Friday, January 26, 2024

TRUNG QUỐC CHO LÀ MỸ ĐANG THUA

(China Thinks America Is Losing).

“Washington phải chứng minh cho Bắc Kinh thấy, họ đã nhầm”.

(Washington Must Show Beijing It’s Wrong)

Hậu quả nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump sẽ còn gây tranh cãi hàng thập niên tới – nhưng đối với hàng ngũ lãnh đạo TQ, ý định của họ quá rõ. Các nhà cầm quyền TQ tin rằng bốn năm cho thấy Hoa Kỳ nhanh chóng suy yếu, tình trạng tệ hại này khiến cho Washington cuống cuồng cố kìm hãm sự trỗi dậy của TQ. Trump với chiến tranh thương mại, cấm đoán về công nghệ, quyết chí đổ tội TQ khiến ông xử lý lúng túng đại dịch Covid-19, tất cả khẳng định nhận thức trong giới chóp bu TQ là Hoa Kỳ đang cố tâm kìm hãm đất nước họ.

Nói chính xác, ý tưởng cho rằng Mỹ tìm cách kìm hãm và ngăn chặn TQ phổ biến trong giới quan chức TQ có từ lâu trước khi Trump nhậm chức. Đối với nhà cầm quyền TQ hiện nay, cái mà người Mỹ coi như sự tác hại chỉ có thời tổng thống Trump, là sự khẳng định chắc chắn về những đánh giá đen tối từ trước của họ về các chính sách của Hoa Kỳ.

Nhưng Trump đã biến thành khủng hoảng tức thời những cái Bắc Kinh nghĩ là hiểm họa lâu dài, buộc họ phải vận hành khẩn cấp hệ thống chính trị. Chính quyền Trump tìm cách làm suy yếu sự kiểm soát xã hội của đảng CSTQ, thúc ép tự do hóa hệ thống kinh tế nhà nước, ngăn chặn động cơ chiếm lĩnh công nghệ cao. Gần bốn năm dồn sức vào thế cờ này, chẳng may, các chủ trương của Trump dường như đem lại kết quả trái ngược, trong từng lĩnh vực.

Washington cần một chiến lược về TQ, không những lượng định năng lực và mục tiêu của họ mà còn phải để ý cách thức các nhà lãnh đạo TQ hiểu biết Mỹ và phản ứng trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Chiến lược này phải loại bỏ cái khái niệm - lạ đời nhưng không đúng - rằng TQ thực ra là một sức mạnh sắt thép, đi theo hướng bất biến, không thể đáp ứng sức ép và thúc đẩy từ bên ngoài. Hoa Kỳ có thể vạch ra một chiến lược hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn hành vi rắc rối nhất của họ. Nhưng để làm được như thế, Washington cần phải thay đổi, tận gốc rễ, cái giả định của giới lãnh đạo TQ, rằng Mỹ đang suy yếu không tránh khỏi.

CON SÓI ĐANG TỚI (“THE WOLF IS COMING”).

Các nhà lãnh đạo và đề ra sách lược TQ tin tưởng hằng bao thập kỷ, rằng sức mạnh Mỹ đang suy yếu nên họ tìm cách ngăn cản TQ trỗi dậy. Mao Trạch Đông thích thú tiên đoán ngày tàn của thế giới tư bản do Mỹ đứng đầu, ví von Mỹ như là “một người sắp chết đang chìm nhanh xuống nước”. Ông thường xuyên đả kích phương Tây muốn lật đổ cuộc cách mạng XHCN, lên án “bọn phản động đang ra sức cản đường bánh xe lịch sử”. Những tư tưởng này sống còn dai hơn cả Mao, mặc dù có bị lung lay khi đảng CSTQ chấp nhận cải cách thị trường và Hoa Kỳ nổi lên như một siêu cường duy nhất sau khi khối Liên Xô sụp đổ.  Nhưng khủng hoảng tài chính năm 2008, TQ không bị ảnh hưởng nhiều, khiến cho lãnh đạo TQ tự hỏi sự tan rã của chủ nghĩa tư bản như Mao tiên đoán không biết có đang thành sự thật. Và với nhận thức méo mó Mác-xít về sức mạnh lịch sử, họ hy vọng một viễn cảnh sẽ dẫn đến, theo lẽ tuần hoàn, sự giãy chết của bọn “phản động” vô vọng như tiên đoán của Mao – các nhà lãnh đạo Mỹ đang tuyệt vọng, muốn kìm hãm Trung Quốc.

