Monday, February 5, 2024

DÂN TÀU BUỘC SUY NGHĨ THEO TẬP CẬN BÌNH

Lời người dịch: Trung Quốc phát triển thần kỳ nhờ cởi trói (“cải cách và mở cửa”). Thành quả ấy thuộc công đầu của Đặng Tiểu Bình, (“mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột”) sau đó là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình là người chỉ thừa hưởng. Bây giờ, ông coi mình như hoàng đế, có khi hơn Khổng Tử từng thống trị tư tưởng nhân dân Trung Hoa. Trước đây là “Mao nói”, nay “Tập nói”, không khác chi mấy ngàn năm phong kiến, cái gì cũng “Tử viết, Tử viết” (Khổng Tử nói). Một TQ có hoàng đế, một chủ nghĩa dân tộc (cực đoan): một mối lo cho VN.

(Chinese people ordered to think like Xi)

Hong Kong (CNN): Chỉ vài ngày sau kỷ niệm 100 năm thành lập, đảng CSTQ đặt ưu tiên cho thời đại mới – siết chặt tư tưởng hơn 1,4 tỷ dân TQ.

Tuần này, đảng công bố chỉ thị công tác tư tưởng và chính trị, nhắm vào không những đảng viên mà còn toàn xã hội.

Dưới trào chủ tịch Tập Cận Bình, đảng phát động cuộc trấn áp tư tưởng khắc nghiêt nhất trong nhiều thập kỷ. Đảng liên tục cảnh báo “sự tiêm nhiễm” các tư tưởng phương Tây, khích động chủ nghĩa dân tộc, đàn áp tự do học thuật và tự do báo chí.

Cho đến bây giờ, dù bịt miệng hầu như mọi tiếng nói phản biện, đảng có vẻ còn lo lắng chưa nắm chắc sự trung thành về tư tưởng và chính trị - cho nên, họ đang tiến hành nỗ lực rộng khắp tăng cường giáo dục trên hai mặt trận.

Chỉ thị cho biết: “Công tác chính trị và tư tưởng là truyền thống tốt đẹp trong đảng, một ưu thế chính trị nổi bậc, có đặc điểm rõ ràng – đó là mạch máu sống. Công tác tư tưởng bảo đảm số mệnh tương lai của đảng, ổn định lâu dài của đất nước, gắn bó và đoàn kết của toàn dân tộc”.

Trọng tâm chiến dịch tập chú vào phát triển “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, một học thuyết chính trị của Tập ghi trong điều lệ đảng 2017.

Trước ông, chỉ có chủ tịch Mao Trạch Đông (Tư tưởng Mao) và lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình (học thuyết Đặng) có các triết lý chính trị mang tên họ được ghi trọng vọng vào điều lệ đảng.

Kể từ năm 2017, học thuyết của Tập đã được các cán bộ đảng thường xuyên nghiên cứu tại các cuộc họp và ứng dụng di động tuyên truyền được thiết kế đặc biệt để giảng dạy triết lý này.

Và giờ đây, đảng này muốn quần chúng nâng cao “ý thức thống nhất chính trị, tư tưởng, lý thuyết và tình cảm” với hệ tư tưởng của ông Tập, dựa theo chỉ thị.

Theo bộ giáo dục, một chiến dịch phát động sẵn sàng đẩy mạnh hơn bước tiến đưa học thuyết Tập vào “sách giáo khoa, vào trường lớp, và vào đầu óc các em học sinh”.

Trong một thông báo tuần vừa qua, bộ giáo dục cho biết, vào tháng 9 này,  cấp tiểu học và trung học toàn nước sẽ sử dụng sách giáo khoa nói về “Tư tưởng Tập Cận Bình mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.

Mùa thu năm ngoái, hàng chục trường đại học - bao gồm cả các trường xếp hạng hàng đầu thế giớ như đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa - đã khởi động các khóa học giới thiệu học thuyết.

Và vào tháng trước, Ủy ban Trung ương đảng phê duyệt lập bảy trung tâm nghiên cứu mới về hệ tư tưởng của ông Tập, bổ sung vào 11 trung tâm có trước. Các trung tâm này xây dựng bởi các trường đại học và tổ chức tư vấn hàng đầu (think-tank), ở chính quyền cấp tỉnh và các bộ của chính phủ trung ương.

