Sunday, January 28, 2024

MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

(Hãy nghĩ đến trẻ thơ)

Ngày 27 giáp tết, tai họa giáng xuống hai cháu, một gái 4 tuổi và một trai hơn 2 tuổi ở một làng quê, heo hút núi rừng.

Vì quá ghen tuông nghi vợ ngoại tình, người cha đã kết liễu người mẹ của hai cháu bằng một cái búa đóng đinh khi hai người đang cãi vả. 15 phút sau, người chồng trẻ 30 tuổi tự treo cổ trên một cây cao trong rừng quanh ngôi nhà lá, rách nát của mình.

Cận tết, trong thời gian ít người qua lại vị dịch Covid, câu chuyện thương tâm của một gia đình trẻ có hai đứa con dại ít được quan tâm của  xã hội.

Cháu gái được bà ngoại mang về nuôi nấng; cháu trai thì ông bà nội cưu mang. Gia đình 2 bên đều nghèo, hai cháu mồ côi cha mẹ không thể ở chung một nhà; tình chị em chia cắt, tình mẫu tử, phụ tử chia ly.

Xung đột gia đình ở một làng quê nghèo cũng không tránh được một thảm cảnh thương tâm. Vì yêu, vì ghen, vì hiểu nhầm...thảm họa ập lên đầu hai cháu bé ngây thơ hay sao? Chúng đâu tội tình gì.

Căn nhà rách nát sau cái chết thảm thương của đôi vợ chồng - cả hai chưa ngoài 30 tuổi - lại thảm thương hơn. Mỗi chiều, tiếng bìm bịp kêu ủ ê trong khu rừng tĩnh mịch, cháu trai 2 tuổi, buồn bã không có chị ở bên, từ nhà nội tha thẩn qua ngôi nhà bất hạnh; cháu đi quanh nhà, vào bên trong, ra sau hè. " Ba ơi! Mẹ ơi!". Tiếng kêu ba mẹ buồn não nuột.  Ba, mẹ đâu còn! Tiếng kêu ngây thơ cứ vang lên mỗi chiều trời sắp lặn, tiếng kêu như xé ruột gan. Ông nội kể đến đây rồi ngưng lại, như muốn ngăn tiếng nấc nghẹn ngào; nhìn hình ảnh con, dâu trên bàn thờ,  nước mắt một người cha,  mái đầu bạc cúi xuống, lã chã rơi như một đứa bé trơ trọi, khổ đau.

Không muốn nhắc lại một hoàn cảnh đau lòng,  nhưng qua mấy ngày suy nghĩ, tôi không cầm lòng được khi viết status này, với lời nhắn nhủ, các gia đình trẻ có con còn nhỏ, hãy nghĩ đến con, đến núm ruột của mình trước khi có những hành động, đôi khi nhất thời mù quáng, có thể dẫn đến thảm cảnh thương tâm như đôi vợ chồng ở một vùng quê của núi rừng heo hút.

Hai cháu đang sống khổ sở vì nội ngoại đều nghèo nhưng cuộc sống sẽ khổ sở hơn khi lớn lên, câu chuyện đau thương về cha mẹ mình đeo đuổi tâm hồn chúng suốt cả cuộc đời. Đớn đau này bao giờ nguôi được? Hai cháu ơi!

Người mẹ bất hạnh.

THỜ MÃ VIỆN?

Ở Hội An, tên các đình, miếu, đền, hội quán, đa phần là chữ Hán. Chùa Âm Bổn là cái tên, ai cũng nghĩ do người Minh Hương đặt cho.

Trước đây, người dân phố Hội có câu giới hạn địa lý phố cổ, "Thượng chùa Cầu, hạ  Âm Bổn".

Thật ra, 2 kiến trúc này không phải là chùa. Chùa thì phải thờ Phật. Hai nơi nay không thấy có tượng phật Thích Ca. Đích thân đọc bảng chú dẫn thời gian, phương thức thành lập "chùa", tôi thấy ghi hội quán ông Bổn. Ông này có thể là người đầu tiên thành lập hội quán hoặc có thể hội quán thờ ông thần Bổn Mạng, gọi gọn là ông Bổn?. Kiến trúc này, người ta nói, mang toàn bộ phần thiết yếu từ lục địa Trung Hoa. Người Minh Hương đều có lối sống gắn bó qua các bang hội. Khu vực xây hội quán là một vùng trũng nước, sen dại mọc khá nhiều.