Những tư tưởng này định hình thế giới quan của chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Khi lên nắm quyền năm 2012, phát biểu về các hình thái xung đột trong lịch sử giữa các cường quốc đang trỗi dậy và các cường quốc bá quyền đang suy yếu, cảnh báo về vai trò của Hoa Kỳ thúc đẩy sụp đổ nhanh chóng khối Xô Viết, cất nhắc nhân vật như Wang Huning, giáo sư luật, cố vấn lâu dài cho chính quyền, tác giả cuốn Mỹ chống Mỹ, Tập Cận Bình nêu bật Hoa Kỳ đã thiếu lý tưởng đến mức nào. Nhưng họ Tập và các phụ tá ban đầu chú trọng việc giải quyết sự mong manh của thể chế chính trị và ý thức hệ mà họ thừa kế; họ kỳ vọng sự suy tàn của Mỹ sẽ từ từ xảy ra.

Thành phần tinh hoa TQ bây giờ nghĩ rằng, nhiệm kỳ tổng thống Trump đã đẩy nhanh tiến trình chậm chạp sang một giai đoạn suy thoái mới, mạnh mẽ, không đảo ngược được. Họ vin vào các biện pháp của tổng thống như rút khỏi các hiệp ước và tổ chức quốc tế, xem thường các đồng minh truyền thống. Họ còn thấy các chủ trương trong nước Mỹ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và gia tăng xung đột, ngăn cản nhập cư, cắt giảm tài trợ liên bang cho nghiên cứu và phát triển.

Viện trưởng viện nghiên cứu quốc tế, đại học Phục Đán, ông Wu Xinbo năm 2018 lập luận rằng, các “chính sách thiếu khôn ngoan” của chính quyền Trump đang “gia tăng và thúc đẩy suy tàn” và “làm suy yếu ghê gớm vai trò, ảnh hưởng quốc tế (của Hoa Kỳ)”. Một bài xã luận trên tờ Đại công báo của Bắc Kinh đầu năm nay cho rằng “Nước Mỹ đang đi từ ‘suy tàn’ đến ‘nhanh chóng suy tàn”. Niềm tin ấy trở thành tiền đề trong chiến lược chuyển hóa của TQ đối với Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo TQ tin tưởng trong nhiều thập kỷ, rằng Hoa Kỳ là một cường quốc đang suy yếu. Họ liên kết sự suy yếu này với việc Hoa Kỳ ra sức ngăn chặn TQ. Hoa Kỳ dưới thời Trump chuyển từ mối đe dọa ngấm ngầm, lâu dài, sang nguồn cơn của các nỗ lực nhịp nhàng để, theo ngôn ngữ các quan chức cộng sản, “đè bẹp toàn diện TQ”. Vào năm 2018, Trump đánh thuế hải quan hàng tỷ đô la lên hàng hóa TQ, ban hành lệnh cấm các công ty truyền thông Huawei và ZTE. (Dù cuối cùng Trump đảo ngược quyết định về ZTE, một cử chỉ ưu ái cho Tập, hiểm họa đối với công ty – vốn dựa vào Hoa Kỳ gần một phần tư thành phần trong thiết bị của họ - là có thật; các nhà phân tích mô tả các biện pháp chống Huawei tương tự không khác “các bản án tử hình”). Những luận điệu tuyên bố từ các cố vấn cũ và mới của Trump, như Peter Navarro (tác giả sách Chiến tranh TQ đang tới, Chết dưới tay Tàu) và Steve Bannon (nhân vật kêu gọi “thay đổi chế độ tại Bắc Kinh”) càng củng cố thêm những suy nghĩ tối tăm nhất, đầy thuyết âm mưu nhất, trong hàng ngũ lãnh đạo TQ.

