Monday, January 29, 2024

CÂY GẠO ĐẦU LÀNG

Thi sĩ thường có trí tưởng tượng phong phú. Đây là ví dụ: “Dưới gót chân sen rụng đầy hoa gạo”(*). Không một làn gió thoảng, hoa vẫn có thể rụng bất ngờ. Hoa các loại thường nấn ná khi lìa cành, nhưng hoa gạo thì không. Hoa đỏ to bằng nắm tay rơi thẳng đứng xuống đất, dứt khoát, mạnh mẽ, và chẳng chút luyến lưu lúc rời cành, bịn rịn chia tay nhiều nụ hoa khác, đang đỏ chói, rực rỡ trên cao.

Nếu ví hoa gạo như một võ sĩ Nhật Bản, thì việc rút gươm ra kết liễu cuộc đời, hoa rời cành, đầy dũng khí, chẳng một chút ưu tư, suy nghĩ. Cái chết nhẹ tợ lông hồng của những bông hoa gạo. Thi sĩ tả cô gái đi trên thảm hoa gạo thật lãng mạn, gót sen “lãng đãng như gần như xa”, “Hoa đỏ tươi như là màu xác pháo Ngày lấy chồng em khoác áo cô dâu”.*

Đối với tôi, cây gạo, hoa gạo không nên thơ như thế. Cây gạo của tôi là cây gạo của ký ức, của tuổi thơ, cây gạo của trở về, sau một chuyến đi xa. Có dịp đi nhiều nơi ở miền Bắc, vào cuối tháng giêng (âm), tôi thấy rất nhiều cây gạo, hoa nở đỏ rực một vùng trời, khi xe chúng tôi đi qua. Tôi thấy tiếc cho quê mình Thường Đức ( tây Quảng Nam), giờ không còn những cây gạo cổ thụ như ở Bắc.

Lúc còn bé, tôi thấy rất nhiều cây gạo mọc trên những vùng đất phù sa ven sông. Cây gạo to, cao sừng sững, thường đứng một mình, tàng cây có những cành vươn ra như một dũng sĩ, che chở những người nông dân, trong những trưa hè nắng nóng, dưới bóng che của mình, một buổi nghỉ giữa trưa để có chút không khí mùa hè mát mẻ.

Mùa trổ bông, hoa gạo đỏ rực cả một vùng trời. Lá rụng lúc nào không rõ, chỉ thấy bông gạo chi chít trên mọi cành lớn nhỏ, dày đặc bên nhau như tranh chỗ đứng. Dưới gốc gạo mùa hoa nở, một thảm hoa đỏ tươi; hoa gạo dường như không thấy héo, hoặc sẫm màu; hoa lúc nào cũng đỏ như thi sĩ tả, đỏ như chẳng hề phai. Hoa giữ lòng son trung trinh như thế nên hoa chọn rơi cách lìa đời như một người quân tử, thẳng từ trên cao xuống đất, “Bao năm qua mộc miên chẳng nhạt phai. Như máu con tim chàng trai một thuở.” *

Cây gạo là nơi làm tổ của nhiều loài chim. Tôi thấy chim cưỡng, quê tôi gọi là cà cưỡng, rất nhiều. Cưỡng là loài chim nhân hậu thật thà. “Uổng công cà cưỡng tha mồi. Nuôi con (của) tu hú, lớn rồi bay đi”. Đây là loài chim thích chọn nơi ở cao hơn các loài chim cu, chim cắt, chim nhồng, chim sáo…Thời ấy không có súng săn, người không nhiều, trẻ con chỉ sử dụng ná thun, để “bắn chim”, nên những loài chim sinh sống trên những cây gạo, không bao giờ sợ hãi những viên đạn bằng sỏi, nhặt ở ven sông, bắn chim của lũ trẻ con chúng tôi. Cây gạo với những cánh tay giang rộng, hoa gạo đầy dẫy, chim tha hồ bay lượn vào ra trên những cành cây cao. Cây gạo là thế giới của các loài chim. Cây gạo ríu rít tiếng chim, cây gạo xôn xao với những cánh chim bay lượn. Cây gạo mùa xuân.

Nhưng ký ức về cây gạo của tôi không hẳn chỉ có thế. Ký ức về cây gạo của tôi là ký ức tuổi thơ, cây gạo đầu làng, hình ảnh thân yêu, báo cho tôi biết, mỗi lần đi đâu thật lâu mới trở về; từ chỗ bến xe về nhà phải băng qua một cánh đồng lúa mênh mông, trên con đường đất xa lắc xa lơ, hơn ba cây số, đứa trẻ 8, 9 tuổi như tôi nhác thấy bóng cây gạo xa tít, lòng mừng khấp khởi, sắp sửa đến nhà dù phải gần một giờ cuốc bộ. Sắp đến nhà nhờ thấy cây gạo đầu làng hiện ra trong mắt. Nếu cuối tháng giêng thì cây gạo đã ra đầy hoa đỏ hiện ra trong nắng ấm, phía xa sau cây gạo là màu xanh của núi, màu sáng dịu của trời cao, màu trắng toát của những đám mây như báo hiệu sắp đến mùa hè. Một bức tranh quê.

Mỗi làng quê tôi thời xa xưa nằm cách nhau bằng những cánh đồng ruộng xa ngái, xanh ngát. Từ làng này đi sang làng khác trên một con đường đất, hai bên là những cánh đồng, nếu vào giữa vụ, đó là những cánh đồng xanh mướt, cánh đồng của những đám mạ non, nhìn như sóng lượn, khi có những làn gió nhẹ lướt qua.

