Friday, January 26, 2024

TRUMP HƯỚNG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI VÀO TIỀN ĐỒNG VIỆT NAM.

(Trump takes trade war aim at Vietnam’s dong)

“Hoa Kỳ điều tra VN về thao túng tiền tệ nhưng thâm hụt mậu dịch gia tăng thực ra là một phản ảnh việc tách khỏi Trung Quốc”.

Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch điều tra VN về cáo buộc thao túng tiền tệ có thể dẫn đến cấm vận thương mại chống quốc gia Đông Nam Á này, theo một tường thuật của Bloomberg hôm 30 tháng chín, nêu ra ba nguồn tin về tình hình này.

Điều tra theo sau việc bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa VN vào danh sách theo dõi 10 quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ, có cả Malaysia và Singapore.

Hồi ấy vào tháng tám, bộ Thương mại và Ngân khố kết luận VN đã thao túng tiền tệ ít nhất trong một trường hợp thương mại liên quan tới xuất khẩu lốp xe.

Washington có thể quyết sớm nhất vào tuần này có nên trừng phạt vào hàng nhập khẩu từ VN, mặc dầu không rõ là trừng phạt ấy có thực hiện trước ngày bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11, hay là chỉ trừng phạt một số mặt hàng nhập khẩu nhất định.

Trừng phạt có thể áp dụng theo biện pháp thuế quan mới, luật lệ mới của liên bang, cho phép bộ Thương mại có quyền nhiều hơn trong việc nâng thuế trong trường hợp cụ thể, đáp trả thao túng tiền tệ.

Chính quyền tổng thống Donald Trump từng trừng phạt thuế quan hàng tỷ đô la Mỹ lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong một phần cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Vào tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ mất đi tiếp cận ưu đãi vào thị trường Hoa Kỳ trong một cuộc tranh chấp thương mại.

Chính quyền Trump đặc biệt không ưa thích đối tác nào Hoa Kỳ có thâm hụt mậu dịch, có nghĩa là các nước xuất nhiều hàng đến Mỹ nhiều hơn nhập hàng từ Mỹ.

Tháng sáu năm rồi, Trump đả kích VN “còn tệ hơn” TQ trong thương mại, cùng thời gian chính quyền ông đánh thuế vào sản phẩm thép VN, với nghi ngờ sản phẩm TQ thay nhãn mác VN nhằm tránh trừng phạt áp vào hàng xuất từ TQ.

Hà Nội phản ứng bằng cách siết chặt quy định nguồn gốc đầu vào hàng nhập khẩu công nghiệp.

Khi Trump cầm quyền vào 2017, trao đổi hàng hóa thâm hụt với VN là 38, 3 tỷ đô la Mỹ. Con số tăng lên tới 39,4 tỷ năm 2018, và 55,7 tỷ năm ngoái theo số liệu Ngân khố Mỹ.

Thâm hụt là 34,8 tỷ vào tháng 7 năm nay, chỉ dấu cho thấy cuối năm có thể cao hơn các năm trước, ngay cả bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, bình diện thương mại toàn cầu.

Duy trì thặng dư mậu dịch song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô la trải đều cho 12 tháng là một trong các yếu tố Ngân khố Mỹ sử dụng để xem xét VN có đang lũng đoạn tiền tệ hay không.

Dựa vào tỷ suất hối đoái trung bình năm 2019, đồng tiền VN phá giá âm 6,2 phần trăm đối với đồng đô la Mỹ từ năm 2015 và giảm xuống âm 2% từ năm 2018 đến 2019.

Đồng nội tệ yếu hơn của Việt Nam khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được thanh toán bằng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ tương đối rẻ hơn đối với người mua quốc tế.

Nhưng khi VN lần nữa bị đặt vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của bộ Ngân khố Mỹ, một lý do rõ ràng nhất là đúng vào thời điểm thâm hụt thương mại quy mô lớn.

Để so sánh, Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách theo dõi vào giữa năm 2019, đó là do Hà Nội có thặng dư tài khoản vãng lai cao hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hà Nội đã cố gắng giảm thặng dư mậu dịch của mình với Hoa Kỳ trong nhiều lần,  rõ nhất trong việc ký kết các thỏa thuận to lớn và có thể ít thiết yếu hơn, để nhập khẩu hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất, bao gồm cả máy bay, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ thương mại của Trump.

Nhưng có người lại coi việc nhắm tới Việt Nam của Trump là thiển cận, đặc biệt vào thời điểm mối liên kết với cựu thù đang phát triển trên nhiều vấn đề chiến lược.

Đầu tiên, Việt Nam không phải là Trung Quốc. Hàng hóa do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ bằng hai phần năm của Trung Quốc.

Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong những năm gần đây do chiến tranh thương mại, điều này đã thúc đẩy các nhà máy và chuỗi cung ứng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ có ưu thế thương mại tốt hơn với Hoa Kỳ.

Thật sự, chuỗi cung ứng tách khỏi TQ là một ý định ngấm ngầm của cuộc chiến thương mại. Washington lẽ đáng nên hài lòng khi các tập đoàn đa quốc như Apple, Nintendo, Google từng phần chuyển hoạt động của họ từ TQ sang VN từ năm ngoái.

Trong 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử của VN sang Hoa Kỳ tăng lên 76% do hậu quả trực tiếp của sức nặng thuế quan đè lên hàng làm tại TQ.

Đến lúc này, VN được coi như là một trong các nước hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trước khi đại dịch bùng nổ hồi tháng giêng, dự báo cho biết tăng trưởng kinh tế của VN năm 2020 sẽ cao hơn năm 2019 nhờ tăng dần sự di dời sản xuất khỏi TQ.