Hành động và luận điệu của Trump còn minh định sự đánh giá của Bắc Kinh, rằng Mỹ đang nỗ lực liên tục, nhanh chóng chèn ép TQ. Các nhà lãnh đạo TQ nhận thấy nỗ lực đó cũng đến từ hai đảng, trong các cuộc bỏ phiếu gần như thống nhất tuyệt đối về luật nào liên quan đến TQ; những chỉ trích về TQ cũng đến từ các đảng viên dân chủ gạo côi như chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi. Bài điểm báo hôm tháng bảy trên tờ Hoàn cầu thời báo của nhà nước: “TQ phải chấp nhận sự thật: thái độ của Mỹ đối với TQ nay đã thay đổi hoàn toàn”. Thay đổi quan điểm ở cấp chóp bu TQ cũng đã rõ ràng. Theo Wei Jianguo, quan chức thương mại hàng đầu, quan điểm ấy bao trùm ở Bắc Kinh, “bản chất của chiến tranh thương mại là Hoa Kỳ muốn hủy hoại TQ (“the essence of the trade war is that the United States wants to destroy China.”). Fu Ying, một nhà ngoại giao cao cấp, tuyên bố hồi tháng sáu, mục tiêu của Mỹ đối với TQ rõ ràng là “kìm hãm TQ bằng sự áp chế”, một cuộc chiến mà cường quốc đang suy yếu “không thể để thua”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Zhao Lijian tuyên bố hồi tháng tám, Mỹ “quen lớn tiếng từ khi là một cường quốc”, lãnh đạo của họ quyết tâm “áp chế TQ vì họ sợ TQ lớn mạnh”. Các suy nghĩ ấy phổ biến rất rõ trong các tuyên bố của quan chức và chuyên gia, ở các trang sách báo, tạp chí của đảng cộng sản và lan tràn trên truyền thông xã hội TQ.

Các nhà lãnh đạo TQ từ lâu đã nghĩ cuộc chạm trán này có thể xảy ra một ngày nào đó nhưng họ không ngờ nó nhanh hơn họ tưởng. Học giả quan hệ quốc tế hàng đầu, Shi Yinhong nói với  tờ The New York Times: “Người dân ở Mỹ và ở TQ hay nói con sói sẽ tới, nó đang đi, nhưng nó chưa tới. Lần này thì sói tới rồi đó”.

CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI QUAN SÁT

Với các nhận thức sâu đậm như thế, không có gì ngạc nhiên, TQ đã phản ứng theo cách dẫn tới xung đột hơn trong các hệ thống ĐÃ sẵn phân hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Từ khi Tập lên cầm quyền, chiều hướng ngày càng độc đoán, chuyên quyền, khiến nhiều chính phủ khắp thế giới lo ngại. Năm 2018, Tập bỏ đi giới hạn nhiệm kỳ của mình. Dưới sự cai quản của ông, đảng cộng sản TQ công khai áp dụng bản chất phi dân chủ, kết hợp đàn áp tại nhà – tàn bạo nhất là ở Tân Cương, giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên các nhóm sắc tộc thiểu số - bị các nước dân chủ bên ngoài chỉ trích. Dù cho Mike Pompeo kêu gọi “cam kết và trao quyền cho nhân nhân Trung Quốc” chống lại đảng cộng sản - lời kêu gọi được diễn giải rộng rãi ở TQ như là một nỗ lực thay đổi chế độ - quyền lực của đảng cộng sản đối với xã hội vẫn còn mạnh mẽ. Đảng phát động nhiều phong trào chính trị, ý thức hệ vào mùa hè này. Trấn áp nhân việc đối phó đại dịch Covid-19 thúc đẩy tạo thêm các hệ thống theo dõi và kiểm soát xã hội ở TQ.

Một số quan chức Mỹ hàng đầu vẫn tin, mục tiêu chính sách của Trump là buộc tự do hóa hệ thống kinh tế nhà nước chủ đạo, nhưng mở đầu cuộc chiến thương mại năm 2018, chính quyền TQ phán đoán mục tiêu của Trump là trọng thương – họ nghĩ Trump chỉ chú trọng một ký kết gọi là tốt cho nước Mỹ. Đáp lại, nhà cầm quyền TQ tăng gấp đôi tin tưởng của họ vào lĩnh vực nhà nước để đối phó với sự bất ổn gây ra do sự xung khắc với Hoa Kỳ. Từ các năm đầu nhiệm kỳ của Tập, các công ty quốc doanh hưởng ưu ái liên tục các chủ trương của chính phủ và vốn vay ưu đãi của ngân hàng, tất nhiên các công ty tư nhân chịu thiệt thòi hơn. Một nhà kinh tế có quan hệ gần gũi với thành phần chóp bu của đảng CSTQ nói với tôi, ông và nhiều đồng nghiệp ban đầu cho rằng cuộc chiến thương mại của Trump là sự diễn biến tích cực, vì họ nghĩ nó sẽ đảo ngược xu thế và hồi sinh cải cách thị trường. Nhưng cuộc chiến thương mại lại có tác dụng ngược: Tập Cận Bình cho tăng cường việc thiết lập các công ty quốc doanh “mạnh hơn, tốt hơn, quy mô hơn”, từ chối tự do hóa kinh tế có chiều sâu, một điều các quan chức trên thế giới từ lâu muốn thấy ở TQ.