Khi đi đâu thật lâu mới về lại làng mình ở, cây gạo hiện ra đằng xa, như một người thân yêu đứng chờ: sắp tới nhà rồi. Cây gạo mang lại tin vui, niềm vui trở về. Niềm vui ấy thường lặp lại mỗi lần khi đi đâu xa như thế. Trẻ con, đi khỏi nhà vài ba cây số, trở về nhà, con đường như dài ra đằng đẵng, cây gạo hiện ra, con đường như ngắn lại: sắp về nhà, sắp đến nhà. Cây gạo bên đường quê tôi như thế có lẽ xuất hiện hàng trăm năm trước. Thân gạo to mấy người ôm, có mặt ở đầu làng lúc nào không rõ, nhưng hẳn phải là xa lắc xa lơ trong quá khứ, lúc 10 tuổi cha tôi đã thấy nó, cũng mấy người ôm, như ông nói.

Vì sao ngày xưa làng mạc lại có những cây cổ thụ như thế? Do người ít, đất còn thênh thang. Cây gạo thường rất to, diện tích tán lá phủ quanh gốc có khi cả 2 sào trung bộ (1000 mét vuông). Đất làng nên không ai phải băn khoăn về sự có mặt của một cổ thụ che rợp quá nhiều đất. Người dân quê sống gần gũi thiên nhiên, văn minh cơ khí chưa phát triển, làng quê chưa có ánh sáng điện đường, những cây to như cây đa, cây gạo, thường được cho là có hồn ma quấn quít gắn bó như đó là ngôi nhà của họ. Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa, là có thực, hiểu theo nghĩa đen. Đời này sang đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, cây gạo đầu làng của tôi to lớn, hùng vĩ, trường tồn nhờ ai ai cũng kính sợ “cây cao bóng cả” nơi ở của thần linh.

Trước chiến tranh kết thúc vài năm, người ta thấy cây gạo vẫn còn. Và sau đó không ai nhớ vì sao một cây gạo to lớn như thế lại mất đi. Cuộc sống sau 1975 ngày càng khốn khó, cái đói chi phối con người, sự có mặt hay không có mặt của cây gạo tuổi hàng trăm năm, chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của ngôi làng, không quan trọng bằng sự có mặt của những chén cơm cứu rỗi?

Thời gian rất lâu, chưa có dịp về quê, tôi không hiểu tỏ tường số phận cây gạo đầu làng ấy. Sau đó,  mỗi lần về thăm mồ mả cha ông, trên con đường cái quan dẫn về ngôi làng yêu mến, nơi tôi chôn nhau cắt rốn, cây gạo không còn hiện ra nữa. Tôi không hình dung làng tôi ở đâu phía xa xa trên con đường dài tít tắp khi bước xuống bến xe. Niềm vui rộn rã 60 năm trước giờ đây chỉ còn là nỗi bùi ngùi khôn tả: cây gạo không còn. Cha mẹ tôi không còn. Ngôi nhà xưa cũng không còn ngoài thửa đất đầy cỏ dại và những bụi chuối, cháu tôi trồng, để “giữ đất” ông bà. Ngôi làng nhỏ nhoi nằm dưới cây gạo cũng không còn như xưa. Tất cả đều thay đổi khi dân làng thay đổi cuộc sống của mình.

Dẫn con cái về quê thắp nhang mồ mả cha ông, tôi có nhắc đến cây gạo thuở xưa ở đầu làng, lòng đầy hoài cảm. Chúng mỉm cười. “Cây gạo mất đi là lẽ thường tình, có gì mà ba phải tư lự”.  Vâng, đâu có gì là mãi mãi, dẫu đó là cây gạo gắn bó tuổi thơ. Cây gạo từng là “nơi trở về” của tôi thời thơ ấu.

(*) Thơ Nguyễn Đình Huân.

CHỈ ĐƯỜNG

Tôi có thể rút ra một kết luận: cách thức chỉ đường của người địa phương cho khách mới đến biểu hiện tính cách và bản chất con người ở địa phương đó.

Lần đầu tiên đến thủ đô thăm thú, một vài ngày, để tự tìm hiểu “Hà Nội, băm sáu phố phường” (Thạch Lam), tôi luôn luôn…hỏi đường. Một số cư dân đô thị nhìn tôi từ đầu chí chưn. Có lẽ, ngoài giọng Nam pha Quảng, y phục của tôi không giống người kinh kỳ, ít ai tận tình chỉ đường giúp tôi như ở Sài Gòn. Lúc ấy, chỉ mới xuất hiện điện thoại cầm tay, chưa có Google map. Tôi vốn mặc cảm từ nhỏ, người không cao như một số bạn, mặt lại nhiều mụn. Tôi không muốn cảm thấy thương tổn thêm. Tôi không hỏi đường người Hà Nội nữa và tự mình tìm đường. Giờ tôi mới suy nghĩ thêm câu nhận xét “tự nhiên như người Hà Nội”. Cũng may nhìn được chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc… tôi thấy khá quen thuộc các con đường ở kế các khu vực này, vì từ nhỏ tôi học khá tốt môn lịch sử, địa lý, và cũng rất mê tác giả Thạch Lam, nhờ nhà văn tôi rất yêu Hà Nội.

