Saturday, January 27, 2024

ÔNG TÁO.

Ngày ông Táo về trời những năm gần đây được nhà nước tổ chức trọng thị như một nghi lễ truyền thống. Trước đây, đúng hơn, trước " đổi mới", nghi lễ, thực ra là tục lệ ông Táo về trời được xem là tục lệ mê tín, dị đoan. Những ông tổ cộng sản không tin vào tất cả những gì không có chứng minh trên cơ sở khoa học.

Ông Táo thực sự có hay không có? Xưa ông Táo lem luốc vì ở bếp than, nay mặt mũi bảnh bao nhờ núp trong bếp ga, bếp điện, bếp từ, bếp hồng ngoại...

Sự nhận thức được những vị tiền bối, đội ngũ kế thừa, thay đổi từ chỗ chối bỏ quay sang công nhận, như tục đưa ông Táo về trời, là một bước tiến dài đáng trân trọng. Dần dần những gì đẹp đẽ, quý báu của truyền thống tốt đẹp từ cha ông được phục hồi.

Những năm sau 1945, ở một số tỉnh trung bộ, ngay như Quảng Nam, tại quê làng Trung Đạo của tôi, chùa, đình trung ( dạng như nhà văn hóa bây giờ), miếu Ông (hiện nay còn nền miếu rộng gần ngàn mét vuông, nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát), miếu Bà, nhà thờ tộc của dòng họ Nguyễn chúng tôi lập sau những năm tháng từ Nghệ An vào sinh sống (thời chúa Nguyễn Hoàng), tất cả đều bị đập nát và đốt cháy bằng những bó rơm khô và những bó cây rang (loại cây bụi, phơi khô dùng thả tằm bò lên làm kén). Đình trung là kiến trúc lớn nhất, cha tôi kể lại, cháy gần 15 ngày chưa dứt; những mái rui lợp ngói, cột gỗ lim, kèo, trính gỗ kiền kiền, các cánh cửa gỗ mun...bắt lửa rất chậm nhưng cháy rất lâu.

"Tiêu thổ kháng chiến". "Phá đi chứ không thì bọn tây lên chúng lấy chỗ trú quân". Đó là những lời giải thích. Những kiến trúc cổ như thế nếu còn cũng sẽ bị bom Mỹ, mìn VC phá sập, trong chiến tranh khốc liệt sau này. Nói chỉ để nhớ mà thôi. Đó là về văn hóa.

Về kinh tế, chúng ta hiện giờ có cuộc sống no đủ hơn trước. Lúc " bao cấp", xây dựng CNXH, thời kỳ đánh đổ tư sản, mại bản, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, dân chúng cả nước đều chấp hành, và tất cả, cũng đều đói meo râu, không chỉ dân thường mà có cả những cán bộ, công nhân viên nhà nước, xã viên hợp tác xã. Sự đổi mới kinh tế sau đại hội VI đã đem lại diện mạo kinh tế như hiện nay, dù còn những điều chưa thỏa mãn tất cả nhưng cũng đã có bước tiến dài trong đời sống mọi người dân.

Cái gì đã làm các nhà lãnh đạo thay đổi suy nghĩ cũ, tiếp thu tư tưởng mới? Dân. Vâng, chính người dân. Người ta thấy ra nguyên lý " dĩ dân vi bản". Họ được tham gia vào "quản lý" đất nước về kinh tế. Họ được có tiếng nói về văn hóa ông cha, về đời sống tâm linh của mình, về tôn giáo, về niềm tin...

Nhưng về chính trị, người dân được có tiếng nói "tự do" như kinh tế, văn hóa không? Không khó để có câu trả lời. Có người bảo dân đã được làm chủ qua lá phiếu bầu hội đồng nhân dân, bầu quốc hội. Đúng, nước nào cũng rứa. Nhưng liệu không là đảng viên, người dân có quyền ứng cử vào những vị trí như thế hay không? Có nhưng cực hiếm.

