Wednesday, January 31, 2024

MẠNG SỐNG NGƯỜI MỸ NẰM TRONG TAY NGƯỜI TRUNG QUỐC

(American lives are in China's hands)

Trung Quốc là quốc gia mà tòa Bạch Ốc gọi: quốc gia “cạnh tranh chiến lược”; quốc gia có nhiều hoạt động gây ảnh hưởng rất mạnh đối với chúng ta; quốc gia mà bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là nhà nước độc tài, có nhiều vi phạm quyền con người; quốc gia mà Washington la lối “liên tục trục lợi nền kinh tế Mỹ”; quốc gia bộ trưởng ngoại giao Pompeo gọi lãnh đạo họ là “mối đe dọa chủ yếu tới sức khỏe và đời sống” chúng ta; quốc gia các quan chức chính phủ Trump quy kết đã che giấu sự thật về sự bùng phát dịch bệnh.

Nhưng Trung Quốc lại là quốc gia Hoa Kỳ đang nhờ vả cung cấp dụng cụ để cứu mạng sống người Mỹ.

Như là một số phận trớ trêu – lẽ ra không có – đây là quốc gia, đáng phải chịu trách nhiệm về lây lan đại dịch vì cố  tình che giấu giai đoạn đầu bùng phát, bây giờ lại là nước ở vị trí thủ lợi nhờ ảnh hưởng chết chóc do dịch bệnh.

Cộng đồng tình báo Mỹ từng cảnh giác Trung Quốc đã chú tâm mở rộng kinh tế của họ ra toàn cầu. Giờ đây, trung tâm đại dịch chuyển qua Hoa Kỳ với hơn 300.000 người nhiễm Covid-19 đầu tháng 4, sự thiếu chuẩn bị của Trump tạo cho Trung Quốc có một lợi thế mở rộng kinh tế thật nhanh chóng.

Chính quyền Trump lẽ ra phải có một chiến lược đúng lúc, dự trữ đầy đủ và phân phối nhu cầu thiết yếu trước khi đại dịch tàn phá đất nước. Không có gì cả. Càng tệ hại hơn, TT Donald Trump lại lần lữa nhiều tuần lễ, không áp dụng Luật sản xuất thời chiến (Defense Production Act), nhờ nó, ông điều phối trực tiếp vật tư, nguyên liệu cho các nhà sản xuất, để họ chế tạo máy trợ thở và khẩu trang y tế N95. Hôm thứ sáu, ông mới có động thái cắt giảm xuất khẩu dụng cụ bảo hộ an toàn cá nhân – trong khi có hơn 7000 người Mỹ bỏ mạng.  

Dù Trump có nhiều động thái mới, Hoa Kỳ vẫn chưa sản xuất đủ dụng cụ đáp ứng nhu cầu y tế cho người bệnh. Thất bại của chính quyền trong sự chuẩn bị cho đại dịch làm cho người dân chẳng có lựa chọn nào ngoài chuyện tự lo cho mình.

Thống đốc New York, Andrew Cuomo, hôm thứ bảy cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ tặng cho tiểu bang 1000 máy trợ thở, và bang đã đặt làm 17.000 chiếc khác. Trong lúc đó, các công dân hãng tư nhân như ông chủ của Patriots là  Robert Kraft có được những khẩu trang y tế cực kỳ hiếm hoi đặt làm từ Trung Quốc.

Nhà sản xuất dụng cụ y khoa hàng đầu Trung Quốc cho biết nhu cầu về máy trợ thở, lấy ví dụ, bây giờ phải gấp 10 lần ở các bệnh viện trên trái đất. Dù dữ liệu không phải đáng tin từ nguồn của Tàu, một quan chức Trung Quốc cho thấy họ có 21 nhà sản xuất máy trợ thở, và nói họ có 20.000 máy nước ngoài đang đặt hàng. Với đà này, các đơn hàng mua sản phẩm TQ sẽ tiếp tục lên cao.

Trung Quốc đang bỏ tiền vào túi nhờ một cuộc khủng hoảng họ tạo ra phần lớn.

Đây vừa là mối lợi cho kinh tế, cũng vừa là đỉnh cao tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những cuộc tấn công nhằm bóp méo thông tin mới đây tô vẽ Đảng như là nhà lãnh đạo thế giới khi nói tới sự đối phó khủng hoảng, phủ nhận sự thật là Đảng phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc đàn áp thông tin cảnh báo, khiến dịch bệnh lây lan hàng mấy tuần liền.

Trong lúc Hoa Kỳ đang vật vã ngăn chặn vi rút, chữa trị người nhiễm, thiếu thốn vật tư y tế, thì Trung Quốc, tuyên bố đã “khống chế dịch”, đang sản xuất vật tư ở nhịp độ Hoa Kỳ không thể làm được. Sau nhiều tháng phong tỏa, TQ đang khởi động mạnh mẽ bằng cách lấp đi những khoảng trống kinh tế trong khi người Mỹ chúng ta lại ngất ngư với việc khống chế vi rút. Họ có cả một chiến lược còn chúng ta thì... NO.