Như thế, các quan chức chống TQ trong chính quyền Trump nên coi thâm hụt mậu dịch càng lớn với VN là thành công cho cuộc chiến thương mại, thực thi tham vọng dài hạn của Washington trong việc tách khỏi thị trường TQ.

Các nhà phân tích biện giải, trừng phạt VN vì thâm hụt mậu dịch gia tăng này, ý nghĩa nào đó, chính là phản lại một tình hình mà họ tạo ra.

Lý do nữa để Hoa Kỳ nên nhẹ tay với VN là VN đang nổi lên như một đồng minh lớn của Hoa Kỳ về mặt địa chiến lược; người ta nghĩ là các quan chức ở bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng đang thuyết phục các đồng nghiệp của mình ở bộ Ngân khố nên làm như thế.

Washington từng ủng hộ Hà Nội phản bác các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, và hải quân Mỹ cam kết thực thi tự do hàng hải trong các vùng biển đó.

Vào tháng ba, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ghé vịnh Đà Nẵng, đánh dấu lần thứ hai một hạm đội Mỹ ghé lại nước Đông Nam Á, khi chiến tranh VN kết thúc năm 1975.

Trước những lợi ích chiến lược đó, có vẻ như Washington sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Nhiều khả năng, một vài loại hàng hóa được chọn sẽ bị trừng phạt thuế quan

Vào tháng bảy, Ngân hàng thế giới dự báo, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, so với mức khoảng 7% trong những năm trước. Các dự báo tư nhân gần đây cho thấy tăng trưởng có khả năng cao hơn mức 3%, một trong số ít các dự báo tăng trưởng tích cực trong khu vực.

Đây vẫn là vấn nạn cho Hà Nội, đang hết sức muốn thúc đẩy nền kinh tế tăng nhanh trong 10 năm tới, nhằm đối phó với vấn đề dân số. Đó cũng là vấn đề về sự trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ lên mức gần 3% tổng kim ngạch thương mại của họ nhưng lại bằng 20% tổng kim ngạch thương mại của VN.

Ảnh trong bài.

Bài của DAVID HUTT trên Asia Times ngày 1.10.2020. Nguyễn Long Chiến dịch.

HÀNG SỐNG, CHỐNG CHẾT

Đó là hiệu lệnh người ta hay nghe của các binh sĩ miền Bắc khi đánh chiếm bót đồn đối phương trong chiến tranh.

Ở phương trời xa lắc xa lơ, cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ (lần nhất) thu hút quan tâm rất lớn dư luận ở Việt Nam. Còn 2 lần nữa trước khi bầu cử nhưng Donald Trump và Joe Biden tạo ra hình ảnh không mấy thiện cảm, thế giới có nước “hồ nghi” nền dân chủ Mỹ: lãnh đạo tương lai mà “đốp chát” nhau y như mổ bò.

Đỉnh điểm của sự tức giận giữa hai người là các từ ngữ thóa mạ (insults). Biden gọi Trump là “thằng hề” (clown); “Có câm miệng không, anh kia” (Will you shut up, man); “Cứ gâu đi, anh kia” (Keep yapping, man) sau khi Trump khiêu khích: Biden, anh học chót bẹt, có khi đội sổ (You graduated either the lowest or almost the lowest in your class); anh chả tích sự gì cả 47 năm làm chính trị (done nothing in 47 years of politics).

Dư luận Việt Nam (tôi “hùa” theo mạng xã hội thôi) chia làm hai phe, một bênh Biden, một bênh Trump. Người ghét Tàu nhất, tôi thấy, ghét Biden nhất. Gọi vi rút Corona là vi rút Tàu, Trump làm một số người Việt (trong đó có tôi) khoái chí tử. Lại thêm cố vấn kinh tế ông ta có cả cuốn sách “Death by China” (Chết dưới tay Tàu) làm nức lòng những ai căm ghét bành trướng chiếm cứ đất đai, biển đảo, lại còn ức hiếp ngư dân Việt. Trump thêm một nhiệm kỳ, biết đâu ông ta không làm “tan rã” cái đảng cộng sản từng gieo tai ương không những cho Trung Quốc mà cả những nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Người ghét Biden có lẽ hơi bị nhiều. Biden có người phiên ra tiếng Việt là “Bay Đần”, cho hả dạ. Người điều phối buổi tranh luận Wallace cũng bị kết tội “đá nguội” Trump dù ông ta từng kinh nghiệm 32 năm điều phối tranh biện giữa ứng viên tổng thống.

Yêu, ghét; ủng hộ hay chống đối nhân vật chính trị…là sinh hoạt thông thường trong không khí của quốc gia dân chủ. Thông lệ khi chạy đua vào tòa Bạch Ốc, đối thủ choảng nhau không khác chi đấu quyền Anh, đấm túi bụi, nhưng chắc chắn không được đấm dưới lưng quần. Như thế là phạm luật. Khi hai võ sĩ kết thúc trận đấu, họ bắt tay nhau dù một trong hai mặt mũi tè le máu. Có là tổng thống đương nhiệm họ cũng gọi điện chúc mừng người thắng cử khi biết mình thất cử (hổng bắt nhốt  họ như ở một số nước). Nước Mỹ trở lại không khí sinh hoạt thường ngày – đảng này dòm ngó, dò xét đảng kia để bảo đảm không đảng nào độc quyền, nghĩa là một mình một chợ, cái đảng mưu đồ cho một người cả đời làm vua như Tập Cận Bình.

Qua thái độ (của một số) người Việt Nam trước cuộc đấu khẩu tổng thống Mỹ lần nhất, tôi có mấy nhận xét:

- Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi “tư duy độc tài”. Clinton, Obama, tổng thống hụt Hillary, nay tới Biden và đảng Dân chủ “thổ tả"…là những thành phần “đáng ghét”, cản trở anh hùng tóc vàng giữ vững ngôi tổng thống thêm một nhiệm kỳ.