Hội quán có ba gian chính thờ ba vị: tả thờ ông Phước, hữu thờ ông Thần Tài, giữa thật bất ngờ, giờ tôi mới biết, lại thờ Phục Ba tướng quân tức Mã Viện, người bức hại Hai Bà Trưng phải nhảy xuống Hát giang tuẫn tiết. Lúc nhỏ, tôi học " Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", nghe thầy giảng, Mã Viện cho xây trụ đồng khi xâm chiếm nước ta, khắc câu như trên mang ý: trụ đồng ngã, dân Giao Chỉ tiêu vong. Bị nô dịch, do tuyên truyền "ngu dân", dân chúng nhiều đời, kẻ đi qua, người đi lại, ai cũng ném vài cục đất vào cho trụ khỏi ngã, đặng dân tộc không bị diệt vong.

Sau này, thời nhà Minh xâm lược, trụ đồng được nhắc lại;  sứ giả Giang Văn Minh trước khi bị triều đình nhà Minh giết chết, kiêu hãnh đáp lại câu đối ngạo mạn của giặc: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" bằng câu: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Trụ đồng- biểu hiện quyền uy phương Bắc- cho đến nay vẫn còn rêu bám";  Sông Bạch Đằng - nơi chôn xác bọn giặc bay - từ xưa đã nhuộm máu hồng).

Tinh thần dân Việt chống quân xâm lược Tàu rất cao, không phải bây giờ mới có, như "chống Pháp, chống Mỹ", nhưng lại "mờ nhạt" trong lịch sử cận đại ở học đường; giới chức trách vì lý do nào đó - có thể là quý trọng tình hữu nghị keo sơn, lý tưởng tương thông (cộng sản) -  chú trọng nhiều vào hai đế quốc to, nhất là đế quốc Mỹ, "ít" để ý cái ông đế quốc còn to gấp bội mấy ông kia.

Cái gì liên quan đến "kẻ thù", nhất là kẻ thù xâm lược, dù là trong quá khứ, đều bị "lên án" thậm chí bị phá hủy. Trong chiến tranh chống Pháp, đền, chùa, miếu, đình, biểu trưng cho thể chế quân chủ chuyên chính (hay gọi gọn là phong kiến)...hầu hết đều bị san bằng trong vùng "tự do",  dưới cái tên rất hay "tiêu thổ kháng chiến". Tôi rất ngạc nhiên, hội quán ông Bổn, Hội An, thờ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc là Mã Viện vẫn trường tồn qua nhiều biến động lịch sử chiến tranh.

Tôi nghe nói, sau 1975, học sinh hay viên chức, được chính quyền khuyến cáo, không nên đến đây nhang khói, cầu khấn, vì "chùa" có tiếng "linh thiêng". Gần đây, một số du khách người Bắc (XHCN khá kiên định) đã "địt mẹ, đéo bà" khi lỡ mua vé vào đây tham quan. Tham quan gì cái chỗ thờ "thằng giặc". Họ lập luận, và lập luận đúng.

Có hai nơi thờ hai ông có "quốc tịch" Trung Hoa: Quan Vân Trường (chùa Ông, sát chợ Hội An) và Mã Viện, chùa ông Bổn) cùng cung đường.

Nhiều người ái quốc luôn lên án việc thờ Quan Công, một ông Tàu chẳng công trạng gì cho VN, nay lại thêm ông Mã Viện, kẻ "thâm thù" trong lịch sử dân tộc.

Hai ông "bá vơ" này sao có đền thờ, lại là đền thờ hoành tráng?

Lịch sử có những giải thích của riêng nó. Hội An, hay những thành phố lâu đời, đều có đóng góp của những người Trung Hoa bỏ quê hương, đến đây lập nghiệp. Cuộc sống nơi đất khách quê người đầy gian nguy, thử thách. Họ phải sống nương tựa vào nhau, vật chất và tinh thần.

Người Minh Hương Hội An nổi tiếng giỏi làm ăn buôn bán. Các khu phố cổ trọng yếu đều là nơi họ sinh cơ, lập nghiệp. Các công trình " phúc lợi công cộng" về tinh thần như đền thờ, hội quán, nhà thờ tộc họ, ngay cả trường học, đều là của người Hoa, nằm ở những vị trí đắc địa.

