Saturday, February 3, 2024

CÁCH THỨC QUÁ KHỨ TRUNG HOA HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH – VÀ THẾ GIỚI QUAN CỦA ÔNG TA.

(How China’s past shapes Xi's thinking - and his view of the world)

TQ giờ đây là một siêu cường, mấy chục năm trước chưa ai nghĩ tới. Sức mạnh nước này đôi lúc là kết liên với thế giới bao la hơn, ký kết hiệp ước khí hậu Paris là một ví dụ.

Hoặc đôi khi là cạnh tranh - như Sáng kiến một vành đai, một con đường, mạng lưới xây dựng hạ tầng cơ sở với hơn 60 quốc gia, đổ đầu tư vào nhiều nơi trên thế giới không mượn được vốn phương Tây.

Tuy nhiên, luận điệu với thế giới mang âm hưởng khá đối đầu. Bắc Kinh lên án Hoa Kỳ tìm cách “ngăn chặn” TQ qua hiệp ước chế tạo tàu ngầm (Úc-Anh-Mỹ), cảnh cáo Vương quốc Anh sẽ lãnh “hậu quả” nếu để người Hong Kong nhập tịch vì luật An ninh hà khắc, và còn bảo đảo quốc Đài Loan nên chuẩn bị (tinh thần) thống nhất với đại lục.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định vị thế TQ trên trường quốc tế, mạnh mẽ hơn bất cứ người tiền nhiệm nào kể từ Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao trong thời chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, các yếu tố để ông ta cao giọng dựa vào nền tảng lâu đời trong quá khứ lịch sử, cả xưa và nay.

ĐƯỜNG LỐI KHỔNG GIÁO

Hơn 2000 năm, tư tưởng Nho giáo định hình xã hội Trung Hoa. Triết gia Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) thiết lập hệ thống đạo lý tôn ti trật tự, xác định vị trí người dân trong xã hội, dựa vào NHÂN (benevolence) để cai trị dân, bề trên chăm lo bề dưới.

Thích nghi qua thời gian, hệ Khổng giáo làm bệ đỡ cho các triều đại Trung Hoa cho đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), khi cuộc lật đổ vị vua cuối cùng dấy lên phong trào đả kích dữ dội Khổng Tử và di sản của ông, bởi các thành phần quá khích, trong đó có cả Đảng Cộng sản. Một đảng viên CS, ông Mao Trạch Đông, căm thù sâu sắc triết lý truyền thống Trung Hoa những năm ông nắm quyền (1949-1976). Nhưng đến 1980, Khổng Tử trở lại với xã Hội TQ, đảng CS ca tụng là biểu tượng sáng chói, với nhiều giáo huấn cho một Trung Quốc đương đại.

Ngày nay, TQ đề cao “nhân hòa”, xem nó là “giá trị xã hội”, ngay cả khi nó vẫn còn hơi hướm Nho giáo. Trong quan hệ quốc tế, đề tài nóng vẫn là vấn đề, làm thế nào NHÂN ("benevolence" (ren), chữ của Khổng Tử, có thể định hình quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài. Giáo sư Dương Thiệu Hùng, đại học Thanh Hoa, từng viết TQ nên dùng “nhân trị” ("benevolent authority) hơn là “khuất phục” ("dominance") để đối lại những cái ông cho là vai trò “kém nhân trị” của nước Mỹ. Ngay tư tưởng Tập Cận Bình về “cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh” cũng mang hơi hướm triết lý này – và Tập đi thăm nước Lỗ, nơi sinh Khổng Tử, trích dẫn công khai lời dạy của vị “vạn thế sư biểu”.

THẾ KỶ Ô NHỤC

Những cuộc đối đầu lịch sử thế kỷ 19, 20 vẫn hằn sâu nếp nghĩ của người Trung Quốc về thế giới.

Chiến tranh Nha phiến giữa thế kỷ 19 chứng kiến những nhà buôn phương Tây dùng bạo lực để mở cửa Trung Hoa. Phần lớn thời gian từ thập niên 1840 đến thập niên 1940 được nhớ tới như “một thế kỷ ô nhục”, một thời tủi hờn biểu hiện sự nhu nhược của Trung Hoa khi đối diện với sự xâm lược của người phương Tây và người Nhật Bản. Cái giai đoạn mà TH phải nhường Hong Kong cho Anh quốc, lãnh thổ đông bắc Mãn Châu cho Nhật Bản, cùng với nhiều đặc quyền thương mại cho hàng loạt nước phương Tây. Vào giai đoạn hậu chiến, chính Liên Xô còn tạo ảnh hưởng của họ lên các vùng biên giới giáp ranh – Mãn Châu và Tân Cương.