Trong các cuộc đàm phán thỏa thuận “giai đoạn 1” hồi tháng giêng, Bắc Kinh đồng ý hàng loạt cam kết mua hàng hóa Mỹ, nhiều hơn các cam kết mới để cải tổ. Các tường thuật truyền thông nhà nước còn đề cao mô hình kinh tế quốc doanh là chủ đạo, là một “lợi ích cốt lõi” – một sự xếp hạng bất khả tư nghì thường thường dành cho tuyên bố chủ quyền. Thật vậy, đại dịch Covid-19 làm cho người dân TQ thấy ra ưu thế của mô hình này, và tuyên bố của Tân Hoa Xã “công ty quốc doanh ‘là sức mạnh sống còn, sức mạnh chủ đạo’ trong việc kìm hãm đại dịch”.

Ngoài việc kiềm chế tham vọng TQ chiếm lĩnh công nghệ, hành động của Trump khuyến khích lãnh đạo của TQ đẩy mạnh động lực giảm bớt phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, TQ nỗ lực cân bằng giữa thu hái lợi ích nhờ tự chủ, tự tách ra khỏi những hiểm nguy "một đối tác thế yếu" so với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Sau khi lên cầm quyền, Tập ưu tiên giải quyết các mối nguy khi phải phụ thuộc nhau, trong đó có sáng kiến “Made in China 2025” (2025, sản xuất tại TQ), nhắm tới việc TQ tự túc 70% công nghệ cốt lõi vào năm 2025. Tập muốn chứng tỏ quyết tâm hy sinh tăng trưởng kinh tế cho cái tiếng tự chủ quốc gia; hàng loạt các quan chức có tầm nhìn xa, các chuyên gia có quan hệ với chính quyền từng ủng hộ hội nhập sâu hơn, nay quay lại nhất trí với ông ta. Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu về nước Mỹ, đại học Thanh Hoa, Li Qingsi đã viết trường hợp ZTE năm 2018 “thức tỉnh những ai ủng hộ việc nhờ vào nước Mỹ để phát triển kinh tế” và đưa ra bài học “TQ cần quay lại truyền thống tự lực cánh sinh, giảm dần phụ thuộc bên ngoài”.

Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc tăng tốc quá trình tự cung tự cấp, nhưng hướng đi đã rõ. Một thế giới Trung Quốc thực sự trở nên tự chủ là một thế giới mà Hoa Kỳ có ít thế mạnh đối với họ so với hiện nay. Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài về nhiều công nghệ nền tảng, bao gồm các chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho mọi thứ, từ máy tính cá nhân, điện thoại thông minh đến hệ thống trí tuệ nhân tạo. Vào năm 2019, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngừng nói chuyện công khai về Made in China 2025 để giảm căng thẳng trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, nhưng chính sách này vẫn tồn tại về thực chất, và một quan chức cấp cao giấu tên nói với một nhà báo Mỹ, ĐCSTQ “sẽ không bao giờ nhượng bộ” các mục tiêu rộng lớn hơn của chương trình.

Đầu năm nay, ông Tập đã cam kết đầu tư thêm 1.400 tỷ USD vào việc phát triển và triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, như mạng không dây 5G, cảm biến và camera nâng cao cũng như tự động hóa.

Quan ngại của TQ về phụ thuộc Hoa Kỳ vẫn còn rất lớn. Căng thẳng gần đây ngày càng cao, chung quanh việc thống lĩnh của Mỹ về tài chánh thế giới, từ việc sử dụng đồng đô la cho tới cách thức chi trả liên ngân hàng. Ngay như các chuyên gia tầm vóc quốc tế, cựu bộ trưởng tài chánh Lou Jiwei cũng bắt đầu cảnh báo về nguy cơ “chiến tranh tài chánh”, về việc Mỹ làm “mọi thứ trong tay để sử dụng các đòn bắt nạt và dài tay trong quyền tài phán” nhằm đối phó TQ.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng khi  Mỹ sa sút họ sẽ tìm cách đè nén sự trỗi dậy của TQ. Giới chóp bu TQ mô tả đại dịch Covid-19 cho thấy Mỹ sẽ “đánh mạnh” TQ khi họ rơi vào sa sút. Thất bại không kiểm soát dịch bệnh của Trump, khoảng 6 triệu ca bị nhiễm , hơn 200 ngàn người chết vào cuối tháng 8, phản ánh những gì các nhà bình luận TQ xem như một tình trạng bấp bênh của đất nước Mỹ. Họ gọi đại dịch là trận “Waterloo cho lãnh đạo Mỹ” (trận đại bại), “sự chấm hết của thế kỷ Mỹ”. Họ cho rằng Trump phát động chiến dịch tranh cử chống TQ – mà ông gọi “đại dịch đến từ nước Tàu” – để lấp liếm những thất bại của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhưng nhiều tiếng nói dẫn đầu từ TQ tin chắc bất kỳ kết quả bầu tổng thống Mỹ thế nào, mục tiêu của quan hệ Mỹ-Trung giờ đây được xác định bằng sức nặng không tránh khỏi của nước Mỹ suy yếu và thù địch với TQ. Chủ tịch nổi tiếng của viện Quan hệ quốc tế ngày nay thuộc bộ công an TQ, ông Yuan Peng mới đây có viết: “Nước Mỹ sẽ trải qua khó khăn để lấy lại vai trò dẫn dắt thế giới…và chính sách TQ của Mỹ chỉ ngày càng nhạy cảm, không nhân nhượng, và ngạo mạn khi họ tăng cường ngăn trở và chèn ép (TQ)”.

