phân tử”

- CRISPR/cas 9. Người ta tiêu diệt tế bào ung thư ở chuột mà không làm hại tế bào lành kế cận nhờ chiếc kéo này. Thí nghiệm chữa hai loại bệnh ung thư nguy hiểm nhất đối với chuột: ung thư buồng trứng và u nguyên bào thần kinh đệm. Kết quả là tuổi thọ của chúng cao gấp đôi, cơ may sống sót cao hơn 30% so với đồng loại. Thông thường, các thí nghiệm thành công ở chuột bạch đều dễ thành công ở cơ thể con người. Điều chỉnh gen để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh sẽ là hướng chữa trị bệnh, nhất là ung thư, tiên tiến nhất của khoa học một ngày không xa.

Hy vọng ngày đó mau đến.

(*) Nguyễn Công Trứ

Sách “Ung thư và con đường chữa khỏi của tôi”. Chương 1.

                                                                THAY LỜI TỰA

Đây không phải cuốn sách nghiên cứu ung thư. Đây là cuốn sách ghi chép tâm trạng của một bệnh nhân ung thư, may mắn chữa khỏi - sau những tháng ngày điều trị “gian khổ” - một căn bệnh quái ác (giai đoạn ba), tưởng đã cướp đi mạng sống của người mang nó cách nay 8 năm (*).

Mỗi năm số lượng người mắc căn bệnh này không hề dừng lại. Ung thư là nỗi lo ngấm ngầm trong xã hội, và cũng nỗi lo mênh mông đối  với người chẳng may mắc bệnh. Ngăn chặn ung thư được không?

Không thể hoặc chưa thể? Chữa ung thư được không? Có thể chữa khỏi và ngày càng nhiều triển vọng chữa khỏi. Những trang viết, quý vị sẽ đọc, nói lên khả năng “có thể” và cái “triển vọng” đó từ kinh nghiệm bản thân một người bệnh chữa khỏi và khỏe mạnh. Hy vọng sống sót sau chữa trị ung thư ngày càng tươi sáng nhờ những tiến bộ khoa học, và nhất là, nhờ sự ý thức ngày càng nhiều

của mỗi người chúng ta: tránh bớt những nguy cơ có thể dẫn đến ung thư và kịp phát hiện sớm.

Mục đích ghi chép này không phải là hướng dẫn cách phòng tránh ung thư; mục đích chính của nó là chia sẻ những trải nghiệm của một bệnh nhân ung thư. Người viết không có tham vọng truyền đạt kinh nghiệm cách chữa trị ung thư của mình. Chỉ có bệnh viện mới có thẩm quyền và điều kiện chữa trị ung thư.

Mỗi loại bệnh ung thư mỗi khác; cơ thể con người cũng có cơ địa mỗi khác; lấy kinh nghiệm đối phó ung thư của bệnh nhân này làm kinh nghiệm đối phó ung thư cho bệnh nhân khác là điều không thể. Đối với tôi, và nếu giả dụ có thể, thì đó chỉ là tham khảo.

Chia sẻ lo âu, trao đổi trải nghiệm, đặt hy vọng vào niềm tin sẽ đẩy lùi được bệnh dù là ung thư nhờ y khoa, nhờ hỗ trợ của người thân, và trên hết nhờ nỗ lực của chính bệnh nhân. Đó là chủ đích của cuốn sách này. Nhưng nếu chữa lành bệnh ung thư là một may mắn thì may mắn ấy phải là kết quả từ sự tận tâm của bác sĩ, gia đình, và bản thân người bệnh. Dù chữa khỏi hay không chữa khỏi, người bệnh ung thư cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật: chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu, để giành lại sự sống, dứt khoát không bao giờ đầu hàng.