Có khoảng 4 triệu đảng viên ( bao nhiêu phần trăm được tham chính?) và hơn 90 triệu dân không đảng. Nếu nhà nước mạnh dạn và  đủ tự tin, muốn đất nước phát triển tốt đẹp như văn hóa, kinh tế, hãy để người dân tham gia cùng mình quản lý đất nước trong lĩnh vực chính trị. Do điều kiện lịch sử  Đảng (viết hoa từ đây) không thể chia sẻ quyền lực cho ai khác, nhưng với dân thì sao?

Ông Võ Văn Kiệt có lần đề xuất: 51 phần trăm quốc hội do Đảng, 49 phần trăm cho người ngoài Đảng. Đề xuất của vị "thủ tướng đổi mới" nếu đúng như thế thì phúc hạnh cho dân tộc này biết bao.

Đa đảng tôi thấy ở miền Nam trước 1975 cũng..."lôi thôi" lắm. Do chiến tranh, và nhất là do dân trí lúc đó, đảng phái mọc như nấm, báo chí Sài Gòn hay gọi một vài tổ chức chính trị là" đảng xôi thịt".

Trước mắt, một Đảng cũng không sao nhưng cần được người dân không Đảng hợp tác trong việc quản lý đất nước.

Hình ảnh ông chủ tịch nước, tổng bí thư, thả cá ngày ông Táo về trời khiến tôi suy nghĩ.

Vị lãnh đạo cao nhất nước đã có suy nghĩ thức thời, không như các vị tiền bối cộng sản, trước đây còn cho tôn giáo là loại " thuốc phiện"( Các Mác) huống chi tín ngưỡng - tục lệ thả cá đưa ông Táo về trời. Trách nhiệm một công dân có " quyền bầu cử", tôi có những suy tư như thế.

“TO BE OR NOT TO BE, THAT’S A QUESTION”

Đây là câu độc thoại của Hamlet (Shakespeares) có người dịch là: sống hay chết, vấn đề ở chỗ đó. Tôi mượn câu này để nói chệch ra: A hay B, vấn đề ở đây.

Bầu cử Mỹ ảnh hưởng cả thế giới, trong đó có VN, người Việt Nam – trong nước và ngoài nước. Tôi bỏ công dịch bài, viết bài, nêu quan điểm riêng về hiện tượng Trump, một người chưa từng làm chính trị nhưng đắc cử tổng thống, thu hút mãnh liệt không những cử tri Mỹ mà cả những người không phải là cử tri, người Việt Nam.

Thông thường, hễ A thì không B và ngược lại; ít ai thấy "không phải A cũng chẳng phải B; không không phải A cũng chẳng không phải B; không phải không A mà cũng không phải không B", rối rắm quá nhỉ? Nhưng đó lại là khái niệm, bên Phật có nói tới, và có người hiểu được.

Ở đây, quan điểm của tôi có thể là A có khi là B: nhiều người cho tôi “ba phải”, “hàng hai”. Khi tôi không theo A (ví dụ không bênh vực tổng thống Trump) thì người theo A kết luận: ông Chiến này không khác Huy Đức (nổi tiếng với nhận xét Trump chống TQ bằng mồm). Cũng có người xem tôi như Trịnh Công Sơn hay bà Ngô Bá Thành (ý là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”?).

Khi được ví với những người như thế, tôi rất sung sướng. Họ là những ngôi sao còn tôi là một ngọn đèn dầu. Có lẽ thấy tôi giỏi  cãi (đặc điểm Quảng Nam hay cãi) nhiều người gán ghép tôi với các vị danh vọng kia, có ý  chê bai. Tuy bực mình nhưng tôi cũng thấy...khoái.

Có người bảo tôi là…cộng sản. Có người hằn học hơn gọi tôi là “tuyên láo” (tuyên giáo). Ở VN này, gần 100 triệu người theo cộng sản; không theo thì vô tù mà ngồi à? Chủ nghĩa cộng sản lý tưởng lắm chứ. Không thế thì triết gia Pháp Jean Paul Sartre ca ngợi Mác làm gì? Triết gia Trần Đức Thảo, bạn học của Sartre, lại bỏ Paris hoa lệ về chui vào rừng sâu với lý tưởng giải phóng dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội làm gì? Tướng trí thức Trần Độ không phải là lý thuyết gia cộng sản hay sao?