Về quê tôi miền Trung, Quảng Nam, đi đâu xa, tôi cũng phải hỏi đường. Rời quê trên 40 năm, mỗi năm tôi chỉ về một lần; quê tôi thay đổi hằng năm, nhất là đường sá trong các vùng quê, hẹp nhưng đều làm bằng bê tông thay nhựa đường. Khi đi ra khỏi xã, tôi phải hỏi đường thường xuyên nếu đi trên xe hơi. Xe máy cơ động hơn, “lộn thì chạy lại”, xe hơi không thể. Dân Quảng tôi rất chân phác nên hỏi đường sẽ được chỉ dẫn tận tình. Vì chân phác nên bạn cũng phải từ tốn với chân ga, chờ đợi khi hỏi đường. Trên một cánh đồng bắp dẫn đến nhà một người quen, tôi nhảy ra khỏi xe khi thấy hai phụ nữ đạp xe ngược chiều, ngỏ lời xin chỉ đường. Trời tháng ba nóng như thiêu đốt. Cả hai cô đều hăng hái, tranh nhau chỉ đường. Người bảo rẽ trái, người kia bảo rẽ phải. Phải trái sau đó tôi hiểu đều dẫn tới ngôi nhà muốn đến. Phân vân không biết ai đúng, tôi chờ câu trả lời dứt khoát. Nhưng có dứt khoát được đâu. Hai người phụ nữ bắt đầu quay lại, nhìn nhau, lên tiếng tranh cãi, bỏ mặc tôi đứng đợi. Bên trái đi gần hơn. Người kia: bên phải xa hơn nhưng dễ đi hơn. Vừa rút khăn lau mồ hôi, vừa chờ cuộc tranh cãi chấm dứt, tôi kiên nhẫn, hết nhìn người này đến nhìn người kia để lượng định, đi lối nào là đúng.

Bấy giờ mới thấy ông Tố Hữu có lý: “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi”. Thời gian của tôi cũng trôi như dòng nước nhưng có vẻ chậm hơn. Tôi vội vã chào hai người phụ nữ nhiệt tình, mở cửa xe, ra hiệu cho tài xế quẹo phải, đường rộng, lỡ nhầm cũng có thể quay đầu xe lại. Xe đi một đoạn, qua kính chiếu hậu, tôi vẫn thấy hai phụ nữ chưa leo lên xe đạp. Tôi ân hận đã hỏi đường hai người. Không biết họ có còn đứng dưới nắng chang chang của một buổi trưa oi bức để cãi với nhau không: đường nào đúng nhất.

Ở quê thì thế, ở phố thì sao? Phố Hội đấy nhá. Hội An bây giờ mở rộng gấp đôi, gấp ba, có thể gấp năm thuở tôi ở trước 1975. Đường sá nhiều cơ man nào kể, nhất là những vùng ngoại vi thành phố cổ. Trong nội ô, tôi chắc chắn không cần hỏi đường, dù tên đường thay đổi, có đường làm thêm về sau, khá chằng chịt. Du khách chỉ nhớ mỗi con đường Phan Chu Trinh, ho có thể không sợ bị lạc đường.

Cách chỉ đường của người dân ở các vùng quê kế cận thành phố cổ rất đáng yêu. "Đường nào đi qua phố có chiếc cầu sắt tạm để về chùa Cầu?". "À, anh chạy đến xóm Chùa, thêm một đoạn nữa, qua cầu ông Bố, quẹo phải, hỏi thêm người đi đường". Trời đất! Tôi thầm nghĩ và thầm hỏi: Xóm Chùa ở đâu? Thêm một đoạn là bao nhiêu mét? Cầu ông Bố chỗ nào? Cái này, ông nội hay ông cố của tôi cũng không biết, chứ đừng nói là cầu ông bố. Họ tưởng mình như họ, từng ở nơi họ ở. Tôi mỉm cười chạy tiếp. Xe máy mà. Chạy lộn chạy lại. Nhờ xăng rẻ nên ruột tôi cũng không xót mấy.

Người trong phố cổ thì sao? Không khác mấy. Tôi hỏi đường Đinh Tiên Hoàng ở đâu. Một phụ nữ tầm 60 tuổi người gốc Hội An trả lời không biết, nhưng lại hỏi tôi trên đường ấy có quán cà phê hay quán ăn nào nổi tiếng, có đặc điểm gì, chị sẽ chỉ đường cho. Té ra ở thành phố cổ này, không con đường nào người dân cũ cựu không biết, nhưng họ ít để ý tên đường, ngoài những con đường lớn, đường chính. Tôi nói nhà người bà con ở gần một quán cà phê lớn, có trưng bày cối đá, cối xay gạo, chày gỗ, đơm, đó, lờ…"A, đây, con đường đó phía này đây, anh đi thế này, thế này". Họ không để ý tên đường Đinh Tiên Hoàng nhưng họ biết rất rõ con đường đó ở đâu, có những gì đặc biệt. Các con đường ở phố như là cuộc sống của họ. Cuộc sống quá quen thuộc, cần chi phải nhớ tên.

Người (gốc) Hội An hồn hậu; họ nghĩ khách phương xa cũng như họ, mọi con đường họ đều thuộc lòng, không cần phải nhớ tên. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng chỉ đường “cảm giác” như thế đâu. Cũng có kẻ chỉ đường không khác người Sài Gòn: cụ thể, ai nghe cũng có thể hiểu được, đi được, không thể nhầm đường.

Thông thường người Sài Gòn không nói tên đường này để dẫn đến con đường bạn hỏi. Các câu chỉ đường của họ rất giản dị như bản chất người Nam bộ. "Chú đi thẳng, qua 2 chỗ đèn đỏ, đến đèn đỏ thứ 3, quẹo trái; chạy đến bùng binh, bỏ 2 đường, vào đường thứ ba. Con đường chú cần đến ở đó. Nhớ xem số nhà, bên trái lẻ, bên phải chẵn, lưu ý đường một chiều, nha chú". Nghe thì rắc rối nhưng rất dễ tìm. Bạn chẳng phải lưu tâm: đến đường C phải qua đường B, đường A. Vừa chạy xe vừa dòm tên đường, tai nạn dễ xảy ra, chưa kể phải nộp tiền phạt vì chạy nhầm đường ngược chiều.

