Friday, March 8, 2024

PHỈNH CON NÍT ĂN CỨT GÀ

Không rõ thành ngữ này phát sinh từ lúc nào nhưng người ta thường dùng nó để phê phán người lừa gạt ai một cách trắng trợn và thô thiển. Nhưng trên mạng lưu truyền câu chuyện cho là từ sách giáo khoa. Nội dung như sau (xem ảnh):

“Bạn An dũng cảm”.

“Cô giáo rải một đống phân gà trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn nếm thử. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin nếm thử phân gà, nhờ vậy mà An nếm phân gà một cách dễ dàng. Khi nếm qua rồi, An thấy phân gà không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm nếm hết đống phân gà”.

Tôi thấy bức ảnh này sử dụng không biết bao nhiêu lần và qua không biết bao nhiêu người, có thể là hơn một năm nay.  Xin lỗi, có vài chủ trang gọi là “hiểu biết” cũng đăng với lời chú thích cay đắng, mũi dùi chĩa về bộ giáo dục.

Thế giới ảo nhưng quy luật không bao giờ ảo. Làm sao tin vào câu chuyện in như thế trong sách? Hết việc thử thách hay sao mà cô giáo mang đến lớp cứt gà? Cứt đựng trong cái gì? Cứt gà lấy ở đâu? Ở thành phố, cô giáo sẽ đến trại nuôi gà để xin cứt gà? Ở nông thôn, tìm mấy chỗ phân của gà trong vườn rộng đâu phải dễ. Rải cứt gà trước lớp là ở chỗ nào? Lấy tay hay lấy gì để rải? Học sinh đều biết rửa tay sạch trước khi ăn cơm hay rửa tay thường xuyên để ngăn bớt vi trùng. Học sinh bốc cứt gà lên nếm rồi lấy nước ở đâu để rửa? Cứt gà bỏ vào miệng thì không có vi trùng, không có trứng sán, không có chất cặn bã từ thức ăn thối rữa?

Mười người đọc thì có mấy người tin đó là một bài trong sách giáo khoa? Ăn cứt gà là hành động dũng cảm? Cô giáo nào lại ngu muội như thế ? Vậy mà có người thấy bức hình lại tin. Sau khi đọc, tha hồ các lời bình phẩm hầu hết là chửi sách giáo khoa “ngu”, người làm giáo dục ngày nay không còn gì để nói.

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm những việc ngoạn mục hơn rất nhiều những bức ảnh được photoshop như thế. Ích lợi của mạng xã hội là rõ ràng. Nhưng nhận xét những gì mạng xã hội đem lại tùy thuộc vào người sử dụng nó- những người phải luôn luôn tự do suy nghĩ. Tự do suy nghĩ dễ sáng suốt hơn nô lệ suy nghĩ hay suy nghĩ "bầy đàn".

Vì sao một số người lại dễ dàng tin vào một câu chuyện vô lý cực kỳ như thế? Tôi nghĩ một phần do tính cả tin. Trước đây người ta tin ở báo, tin ở đài, nay tin ở mạng. Nhưng cái lý do để tin câu chuyện bỉ ổi trên phát xuất từ tình cảm yêu ghét. Không bằng lòng một số việc trong ngành giáo dục thì khi nảy ra cơ hội nền giáo dục ấy có khiếm khuyết chỗ nào, người ta chăm chăm vào nó để phê phán và chỉ trích thậm chí chửi bới. Việc làm này rất tốt. Có như thế sự vật mới ngày càng hoàn thiện. Nhưng, trong lúc phê phán, người ta cũng nên bình tĩnh và sáng suốt. “Phỉnh con nít ăn cứt gà” không thể là thành ngữ diễn tả một sự việc có thật được đưa vào sách giáo khoa.

Fair play, chơi đẹp, trong bóng đá nên được tôn trọng trên thế giới ảo đang ngày càng chi phối đời sống con người ở thời đại giả như chân và chân như giả, hoặc lộng giả thành chân.

KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC (*)

- 17 tuổi, cô gái bị đuổi học

- 25 tuổi, mẹ cô bịnh chết

- 26 tuổi, cô qua Bồ Đào Nha dạy tiếng Anh

- 27 tuổi, cô lấy chồng. Bị chồng hành hạ, cô vẫn sinh con

- 28 tuổi, cô ly dị và mắc chứng tự kỷ

- 29 tuổi, cô làm mẹ đơn thân, sống nhờ trợ cấp

- 30 tuổi, cô không muốn sống nữa. Nhưng, cô dồn hết tâm huyết vào một việc mà nhiều người không làm hơn cô: Đó là viết.