Nhưng ba vị trên về sau thức tỉnh với chủ nghĩa cộng sản. Là người sinh sau đẻ muộn, học hành kém, tôi lại bước theo cái con đường lầm lạc của họ hay sao? Tôi nói việc này, không phải để biện hộ với người gọi tôi là cộng sản (tôi không nhất thiết phải làm theo ý họ). Tôi chỉ muốn nói: khi nhận xét ai, người khác cần xem xét kỹ, theo dõi lập ngôn từ trước tới sau, không nên căn cứ một hai bài viết của họ rồi phán quyết như đinh đóng cột: thằng này A hay thằng này B. Ngay cả gặp ngoài đời, ở với nhau lâu, chưa chắc hiểu nhau; "tri nhân tri diện bất tri tâm" nữa là trên mạng ảo, hở ra là "phán" không khác tuyên truyền.

Tất cả các bài viết của tôi 11 năm nay trên Facebook có thể in thành 3 cuốn sách nếu được in ở Việt Nam (tất nhiên, sách có ai đọc hay không đọc – đó là chuyện khác). Thế thì, ai đó bảo tôi thế này, bảo tôi thế nọ, căn cứ vào cơ. sở nào?  Kẻ nào không theo mình yêu mến ai đó, kẻ đó không là bạn hữu (dù là bạn ảo)?

Nhiều người khuyên tôi nên chấm dứt đề tài tổng thống Trump, “vì nhiều người chửi anh quá”. Vấn đề không phải là lấy lòng người đọc. Vấn đề là trao đổi, có thể tranh luận, với người đọc mình trong phạm vi một Facebook cá nhân. Khi chúng ta không đồng quan điểm – về bất kỳ một vấn đề gì – tôn trọng nhau là tiêu chí văn hóa. Kết tội người khác không cùng quan điểm chính là thói của độc tài: độc quyền chân lý!

Nhiều người hỏi tôi, trên 74 triệu người bầu cho Trump là cuồng ông ta hay sao? Vậy, tôi có thể nói trên 81 triệu người bầu cho Biden cũng vì cuồng ông già này hay sao? Chính chỗ này, chúng ta mới thấy giá trị nền dân chủ Mỹ. Tôi xin mở ngoặc: số phiếu bầu cho Biden là do gian lận? Ở Mỹ, ai xử gian lận? Tòa án. Vậy, 60 lần kiện, Trump đều thua cả tòa thấp lẫn tòa cao. Trump bảo bầu cử gian lận. Tòa án Mỹ bảo không có chứng cứ. Vậy, người Mỹ tin ai, Trump hay đại diện tối cao cho hiến pháp Mỹ?).

Người Mỹ rất thực tiễn, rất linh hoạt, và rất nhanh chóng nhận ngay khi họ nhầm lẫn. Chủ tịch thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell (đa số trước ngày 20/1), phó tổng thống Pence cũng phải chấp nhận Biden thắng cử. Nếu gian lận thì hai vị này có chết cũng không thay đổi quan điểm ủng hộ tổng thống Trump. Ban đầu, họ tin là cuộc bầu cử bị đánh cắp nhưng khi tòa tối cao không thấy có bằng chứng gian lận, hai ông không còn ủng hộ đồng chí của mình, vài họ tin tòa án hơn tin tổng thống.

Mới hôm qua, luật sư thân cận của Trump, cựu thị trưởng New York ông Rudy Giuliani cũng công nhận ông Biden đắc cử sau thời gian quyết liệt cùng chủ tướng gõ cửa khắp nơi kêu la bầu cử gian lận. Có thể vị luật sư trung tín này đang đối diện với vụ kiện hãng máy đếm phiếu Dominion, đòi ông bồi thường 1,3 tỷ đô la tiền làm mất uy tín của hãng; lý do bị ông cáo buộc họ gian lận dồn phiếu cho Biden.