Người Hoa Hội An đến đền, hội quán, nơi thờ tự...để chiêm bái, cầu khấn,  có thể nhiều hơn đến chùa thờ Phật; nhà thờ càng hiếm hơn.

Quan Công trở thành vị Thánh có thể ban phúc, lộc, thọ cho họ, và Phục Ba tướng quân (Mã Viện) cũng thế. Niềm tin thần thánh của họ mạnh mẽ không khác niềm tin tôn giáo. "Thằng giặc" của Việt Nam không làm họ băn khoăn khi thờ cúng; họ coi đó là vị thần Bổn Mạng, theo tin tưởng của mình.

Họ có học lịch sử VN và biết rõ ràng, hai vị vua nữ trung liệt bị chết dưới tay Mã Viện, mở đầu cho gần 1000 năm đô hộ giặc Tàu, chỉ chấm dứt khi Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán năm 930.

Họ vẫn thờ Mã Viện, Phục Ba tướng quân, ở "chùa" ông Bổn, không phải vì ông ta đem lại thời gian nô dịch gần ngàn năm cho người Tàu, mà vì ông ta là thần hộ mệnh cho họ, hàng trăm năm trước. Lịch sử chính trị (của người Việt) trở thành lịch sử "tôn giáo" (của người Hoa): Mã Viện là vị thần hộ mạng, nằm ở chính điện, được nhang khói, thờ phượng quanh năm.

Nếu "chùa ông Bổn" tọa lạc ở một địa phương khác như Nghệ An hay Hà Nội thì thế nào? Tôi nghĩ rằng, ngôi đền thờ này đã tan tành "xí quách" trong thời gian biến động như cải cách ruộng đất ở miền Bắc.

Tại sao, ngôi đền gần 200 trăm năm, thờ Mã Viện vẫn tồn tại ở Hội An?

Đây là câu hỏi tưởng khó nhưng rất dễ trả lời: người Hội An có tinh thần khoáng đạt, bao dung, hiểu biết. Họ hiểu vị thần tên gọi Phục Ba tướng quân kia là niềm tin tâm linh của cộng đồng người Hoa, một sắc dân đóng góp to lớn về vật chất và tinh thần cho diện mạo phố cổ được vinh danh thế giới. Có công trình "cổ" nào ở Hội An không mang dấu ấn người Hoa sinh cư ở đất này mấy trăm năm nay?

Ngôi đền ông Bổn nhắc nhở quá khứ đau thương của dân tộc vì thờ một "đại giặc" vẫn tồn tại trong cộng đồng người Việt và người Hoa ở cái thành phố "lạ lùng" này. Điều đó nói lên cái gì?

Nếu "kiên định lập trường địch ta" thì 2 ngôi đền cần phải đập bỏ vì thờ Quan Vân Trường và Mã Viện. Quá khứ Hội An sẽ mất đi 2 di tích lâu đời. Niềm tin tâm linh trong cộng đồng người Hoa sẽ ra sao? Sự đoàn kết Việt Hoa thế nào?

Phá dễ hơn xây. Lịch sử VN sẽ còn nhiều di tích quý giá nếu không xuất hiện cái chủ nghĩa cộng sản một thời áp dụng thẳng tay. Và Hội An sẽ không còn cái "chùa" ông Bổn này đâu.

Đền ông Bổn biểu hiện lòng bao dung, sự đoàn kết, và tầm hiểu biết của người Hội An, cả những người trước và sau 1975.

Ai còn "địt mẹ, đéo bà" khi viếng ngôi đền này cũng nên tỏ ra khoáng đạt như người Hội An, con dân Quảng Nam, tỉnh có  bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước.

Hội An giá trị không phải chỉ ở phố cổ, giá trị còn nằm ở chính con người Hội An. Có con người, có tất cả, dẫu đó là phố cổ.

Đền ông Bổn, ảnh tác giả chụp.

BÚN MẮM CẨM KIM

Các món ăn đẳng cấp sẽ có nhiều ở Hội An. "Ngoại ô" Cẩm Kim này chỉ có vài món ăn sơ sài, dân dã, nhưng lại đậm đà: làm hài lòng người lớn tuổi nơi xa về,  từng có thời niên thiếu ở Quảng Nam quê nhà.