Nếu đường bạn hỏi quá xa thì có thể họ sẽ chỉ bạn một đoạn nào dễ đi và đến đó, họ bảo bạn phải hỏi thêm. Lúc nào, người Sài Gòn cũng sẵn sàng bỏ thì giờ, dù cả 5,7 phút để chỉ dẫn cặn kẽ cho người hỏi đường. Nếu thấy bạn tìm đến bệnh viện, bạn sẽ được họ giúp đỡ tận tình hơn. Cách đây 20 năm, tôi hỏi đường đến bệnh viện Từ Dũ. Sau một hồi giải thích, chỉ dẫn, thấy tôi vẫn lớ ngớ, chưa hiểu, anh thanh niên tôi hỏi đường, bực mình nói như quát: “Ông chậm hiểu quá. Thôi, chạy theo tôi. Đèn xe tôi “đá” (nháy) phía nào, ông quẹo theo tôi phía đó, nghe chưa?”. Xe cộ Sài Gòn chạy nối đuôi nhau, gần nửa tiếng, chúng tôi mới đến được cổng bệnh viện. Trước khi chia tay, anh ta bảo tôi: “Chịu khó đem xe vô bên trong, gởi bên ngoài nó “chém” lắm, có khi gửi nhầm chỗ, mất xe đó”. Anh ta cũng không đợi tôi nói lời cảm ơn, vội vã rồ ga chạy mất, rồi chìm khuất vào dòng xe cộ như mắc cửi của đô thành. Đúng là người Sài Gòn.

Tôi nói ở trên, chỉ đường thôi, tôi cũng có thể đoán bản chất người địa phương có đường chúng ta muốn hỏi.

RAU LỘN HAY RAU TẬP TÀNG?

Tôi không tìm ra trong từ điển hai tên gọi loại rau này. Rau lộn hay rau tập tàng không phải tên một loại rau nhưng là tên của nhiều thứ rau. Đó có thể là: rau mồng tơi, rau má, rau lưỡi, rau đắng, rau dền, rau sam, lá lốt, bù ngót, lá ớt, nhãn lồng (lạc tiên, bầu đường, dây chùm bao)…Người dân quê thời xưa không biết đến rau xà lách, cải bắp, súp-lơ có gốc gác từ phương tây…Rau muống, rau lang…đều phải trồng mới có. Dân cày có khi nghèo rớt mồng tơi lấy đâu có đất mà trồng rau. Họ không có đất nhưng họ có sức lao động: đi khắp vườn nhà, vườn hoang, trên cồn, dưới bãi…để hái những loại rau như thế, và gọi nó là rau lộn, rau tập tàng, một tổng hợp các loại rau dại. Rau của người nghèo.

Rau lộn có hàm lượng dinh dưỡng không? Chẳng ai nghiên cứu và cũng chẳng có câu trả lời nào cả. Hà Nội hay Sài Gòn có ai đi hái rau lộn hay có chỗ hái rau lộn đâu. Nếu có, người dân tri thức ở hai đô thị này sẽ bỏ công nghiên cứu. Không rõ có dinh dưỡng hay không nhưng ngon, phải nói là rất ngon, người dân quê thấy rõ chúng ngon, cả mấy thế hệ mà không bỏ món rau tập tàng. Má vợ gần 90 tuổi cho biết lúc còn nhỏ bà thấy bà ngoại tôi cũng đã đi hái rau “tập tàng”. Không tin bạn hãy ra chợ chiều, như chợ Cẩm Kim (Kim Bồng, Hội An, ngày xưa nổi tiếng nghề mộc. Triều đình Huế làm cung điện đều tuyển thợ mộc Kim Bồng; nay có nghệ nhân Huỳnh Ri chủ nhân xưởng mộc mỹ nghệ, sát chợ) và mua độ 20 ngàn “rau lộn” về nấu canh với hến và nước hến, điều tôi nói ngon về món canh sẽ không ngoa tý nào.

Rau lộn chỉ ngon khi nấu canh với hến và nước hến. Ở Sài Gòn tôi có vô tiệm ăn “Quảng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và thưởng thức món hến. Nghe nhân viên phục vụ ở đây bảo là hến mang vô từ Hội An. Thật ngon. Tuổi trẻ tôi ở Hội An, món hến, nước luộc hến, món ăn của người lao động, món ăn của người nghèo gắn bó như một cuộc sống đơn sơ nhưng sâu thẳm.

Thỉnh thoảng tôi phải tìm hến để ăn dù là năm bảy tháng mới có dịp thưởng thức hến Hội An. Nhìn chén hến trộn lá hành, ớt đỏ tươi thái nhỏ, bốc khói khi còn nóng, tôi nhớ lại thời thơ ấu ở thành phố nhỏ Hội An; yêu hến yêu phố dù không phải ai cũng yêu món này, “nhạt như nước ốc”, ốc cũng “bà con” với hến. Đối với tôi, hến không hề “nhạt”. Nhưng hến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không ngon bằng hến Cẩm Kim, nơi tôi đang ở những ngày về quê vợ.

Hến Cẩm Kim đậm đà hương vị. Hến có hai loại: hến thường (hến to) và hến vắt (rất nhỏ). Dân ở Hội An sành ăn đều chuộng hết vắt. Khách du lịch lịch lãm đều chọn hến vắt để ăn với bánh tráng nướng giòn. Nhưng hến và nước hến sẽ ý vị hơn nếu được nấu với rau lộn, rau tập tàng. Nước canh, ngọt hương vị biển, hương vị hến, rau không nhão, không nhạt, không hiểu nhờ nước hến hay nhờ con hến vắt.