TQ cũng có nhiều đòn bẩy chính sách ở nước ngoài hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây. Chúng ta đã “nhãn tiền” cái trò chơi này. Chiến tranh ngôn từ giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc đã lắng đi mấy ngày gần đây. Pompeo đã đúng khi nói lên người Trung Quốc phải chịu tội (culpability) trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng sự khăng khăng của ông, và cả Tổng thống, khi nhắc đến “Vi rút Trung Quốc” hoặc “Vi rút Vũ Hán” lại đang tịt ngòi (misfire) về nhiều mặt.

Không những nó có thể làm bùng lên kỳ thị chủng tộc không đáng, mà nó còn đưa ra một thông điệp lộn xộn đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt ở chỗ  Trump lại khen TQ trong nỗ lực ngăn chặn vi rút hồi giữa tháng giêng.

Chuyện rồi cũng xong, Hoa Kỳ khăng khăng gọi Vi rút Vũ Hán trong thông cáo chung G7 – không được thành viên khác đông ý – làm kết cục G7 chẳng ra được một thông cáo chung. Chúng ta làm rạn nứt khối G7 trong khi đoàn kết hết sức thiết yếu trong lúc này.

Giờ đây, khi mạng sống người Mỹ đang tùy thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (nguyên bản viết hoa - ND) đồng ý xuất hàng y tế đến Hoa Kỳ, cuộc chiến ngôn từ đang dịu lại. Người dân Mỹ không biết liệu Trung Quốc có đổi chác gì với chính quyền Trump hay không. Nhưng có một điều hiển nhiên là TQ biết rõ chính quyền Trump đang cực kỳ lo lắng đến việc cứu mạng sống người Mỹ - và rằng Hoa Kỳ cần giữ cho Đảng Cộng sản TQ hài lòng để họ thực hiện mục tiêu đó.

Vì CCP (đảng cộng sản TQ) chỉ đạo kinh tế TQ, họ có khả năng điều phối thương mại, sản xuất, để phục vụ nhu cầu quốc gia.

Chúng ta từng hiểu cách thức này trong cuộc chiến thương mại quá khứ, khi chính phủ họ can dự vào các biện pháp trả đũa, ví dụ như, nhà nước thanh tra không cần thiết, gây chậm trễ trong việc thông quan đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại TQ.

Điều này áp dụng y chang trong đại dịch – TQ có quyền cắt giảm hay làm chậm đi xuất khẩu vật tư y tế xuất đi từ TQ, những thứ mạng sống người Mỹ đang hết sức cần. Họ chơi canh trên chúng ta (They have us over a barrel).

TQ ở trên cơ khi các quốc gia khác đang vật vã đối phó đại dịch. Trong lúc đó, Đảng Cộng sản TQ đang cố làm ở nước ngoài y như trong nước – thủ lợi bằng chuyện láo toét (sell a false narrative).

Họ đang sử dụng mọi công cụ theo ý mình để lan truyền thông tin sai lạc, thổi phồng sứ mạng của họ trong việc chiến đấu chống đại dịch, che giấu nguồn gốc vi rút, và nhiều thứ nữa.

Chính quyền Trump và các quan chức khác cần phải làm mọi cách để cứu lấy mạng sống người dân, ngay từ lúc này. Nhưng họ nên ý thức rằng, dựa cậy vào Trung Quốc sẽ gây một hậu họa khôn lường.

Một thực tế đáng sợ là chính quyền (Trump) đã đặt mạng sống người Mỹ vào tay người Trung Quốc.

Bài của Samantha Vinograd, nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN. Là một cố vấn cấp cao tại Viện Biden,  Đại học Delkn, không quan hệ gì cựu tổng thống Biden. Cô từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Barack Obama và Bộ Tài chính thời George W. Bush.

CORONA CÓ THỂ LÂY QUA NÓI CHUYỆN, KỂ CẢ QUA HƠI THỞ.

(Experts tell White House coronavirus can spread through talking or even just breathing)

Phóng viên  Elizabeth Cohen chuyên về y tế của CNN, cho biết một hội đồng khoa học uy tín, viết thư trả lời tòa Bạch Ốc hôm tối thứ 4: nghiên cứu cho thấy vi rút corona có thể lây không chỉ qua hắt hơi, ho, mà còn qua nói chuyện, cả hơi thở.

Tiến sĩ Harvey Fineberg, chủ tịch hội đồng viết: “Khi nghiên cứu Corona hiện hữu còn hạn chế, những kết quả tìm thấy khí dung (aerosolization) chứa vi rút có liên quan tới hơi thở bình thường”.