Bún mắm Cẩm Kim (Kim Bồng cũ) là món ăn như thế. Du khách sẽ ngạc nhiên khi đến quán quá 9 giờ sáng: hết bún, à không, bún không còn bán. Bún dành phần ưu ái cho người lao động, người sống bằng chiếc thuyền đánh cá, người đóng tàu thuyền, người trồng rau, trồng bắp.

Tại sao vùng quê thế này lại có món ăn ngon? Ngon không phải cầu kỳ, ngon vì nó sơ sài, dung dị. Tô chứa bún không lớn như tô thường thấy ở miền Nam, bún sẽ không nhiều, nằm xen với một ít mít trộn, hến vắt (loại hến nhỏ, ngon) hai hay ba lát thịt heo ba chỉ luộc, đậu phộng rang đâm bể (không nhuyễn), và đương nhiên không thể thiếu phần quan trọng: mắm nêm (mắm cá cơm "chín" xứ Quảng). Ăn kèm với bún mắm có dưa leo thái nhỏ, vài cọng giá sống, rau húng, rau húng lủi, giấp cá, tía tô, rau quế...đặc biệt sẽ không có hành hay ngò rí - loại rau thơm tạo mùi- sẽ làm "hỏng" đi mùi mắm đặc trưng; không có mùi "quê" này, người ta đâu có gọi bún mắm.

Tôi nói thức ăn dân dã là như thế. Không có sự chế biến phức tạp, đòi hỏi cần mẫn như bún giò, phở, hay hủ tiếu. Bún mắm đơn giản gần như cao lầu, đặc sản của Hội An, nhưng hoàn toàn khác nhau vì...mắm.

Cách chế biến món mắm cá cơm không cầu kỳ nhưng đòi hỏi "tay nghề" người làm mắm. Mắm sẽ không quá mặn muối, không quá ngọt đường, "mắm rin". Tôi thấy nhiều tên hiệu nhà sản xuất mắm "có tiếng" nhưng tôi chưa từng ăn loại mắm nào ngon bằng mắm Hội An, ở làng quê Kim Bồng, làng đóng tàu đi sông, đi biển. Mắm làm từ cá. Cá Đà Nẵng không ngon bằng cá Hội An. Đây là nhìn nhận của nhiều người am hiểu và yêu mến món mắm. Cá cơm đánh bắt thời gian qua tết khi trời hết mưa. Cá đánh bắt khi có mưa giông sẽ ngon không bằng khi chưa có mưa. Những người làm mắm để...ăn sẽ hiểu điều đó. Và người bán bún mắm dùng loại mắm từ cá như thế, bún mắm mới ngon.

Mắm làm không khó nhưng khó ở tỷ lệ ướp giữa cá và muối (muối hột không iode) và thời gian "ăn được" tùy rất nhiều vào tỷ lệ này. Muốn ăn mắm ngon, bạn phải về các vùng quê có làm nghề cá quanh phố cổ.

Ăn bún mắm ngon hay dở tùy thuộc hoàn toàn vào mắm nêm. Cách pha trộn thêm một ít thơm xắt nhuyễn, ớt, cũng ảnh hưởng món bún mắm.

Ngon hay không ngon, món ăn còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như văn hóa, truyền thống, hay tập quán địa phương. Đối với tôi, món ngon phải chế biến giản dị, càng ít càng tốt,  giữ toàn bộ các đặc điểm của các thành phần cấu tạo món ăn: rau phải tươi, ớt phải nguyên trái (ớt xanh ngon hơn đỏ), ăn theo ý thích, bún phải tươi (tất nhiên ở quê này không hề biết Phoóc-môn), và thứ chủ đạo: mắm nêm, mùi phải thật thơm, thơm đến độ, nhiều người ăn xong không chịu uống nước trà nóng, họ muốn ngửi thêm mùi thơm của mắm! (Hơi thiếu vệ sinh nhưng mắm như thế mới gọi là mắm).

Bún mắm nơi khác, cả nước, có mà đầy nhưng bún mắm ở đây giữ được hương vị, mang lại niềm sảng khoái, yêu thích, ở người ăn.

Tin hay không, tôi xin có ví dụ, "bún mắm" như cô gái: một cô gái quê tóc không uốn, da mặt trắng trẻo không kem phấn, môi đỏ tựa thoa son, mắt xanh trong không hề xăm thẩm mỹ, giọng nói chơn chất, hồn nhiên và một cô gái tóc "hay lay" đỏ, vàng; da bự phấn trét, môi xăm đỏ loét, giọng uốn éo nửa Hà Nội nửa Nghệ An... nếu là trai thanh tân, bạn chọn yêu (ở đây là chọn ăn) cô gái nào?