Khi tôi đưa ra những dẫn chứng như thế chắc chắn sẽ bị những ai yêu mến Trump cho là tôi đọc báo “thổ tả” và theo phò… Biden. Có bạn còn đi xa hơn: tôi nhận bao nhiêu tiền cho mỗi bài viết “đả phá” Trump. Hoặc là tôi theo đảng dân chủ Mỹ (họ cho tôi theo thì sướng nghe) bán đứng nước Mỹ cho Tàu+; tại sao không binh vực Trump, còn Trump thì mất Tập Cận Bình, mất chỗ dựa của cộng sản Việt Nam…

Tôi cũng không ở Mỹ nên không biết đảng dân chủ “theo cộng sản” lúc nào và vì sao lại theo cộng sản, tức theo Tàu+? Tôi cũng không rõ Tàu mua chuộc Mỹ tới đâu. Có người cho rằng tòa tối cao cũng bị mua chuộc, không thế, tại sao họ không xử Trump thắng kiện. Tàu + “vô địch” thế giới rồi sao?

Quý vị thấy tôi nói ở trên không A chắc là B, thằng cha Chiến này không theo Trump chắc theo Biden, không chống Tàu + mà bênh vực Tập Cận Bình vì ông này rất căm hận Trump. Tôi không có khả năng giải thích những kết án trên nhưng tôi muốn: anh là anh, và tôi là tôi. Anh yêu mến Trump là quyền của anh. Tôi không yêu mến Trump là quyền của tôi.

Nếu anh cho tôi “vô cảm”, “cộng sản”, “không quan tâm số phận dân tộc này” khi không theo anh ca ngợi người Mỹ tóc vàng, thì anh không khác cộng sản: ai trái mình sẽ bị loại bỏ. Té ra, anh chả dân chủ tý nào: không chấp nhận đối lập, thậm chí đối kháng.

Dân chủ phải là 74 triệu người bầu cho Trump và 81 triệu bầu cho Biden không vác gần 400 triệu khẩu súng ra để quyết “ăn thua đủ” giữa hai phe theo dân chủ và phe cộng hòa.

Nước Mỹ bỏ qua rất nhanh cuộc bầu cử rắc rối; họ lấy làm xấu hổ cho cuộc bạo loạn ở nơi biểu hiện dân chủ nhất nước Mỹ, điện Capitol. Tất cả người Mỹ đang làm là hàn gắn rạn nứt vừa qua, để vượt lên, giành lại danh tiếng là một nền dân chủ trải qua  247 năm.

America United tiếp theo sau America First

Còn rất lâu, một số người Việt mới có thể làm quen với khái niệm A và B cần luôn có nhau: họ muốn không A thì B và ngược lại. A còn thì B phải mất: dân chủ sao? Nếu như thế, hãy an vui với chế độ độc đảng, không được bầu cử tự do, nhưng yên bình ổn định. Chắc những người có quan niệm phải A hoặc B, phải Trump hoặc Biden thích thú sống trong chế độ ấy hay sao?

Friday, January 26, 2024

PHIÊN TÒA TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM KẾT THÚC BẰNG PHÁN QUYẾT NHIỀU TỘI TRẠNG.

(Vietnam Land Dispute Trial Terminates in Guilty Verdicts)

“Sau các dấu hiệu tỏ ra khoan hồng trước đây, chính quyền VN dùng vụ án Đồng Tâm để gửi đi một thông điệp cứng rắn”.

(After earlier signs of leniency, the Vietnamese authorities used the Dong Tam trial to send a strong message)

Vụ tranh chấp đất dai dẳng ở Đồng Tâm của VN đi đến hồi kết khi tòa  chứng minh 29 người dân làng phạm tội chống chính quyền sau cuộc chạm trán đổ máu với cảnh sát hồi tháng Giêng.

Ngày 14 tháng 9, các thẩm phán tại thủ đô Hà Nội tuyên 2 án tử hình hai anh em ruột là Lê Đình Chức và Lê Đình Công can tội giết ba nhân viên cảnh sát trong cuộc đụng độ. 27 bị cáo khác với mức án nhẹ hơn từ 15 tháng đến chung thân.

Phán quyết tòa án đánh dấu một sự kiện trọng đại câu chuyện dài về Đồng Tâm, một xã nằm về phía Nam Hà Nội, nơi đây, cư dân ba năm liên tục chống lại quyết tâm của chính quyền muốn xây dựng một sân bay trên đất nằm kế xã của họ. Người trong xã tuyên bố rằng khoảng 47 mẫu đất của họ bị trưng dụng không công bằng lấy danh nghĩa của Viettel, một tập đoàn viễn thông của quân đội VN.