- 31 tuổi, cô trình làng cuốn sách đầu tay

- 35 tuổi, cô phát hành 4 cuốn sách và được vinh danh là “Tác giả của năm” (Author of the Year)

- 42 tuổi, cô bán được 11 triệu cuốn sách mới viết ngay ngày đầu tiên phát hành sách

Cô là J.K Rowling. Hãy nhớ lại thời cô định quyên sinh ở tuổi 30.

Ngày nay, Harry Potter là một thương hiệu quốc tế có giá 15 tỷ đô la Mỹ.

Không bao giờ bỏ cuộc. Hãy tin chính mình. Hãy hăng say. Hãy nỗ lực làm việc. Chẳng có gì là quá trễ. Đó chính là J.K. Rowling.

(*) Đề tôi đặt. Dịch theo London UK times (trên facebook Hoang Thụy Hưng).

NGƯỢC ĐỜI

Tại một diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (ngày 24/10) ông vụ trưởng, vụ Đào tạo thường xuyên, than thở: Đào tạo nhân lực của VN đi ngược xu hướng thế giới.  Cơ cấu lao động của họ có dạng hình chóp. Cứ một người đại học sẽ có 2 đến 3 người học cao đẳng; 3 đến 5 có trình độ trung cấp. VN thì ngược đời,  ông đưa ra con số: “Một người học đại học mới có 0,42 người tham gia giáo dục nghề nghiệp. Nhân lực của Việt Nam tập trung từ đại học trở lên với 10,9%, cao đẳng 3,7%, trung cấp 4,3 % và sơ cấp 4,7 %”.

Nói gọn lại, ‘thầy’ nhiều hơn ‘thợ’. Thích ‘chỉ tay năm ngón’ hơn là làm việc bằng 2 bàn tay mười ngón. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?” chỉ là câu thơ than thở.

Giải pháp cho vấn đề trên được nêu trong diễn đàn: Cần đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và nhà trường. Giải pháp này là xu hướng chung. Trong diễn đàn, theo tường thuật của VNExpress, tôi không thấy ai đề cập nguyên nhân vì sao “thừa thầy thiếu thợ”, nghĩa là vì sao người ta đổ xô học đại học nhiều hơn cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, cho dù, rất nhiều người tốt nghiệp đại học phải làm việc của những người mới học nghề. Hãy xem đội ngũ chạy Grab, trình độ học vấn của họ không hề ít người học xong đại học. Hay có cả giáo viên xin nghỉ dạy để đi lao động xuất khẩu – dĩ nhiên, bằng lao động tay chân.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng sâu xa nhất bắt nguồn từ:

-  Văn hóa. Đỗ đạt là ước ao cháy bỏng của mọi người, từ nghèo tới giàu, từ nông thôn ra thành thị, từ xưa chí nay. Ca dao văng vẳng trong tâm trí con người VN: “Chồng em cưỡi ngựa vinh quy. Hai bên có lính hầu đi dẹp đường”. Nhiều gia đình nghèo khổ vẫn quyết cho con theo đuổi đại học dẫu trình độ không theo nổi. Bằng chị bằng em là thái độ của không ít gia đình VN. Dẫu không bằng cũng cố cho bằng. Đại học sẽ oai hơn cao đẳng và đương nhiên phải ‘bỏ xa’ trung cấp; sơ cấp là cái đinh rỉ. Đương nhiên, nhu cầu học lên cao là chính đáng. Học nâng cao là nguyện vọng cần trân trọng.

- Nhà trường: Có lẽ nhiều người ngạc nhiên. Nhưng nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sau này của học sinh. Nếu ở cấp 2 và cấp 3 có phân luồng sớm thì học sinh sẽ mạnh mẽ kiếm cho mình một hướng đi thích hợp. Ở cấp này, cần có những phương thức giúp học sinh nhận ra khả năng thực sự của họ. Học một nghề nào đó hay sẽ học lên cao cần có sự hỗ trợ của nhà trường, nghĩa là của bộ giáo dục. Tùy theo năng lực và sự hướng nghiệp, học sinh sẽ được chính phủ hỗ trợ kinh phí trong việc học tập văn hóa và học tập nghề nghiệp. Nếu thi không đậu đại học thì học sinh có sẵn một cái nghề.

- Thành tích: Tôi không rõ phong trào thi đua ở VN phát sinh từ lúc nào. Nhưng tôi thấy, có thi đua là có tạo thành tích, kể cả thành tích ảo. Nhìn vào giáo dục thì thấy ngay. Một lớp học có bao nhiêu học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình, học sinh kém. Chắc chắn học sinh kém sẽ ít hơn trung bình; trung bình ít hơn khá; khá ít hơn giỏi. Tuyệt vời học tập. Thành tích học tập này sẽ ảnh hưởng tương lai ‘chính trị’ của thầy, của cô, của ban giám hiệu, của phòng, sở giáo dục và của cả bộ.