Bún mắm, tôi chọn bún mắm Cẩm Kim dù trên đất nước này, nơi nào cũng có,  bún mắm Gò Công (gái đẹp nổi tiếng), Sài Gòn, Huế, Hà Nội...

Ngon vì món bún mắm của một làng quê xứ Quảng (Nam) có nhiều chàng trai, cô gái đáng yêu, lớn lên từ...mắm. Rứa thôi.

(Khi viết đoản văn này, tôi lại không ghi một tấm hình nào về bún mắm Cẩm Kim; thật tiếc, nhưng lại hay, vì nó luôn giữ ở trong tâm trí mình).

LOA KẸO KÉO

Không ngờ loa kéo được “tham dự” cuộc họp hội đồng nhân nhân thành phố HCM. “Loa kéo” thành "loa kẹo kéo”, vì nó phát âm thanh kéo dài, dai nhách, còn hơn kẹo kéo; cách gọi bỉ bôi sự xuất hiện của một loại amply có loa thùng đa năng, vừa phát ra âm thanh, vừa nhận tín hiệu từ smartphone, trình tấu những bản nhạc, hay điệu nhạc, trên Youtube; Karaoke cũng được loa kẹo kéo này kết làm bạn đồng hành. Công suất các loại loa kẹo kéo phải nói là…”quá cỡ thợ mộc”. Nhiều vụ xô xát, ẩu đả, có khi xảy ra thương vong, cũng bởi âm thanh “đinh tai, nhức óc” này. Nhà chức trách có lẽ đã nhận ra sự tác hại của những “loa phát thanh” quá hổ lốn ấy.

Rất dễ sử dụng, dễ vận chuyển (kéo đi bằng bánh xe nhỏ), dễ đặt để, và nhất là dễ sắm vì giá rẻ, sự có mặt của loa kẹo kéo này có thể nói là “phong trào đồng khởi”. Từ thôn quê cho chí thị thành, đâu đâu người ta cũng có thể nghe, trong tâm trạng hết sức bực bội, những giọng ca đa phần là tru tréo hay tra tấn người nghe, hàng xóm hay thực khách, cả du khách ở làng xã, phố phường, các khu du lịch. Sự xuất hiện của thành phần tra tấn màng nhĩ này xuất hiện có cả non chục năm rồi, bây giờ mới được “chẩn đoán” trên bàn nghị sự của các “đại biểu nhân dân”. Nguồn gốc các loại loa kẹo kéo, không khó để truy nguyên chúng sản xuất từ đâu.

Thói thường, người Việt từ dân cho chí quan đều an nhiên tự tại với thái độ lúc nào cũng “nước tới chân mới nhảy”. Nếu cấm các loại loa thùng phát âm thanh quá lớn thì tương lai số lượng loa sản xuất sẽ đi về đâu? Không lẽ chúng phải phát ra âm thanh “vừa đủ nghe” để khỏi làm phiền đôi tai người khác? “Amply”, có nghĩa là khuếch đại âm thanh, lại trở thành đồ bỏ hay đồ cổ? Đã sắm nó mà âm thanh phát ra vừa đủ nghe thì sắm làm chi? Âm thanh càng to mới càng thỏa thích. Có ai nghe hát từ loa kẹo kéo này với âm thanh nhỏ, vừa đủ nghe, và “dễ chịu” không?

Vì sao người Việt Nam ngày nay, đa phần đều thích cái gì cũng “hoành tráng”, trong đó có âm thanh? Tượng đài, cổng chào, bánh chưng, bánh tét…càng “vĩ đại” càng mới “xứng tầm” thời đại. Âm thanh cũng thế. Một lần lên xe buýt ở Singapore, tôi bất chợt mừng rỡ, gặp được đồng hương, khi cuối xe có “tiếng nói Việt Nam” phát thanh oang oang từ cửa miệng của gần chục cô gái trẻ cười nói vô tư. Âm thanh càng to, dù đó là âm thanh từ giọng nói, trong các cuộc họp, đám tiệc, giỗ chạp, cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, hội hè, đình đám, đều như càng “khẳng định người nói”!