- Một số người coi hai vị tổng thống tương lai “mạt sát nhau” rồi cho rằng dân chủ Mỹ không phải là lý tưởng. Họ không thấy mạt sát chỉ là những ngôn ngữ bộc phát không phải là ngôn ngữ thông thường của một tổng thống. Kế hoạch hành động cho nước Mỹ chứ không phải ngôn từ quyết định “ai thắng ai” trong tranh luận. Cử tri Mỹ quan tâm tranh luận không có nghĩa ai tranh luận “hay hơn” sẽ thắng cử.

- Một nhận định chưa có cơ sở chứng minh: đảng Cộng hòa với Donald Trump tốt cho VN hơn Dân chủ với Joe Biden. Cộng hòa hay Dân chủ chỉ tốt cho nước Mỹ trước hết, America First. Cộng hòa với Nixon và Kissinger đã bán đứng số phận VNCH, đánh thức con hổ phương Đông tỉnh dậy và nước Mỹ cuống cuồng khi con hổ đang giơ nanh vuốt về phía họ.

- Tai hại cho VN chính là tạo ra sự chia rẽ giữa một số người Việt hoặc cuồng Trump hoặc chống Trump. Nếu cuồng Cộng hòa mà “đả phá” Dân chủ, biết đâu sau này sẽ gặp hậu quả, “ai theo ta là bạn, chống ta là thù” khi ứng viên Biden đắc cử tổng thống?

- Các cường quốc, trong đó có Mỹ, đều có ảnh hưởng rất lớn lên “số phận” của các nước nhỏ, trong đó có VN. Từ hiệp định Geneve 1954 đến hiệp định Paris năm 1973, người Việt biết quá rõ số phận không hẳn tự mình quyết định. Khi có lợi cho VN (giả dụ như thế), người Việt cũng không nên vì Trump mà chửi bới Biden, vì Cộng hòa mà bỉ bôi Dân chủ. Đời mà, nay thắng mai thua, nay thua mai thắng. Biết đâu hy vọng thành thất vọng; nếu Trump tiếp tục làm tổng thống, Biển Đông của VN lại không là “một mặc cả” với Trung Quốc như nước Mỹ từng làm trong quá khứ. Ủng hộ nhiệt liệt người Việt cho Trump không lẽ đổ sông đổ biển?

Mỹ của nước Mỹ không phải nước Mỹ của Việt Nam. Người Việt tin tưởng vào những giá trị dân chủ của nước Mỹ chứ không phải tin vào Cộng hòa hay Dân chủ, rồi xem thường hai vị tổng thống tương lai xỉa xói nhau trong tranh luận.

Và, điều tôi lo lắng nhất, không vì Trump hay Biden thắng cử: người Việt (một số) chia rẽ nhau vì họ. Thân Mỹ vẫn hơn thân Trung Quốc, ai cũng biết vậy, nhưng người Việt thân Mỹ không phải để chia rẽ vì nước Mỹ.

Nhìn xa trông rộng, tinh thần bao dung - đó là cái chúng ta có nhưng còn thiếu; có lẽ vì chiến tranh khốc liệt quá, kéo dài quá, người Việt không chấp nhận “đối đầu”, hễ có “ta” thì không có “địch”, nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”; theo Trump thì “sống”, theo Biden thì “chết” hay sao?

Nếu hy vọng một, Trump thắng cử để “xử” thằng bành trướng thì người Việt nên nuôi hy vọng mười, một ngày nào đó, ở Hà Nội có cuộc tranh biện giữa hai ứng viên tranh chức tổng thống, "lời nguyền" theo sống, chống chết biết đâu sẽ không còn nữa.

Ghi chú minh họa (CBS news): Buổi tranh biện theo thống kê: Trump ngắt lời Biden 73 lần; Biden phát biểu 43 phút, Trump 38 phút; đề tài tranh luận nhiều nhất về  virus corona 20 phút.

LỚP MỘT THÔNG THÁI

Xin quý vị đọc:

LỪA VÀ NGỰA

“Lừa và ngựa đi xa. Lừa còm nhom mà chở lắm đồ quá. Lừa nhờ ngựa chở đỡ. Ngựa chả nghe. Vì cố quá, lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp. Thế là bà chủ xếp đồ từ lừa qua ngựa”.

Phỏng theo Lép Tôn-xtôi (Thành Vân kể).

Đại ý câu chuyện: Anh em chia sẻ gánh nặng; không san sẻ gánh nặng cho lừa, ngựa cuối cùng gánh nặng hơn. Trẻ lớp 1 hẳn phải có đầu óc của học sinh 11 thì mới có thể hiểu nội dung giáo dục của câu chuyện này. Truyện ngụ ngôn đòi hỏi tư duy như thế thường thấy trong Kinh Thánh (Kitô-giáo) nhưng lớp 1 nay bắt đầu học kinh thánh. Chưa kể, trẻ em VN có biết con lừa khác ngựa thế nào không? Tôi chưa từng gặp một con lừa nào gần 70 năm nay. Tên tác giả Lev Tolstoy (tôi không viết được tiếng Nga), phiên âm thành Lép Tôn-xtôi. A Bờ Cờ mới học chưa thông mà “lép” với “toi”.

Bài nữa cũng trong sách giáo khoa:

VE VÀ GÀ

“Mùa thu qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý:

- Chị…cho ve tí gì nhé

Gà cho ve và thủ thỉ:

- Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì”.

Phỏng theo La Phông-Ten (Minh Hòa kể).

CHUYỆN GÌ XẢY RA KHI TRUNG QUỐC DẪN ĐẦU THẾ GIỚI

What Happens When China Leads the World

The policies and practices of the country’s dynasties offer insights into how modern Chinese leaders may wield their strength.

