Sunday, March 10, 2024

KHIÊM CUNG LÀ TỰ HÀO

Tự hào là một  tự tình có thật, một tình cảm đáng trân trọng. Chúng ta tự hào là một dân tộc không bị mất bản sắc khi cả ngàn năm bị đô hộ ngoại bang. Chúng ta tự hào có Nguyễn Du là thi hào dân tộc, tác giả Đoạn trường tân thanh (Kiều) hay đến nỗi học giả Phạm Quỳnh dõng dạc “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Nhưng ngày nay, con dân VN làm gì để xứng đáng lòng tự hào đó? Và làm gì để thêm tự hào cho con cháu mai sau? Xin đừng nhắc lại lòng tự hào quá khứ dày đặc trong sách giáo khoa lịch sử, trong truyền thông, mấy chục năm qua đại loại: Chúng ta tự hào là một nước nhỏ đã đánh thắng hai cường quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta tự hào (qua câu thơ Tố Hữu) Phạm Tuân là người VN đầu tiên bay cùng Gorbatko, phi hành gia người Liên Xô. (“chân dép lốp/ mà lên tàu vũ trụ’).

Chúng ta tự hào đánh thắng 2 đế quốc to nhưng người Thái cũng tự hào chẳng đánh nhau với thằng…đế quốc to nào cả, đất nước vẫn độc lập, chủ quyền. Ấn Độ tự hào nhờ lãnh tụ họ tuyệt thực đòi độc lập thành công. Phạm Tuân là anh hùng lực lượng vũ trang, một phi công lão luyện đã có nhiều chiến tích trong chiến tranh, có hàng ngàn giờ bay chiến đấu. Bay cùng với phi hành gia Liên Xô thì đâu có chi là quá sức hay phi thường. Cô giáo dạy tiểu học người Mỹ Barbara Morgan, được huấn luyện để cùng sáu phi hành gia khác bay trên chiếc Endeavour sau 21 năm Chiếc Challenger (trong đó có 2 phụ nữ) bị thảm nạn sau khi rời giàn phóng 73 giây. Nếu thế là tự hào thì người Thái, người Mỹ cũng sẽ tự hào còn hơn chúng ta.

Chúng ta tự hào về quá khứ và trong tương lai chúng ta sẽ tự hào như thế nào đây? Không lẽ ta tự hào sắp xây dựng Sài Gòn thành Singapore?  Hà Hội sẽ không thua kém Paris một tương lai không xa? Chúng ta tự hào là một quốc gia sẽ chiếm lĩnh công nghệ 4.0 một ngày rất gần? Chúng ta tự hào năm 2020 VN thành nước công nghiệp cơ bản phát triển? Hay chúng ta sẽ quay lại tự hào là quốc gia có rừng vàng, biển bạc, tài nguyên vô cùng phong phú?

Chúng ta nhiều tự hào quá nên chúng ta trở nên tự mãn, lúc nào cũng nghĩ mình hơn người, không hết mình nỗ lực làm việc, học tập, đau đáu tìm kiếm, phát minh, làm ra những cái người Nhật, người Hàn, người Đài Loan, người Trung Quốc, đã làm ví như trong công nghệ thông tin, một lãnh vực người Việt có ưu thế. Ở thung lũng Silicon Mỹ có rất nhiều chuyên gia giỏi người Việt.

Hay là chúng ta sẽ tự hào có điện thoại thông minh Vsmart, xe hơi sang trọng Vinfast (một dạng lắp ráp lấy của người làm của mình)? Hay là ngày mai, lúc hơn 20 giờ tối, chúng ta tự hào sẽ đá thắng đội bóng Nhật Bản, tiến vào chung kết cúp Á châu?

Và chúng ta sẽ "tự hào" có mấy chục người bỏ mạng đi bão ngoài đường vì "niềm tự hào dân tộc", đã “đánh bại” con cháu xứ mặt trời mọc, “rửa hờn” cho năm 1945 họ hất cẳng người Pháp, thiết lập cai trị An Nam, gián tiếp gây ra nạn đói năm Ất Dậu hãi hùng?

Người lớn bây giờ (là trẻ con mấy chục năm trước) được giáo dục muôn vàn lòng tự hào dân tộc mà không có dòng nào trong sách giáo khoa dạy dỗ con dân tương lai hãy xây dựng đức tính khiêm cung. Không có khiêm cung thì không bao giờ muốn phấn đấu. Có cảm thấy thua kém thì mới nỗ lực vượt người, vượt chính mình.