Loa kẹo kéo – sự xuất hiện của một loại âm thanh đinh tai nhức óc - là phương tiện “khẳng định mình” như thế.

Tiếng hát qua loa kẹo kéo (và karaoke gia đình mở toang cửa) bây giờ không khác “tiếng hát át tiếng bom” dẫu là của người hát biết nhạc, biết hát. Bất hạnh thay, hát như ré, hát như thét, hát “lộn lòng phèo”, được khuếch đại hàng chục lần, trở thành âm thanh tra tấn, không phải cho các người hàng xóm, người gần đó, mà ngay cho gia đình, thân nhân người hát. Thử hỏi, khi cường độ âm thanh mức loa kẹo kéo kia duy trì đến năm bảy tiếng, sức chịu đựng của người nghe sẽ tới đâu?

Người hát qua loa kẹo kéo công suất lớn chỗ đông người không phải là khán giả (và karaoke mở toang), tôi thấy họ:

- Ích kỷ. Họ chỉ biết có mình, không biết người khác thích hay không thích.

- Ít hiểu biết. Cường độ âm thanh cao quá ngưỡng không những tác hại cho người nghe mà cả bản thân họ. Họ không hiểu, vì âm thanh cường độ cực đại (Người Mỹ chĩa các loa phát nhạc cực lớn vào tòa nhà đại sứ Roma nơi Noriega trú ẩn) tổng thống Panama phải đầu hàng, không thể trốn mãi ở đó.

- Coi thường người nghe, hàng xóm. “Ta hát to qua loa khuếch đại, làm gì ta, làm gì nhau, ai dám ‘phạt’ ta?”

- Coi thường pháp luật (âm thanh quá mức độ cho phép), coi thường người khác, ích kỷ, ít hiểu biết, kẻ hát hò qua loa kẹo kéo còn chứng tỏ người nghe (nạn nhân của âm thanh cực lớn) có thái độ khá cam chịu. Thôi kệ. Ráng chịu. Ai vô đó, cũng đều là hàng xóm, nói mất lòng, dù có trường hợp vì nhắc nhở hát nhỏ lại mà bị đâm chết.

Thói cam chịu của người VN có thể hiện hữu trong suốt gần 1000 năm nô lệ giặc Tàu? Những cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu trong lịch sử đã khiến người Việt Nam xưa trở nên cam chịu rồi truyền đến bây giờ? Cũng không hẳn. Trước 1975, ở miền Nam, người dân nhất là giới học sinh, sinh viên không hề tỏ ra cam chịu. Họ góp phần làm sụp đổ chế độ chính trị bằng cách xuống đường biểu tình. Trong kháng chiến chống Pháp, một số trí thức chấp nhận tù đày, chết chóc để chống lại sự áp bức của thực dân. Họ còn lôi kéo người dân tham gia với họ ngày càng nhiều. Người Việt cam chịu hay sao?

Tính cam chịu bây giờ dường như là bản chất của người Việt Nam? Mỗi khi hàng xóm “tra tấn” bằng âm thanh của loa kẹo kéo, phản ứng của người bị nghe, phải nghe, thế nào? Làm thinh và cam chịu.

Nhưng nếu không cam chịu bị tra tấn bởi loa kẹo kéo, thì ai là người mà họ cậy trông? Pháp luật. Khi âm thanh phát ra ảnh hưởng sức khỏe, sự yên tĩnh nghỉ ngơi, người tạo ra âm thanh ấy cần được chế tài bởi pháp luật. Hàng xóm dùng loa kẹo kéo phát ra âm thanh quá mức cho phép, “nạn nhân” (thường là hàng xóm) phải có địa chỉ để họ gọi đến. Chỉ cần một máy đo âm thanh, kẻ “phạm luật” sẽ bị xử lý tức thì. Ở Helsinki, con gái tôi nói, mùa đông giá rét, nhà nào có con nhỏ mà không thỉnh thoảng dắt chúng ra khỏi nhà, để làm quen với nhiệt độ âm, sẽ bị hàng xóm gọi điện đến báo cảnh sát. Ở VN, kẻ phá vỡ sự yên lặng, tra tấn hàng xóm bằng âm thanh loa kẹo kéo, vẫn an nhiên như nhiên? Họ vẫn thoải mái kéo loa ra hiên hát theo mức độ rượu bia nốc vào nhiều ít?