Và một điều hiển nhiên, không phải ai mắc ung thư đều phải chết. Nếu như thế, các bệnh viện ung thư có mặt để làm gì? Ngày càng nhiều người chữa khỏi ung thư. Đó là sự thật

                                           

                                                      ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN

(Riêng tặng người mới phát hiện mình bệnh ung thư)

Nghe hai từ ung thư, quý vị sẽ phát khiếp. Khi nhận xét cái gì quá trầm trọng, như sự xuống cấp đạo đức qua những vấn nạn tràn lan: giết người, cướp của, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, người ta hay nói xã hội như là ung thư...giai đoạn cuối. Hết  thuốc chữa.

Bệnh ung thư do đó, khi phát hiện, bệnh nhân dễ bị suy sụp tinh thần, vì mới đầu, ai cũng quan niệm nó sẽ dẫn đến cái chết. Không thế người ta đâu có đem nó ra làm đề tài, để tỏ thái độ về một cái gì  bất khả vãn hồi, làm như nó là một “định mệnh”- cái chết.

Nhưng theo một trong các chuyên gia đầu ngành, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng:

“Ung thư biết sớm chữa lành

Ung thư để trễ trở thành nan y”.

Tôi không phải là bác sĩ hay một chuyên gia ung thư nhưng tôi có “thẩm quyền” bàn về vấn đề này bởi tôi cũng là người... từng sống với ung thư.

Thông thường đến bệnh viện, tây cũng như ta, người ta chỉ chú ý đến “bệnh” chứ ít chú ý đến “người” mắc bệnh. Họ chú ý những phương án đề ra để chữa cái bệnh của người mắc mà không để ý, hay để ý rất ít, tinh thần của người bệnh.

Có lẽ do bệnh viện nước ta người bệnh đến quá nhiều. Các bác sĩ phải bù đầu với công việc khám chữa, không còn hơi sức, thời gian, để tâm nhiều đến tinh thần của người mắc bệnh. Mà bệnh ung thư là loại bệnh cần rất nhiều sự chữa trị tinh thần. Thông thường bệnh phát hiện rất trễ vì đây là loại bệnh tiến triển âm thầm, ban đầu không có, hoặc có mà rất ít, những triệu chứng dễ thấy cho đến khi nó lộ ra hiển hiện hay người ta tình cờ phát hiện ra nó khi thăm khám một bệnh khác. Cho nên, việc lưu ý thân thể mình trước những hiểm nguy của căn bệnh chết người này là rất quan trọng, cần thường xuyên để ý, bằng việc theo dõi những biểu hiện có dấu hiệu của ung thư, nhưng chắc chắn nhất nếu có điều kiện, nên tầm soát định kỳ.

Đây không phải là lý do bài viết. Tôi muốn nói đến tâm lý, tâm trạng, của một người nghi mắc, hay đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Tinh thần suy sụp. Đó là điều xảy ra đầu tiên. Lúc nào người mắc ung thư cũng suy nghĩ đến bệnh, đến cái chết trước mắt. Con cái, cha mẹ, vợ chồng sẽ thế nào đây khi thiếu vắng mình. Còn biết bao nhiêu việc chưa hoàn tất khi  ở tuổi đời mình… chưa phải chết. Những thân nhân, bè bạn, khi biết mình mắc bệnh đều ái ngại chia sẻ. Nào là “trời kêu ai nấy dạ”, “sống chết có số”, “ai mà không chết”... Toàn là những đám mây u ám. Tôi trải qua tâm trạng như thế, và đây là các điều tôi để ý:

Thứ nhất, không phải ai mắc ung thư cũng đều phải chết. Có giai đoạn sớm, giai đoạn trễ, sớm chữa nhanh, trễ chữa lâu; có loại bệnh ung thư khó trị nhưng cũng có loại ung thư dễ trị. Ung thư giai đoạn trễ hay cuối, có nhiều trường hợp không hẳn không hết. Bác sĩ có phải là thượng đế đâu mà kết luận hai hay ba tháng nữa chị, anh sẽ chết. Thông thường theo y văn, bệnh sẽ như thế nhưng con người có những cơ địa riêng, đặc biệt, đâu ai giống ai. Đã có những bệnh nhân bệnh viện “chê”, kèm lời khuyên kín đáo với thân nhân người bệnh “ông ấy, bà ấy ăn gì, uống gì tùy thích, đừng kiêng, hay muốn đi đâu thăm thú, "tùy thích"… với lời kết “không bao lâu nữa đâu”.