Thiên hạ lúc nào cũng “mục hạ vô nhân” thì làm sao chúng ta có động lực đua tranh. Thái Lan qua mặt VN, rồi sắp tới Campuchia, Lào có khi nào sẽ qua mặt chúng ta không?

Tôi thấy lo lắng. "Trễ còn hơn không". Hãy đưa ngay vào giáo dục giảng dạy đức tính khiêm cung bên cạnh “đức tính” tự hào. Tự hào quá mức sẽ làm con người tự cao tự đại, không soi rọi  chính mình, không biết mình mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, để “tri bỉ tri kỷ”, biết người biết ta.

Không thể nhìn cả nước phải cuống cuồng trước thắng lợi của một đội bóng dẫn dắt bởi một người nước ngoài để ca ngợi “thế nước đang lên”, “chinh phục bầu trời”, hay “đè bẹp” đối thủ…

Tự hào về đội bóng quốc gia đã thắng hay vô địch là một tình cảm chính đáng cần trân trọng.

Không phải chỉ bóng đá, chúng ta hãy đặt lòng tự hào về những cái khác, nói chung, thật đúng chỗ, thật chừng mực, bên cạnh đức tính hàng đầu phải là khiêm cung.

Đó mới thực sự cho chúng ta đứng lên “tự hào” nói với tiền nhân rằng nhờ chúng con “khiêm cung” nên bây giờ chúng con mới có “tự hào”.

PHÁO

Pháo không còn nữa  và đã trở thành kỷ niệm mỗi lúc đón xuân về. Trẻ thơ nông thôn chúng tôi gắn liền với tiếng pháo sâu đậm và lâu dài nhất. Pháo thuở xưa chỉ là một " dép" dài hơn gang tay người lớn, kết san sát những quả nhỏ bằng ngón tay trẻ em, những tim pháo đều đặn được giữ chặt như ôm nhau bằng một dây dẫn lửa to hơn ở giữa. Pháo luôn được quấn bằng giấy đỏ hồng tươi thắm.

Buổi sáng mùng một, xóm nào có pháo nổ, xóm ấy vui hơn tết. Lũ con nít chúng tôi túm tụm, xúng xính trong những bộ đồ mới, chen nhau vào chỗ phong pháo treo trên cao đang rơi những viên pháo xuống, đì đùng nổ, rồi tranh nhau chụp vài quả pháo nào rơi nhưng chưa kịp nổ, nhanh tay bóp cho "tịt ngòi". Cũng có khi nhầm những trái pháo sắp nổ, không may cầm lên, nhưng nhanh tay kịp thả xuống khi thấy " nháng lửa".

Những viên pháo "điếc" (chưa nổ) trở thành " tài sản" trân quý, được cho ngay vào túi và " biến" đi tức thì, đầu óc non nớt sợ chủ nhà " đòi" lại. Phải chạy thật xa đám trẻ con để bảo vệ" thành quả" vừa lượm được. Nhưng làm sao "thoát" khỏi chúng. Sau đó chạy về nhà vào bếp, lựa một que trong đống củi đang "ngún" lửa, được mẹ chu đáo lấp một đống tro nóng lèn kỹ, "để ngày mùng một tết lửa không tắt, đặng cho đỏ cả năm", mẹ nói. (Cơm ăn ba bữa, ngày đỏ lửa ba lần; quan trọng như rứa đó).

Để "phát huy" tiếng nổ, viên pháo được quấn thêm một ít giấy xé ra từ vở cũ hoặc đặt lon đong gạo lên trên, lòi phần tim, và đưa que củi đang cháy vào, hồi hộp chờ đợi;  tiếng nổ đoàng vang lên, mấy đứa trẻ không giựt được quả pháo nào chạy theo, đứng nhìn hơi xa xa, gương mặt rạng rỡ, những đôi mắt sáng chăm chăm theo dõi  "công đoạn" đốt "pháo lượm", và chúng không giấu nỗi niềm hân hoan như tôi: được coi, được nghe, và được ngửi mùi thơm của pháo.

Xác pháo, mùi thuốc pháo, chứ không phải tiếng nổ lại làm ta quyến luyến, và ngất ngây hơn hết.