Kinh nghiệm quá khứ ấy tạo ra mối hồ nghi đối với các ý định của thế giới bên ngoài. Ngay cả các động thái có vẻ hình thức, như việc chấp nhận TQ vào WTO năm 2011, về cảm nhận tinh thần, vẫn bị xem là “các thỏa thuận bất công” khi nền thương mại TQ bị các nước ngoài chế ngự - một tình huống mà ngày nay đảng CSTQ quyết không bao giờ để xảy ra lần nữa.  Hồi tháng ba năm nay, cuộc họp toàn thể đầy khúc mắc giữa các nhà đàm phán Trung-Mỹ ở Alaska, người ta thấy người TQ phản bác người Mỹ với chỉ trích nước chủ nhà “trịch thượng, đạo đức giả”. TQ của Tập không chịu nổi ý tưởng người ngoài xem thường họ mà tránh khỏi trừng trị.

ĐỒNG MINH KHÔNG TÊN (Forgotten ally)

Tuy nhiên, ngay cả các biến cố khủng khiếp cũng đưa lại nhiều thông điệp bổ ích hơn. Một thông điệp như thế đến từ giai đoạn thời đệ nhị thế chiến, Trung Hoa chiến đấu đơn độc với Nhật sau khi bị xâm chiếm năm 1937, trước cả lúc các đồng minh phương Tây tham gia chiến tranh châu Á ở Trân Châu Cảng năm 1941. Trong các năm đó, TH hy sinh hơn 10 triệu người, cầm cự với hơn nửa triệu quân Nhật ở lục địa, một chiến công vinh danh lan tràn trên sách vở, phim ảnh, truyền hình.

Trung Quốc ngày nay tự thể hiện họ là thành viên “đồng minh chống phát xít” bên cạnh Hoa Kỳ, Anh quốc và Liên Xô, tự cho mình là nền tảng đạo lý để nhắc cho thế giới thấy vai trò của họ là người chiến thắng chống phe Trục (Đức-Ý-Nhật)

TQ còn dựa vào vai trò lịch sử - lãnh đạo thế giới thứ ba, thời Mao (ví dụ tại hội nghị Bandung 1955, và các dự án như thiết lập đường sắt tại đông Phi thập niên 1970) để đánh bóng thành tích là nước đứng đầu trong thế giới không có phương Tây.

Lịch sử hiện đại vẫn còn quan trọng cho tính chính danh của họ. Tuy một số yếu tố lịch sử đó – nhất là nạn đói kinh hoàng gây ra bởi chính sách kinh tế tai họa của Đại Nhảy Vọt từ 1958 đến 1962- hầu như bị lãng quên trong một TQ ngày nay. Và một số cuộc chiến tranh đương đại còn được sử dụng với mục đích xách động nhiều hơn. Một năm sóng gió quan hệ Mỹ-Trung là một năm xuất hiện nhiều bộ phim mới, kỷ niệm cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cuộc xung đột mà người TQ nhớ tới với một cái tên khác “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

CHỦ NGHĨA MÁC

Con đường lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê vẫn hằn sâu trong tư tưởng chính trị ở người TQ, lại đang được hồi sinh mạnh mẽ thời Tập Cận Bình.

Cả thế kỷ 20, Mao Trạch Đông và các lãnh đạo chính trị cộng sản cao cấp mở ra các cuộc tranh biện lý thuyết về chủ nghĩa Mác, hậu quả thật khôn lường.  Lấy ví dụ, khái niệm “đấu tranh giai cấp” đưa đến việc sát hại hàng triệu địa chủ trong những năm đầu cầm quyền của Mao. Ngay cả “giai cấp” không còn ưu tiên trong sự định hình xã hội, ngôn ngữ chính trị ngày nay vẫn hình thành bởi ý tưởng “đấu tranh”, “đối kháng”, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” đối nghịch với “chủ nghĩa tư bản”.

Các tạp chí lớn, như tờ Cầu Thị thuộc cơ quan tuyên giáo của đảng, đều đặn lập luận “mâu thuẫn” trong xã hội TQ là dựa vào lý thuyết mác-xít. TQ của Tập định nghĩa cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cuộc đấu tranh có thể hiểu là sự “đối kháng”, theo chủ nghĩa Mác. Điều đó cũng đúng đối với các lực lượng kinh tế trong xã hội, sự tương tác của chúng – những khó khăn trong phát triển kinh tế và giữ sự phát triển ấy lành mạnh thích hợp được lý giải qua sự mâu thuẫn. Theo chủ nghĩa Mác cổ điển, khi bạn đạt đến điểm thống nhất, hoặc sự tổng hòa, thì trước đó phải kinh qua những giai đoạn “đối kháng” thường đau đớn, kéo dài. (Gọi là thời kỳ quá độ?)

VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN

Bắc Kinh nhấn mạnh số phận không thể lay chuyển của đảo Đài Loan họ luôn minh định phải thống nhất với lục địa Trung Hoa.