“Chủ trương và hành động trong các triều đại phong kiến cho thấy lãnh đạo hiện đại Trung Quốc cậy sức mạnh của họ như thế nào”.

Trung Quốc sẽ là một siêu cường loại nào? Đó là câu hỏi của thế kỷ 21. Theo các nhà lãnh đạo Mỹ, như bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, TQ sẽ là một ác mộng toàn trị tham tàn (a rapacious authoritarian nightmare), muốn hủy hoại chính nền dân chủ; khỏi cần nói, Bắc Kinh không dễ gì đồng ý.

May cho chúng ta, những người tìm trả lời cho câu hỏi, Trung Hoa là cường quốc trong nhiều giai đoạn lịch sử lâu đời; các chủ trương, hành động trong các triều đại lớn giúp chúng ta hiểu các nhà lãnh đạo hiện đại TQ sử dụng sức mạnh đang lên như thế nào, hiện nay và tương lai.

Tất nhiên, xã hội Trung Quốc hôm nay không như 100 năm trước, nói chi cả 1000 năm. Nhưng tôi từng nghiên cứu các quan hệ đối ngoại của đế chế Trung Hoa và mô thức rõ rệt về một thế giới quan không đổi nổi lên, có lẽ định hình các quan niệm và dự phóng sức mạnh của Bắc Kinh ở thế giới ngày nay.

TRUNG QUỐC DỨT KHOÁT KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CƯỜNG QUỐC THÁI BÌNH

Trong thông điệp trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm tháng 9, chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng, nhiều lần rằng, họ cam kết phát triển hòa bình, một quan điểm phổ biến, giống các hoàng đế Trung Hoa thời xưa thường tránh sử dụng gươm đao.

Thật sự đúng, các triều đại Trung Hoa có mối quan hệ lâu bền với một số nước láng giềng Đông Á thời gian dài – khác với châu Âu, các đế chế hầu như không ngừng đấu đá nhau. Người Trung Quốc hiện đại thích so sánh các cuộc thám hiểm tìm thuộc địa của người Âu tàn bạo với các cuộc hành trình của đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15. Ông và đội tàu của mình băng qua Ấn Độ Dương, nhưng không chiếm cứ chỗ nào.

Nhưng cái hình ảnh lạ lẫm của chủ trương hòa hiếu này không nhắc tới các triều đại liên lục chiến tranh. Đương nhiên, các cuộc chiến này đa phần để tự vệ, chủ yếu chống lại một nhóm bộ tộc xâm lăng phía bắc. Nhưng khi ở đỉnh cao quyền lực, các hoàng đế cũng trở thành kẻ bành trướng khá hung hãn. Nhà Hán (206 trước công nguyên – 220 công nguyên), nhà Đường (960-1279) đem quân từ Trung Á tới bán đảo Triều Tiên. Nhà Tống đánh chiếm, giật lấy đất từ các nước đối thủ, không mấy thành công.

Thành công nhất là nhà triều đại nhà Thanh (1644-1912), khắc chế, kiểm soát Tây Tạng và chiếm đóng lãnh thổ, ngày nay gọi là Tân Cương. Các hoàng đế nhà Thanh là người Mãn Châu, một chủng người phía bắc, nhưng đất đai họ nắm giữ hồi ấy, bây giờ lại coi như phần lãnh thổ không được tranh chấp của Trung Quốc. (Quân đội Nhân dân của Mao Trạch Đông đã phải giành lấy Tây Tạng, tuột khỏi tay Trung Hoa trong các cuộc biến loạn vì nhà Thanh sụp đổ, trong khi vùng Tân Cương, có quyền tự trị mức độ cao, cũng phải tái sáp nhập).

TRUNG QUỐC KIÊN ĐỊNH MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI RIÊNG.

Các quốc gia mà Trung Hoa không, hoặc không thể cai trị bị lôi kéo vào thế giới Trung Hoa bằng một chế độ bang giao và buôn bán nằm trong tay kiểm soát của các hoàng đế. Các vì vua khác phải cống nạp triều đình Trung Hoa, một cách công nhận Trung Hoa bề trên, dù mang tính lễ nghi, vì vậy các hoàng đế mới xem họ là chư hầu. Liệu chế độ cống nạp như thế thực sự diễn ra như một chính sách ngoại giao, áp dụng không đổi, nhất quán, còn là tranh cãi giữa các nhà sử học. Rõ ràng người Trung Hoa thường áp các định chế và thông lệ ngoại giao lên những nước muốn bang giao với họ. Hãy coi đó là trò bang giao do Trung Hoa áp đặt ở Đông Á.

Trật tự này hiếm khi bị thách thức, ít ra là bởi các quốc gia Đông Á lâu đời hơn. Không như châu Âu, các quốc gia nơi này có sức  mạnh như nhau, cạnh tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ và buôn bán, Trung Hoa thực sự không có đối thủ. Nói một cách tổng quát, các nước láng giềng chấp nhận sự thống trị của Trung Hoa và tuân thủ quy tắc họ cam kết.

Khi Trung Hoa gặp thách thức, hiển nhiên, họ có thể cậy đến sức mạnh. Nhà Tùy ngắn ngủi (581-816) và nhà Đường, chẳng hạn, trải qua nhiều thập kỷ cố hủy hoại vương quốc hùng mạnh Koguryo ở Triều Tiên. Trịnh Hòa, đô đốc coi là hòa hiếu, đưa quân vào đảo Sumatra (nay là phần của Indonesia) tiến đánh một đối thủ cạnh tranh với vị vua nơi đó vốn là chư hầu Trung Hoa.