Chương trình gần đây nhất, do bộ Sinh thái và Môi trường đưa ra vào tuần trước, dành riêng cho “Tư tưởng Tập Cận Bình về nền văn minh sinh thái”. Các chương trình khác thì nghiên cứu “Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình”, “Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao” và “Tư tưởng Tập Cận Bình về Nhà nước pháp quyền”.

Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, ông Vũ Quang, cho biết chiến dịch này là một phần trong động thái của Tập, nhằm củng cố hơn nữa quyền lực và lôi kéo sự ủng hộ của quần chúng trước đại hội lần thứ 20 của đảng vào năm tới.

Tại đại hội đó, Tập được cho là sẽ ở lại nhiệm kỳ thứ ba, sau khi ông bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018.

Ông Quang nói thêm: “Có rất nhiều suy đoán về việc liệu học thuyết của ông Tập có chính thức được rút ngắn thành ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ tại đại hội 20 hay không. Tất cả công tác tư tưởng và chính trị đang tạo thuận lợi cho điều đó,”

Trong khi truyền thông quốc tế từ lâu đã gọi triết lý của ông Tập đơn giản là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, tên chính thức của nó vẫn không thay đổi. Việc rút ngắn tên gọi sẽ đưa di sản của Tập lên một vị trí oai phong như Mao, người xây dựng tư tưởng sùng bái cá nhân cho mình và cai trị Trung Quốc cho đến chết, năm 1976.

Một chuyên gia về chính trị và luật pháp TQ của đại học Vienna, bà Lương Lệ, cho biết, không như thời Mao, nhân dân Trung Quốc bây giờ tiếp cận hằng hà thông tin, mặc cho nỗ lực kiểm duyệt mạnh nhất của đảng. Bà nói: “Do đó, nếu đảng muốn thắng mặt trận truyền thông, điều cốt lõi là họ phải xây dựng lại các góc nhìn, qua đó dân chúng có thể đọc và giải thích thông tin để mọi người đi đến những kết luận “chính xác” ngay cả khi bắt gặp các thông tin chưa bị kiểm duyệt”.

Theo chỉ thị, để làm được điều đó, đảng đang tìm cách thắt chặt tư tưởng trong mọi mặt cuộc sống xã hội, từ chính quyền, công ty, trường học, làng xã và cộng đồng dân cư thành thị cho đến internet.

Ví dụ, các công ty được yêu cầu kết hợp công tác tư tưởng và chính trị với sản xuất, vận hành, quản lý và phát triển nguồn nhân lực hàng ngày, để nhân viên có thể “đả thông những nghi ngờ về tư tưởng, dập tắt những lo lắng về tinh thần, làm dịu cơn khát văn hóa và giảm bớt căng thẳng tâm lý”.

Ở thành phố, đảng yêu cầu công tác chính trị tư tưởng “phải thấm nhuần sâu sát công việc và đời sống quần chúng nhân dân”.

Ở nông thôn, đảng muốn nuôi dưỡng “nông dân thời đại mới có lý tưởng, có đạo đức liêm chính” đồng thời “được giáo dục tốt và có kỷ luật tốt”.

Ví dụ, một số xã đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng bằng cách phát thanh, tuyên truyền về đảng từ các loa phóng thanh được lắp đặt trên nóc nhà của người dân. Tại làng Tập Bái Ngô ở tỉnh Hà Bắc, kế cận Bắc Kinh, loa phát thanh truyền đạt ra rả Tư tưởng Tập Cận Bình, các lý thuyết của đảng và chính sách cho dân làng ba lần một ngày, theo một bài báo đăng tuần trước bởi một tài khoản mạng xã hội của đảng.

Bài báo viết tiếp. Tại tỉnh An Huy, loại loa tuyên truyền này được đặt ở 10.000 xã. “Nghe loa đài và học theo tinh thần các bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư (Chủ tịch Tập Cận Bình) đã trở thành một xu hướng mới trong nông dân và các tầng lớp dân chúng khác”.