Tập Cận Bình đưa ra nhiều chính sách dựa vào những kỳ vọng như trên. Từ đầu năm, ông hé mở lộ trình cho nền kinh tế, mục đích xác định lại phát triển kinh tế hướng nội, dựa nhiều vào thị trường nội địa khổng lồ của TQ, bớt đi lệ thuộc vào “thế giới bất ổn và bất định”. Kích thích nhu cầu trong nước từ lâu là đề tài thảo luận của các lãnh đạo TQ, nhưng Tập quyết tâm tạo ra tiêu thụ nội địa, mở rộng thành trọng điểm kế hoạch 5 năm sắp tới 2021-2015. Sự chuyển hướng này được thúc đẩy do giả định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm mọi cách để chống lại TQ. Như một cơ quan ngôn luận nhà nước tuyên bố rõ ràng hồi cuối tháng bảy: “Không quốc gia nào, không cá nhân nào, có thể cản bước tiến lịch sử hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc”.

Nói trắng ra, Tập mong muốn xuống thang xung đột mậu dịch và công nghệ với Hoa Kỳ để còn câu giờ. Ông ta cũng muốn TQ củng cố và đa dạng các mối quan hệ với các nền kinh tế khác trên thế giới, kể cả qua “Sáng kiến một vành đai, một con đường”, dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng quốc tế, mục đích gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của TQ. TQ không muốn tách rời thế giới nhiều như muốn tách rời nước Mỹ.

Niềm tin của TQ rằng Hoa Kỳ là một cường quốc đang co cụm và thù địch (diminishing and hostile) đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Bắc Kinh theo đuổi những mục tiêu lâu dài với một sức mạnh mới. Cái nhìn nước Mỹ suy yếu làm cho họ ít lo ngại các nguy cơ khi ở vào vị thế hung hăng (aggressive); nhận thức về một nước Mỹ thù địch, trong nhiều yếu tố khác, làm mạnh thêm quyết tâm của họ gây ra nhiều “sỉ nhục” cho thế giới: áp đặt luật an ninh mới lên Hong Kong; phạm nhiều tội ác ở Tân Cương; hiếp đáp Úc, Ấn, và Phi; đe nẹt Đài Loan; xây dựng mối hòa hiếu với Iran và Nga; để các quan chức ngoại giao lan truyền thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19.  (Khi Mỹ thoái thác chủ nghĩa đa phương và rút khỏi tổ chức quốc tế, thì TQ lại ưu ái định chế lại các tổ chức toàn cầu, như Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hành động này của TQ thường xung khắc với lợi ích của Mỹ và trật tự dựa trên luật pháp, do Bắc Kinh đề ra quy tắc mà Mỹ không thích, những quy tắc làm tổn hại định chế và giá trị của tự do).

CHIẾN LƯỢC ĐỂ MỘT TRUNG QUỐC KHÁ HƠN

Chiến lược của Mỹ về TQ nên đối phó thế nào với những biến đổi như thế? Với thành tích ảm đạm đã qua, có người bị thuyết phục dỡ bỏ các bước thay đổi, bằng cách bảo đảm Bắc Kinh rằng Mỹ thật sự không có ý định kìm hãm TQ. Hướng đi này không chắc thành công. Tham vọng của TQ mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ trên nhiều lĩnh vực – Trump thể hiện cho Bắc Kinh thấy ra cái nhìn về nước Mỹ, không có bảo đảm nào về mặt ngoại giao có thể thuyết phục các lãnh đạo TQ từ bỏ ý muốn được an toàn bằng cách mạnh tay kiểm soát xã hội, củng cố hệ thống kinh tế thật ổn định, giảm đi lệ thuộc của TQ vào Hoa Kỳ.