Tôi có gặp một hai người như thế vẫn sống tành tành mấy năm, hoặc hiện giờ vẫn còn sống, tất nhiên là số hiếm. Hỏi ra mới biết khi về nhà, người bệnh nghĩ sẽ chết, họ bắt đầu cuộc sống thoải mái, chả kiêng sợ, và có thể, nhờ một phần thuốc của bệnh viện trước đó, họ đã không chết như bác sĩ nhận xét theo y văn. Điều này không có nghĩa chỉ nhờ tinh thần chữa lành bệnh mà có nghĩa hãy tin tưởng mình sẽ hết bệnh khi đang chữa trị ung thư - bất kể giai đoạn nào.

Thứ hai, vì là một loại bệnh đặc biệt, việc chữa trị phải bài bản, đúng trình tự, phương pháp đặc thù cho loại bệnh này. Hóa trị, xạ trị hiện nay là hai phương pháp chính, chủ yếu để chữa trị ung thư (có loại chỉ dùng thuốc viên, hormone). Cơ thể sẽ tiếp thu một lượng hóa chất đủ cho mỗi loại bệnh theo

phác đồ từng loại ung thư. Những hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời tàn phá cơ thể, hệ miễn dịch của người bệnh. Đã bệnh cũng phải “bệnh “ thêm vì tác dụng phụ, không tránh được, của hóa trị hay xạ trị. Người bệnh tuyệt đối không theo bất kỳ một điều trị nào khác ngoài điều trị của bệnh viện.

“Đau chân, há miệng”, “mắc bệnh thì vái tứ phương”, suy nghĩ đó đã vô tình làm cơ thể bệnh nhân ung thư vốn suy kiệt vì bệnh, vì hóa chất, càng suy kiệt hơn, khả năng lành bệnh trở nên mong manh vì cơ thể...quá tải, khi bệnh nhân nạp thêm nhiều loại “thần dược” (nghe nói, hay mách miệng của người khác đã từng uống loại “thần dược” nào đó). Chỉ tuân thủ duy nhất quyết định bác sĩ trong điều trị. Trên báo, trên mạng, nào lá này, củ kia, trị...dứt điểm ung thư. Nhiều ông tướng lang băm ngu xuẩn tuyên bố đã từng chữa lành... ung thư. Ông A, bà B, ở chỗ nọ, chỗ kia, số điện thoại...đã được chữa lành. Láo toét. Nếu như thế, giải Nobel y học phải trao cho Việt Nam mãi mãi vì thấy năm nào cũng có người chữa khỏi những bệnh như đái tháo đường, ung thư, thấp khớp...quảng cáo nhan nhản trên báo lá cải hay trên mạng xã hội.

Thứ ba, sự hỗ trợ của gia đình, người thân. Luôn luôn động viên người bệnh thật lòng, hy vọng thật lòng. Đừng bao giờ nhìn đầu tóc trọc lóc, nước da xanh mướt của người đang hóa trị bằng ánh mắt ái ngại, xót xa, dù trong lòng cũng ái ngại xót xa thật. Hãy cho người bệnh cái nhìn lạc quan, vui tươi, tin tưởng. Những người đến thăm cũng nên có những câu chuyện vui, tránh những lời nói, cử chỉ có thể vô tình làm bệnh nhân thêm tủi thân. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc nếu tiếp xúc làm mình không vui. Hãy “vùi đầu” vào cái gì đó mình thích, hay đã đam mê, như đọc sách, lên Facebook tán chuyện với bạn bè.