Nguyễn Long Chiến dịch theo https://newsdaylight.com/.../chinese-people-ordered-to.../

DỊCH, CÒN NÓI BỊNH

Rất áy náy khi đang dịch COVID mà tôi lại nhắc bịnh, ung thư . Số người mắc, người chết vì ung thư ngày càng nhiều ở Việt Nam. Một chuyên gia đầu ngành về ung thư, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: “Ung thư biết sớm chữa lành. Ung thư để trễ trở thành nan y”. Giám đốc bịnh viện K Trung ương, giáo sư Trần Văn Thuấn (2017): Số bịnh nhân ung thư chữa lành chiếm 40%, tức 10 người chết 6; thế giới từ 70-80%, vì người Việt thường phát hiện quá trễ.

Tôi mắc ung thư năm 60 tuổi (2012) ở giải đoạn 3, chỉ một bước nữa là đoàn tụ ông bà. Và tôi chữa lành. Chắc chắn nhờ bịnh viện, nhưng thật sự nhờ nỗ lực bản thân. Trong cuốn sách (hình) tôi nhắc đến 2 người cùng bịnh, và cả hai đều không còn. Họ chỉ hơn nửa tuổi của tôi, có người ở giai đoạn 1- rất dễ chữa. Lý do vừa chữa anh ta vừa uống rượu đế (theo thói quen), không tự nâng cao thể lực và tinh thần. Ung thư không giống các bịnh khác. Càng chữa, cơ thể càng suy sụp, không phải vì bịnh, mà vì thuốc chữa bịnh. Thuốc làm giảm tế bào ung thư, đồng thời giảm luôn khả năng đề kháng của cơ thể.

Chiến đấu vượt qua căn bịnh khủng khiếp trong gần 6 tháng, đối với tôi là một nỗ lực phi thường. Và, đó là những gì tôi gởi gắm trong cuốn sách của mình. Biết đâu trải nghiệm của tôi cũng không vô ích đối với quý vị quan tâm sức khỏe của mình: phòng bịnh hơn chữa bịnh.

ĐẠI HỌC HAY HỌC ĐẠI?

Phát biểu “dùng học phí làm rào cản kỹ thuật” gây bão dư luận. Không phê phán nữa cái tư duy hạn hẹp đó, tôi muốn đặt câu hỏi mà người phát ngôn này muốn nhắm tới: vì sao có quá nhiều người theo đuổi đại học đến nỗi mỗi năm, hàng trăm ngàn người ôm bằng đại học chạy xe ôm công nghệ nếu không muốn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành đào tạo. Tôi không nói tới một số rất ít thành công: học gì làm nấy.

Có mấy lý do, theo suy nghĩ hạn hẹp của tôi:

1- Vì thành tích thi đua, học sinh được xếp hạng học tập có thể cao hơn năng lực thật sự. Ví dụ như lớp học sinh giỏi nhiều hơn khá, khá nhiều hơn trung bình, trong khi theo “hình tháp học tập” thông thường thì ngược lại. Thành tích này khiến các em hăng hái “thẳng tiến” đại học.

2- Suy nghĩ “học” để “câu cơm” qua bằng cấp không phải học để biết “cầm” cần câu cơm đang rất phổ biến. Người đi học để trang bị kiến thức vào đời có thể rất hãn hữu.

3- Tư tưởng “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” hay “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng” vẫn còn nằm trong dòng máu con người Việt Nam - nhất là ở vùng nông thôn - coi đại học như là con đường “giải thoát” khỏi hoàn cảnh sống hiện tại không mấy vừa lòng mà không để ý đến học nghề,  “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

4- Sự xuất hiện ào ạt các trường đại học đủ loại, đủ hạng chứng tỏ “nghề giáo dục đại học” có vẻ khấm khá. Chưa thấy trường nào “ế ẩm” khi tuyển sinh viên theo học và phải phá sản.

5- Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học (gần như 99%) mỗi năm mỗi tăng do dân số tăng, không lên đại học thì…đi đâu?

6- Tiêu chuẩn đầu vào đại học mỗi trường mỗi khác nhưng nói chung “quý hồ đa nhưng không quý hồ tinh”.