Trong thư, nhà khoa học còn cho biết các nghiên cứu của người Trung Quốc ở bệnh viện cho thấy virut vẫn lơ lửng trong không khí khi các bác sĩ thay áo quần bảo hộ, hay di chuyển qua lại trong phòng làm việc. Theo trung tâm Phòng chống bệnh Hoa Kỳ, chất di truyền (genetic material) của vi rút hiện diện xa hơn 6 feet (hơn 1,8 mét) chỗ nằm của bệnh nhân Covid.

Ông Fineberg nói rằng, các giọt nước miếng chứa vi rút hình thành khí dung (aerosolized coronavirus droplets) dễ lơ lửng trong không khí, có thể nhiễm vào một người đi qua sau đó.

Ông cho biết tiếp, vi rút lơ lửng bao lâu trong không khí tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm số lượng nhiều ít vi rút một người bệnh phát ra khi thở hay nói chuyện, và cũng còn tùy vào không khí có thông thoáng hay không.

“Nếu có khí dung chứa vi rút trong một căn phòng không thông thoáng, giả sử sau đó bạn đi qua, có thể bạn sẽ hít vi rút vào phổi”. Ông Fineberg nói với CNN: “Nhưng nếu bạn ở nơi thoáng đãng, gió nhẹ cũng đánh chúng tan ngay”.

Từ những điều chuyên gia nói ở trên, chúng ta có thể suy ra, lây lan Corona dễ dàng trong các phòng kín, như ở bệnh viện chữa covid, trên du thuyền, máy bay, kể cả hàng không mẫu hạm.

Tránh xa nơi có đặt máy điều hòa không khí (cần kín), mở cửa phòng, cửa nhà, bật quạt thay máy lạnh, trong thời gian cách ly, đối phó với dịch bệnh, là lựa chọn sáng suốt nhất.

Tình hình này, khẩu trang thật hữu hiệu, "mang" cho mình nhưng “tốt” cho người.

NGƯỜI MỸ KHỜ KHẠO?

Đây là nhận xét của một số người Việt lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ khi họ hiện diện đông đảo ở Việt Nam năm 1965

Lúc mới qua, họ cần một số lao động phụ giúp xây dựng các lán trại ở một vài vị trí tại Đà Nẵng. Khi có "cai" Mỹ giám sát, lao động người Việt làm rất hăng hái, cần mẫn, nhưng khi họ đi chỗ khác, mọi người ngừng việc, móc thuốc ra hút, nói chuyện phiếm câu giờ. Mỹ nó “khờ” lắm. Họ kháo với nhau như thế. Đủ giờ, đủ tuần, đủ tháng, lãnh tiền, chủ Mỹ không hề phàn hà công việc nhanh hay chậm, chất lượng hay không chất lượng.

Chỉ cần 2 trung sĩ người Việt chứng thực là lao động được nhận làm những công việc liên quan đến phục vụ đời sống quân nhân Mỹ ở các căn cứ quân sự, không cần phải lý lịch có chứng nhận của chính quyền. Những “lao động” phổ thông có người trở thành cộng sản mà Mỹ cũng vô tư, mù tịt.

Hồi chiến tranh, thành ngữ “sướng như làm sở Mỹ” có nghĩa làm việc lè phè, không năng suất, thu nhập cao.

Lính Mỹ còn “khờ” hơn khi rất tin tưởng, quyến luyến trẻ con. Làm như khi xa nhà, họ nhớ con cái ở nước Mỹ xa xôi. Không thiếu những bốt gác, sam lính ở, trẻ con ra vào như nhà mình nếu “làm quen” được họ. Chúng còn được cho kẹo, bánh, trích từ ra-xông (phần ăn) của lính Mỹ. Những câu chuyện trẻ con lấy cắp súng hay lựu đạn đem cho “Việt cộng” là có chứ không phải tuyên truyền. Những người lính Mỹ này ngây thơ, không hề nghĩ trẻ con cũng có em “hoạt động cách mạng”.

Lính Mỹ, nghe bạn tôi kể, cũng rất “khờ” ở chỗ, khi có người bị thương, kể cả Việt cộng, nếu gần họ, họ đều điều máy bay trực thăng đến chở đi cấp cứu ở các bệnh viện, như dân thường.

Một số người Việt gọi những hành động như vậy là “khờ khạo” nhưng theo tôi, không hẳn thế. Bản chất của người Mỹ có lẽ là tin người, quá mức đến nỗi cả tin.

Không cả tin thì làm sao tất cả những ông lớn trong nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ lại chọn Trung Quốc là nơi họ gởi trọn cả trứng, những quả trứng đẻ ra vàng? (Tất nhiên vì lợi nhuận trước hết). Đến khi hữu sự, họ mới té ngửa, những thứ “vặt vãnh” như máy trợ thở, khẩu trang y tế, họ cũng phải nhờ vả đến Trung Quốc (thống đốc bang New York: nhận 1000 máy khuyến mãi, để đặt hàng 17.000 cái khác).