Thứ tư, người điều trị ung thư ở bệnh viện thì phải đi tới cùng. Có nghĩa là phải tuân thủ mọi phác đồ điều trị của bệnh viện. Có trường hợp vô được mấy toa (đợt điều trị), lại ngừng, để chuyển qua bệnh viện khác dù không có ý kiến bác sĩ, hay chuyển qua cách điều trị khác (nghe tham vấn của ai đó). Tôi từng biết bệnh nhân như vậy, và khi quay trở lại bệnh viện chữa họ trước đây, để chữa lần nữa thì đã trễ. Một bà rất giàu có, chữa nửa chừng, nghe tham vấn, qua Singapore chữa. Rốt cuộc không lành, trở về ung bướu Sài Gòn để điều trị. Những bác sĩ Việt Nam rất giỏi. Họ chữa trị quá nhiều bệnh nhân, tích lũy nhiều kinh nghiệm; và các loại thuốc ung thư đều có đủ, những loại thuốc không kém thế giới, chỉ sợ chúng quá đắt tiền.

Thứ năm, yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, là bản thân bệnh nhân, chứ không phải hoàn toàn nhờ bệnh viện hay bác sĩ về việc, có thành công hay không trong chữa trị ung thư. Ăn uống dinh dưỡng, phù hợp, theo lời khuyên của bác sĩ. Luôn luôn tập luyện thể dục, đều đặn. Tập thiền nếu được, mà nên tập, tôi có tìm hiểu món này, nhưng lúc bình thường để “múa may” khoác lác thôi, nhưng khi mắc bệnh, tôi thực hiện rất đều, mỗi buổi sáng tầm 30 phút trước khi tập thể dục, buổi tối trước khi ngủ 15 phút.

Và cuối cùng, luôn luôn nở nụ cười, trước mọi hoàn cảnh, trước mọi người, cười thoải mái, cười thật lòng. Bạn tôi nhận xét “mi sẽ hết bệnh vì tau thấy mi hay cười từ hồi nhỏ”. Đang bệnh tôi

càng cười “dữ” hơn. Và tôi đã “lui bệnh” gần 8 năm (trong ung thư, không có hết bệnh, chỉ có lui bệnh, vì nó có thể trở lại bất kỳ lúc nào khi cơ thể xuống cấp). Những gì tôi nói ở trên đều xuất phát

từ một người đã mắc ung thư, đã chữa lành, xin chia sẻ với các bạn đang ung thư, hay có thân nhân ung thư. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”(Nguyễn Du)

(*) Đến nay là 12 năm.

Monday, July 29, 2024

HỎA HOẠN

Hỏa hoạn là tai nạn giết người nhanh nhất và thảm khốc nhất. Vụ hỏa hoạn cướp đi mạng sống của 56 người tại thủ đô Hà Nội là nỗi đau không chỉ của thân nhân của những người đã mất. Nó là nỗi đau chung của chúng ta, những người Việt Nam. Vì sao?

Đây là chung cư ‘mini’. Tôi không hiểu chữ tiếng Anh này có phải là ‘nhỏ’ hay không. Chung cư nghe nói có trên 150 người ở. Số hộ hay số phòng là bao nhiêu, không nghe nói rõ. Báo Đời sống pháp luật (điện tử), ngày 15 tháng 9 năm 2023 cho biết Hà Nội có khoảng 2000 chung cư loại này đang hoạt động. Dù nhỏ, mini, chung cư cũng phải tuân thủ quy định xây dựng, trong đó, quan trọng nhất là phòng chống chữa cháy. Đây phải là điều kiện hàng đầu để bảo đảm an sinh của con người ở các thành phố lớn: Mạng sống.

Nhưng chung cư của ông Nghiêm Quang Minh – nghe đâu còn sở hữu nhiều chung cư ‘nhỏ’ khác- theo báo VTC (điện tử ngày 14 tháng 9), trích nguyên văn: “Các chung cư mini của bị can Minh đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao vọt hơn so với các công trình lân cận và không có lối thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”.