Cuộc tranh chấp trở thành cao điểm vào rạng sáng ngày 9 tháng Giêng, khi khoảng 3000 cảnh sát điều động tới Đồng Tâm. Trong các cuộc chạm trán sau đó, 3 cảnh sát bị giết bằng bom xăng, sau khi rơi xuống hố kỹ thuật (ở Nam gọi là giếng trời). Trong cuộc bố ráp (raid), cảnh sát cũng nổ súng và bắn chết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, trước có làm trưởng công an xã, người cha của hai con lãnh án tử hình, từng tham gia lãnh đạo người dân trong xã đấu tranh đòi giữ đất.

Vụ Đồng Tâm nêu bật lên những căng thẳng ngày càng nhiều chung quanh vấn đề đất đai ở Việt Nam. Học giả Carl Thayer thuộc trường đại học New South Wales mô tả cuộc bố ráp Đồng Tâm và tòa án tiếp theo là “đỉnh điểm kéo dài 40 năm của vấn đề” phân phối (sử dụng) đất đai. Đặc biệt nhất, đỉnh của vấn đề là sự nhập nhằng quyền lợi giữa cá nhân và công cộng trong hệ thống pha trộn (hybrid) “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tại Việt Nam, tất cả đất đai đều thuộc quyền quản lý nhà nước. Theo Lê Toàn của trường đại học Monash, luật đất đai thông qua năm 1993 giao quyền sử dụng đất cho cá nhân nhưng cũng cho phép chính quyền lấy đất cho mục đích công cộng. Theo đó, điều luật này mở rộng ra cho cả các “mục đích phát triển kinh tế” và “mục đích phát triển kinh tế - xã hội” định nghĩa một cách mơ hồ. Hậu quả là, bất bình ngày càng gia tăng về mức đền bồi, thường dẫn đến những cuộc tranh chấp triền miên.

Tuyên án của tòa cũng cho thấy quyết tâm của Đảng Cộng sản VN trấn áp bất kỳ khuấy động nào gây bất ổn ở nông thôn. Khi nhà nước  phản ứng với sự khoan hồng đầy bất ngờ hôm tháng 4 năm 2017, lúc dân chúng xã Đồng Tâm bắt giữ làm con tin 38 cảnh sát và viên chức địa phương, trả đũa cho việc bắt giữ ông Lê Đình Kình thì vụ án lần này đánh dấu một bước ngoặt thẳng tay và hà khắc.

Trước khi tiến hành phiên xử, bộ Thông tin và tuyên truyền chỉ thị các hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát phải mô tả 29 bị cáo là những “kẻ tấn công trước” (“first attackers”) và Lê Đình Kình là một “đảng viên biến chất” cần trừng trị. Trong một thông báo mới đây, phát ngôn viên bộ Công an Tô Ân Xô bôi nhọ ông Kình là “một địa chủ cường hào mới

Một nhà quan sát, từng là nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở VN, ông David Brown cho rằng đáp trả thẳng tay lần nầy đối với các cuộc đụng độ Đồng Tâm là một nỗ lực nhằm làm tan đi rối rắm của cuộc hành quân hoạch định non kém, không cân xứng về quy mô, hôm tháng giêng. Ông nói: “Cuộc hành quân chỉ huy sai lạc dẫn đến cái chết của ba viên cảnh sát. Nhà chức trách cố che giấu các sai sót bằng cách thêm thắt các câu chuyện khi tiến hành phiên tòa xét xử”.

Khiếu kiện đất đai gia tăng đặt ra vấn đề hóc búa cho Đảng Cộng sản VN, tổ chức từng được ủng to lớn của người nông dân bị tước mất quyền, thời gian dài giúp họ lên nắm quyền.

Hệ thống quản lý đất đai phức tạp của Việt Nam khi chưa cải tổ triệt để có thể còn sinh ra nhiều mối lo và hành động liều lĩnh: sự phản kháng kiên cường (của nông dân) từng được người cộng sản khơi dậy nay đã hướng về phía họ.

Hình trong bài.

Bài của Sebastian Strangio trên THE DIPLOMAT ngày 15, tháng 9 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.