Chưa hết, con vi rút Corona ràng ràng xuất hiện tại Vũ Hán, TQ khăng khăng không phải do họ gây ra, còn bắn tiếng nhịp nhàng là do quân đội Mỹ đem đến. Ăn nói toàn ngoa ngôn ngụy ngữ. Rồi những bộ xét nghiệm, khẩu trang dỏm bán ra cho một số nước đang có người khốn khổ vì dịch bệnh.

Trước đó, cơ mang nào kể, các bí quyết công nghệ mũi nhọn, Mỹ có là Tàu có. Thậm chí đi sau đẻ muộn, Huawei còn làm mưa làm gió trên thế giới, nuôi tham vọng lật đổ Apple.

Có bao nhiêu “tai mắt” của Tàu ở Mỹ? Tình báo Mỹ có nắm hết hay chưa? Không nắm xuể. Nếu nắm kỹ, một khoa học gia đã không bị bắt vì nhận cả triệu đô la Mỹ, cộng tác với tình báo TQ.

Khi Nixon và Kissinger qua Bắc Kinh nói chuyện với Mao Trạch Đông chưa tới 45 phút (phân nửa dành cho phiên dịch), người Mỹ thật thà nghĩ đã có một người bạn, lôi kéo được một sư tử “đang ngủ” về phía mình.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang , gần 50 năm sau, vi rút Vũ Hán khống chế cả thế giới, nước Mỹ cũng không nằm ngoài số phận.

Trong lúc ở Washington, Trump đang bối rối, không còn lên tay xuống ngón, một mặt đối phó “fake news” của báo chí khống chế dư luận Mỹ, và sự chống báng “ác liệt” của phe dân chủ, một mặt gồng mình chống đỡ vi rút Vũ Hán, thì ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình đang ngồi rung đùi uống trà, nheo mắt cười cợt mấy chú Sam đang vật vã, thiếu máy trợ thở, khẩu trang y tế (những thứ Mỹ coi thường không để ý tới), với số người nhiễm vi rút, số người tử vong, tăng lên chóng mặt mỗi ngày.

Mỹ có câu: A friend indeed is a friend in need, (dịch nôm na: sa cơ mới biết bạn hiền). Nay, Mỹ đang khốn đốn vì vi rút không phải của mình tạo ra, thì kẻ “xuất khẩu” nó đang ra điều kiện nọ kia, lên giọng nhân đạo dạy đời.

Khi qua cơn đại dịch, tôi đoán, Mỹ sẽ chứng tỏ họ không “khờ khạo” như một số người (tôi nêu trong bài) từng suy nghĩ.

CHUYỆN SAU NGÀY “GIẢI PHÓNG”

Trong đám bạn thân, tôi có cơ duyên quen 2 đứa: một “quốc gia”, một “cộng sản”.

Ông bạn cộng sản.

Sau 30 tháng 4, tôi ở trọ trong một ngõ hẻm đường Trương Minh Giảng, gần trường đại học Vạn Hạnh. Lúc xin “giấy đi lại” để về thăm gia đình, vừa bước vô văn phòng phường, tôi hết sức ngạc nhiên, khi thấy tay trưởng công an, thằng bạn học cùng cấp nhưng khác lớp dân Quảng Nam, đang chễm chệ ngồi sau bàn “buya rô”, trông thật oai vệ, lẫm lẫm. Hắn hoạt động nội thành mà chúng tôi chẳng đứa nào hay biết.

Tôi định lên tiếng “ê, mi chứng cho tau tờ giấy về quê tí mi”, nhưng kịp im lặng, trước gương mặt lạnh tanh; hắn thấy tôi rồi cúi xuống đống giấy trước mặt, không một lời chào, coi như tôi không có mặt, có lẽ vì đông người bu quanh, đang nghiêm trang và yên lặng đứng chờ xin giấy tờ như tôi.

Cán bộ cách mạng chứ đâu phải thằng M mấy khi, tôi tự nhủ, rồi cầm tờ giấy bỏ lên bàn chờ tới phiên mình. Suốt 30 phút, hắn không nhìn tôi, vẫn cặm cụi làm việc, kể cả lúc trả lại tờ giấy mà vẫn không ngước lên lấy một lần. Cán bộ cách mạng mà.

Tối khuya hôm ấy, khu phố tôi ở có bố ráp của bộ đội, truy tìm một phần tử quấy rối nào đó, dẫn đầu là “ông cách mạng” M ban sáng. Khi tới chỗ chúng tôi trọ, M. đột ngột đi vào nhà, rất lẹ, vì chỗ này nó quen lui tới rất nhiều lần. Chúng tôi mở to cassette, đang “lén” nghe nhạc “ngụy” vì lúc đó rất ghét nhạc “cách mạng”. Đứa nào đứa nấy cũng xanh mặt, M. lấy nón cối xuống, trợn mắt quát chúng tôi: “Tắt đi, tắt ngay, muốn ‘chết’ hả” rồi vội vã quay ra. Độ mấy phút sau, một toán bộ đội đi vào có cả mấy thanh niên đeo băng đỏ đi trước, soát xét giấy tờ tất cả những người có mặt, một lúc sau, họ vui vẻ chào chúng tôi rồi đi ra.