Trái lại, cố thuyết phục họ về quan điểm này có vẻ chỉ là chuyện không công, trái ngược nhận thức của họ về “bánh xe lịch sử” đang quay nhanh hơn về một nước Mỹ sa sút. Chiến lược của Hoa Kỳ phải là tìm cách tiến tới, không phải thoái lui, thoát khỏi vấn nạn hiện nay.

Nhưng điều đó không có nghĩa lộ trình của Bắc Kinh là bất biến. Quan điểm này khá phổ biến hiện nay, coi TQ không phải là quốc gia đáp ứng áp lực và thúc đẩy, nhưng là một sức mạnh sắt thép không thể chuyển hóa nổi bởi động lực bên ngoài. Nhưng thật lầm lẫn khi kết luận các chính sách thất bại vài năm vừa qua hàm ý Hoa Kỳ ít nhiều hết hy vọng đối đầu với một TQ ngày càng hùng mạnh, chỉ còn cách tuốt gươm khỏi vỏ (pull up the drawbridge), chuẩn bị nghênh chiến, hy vọng đảng cộng sản TQ sụp đổ. Một cách đặt vấn đề khác – không “quay lại từ đầu” đầy nuối tiếc cũng không sợ hãi, xuôi tay– là cần thiết.

Con đường đúng nhất để vươn tới là vạch ra một chiến lược với tiền đề đánh giá thực tế hơn các lợi ích của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Bắc Kinh nhìn thế giới theo phương diện cạnh tranh khốc liệt và mưu đồ chính trị (ideological), nhưng Washington có thể đề cao lợi ích của mình mà không coi nhẹ TQ. Cái nhìn chiến lược tham vọng nhất – và quan trọng hàng đầu – là nên chứng tỏ cho TQ và phần còn lại của thế giới thấy rằng Mỹ vẫn hùng mạnh và tin tưởng hồi sinh nguồn sức mạnh, sự dẫn đầu của Hoa Kỳ.

Các nhà cầm quyền TQ xây dựng chiến lược của họ trên cơ sở đánh giá thấp nước Mỹ. Bằng cách loại bỏ các báo cáo ngụy tạo về sự suy tàn (demise) của mình, Hoa Kỳ có thể sẽ thay đổi toan tính của TQ, tìm ra một hướng đi đến sự chung sống lành mạnh hai bên cùng có lợi. Không có gì quan trọng bằng cạnh tranh hiệu quả với TQ như những gì Hoa Kỳ thực hiện trong nước, làm sống lại các cấu trúc kinh tế nền tảng, thế mạnh công nghệ, và chế độ dân chủ. Tất cả những bước đi này sẽ hết sức quan trọng ngay cả khi không phải cạnh tranh với TQ; nhưng nếu chạy đua với TQ thì chúng càng thêm khẩn thiết. Các nhà hoạch định chính sách phải kiểm soát được khủng hoảng Covid-19, hoàn thiện các chính sách kinh tế đem lại lợi ích cho tất cả người Mỹ, đón chào người nhập cư đến làm giàu xã hội Mỹ, theo đuổi bình đẳng chủng tộc, làm cho thế giới thấy rằng nền dân chủ Mỹ có thể duy trì ngọn cờ cho tự do và bình đẳng, đầu tư công nghệ thông minh vào năng lực quốc phòng của Hoa Kỳ, tăng tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. Lộ trình đầy tham vọng cho canh tân và bền bỉ tầm quốc gia về chiều sâu sẽ lay chuyển nền móng chiến lược của đảng CSTQ. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không nên tránh né việc công khai vạch rõ nhiều yếu kém của một TQ toàn trị, trong đó có dân số lão hóa, khủng hoảng sinh thái, nhiều xung đột biên giới, và ngày càng giảm sút uy tín quốc tế.