7- Không phân luồng dứt khoát từ lớp 9 bằng thi cử để tuyển chọn học sinh có triển vọng lên đại học nhờ khả năng và học sinh học trường hướng nghiệp có thể ra đời làm việc nếu chẳng may không thi đậu vào đại học.

Tôi không phải là "nhà giáo dục" nên không thể đề ra giải pháp “rào cản” như vị giáo sư đại biểu quốc hội. Tôi chỉ biết so sánh. Tất nhiên, so sánh của tôi không dựa vào giáo dục nước ngoài. Giáo dục trong nước của chế độ VNCH. Nhiều người dè bỉu: sao cứ nhắc hoài “cái đã mất, cái đã “chết”. Mất nhưng giá trị nền giáo dục ấy có thể còn tham khảo được: đó là con đường đi cho học sinh sau trung học. Chế độ kéo dài chỉ 20 năm, chưa tới 10 năm yên bình không tiếng súng.

“Rào cản” của nền giáo dục VNCH là “siết chặt” đầu ra: từ cuối lớp 9, lớp 11, lớp 12 bằng thi cử nghiêm ngặt.

Có thời bằng trung học (cuối lớp 9) là nỗ lực rất lớn của học sinh. Người có bằng trung học (nếu không đi lính lúc đánh nhau) có thể xin đi học làm giáo viên tiểu học hay công việc hành chánh, kế toán trong guồng máy quốc gia.

Sau đó là tú tài 1 (cuối lớp 11) và tú tài 2 (cuối lớp 12). Tỷ lệ thông thường học sinh đậu tú tài 1 chừng hơn 50% và tú tài 2 chừng hơn 30% (thi kỳ 1 và “vớt” thêm một ít kỳ hai sau ngày khai giảng đại học. Nghĩa là số này sẽ đi học sĩ quan (chuẩn úy) hoặc ghi tên học vào các đại học tư thục nếu có đủ tiền đóng học phí). Số học sinh còn lại làm gì? Đi lính. Lớp 9 thì có thể vào lính học làm trung sĩ. Tú tài 1 thi rớt tú tài 2 thì đi sĩ quan Thủ Đức (chuẩn úy) nếu không hoãn dịch vì lý do gia cảnh (ví dụ: con trai  độc nhất – dù có chị hoặc em gái -  trong gia đình có cha mẹ già trên 60 tuổi…)

Ngoài hệ thống trường phổ thông còn có hệ thống trường trung học kỹ thuật và nông lâm súc ở mỗi tỉnh. Học sinh không thi đậu vào trường công lập, không có điều kiện học trường tư thục, hoặc yêu thích nghề thì thi (dễ hơn trường phổ thông) vào các trường hướng nghiệp, và không phải đóng tiền, vì là trường công lập. Học sinh các trường này tham gia thi tú tài 1, tú tài 2 như các trường phổ thông, cả thi vào đại học nếu muốn. Học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa. Không đậu đại học thì họ cũng có một cái nghề trong tay. Trong chiến tranh, người ta vẫn nghĩ đến hòa bình: những học sinh có “tay nghề”, vừa có thể xin việc trong các xí nghiệp, công xưởng nếu là nữ hoặc nằm trong diện hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Hòa bình họ sẽ là lực lượng đóng góp cho phát triển kinh tế thời hậu chiến.

Riêng học sinh nữ không phải đi lính, họ dường như là lực lượng chiếm đa số trong các lĩnh vực không phải là quân đội như trường học, các bịnh viện, tổ chức tôn giáo.

Tú tài 2 thì ghi danh (không phải thi) vào ba trường Văn Khoa, Khoa Học, và Luật Khoa. Các trường Y, Dược, Sư Phạm, Kỹ sư Phú Thọ, Nông Lâm Súc, các trường đào tạo y tá, điều dưỡng (thành phố lớn mới có) đều tổ chức thi. Về quân đội, có trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, đào tạo sĩ quan hiện dịch, trường sĩ quan trừ bị Thu Đức. Về hành chính có trường Quốc gia hành chánh đào tạo công chức, thi vào rất khó, vì có học bổng, ra trường phục vụ guồng máy hành chánh quốc gia (thường là quận phó hành chánh, trưởng phòng cấp tỉnh, có khi là phó ty trưởng).