LỀ NÀO ĐÚNG?

Trước đây, một thời gian VN nhập khẩu xe qua sử dụng, có loại xe “tay lái nghịch”. Chúng ta có loại xe tay lái bên trái vì đi lại ở nước ta đều ở bên phải lòng đường; tài xế xe hơi ngồi bên trái - tay lái thuận – để dễ dàng quan sát khi lái xe.

Có một số nước như Mỹ, Anh thì luật giao thông quy định lề trái (left hand) là lề đúng. Lẽ thường, bên phải là đúng, thuận bên trái là sai, nghịch nhưng tay lái nằm bên phải khi qua VN bị gọi là “tay lái nghịch”. Đi bên lề trái lại đúng luật ở một số nước, gần gũi nhất là Singapore. Lần đầu du lịch ở đó, khi đi bộ, tôi thường bị người dân nhắc nhở “ông đi sai rồi” khi tôi cứ ôm lề phải trên những lối đi hẹp dẫn vào tàu điện.

Khá bực mình, đi lề phải mà cho là “trái”. Bố khỉ con cháu ông Lý. Tôi lầm bầm rất nhiều lần lúc đi bộ bên xứ của ổng. Kỳ cục, cái xứ gì thật kỳ cục. Thật ra tôi mới là người kỳ cục. Ở cái xứ sở mọi người đều đi lề phải mà tôi đi lề trái là…phạm luật, có khi “phạm tội” nữa cơ. Vậy nên mới có truyền thông lề phải, truyền thông lề trái – cái lề thường bị ảnh hưởng bởi “thế lực thù địch”.

Tôi đọc một tin trên Vietnamnet thấy mừng rơn. Người ta vừa thành lập hội triết học VN. Vị trưởng tuyên giáo “Ông Võ Văn Thưởng mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ”. (trích nguyên văn tít báo).

Tưởng chi, chứ triết học, học sinh miền Nam trước 1975 đều có học qua vào lớp 12, nào là Tâm lý học, Luận lý học, Siêu hình học, Đạo đức học, rồi thi tú tài 2 hẳn hoi đấy nhá.

Nhờ học tâm lý học chúng tôi biết “kỳ gian” khác “thời gian”. Kỳ gian là thời gian tâm lý. Chỉ cách tình nhân một ngày thôi, chàng trai đang yêu cảm thấy “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không gặp như là ba thu). Luận lý học còn cho biết một tam đoạn luận thú vị: Là người ai cũng chết- Socrates (triết gia vĩ đại) là người – Socrates cũng phải chết. Siêu hình học còn giới thiệu nguồn gốc và sự phát triển tôn giáo. Đạo đức học còn đưa ra những chuẩn mực thông thường luân lý Á, Âu.

Sinh vật vĩ đại nhất hành tinh chính là con người. Nhờ con người xã hội ngày càng phát triển hơn. Cái gì thúc đẩy con người phát triển? Trí tuệ. Trí tuệ khi tự do, nó mới cống hiến cho loài người những tiến bộ vượt bậc.

 Nay, thành lập hội triết học, tức công nhận trí tuệ tự do. Trên thế giới có hàng chục triết thuyết, có hàng trăm triết gia tầm cỡ. Các triết gia không có ai “quy hoạch” nên họ rất tự do trong đeo đuổi nghiên cứu và đề ra nhiều triết thuyết. Nếu Marx được tuyên giáo đặt hàng nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản, chắc chi ông chịu làm bởi ông là con người rất quý trọng tự do suy nghĩ.

Trong bài báo có câu tôi xin trích - đọc xong tôi thấy mất lửa. “Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.

Triết học là triết học. “Triết học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ.” (Wikipedia).

Tôi không học nhiều về triết nhưng các triết thuyết tôi tìm hiểu qua đều không thấy triết thuyết nào dành riêng cho dân tộc hay cho đất nước có triết gia sống, hay có triết thuyết của triết gia đó. Mỗi triết thuyết có cái nhìn riêng của nó. Theo hay không theo, chấp nhận hay không chấp nhận, tùy vào người nghiên cứu triết thuyết ấy. Có thể triết thuyết này công kích triết thuyết kia nhưng không có triết thuyết nào “sai trái”. Bởi không triết thuyết nào dõng dạc tự tuyên bố: Đây là triết thuyết vô địch, muôn năm.