Có những món thuộc loại cao lương mỹ vị nhưng không để lại ấn tượng như món canh rau tập tàng. Tôi không có tuổi thơ gắn bó với loại rau này nhưng khi thưởng thức món canh rau tập tàng, tôi cảm nhận được cái ngon của một loại canh, có lẽ trên đất nước Việt Nam này, chưa chỗ nào tôi may mắn được ăn. Hay tôi yêu món canh rau tập tàng này vì đó là nơi có tộc Huỳnh (Hoàng của vợ) nơi chôn nhau cắt rốn của nàng?

Chợ Cẩm Kim là một ngôi chợ quê dù chỉ cách một con sông, qua một chuyến đò là đến Hội An, thành phố nổi tiếng thế giới; những ngày không dịch Covid, ra đường quý vị sẽ thấy Tây nhiều hơn Ta. Chợ Hội An có rau tập tàng không? Tôi không rõ, nhưng ở ngôi chợ quê này, rau tập tàng rất nhiều người bán. Khi cách biệt với phố, quê mãi là quê. Gần nửa thế kỷ chưa có một chiếc cầu hoàn chỉnh nào để nối Cẩm Kim với Hội An, nối quê với thành phố.

Chợ Cẩm Kim còn gọi là chợ Đồn; nơi này trước đây là một đồn Tây?

Một chiếc cầu đang thi công. Nó là niềm hy vọng cho sự nối kết phở, cao lầu Hội An hến nấu với rau tập tàng Cẩm Kim. Vùng quê Cẩm Kim của vợ tôi, cùng với Cẩm Thanh, là vùng Việt Cộng hoạt động sôi nổi thời chiến tranh, bị tàn phá rất ác liệt, ngay cả thời Việt Minh. Mẹ vợ tôi nói, lính lê dương thời Pháp là nỗi kinh hoàng cho dân chúng ở vùng nghèo khổ này, vậy mà các hậu bối “cách mạng” không làm nổi một việc đơn giản nhất, nối kết quê hương nghèo chiến tranh tàn phá với một thành phố giàu có nổi tiếng thế giới như Hội An.

Sơn Chà (chứ không phải Sơn Trà, núi của con khỉ voọc Chà Vá) nghèo khó trước 1975 trở thành giàu có nhờ những chiếc cầu do Nguyễn Bá Thanh chủ trương xây dựng. Cẩm Kim nếu có một chiếc cầu nối với Hội An thì quê hương này sẽ nhanh chóng giàu có, và biết đâu món rau tập tàng sẽ nổi tiếng không khác chi chè bắp, chè đậu xanh đánh, bánh tráng đập, hến trộn xúc bánh tráng của Hội An?

Giàu hay nghèo chắc chắn không thể do số phận. Giàu hay nghèo phải do trí tuệ. Chiếc cầu Cẩm Kim sắp nối một nơi nghèo với một nơi giàu, trí tuệ hiện ra rồi đó. Trễ còn hơn không. Lần sau khi đi du lịch Hội An tôi và những người dân từng sống ở thành phố cổ này sẽ thưởng thức món canh nấu từ rau hấp dẫn, rau của một quá khứ cam khổ, khó khăn, rau Tập Tàng.

BÁNH Ú TRO HỘI AN

Hội An có nhiều món ăn đặc sản. Bánh tráng đập, chè đậu ván, chè đậu xanh đánh, tào xá, hến trộn, cơm gà, phở, cao lầu…quanh năm đều có, mùa xuân cho chí mùa đông, nội thị, ngoại ô. Nhưng có một đặc sản mỗi năm chỉ có một lần vào ngày mùng 5. Tết Đoan Ngọ ở Hội An sẽ thiếu ý nghĩa nếu không có một hay hai chục bánh ú tro.

Nhiều nơi có làm bánh ú tro, chất lượng khác, kích cỡ, cách thức gói bánh cũng khác Hội An. Vì sao gọi là bánh ú tro? Lần đầu tiên biết đến Hội An, tôi cứ nghĩ, bánh ú tro là loại bánh ú có trộn một ít…tro mịn bên trong. Bánh ú có tro nên gọi bánh ú tro. Và đúng như thế. Nước sạch thấm qua tro chảy ra dùng để ngâm nếp một thời gian nhất định (và người bên ngoài không biết bao lâu, đó là bí mật nghề nghiệp). Ít tro nếp sẽ dẻo, không “giòn” khi nấu chín. Nhiều tro thì bánh quá “giòn” và đắng vị tro.

Khi nghe tro được lấy từ một loại cây ở Cù Lao Chàm, một dải đảo khá lớn nằm cách Hội An chừng 20 phút tàu cao tốc, tôi cho đó là “nói cho có, nói cho oai”. Nhưng thực sự là như vậy. Nếu không phải tro lấy từ hòn đảo từng hoang vu này, chất lượng bánh không ngon. Bánh không ngon, tiếng không nhiều, thu nhập không cao. Nếp sau đó được vo lại thật kỹ với nước trong, vo cho đến khi màu nước không còn màu tro, mùi tro. Sau đó nếp được phơi khô, thật khô, để ngâm lại một lần nữa với nước tro tinh khiết trước khi gói thành bánh.

Số lượng nước, số lượng tro, số lượng nếp: tất cả đều là bí quyết nghề làm bánh ú tro. Gói bánh là công đoạn hao tốn công sức nhiều nhất. Lá để gói lấy từ lá cây đót làm chổi quét nhà, cũng phải là lá ở rừng đảo Cù Lao Chàm. Lá chổi to bằng ba ngón tay, dài hơn một gang, được cắt bằng ở hai đầu. Người ta xếp lá từng chồng, bỏ vào nồi luộc bằng nước tro, vớt ra, rửa cho thật sạch, sắp lại cứ 3 lá đủ để gói một cái bánh, đặt chéo lên nhau như hình thập tự, người gói cứ việc bốc lên, đổ nếp, không cần phải đếm lại lá cho một cái bánh. Ai là người gói bánh?