Theo chỗ tìm hiểu của tôi, số sinh viên ra trường đều dễ dàng có công ăn việc làm, đa phần trong ngành giáo dục, y tế… số ít khác trong guồng máy hành chánh quốc gia. Như vậy, học sinh (từ lớp 9 trở lên) đều có thể đóng góp nguồn lực lao động cho xã hội.

Có lẽ chiến tranh tạo ra nhiều “việc làm” (nam thi hỏng, không làm gì cả thì…đi lính) nhưng rõ ràng, đầu ra của đại học, chính quyền Sài Gòn tổ chức chặt chẽ: “cung” không hề đủ cho “cầu”. Họ chẳng bao giờ “đào tạo đại trà” để đáp ứng đủ nhu cầu xã hội thời chiến tranh. Quý hồ tinh không quý hồ đa. Đây là lý do tại sao cử nhân hay kỹ sư không phải chạy xe ôm công nghệ. Trong chiến tranh, chất lượng giáo dục vẫn được họ coi trọng. Không vì “cầu” mà họ thả lỏng “cung”.

Vì sao như thế? Trừ các trường tư thục, hệ thống trường của nhà nước từ tiểu học đến đại học đều không thu của học sinh một khoản nào và những người làm trong ngành giáo dục đều có cuộc sống tương đối đầy đủ dù trong chiến tranh, vật giá mỗi ngày một leo thang. Giáo viên cấp 3 (chỉ số 470) lương cao hơn lương phó quận trưởng (chỉ số  450).

Đâu nhất thiết học phí cao thì chất lượng giáo dục nâng cao (trừ khi quý vị thi đậu vào Harvard, Mỹ) Trong hệ thống giáo dục VNCH, chỉ những người giỏi, không kể giàu hay nghèo đều học tập không mất tiền. Cơ hội giáo dục luôn luôn bình đẳng.  Hai người bạn tôi: một “nghèo rớt mồng tơi”, một “giàu nức nở” ở phố Hội An đều lấy học bổng du học Mỹ, Canada. Chất lượng đào tạo và bằng cấp từ trường công bao giờ cũng cao hơn các trường tư. (Trừ một số ít trường trung học tư thục dạy song ngữ Việt- Pháp ở Sài Gòn và một vài thành phố lớn như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang).

Người làm giáo dục lấy lý tưởng khai dân trí làm đầu, không bận rộn với “đồng tiền liền khúc ruột”, thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn. Lúc đó người ta không còn lo sợ “lạm phát” sinh viên, buộc phải lấy đồng tiền làm rào cản kỹ thuật ngăn học đại học không thành học đại.

TỪ CHỨC?

Báo Tuổi Trẻ có bài viết yêu cầu hai vị quan chức đi đánh golf trong thời dịch phải từ chức. Yêu cầu này chỉ là gió thoảng.

Cả nước hướng về nơi dịch bịnh nặng nề nhất: Sài Gòn. Hàng trăm ngàn người lao động khốn khó vì mất việc. Hàng trăm ngàn công nhân “tha phương cầu thực” hốt hoảng tháo chạy như tránh giặc, trở về nơi quê nhà trên con đường dài thăm thẳm, bằng xe máy, có người đi bằng chân, bằng xe đạp. Họ vật vã trên con đường dài hun hút để tìm về nơi nương náu quê nhà. Lề đường bụi bặm là chỗ nghỉ đêm sau hành trình dài mỏi mệt, thiếu thốn cơm nước. Trẻ thơ ôm chặt lấy mẹ. Mẹ trẻ ôm chặt lấy con. Chiến tranh chấm dứt gần nửa thế kỷ. Họ vẫn còn tháo chạy như chạy nạn hay sao?