Nếu có triết thuyết duy nhất đúng, nghĩa là sáng ngời chân lý, thì ai “theo” lề phải mới đúng, “theo” lề trái là sai. Quý vị cẩn thận nhé, nhớ đi đúng luật khi du lịch qua Mỹ, Anh hay Sing; nếu nghĩ như ở VN sẽ bị phạt tiền oan mạng, nước họ lề trái (left) là lề đúng (luật đi đường).

TRUMP HƯỚNG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI VÀO TIỀN ĐỒNG VIỆT NAM.

(Trump takes trade war aim at Vietnam’s dong)

“Hoa Kỳ điều tra VN về thao túng tiền tệ nhưng thâm hụt mậu dịch gia tăng thực ra là một phản ảnh việc tách khỏi Trung Quốc”.

Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch điều tra VN về cáo buộc thao túng tiền tệ có thể dẫn đến cấm vận thương mại chống quốc gia Đông Nam Á này, theo một tường thuật của Bloomberg hôm 30 tháng chín, nêu ra ba nguồn tin về tình hình này.

Điều tra theo sau việc bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa VN vào danh sách theo dõi 10 quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ, có cả Malaysia và Singapore.

Hồi ấy vào tháng tám, bộ Thương mại và Ngân khố kết luận VN đã thao túng tiền tệ ít nhất trong một trường hợp thương mại liên quan tới xuất khẩu lốp xe.

Washington có thể quyết sớm nhất vào tuần này có nên trừng phạt vào hàng nhập khẩu từ VN, mặc dầu không rõ là trừng phạt ấy có thực hiện trước ngày bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11, hay là chỉ trừng phạt một số mặt hàng nhập khẩu nhất định.

Trừng phạt có thể áp dụng theo biện pháp thuế quan mới, luật lệ mới của liên bang, cho phép bộ Thương mại có quyền nhiều hơn trong việc nâng thuế trong trường hợp cụ thể, đáp trả thao túng tiền tệ.

Chính quyền tổng thống Donald Trump từng trừng phạt thuế quan hàng tỷ đô la Mỹ lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong một phần cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Vào tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ mất đi tiếp cận ưu đãi vào thị trường Hoa Kỳ trong một cuộc tranh chấp thương mại.

Chính quyền Trump đặc biệt không ưa thích đối tác nào Hoa Kỳ có thâm hụt mậu dịch, có nghĩa là các nước xuất nhiều hàng đến Mỹ nhiều hơn nhập hàng từ Mỹ.

Tháng sáu năm rồi, Trump đả kích VN “còn tệ hơn” TQ trong thương mại, cùng thời gian chính quyền ông đánh thuế vào sản phẩm thép VN, với nghi ngờ sản phẩm TQ thay nhãn mác VN nhằm tránh trừng phạt áp vào hàng xuất từ TQ.

Hà Nội phản ứng bằng cách siết chặt quy định nguồn gốc đầu vào hàng nhập khẩu công nghiệp.

Khi Trump cầm quyền vào 2017, trao đổi hàng hóa thâm hụt với VN là 38, 3 tỷ đô la Mỹ. Con số tăng lên tới 39,4 tỷ năm 2018, và 55,7 tỷ năm ngoái theo số liệu Ngân khố Mỹ.

Thâm hụt là 34,8 tỷ vào tháng 7 năm nay, chỉ dấu cho thấy cuối năm có thể cao hơn các năm trước, ngay cả bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, bình diện thương mại toàn cầu.

Duy trì thặng dư mậu dịch song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô la trải đều cho 12 tháng là một trong các yếu tố Ngân khố Mỹ sử dụng để xem xét VN có đang lũng đoạn tiền tệ hay không.

Dựa vào tỷ suất hối đoái trung bình năm 2019, đồng tiền VN phá giá âm 6,2 phần trăm đối với đồng đô la Mỹ từ năm 2015 và giảm xuống âm 2% từ năm 2018 đến 2019.

Đồng nội tệ yếu hơn của Việt Nam khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được thanh toán bằng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ tương đối rẻ hơn đối với người mua quốc tế.