Vì ngỡ mình thuộc hàng “giỏi”, tất cả các em đều mơ đến cổng trường đại học. Có cung tất có cầu. Không đỗ vào trường công hay trường tốt, học sinh sẽ thu hút vào các trường đại học dân lập hay tư thục mở ra tưng bừng như hội chợ. Đây là một trong các lý do người học đại học nhiều hơn các cấp học thấp hơn, chưa nói tới học nghề. Cái thành tích ảo không những xí gạt cấp trên mà nó còn xí gạt học sinh và cha mẹ học sinh. Học mà không hành là lỗi do việc chạy theo thành tích.

Để có thể theo xu hướng thế giới, thợ nhiều hơn thầy, thiết nghĩ, người Việt Nam nên chú ý hai việc: Nhận thức lại giá trị bằng cấp và dẹp bỏ hẳn, không thương tiếc, vấn đề thi đua trong nhà trường. Nếu có thi đua, hay phấn đấu, hãy thi đua và phấn đấu cho bản thân mình tiến bộ mỗi ngày.

Học sinh không bao giờ học để dở hơn. Thầy không bao giờ dạy để kém hơn. Vậy thi đua để làm gì?

HAI CÂU CHUYỆN

Tôi có thói quen đọc báo Việt mỗi sáng (tờ VNExpress) để biết những gì xảy ra tại VN, ngoài vài tờ tiếng Anh.

Mấy hôm nay, đề tài thu hút nhất, hay gọi là ‘hot’ nhất, chính là việc ‘ngôi sao’ Ngọc Trinh bị bắt. Có một tin đau lòng nhưng ít ai để ý: “Thiếu niên bỏ độc vào sữa khiến cha và bà tử vong”.

Một em trai 14 tuổi ở Tiền Giang bỏ thuốc độc vào lon sữa do tức giận bị cha mắng vì khuyên ông bớt uống rượu. Cha bỏ mẹ lúc em 6 tuổi. Mẹ và em về quê ngoại ở tỉnh khác sinh sống. Gần đây, em về sinh sống trong gia đình có cha và bà nội.

Nhiều lần khuyên cha bớt uống rượu nhưng thường xuyên bị la mắng. Em gặp một người có sử dụng bả thuốc chó. Em nói dối lý do để đem loại thuốc cực độc này lén bỏ vào lon sữa và kết cục là cha em ngộ độc chết. Trong đám tang, em người mất bèn lấy sữa pha cho mẹ và bà cũng chết một vài giờ sau đó. Gia đình cứ nghĩ hai cái chết gần nhau là do bạo bệnh; họ không báo chính quyền. Cho đến khi thêm con trai của người chết- tức anh của người chết trước đó - đi cấp cứu sau khi uống cùng loại sữa thì nhà chức trách vào cuộc và sự việc tỏ tường. Hai người chết, một người suýt chết là do ngộ độc sữa.

Qua câu chuyện thương tâm trên, tôi thấy:

- Giáo dục: Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong nhận thức con người. Đứa trẻ 14 tuổi không hình dung được việc giết người không dễ gì qua mắt nhà chức trách. Cháu cũng không hiểu giết người - chưa nói là giết cha - là một tội ác. Cái quan trọng hơn, vì bỏ học, sống trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, em đem lòng căm thù cha. Lý do bị la rầy khi khuyên cha nên em dùng thuốc độc giết cha mình là phần nổi của tảng băng.

Giáo dục cần bắt buộc ở độ tuổi nào đó. Nhà chức trách cần phải thấy việc khai dân trí là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải “bảo vệ chế độ”. Trẻ cần tạo điều kiện để đến trường ở giai đoạn nào đó. Đất nước hùng mạnh nhờ chính quyền đầu tư giáo dục cho mọi con dân. Trẻ không đến trường không những là trách nhiệm của gia đình mà là trách nhiệm của nhà nước. Trừ những trẻ thiểu năng hay tật bệnh không thể tới trường.

- Gia đình: Tình yêu gia đình hình thành nhân cách của các thành viên. Nếu em bé 14 tuổi ấy được cha mẹ yêu thương và đùm bọc từ nhỏ, chắc chắn em sẽ không đem lòng oán hận cha ruột của mình sâu xa như thế. Mà gia đình yêu thương là gia đình có giáo dục. Không cứ cha mẹ là những kỹ sư, bác sĩ, hay những người có bằng đại học. Họ phải được giáo dục từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành: bằng nền giáo dục nhân bản.