Thời điểm tập trung gói bánh cho ngày mồng 5.

Chủ nhà làm bánh ú tro phải mướn thật nhiều nhân công, từ 14 tuổi cho đến 70, 80 tuổi. Thao tác gói phải nhanh chóng, không rơi vãi, không méo mó, và bánh phải chặt chẽ. Người thường gói 3000 cái mỗi ngày, người làm lâu năm có thể gói đến 5000 cái. Ai dạy nghề gói? Tự nguyện và yêu thích. Người gói sẽ đến nơi làm bánh, quan sát cách gói. Về nhà họ tự tập dợt, lấy cát thay nếp, lấy lá chuối thay lá đót.

Khi thành thục người gói mới được phép thực hiện “chính thức” nếp với lá đót. Bánh gói “đại trà” và “cấp bách”, số lương người gói huy động rất đông, tùy nhịp độ tiêu thụ, nguồn tiêu thụ, và kết thúc bằng lần nấu cuối cùng vào 12 giờ trưa ngày mồng 4, kịp cho mối lái đến lấy, phân phối cho người mua về cúng ngày mồng 5. Lượng nếp còn lại sau đó chưa thành bánh sẽ được gói tiếp và bán lai rai (số lượng không đáng kể), gọi là “bánh rài”, giá rẻ hơn sau ngày mồng 5; “rài” như trong khoai rài, đậu rài, tức khoai đào bỏ sót, đậu rơi lại dưới cây.

LÝ SỰ (HAY CÃI).

Xa quê hương, sống ở một đô thị mà người cùng quê Quảng Nam không nhiều, ngoại trừ vùng ngã tư Bảy Hiền, tôi luôn yêu tiếng nói và tính cách người đồng hương, kể cả cái “tật” lý sự. Nhiều người bỡn cợt “Quảng Nam hay cãi”. Tôi thú nhận đúng như thế. Quảng Nam hay cãi, không cãi không phải Quảng Nam.

Đồng hương của tôi lấy lý luận (cãi) làm niềm vui. Tôi cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên, nếu trong ngày không “cãi” một chuyện gì đó với vợ con hay bè bạn. Khác quan điểm rồi cãi nhưng không hề chia rẽ vì cãi nhau. Tôi nhớ lúc vào tuổi trưởng thành, đối tượng tranh luận (cãi) của tôi chính là ông…thân sinh. Chúng tôi cãi nhau về mọi vấn đề. Có thể cả ngày nếu hôm đó rảnh rang, cha con muốn bày tỏ ý kiến về một vấn đề nào nó. Nhưng khi vào bữa cơm, cha tôi không “cãi” với tôi nữa. Hai cha con không còn “đánh nhau” bằng ngôn ngữ trong suốt giờ ăn cơm. “Trời đánh tránh bữa ăn”, cha tôi nói thế.

Cãi, lý sự, tranh luận…đối với người Quảng Nam chúng tôi, khó mà phân biệt khác nhau dù thật sự, ý nghĩa từ ngữ không phải giống nhau.

Sáng nay, tôi vào ăn phở Hội An ở một quán tương đối nhỏ; món ăn rất ngon. Một trung niên đứng lên đi lấy tăm thì chủ quán mời uống trà đá, có lẽ anh này là khách quen. Thay vì từ chối với lời cám ơn thì anh ta bảo: “Ăn nóng mà uống lạnh sao được, bà chủ ơi. Sai nguyên tắc rồi”. Ý anh nói phở “nóng”, trà đá “lạnh”, có thể làm nứt lớp men răng. Bà chủ quán cười cãi lại: “Tôi thấy nhiều người uống trà đá sau khi ăn phở mà”. Có lẽ thực khách bà nói đến từ Sài Gòn. Tôi đứng lên trả tiền, nhìn hai người rồi bất giác suy nghĩ. Covid đang làm ế khách. Quán vắng. Không rõ khi tôi rời khỏi quán, hai người có còn “tranh luận” gì thêm về đề tài “nóng, lạnh”, “ăn phở mà uống trà đá” hay không.

Cãi (đối với chúng tôi không khác gì lý luận) là bản chất của người Quảng Nam. Họ không bao giờ chấp nhận ý kiến người khác nếu thấy ý kiến ấy chưa đúng “chân lý” như họ quan niệm. Cãi cấp “thượng tầng” trong lịch sử phải kể đến học giả Phan Khôi và trước nữa là chí sĩ Phan Châu Trinh. Ông Phan Khôi rất thích “bút chiến”, theo suy nghĩ của tôi. Ông từng “lên án” Phạm Quỳnh là “học phiệt” (“phiệt” như trong “tài phiệt”, “quân phiệt”), một từ ngữ rất mới, rất dũng mãnh, và cũng rất chịu chơi vào thời đó. Phạm Quỳnh là học giả nổi tiếng, được người Pháp hết sức trọng vọng.

Cụ Phan Bội Châu, một chiến sĩ cách mạng lừng danh, bất đồng quan điểm với cụ Phan Châu Trinh, cũng là nhà cách mạng nổi tiếng, về đường lối đấu tranh; cụ chủ trương bạo động, dựa vào người Nhật để mong giành lại độc lập cho nước nhà. Cụ Phan Quảng Nam “búa” cụ Phan Nghệ An: “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. Về sau, cụ Phan Bội Châu nhận ra đường lối đấu tranh của người từng “nặng lời” với mình là đúng. Máu người dân Việt Nam đổ ra quá nhiều vì dùng bạo động để giành độc lập.  Người than khóc thảm thiết nhất trước cái chết của cụ Phan (Quảng Nam) chính là cụ Phan (Nghệ An).