Khi người Nhật xâm lăng bán đảo Triều Tiên vào năm 1592, triều đình nhà Minh (1368-1644) đưa quân đến giúp người Triều Tiên đánh đuổi họ. Cuối thập niên 1880, triều đình nhà Thanh tiến hành cuộc chiến giúp nước triều cống Việt Nam chống lại Pháp. Người Trung Hoa còn nắm cách cưỡng chế khác, tỷ như truất quyền quyền giao thương chính đáng đối với những nước bất tuân.

Vì vậy, trong khi Tập Cận Bình tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc hôm tháng 9 rằng, Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chọn bá quyền, bành trướng, hay gây sức ép” thì lịch sử đã cho thấy Trung Hoa sử dụng vũ lực, hoặc sự cưỡng ép, chống những nước thách thức quyền lực của họ. Điều này có hàm ý đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á từng tranh chấp tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông, và đến Đài Loan Bắc Kinh xem như một tỉnh ly khai.

Có những chỉ dấu cho thấy TQ sẽ tái lập các hình thái trật tự đế quốc xa xưa một khi sức mạnh của họ bao trùm. Đến 2 lần, Tập Cận Bình triệu tập các phái đoàn cấp cao từ những nước tham gia xây dựng hạ tầng “Sáng kiến một vành đai, một con đường” tham dự các diễn đàn hoành tráng – tuyên dương họ trên danh nghĩa. Ngược lại, các nước không tuân theo mệnh lệnh Bắc Kinh đều bị từ chối lợi quyền của họ. Trung Quốc cấm nhập cảng hàng Canada và Úc trong các cuộc tranh cãi ngoại giao mới đây, và Bắc Kinh nhắm vào các doanh nghiệp Hàn ở Trung Quốc 3 năm trước, sau khi Seoul đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ,  TQ xem như một đe dọa an ninh.

TRUNG QUỐC XUẤT KHẨU GIÁ TRỊ TÀU

Một lý do hỗ trợ cho quan điểm TQ là một siêu cường hòa bình (a benign superpower): chính sách ngoại giao không cần nguyên tắc đạo lý. Khác với Hoa Kỳ, nỗ lực truyền bá các giá trị tự do cho mọi người, TQ không quan tâm đến việc đổi thay thế giới, có thể nói thêm, họ chỉ muốn kiếm tiền từ thế giới. Một vài sự thật chứng minh. Người Trung Quốc hài lòng không kém khi bán mạng lưới 5G Huawei cho nước Nga chuyên quyền cũng như nước Đức dân chủ, chẳng một lời ta thán.

Mặc dù, theo lịch sử, người Trung Hoa tin rằng văn hóa của họ có sức mạnh khai hóa – có thể biến man rợ thành văn minh. Chính Khổng Phu Tử nghĩ như thế. Trong Luận Ngữ, vị hiền triết vĩ đại nhất Trung Hoa bày tỏ ước muốn được sống với người man di. Có người tò mò hỏi làm sao ông chịu được các tập quán man rợ của họ. Không chút lo lắng, Khổng Tử đáp: “Nếu người quân tử ở với họ, lỗ mãng có còn được không?”.

Thực tế mà nói, các vị quan xưa của Trung Hoa thật sự không kỳ vọng thế giới “trở thành người Hoa”, nhưng họ muốn xiển dương nền văn minh của mình. Các nghi lễ đón tiếp các sứ giả diện kiến trong cung điện được tổ chức khá uy nghi. Các quan lại nhà Đường xây ký túc xá cho sĩ tử nước ngoài muốn học thơ văn Trung Hoa trong các trường quốc tử giám nổi tiếng vương triều. Các cuộc viễn du của Trịnh Hòa, trên hết, là muốn chứng tỏ sự vĩ đại của Trung Hoa: Người ra lệnh cho các cuộc viễn du, Minh Thành Tổ, mường tượng người dân vùng Nam Ấn “phủ phục” và “ngước nhìn Hoàng Thiên, mọi người cúi đầu mà khấn: ‘Phước hạnh xiết bao, thần dân nguyện ước sự khai sáng được các bậc thánh hiền Trung Hoa soi dẫn”.

Người Trung Hoa cũng hiểu có liên quan giữa văn hóa và quyền lực. Các dân tộc khác hiển nhiên ngó về Trung Hoa, một xã hội tiến bộ hàng đầu châu Á, khi xây dựng vương quốc của mình, thoải mái bắt chước quy tắc, luật lệ, tổ chức cai trị, hình thái văn chương, nghệ thuật, và nhất là chữ Hán. Sự gắn bó văn hóa chung như thế vẫn duy trì ảnh hưởng Trung Hoa trong khu vực, ngay cả khi Trung Hoa rơi vào suy thoái.

Tập biết rất rõ điều đó, ông muốn xây dựng sức mạnh mềm TQ bằng việc nâng cao giá trị Tàu, cả về truyền thống lẫn về hiện đại. “Sự thật chứng minh, đường hướng và chế độ của chúng ta…đang thành công”, ông từng nói, “Chúng ta nên phổ biến sức mạnh văn hóa của mình ra khắp thế giới, mọi lúc và mọi nơi, cùng những giá trị đương đại, sức hấp dẫn trường tồn của văn hóa Trung Hoa”.

Đây chính là mục tiêu hình thành các Viện Khổng Tử và các chương trình của nhà nước, nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn chương Trung Hoa. Sau nỗ lực tiêu diệt coronavirus (được cho là) vượt trội của Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước đã không ngừng huênh hoang hệ thống cai trị (độc tài) của họ là ưu việt, đồng thời, gièm pha nước Mỹ (dân chủ), chế nhạo cách đối phó đại dịch của nước này.