Đọc thêm tít bài báo “ 'Ông trùm chung cư mini' Nghiêm Quang Minh vừa bị bắt là ai?”, chúng ta có cảm giác mọi tội lỗi ‘giết người’ đều đổ lên đầu người đàn ông này. Nhưng khi đọc câu trích trên của báo, các chi tiết: chung cư nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao hơn các công trình lân cận, không có lỗi thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng, chúng ta mới té ngữa. Ông trùm này ‘sao vô thiên vô pháp’

Nếu ở nông thôn, người ta có thể thông cảm; người nông dân xây nhà không xin giấy phép, hay có xin phép nhưng không tuân thủ quy định xây dựng nhà ở của nhà nước. Nhưng ở một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, cái ông Nghiêm Quang Minh này xây nhà chung cư như chỗ không người: Nghĩa là quá tệ hại, ‘bèo nhèo’, ;nguy hiểm',  như đoạn trích trong báo miêu tả, mà vẫn có người vô ở.

Hỏa hoạn xảy ra cướp 56 mạng người trong chung cư của ông ta không có ai liên quan? Nếu là chập điện vì bắt sai kỹ thuật, ông điện lực ở đâu? Nếu cháy vì các lý do khác, ông phòng chống cháy ở đâu? Nếu xây trong ngõ nhỏ - không đưa xe chữa cháy lớn vào nhanh chóng, không có lối thoát hiểm, để nhà báo “thả” một câu vô thưởng vô phạt “có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”, ông xây dựng ở đâu?

Bây giờ quy trách nhiệm thì khối người “chịu trách nhiệm” trong tai nạn thảm khốc này. Nhưng theo dư luận thì tất cả là do ‘thằng tội phạm’ Nghiêm Quang Minh. Báo cho biết ông ta sở hữu nhiều chung cư mini ở Hà Nội. Đứng về mặt xã hội, ông ta có công. Nếu tất cả nước này có những chung cư cao cấp như Vinhomes thì người dân nghèo hay thu nhập thấp đâu có phải mua nhà chung cư mini của ông ta, thiếu nhiều phương tiện bảo đảm an toàn, dẫn đến cái chết thương tâm của rất nhiều hộ gia đình, trong đó có hơn mười cháu bé ngây thơ vô tội. Với nhà ở chung cư  ‘giá phải chăng’ so với chung cư cao cấp, Nghiêm Quang Minh không có đóng góp nào cho xã hội hay sao? Tiền thu cao ngất từ chung cư của ông ta- nếu có- là vì người dân nghèo hay thu nhập trung bình ở Hà Nội không có lựa chọn nào khác, họ phải mua nhà ở ‘thiếu an toàn’ của ông ta. Nếu am hiểu và có lương tâm thì những những ai cấp phép xây dựng và kiểm tra sau khi đưa vào sử dụng chung cư phải đưa ra những quy chuẩn nghiêm ngặt – chí ít là về mặt phòng chống chữa cháy.

Thông thường người Việt chúng ta hay cư xử kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Săp tới chắc chắn sẽ “siết chặt” quy định an toàn phòng chống chữa cháy những chung cư mini. Nhưng than ôi, chúng ta vừa mất người. Đau đớn lắm. Khi các đô thị ngày càng đông dân, hỏa hoạn phải là quan tâm hàng đầu của những nhà hoạch định chính sách xây dựng nhà ở.