Đến lúc đó tôi mới hiểu thằng M., nhìn vậy chứ không phải vậy, nghĩ lại cảnh ban sáng lúc xin chữ ký của hắn. Nếu không có hắn báo trước, chúng tôi sẽ rắc rối to vì dám nghe nhạc “đồi trụy phản động”. Giữa đám đông hắn cần phải làm mặt lạnh với tôi. Nhờ đóng kịch khá nhuyễn, chứ thân nhau bao nhiêu năm, tôi vẫn không hề biết nó hoạt động cộng sản.

Sau đó một vài năm, hắn được điều về Đà Nẵng làm trong ngành công an, và cho đến nay, tôi chưa hề gặp lại, dù rất nhiều lần về trung; nghe nói lúc hưu, chức nó cũng khá, cán bộ có bằng đại học chính quy được đào tạo ở chế độ cũ mà.

Thằng bạn quốc gia.

Không hên cho thằng này, đang học thì kẹt tuổi, có nghĩa là thừa tuổi theo quy định tổng động viên mùa hè đỏ lửa 1972, phải đăng lính vào trường sĩ quan Thủ Đức, tháng 4.1975 nó vừa thăng chức trung úy chiến tranh chính trị.

Sau mấy tuần rời đơn vị ở Đà Lạt về Sài Gòn, hắn trở lại quê Quảng Nam, trình diện học tập cải tạo ngoài đó. Trước lúc đi diện HO qua Mỹ, hắn kể tôi nghe chuyện lúc mới trình diện.

- Anh tên Tống Văn D., phải không?

- Dạ đúng, thưa đồng chí.  Nghe cán bộ nói với nhau đồng chí, hắn tưởng đó là cách xưng hô tỏ lòng kính trọng.

- Theo địch chống lại nhân dân, giết hại đồng bào, ai là đồng chí của anh - ông ta lên lớp - nói chuyện với tôi mà anh không bỏ kính đen ra hả? Ông cán bộ quát to.

- Dạ, thưa…dạ thưa…(chẳng biết thưa cái gì, hắn lúng túng, nghe ai đó nhắc nhỏ, bèn nói theo)…Dạ thưa cán bộ, bỏ kính ra tôi không thấy đường.

Bạn tôi đeo kính cận hơn 4 độ nhưng có màu đen xanh cho dịu mắt khi đi nắng. Ông cán bộ tưởng đó là kính mát thông thường.

- Lấy ra. Không cãi, không được chống đối. Không thấy đường mà làm tâm lý chiến cho địch, lại lên tới sĩ quan. Anh đừng có mà qua mặt tôi.

- Ký vào đây.

Người cán bộ đưa một tờ giấy, bạn tôi cúi xuống thật thấp, rồi lại cầm tờ giấy lên đưa sát vào mắt, xem là giấy gì, ký chỗ nào.

- Đui hay sao mà dòm sát thế? Lấy kính đeo vào. Mất thì giờ quá.

Bạn tôi vừa sợ vừa tức, nghĩ thầm trong bụng, cách nào cũng bị quát nạt, thân tù có khác. Hơn 3 năm sau, nó ra tù, cái kính đen lịch sử ấy cứ đi theo hắn mãi, cả lúc qua Mỹ định cư.

Gần 40 chục năm sau, khi gặp nhau, tôi hỏi cái kính. Nó cười: “Cũng vui, hồi cải tạo, không bao giờ tao quên cái thằng cộng sản hoạnh họe cái kính. Nhưng năm nào, ngày 30/4 ở Mỹ người ta mít tinh lên án cộng sản, tao lại không thấy còn thù hận, mỉm cười hiểu ra chuyện mi hỏi, bây giờ ai cũng biết kính viễn, kính cận, đều có thể có màu, hồi đó, ít người biết, huống hồ chi mấy ông Việt cộng trong rừng mới ra”. Nói xong nó cười thật to, nụ cười không có gì là oán thán, mấy năm trời bị đày ải, ra tù thì nghe người yêu bỏ đi lấy chồng, một ông cán bộ tập kết già gần tuổi bố cô ta.

Gặp nhau, chúng tôi kể chuyện trên trời dưới đất, không hề nghe nó nhắc đến mấy năm ở trại cải tạo. Cùng tuổi tôi nhưng nhìn nó như đàn ông năm mấy, tóc còn xanh mướt.

Không biết ở Mỹ do sung sướng, hay do mau quên quá khứ, dù đó là quá khứ đau buồn, bị đày ải, mất người yêu, tôi nhìn hắn vẫn trẻ trung, lúc nào trên môi cũng có nụ cười như hồi còn trai trẻ. Không từng ở tù như hắn, tôi đầu tóc bạc phơ, bởi lòng chưa thanh thản như hắn chăng.

NHÂN NGÀY 30 THÁNG 4

Câu chuyện chưa có lời kết.