Là người trên 65 tuổi, tôi được đi chích ngừa. Ra khỏi nhà trong thời giãn cách lần đầu tiên. Phải mất gần 5 giờ tôi mới được tiêm vì số người khá đông so với sức làm việc của bộ phận y tế. Các y bác sĩ và nhân viên tất bật làm việc. Trong bộ đồ ni lông bảo hộ, gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi và căng thẳng. Thời tiết Sài Gòn mùa hạ. Ngồi cách nhau hai mét, chúng tôi cũng đổ mồ hôi, huống chi họ tù túng trong bộ đồ bịt kín hằng ngày. Tôi không hình dung nổi các vị y bác sĩ, nhân viên y tế, vất vả ngần nào nếu làm trong bịnh viện điều trị những bịnh nhân COVID.

BIẾN CHỦNG DELTA CÓ THỂ KẾT THÚC ĐẢNG CSTQ.

(The Delta Variant Could End The Chinese Communist Party).

Biến thể Delta đang lan nhanh khắp nước và Bắc Kinh không có đáp án cho tình hình mới căng thẳng, ngoài các biện pháp khốc liệt, độc tài toàn trị — và đổ lỗi cho người nước ngoài. Hàng triệu dân Trung Quốc hiện đang bị phong tỏa. Các ca nhiễm gần đây tạo thành đợt bùng phát coronavirus trên diện rộng nhất kể từ cơn dịch tấn công Trung Quốc lần đầu tiên, khoảng cuối năm 2019.

Sự bùng phát - nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà chức trách - đang giết lần mòn những lời tuyên truyền nòng cốt của Đảng Cộng sản.

Trung Quốc theo dõi một loạt ca nhiễm mới nhất từ chuyến bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Lộc Khẩu, Nam Kinh, từ Nga vào ngày 20 tháng 7. Chín công nhân sân bay có kết quả dương tính sau khi làm vệ sinh máy bay.

Kể từ đó, Covid lan khắp Trung Quốc, lây nhiễm sang người dân gần phân nửa 33 tỉnh, thành phố, các khu vực khác của đất nước. Bloomberg News cho biết: “Delta phá vỡ hệ thống phòng thủ vi-rút của TQ, một trong những hệ thống nghiêm ngặt nhất thế giới.

Delta đang xuất hiện ở những nơi không có ca nhiễm nào được ghi nhận trong nhiều tháng. Mối quan tâm đặc biệt của chế độ là cụm dịch Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của dịch bệnh. Theo báo cáo của Bloomberg, tình trạng không ca niễm nào ở thành phố là “niềm tự hào của Trung Quốc”.

Covid cũng đến được Bắc Kinh, trung tâm của quyền lực Trung Quốc. Ở đó, các giới hạn đi lại rất nghiêm ngặt. Người đi lại bây giờ không được phép vào thành phố trừ những trường hợp cần thiết và có giấy xét nghiệm âm tính. Nhân viên chính phủ và doanh nghiệp nhà nước không được rời khỏi thành phố. Dân chúng Bắc Kinh được yêu cầu không đi nơi khác "trừ khi quá cần thiết."

Có hơn 30 đợt bùng phát trên khắp Trung Quốc sau các trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán vào năm ngoái, bao gồm một đợt bùng phát đặc biệt nghiêm trọng tấn công các cảng biển tỉnh Quảng Đông cuối tháng năm năm 2020. Tuy nhiên, các biện pháp hà khắc của TQ dường như thành công trong việc cô lập các ca COVID-19. Đầu năm ngoái, Đảng bắt đầu đối phó vi-rút như một bằng chứng ưu việt của hệ thống chính trị của mình so với “nền dân chủ phương Tây”.

Thật không may cho các nhà cầm quyền Trung Quốc, các chiến thuật toàn trị không hiệu quả với biến thể Delta ngoan cố. Không giống chủng bịnh khác, vi rút corona càng dễ lây lan hơn, độc lực càng cao hơn qua thời gian. Kết quả là Delta hiện đang giết chết niềm đắc thắng của Đảng CSTQ.