Tuy nhiên, lịch sử thế kỷ qua của Đài Loan cho thấy vấn đề hiện trạng của nó mờ nhạt trong nền chính trị Trung Hoa. Năm 1895, sau cuộc chiến đẫm máu với Nhật Bản, TH buộc phải mất Đài Loan, để nó trở thành thuộc địa của người Nhật nửa thế kỷ tiếp theo. Từ 1945 đến 1949, Đài Loan thống nhất ngắn ngủi dưới chính quyền quốc gia. Dưới thời Mao, TQ bỏ lỡ cơ hội thống nhất đảo quốc; chính quyền Truman của Mỹ lẽ đáng trao trả lại cho Mao nếu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không tham gia cùng người Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn năm 1950, đưa đến Chiến tranh Triều Tiên, bất ngờ biến Đài Loan thành đồng minh trọng yếu trong chiến tranh lạnh.

Mao tổ chức tấn công bờ biển Đài Loan năm 1958, nhưng rồi quên đi lãnh thổ này 20 năm sau đó. Sau khi Hoa Kỳ và TQ tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, có một thỏa thuận không mấy dễ dàng, theo đó các bên nhất trí Một Trung Quốc, nhưng lại không nhất trí chế độ Bắc Kinh hoặc Đài Loan, bên nào là nước cộng hòa chính danh.

Bốn mươi năm trôi qua, Tập Cận Bình khẳng định phải sớm thống nhất trong lúc luận điệu hiếu chiến và số phận Hong Kong khiến cho công chúng Đài Loan – công dân tự do dân chủ - ngày càng căm ghét liên hệ gần hơn với lục địa Trung Hoa.

Ảnh đăng trong bài báo:

NHỚ BẠN

Nhớ Huỳnh Ngọc Minh. Nén nhang cho bạn.

“Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác,

Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác." (Nguyễn Khuyến)

Lũ học sinh chúng tôi thời chiến tranh chỉ biết có học và học. Súng đạn sẽ đè lên vai nếu trò nào thi hỏng khi ở tuổi mười tám đôi mươi. Cùng một lớp, mấy chục năm sau, có một số bạn chúng tôi quên tên nhưng vẫn còn nhớ nét mặt "quen quen" khi lần đầu gặp mặt, họp lớp, họp trường. Trừ bạn nào học thật xuất sắc, hoặc quậy phá nhất lớp, một vài người bạn thân còn liên lạc, (đặc biệt cô bạn mình thầm yêu trộm nhớ), đố ai mà nhận ra nhau lần đầu tiên gặp gỡ. Các bạn học cùng cấp khác lớp lại càng ít biết nhau.

Huỳnh Ngọc Minh là người như thế đối với tôi. Lần đầu họp mặt tại khách sạn có hồ bơi của bạn Phạm Mậu ở Hội An, tôi mới biết anh, người gọi tên tôi trước khi tôi biết tên anh. Gặp gỡ lần đầu, nụ cười chứ không phải câu chuyện tiếp theo làm cho ta ấn tượng rất nhiều. Minh có nụ cười như thế. Cái cười của Minh dường như không giữ lại chút gì, cười toe, cười toét, rất sảng khoái. Nước mắt có thể đánh lừa ta nhưng nụ cười thì không.

Minh nói về tôi như là hai bạn từng thân nhau. Anh bảo Vệ Văn Lẫm và tôi là hai người từng làm sơ-mi môn tiếng Anh lớp đệ nhị và đệ nhất. "Làm sơ-mi" có nghĩa là học sinh cao điểm nhất mới được cô giao cho việc thống kê hồ sơ điểm cao thấp. Oai ra phết. Minh không học lớp tôi nhưng biết tôi khá ngoại ngữ. Điều ấy chứng tỏ Minh quan tâm tới tôi. Trong cuộc sống, được ai quan tâm, ta cảm thấy rất hạnh phúc, dẫu đó là chuyện không đâu, dẫn đầu lớp môn học qua gần nửa thế kỷ.

Rồi cuốn hút vào chuyện bù khú, to giọng sang sảng với nhau những chuyện "tù hi tút hít" (tiếng Quảng: chuyện xưa) thời đi học, chúng tôi không có dịp nói chuyện nhiều hơn.

Một hay hai năm sau đó, tôi gặp lại Minh tại nhà người quen của bạn tôi Nguyễn Nam, cô Diệu Nhân ở Đà Nẵng. Tại đây tôi hội ngộ cô bạn gái thời còn đi học. Mấy chục năm tôi vẫn không quên cô học trò, người con gái có nước da trắng muốt vùng quê Đại Lộc. Nhưng câu chuyện chúng tôi hồ hởi không phải nhờ những câu chuyện kể về kỷ niệm thời còn đi học. Hồ hởi nhờ cách pha trò hài hước của Minh. Bằng nụ cười "không biên giới", bạn diễn tả ý muốn nói của người này với người kia qua "diễn ngâm", những câu thơ vần điệu, khi trầm khi bổng, khi lên khi xuống, khi gấp rút lúc khoan thai...cốt để chúng tôi hoác miệng cười tở mở. Và cũng với nụ cười cùng ánh mắt lộ hẳn niềm vui, Minh kết thúc bài...vè pha thơ, bông lơn, hài hước với những tràng pháo tay của chúng tôi. Minh làm cuộc chuyện trò trở nên vui nhộn. Buổi tiệc kết thúc, anh vỗ vai tôi, "mi giỏi lắm nghe". Lâng lâng hơi rượu, tôi cũng ngất ngây lời khen của Minh dù không rõ Minh khen tôi giỏi cái gì.