Mùi thơm của pháo lững lờ trong không gian miền quê thanh bình những năm tháng chưa bóng dáng chiến tranh. Xác giấy màu hồng thắm của pháo tung tóe, bùng vỡ niềm vui đang báo "xuân đến bên ta, xuân khắp mọi nhà". Trong không khí se lạnh lất phất mưa phùn, tiếng nổ, mùi pháo và màu xác pháo làm mùa xuân thắm thiết thêm lên.

Vườn cải trổ bông ngập vàng, óng ánh sương mai, rập rờn những cánh bướm  sắc màu rực rỡ.

Mấy con chim sẻ ríu rít gọi bầy trên tổ  ở những tàng cây cau cao vót, trồng trong vườn đầu ngõ.

Trước hiên, giữa sân là cây mai già gấp đôi tuổi tôi,  đầy ắp bông vàng, chan hòa hơi xuân, sắc xuân, và cho đến bây giờ vẫn chan hòa mãi mãi, mùa xuân ấm áp trong tâm hồn đứa trẻ như tôi, mỗi khi nhớ lại cảnh thanh bình thời niên thiếu.

Tiếng pháo đã đi vào tâm thức của mọi người Việt Nam và thôn quê Việt Nam. Lẽ đáng phải giữ gìn truyền thống đáng yêu này, nhưng chúng ta đã hủy hoại nó. Không còn những "dép" pháo ngắn hơn gang tay người lớn, những viên pháo tròn như ngón tay mũm mĩm của trẻ con. Thay vào đó là những dây pháo dài mấy thước, có khi được kết dài hàng chục thước; có quả pháo to đùng như nắm tay người lớn. Tiếng pháo đì đùng trở thành đùng đùng không thua lựu đạn hay bom khủng bố.

Đêm giao thừa, buổi sáng mồng một, điểm xuyết những tiếng pháo đì đùng, trở thành đêm đinh tai nhức óc với những tiếng nổ vang trời, khói bay mù mịt nghẹt thở còn hơn trong một trận đánh nhau.

Một hay hai dép pháo nhỏ, nổ để tiễn đưa năm cũ,  đón chào năm mới, trở thành "kho" pháo, nổ liên miên bất tận cho đến sáng, có khi cả mấy ngày ngoài tết.

Giàu khoe những tràng pháo dài cả chục thước treo trên lầu cao chót vót, nghèo nhìn khói, nghe tiếng nổ, hít mùi thuốc " đạn" thành phát "rầu"...với xuân. Đốt pháo đón xuân thành đốt pháo khoe tiếng "nổ", nổ banh xác. Đêm giao thừa thành phố trở thành đêm  tiếng pháo khủng bố, không phải tiếng pháo xuân.

Nhà nước buộc phải cấm đốt pháo có lý của họ. Nếu quy định đốt mỗi nhà một phong pháo tẻ (không phải pháo tống, nổ to) vào giao thừa, hay sáng sớm mùng một, mọi người đều vui vẻ ý thức chấp hành, thì việc cho đốt pháo trở lại đáng được hoan nghinh.

Tiếng pháo ngày tết, mùi pháo đầu xuân, đã ở sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người VN.

Hãy đánh động tiềm thức đáng yêu ấy. Đề nghị cho đốt pháo không tiếng nổ của ông phó thủ tướng mới đây cũng là ý muốn tốt lành.

Nhưng pháo "câm" thì sao bằng pháo nổ, pháo thiệt. Và biết khi nào người VN tự giác chỉ đốt "một" phong pháo ngày xuân? Mùa xuân đang đến, ý xuân đang tràn, lòng xuân đang phơi phới:

" Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Vâng, các thứ đã sẵn, chỉ có pháo nữa là đủ cho mùa xuân.

BÀ TÁO.

Hôm nay, 23 tháng chạp.

Ngọc Hoàng:

-  Sao ngươi đến trễ quá vậy? Nghe nói khởi hành 2,3 ngày rồi mà.

 Ông Táo:

-Dạ, bẩm Ngọc Hoàng đúng thế.

Năm nay vua ban cho cá chép vàng, quá đỉnh, nhưng không quen nước hồ ngoài cung điện đang ô nhiễm, cá chép lờ đờ không thấy đường, mắt quá cay.

- Sao không cầm theo Rhoto "mát lạnh"?

- Dạ, có. Nhờ thế mới đi được.

- Nhưng sao cả mấy ngày mới tới đây?

- Dạ, bẩm Ngọc Hoàng, con phải qua rất nhiều trạm BOT.