Khi chưa có những chung cư cao cấp, hay nhà ở xã hội đầy đủ, nơi ấy, hệ thống báo cháy tiên tiến, chỗ ở tiện nghi, phương tiện phòng chống chữa cháy đầy đủ thì quý vị hãy chia sẻ trách nhiệm cùng với những người xây dựng chung cư mini. Đừng để tai nạn kinh hoàng xảy ra như hỏa hoạn đau đớn vừa qua rồi trách nhiệm đổ hết lên đầu họ. Nếu là người giàu có và khôn ngoan như Phạm Nhật Vượng, Nghiêm Quang Minh không mờ mắt vì tiền rồi xây dựng một chung cư mini không an toàn (mà giờ, "báo nói mới biết’ giữa thủ đô!) để bây giờ ông ta ngồi đếm lịch vì “vi phạm quy định an toàn gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”.

Ảnh: Chung cư mi ni nơi  xảy ra hỏa hoạn làm 56 người tử nạn. Hà Nội.

SƯ MINH TUỆ QUA LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO

Bernard Nguyên-Đăng

(Bernard Nguyên-Đăng là luật sư, tiến sĩ, dạy và hành nghề luật trên 40 năm tại Hoa Kỳ. Là người cùng quê, cùng tuổi, ông xuất thân trong một gia đình có 4 người là tiến sĩ ở Mỹ (noi gương Quảng Nam “ngũ phụng tề phi”). Cái nhìn “khoa học” về hiện tượng Minh Tuệ của một trí thức ki tô giáo ở bên kia trái đất chứng minh suy nghĩ của một số người cho rằng có kẻ lợi dụng Minh Tuệ để gây “chia rẽ” tôn giáo ở VN là hoàn toàn sai. Vì để dễ đọc trên facebook, tôi được tác giả cho phép “bỏ bớt” một số ghi chú trích dẫn kinh thánh, phần tiếng Anh kèm theo, và phần “tham khảo” (reference). Mong quý vị quan tâm thì đọc. Đã không đọc mà than “lê thê” sẽ phụ lòng người viết.  Bài viết công phu, tỉnh táo, trách nhiêm, và nhất là nhân ái; tất nhiên, theo “văn phong” của một “người Việt hải ngoại”).

LỜI NGỎ…

Trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, trải bao nhiêu triều đại, thế hệ, thời vua chúa, phong kiến, đến thời  thực dân, trong chiến tranh cũng như lúc hoà bình, gian khổ hay thịnh vượng, ít thấy, đúng hơn, chưa từng  thấy một sự kiện, nhiều người cho là một “hiện tượng”. Có lẽ, vô số người, hàng ngàn, vạn, nếu không  dám nói hàng triệu người đã chú ý, quan tâm, theo dõi; và lắm người cảm thấy như một cơn sốc, cơn lốc, như cơn sóng thần [tsunami] xã hội mạng; hoặc, nhiều người còn có những cảm nghiệm xa hơn, cao vời hơn trong góc độ tâm linh—chính là sự xuất hiện của Sư Minh-Tuệ.

Đã có vô vàn thông tin nơi cộng đồng mạng, hằng hà sa số hình ảnh, video, và nhiều hình thức truyền thông chớp nhoáng khác, hai từ “Minh-Tuệ” đã và đang trở thành sự choáng ngợp trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, nhiều bài viết và phản biện, đủ mọi chiều hướng, không thể sàn lọc hết sứ mệnh, mục đích, hiệu năng và tác động của mọi kênh truyền thông và xã hội Việt Nam trong nước cũng như khắp các nơi hải ngoại.

Với tạp ghi nầy, người viết chỉ cô đọng, nhấn mạnh sự tương đồng, trùng hợp và tương xứng về ý hướng và cung cách sống khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo—nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc từ bỏ những ham muốn vật chất để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, hoặc cứu rỗi, hơn là so sánh những điểm khác biệt giữa hai đức tin tôn giáo, truyền thống—Kitô giáo và Phật giáo. Mục đích của cả hai truyền thống là giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, con người có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự giác ngộ-nên thánh.