Lần thứ ba gặp lại Minh tại nhà bạn Khánh. Tay bác sĩ qua Mỹ rồi trở về này có tính khí khá xương xẩu. Hắn rất tốt bụng nhưng bất kỳ lời nói nào của nó cũng làm bạn bè hơi bất mãn nếu chỉ nghe lần đầu. Minh xuất hiện trong bữa tiệc hình như sau chúng tôi. Nhưng khi anh cất tiếng "ngâm" vè pha thơ để diễn đạt một ý gì đó của nhóm bạn mới nói ra thì cuộc vui hào hứng hơn lên. Lão chủ nhà khó tính cũng tham gia cười phớ lớ. Minh thành công trong bữa tiệc: mang nụ cười đến cho mọi người. Cái cách diễn thành vần điệu những ý nghĩ người khác mới xuất hiện gần đây hay đã từ lâu ở bạn Minh, tôi không rõ.

Và đây là lần cuối cùng tôi gặp lại Minh lúc mừng thầy Trừng chuẩn bị đi Mỹ. Lai những nụ cười không biên giới của Minh. Ao ước trở về quê hương lần nữa để gặp Minh không còn. Bạn đi nhưng tôi vẫn nhớ nụ cười của bạn. Yên nghỉ với nụ cười của mình, nghe Minh.

Ảnh: Minh ngồi sát tác giả tóc bạc (đứng cuối bìa trái).

VIỄN KIẾN CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO

1.11.1963 là ngày đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm. Cục diện chiến tranh Việt Nam đi qua bước ngoặt quan trọng: Sự can thiệp ra mặt của người Mỹ vào nội tình chính trị miền Nam Việt Nam, một trong điều ông Ngô Đình Diệm lo lắng và không muốn: Mỹ đưa quân vào VN.

Tầm nhìn này được cựu đại sứ VNCH tại Mỹ, ông  Bùi Diễm (con trai cụ Bùi Kỷ, cháu Trần Trọng Kim), vừa qua đời ở tuổi 95, chia sẻ trong cuốn hồi ký Trong Gọng Kìm Lịch Sử (bản tiếng Anh chính ông viết: In The Jaw Of History):https://nhatbook.net/gong-kim-lich-su-bui-diem-2019/

“Nếu chỉ nhìn bề mặt của miền Nam Việt Nam vào mùa thu 1967, thì quả thực về cả hai phương diện chính trị và quân sự, tình hình chung đã được cải thiện nhiều so với hai năm về trước, và cuộc bầu cử năm ấy có thể được coi như một cao điểm của cả một giai đoạn. Biểu tình, xáo trộn, đảo chính, tất cả đã nhường chỗ cho những hoạt động chính trị bình thường, một chính phủ hợp hiến, một tình trạng ổn định, ngoài ra cũng không còn mối đe dọa bị tràn ngập bởi một cuộc tấn công của đối phương. Thế nhưng chiến tranh cứ kéo dài, vì vậy mà dưới bề mặt phẳng lặng, người ta vẫn thấy ẩn hiện một số vấn đề phức tạp mà nhiều người cho rằng đã bắt nguồn ngay từ bản chất của cuộc chiến. Vì mặc dầu sự can thiệp của Hoa Kỳ có giúp nhiều cho Việt Nam, chính sự can thiệp đó cũng lại tạo nhiều khó khăn. Chiến tranh càng kéo dài bao nhiêu, thì sự có mặt của gần nửa triệu quân đội Hoa Kỳ và hàng ngàn cố vấn đủ loại, càng làm cho nhiều người Việt Nam thắc mắc. Họ nhận thấy là người Mỹ có mặt gần như ở mọi lãnh vực trong đời sống hàng ngày của họ. Họ không mấy vui lòng vì Việt Nam phải lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ. Tuy người Mỹ không hống hách như người Pháp thời Việt Nam còn là thuộc địa Pháp, nhưng họ vẫn tự hỏi làm thế nào giữ được chủ quyền, nếu người Mỹ lúc nào cũng đứng đằng sau nắm giữ mọi việc từ cách soạn thảo các chương trình phát triển kinh tế cho đến việc điều động chiến cuộc” (trang 257).

Người Việt Nam vốn "dị ứng" với người ngoại bang, dù đó là ngoại bang Mỹ. Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận định đúng: Cần viện trợ Mỹ, không cần quân đội Mỹ. Sự có mặt của họ là cái cớ để đối phương tuyên truyền "chống Mỹ cứu nước". Sau Ngô Đình Diệm không có gương mặt chính trị nào ở Sài Gòn tương xứng tầm vóc của ông. Người Mỹ trả giá đắt (trên 58 ngàn người và một nước Mỹ chia rẽ) vì không hiểu văn hóa VN, người Việt Nam.

Bùi Diễm (người đứng quay lưng) nói chuyện với tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson.