- BOT, bê ô tê, là cái gì?

- Dạ trạm thu giá, trạm thu phí, một sáng kiến giúp xây dựng đường sá tốt hơn, và giúp  thần dân la ó nhiều hơn.

- Giải thích thêm, ta thấy chữ này hơi lạ, không có trong từ điển tiếng Việt.

- Bẩm, BOT là viết tắt: Build, Operate, Transfer, tiếng Anh có nghĩa là "xây, xài, giao".

- Thôi được, bà táo của ngươi đâu?

- (Chỉ người đàn bà trong ảnh) Dạ, phu nhân của hạ thần (hơi bẽn lẽn).

- Ủa, năm ngoái thấy già và xấu, năm nay lại trẻ và đẹp, đi Hàn giải phẫu thẩm mỹ à?

- Bẩm không ạ, thần (ngập ngừng) đã BOT (lấy, xài, đổi) nên nó mới thế.

- Ngọc Hoàng (giận dữ quát): không chung thủy, không chung thủy.

Quan chức như ngươi không nghĩ chuyện quốc gia đại sự, chỉ nghĩ về đàn bà đẹp, đàn bà trẻ, thử hỏi ai cũng như ngươi, đất nước ngươi sẽ là nơi tràn ngập các cuộc thi hoa hậu, ai cũng muốn làm vợ quan chức, không cần làm việc chỉ cần làm đẹp, xe pháo nghênh ngang,  facebook cho biết có đứa được đón như nữ hoàng tận cầu thang sân bay...quá lắm, quá lắm.

Ngọc Hoàng ngừng lại, ho mấy tiếng, nghẹn ngào không nói nổi.

- Dạ bẩm, đâu phải chỉ nước con, nước Mỹ, nước Nga, nước Tàu, nước Pháp...mấy vua ở đó đều bỏ vợ già, vợ xấu, lấy vợ trẻ, vợ đẹp, đất nước họ phồn vinh, sức khỏe họ dồi dào.

Các nước vua (tổng thống) có vợ già, vợ xấu, đa phần sức khỏe của họ èo uột, không sức sống, vì không nằm với hoa khôi, hoa hậu, người mẫu.

Táo bỗng dưng can đảm cãi hăng (nhờ trên đường đi, lượm được mấy viên "ma túy đá"  dọc đường của cánh tài xế xe tải, xe bồn làm rơi vãi)

Ngọc Hoàng im lặng khá lâu.

Ngài ho một hồi dài, lặng lẽ một lúc nữa, liếc mắt nhìn cặp bưởi bà Táo mang theo dâng lễ, bỗng tươi cười như phát hiện ra một chân lý.

Ngài nói to, giọng vô cùng sảng khoái: "BOT, BOT, BOT cho trẫm ngay, không chần chờ chi nữa. Ta ưng BOT. BOT tuyệt vời nhất trần gian".

ÔNG TÁO, BÀ TÁO, VÀ NHỮNG CON CÁ CHÉP.

Hình ảnh biểu tượng của các vị lãnh đạo quốc gia trong việc thả cá chép ngày 23 tháng chạp như là cách thể hiện lòng nhân ái " phóng sanh". Có thực sự phóng sanh hay lại là gián tiếp sát sanh? Có bắt mới có thả. Không bắt lấy đâu mà thả? Bắt chim, bắt cá, và thả chúng, để được tiếng phóng sanh. Có nên như vậy không?

Thả cá, thả chim, để  chúng trở về với thiên nhiên là điều nên làm, vừa bảo vệ môi trường, vừa tỏ lòng hiếu sinh cho những sinh linh bé mọn. Nhưng làm gì để có chim, có cá để thả? Tôi thấy nhiều người nhử chim sẻ bằng keo dính chuột. Hàng chục chú chim đáng yêu đã sa vào bẫy, không phải vì cái ăn mà vì tiếng kêu đồng loại qua một thiết bị điện tử phát ra không khác tiếng chim, có lẽ là tiếng chim gọi bầy. Chết vì đến với nhau, chết vì đồng cảm với tiếng  gọi nhau, thảm thiết vậy sao?

Những chú chim sẻ vô tội, đáng thương, vùng vẫy bởi dính keo, cất lên những tiếng kêu van nài, bi thiết và ai oán.

"Về bán cho quán nhậu à?".

" Không, bác ạ. Nhậu giá chim đâu bằng bán để  người ta  phóng sinh".