Đối với nhà chức trách? Họ có trách nhiệm gì với sự xuất hiện của một loại loa phóng thanh có mặt ở mọi miền đất nước, từ xóm quê hẻo lánh đến thành phố phồn hoa; từ trong các căn nhà cá nhân đến các nơi vui chơi, chỗ nhậu nhẹt, quán giải khát?

Một đất nước người dân tôn trọng pháp luật, nhà chức trách thực thi pháp luật, ở đây là vấn nạn âm thanh loa kẹo kéo, đất nước ấy mới là nơi đáng sống, đáng yêu. Thả lỏng cho loa kẹo kéo lê la khắp phố phường, người dân nhận xét nhà chức trách thế nào?

Người Việt Nam rất giỏi ứng biến. Gặp tình huống khó khăn, họ ứng phó rất hiệu quả. Nhưng thấy trước tình huống, họ lại không giỏi bằng đối phó tình huống. Giờ đây, loa kẹo kéo, karaoke, hiện diện trong cuộc họp hội đồng thành phố Sài Gòn, đó là cách ứng phó.

Phải chi khi chưa bị “tác hại” của loa kẹo kéo, người ta thấy trước được tác hại của họ, hay thấy tác hại một hai năm sau khi chúng xuất hiện.

Khi âm thanh quá mức, gây “rối loạn” yên tĩnh xã hội, nhà chức trách “vào cuộc”, tôi chợt nhớ đến câu nhắc nhở của phát thanh viên nữ đài Sài Gòn trước 1975 mỗi 12 giờ trưa hay 10 giờ tối nói trên radio: “Xin quý thính giả vặn âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự nghỉ ngơi sau giờ làm việc”.

Chiếc radio là cháu kêu loa kẹo kéo hay dàn karaoke khủng bằng ông cố, có khi là ông tổ, xét về công suất phát ra âm thanh, nhưng nhà chức trách “Ngụy” vẫn quan tâm đến đồng bào mình. Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Sài Gòn đã tắt sau 1975, nhưng tiếng nói dễ thương - câu nhắc nhở trên - vẫn còn mãi mãi trong trí nhớ, không những chỉ mỗi mình tôi. Tiếng nói của một phụ nữ phát thanh đẹp gái, đáng yêu – tài hoa nên mệnh yểu?

HỐ GIANG THƠM, Chu Lai, Quảng Nam.

Con suối lớn chảy len lỏi giữa các tảng đá có vân như ai vẽ, hai bên là vách núi đứng, cây rừng nhiều loại, không cao, hình dáng cong queo, với dây dại đeo bám, già cỗi, gốc rễ cây, dây, đan vào vách núi, tạo thế cho du khách men theo triền dốc, dọc theo khe, tiếng nước chảy róc rách bên dưới, để leo lên nơi có “hố” sâu dưới một con thác cao 4,5 mét nước tuôn xối xả.

Hố nông sâu khá đột ngột, quanh hố là các tầng đá ngầm như bậc thang, khá trơn trợt, chỗ cạn đứng quá ngực, chỗ sâu có thể 5,6 mét, chưa ai lặn tới đáy. Đây là nơi tắm lý tưởng nhất trong hai ba “hố” tắm lý tưởng, bề ngang tầm 5 mét, chiều dài hơn 12 mét. Nếu đứng yên tĩnh một hồi dưới nước chỗ cạn ngang nách, bạn sẽ được các chú cá con lớn dài hơn ngón tay giữa vây lại “mát xa” hai ống chân rất thú vị.

Giang Thơm, theo người địa phương, là suối Giàng (đặt tên theo vị thần như ông trời) hai bên dãy núi có trồng nhiều cây thơm (dứa), người Việt gọi thành Giang Thơm. Leo lên dốc núi dọc theo khe nước lớn rất vất vả, có chỗ phải đi như bò, tay níu gốc cây, gốc dây, khách du lịch gọi vui hố Gian Nan. Nếu muốn thưởng thức cảm giác mạo hiểm và ý muốn khám phá, du khách phải có sức khỏe để leo núi, độ dài gần 200 mét.