Trong khuôn khổ giới hạn bài chia sẻ nầy, người viết chỉ mong chia sẻ một góc nhìn rất hẹp, kiến thức giới hạn, thông tin thưa thớt, bất cập, qua lăng kính Kitô giáo—công giáo, tin lành, chính thống giáo, cơ đốc giáo—các giáo phái tin vào đức Giêsu là “Chúa”. Viết, theo quan điểm, kiến thức và tính chủ quan, cá nhân, không mang danh nghĩa bất cứ một giáo phái, giáo hội, tập thể, cộng đoàn hay bất cứ tổ chức nào. Lăng kính Kitô giáo trong bài nầy lại giới hạn duy nhất trong sự tương đồng, tương quan, trùng hợp giữa đức tin tôn giáo và hành đạo của Sư Minh-Tuệ và Kitô giáo—không khen chê, không đánh giá và tuyệt nhiên không có thẩm quyền định thẩm tinh thần tu thân, triết lý và phương châm hành đạo của Sư Minh-Tuệ, hoặc bất cứ nhân vật nào trong tài liệu được trích dẫn, để chứng minh.

Thursday, July 4, 2024

HÀNH PHƯƠNG NAM

Tôi là người Trung và tôi đã “hành phương Nam” gần nửa thế kỷ nay. Nhưng người Quảng Nam chúng tôi không có dấu ấn đáng kể nào ở…phương Nam. Nếu có, thì chỉ ’phảng phất’ chỗ ngã tư Bảy Hiền. Nội cái địa danh cũng đủ thấy đồng hương chúng tôi không ấn tượng mấy ở chỗ này. Những năm 1970, đến đây, quý vị sẽ ấn tượng nhất là tiếng kêu của những chiếc máy dệt. Ở Bảy Hiền, người Duy Xuyên (Quảng Nam) vô rất sớm và rất nhiều. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam số một là vùng Duy Xuyên, và một phần của Đức Dục (tôi yêu tên cũ hơn mới). Các huyện này nằm dọc theo sông Thu Bồn, con sông đẹp nhất quê tôi. Ngã tư Bảy Hiền là dấu ấn của người Quảng Nam. Như tôi nói, dấu ấn không ấn tượng lắm ngoài chợ  Ba Hoa và Mì Quảng.

Nếu nói gây dấu ấn trong quá trình Hành Phương Nam phải thành thật công nhận chỉ có người miền Bắc. Tôi chắc chắn, không phải chỉ người Thanh Hoá sản sinh ra những người sau này là Chúa, chúa Nguyễn, nổi bậc nhất là Nguyễn Ánh.

Đi từ Biên Hoà về Đà Lạt, chúng ta sẽ thấy các địa danh như Bùi Chu, Phát Diệm, Trà Cổ… Ấy là các nơi hình thành thời người Bắc di cư- Công giáo rất nổi nét. Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng…có dấu ấn người Bắc rất nhiều.

Nhưng dấu ấn thời trước 1975 không bằng dấu ấn sau đó khi người Bắc di cư “theo kế hoạch” vào Nam. Không nói dông dài, ở Lâm Đồng, dấu ấn đậm nhất là huyện Lâm Hà. Lâm có lẽ là Lâm Đồng. Hà có lẽ là Hà Nội.

Ảnh: Thông còn nhưng trơ trọi trên đỉnh núi.

Ngô Đình Diệm định cư người Bắc vào Nam ở những vùng trù phú nhưng thưa thớt dân cư. Sau 1975, cụ thể từ 1978, vùng khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, Lâm Hà là nơi sinh sống của những người Bắc di cư, có cái tên hay hơn “Kinh tế mới”.

Lâm Hà là một huyện nằm gần thị trấn Đức Trọng, cách phi trường Liên Khương chừng dưới 30 km. Ở đây, tôi chưa đi nhiều, nhưng dấu ấn người Bắc rất mạnh. Quý vị sẽ gặp các địa danh như Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… nếu tôi không lầm, đó là những địa danh của hay gần Hà Nội.

Ấy là điều đương nhiên. Đến quê người mà giữ được tên quê nhà, đó là tâm tưởng của mọi người Việt Nam. “Từ lúc mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ).