Hoa Kỳ còn phải đoàn kết lại các đồng minh, các đối tác ở châu Á, châu Âu, để chống lại hành động hung hăng của TQ. Nỗ lực ấy nên bao gồm việc sử dụng đòn bẩy kinh tế phối hợp, trừng phạt công ty và nhóm nào ăn cắp sở hữu trí tuệ cũng như tham gia vào hành vi bất công, bất hợp pháp; tăng cường khả năng quân sự và thể hiện quyết tâm đối mặt hành động xâm lấn của TQ; trừng phạt các tổ chức và quan chức góp tay đàn áp ở Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương. Họ cũng nên hợp tác canh tân các tổ chức quốc tế và những yếu tố chính cho một trật tự dựa vào pháp luật, điều tiết cạnh tranh giữa các quốc gia. Đóng vai phòng vệ, Hoa Kỳ và các đối tác cần tiến hành các bước duy trì đòn bẫy của mình ở các lĩnh vực trọng yếu trong buôn bán quốc tế, đồng thời tự tách hoàn toàn ra khỏi chuỗi cung ứng từng tạo ra các thế yếu không thể chấp nhận đối với TQ (như chuyện sản xuất thiết bị y tế trọng yếu), tìm nhiều cách tránh xa những cái mà mối hiểm nguy về chúng ít có nghiêm trọng.  Tuy nhiên, không phải tất cả rủi ro đều ý nghĩa như nhau, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh dân chủ, những xã hội cởi mở, vẫn có thể gặt hái lợi ích từ trao đổi kinh tế, khoa học, giao lưu nhân dân với các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc, thậm chí họ còn làm nhiều hơn nữa để đề phòng sự o ép và do thám từ các đối thủ ngoại quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng chia sẻ những lợi ích quan yếu, cố gắng ngăn ngừa hậu quả xấu khi cạnh tranh với nhau. Cả hai quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phổ biến hạt nhân, những vấn đề không thể giải quyết nếu không có hợp tác và hành động phối hợp. Lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng nên làm việc với nhau để đương đầu với các thảm họa thấy được, như nguy cơ chiến tranh mạng, viễn cảnh xung đột ở Biển Đông đang tranh chấp. Ở những lĩnh vực hay thay đổi và nguy hiểm này, hai bên nên đàm phán những lằn ranh đỏ và các cơ chế hữu hiệu để quản lý và hạ nhiệt khủng hoảng. Bằng sự hợp tác với TQ về những vấn đề này khi cần, thậm chí trong bối cảnh quan hệ cạnh tranh căng thẳng, Hoa Kỳ nên tỏ cho Bắc Kinh thấy mình không sợ hãi hoặc tìm cách ngăn chặn một Trung Quốc thịnh vượng, đảm nhận vai trò chính trên thế giới và tham gia cuộc chơi theo luật. Theo thời gian, những bước đi như thế cuối cùng cũng sẽ tạo chỗ cho các nhà lãnh đạo TQ quyết định, giải quyết những vấn đề cấp bách chung sẽ quan trọng hơn niềm tin hoang tưởng của họ về nước Mỹ. Nhưng tất cả những cố gắng này sẽ được đền đáp đầy đủ chỉ với điều kiện Hoa Kỳ chứng minh sự hiểu lầm thế nào của đảng CSTQ đối với cái khái niệm về một nước Mỹ không tránh khỏi suy yếu.  Đạt được sự rõ ràng về nhiệm vụ phía trước tự nó sẽ là một lý do để lạc quan. Cái nhìn tăm tối của giới lãnh đạo TQ về triển vọng nước Mỹ suy tàn là không đúng. Hoa Kỳ không bị vướng bận bởi cách giải quyết vấn đề xưa cũ hoặc sức mạnh lịch sử quá sức mình định đoạt. Nhiều việc Hoa Kỳ phải làm để cạnh tranh hiệu quả với TQ nằm trong tay mình – và vẫn còn thời gian để hành động.

JULIAN GEWIRTZ là chuyên viên cấp cao, nghiên cứu về TQ ở Ủy ban quan hệ quốc tế, Hoa Kỳ; thành viên phụ trách về “TQ và chương trình toàn cầu” ở đại học Harvard, giảng viên môn lịch sử đại học Columbia.

Ảnh  của Kevin Lamarque / Reuters. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở  Osaka, Nhật , tháng sáu năm 2019.

Bài của Julian Gewirtz trên tạp chí FOREIGN AFFAIRS November/December 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.

CÓ NHỮNG CÁI TÊN KHÔNG BAO GIỜ MẤT

Không rõ từ năm nào, Sài Gòn đổi thành thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn gọn có 2 chữ, thành phố HCM dài hơn, tới 5 chữ. Nhưng dân thường hay gọi tên cũ, ít gọi tên mới, có lẽ họ làm biếng chăng.

Không biết khi nào thì cái tên Sài Gòn biến mất khỏi tâm trí người từng sinh sống ở thành phố lớn nhất nước này. Chứ ở quê tôi, tên địa phương cũ sống sừng sững như núi như non.