Một cái nghề "phóng sanh"... sinh lợi. Còn những chú cá? Chắc chắn không thể tình cờ mà cá được bắt giữ để phóng sinh. Hoặc mua từ chỗ nuôi, hoặc bắt từ thiên nhiên. Thiên nhiên, tức sông hồ, ngày nay còn là nơi trong lành để những chú cá chép, xinh đẹp như trong hình, sinh sống nổi hay không? Chắc là không rồi.

Mua để thả, liệu những chú cá nuôi, quen khuôn khổ tù túng, có thích nghi với môi trường bên ngoài vốn đã ô nhiễm, hẳn còn cao hơn nơi nuôi sống chúng? Liệu những chú cá chép xinh xắn đáng yêu có vui mừng được trở lại thiên nhiên hay là buồn bã thở những hơi cuối cùng và đau khổ lìa trần, trước sự hân hoan của những người  nhân ái đã ra tay cứu độ cho mình?

Việc làm của những vị có trọng trách trong xã hội luôn có những tác động rộng lớn trong dân chúng.

Phóng sinh đúng nghĩa  thể hiện tấm lòng nhân đạo và đức tính bao dung.

Thiện ý của các vị là trả về thiên nhiên những gì vốn của thiên nhiên, hành động nhân ái vì cộng đồng.

Đó có thể là việc làm mang một thông điệp khác: sinh vật như chim, như cá , ta còn yêu quý, huống chi con người, cùng máu đỏ, da vàng, cùng đồng bào ruột thịt, sao không thương yêu nhau.

Nhưng sẽ phúc hạnh cho nhân dân nhiều hơn nếu các vị có thể làm thêm vài việc cụ thể :

1- Cấm ngặt đánh bắt cá trong mùa sinh sản những loại cá có số lượng nhiều, cần thiết cho đời sống con người. Và không được đánh bắt cá còn quá nhỏ mới trưởng thành. Việt Minh thời trước, ở quê tôi Quảng Nam, nghiêm cấm nông dân sử dụng dụng cụ đánh cá có mắt lưới quá nhỏ (gọi là "tủ", tựa như mùng  ngăn muỗi) khiến cá con có thể bị tận diệt.

2- Xử lý nghiêm những người sản xuất và người sử dụng ắc quy điện thế cao mục đích đánh bắt cá (gọi là chích điện) hiện nay rất "đại trà" ở một số vùng thôn quê.

3- Nghiêm trị người sử dụng chất nổ đánh cá, kể cả ngoài biển khơi.

4- Thu mua, hoặc tịch thu tất cả các loại súng săn bắn chim. 50 năm trước, cò, quạ, chim các loại, so với bây giờ nhiều hơn, hay ít hơn? Những con cò, những cánh cò bay lả, bay la, chỉ còn trong văn học, hay có còn cũng chỉ còn trên bàn nhậu, người ta đã dùng bẫy để bắt cò làm mồi và bán cho các quán.

5- Nghiêm cấm tất cả các quán nhậu bán các loại chim bắt từ    thiên nhiên, không cứ những loại chim quý hiếm, nằm trong sách đỏ.

Ta có gà, có vịt, có chim nuôi như cuốc, bồ câu... ( thực ra, ăn thịt loài chim biểu tượng hòa bình và  hiền lành này là quá bất nhẫn)... Cứ gì phải ăn thịt chim, những con chim đáng yêu, thân thuộc với con người.

Những việc như thế được quý vị quan tâm chỉ đạo thực hiện sẽ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống con người, giúp con người càng gần gũi, càng yêu mến thiên nhiên, do đó sẽ càng yêu mến nhau hơn.

Quý vị sẽ thấy "phóng sinh" những chú cá chép vừa qua là cử chỉ hết sức nhân văn. Chứ thả cá,  thả chim,  sau này chúng chết sống ra sao không rõ, thì tội nghiệp cho chúng nó, và cũng tội nghiệp cho chúng ta, những người  tưởng là tốt bụng. Phóng sinh khi đó sẽ đích thực là đức hiếu sinh.

Friday, March 8, 2024

THƯ VIỆN TRUNG TÂM HELSINKI

Ngoài thư viện quốc gia, Phần Lan còn xây một thư viện bề thế khác có tên là Oodi (hoặc là Ode, tiếng Thụy Điển, ngôn ngữ chính thức thứ 2).

Robot xếp sách. Hình giống xe tải.