Có chiến tranh là có hủy diệt, chết chóc và bạo lực. Bạo lực làm chiến tranh trở nên khốc liệt. Thấy như thế, gần 100 năm trước, Phan Châu Trinh cảnh giác “Bất bạo động, bạo động tắc tử”. Đường lối đấu tranh chống Pháp của chí sĩ luôn luôn là đường lối bất bạo động. Theo tôi, nguyên do chọn lựa bất bạo động, ngoài tầm nhìn của một người đi trước cả thánh Gandhi của Ấn Độ, nó còn phát sinh từ hoàn cảnh gia đình cụ Phan. Thân sinh cụ, một lãnh đạo trong phong trào Cần Vương ở Quảng Nam, đã bị chính các đồng chí của mình giết chết vì một hiểu lầm nhất thời. Theo lẽ thường, con phải “trả thù” cho cha nhưng cụ Phan đã không làm như thế. Thù nước cụ nhớ nhưng thù nhà cụ quên. Một con người có một nhân cách vĩ đại.

Hiểu lầm trong chiến tranh dẫn đến nhiều mảnh đời oan khuất, nhiều cái chết thương tâm..

Lúc còn là học sinh ở H.A, tôi biết một gia đình một xóm bên, gồm một người cha và cô con gái. Tản cư từ vùng chiến sự, ông vẫn giữ nghề thuốc bắc, có cả châm cứu. Ông còn mở thêm lớp dạy học không lấy tiền cho những trẻ em nghèo, vì hoàn cảnh không đến được trường. Ông cao ráo, thanh tú, vợ mất sớm, ở với con gái tầm 20 tuổi. Đối diện bên kia đường là nhà của một viên thượng sĩ an ninh quân đội, có một người vợ xinh đẹp, và cái xinh đẹp của người này không biết có liên quan đến mấy năm tù cho ông thầy thuốc bắc, tôi không rõ.

Viên thượng sĩ đi công tác thường xuyên, ít về nhà. Bà vợ nhiều lần qua nhà ông hàng xóm để chữa đau cột sống. Phụ nữ khi ra khỏi nhà gặp ai, thường hay chăm chút, sửa soạn gương mặt của mình cho dễ nhìn, đó là lẽ tự nhiên của họ, rất đáng yêu. Vài lần bắt gặp vợ như thế viên thượng sĩ nảy sinh hồ nghi. Hàng xóm bên kia, ông thầy thuốc vẫn vô tư hành nghề châm cứu, hốt thuốc cho bà hàng xóm trẻ trung xinh đẹp.

Một lần về bất chợt, không thấy vợ ở nhà, nhìn qua bên nhà ông thầy thuốc, loáng thoáng thấy vợ mình đang nằm trên chiếc giường, phơi trần trắng nõn, viên thượng sĩ vội vã băng qua đường, xông thẳng vào nhà. Thấy vợ nằm sấp, phơi chiếc lưng nõn nà và hai bắp chân thon đẹp, có những cây kim trên đó. Ông nổi cơn ghen, sấn đến tát thẳng vào mặt vợ một cái tóe lửa, ông thầy thuốc ngồi cạnh cũng lãnh một cùi chỏ vào hông, đau thấu trời xanh. “Về, mày về ngay, đồ đốn mạt. Đàn bà con gái mà cởi trần cho đàn ông…sờ mó (cái này ông nói hơi quá, châm cứu thì sao gọi sờ mó).

Thời chiến tranh, đánh người ít bị thưa kiện, người đánh lại là lính an ninh, ai mà dám kiện. Ông thầy thuốc không còn chữa trị “thân chủ” xinh đẹp bên hàng xóm nữa. Khi trở về từ Đ.N. kiếm chỗ trọ để chuẩn bị thi tú tài, thì tôi nghe kể, ông thầy thuốc bị bắt về ty cảnh sát vì hoạt động cộng sản, trong nhà phía sau hè có lựu đạn và tài liệu tuyên truyền.

Ai cũng thương ông thầy, hiền lành mà bị nạn, không nghĩ ông là “VC nằm vùng”, chẳng biết có đúng vậy không. Những người hàng xóm nói nhỏ chỗ riêng tư, ông thầy đi tù hẳn bị nghi là tình địch của viên thượng sĩ. Chỉ đồn đoán thôi, đâu có ai dám nói vì không có bằng chứng. Cái gì thuộc về “an ninh” thì rất nguy hiểm thời chiến.

Cô con gái ông thầy ở nhà một mình sống chật vật, nguồn sống không còn, cô bươn chải hết sức khó khăn, hàng xóm hàng  tháng giúp mỗi người ít gạo cho cô ăn qua bữa. Lúc chiến tranh, ngoài lính, công chức, các thành phần khác sinh cơ rất khó khăn, chỉ trông chờ vào trợ cấp xã hội, ác nỗi, chỉ ở những trại tạm cư mới có  tiêu chuẩn chính phủ phân phát, cô lại không nằm trong điều kiện đó.