- Xã hội: Ở câu chuyện đau lòng trên, xã hội có phần trách nhiệm lớn. Bất lực trước việc thức ăn hằng ngày chứa những chất không ai kiểm soát nổi, xã hội không lẽ bất lực trước vấn đề chất độc? Bả chó -thuốc cực độc, không mùi, không vị nên mũi thính như chó cũng không nhận ra - tại sao người dân có được? Không lẽ họ  ‘chế ra’ hay ‘nhập lậu'? Tiệm nào bán thuốc này? Bán ở đâu? Nghiêm cấm việc sở hữu, mua, bán bả chó và tất cả những thứ độc hại khác – được không? Chắc chắn là được. Thuốc rầy, thuốc chuột, thuốc trừ cỏ…những thứ được sử dụng để tự tử không nguy hiểm bằng bả thuốc chó vì có mùi hôi. Nếu bỏ vào thức ăn, chúng sẽ dễ dàng bị phát hiện.

- Nhận thức: Cuộc sống ở VN ngày nay rất ‘đa đoan’; không phải trong thời đại@ của khoa học và kỹ thuật, chỉ có nhìn vài hình đăng lên của người mẫu Ngọc Trinh người ta cũng phát hiện cô ấy phạm luật. Cuộc sống đa đoan khi một em bé 14 tuổi đầu độc cha mình, bác mình, bà nội mình lại không thu hút sự quan tâm của xã hội bằng một người mẫu biểu diễn xe với những tư thế khêu gợi. Hình ảnh phụ nữ gợi cảm dễ thu hút hơn hình ảnh đau thương của một gia đình hai người chết vì người thân yêu đầu độc? Xin quan tâm những hoàn cảnh thương tâm.

(Ảnh minh họa lấy từ báo VNExpress).

Sách dịch cho nhà xuất bản Phương Nam: TƯ DUY NHẠY, TIẾP THU NHANH.

Tên tiếng Anh sách Build A Better Brain, tôi dịch là “Kiến tạo bộ não ưu việt”, được biên tập lại “dễ nghe” hơn; dịch như tôi “mô phạm” và “nặng nề” quá. Sách dày khoảng 200 trang, in đẹp, trình bày dễ đọc, chia làm 5 chương, cuối chương có bản tóm tắt cho dễ nhớ.

Mỗi chương chia ra các đề mục nhỏ. Bất kể luận cứ nào cũng đều dựa vào căn cư nghiên cứu khoa học. Chủ đề sách nói về tính thích nghi não bộ, gọi là khả biến thần kinh. Sinh ra con người có 1000 (ngàn) tỷ tế bào não (nơ-ron), khi trưởng thành còn lại 100 tỷ, mỗi ngày mỗi “chết” một số, nhưng trí thông minh càng phát triển nhờ học tập, rèn luyện, và cho đến “già khú” thì bộ não “teo” lại. Đó là lý do một số  cụ “lú lẫn” khi tuổi quá cao, “ăn rồi nhưng bảo là chưa ăn”, thậm chí không nhớ cả tên con cháu.

Cuốn sách nhỏ không phải là “thần dược”,  hướng dẫn chữa hết các bệnh giống như thế. Nó chỉ trình bày bộ não, cấu tạo, “vận hành”, và “cách bảo trì”. Hiểu bộ não, ta sẽ “cư xử” đúng mức với nó, để có một bộ não ưu việt hơn.

Sách có nhiều dẫn chứng khoa học, kỳ lạ, những dẫn chứng ông bà ta từng đúc kết trong quá khứ (tất nhiên “nặng” về văn hóa nhiều hơn)

Ví dụ 1: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Dẫn chứng khoa học: Những chú mèo con chia làm 2 nhóm, nhốt kín trong lồng khác nhau. Lồng có sơn vạch đứng (dọc) và lồng có sơn vạch ngang. Mỗi ngày khi bắt ra ngoài tắm rửa, cho ăn, chúng được thấy bên ngoài cũng sơn các vạch đứng, ngang khác nhau, thậm chí  cả “áo quần”của chúng cũng vẽ dọc, ngang. Qua 5 tháng nhốt cách biệt, chúng được thả ra môi trường tự nhiên; nhóm mèo quen thấy vạch đứng (dọc) không tìm ra chỗ để nằm: chúng không hiểu chiều ngang. Ngược lại, nhóm mèo quen với chiều ngang, khi đi lại, chúng va vào các chân ghế, vì chân ghế chiều đứng.