Nhưng khi VN lần nữa bị đặt vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của bộ Ngân khố Mỹ, một lý do rõ ràng nhất là đúng vào thời điểm thâm hụt thương mại quy mô lớn.

Để so sánh, Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách theo dõi vào giữa năm 2019, đó là do Hà Nội có thặng dư tài khoản vãng lai cao hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hà Nội đã cố gắng giảm thặng dư mậu dịch của mình với Hoa Kỳ trong nhiều lần,  rõ nhất trong việc ký kết các thỏa thuận to lớn và có thể ít thiết yếu hơn, để nhập khẩu hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất, bao gồm cả máy bay, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ thương mại của Trump.

Nhưng có người lại coi việc nhắm tới Việt Nam của Trump là thiển cận, đặc biệt vào thời điểm mối liên kết với cựu thù đang phát triển trên nhiều vấn đề chiến lược.

Đầu tiên, Việt Nam không phải là Trung Quốc. Hàng hóa do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ bằng hai phần năm của Trung Quốc.

Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong những năm gần đây do chiến tranh thương mại, điều này đã thúc đẩy các nhà máy và chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ có ưu thế thương mại tốt hơn với Hoa Kỳ.

Thật sự, chuỗi cung ứng tách khỏi TQ là một ý định ngấm ngầm của cuộc chiến thương mại. Washington lẽ đáng nên hài lòng khi các tập đoàn đa quốc như Apple, Nintendo, Google từng phần chuyển hoạt động của họ từ TQ sang VN từ năm ngoái.

Trong 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử của VN sang Hoa Kỳ tăng lên 76% do hậu quả trực tiếp của sức nặng thuế quan đè lên hàng làm tại TQ.

Đến lúc này, VN được coi như là một trong các nước hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trước khi đại dịch bùng nổ hồi tháng giêng, dự báo cho biết tăng trưởng kinh tế của VN năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019 nhờ tăng dần sự di dời sản xuất khỏi TQ.

Như thế, các quan chức chống TQ trong chính quyền Trump nên coi thâm hụt mậu dịch càng lớn với VN là thành công cho cuộc chiến thương mại, thực thi tham vọng dài hạn của Washington trong việc tách khỏi thị trường TQ.

Các nhà phân tích biện giải, trừng phạt VN vì thâm hụt mậu dịch gia tăng này, ý nghĩa nào đó, chính là phản lại một tình hình mà họ tạo ra.

Lý do nữa để Hoa Kỳ nên nhẹ tay với VN là VN đang nổi lên như một đồng minh lớn của Hoa Kỳ về mặt địa chiến lược; người ta nghĩ là các quan chức ở bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng đang thuyết phục các đồng nghiệp của mình ở bộ Ngân khố nên làm như thế.

Washington từng ủng hộ Hà Nội phản bác các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, và hải quân Mỹ cam kết thực thi tự do hàng hải trong các vùng biển đó.

Vào tháng ba, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ghé vịnh Đà Nẵng, đánh dấu lần thứ hai một hạm đội Mỹ ghé lại nước Đông Nam Á, khi chiến tranh VN kết thúc năm 1975.

Trước những lợi ích chiến lược đó, có vẻ như Washington sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Nhiều khả năng, một vài loại hàng hóa được chọn sẽ bị trừng phạt thuế quan

Vào tháng bảy, Ngân hàng thế giới dự báo, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, so với mức khoảng 7% trong những năm trước. Các dự báo tư nhân gần đây cho thấy tăng trưởng có khả năng cao hơn mức 3%, một trong số ít các dự báo tăng trưởng tích cực trong khu vực.

Đây vẫn là vấn nạn cho Hà Nội, đang hết sức muốn thúc đẩy nền kinh tế tăng nhanh trong 10 năm tới, nhằm đối phó với vấn đề dân số. Đó cũng là vấn đề về sự trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ lên mức gần 3% tổng kim ngạch thương mại của họ nhưng lại bằng 20% tổng kim ngạch thương mại của VN.

Ảnh trong bài.

Bài của DAVID HUTT trên Asia Times ngày 1.10.2020. Nguyễn Long Chiến dịch.