Rồi khó khăn cũng qua đi, cha cô được ra tù sau 3 năm bị đày đi Côn Đảo. Khi đi khỏe mạnh, khi về dáng người ông tiều tụy, một cái chân không còn, bị cắt do nhiễm trùng trong tù, không chữa được. Gương mặt thanh tú không hé nổi một nụ cười như thường thấy trước đây. Ông trở lại nghề thầy thuốc, trong chỗ hàng xóm thân tình, ông tâm sự mình bị oan, không có hoạt động cộng sản, lựu đạn và tài liệu tuyên truyền ai đó đã bỏ vào nhà ông, nếu tìm ra kẻ vu oan giá họa, ông sẽ đòi lại công lý.

Trong chiến tranh, việc bắt oan là có thật. Nếu có xét nghiệm, chỉ cần đưa vào kính hiển vi, xem trên lựu đạn đó, tài liệu đó, có dấu vân tay ông thầy giáo hay không sẽ biết ngay lời ông kêu oan là đúng hay sai. Tuổi ngoài 40 mà nhìn già như 60, ông phải thường xuyên chống nạng khi đi lại.

Những ngày H.A. sắp bị quân cách mạng chiếm giữ, thành phố xảy ra nhiều hỗn loạn vì chính quyền không còn. Một số dân chạy nạn ra Đ.N., một số đang chuẩn bị đi, một số ở lại, vì không muốn xa rời nhà cửa. Trong số người chưa đi kịp có cháu tôi đang học lớp 10. Theo lời nó kể sau này, trước đêm quân cách mạng vào, thành phố không một ngọn đèn đường, tối đen như mực, nhà thượng sĩ an ninh quân đội bị ném một quả lựu đạn vào buổi tối, gia đình quây quần bên mâm cơm, 5 người chết, có cả một đứa bé 5 tuổi và bà cụ già 70, nhưng viên thượng sĩ lại may mắn thoát chết, nhờ vừa đứng lên lấy tăm xỉa răng thì lựu đạn vừa nổ, ông chỉ bị thương không đến nỗi mất mạng.

Gia đình còn ai còn sống sót, tôi hỏi người cháu, không, nó nói chỉ còn viên thượng sĩ, cho đến giờ không rõ ông ta ở đâu, còn sống hay đã chết. Cháu tôi sáng hôm sau, phải theo gia đình chạy loạn ra Đ.N., không rõ 5 người chết kia chôn cất thế nào.

Ai ném lựu đạn vào nhà giết chết cả gia đình gồm những người vô tôi vẫn còn là bí mật.

Câu chuyện tôi kể nói lên, trong chiến tranh, nguyên nhân dẫn đến cái oan khuất, cái chết, cái tang thương rất dễ xảy ra và thường xuyên xảy ra. Kiếp đời và mạng sống con người trong chiến tranh không khác gì giun dế, ai giày cũng nát, ai dần cũng tan.

Oan oan tương báo từ kiếp trước chăng, những cái chết của cả một gia đình? Là thượng sĩ an ninh, ông đâu có thiếu kẻ thù. Nhưng gia đình ông đâu có thể là kẻ thù? Có thật là oan oan tương báo, hay chỉ là ngẫu nhiên, tình cờ? Ngẫu nhiên và tình cờ vấy đầy máu của 5 người vô tội.

NHẬN TỘI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHẠM TỘI

Có một số anh chị gọi là "có học", nôm na đã qua đại học, cho rằng quyết định bác kháng nghị của viện Kiểm sát nhân dân tối cao của giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao về tử tù Hồ Duy Hải là đúng, vì Hồ Duy Hải đã nhiều lần nhận tội trước tòa sơ thẩm và tòa chung thẩm.

Chúng ta không nhắc tới hành trình 12 năm đi tìm công lý cho con của bà mẹ kiên cường, bán cả ngôi nhà để đi khắp nơi, gõ cửa khắp chốn, gởi hàng trăm lá đơn kêu cứu. Hãy nói về lời nhận tội.

Tôi xin kể hầu quý vị 2 câu chuyện, nhớ đã đọc trong một bài báo in ở Sài Gòn, quãng một vài năm sau “đổi mới” 1986, không nhớ ở báo nào.

Câu chuyện HIẾP DÂM

Cô gái trẻ khá xinh trên đường gần tới nhà vào một đêm rất khuya; vừa vào hẻm tối, không một bóng người, nhà nào cũng tắt đèn ngủ, cô bị một thanh niên từ bóng tối xông ra ôm chặt, vật ngửa cô xuống, đè thật mạnh, kéo rách cả quần, làm chuyện đồi bại, trong tiếng kêu thét không thành tiếng, miệng cô bị nhét giẻ. Sau một hồi quần quật, tên côn đồ bỏ đi, cô gái đứng dậy, với chiếc quần trắng vấy một ít máu, thất thểu về nhà kêu cửa, hốt hoảng kể lại cho mẹ mình nghe. Sau đó sự vụ được điều tra. Gia đình nghi cho anh thanh niên gần đó, từng ngỏ lời yêu đương cô gái, nhưng cô hãy còn lưỡng lự, tuy vẫn có cảm tình, hai người quen nhau từ nhỏ.