Quan điểm chính trị hai bậc chí sĩ khác nhau nhưng không vì thế mà chia rẽ nhau trên con đường giải phóng đất nước. Hậu thế ít người “học tập” và “làm theo” hai cụ. Có khi hậu bối giết nhau vì không cùng một quan điểm chính trị như nhau.

Tôi đi hơi lạc đề. Xin trở lại tính lý sự của người Quảng tôi. Lý sự, hay cãi, nhưng bản chất người Quảng rất thật thà.

Tôi hỏi đường ở thành phố Đà Nẵng mấy chục năm trước, lần đầu trở về Quảng Nam sau những năm tháng định cư ở miền Nam. “Anh ơi”, tôi hỏi một bác xe thồ (xe ôm), “Rạp hát Trưng Vương (cũ) ở đâu. Từ đây đến đó anh lấy bao nhiêu tiền? Nhà bạn tôi ở gần đó”. Bác tài xế cười như chế giễu tôi: “Ông khờ quá. Đi hết ngã tư này, quẹo trái một khúc đường là tới rạp hát. Đi xe thồ (ôm) làm chi cho tốn”. Tôi tìm ngay nhà bạn đúng như chỉ dẫn. Tôi suy nghĩ, nếu ở một đô thị nào đó, tôi sẽ được chở đi “vòng vèo” đôi ba chục phút, tiền xe hẳn sẽ khá nhiều. Bảo tôi “khờ”, nhưng anh ta mới “khờ”.  “Khờ” chân thật quá, đồng hương ơi!

Một lần khác, đang đi bộ trên các con phố Đà Nẵng, bất ngờ đôi giày tôi há mõm, có lẽ hỏng keo dán; tôi tạt vào một chỗ để bảng nhỏ “sửa giày, dép”. Bác thợ bảo tôi, 2 giờ đồng hồ sau quay lại lấy. Tôi ở miền Nam tương đối lâu và quen cách làm việc ở Sài Gòn. Để mua thời gian, bạn có thể trả tiền gấp đôi hoặc gấp ba cho công việc của mình hoàn thành tức thì thay vì phải chờ lâu, như bác thợ sửa giày này hẹn với tôi. Tôi bèn áp dụng cách làm “ở trỏng”: “Tôi sẽ trả ông tiền gấp đôi nếu ông làm ngay, không phải đợi 2 giờ tôi mới đến lấy giầy. Tôi cần đi ngay”. Người thợ giày như cầm súng, nhìn tôi một người thù địch, lớn tiếng như quát: “Anh nói sao? Đồng tiền của anh to lắm hả? (Không kiềm tức giận, "anh" chuyển qua "ông")Làm ngay cho ông, về nhà giày hư, ông chửi cha tôi hay sao?”. Chửi cha ai là một cách nói xúc phạm rất lớn đối với người Quảng Nam.

Tôi chưa kịp hiểu thì ông hạ bớt giọng đang tức giận, giải thích: “Cần hai tiếng để may lại và dán keo, cho chắc. Dán, không may, sao được”. Nếu ở chỗ khác, yêu cầu của tôi sẽ được đáp ứng tức thì: dán keo, khỏi cần may. Tôi có ngay giày và “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tôi là khách qua đường, có thời gian đâu mà quay lại chỗ sửa giày này để khiếu nại lôi thôi.

Đương nhiên, không phải tất cả người Quảng Nam đều trung thực như anh xe ôm hay bác sửa giày tôi kể. Nhưng tôi nghĩ đa phần họ như thế.

Hiện nay, đến bất cứ nơi nào ở Quảng Nam, bạn có thể bỏ xe ngoài sân và không cần khóa cổ; sáng ra xe của bạn vẫn còn. Chuyện này khá thông thường ở vùng quê tôi - Thường Đức (tây Đại Lộc). “Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” (Nguyễn Công Trứ). Ngay cả ở Cẩm Kim hay Ngọc Thành, một phần của phố cổ Hội An, những chiếc xe đắt tiền như SH, Vespa, hay Airblade, tôi thấy người dân vẫn vô tư để ngoài sân qua đêm mà không lo lắng sẽ bị mất trộm.

Tôi mong rằng “tính chân thực” (như anh xe ôm, bác sửa dép, hay không ăn cắp xe máy) của người Quảng Nam sẽ được gìn giữ lâu dài, dẫu biết rằng xã hội càng phát triển, tệ nạn xã hội sẽ càng tăng lên. “Đất lành chim đậu”. Chim các nơi có đến đậu vùng đất Quảng Nam (hay lý sự), xin đừng làm kinh động những chú “chim non” sẵn có ở đất này từ bao đời trước.

Lý sự, hay cãi, nhưng người (gốc) Quảng Nam hết sức thật thà và trung thực. "Lý sự"., "hay cãi"  cũng là "thương hiệu" đó chớ, hỉ?

VÁI HAY DÁI?

Trong ngôi đền có tiếng linh ứng, 2 người đang thắp nhang khấn vái. Người đàn ông đứng trước khấn giọng hơi to, người phụ nữ phía sau bực mình: "Dái gì mà to dậy?". Chị là người Nam, anh người Bắc đốp lại:" Sao chị biết?". "Vái" mà phát âm thành "dái".

Không phải tôi muốn hài nhưng muốn nói về đề tài liên quan: tín ngưỡng.

Nhà sử học Trần Trọng Kim nhận xét trong Việt Nam Sử Lược đời sống tâm linh người Việt chúng ta " Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả".

Lễ bái, cúng kiến, thực sự dày đặc trong lịch sinh hoạt của chúng ta. Biết bao nhiêu là tốn kém cho sinh hoạt tâm linh này. Người ta cho đó là nếp sống đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhưng mục đích của sự cúng bái là gì?

Cầu cho bình an tâm hồn, thể xác ư?