LUẬN VỀ ANH HÙNG

"Cuộc đời như mây nổi như gió thổi như chiêm bao".

Ngắt câu này ra khỏi một bài thơ dài của Nguyễn Công Trứ không nói lên ý muốn của tôi. Cuộc đời sao mà ảm đạm. Không phải như thế. Người yêu cuộc sống hăm hở nhất trong các nhà thơ "cổ" VN không ai ngoài Uy viễn tướng công.

Từ lúc làm người quảy đạo cụ cho gánh hát nói (hát ả đào), ông đã tỏ ra yêu đời lắm lắm.

Còn thiếu niên nhưng Uy viễn tướng công rất yêu phụ nữ xinh đẹp. Thấy đôi gò "bồng đảo" của người đào chính, Nguyễn Công Trứ không kìm giữ được khao khát gái trai. Ông không cưỡng nổi khi thấy: "Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm. Một lạch đào nguyên nước chửa thông"(Hồ Xuân Hương).

Khi là đại tướng, vốn yêu đào nữ, ông mời đoàn hát nói về phủ, tình cờ có "giai nhân xưa" cất tiếng hát, "Giang sơn một gánh giữa đồng; thuyền quyên "ứ hự" anh hùng nhớ chăng ?". Sao không nhớ chứ; quãng thời gian làm thuê gánh mướn, giữa đồng, làm chuyện "thuyền quyên" trong đêm tối... đến nỗi giai nhân "ứ hự", nhắc nhở "thằng nhóc ranh", ông  bèn lấy nàng làm hầu thiếp (Trai năm thê bảy thiếp).

Chỉ học một bài thơ của một thi sĩ, lũ học sinh chúng tôi bỗng yêu người rồi yêu đời. Đọc tiểu sử của Nguyễn Công Trứ, chúng tôi muốn: " Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả trả vay. Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể"

Thơ văn nung nấu ý chí con người. Thời buổi chúng tôi trong chiến tranh, ý chí ấy lại nung nấu... nồi da xáo thịt.

Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh là những anh hùng nằm sâu trong lòng đất, tên tuổi nêu danh khắp mọi miền. Anh hùng thời đại Nguyễn Công Trứ: "Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong. Chí những toan  xẻ núi lấp sông. Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.. Đường mây rộng thênh thênh cử bộ. Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo. Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu".

Anh hùng của Nguyễn Công Trứ không là tượng đài, không là những bài học lịch sử, không là lăng miếu chứa xác anh hùng. Anh hùng của Nguyễn Công Trứ chỉ là: "Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo".

Nguyễn Công Trứ.

BUỒN

Lướt Facebook thấy tin một dân biểu đề xuất làm “du lịch thiên tai”, tôi vô cùng phấn khởi, lần đầu tiên rất phấn khởi sau mấy tháng trầm uất vì COVID-19.

Giá như vị dân biểu này đề xuất sớm “thiên tai đem lại tiền tài “ mấy tháng trước ở thành phố Hồ Chí Minh thời “ai ở đâu, ở yên đó “, bà sẽ là người được ghi danh trong lịch sử, chỉ kém hơn hai Bà Trưng chuyện nhảy xuống sông tuẫn tiết.

Vốn dân gốc miền Trung, tôi cũng như cha ông tôi thấm đòn thiên tai lưu cữu biết bao đời. Thiên tai miền Trung thường là lũ, lụt, bão tố. Thiên tai từ xưa cho đến bây giờ đồng nghĩa với đau thương: cửa nhà tan nát, ruộng đồng tan hoang, không thiếu những cái chết đau đớn, xót xa. Thiên tai đe dọa cuộc sống yên bình của mọi người dân sống trong vùng dễ lũ lụt. Mỗi lần có thiên tai, nhất là ở miền Trung nghèo khổ, có cả quê hương của bà dân biểu, cả nước xót xa.

Nhưng bà thì không thấy xót xa. Bà chỉ thấy hạnh phúc: du lịch để duy trì hạnh phúc. Người quý trọng hạnh phúc là người đi du lịch nhiều. Có khi, theo suy nghĩ của bà dân biểu, một người mẹ ướt sũng nước mưa, ăn bận rách rưới, ngước đôi mắt khẩn cầu, chân lội lõm bõm trong nước lũ, chìa hai cánh tay gầy yếu  ra để nhận lấy thùng mì gói cứu trợ là hình ảnh đáng để khách du lịch giơ cao IPhone chụp một pô hình ”sinh thái”?

Có khi tôi hàm oan cho bà dân biểu? Thôi, tôi chỉ nhận xét mấy dòng.

- Du lịch luôn phát triển, một phần, nhờ an toàn. Không ai mất trí ngồi trên ghe, trên du thuyền, để ngắm lũ, nhìn lụt. Chưa kể khi sắp bão, sắp lũ, chính quyền cấm người dân đi lại vì an toàn cho họ.

- Thiên tai xảy ra, mọi người đều phải lo lấy mạng sống. Người nào hay tổ chức nào còn lòng dạ mà lo tua du lịch?