Anh thanh niên được mời đến đồn công an lấy lời khai. Anh thành khẩn nhận tội, khai thật, vì quá yêu nên sinh tà tâm, làm chuyện trái ý muốn cô gái. Hồi đó không điều tra chặt chẽ như bây giờ, phải có chứng cứ rõ ràng. Phiên tòa được mở có gia đình cô gái, nhưng vì tôn trọng sự riêng tư, cô gái được phép không có mặt. Án dành cho anh thanh niên tội hiếp dâm, nhưng thành khẩn, nhân thân tốt, 5 năm tù ở. Anh không kháng án.

Trong thời gian chờ thụ án chính thức, anh nhờ gia đình liên lạc với cô gái, xin được cưới cô làm vợ sau khi mãn tù, với suy nghĩ ngây ngô, trinh tiết đời con gái bị lấy mất, cô khó mà lấy chồng, hơn nữa anh thật bụng yêu cô. Cô gái từ chối thẳng thừng vì oán hận, cái việc quá bất ngờ, quá bạo liệt, cái đêm kinh hoàng hôm đó.

Anh thanh niên bèn bảo gia đình kêu oan xin kháng án. Anh không hiếp dâm cô gái, vì đêm đó anh trực ca, có giấy tờ chứng thực của cơ quan anh đang làm việc. Vụ án được điều tra thêm, và xử lại với tình tiết “ngoại phạm” khá thuận lợi cho chàng trai. Cô gái lần này được mời tới dự và thật may mắn, cô ta mô tả với chánh tòa, người đàn ông đêm đó khá cao to, tay đầy lông lá, không nhỏ người, tay nhẵn trụi như nghi phạm, anh bạn hàng xóm.

Tòa hỏi bị cáo, sao lại nhận cái tội mình không phạm, thì được anh thưa: Tôi vì quá yêu cô ấy, tôi nghĩ bị mất trinh vì hiếp dâm, cô sẽ khó lấy chồng, tôi tình nguyện làm chồng. Cả tòa đều cười cái anh chàng dại gái  mà lú lẫn.

Tòa tuyên anh vô tội. Lúc ra về, cô gái nhìn anh với cặp mắt ngạc nhiên, vừa trìu mến, vừa thương cảm. Bài báo không nói sau đó hai người có lấy nhau hay không, vì cô gái có một bào thai trong bụng.

Câu chuyện GIẾT NGƯỜI. Thời gian sau 1986 vài năm.

Một bí thư huyện ở một vùng quê vác súng đi săn chim. Loại súng săn quốc phòng, bắn ở cự ly rất gần có thể gây chết người. Một lần, ông nằm dưới một triền dốc cao, cách ông 50 mét, nòng súng nhắm vào một con chim lớn đang đậu ở một cành tre thấp, vắt ngang đồi dốc. Chim vào tầm ngắm, ông bóp cò súng, vừa lúc một cậu bé cỡi trâu bên kia đồi chạy tới, té liền xuống đất, chết tức thì. Ông hốt hoảng ôm đứa bé về cơ quan công an huyện, trình báo sự việc rủi ro ngộ sát. Vì là quan chức cao nhất địa phương, ông không bị đưa ra xét xử, năm đó hình như mới ban hành luật hình sự. Ông bị mất chức cho về vườn.

Nửa năm sau, có một sinh viên trường đại học công an đến điều tra thực tập ở địa phương đó. Nghe kể câu chuyện về vụ viên bí thư bắn nhầm đứa trẻ bằng súng săn chim, anh hết sức ngạc nhiên. Súng bắn chim ở cự ly xa như thế không thể gây chết người. Anh và công an huyện mở lại cuộc điều tra, xin gia đình quật tử thi để khám nghiệm. Đúng như nhận định của viên sĩ quan trẻ tuổi, thông minh: trong sọ của cháu bé có một đầu đạn AR15. Cháu bé chết do viên đạn lạc, không phải do viên đạn của súng săn. Viên cán bộ địa phương được minh oan trở lại chức vụ.

Hai câu chuyện có thật hay là do hư cấu của tác giả bài báo, quá lâu tôi không rõ, đưa ra một thông điệp: người nhận tội chưa phải là người phạm tội, cần có điều tra tỉ mỉ, tìm ra chứng cứ gây tội. Ở đây, hoàn cảnh hai câu chuyện, nghi can đều nhận tội thành khẩn, tự nguyện, không cần điều tra.

Nhận tội do tự nguyện, chưa nói nhận tội vì bị mua chuộc, ép cung, mớm cung, bức cung, không phải là chứng cứ để tòa khép tội bị can. Do đó, pháp luật “trọng chứng hơn trọng cung” là pháp luật sáng suốt.