Có nhưng rất ít. Đa phần trong lời khấn vái quay quanh mục đích: "cầu xin" gia đạo, tình duyên, danh vọng, mà nhiều nhất là tài lộc.

Những cảnh chen  chúc trong các lễ hội, cào xé, đánh đấm  nhau, tranh giành những phước lộc nơi chốn trang nghiêm nhan nhản.

Chúng ta thiếu tự tin như vậy sao? Muốn lên chức: cúng. Muốn mau tậu nhà, mua xe: cúng. Muốn con thi đỗ vào đại học: cúng.  Muốn buôn may bán đắt: cúng.

Chúng ta không hiểu rằng muốn được như thế phải có nhiều nỗ lực tự bản thân chứ chúa, phật, ông bà đâu có ban phát cho khi ta cúng bái, xin xỏ, muốn lễ vật càng to để phúc lợi  càng nhiều.

Tín ngưỡng, chứ không phải mê tín, thực sự đã mang lại niềm an ủi chở che về tinh thần rất nhiều những người tìm đến nó.

Cúng bái nhiều còn làm chúng ta thiếu sức sống: luôn luôn cậy dựa vào người đã chết, đấng bề trên để mưu cầu lợi ích. Nó còn làm cho con người thụ động: "xin' chứ không 'làm".

Ở đây tôi không nói cúng bái để cầu bình an cho bản thân, gia đình.

Người ta đổ lỗi  xã hội đã làm cuộc sống của họ khó khăn trong khi đó không hiểu chính mình mới quyết định cho cuộc sống của mình, chứ không phải xã hội, càng không phải thần linh.

Không ngạc nhiên trong những nghĩa trang xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi mộ to lớn, đắt tiền. Ở nông thôn thì những ngôi nhà thờ họ hoành tráng trang trí những vật thờ cúng quí hiếm. Trong khi cha mẹ còn sống chưa chắc đã có một chỗ ở tiền bỏ ra ngang ngôi mộ con cháu xây cho họ khi chết. Hoặc trong bà con họ tộc vẫn còn người không có nổi miếng ăn.

Hãy tin chính mình, không dựa vào thần thánh, người chết, để cầu lợi, cầu danh, và nếu có dựa vào họ thì cũng để có chỗ bình yên cho tâm hồn, trong một xã hội ô trọc đầy biến động.

Đến chùa chiền, miếu mạo không phải để "dái to" (vái to) như người đàn ông ở trên, mà nên tìm ở đó một sự ủi an thanh bình, tĩnh lặng.

Sunday, January 28, 2024

MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

(Hãy nghĩ đến trẻ thơ)

Ngày 27 giáp tết, tai họa giáng xuống hai cháu, một gái 4 tuổi và một trai hơn 2 tuổi ở một làng quê, heo hút núi rừng.

Vì quá ghen tuông nghi vợ ngoại tình, người cha đã kết liễu người mẹ của hai cháu bằng một cái búa đóng đinh khi hai người đang cãi vả. 15 phút sau, người chồng trẻ 30 tuổi tự treo cổ trên một cây cao trong rừng quanh ngôi nhà lá, rách nát của mình.

Cận tết, trong thời gian ít người qua lại vị dịch Covid, câu chuyện thương tâm của một gia đình trẻ có hai đứa con dại ít được quan tâm của  xã hội.

Cháu gái được bà ngoại mang về nuôi nấng; cháu trai thì ông bà nội cưu mang. Gia đình 2 bên đều nghèo, hai cháu mồ côi cha mẹ không thể ở chung một nhà; tình chị em chia cắt, tình mẫu tử, phụ tử chia ly.

Xung đột gia đình ở một làng quê nghèo cũng không tránh được một thảm cảnh thương tâm. Vì yêu, vì ghen, vì hiểu nhầm...thảm họa ập lên đầu hai cháu bé ngây thơ hay sao? Chúng đâu tội tình gì.

Căn nhà rách nát sau cái chết thảm thương của đôi vợ chồng - cả hai chưa ngoài 30 tuổi - lại thảm thương hơn. Mỗi chiều, tiếng bìm bịp kêu ủ ê trong khu rừng tĩnh mịch, cháu trai 2 tuổi, buồn bã không có chị ở bên, từ nhà nội tha thẩn qua ngôi nhà bất hạnh; cháu đi quanh nhà, vào bên trong, ra sau hè. " Ba ơi! Mẹ ơi!". Tiếng kêu ba mẹ buồn não nuột.  Ba, mẹ đâu còn! Tiếng kêu ngây thơ cứ vang lên mỗi chiều trời sắp lặn, tiếng kêu như xé ruột gan. Ông nội kể đến đây rồi ngưng lại, như muốn ngăn tiếng nấc nghẹn ngào; nhìn hình ảnh con, dâu trên bàn thờ,  nước mắt một người cha,  mái đầu bạc cúi xuống, lã chã rơi như một đứa bé trơ trọi, khổ đau.

Không muốn nhắc lại một hoàn cảnh đau lòng,  nhưng qua mấy ngày suy nghĩ, tôi không cầm lòng được khi viết status này, với lời nhắn nhủ, các gia đình trẻ có con còn nhỏ, hãy nghĩ đến con, đến núm ruột của mình trước khi có những hành động, đôi khi nhất thời mù quáng, có thể dẫn đến thảm cảnh thương tâm như đôi vợ chồng ở một vùng quê của núi rừng heo hút.

Hai cháu đang sống khổ sở vì nội ngoại đều nghèo nhưng cuộc sống sẽ khổ sở hơn khi lớn lên, câu chuyện đau thương về cha mẹ mình đeo đuổi tâm hồn chúng suốt cả cuộc đời. Đớn đau này bao giờ nguôi được? Hai cháu ơi!

Người mẹ bất hạnh.