- Thiên tai đồng nghĩa với giới nghiêm hoặc tình trạng khẩn cấp. Mất trí mới nghĩ tới du lịch. Mất trí mới đánh đổi "tham quan" bằng mạng sống.

- Hồng và chuyên là hai tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ. Vị dân biểu này chắc chắn phải hội đủ hồng và chuyên, nghĩa là Đức và Tài . Không tài đức làm sao đại diện cho dân? Than ôi, bà này bị bầu nhầm phiếu, đức- cảm thương dân trong thiên tai không có, tài- hiểu biết bản chất thiên tai cũng không.

- Nếu là người vừa hồng vừa chuyên, dân biểu phải đề xuất, làm thế nào, trong thiên tai, người dân có thể giảm nhẹ tác hại bằng những quyết sách của chính phủ đưa ra dưới tác động của dân biểu. Nghe hai chữ thiên tai là nghĩ đến đồng bào. Ai đời, nghe thiên tai vị dân biểu lại nghĩ đến tiền…nhờ du lịch.

- Nếu vị dân biểu này không nói ra, không ai biết tấm lòng của bà, lòng lo cho quốc khố. Bà nói ra suy nghĩ của mình, tôi dân quèn đây mới ớ ra, bà cho thấy chất lượng đại biểu có vấn đề. Bà ở đoàn đại biểu quốc hội có ai lãnh đạo bà, để giữa hội trường vinh dự, bà lại có một đề xuất, trên quốc hội thế giới, tôi chắc chắn không bao giờ có người thứ hai.

Nhưng thôi, nghị trường bàn nhiều chuyện nghiêm trang quốc kế dân sinh, ngày này sang ngày khác, không khí kể cũng hơi căng thẳng. Phát biểu của bà dân biểu có khi sẽ giảm bớt căng thẳng ấy. Các vở kịch hay đều xen lẫn bi hài. Mang lại nụ cười,  biết đâu, đó cũng là đóng góp của vị dân biểu xinh đẹp này.

MỸ KỲ CỤC

Chích được Pfizer của Mỹ, dân nước Việt có người vô cùng sung sướng, và cũng có người vô cùng hãnh diện, “vắc xin ông ngoại “ mà. Nhưng ở nước Mỹ sản xuất thuốc chủng ngừa hàng đầu thế giới này, hàng triệu người từ chối không chịu chích vắc xin ngừa COVID-19. Chích có thưởng nhưng có kẻ chẳng màng. Trong khi ở nước mình, vắc xin tốt nhất là vắc xin sớm nhất: có vắc xin là có cơ may sống sót.

Tháng này, Mỹ bắt đầu chiến dịch chích ngừa cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Rất khó khăn, không phải vì cha mẹ không muốn, nhưng con cái họ rất sợ kim tiêm. Một bịnh viện ở California bèn nhờ đến chó. Người Mỹ, nhất là trẻ em, rất yêu quý chó. Thế là Ollie một trong 15 chú chó, được điều tới bịnh viện nơi thực hiện chích ngừa. Trẻ chích ngừa sẽ vuốt nhẹ vào đầu chú Ollie ngồi gần nhân viên y tế và đưa cánh tay ra cho cô y tá. Các em đứng chờ tiêm háo hức mong đến phiên mình.

Mỹ còn kỳ cục hơn khi toà sáng nay tha bổng cho cậu bé 18 tuổi giết chết 2 người và gây trọng thương một người bằng khẩu súng liên thanh AR15 hồi năm ngoái. Lý do tha bổng: giết người do phòng vệ chính đáng. Ý là nếu không giết thì sẽ bị giết. Tiên hạ thủ vi cường. Cựu tổng thống Trump hoan nghênh quyết định của tòa trong lúc tổng thống Biden rất tức giận nhưng vẫn tuyên bố tôn trọng phán quyết ấy.

Dư luận Mỹ chia làm hai phe, không phải từ vụ này, mà rất nhiều vụ trước đó. Biểu tình xảy ra ở một số thành phố: kẻ hoan hô, người lên án tha bổng kẻ sát nhân. Đối kháng, trên nền tảng luật pháp, xảy ra đều đều ở một nước mà nhà nào cũng có vũ khí,  rất kỳ cục, nhưng lại không kỳ cục chút nào ở nước Mỹ. Làm lãnh đạo ở xứ sở dân chúng luôn chống đối chính quyền rất là khó nhọc. Làm lãnh đạo ở đất nước dân chúng răm rắp tuân thủ chính quyền thật hết sức nhàn nhã. Do đó, chuyện từ chức sẽ không bao giờ có, “ngu chi từ chức “, phấn đấu cả đời, trầy vi tróc vảy, mới kiếm một vị trí ngon cơm.

“Ngổ ngáo “ như dân Mỹ sẽ gây mất ổn định chính trị? Ngoan ngoãn “ như dân Tàu sẽ khiến Trung Quốc ngày càng ổn định?

Về logic có vẻ khá thuyết phục nhưng về mặt lịch sử thì không.