Vì vậy, cơn dịch lây lan toàn quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Đảng. Hiện tại, Delta đang tạo hiểm nguy cho nhiều nước trên thế giới, nhưng Trung Quốc dường như là nước duy nhất, biến thể này có thể kết thúc nhiệm kỳ của tầng lớp cầm quyền.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tuyên giáo của Đảng nổi khùng trong tháng trước khi Bloomberg xếp Hoa Kỳ là số 1 trên thế giới về chống chọi Covid. Cơ quan ngôn luận chính thức, Nhân Dân nhật báo, nhận xét: “Một trò đùa”. Tuy nhiên, hạ thấp Hoa Kỳ chẳng giải quyết được vấn đề chính của Đảng.Trong năm loại vắc-xin ngừa corona của Trung Quốc chẳng có loại nào đặc biệt hiệu quả.

Bắc Kinh, tuyên bố chích hơn 1,5 tỷ liều vắc-xin ở Trung Quốc, báo cáo 40% số dân tiêm chủng đủ hai mũi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết vắc xin của Trung Quốc “vẫn có thể tác dụng phòng ngừa và bảo vệ tốt” đối với chủng Delta, nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra khi các nước quay lưng lại với vắc xin Trung Quốc nếu họ có chọn lựa. Hầu hết các trường hợp nhiễm mới tại Nam Kinh đều ở người đã tiêm chủng.

BÙNG PHÁT DELTA KHỐC HẠI, ĐÔNG NAM A NGOẢNH MẶT VỚI VẮC XIN TRUNG QUỐC

(Ravaged by delta outbreak, Southeast Asia shifts away from China’s vaccines)

Các nước Đông Nam Á từng triển khai rộng rãi vắc-xin Trung Quốc đang quay lưng lại với các mũi chích tiếp và thay vào vắc-xin phương Tây khi họ ngăn chặn một cách khốn đốn các đợt bùng phát chết chóc bởi biến chủng Delta.

Một công nhân mở thùng chứa vắc xin Moderna của Mỹ gửi tặng tại sân bay Jakarta hôm 1 tháng 8. (Antara Foto/Reuters)

Thay đổi thái độ trong khu vực TQ cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ làm lộ rõ sự hạn chế ngoại giao vắc-xin của Bắc Kinh. Các quốc gia như Indonesia và Thái Lan từng đặt lòng tin vào Sinovac TQ, bỏ ngoài tai cảnh báo của các chuyên gia y tế, hệ thống y tế đang gồng mình với sức ép khi biến chủng Delta xé toạc các thành phố lớn nhỏ. Số người chết ở Indonesia vượt qua 100.000.

Phó giáo sư khoa chính trị đại học quốc gia Singapore, nghiên cứu sự cạnh tranh Trung -Mỹ ở châu Á, Tống Gia An nói: “Thực tế hiện nay cho thấy sự khác biệt quá rõ giữa những lời khoe khoang triển khai chích ngừa với việc cả quyết chúng hiệu quả cao, thậm chí có rất ít dữ liệu về vắc xin”. Ông ta nói thêm, sự thay đổi cho thấy “thật nguy hiểm biết bao khi cố biến đại dịch, cùng với hiểm họa mạng sống con người, trở thành một loại công cụ tuyên truyền”.

BỐN CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM

Cái chết thương tâm xảy ra hôm 23, ngày đưa ông Táo, tại hẻm Tam Khương, Đống Đa, Hà Nội. Xin chia buồn cùng gia đình nạn nhân.

Sự vụ đang được điều tra. Nhân chứng ở gần đó cho biết, có 4 thanh niên trọ cùng phòng, làm tiệc tổ chức đưa ông Táo về trời, có rủ thêm một người bạn. Sau tiệc, 1 người ngủ trên gác, 3 ngủ dưới trệt. Một người khoá cửa sắt bằng 2 vòng khoá xích, đi uống trà đá. Hơn 1 giờ sau, người này trở về và tá hỏa thấy nhà mình cháy dữ dội, nhất là 3 chiếc xe máy, bốn người bạn chìm trong lửa, không ai còn sống.

Anh bảo vệ gần đó còn kể tiếp, khi chưa cháy, cửa mở, anh thấy trên sân 6 m2, có dựng 3 chiếc xe máy, bên góc sân có 1 thau nhôm đang cháy nghi ngút khói. Sau đó, các anh em vào tiệc. Khoảng 1 giờ sau, vụ cháy xảy ra. Và cửa sắt khóa kỹ.