Thí nghiệm này nói lên: môi trường rất quan trọng. Khi ở trong không gian trói buộc, hạn hẹp quá lâu, con người cứ tưởng trói buộc, hạn hẹp là “lẽ tự nhiên”. Chúng ta liên tưởng đến “thế giới” Bắc Triều Tiên. Con mèo sống trong môi trường “ngang” không muốn sống trong môi trường “dọc”. “Ngang” sẽ là chân lý, “dọc” thì không và có lúc, có nơi ngược lại.

Ví dụ 2: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bộ não người chia ra 2 phe, như Cộng hòa và Dân chủ Mỹ. Phần trước trán (gọi là Einstein, tên nhà bác học) phụ trách “lý trí” (và suy luận, ta hay nhận xét ai “trán cao” thì thông minh là thế), phần limbic phía sau phụ trách “tình cảm” (và cảm xúc). Tình cảm thường “mạnh” hơn “lý trí”. Ngồi hàng giờ nhâm nhi bia, tán gẫu với bè bạn thích hơn là ngồi lưng nửa tiếng đọc sách, một mình. Ngủ quá trưa, (trễ) gọi là “ngủ nướng" (lăn qua lăn lại trên giường như nướng thịt) thích hơn phải thức dậy 5 giờ sáng để đi tập thể dục.

Rõ ràng, ta “gần” ông lý trí sẽ có lợi hơn “gần” ông tình cảm, ông “cảm xúc” thích hưởng thụ. Nhậu và đọc sách, dậy đúng giờ và ngủ nướng, cái nào tốt hơn?

Ví dụ 3: “Nhàn cư vi bất thiện”. Bộ não là một cấu tạo đặc biệt, chi phối tất cả cuộc đời con người. Anh nào “ngu” hay bị mắng “đồ không não”. Sung sướng hay đau đớn, giàu sang hay nghèo hèn, hạnh phúc hay đau khổ…tất cả - quý vị tín không - đều xuất phát từ…bộ não. Bộ não làm việc không những khỏe cho nó, cuộc đời ta cũng…khỏe theo.

Não không hoạt động sẽ trở nên mụ mị. Nhiều người thành công nhờ bộ não họ làm việc liên tục. Có ai ngồi “ngáp ruồi” cả ngày mà thành công không? “Con đường đi đến thành công không có dấu chân của người lười biếng”.Ngạn ngữ Ý: giữa lời nói và việc làm là cả một đại dương. Hãy để cho não làm việc nhiều hơn “nói”. Thí nghiệm trên các tài xế xe buýt và xe taxi ở Luân Đôn, mấy ngàn người tham gia. Tài xế xe buýt có phần “chất xám” (ta hay gọi là trí tuệ)“mỏng” hơn tài xế taxi,  khi đo bằng công nghệ. Vì sao? Tài xế xe buýt chỉ theo lộ trình nhất định, tài xế xe taxi phải dò đường, ngang, hẻm, tắt để chạy cho…nhanh. Ai suy nghĩ nhiều hơn? Ai có chất xám dày hơn? Não cần vận động là như thế. Vận động thế nào, hãy đọc trong sách, bài viết ngắn, tôi không thể nói hết.

Ví dụ 4: " Có thực mới vực được đạo". Não cần” ăn uống” bồi dưỡng không? Rất cần, thường xuyên. Kẻ thù của não là ai? Mất ngủ, căng thẳng (stress), rượu mạnh. Stress làm “teo” đi đồi hải mã xuống 13 % nếu căng thẳng kéo dài. Não teo rồi đó. Và rất ngạc nhiên, tập thể dục đều đặn, não rất yêu mến. Não cần dưỡng khí. Vận động giúp máu đưa oxy lên não. Chết não nghĩa là não “hết thở”. Não cấu tạo hơn 70% nước, não rất cần nước.

Tôi tình cờ dịch cuốn này, và cũng tình cờ biết thêm kiến thức về não. Bản thân tôi, đi bộ mỗi ngày 40 phút, gần 30 năm nay. Biết đâu, nhờ tập thể dục tôi vượt qua căn bệnh ung thư cách nay 11 năm; một người bạn của tôi, bệnh không khác, đã về cõi vĩnh hằng. Anh ta thích ngủ nướng hơn đi bộ; thích uống bia hơn đọc sách, thích xem phim bộ hơn phim tài liệu.

Nhưng nói gì thì nói, “tri hành” phải hợp nhất. Đọc sách mà không thực hiện thì thôi, đi uống bia, ra tiệm gội tóc sẽ “ích lợi” hơn. Và tôi luôn tâm niệm câu cách ngôn học từ nhỏ: MỘT TINH THẦN MINH MẪN TRONG MỘT THÂN THỂ TRÁNG KIỆN. Tác giả Peter Hollins của sách TƯ DUY NHẠY, TIẾP THU NHANH khuyên chúng ta mỗi tuần tập thể dục 3 lần, mỗi lần 40 phút, cơ thể tốt, não càng tốt hơn.