Điều hàm ý là, Trung Quốc ngày nay sẽ ưa thích nước nào giống họ, không khác chi các hoàng đế thời xưa. Thời phong kiến, các nhà cai trị Trung Hoa có khuynh hướng ưu ái ngoại bang nào “ảnh hưởng Tàu nhiều hơn”. Thế kỷ thứ nhất, nhà sử học Ban Khứ phát triển khái niệm “thế giới bên trong” – gồm những xã hội ảnh hưởng văn minh Trung Hoa – và “thế giới bên ngoài” gồm những nước man di, khó dạy (incorrigible barbarians) vẫn còn mờ mịt trước ánh sáng Trung Hoa.

Đám đông bên trong thế giới ấy được đối xử hiền hòa hơn, tham dự gần hơn công việc của người Hoa. Điều này cho biết, cuối cùng, TQ sẽ ủng hộ các chế độ cùng tâm thế (trắng ra là toàn trị) như họ. Họ làm đúng như thế, bằng cách kết thân các chính phủ phi dân chủ (illiberal) như Bắc Hàn, Iran, Belarus, Venezuela.

TRUNG QUỐC CHỈ CHẤP NHẬN bang giao NÀO HỌ CHI PHỐI ĐƯỢC.

Dù khá kỳ quặc, người Tàu tự coi họ cao hơn các dân tộc khác, tin tưởng nền văn minh của họ mới thực là văn minh. Điều này hình thành cơ sở cho một thế giới quan, trong đó người Tàu đứng vị trí đầu bảng. Họ không tin vào các quan hệ bình đẳng, ít nhất nói về tính chính danh và ý thức hệ.

Trật tự thế giới, với luật lệ và quy tắc của họ, đặt nền tảng nguyên lý người Hoa là “đẳng cấp”, mọi người phải chấp nhận. Thói thường, khi người Hoa ở vào thế yếu, ngay cả vào thế cân bằng, so với cường quốc khác, thường là yếu thế quân sự, họ rất ghét điều đó và họ quyết chiếm lại thế thượng phong thường thấy một khi họ đủ sức để thay đổi cuộc chơi.

Ngày nay, chuyện ấy đang xảy ra lần nữa. Mối hận sỉ nhục do cường quốc phương tây mang lại – từ cuộc Chiến tranh nha phiến đến những cái người Trung Quốc gọi các “hiệp ước bất bình đẳng” tước đoạt chủ quyền của họ - Trung Quốc đang nâng cao sứ mệnh lấy lại thế thượng phong. Như Tập Cận Bình đã nói, Trung Quốc “sẽ không bao giờ dung thứ bất kỳ quốc gia bắt nạt nào”

Đó là mục tiêu đằng sau rất nhiều chính sách hiện nay của ông, từ việc xây dựng các năng lực quân sự quy mô đến các chương trình chính quyền tài trợ nhằm mục đích giúp Trung Quốc bắt kịp phương Tây về công nghệ. Càng ngày, nền ngoại giao Trung Quốc biến thành răn đe khi đối mặt với những thách thức từ các nước, có khi Hoa Kỳ, Ấn Độ, có khi Australia.

Cái rất rõ từ nhận định lịch sử Trung Hoa, đó là: người Tàu không chỉ muốn họ là cường quốc – mà còn tin tưởng họ xứng đáng là cường quốc. Nhiều thế kỷ qua, người Trung Quốc cho rằng chủ quyền của họ là cai trị “tất cả dưới bóng Hoàng thiên”(“all under Heaven.”). Vì điều kiện kỹ thuật và vị trí địa lý, Trung Quốc từng hiện diện chỉ ở tầm khu vực. Nhưng giờ đây, nhờ thời toàn cầu hóa, ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể vươn đến mục tiêu cao chót vót.

Ảnh trong bài.

MICHAEL SCHUMAN, đăng trên The Atlantic, ngày 5 Tháng 10 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG CỦA NHẬT BẢN TÁC HẠI QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO

Lời người dich: Trong lúc một số người Việt ngày đêm lo lắng sức khỏe tổng thống Mỹ thì một người ngoại quốc lại lo lắng cho số phận người Việt lao động tại Nhật Bản. Ít ai biết có hàng trăm người Việt nằm trong số lao động học nghề bỏ mạng ở xứ người. Máu chảy ruột không mềm?

(How Japan’s Labor Trainee Program Hurts Relations With Vietnam)

“Muốn giữ quan hệ nồng ấm với VN, Nhật Bản cần bỏ TITP (đào tạo nghề) gây rắc rối quá lâu, một chương trình bị cáo buộc khuyến khích vi phạm nhân quyền"

Mối quan hệ song phương nồng thắm giữa Nhật Bản và VN vẫn còn nổi một chiếc gai nhọn.

Hình trong bài báo.

Chương trình đào tạo nghề (TITP: Technical Intern Trainee Program) – được cho là sáng kiến của Nhật Bản muốn nâng cao tay nghề lao động ở các nước láng giềng đang phát triển -  liên tục thu hút chỉ trích quốc tế vì nó là “cửa sau” để nhập khẩu lao động rẻ vào nước Nhật, mục đích là đối phó thiếu hụt lao động trong các ngành kinh tế cần tay nghề thấp.

Người Việt hiện nay là số người nước ngoài đến nhiều nhất vào Nhật, với 410.000 năm 2019, chiếm gần phân nửa học viên trong chương trình TITP.

Chương trình liên tục bị chỉ trích từ các nhà hoạt động (nhân quyền) người Nhật, bộ ngoại giao Mỹ, và Liên hiệp quốc vì nhiều báo cáo liên tiếp lạm dụng quyền con người và nhiều cái chết liên quan. Thật sự, từ năm 2014 cho đến nay, có cả thảy 140 người Việt chết tại Nhật, hầu hết trong số người đến Nhật học việc.

Nếu Nhật muốn giữ mối quan hệ nồng ấm với Việt Nam, chính quyền cần bỏ ngay chương trình này.