Nhưng tôi muốn nói chỗ này. Khi mở cõi, những người di cư này không mở cõi lại…đi phá cõi. Ngoài một số nơi người dân làm nhà để an cư lập nghiệp ở vùng đồng bằng, thì ở những nơi khác, đó là những cánh rừng thông bạt ngàn là nơi người dân “mở cõi”.  Khi hỏi những người đầu tiên sau 1978 ở đây, xã Mê Linh, tôi nghe kể, không có cọp, mà heo rừng, mển (mang) và nhiều thú rừng khác lẩn quẩn nơi người dân mở cõi.

Làm gì để sống? Nhà nước cho phép người dân phá rừng làm rẫy. Thông nhiều như vậy làm sao đốn hết để làm rẫy? Đốt than. À. Thời buổi khó khăn, đốt than là lẽ sống.

“ Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.

Đốt giấy vàng mã tốn bao nhiêu cây. Huống hồ đốt than, rừng nào chịu nổi, dẫu đó là rừng thông. Nhưng cũng nhờ đói khổ, đốt cây rừng thành than cho mưu sinh, ngày nay, con người có thể làm nhà ở gần đỉnh núi. Đất rừng trụi lũi trở thành đất dân sinh. Người các nơi, thật ra là người Sài Gòn, đang đi tìm những mảnh đất nơi núi rừng cao ngất xây nhà nghỉ dưỡng, tránh cái nắng gay gắt đô thành. Có những ngôi nhà xây tựa vi la ở Đà Lạt nằm rải rác ở núi đồi xã Mê Linh. Những con đường bê tông có độ dốc cao (có thể là 30 độ) không là gì đối với xe máy, nói gì xe hơi.

Tuesday, July 2, 2024

BÁNH CĂN

Nghe thoáng tưởng bánh căn là bánh canh. Hai thứ thức ăn hoàn toàn khác nhau dù cả hai đều làm từ bột. Chỉ có khác, một bên nướng (bột), một bên nấu (bột). Căn là tên loại bánh truyền thống của người Chàm (Phan Rang). Bánh này có lẽ không có quá khứ xa xôi. Nếu có, chắc chắn Quảng Nam phải có món ăn này trong sinh hoạt ẩm thực. Tôi chưa từng nghe tên bánh Căn dù những người gốc Chàm vẫn còn sống theo chòm xóm một số nơi ở vùng “Thuận Quảng” ngày xưa.

Bánh căn là bột đổ vào chén bằng đất nung, có nắp đậy. Chén khá nhỏ, cạn lòng, bánh nướng chín to bằng bánh khọt (miền Nam). So với bánh bèo Huế, bánh căng quá bé, dù cả hai có hình dáng giống nhau. Cách đổ bánh căn như bánh xèo. “Lấy trùng” (tỷ lệ bột và nước) là nghệ thuật, có thể là bí quyết để bánh căn không cứng không nhão sau khi nướng chín. Một vỉ chứa 50 chén hoặc 80 chén tùy theo số lượng thực khách. Bánh ăn buổi sáng; rất ít vào chiều tối. Tôi muốn nói về quán bánh căn Bà Chín ở Đà Lạt.

Buổi sáng khách rất đông. Mỗi người sẽ nhận một phiếu thứ tự không khác đăng ký khám bịnh ở nhà thương. Đến trước số nhỏ, đến sau số lớn. Khách sẽ chờ mỗi khi có bánh khoảng dưới 30 phút. Bánh đổ khuôn khi khách ngồi vào bàn chờ. Chủ tiệm sẽ cầm một ca nhựa (loại to đựng đá có vòi rót)  đầy nước bột xay sẵn. Với động tác đưa ca nhựa qua từng hàng năm cái chén (thật ra là đĩa), nước bột đổ vào, không nhiều không ít, số lượng bột chia đều, cả thảy 10 hàng chén, không hề rơi vải.