MẮM CÁI

Trong bài “Gạo Cần Đước nước Đồng Nai”, Sơn Nam mô tả một loại mắm mà người Quảng Nam từng ăn và ăn ngon một thời: Mắm cái. “…mắm nêm còn nguyên xác (mắm cái) là món ăn người Chăm mà xưa kia khi chung sống trong xóm, ông cha ta đã tiếp thu vì bổ dưỡng, rẻ tiền mà ngon”.

Do khác biệt vùng miền, người Quảng phân biệt mắm nêm khác mắm cái. Mắm cái làm từ con cá nục. Mắm nêm có thể làm từ mắm cá cơm và mắm không còn con cá, chỉ có nước và xác cá đã “nghéo” (nghếu?) tức là rục nát. Có nhiều cách làm mắm cái (từ cá nục) nhưng công thức chung là “ba muối, bảy mắm”, tức tỷ lệ 30% muối (hột, không iod) và 70% cá nục.

Tôi đồng ý với học giả Sơn Nam ở chỗ: người Việt yêu mắm cái của người Chăm. Đặc sản, ai mà không thích. Tây có biết bao thức ăn đẳng cấp. Họ lại thích phở Hà Nội hay cao lầu Hội An. Mắm cái vừa rẻ, vừa ngon, người Việt nào không thích. Theo Sơn Nam, mắm cái còn bổ dưỡng. Mắm cái từ con cá nục phải có thịt màu hồng thắm, mắm tươi, nghĩa là có thể ăn trọn, không bỏ bất cứ bộ phận nào. Xương cá mềm được nghiền nhỏ bởi hàm răng chắc khỏe của người Quảng Nam. Sữa Enlene bổ xương, một lon gần một triệu đồng,  chưa hẳn cung cấp lượng canxi đầy đủ bằng lượng canxi trong mỗi bữa ăn của người Quảng khi họ ăn mắm cái, hai hay ba lần trong bữa cơm mỗi ngày.

Người Quảng Nam không nhiều người béo tốt. Họ nhìn có vẻ gầy gò. Tôi không nói người Quảng Nam ở thành phố Đà Nẵng. Họ, tôi muốn nói, những người từng ăn mắm cái như là món ăn chính, có thể gọi là “chủ đạo”, theo ngôn ngữ ngày nay.

Người Việt có thể yêu thích món ăn mới, yêu mắm cái của người Chăm. Điều đó không lý giải người Việt bị ảnh hưởng bởi người Chăm.

Tôi tìm hiểu nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học Mỹ, Andrea Hoa Pham. Giáo sư cho hay người Quảng có giọng “đặc biệt”, khác thường, do ảnh hưởng giọng nói của những người ở một vùng nào đó, thuộc tỉnh Thanh Hoá, nhóm người “mở cõi “ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Trong khi cây đa Trần Quốc Vượng nhận xét tiếng Quảng, giọng Quảng, ảnh hưởng bởi giọng Chăm. Tôi không là nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu. Nhưng tôi suy luận, về văn hóa, trong đó có ngôn ngữ, kẻ chinh phục- người Việt, cụ thể là người Quảng, không thể bị nhiếp phục bởi người bị chinh phục- trừ trường hợp của người Mãn Thanh, bị nhiếp phục bởi người Hán, vì nền văn minh của họ không bằng người Hán.

Giọng Quảng ảnh hưởng bởi giọng Chàm: vô lý. Kẻ thắng không thể bị ảnh hưởng bởi người thua trừ trường hợp người thua có tầng văn hóa cao hơn. Tại sao người Việt có ngôn ngữ phát xuất từ chữ Hán trên 70 %? Bởi người Hán từng đô hộ người Việt gần 1000 năm.

Nhưng món mắm cái, một thời, người Quảng coi như “quốc hồn, quốc tuý “ lại là sản phẩm của người Chăm. Giao thoa ẩm thực nhạy bén, phổ cập, tiếp cận nhanh hơn giao thoa văn học. Dĩ thực vi tiên, mà.

Mắm cái đi vào cuộc sống người Quảng Nam như giọng nói hay tính cách. Nhiều người cho rằng giọng Quảng “nặng” vì vi mặn của mắm cái. Tôi từng ở quê và từng ăn mắm cái. Mắm cái ngày xưa xuất hiện ở vùng xa biển. Cá không ướp đá để đi được xa. Hấp cá để giữ chất không bảo quản lâu dài. Mắm là cá dự trữ dài lâu. Mắm là thức ăn dân dã, rẻ tiền, dễ vận chuyển; xóm làng xa xôi, cả vùng cao, mắm cái luôn có mặt.