Nếu dân TQ có quyền xuống đường phản đối “đại nhảy vọt “ của Mao Trạch Đông, mấy chục triệu người không chết oan vì ý tưởng ngông cuồng của lãnh đạo. Nếu tầng lớp trí thức tương lai-sinh viên học sinh- đứng về phía nhân dân, thay vì phía lãnh đạo độc tài, chống lại “Cách mạng văn hoá” thì hàng triệu người yêu nước, hy sinh cho một Trung Hoa thống nhất, không bị chết thảm dưới tay các đồng chí của mình.

Chính trường Mỹ luôn luôn rối loạn vì chống nhau ở chính trị quốc nội nhưng nước Mỹ luôn luôn đi đầu. TQ ổn định chính trị, cả tỷ tư dân dưới sự chăn dắt của hoàng đế Tập Cận Bình, chắc gì sẽ thay thế Mỹ để dẫn dắt thế giới? Nếu TQ là thiên đường XHCN, những người giàu có Bắc Kinh chẳng thèm tìm mọi cách để đưa gia đình con cái sang Mỹ.

Ở đây, tôi không bàn về ổn định hay mất ổn định chính trị. Tôi chỉ bàn về sức mạnh dân chủ có pháp luật thống soái, không phải đảng chính trị là thống soái, “muôn năm”.

Tòa tha bổng kẻ giết hai mạng người ở Mỹ vì người này “phòng vệ chính đáng “ theo luật pháp Mỹ mà đại diện tối cao là các quan toà. Tổng thống như Biden cũng “đứng xa mà ngó”. Ông ta không thể lấy lý do “giết người phải đền mạng” để chỉ đạo tòa “lấy lại công bằng “. Người dân Mỹ mạnh không phải vì họ chống đối nhà nước. Họ mạnh nhờ tuân thủ luật pháp. Chẳng có “đồng chí “ nào chỉ đạo họ. Họ từ chối chích vắc xin, không chịu mang khẩu trang, không phải vì họ chống nhà nước Mỹ. Họ thực hiện quyền hiến định, dù quyền “không chịu chích vắc xin” ấy có thể khiến họ có nguy cơ dễ chết vì COVID-19.

Tự do cao hơn mạng sống? Nước Mỹ kỳ cục.

Ảnh: Chó tư vấn tâm lý Ollie

DẬY SÓNG: TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN

Tôi xin trích bài viết của tác giả Nguyễn Văn Nghệ:

"Bỏ 'Tiên học lễ' thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? (...). Lễ và Văn là nền tảng đào tạo nên một con người tốt cho xã hội. Sách Luận ngữ có viết: “Bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” (dùng văn chương mở rộng kiến thức của ta, dùng lễ để ước thúc hành vi bản thân ta).

Năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm 'tiên học lễ hậu học văn' trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” [Bài đăng tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973] mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”.

Ngay sau khi bài báo xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của Trung ương Đoàn (số 2351, ra ngày 16/08/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình, nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”. “Chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!” (…)Tiếp theo bài báo này, báo “Tiền phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng ông Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại. (Hết trích).

“Ông (Trần Ngọc Thêm) cũng đề xuất không dùng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vì không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục. Giáo dục phải khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo; chống học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về sách giáo khoa; không ra đề thi kèm đáp án; giáo dục cá nhân hóa…Để có con người trung thực, ngành giáo dục phải dạy và học trung thực, xây dựng liêm chính học thuật, chống bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó. “Mắt xích trung tâm trong toàn bộ quá trình này là triết lý giáo dục. Cốt lõi triết lý giáo dục trong nghĩa hẹp là phải tập trung ba phẩm chất: sáng tạo, chủ động và trung thực”. (Trích báo Vietnam+)

Trong phần lớn các bài viết phản bác và không phản bác “Tiên học lễ”, chữ LỄ không có ý nghĩa nào cho thật rạch ròi, được nhiều người hay mọi người công nhận. Nguyễn Văn Nghệ thì cho “lễ” dùng để ước chế hành vi bản thân. Nguyễn Lân thì Lễ hàm ý lễ nghĩa, cách ứng xử của học sinh với người lớn. Quan điểm này có lẽ hợp ý ông Phạm Văn Đồng (can thiệp ngưng đả kích Tiên học lễ). Ông Trần Ngọc Thêm thì “tiên học lễ, hậu học văn” không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục.

Đối với quảng đại quần chúng (trong đó có tôi) và có lẽ đối với tất cả học sinh, LỄ hàm ý lễ nghĩa và đạo đức. Học sinh tôn trọng thầy. Học sinh tôn trọng học sinh. Trẻ tôn trọng người lớn. Có thể là “tôn ti trật tự”. Tôi hình dung LỄ như là quy tắc ứng xử hợp đạo lý. Trong cải cách ruộng đất, con không nên đấu tố cha, đó là lễ. Trong luật pháp hiện hành, con không mắc tội tòng phạm nếu biết cha mình phạm tội mà không tố cáo, đó là lễ. Không ngược đãi cha mẹ. Không bỏ đói họ dù bản thân nghèo khó. Không hỗn láo với anh (chị), không hiếp đáp em út. Mượn phải trả, hư phải đền. Ăn quả nhớ người trồng cây. Lấy ân báo oán. Thương người như thể thương thân. Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi thương lấy bí cùng. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ….Tôi cho những cái vừa nêu (chưa đầy đủ) chính là LỄ.