Chương trình TITP đề ra chính thức vào năm 1993, với mục đích Nhật giúp đỡ phát triển ngành công nghiệp ở các nước láng giềng qua sự chuyển giao kỹ thuật cho các học viên đến từ các nước đó. Học viên, sau đó, sẽ rời khỏi Nhật Bản.

Chọn đặt tên người nhập cư là người “học việc”, không phải lao động nhập cư, các chính trị gia Nhật Bản giải quyết được sự thiếu hụt lao động – tránh một cách khéo léo phản ứng tiềm tàng của các cử tri kiên quyết chống nhập cư – trong khi vẫn giữ tiếng như là một phần hoạt động phát triển trợ giúp lâu dài trong khu vực.

Đối với lao động mới đến, việc huấn nghệ đem lại điều kiện làm được nhiều tiền hơn ở quê nhà, lợi ích huấn luyện chất lượng cao ở Nhật giúp gia tăng cơ hội có việc làm, tay nghề cao, dễ thăng tiến công việc ở VN.

Nhưng tất cả không hẳn như thế.

Không những TITP tự nó hoàn toàn không tác dụng trong việc nâng cao tay nghề học viên sau này – về chuyện thủ đắc kỹ thuật không dễ có trong nước – chương trình đào tạo học viên hoạt động không ai trông ngó. Việc giám sát kém đối với các công ty Nhật Bản tuyển dụng lao động đã dẫn đến tình trạng nhiều học viên nhân quyền bị vi phạm.

Có 70,8 % (trong số 5.966) công ty bị điều tra trong báo cáo của bộ Y tế, Lao động và An sinh vi phạm các quy định lao động. Bộ Tư pháp còn cho biết trong một thông cáo báo chí, 171 học viên bị chết trong chương trình dạy việc giữa các năm 2012 đến 2017 – mặc dù các nhà hoạt động (nhân quyền) nói con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Về điểm này, Nhật Bản không thể tiếp tục cố cho  TITP là một sáng kiến đào tạo tay nghề. Ngay cả người đứng đầu đảng Dân chủ tự do, Kimura Yoshio, nói với tờ New York Times: “Chương trình này không khác chi “treo đầu dê bán thịt chó”(a crow white: quạ màu trắng)…Cái chúng tôi thực sự làm - là nhập khẩu lao động”.

Chính phủ Nhật do vậy đã lập một cơ quan giám sát, Tổ chức đào tạo học viên kỹ thuật (OTIT) theo dõi và điều tra các công ty Nhật thu tuyển người học việc, một số cải thiện thực hiện bảo đảm các học viên chương trình TITP có quyền được hưởng lương tối thiểu, cũng như các bảo đảm lao động khác ở Nhật Bản.

Nhật bản còn ký một bản Ghi nhớ hợp tác với hầu hết các nước gởi người học việc, có cả Việt Nam năm 2017. Hai nước cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thực tập sinh trong thời gian họ ở Nhật.

Sau nhiều năm đứng ở Hạng 2 trong con mắt của bộ Ngoại giao Mỹ, Nhật cuối cùng vượt lên Hạng 1 vào tháng 6 năm 2018 trong "Báo cáo buôn người" nhờ vào thành tích đó.

Thật tiếc, thành quả này lại kéo dài không lâu.

Vào cuối năm 2018 – đâu khoảng thời gian sau bản ghi nhớ ký kết – 9.052 người học việc bỏ trốn khỏi xưởng làm, hơn phân nửa số này là người Việt. Với đội ngũ 350 nhân viên, tổ chức OTIT không đủ sức đối phó với các vấn nạn lạm dụng học viên ở các chỗ làm việc, trong một chương trình số lượng người vào học việc mỗi ngày một đông.

Thiếu quyết tâm hoặc hỗ trợ chính trị theo dõi các chương trình đã bỏ mặc các vấn nạn này không giải quyết được. Không những không phát hiện nổi một trường hợp cưỡng bức lao động (forced labor) trong chương trình TITP năm 2020, Nhật cũng chẳng bao giờ làm thế cho đến giờ này, mặc cho hằng hà các báo cáo về chuyện này từ các người học việc lan tràn khắp nơi. Năm nay, Nhật lần nữa bị xuống Hạng 2 vì thất bại không giải quyết các vấn đề nhân quyền trong chương trình TITP.

Trong khi chương trình dạy học việc này có thể phục vụ mục tiêu chính trị trong nước – giải quyết nạn thiếu hụt lao động khi vẫn làm hài lòng các cử tri chống lao động nhập cư – sự căng thẳng nó đặt lên quan hệ Nhật- Việt đã có một tác động.

Khi một trường hợp nhiễm bệnh đặc biệt xảy ra vào năm 2018, liên quan 4 học viên chương trình TITP được lệnh đi dọn vệ sinh vụ nhiễm phóng xạ nguyên tử ở Fukushima mà không có sự bảo vệ đúng mức của công ty phái họ đến, tòa đại sứ VN đã phải can thiệp. Vị đại sứ khuyến khích các nhà hoạt động (nhân quyền) đề cập sự ủng hộ của chính phủ VN đối với các nạn nhân khi đưa vụ việc lên chính quyền Nhật Bản.

Ở cuộc họp thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka năm ngoái, thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề với thủ tướng hồi ấy là Abe Shinzo phải làm cái gì đó về tình hình bất lợi của những lao động người Việt sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Vấn đề vẫn còn được Hà Nội lưu tâm và cần được xử lý thận trọng.

Một bí mật nữa để tiếp tục chương trình (dạy nghề) TIIP là sự kiện một kế hoạch nhập cư mới của Abe – hiệu lực từ tháng 4 năm ngoái, nhắm đến thu hút thêm 345.000 “lao động biết nghề” (“semi-skilled workers”) đến Nhật -  cho phép chương trình (nói chon ngay là) nhập cảnh và sử dụng lao động nước ngoài, cái mà chương trình TITP nhiều lần thất bại.