Oodi được chọn trong 1600 cái tên dân chúng đề xuất vì nó "dễ nhớ, dễ nói, và dễ dịch" (theo nhận xét của một quan chức Phần lan); ngộ nghĩnh, nó không đặt theo tên một danh nhân nào. Thư viện, khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập Phần Lan (6/12/1917), rộng khoảng hai sân bóng đá, gồm 3 tầng, có chỗ chiếu phim, in ấn 3D, xông hơi thư giãn (sauna), nơi chứa sách, chỗ đọc sách, và quẩy giải khát; cả ba tầng đều có thang máy, thang cuốn đi lại. Có một con robot chuyển sách đến các quầy; thấy cách xếp sách, đi lại tránh người của nó, tôi hết sức thích thú.

Kiến trúc thư viện tân kỳ, lạ mắt, và thoáng đãng. Mặt trước các tầng làm bằng kiếng, điểm những chấm trắng như tuyết nhưng không che khuất tầm nhìn từ bên trong.

ĐỜI BẤT CÔNG

Tuy không rành hội họa, tôi rất thích xem tranh. Ở bảo tàng Louvre, Paris, tha hồ ngắm, thật mãn nhãn. Đừng nghĩ là tôi thích tranh vẽ khoả thân. Kẻo mang tội “già không nên nết”.

Pháp mang tiếng “chôm” bức tranh Mona Lisa nổi tiếng của của Leonardo Da Vinci. Nhưng họ cũng vang danh có Claude Monet, nổi tiếng không kém, với bức tranh vẽ đống rơm có giá 110 triệu đô la (chừng 275 tỷ đồng VN).

Pháp giỏi xâm lược nhưng cũng giỏi kinh doanh. Ngôi nhà không lấy gì làm sang trọng, thửa vườn không lấy gì làm đặc sắc, cộng với cái ao bông súng cũng không lấy gì làm nổi bật của Monet, lại trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều khách trong nước và quốc tế. Hôm tôi đi tham quan, cả ngàn người đến xem, con tôi tìm chỗ đỗ xe tháo mồ hôi hột, gần nửa giờ mới có, dù đây là làng du lịch ở nông thôn, cách Paris hơn một giờ chạy xe.

Phòng chứa tranh của Monet.

“LỄ” BẾ GIẢNG: VÀI CẢM NGHĨ

Gọi lễ hơi quá. Buổi bế giảng thì đúng hơn. Buổi, thật ra chỉ là 1 tiếng rưỡi đồng hồ, “lễ và hội”.

Bế giảng tổ chức theo từng lớp, không toàn trường, có mời phụ huynh, cả gia đình. Dân Phần Lan rất trọng giờ giấc, không sớm quá và không được trễ. Đi khám bịnh mà trễ 5 phút sẽ bị từ chối khám và phải hẹn lịch, có khi là cả tuần, trừ cấp cứu.

Phụ huynh lũ lượt vừa ngồi vào ghế thì buổi lễ bắt đầu với bài phát biểu chừng 3 phút của cô chủ nhiệm. Nội dung chào mừng khách, chúc mừng học sinh sẽ vào lớp 1 sau một năm học ở trường.

Lớp mẫu giáo (lớn) đâu 16 em mà có tới 4 cô giáo. Các cô tiến hành lễ trước mặt của hiệu trưởng. Cô đọc tên, cô phát bằng, cô phát hoa, cô cuối cùng phát một tấm bìa, một bên vẽ sao băng, bên kia in bài thơ khích lệ có chữ ký 4 cô giáo và hiệu trưởng. Phông sân khấu có nhiều hoạ tiết do các em tự vẽ, mỗi người một cái. Cháu tôi khoe được vẽ ở “trung tâm”, tất nhiên, bố cục do cô gợi ý.

Buổi lễ kết thúc bằng duy nhất bản đồng ca với giọng hát vụng về của những đứa bé mới qua 6 tuổi. Nội dung bài hát: chúc các bạn ra trường khi cổng đóng mùa hè. Đón chào các bạn khi mùa thu cổng trường mở ra. Hãy có những ngày hè vui. Chào các bạn.

Sau lễ, mỗi em nhận một cây kem, ly nước ngọt; bánh quy đặt trên bàn dành riêng cho phụ huynh kèm nước ép trái cây. Vừa ăn vừa uống vừa chào nhau ra về.

Buổi lễ diễn ra “thành công tốt đẹp”.