Nếu muốn “khỏe” hơn, an toàn hơn, có một con đường mòn chạy dọc theo dòng suối nhưng xa hơn, và cũng phải “tụt” dốc một đoạn ngắn chừng 20 mét để xuống nơi có thể tắm suối. Có một đôi thác nước không có hố sâu chứa nước bên dưới cũng có thể là nơi tắm cảm giác mạnh nhờ dòng nước trên cao đổ xuống. Suối Giang Thơm với đá tảng, đá bàn, có nước chảy róc rách, kéo dài khá nhiều đoạn, là chỗ để du khách khám phá chọn chỗ tắm nếu không thích tắm tại vài hố nước thiên nhiên (như trong ảnh). Lưu ý, cũng có những hố khô, nước khoét sâu 5, 6 mét, không nên đến quá gần chúng.

Giang Thơm cách quốc lộ 1 A chừng 15 km, tính từ ngã ba Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; đường vào “hố” tráng nhựa, có đoạn đúc bê tông khá rộng, xe hơi có thể tránh nhau, hai bên trồng cây đầy bóng mát. Dù được công nhận là thắng cảnh, hố Giang Thơm vẫn chưa là điểm du lịch hoàn chỉnh; bảng thắng cảnh lại khuất trong cây rừng, khiến du khách khó phát hiện nếu không có người hướng dẫn hay không hỏi đường cặn kẽ.

GẶP CÔ GÁI HUẾ, hỏi chuyện sen.

Tôi là "anh già" Quảng Nam, hưởng hơi hướm hậu duệ  của các tiền bối từng thành danh ở kinh đô; thiên hạ gọi quê tôi là đất "ngũ phụng tề phi" (5 sĩ tử đổ cao nhất trong một khoa thi)

Anh già ra Huế lần này may mắn gặp một "cô gái Huế" kể chuyện sen.

Sen là thành phần của nhiều sản phẩm: mứt hạt sen, chè hạt sen, tim sen, trà ướp sen, gỏi ngó sen, chè uống gương sen (xé nhỏ phơi khô).

Có cách ướp trà rất "ngộ". Người ta chèo thuyền ra hồ sen, chọn những bông hàm tiếu chuẩn bị hé nở, nhẹ nhàng tách các cánh sen ra, bỏ trà móc câu thượng hạng vào, cột chặt, sáng sớm hôm sau, hoa có trà được thu hoạch, cất vào ngăn đá của tủ lạnh. Người ta có loại trà sen đặc biệt. Khi uống cắt đôi bông sen có trà bỏ vô ấm, chế nước sôi vào. Hương trà hòa quyện hương sen, những chén trà sen ngào ngạt, người không nghiện trà như tôi vẫn cảm thấy ngất ngây khi ngụm từng hớp trà sen "thượng hạng".

Sen sử dụng hầu như không bỏ phần nào, kể cả thân sen. Thân sen luộc qua nước sôi, đập dập, tước lấy sợi tơ dệt vải, gọi là lụa tơ sen, như cách gọi lụa tơ tằm. Phần hạt sen được sử dụng nhiều nhất và đây là cách làm đơn giản nhưng khá lạ. Nấu nước sôi bùng, bỏ hạt sen già vào 5 phút vớt ra, để ráo nước. Bắc chảo rang lên bếp, khi nóng đổ hạt vừa luộc vào, rang chừng 3 đến 5 phút cho đến lúc phần nâu của hạt nứt ra, để nguội, và có thể ăn khi uống trà với khách. Hạt sen luộc-rang vừa dẻo, vừa béo, vừa đắng nhẫn nhẫn (do tim sen). Một cảm giác rất đặc biệt lần đầu được mời ăn khi uống cà phê sáng.

ĐÔI GUỐC CỤ HUỲNH.

Về Tiên Phước, Quảng Nam, ghé thăm nhà lưu niệm chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Ngôi nhà ở từ bé của cụ trông nhỏ hẹp. Chung quanh là hàng rào chè tàu. Lối vào nhà cũng là hàng rào chè tàu, một loại cây lá rất nhiều và nhỏ như móng tay, cành mọc chi chít, nhưng mảnh khảnh dễ uốn, đan vào nhau rất kín, dân quê thường trồng làm hàng rào, cắt tỉa thẳng tắp.

Căn nhà rường toàn gỗ, thấp lè tè, chật hẹp, mái ngói móc âm dương, đặc trưng nhà cổ Quảng Nam, chứa các di vật quý: đôi guốc mộc, khăn đóng vải đen, và chiếc gối cũng bằng gỗ. Vật dụng đơn sơ nói lên cốt cách một nhà chí sĩ.