Mắm cái là những con cá nục to bằng ngón tay giữa, có khi như ngón cái. Màu sắc con mắm đỏ au. Mắm có vị ngọt của cá, vị mặn của nước biển, mùi thơm của cá lên men. Mặn mà ngọt chính là đặc trưng của mắm cái. Mặn “ quắn”, tức mặn chát, mặn chúa, không phải là đặc trưng của mắm cái. Tại sao mắm cái lại…thơm? Mùi thơm của mắm cái không thể diễn tả. Chỉ có cảm nhận. Mà người Quảng mới có thể cảm nhận cũng như người Nhật cảm nhận mùi thơm của cá ngừ đại dương chấm mù tạt, mà đối với một số người các nước, cá sống mà thơm nỗi gì. Người Nhật cảm giác cá ngừ sống có mùi thơm không khác người Quảng có cảm giác mắm cái có mùi thơm.

Mùa đông giá buốt. Da trời lành lạnh; ngoài, mưa phùn lất phất. Giữa chén cơm nóng của những hạt gạo trắng đầu mùa là con mắm cái đỏ au. Hơi nóng chén cơm làm mùi thơm con mắm thoảng lên mùi thơm chan hòa, ngào ngạt. Vừa ăn cơm vừa cắn một miếng vào con mắm nục lấm tấm  trên mình ớt khô giã nhuyễn; bữa ăn với mắm cái trong cái đói réo rắt mùa đông, không có món nào mà sánh nổi: cơm với (mắm) cá. Không gì bằng con với mạ (má), không gì bằng cá với cơm.

Mắm cái đi theo cuộc sống của người Quảng Nam từ khi giao hòa với văn hóa người Chăm cho đến cuối thập niên 1970. Cá, thịt còn khan hiếm thì mắm cái giúp bữa ăn có thể nói là đầy đủ “đạm”, mắm cái, tức là mắm cá nục.

Những năm sau 1975, ở quê tôi, mắm cái hay mắm cá nục là món ăn “đẳng cấp”. Khi thiếu đói, cái gì cũng đẳng cấp. Một con mắm, có khi là nửa con, cũng giúp bữa ăn trở nên thấm thía.

Tôi có kỷ niệm về mắm cái. Có thời gian tôi về quê. Vợ sinh, mẹ tôi  “chuẩn bị” cho con dâu một hũ mắm cái Hội An, nổi tiếng ngon. Chẳng may, con heo thả rông của hàng xóm phát hiện mùi thơm của mắm. Nó ủi hũ mắm đổ ra và chõ mõm vào. May mắn là tôi phát hiện kịp, vội vã “cướp” lại tài sản. Mỗi bữa ăn trong những ngày tiến nhanh, tiến mạnh lên “chủ nghĩa xã hội “, con mắm cái kho rắc hạt tiêu để…quẹt là thực đơn chính, dinh dưỡng, ngon miệng cho phụ nữ nông thôn vừa mới sinh con. Tôi cũng lợi dụng vợ đẻ để “quèo quẹt” của vợ chút mắm cái kho tiêu. Khi mắm gần cạn, tôi phát hiện dưới đáy hũ là một lớp đất bùn. Hỡi ôi, trong hoàn cảnh đói khổ do hợp tác, vợ tôi, con tôi (qua sữa mẹ), tôi, và con heo hàng xóm, tất cả cùng ăn chung một món: mắm cái.

Ngày nay, mắm cái (tôi nhấn mạnh: mắm cá nục) dường như mất dạng. Cuộc sống nâng cao. Mùi  mắm cái không còn thơm nữa. Có khi hôi là đằng khác. Mắm cái của người Chăm trong bữa ăn người Quảng Nam trở thành kỷ niệm. Mắm cái được nhà văn Sơn Nam nhắc tới chỉ còn trong sách vở. Mắm cái trở nên xa lạ. Món ăn “quốc hồn, quốc túy” một thời của người dân Quảng, nay còn đâu!

CHIẾC ÁO ẤM LEN.

Mưa trên phố Huế có bài hát nhưng mưa trên phố Hội thì không. Hội An có nhiều thi sĩ hơn nhạc sĩ. Thơ về thành phố cổ này nhiều nhưng nhạc thì không thấy bài nào hay nói về mưa Hội An, tôi muốn nói mưa phùn.

Mưa đẹp nhất phải là mưa phùn, kèm gió bấc (hay bắc?) ắt đẹp hơn nữa. Mưa như mưa dầm, mưa bão, mưa lụt…ngày này qua ngày khác, tuần này (có khi) qua tuần khác, mưa như thế buồn chết đi được.