Thăm dò của hãng tin Kyodo thực hiện trước dự luật nhập cư thông qua cho thấy 51,3% dân chúng Nhật Bản ủng hộ gia tăng nhập cư, nêu ra lý do đối phó sự thiếu hụt lao động do dịch bệnh đem lại. Nhiều người tin rằng chấp nhận nhập cư sẽ gia tăng vì Nhật đối diện áp lực một xã hội dân số già nua trực diện hơn trong những năm đến.

Với con đường nhập cư thay thế này, sự chấp nhận ngày càng tăng của lao động nước ngoài ở Nhật Bản nói chung và việc Nhật Bản đã được chứng minh là không có khả năng khắc phục các vấn đề nhân quyền nổi bật do TITP đặt ra, hoàn toàn không có lý do gì khiến chính phủ Nhật Bản tiếp tục điều hành chương trình đào tạo người học việc. Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc thu hút lao động nước ngoài khi các nước láng giềng Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng phải vật lộn vấn đề xã hội già hóa.

Tân Thủ tướng Suga Yoshihide không thể mạo hiểm hơn nữa đối với mối quan hệ song phương với Việt Nam vì thất bại của TITP. Đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình, chúng ta hy vọng Suga sẽ chấm hết vĩnh viễn cái chương trình này.

Bài của Serena Ford­ trên báo The Diplomat. October 08, 2020

CHỦ TỊCH LỚP

Dự thảo điều lệ về chức danh lớp trưởng, bậc tiểu học: chủ tịch lớp. Không rõ các thành viên dưới quyền có gồm cả thầy, cô dạy không nhỉ. Chủ tịch mà.

Lớp trưởng hay trưởng lớp có từ rất lâu trong hệ thống trường lớp Việt Nam; có lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lớp trưởng được "pháp luật" quy định chức danh. Có chủ tịch, hẳn phải có phó chủ tịch, ủy viên, có ban bệ kèm theo. Một hệ thống "chính quyền" nho nhỏ.

Liệu "dự luật" có quy định bầu cử, ứng cử, tranh cử chức danh không. Nếu có thì hay quá: công dân tương lai tập dợt dân chủ từ nhỏ. Một đột phá chăng?

Lớp trưởng- thời tôi đi học đầu thập niên 1960 - thường thầy cô chọn học sinh có dáng "sáng sủa", cao hơn các bạn  một chút, nhất là nhanh nhẹn và tháo vát. Sau này, có khi chọn học sinh thường xuyên đứng đầu lớp, "hạnh kiểm" tốt (đạo đức) làm lớp trưởng. Học sinh này giúp thầy cô thu bài tập trong lớp đem nộp thầy cô (tiểu học), gom các bài thi, phân hạng điểm từ cao xuống thấp, gọi là làm "sơ mi" (trung học). Lớp trưởng còn việc nữa là "ghi sổ đầu bài", tức là, hôm nay cô thầy dạy bài gì thì ghi đầu bài vào một cuốn sổ; tôi hồi ấy cũng không hiểu sổ đầu bài này để ai coi. Có lớp trưởng phụ thầy cô điểm danh, lau bảng hay mang giúp phấn, có lẽ đây là tự nguyện "làm ngoài giờ", không phải bắt buộc.

Lớp trưởng (bậc trung học) còn giúp thầy cô tổ chức các buổi cắm trại, đi dã ngoại (dù lúc đó có đánh nhau), điều hành xếp hàng vào lớp, thay mặt thầy cô "giữ trật tự" khi họ đi khỏi lớp, dàn xếp ổn thỏa nếu trong lớp có người đánh nhau hay gây gổ. Lớp trưởng thường làm liên tục có khi hết cấp, trừ trường hợp phải tuổi đi lính.

Vì công việc tự nguyện, có chút hãnh diện "đầu đàn",  mang lại niềm vui, lớp trưởng là người được hầu hết học sinh trong lớp thương mến; nhiều chục năm sau gặp lại, trong các lần họp mặt, có thể bạn quên tên một vài người, nhưng lớp trưởng thì không, thậm chí, lúc hứng chí, "tội lỗi" lớp trưởng như chép bài giúp, mua giùm ô mai cho cô Mộng Hùng xinh đẹp (nào đó) cũng bị đưa ra "hài tội". Lớp trưởng (chuẩn bị thi tú tài) còn bị tố cáo bao che không "khai báo" học sinh cột vạt áo dài 2 cô giáo vào nhau khi họ đang  mải mê ngồi trên ghế đá, say sưa nói chuyện trong giờ ra chơi. Kỷ niệm về các lớp trưởng luôn luôn là kỷ niệm đẹp, học sinh nào cũng yêu quý họ.

Lớp trưởng như thế là một phần không tách rời của lớp. Lớp trưởng làm nhiệm vụ vì được thầy cô tin tưởng, các bạn tin yêu (thầy, cô có quyền chọn, học sinh không hề thắc mắc "thiên vị" vì tuyệt đối tin tưởng sự "sáng suốt" của người dạy mình).

Bây giờ, nếu lớp trưởng là "chủ tịch" - cái chức có khi cả đời một quan chức mơ ước phấn đấu - bắt đầu từ lớp 1, có em chưa biết cách vệ sinh cho sạch trong toa lét, mà phải bỏ phiếu chọn người đứng đầu, vị chủ tịch...lớp, thì ôi thôi, các nhà giáo dục, các ngài không chuyện gì để làm hay sao?

Sao các ngài không giành lấy việc viết sách lớp 1 có lợi hơn, vui tếu hơn, sách toán ấy mà, ví dụ:  "4 làn, bốn làn, bốn cái làn"...(các bác Quảng Nam nổi tiếng nói lái không nên đọc đến chỗ này, hỉ).