Hằng năm, học sinh phải tặng quà thầy, cô nhân ngày nhà giáo. Gặp thầy, cô học sinh phải cúi đầu cung kính chào (dù trong lòng không muốn). Gọi thì dạ, bảo thì vâng. Trứng không khôn hơn gà. Không bận áo quá đầu. Cha đặt đâu con cái ngồi đó. “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”…hoặc “Không thầy đố mày làm nên”…Rất nhiều, rất nhiều những thứ “lễ nghĩa” hình thức “câu thúc” trẻ nhỏ người lớn đặt ra hay “xưa bày nay bắt chước” . Tất cả, những thứ ấy, theo tôi không phải là LỄ.

Ông bà ta có câu đúc kết sâu sắc: “Con khôn hơn cha là nhà có phước”. Như vậy, lễ sẽ đúng nếu tất cả vì trẻ thơ, tất cả vì học sinh thân yêu (không hô khẩu hiệu ở đây).

Vì sao giáo dục VN một thời gian lên án “Tiên học lễ, hậu học văn”, cho nó là triết lý Nho giáo lạc hậu cần đổ vào sọt rác? Sau 1975 một thời gian lại bới cái “đống rác” lấy lại câu khẩu hiệu ấy và dán thật to, thật bề thế trên mỗi ngôi trường học cả nước? Và giờ đây, lại có ý kiến của một số thức giả muốn vất câu ấy vào sọt rác?

Hiện tượng trên cho thấy một sự thật: Giáo dục VN đang mất phương hướng.

Trước đây, nếu tôi không lầm, mọi ngôi trường VN đều trương thật to, thật trang trọng câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” với ghi chú bên dưới “lời Hồ chủ tịch”. Tôi hết sức ngạc nhiên, tại sao người ta cho câu nói ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh dù hầu hết những quan chức trong ngành giáo dục đều biết đó là của một người Tàu có tên Quản Trọng. Sao chỉ là 100 năm trồng người mà không là 1000 năm? Biết nhưng không ai dám nói sai cũng vì mọi người phải giữ LỄ. Lời của Bác là chân lý. Ai nói ngược lại Bác là vô lễ dù, tôi chắc chắn, nếu còn sống, chủ tịch HCM sẽ bảo phải đính chính lại câu khẩu hiệu “triết lý” ấy vì nó không phải của ông. Và trớ trêu thay, các trường học VN thay vào sau đó là câu trong mỗi trường học thời VNCH đều có :Tiên học lễ, hậu học văn.

Khẩu hiệu mang một phần triết lý giáo dục. Nay, có phong trào đòi gỡ bỏ câu khẩu hiệu ấy khỏi học đường vì nó “trói buộc” học sinh, “quá nâng cao” vai trò thầy giáo, làm cho giáo dục mất đi sinh hoạt dân chủ, học sinh là trung tâm, có người còn bảo khẩu hiệu ấy là tàn dư của thứ Nho giáo “phản động”, “phản tiến hóa”.

Dẹp bỏ Tiên học lễ, hậu học văn, giáo dục VN sẽ chọn câu khẩu hiệu nào biểu thị triết lý giáo dục đổi mới? Chắc là phải họp. Và sẽ có nghị quyết?

Theo tôi, cũng nên bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ra khỏi giáo dục.

Khẩu hiệu phần nào cho thấy một triết lý gởi gắm trong đó. Ví dụ: “Tổ quốc trên hết”, “Cư an tư nguy” (Sống bình an nên nghĩ tới nguy nan). “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường vơi máu đổ”. “Kỷ luật là sức mạnh quân đội”… Người ta nêu khẩu hiệu và người ta thực hành khẩu hiệu.

Giáo dục VN nêu cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng những người làm giáo dục thực hiện được chưa mà lo sợ cho học sinh bị “áp đặt” khuôn phép lễ nghĩa? Bỏ đi câu khẩu hiệu này là đúng. Để mà không làm thì để làm chi?

Nếu thực hiện “tiên học lễ” trong giáo dục thì sẽ không có trường đại học làm tiền nhờ bán bằng giả, thầy không gạ sinh viên muốn đậu phải vào khách sạn làm tình, vị bác sĩ tim mạch tài ba nhất nước không vướng vòng lao lý, dược sĩ sẽ không cam tâm nhập thuốc giả để chữa người ung thư cận kề cái chết…

Giáo dục VN cần định hình lại phương hướng và phải có một triết lý soi dẫn. Xã hội cũng chẳng phí sức phản bác hay bênh vực những câu khẩu hiệu…bởi khẩu hiệu lúc nào cũng chỉ là khẩu hiệu, để hô, không phải dễ làm.

Ảnh minh họa:

Cô giáo thời VNCH.