Mưa phùn lất phất không làm ướt áo len, hay áo măng tô, hay pạc-đờ-xuy…những loại áo ấm thường thấy ở Hội An thời tôi còn đi học thập niên 1960.

Y phục đôi khi làm lộ sự xuất thân: giàu nghèo, sang hèn, quý phái, dân dã. Ở các cô cậu học sinh, sự phân biệt ấy không có, hay có mà không nhiều. Ở Hội An thời xưa không thấy xã hội phân chia ‘giai cấp’ qua y phục.

Mưa như sương rớt, những hạt nhỏ li ti, kèm theo giá lạnh mùa đông, hạt mưa trở nên dễ thương, hiền lành. Hạt mưa rơi trên tóc ai. Hạt mưa rơi trên má ai. Hạt mưa như trêu cợt những thiếu nữ xuân thì, chân nhè nhẹ bước, áo dài bay bay, bên trên là chiếc áo len cổ tròn, màu đỏ, màu hường, màu vàng…có chiếc đan len kim tuyến lung linh.

Bước đi thư thả của các nữ sinh đến trường làm mấy chàng đi sau bỗng thấy tương tư bời bời trong dạ. Bài hát “em tan trường về” không chỉ mỗi tên là Ngọ. Nào Lan, nào Hồng, nào Thúy, nào Đào, nào Mai…Mỗi cô mỗi sắc trong những chiếc áo ấm không che hết cơ thể rào rạt xuân thì. Mưa làm ướt áo không phải là mưa phùn.

Trong không gian trầm lặng của một thành phố cổ trầm tư, mưa phùn lất phất, từng chập từ trên không rơi xuống, bóng người “trong mộng” đi như “mờ mờ hơi sương”, không phải để “vấn đầu soi gương” mà là để đến ngôi trường yêu thương.

Đố một chàng trai nào ở Hội An không để ý một cô gái nào mặc áo ấm mùa đông, mùa mưa phùn gió bấc, mùa của những hạt nước bay bay li ti trong giá lạnh gần xuân. Áo len đan giản dị ôm trọn cơ thể người mặc, thường là một màu, không xen kẽ trang trí nhiều hoa văn như các loại áo len đời nay. Mặc áo len giữ ấm. Mặc áo len không phải để khoe sắc. Do đó, áo len luôn giản dị, nhu hòa, và gọn ghẽ: áo len học trò.

Mùa hè, mùa thu, các cô chỉ mặc toàn là áo dài màu trắng. Thanh thoát và dịu dàng. Nhưng chỉ mùa đông, các nàng mới có chút ‘điệu đàn’ nhờ màu sắc của những chiếc áo len. “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”. Đố cô nào đẹp mà không mặc … áo quần.

Càng đẹp hơn khi tan trường, chàng nào có duyên tiền định, được cô bạn thân  nhờ “cầm giúp chiếc áo len màu tím” khi trời không còn lạnh. Có câu thơ nào, có đoạn văn nào, diễn đạt hết nỗi lòng rộn rã của một chàng trai, vừa ôm giúp áo, vừa nghĩ ngợi lung tung “thương nhau cởi áo cho nhau” không? Thưa các bạn, tôi là người may mắn đó.

Nhưng thói đời “có mới nới cũ “. Hay: “ Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu). Một ngày khác, một bạn khác, chứ không phải tôi, được “người đẹp” nhờ cầm giúp áo ấm len màu tím, nàng cởi ra vì nóng lúc tan trường vào trưa.

Không vì mất lòng tin mà tôi không còn yêu những chiếc áo len màu khi nhớ về mỗi mùa đông “mưa phùn lất phất” thuở còn đi học. Hội An đẹp biết bao với những chiếc áo ấm len nhiều màu, lấm tấm những hạt mưa phùn cuối đông.

Ngày nay, thi thoảng tôi có về thăm thành phố “di sản” này vào mùa giáp Tết. Nhưng thật thất vọng, những chiếc áo len màu ngày xưa không còn nữa trên các con phố lất phất mưa khi vắng khách thăm thú, vãng lai. Con hẻm cuối đường Nhị Trưng (nay là Hai Bà Trưng), con hẻm đẹp nhất; nó chứa trong tôi biết bao là kỷ niệm thời niên thiếu. Kỷ niệm của những lần, “anh theo Ngọ về, tóc dài lặng lẽ” đường đi.

Nhưng biết đâu, không tìm thấy những chiếc áo len màu mùa đông, tôi lại càng yêu mến Hội An hơn. Ai mà không yêu tuổi hoa niên kia chứ. Càng yêu tuổi hoa niên, tôi càng yêu chiếc áo ấm len màu tím năm nào.