Nào là Đại Mỹ, Thạnh Đại, Thái Sơn, Mậu Lâm, Trung Đạo, Trúc Hà, Chấn Sơn (còn gọi Non Tiên vì có sông núi rất nên thơ), Hoằng Phước Bắc, Hà Tân, Đại An, Tịnh Đông Tây, Dục Đông...tên gọi bị đổi lại thôn 1, thôn 2, thôn 3...cho tới thôn 14 sau ngày "giải phóng". Nghe tên thật khoa học, toàn con số, nhưng khá khô khan.

Chừng mấy năm lại đây, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, địa danh mới trở lại tên cũ, như ở trên. Tôi là dân Trung Đạo, nghe dễ yêu hơn dân thôn 5, phải hông?

Tôi vào miền Nam sinh sống, một thời gian ở Đồng Nai. Tỉnh này có lẽ địa danh chỉ thêm chứ không thay đổi. Có một điều không hiểu nổi, ở đây, hầu hết cư dân đều gọi bệnh viện Thánh Tâm, không gọi đúng Bệnh viện huyện Thống Nhất.

Thánh Tâm trước 1975 là bệnh viện của đạo Công Giáo. Bác sĩ, nhân viên là linh mục, nữ tu sĩ ( gọi là soeur) có trong đội ngũ bệnh viện. Bây giờ bệnh viện do nhà nước quản lý. Đội ngũ y bác sĩ ở đây rất giỏi, có thể mổ não, bệnh nhân trong tỉnh không cần về Chợ Rẫy nếu cấp cứu chấn thương sọ.

Cũng khá ngạc nhiên, ở đây vẫn còn các sơ nấu cháo, cung cấp thức ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo, từ một nhà thờ sát bệnh viện. Hồi tôi điều trị ở đây, bệnh nhân theo công giáo đều có thể rước mình thánh Chúa mỗi sáng chủ nhật, có 1 vị linh mục mang Chén Thánh đi tới từng giường nằm bệnh nhân khắp bệnh viện, và tôi cũng ngạc nhiên, ban giám đốc BV ở đây không hề cấm cản hoạt động tín ngưỡng ở nhà thương.

Có thể thấy hành động yêu thương không phải của riêng tôn giáo nào. Chính quyền ở đây có đầu óc thông thoáng, tạo tình cảm thân thiện trong dân chúng bệnh nhân.

Có lẽ vì thế, cái tên cũ "bệnh viện Thánh Tâm" sống mãi trong tâm khảm của người dân, thay vì tên mới, tên đúng, có bảng hẳn hoi "Bệnh viện huyện Thống Nhất"?

Sài Gòn hay thành phố Hồ Chí Minh đều đáng yêu nếu những cái tên ấy nằm mãi trong tâm khảm người dân.

Tôi có nhận xét: ở miền Bắc ít thay đổi địa danh hơn ở miền Nam, tỷ như, trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn. Nhổn có ý nghĩa gì? Chắc chắn nó có ý nghĩa lịch sử. Nếu không, người ta thay mất đất cái tên đọc khá kỳ cục: Nhổn.

TRUMP THẮNG HAY BIDEN THẮNG

Bắc Kinh đều hy vọng có điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Trung.

Khi bàn giao quyền hành ở Washington, theo truyền thống, tổng thống ra đi sẽ viết một bức thư cho người kế nhiệm, kèm lời khuyên tạo mối thân hữu giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. George Bush cảnh báo Barack Obama: “kẻ thù sẽ tức giận, bạn bè sẽ gây thất vọng”; đến lượt, Obama giục Trump “duy trì trật tự thế giới đang mở ra ổn định sau chiến tranh lạnh”.

Hễ vị nào bước vào phòng Bầu Dục tháng giêng tới, đương kim tổng thống hay Joe Biden, họ cũng nghe tham mưu, chú trọng vào quan hệ Mỹ-Trung đã định hình thời gian Trump giữ chức.

Nói thật, tổng thống nhậm chức năm 2021 là người đầu tiên trong hai thập kỷ phải đối mặt thách thức ngoại giao lớn nhất, không phải là gia tài đổ nát với hai cuộc đổ quân vào Afghanistan và Iraq nhưng là với một trật tự thế giới mới đa cực, Hoa Kỳ không còn là siêu cường duy nhất.

Trung Quốc ngày nay thách thức vị trí Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất, và với một quân đội hùng mạnh, họ đe dọa quân lực Mỹ hay đồng minh ở một số điểm nóng nguy hiểm. Các nhà quan sát cảnh báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới, thậm chí cuộc đối đầu trực diện, hay các trận chiến núp bóng 2 siêu cường.

Dưới thời Trump, Washington đánh TQ bằng thuế quan, cấm vận quan chức TQ và Hong Kong, tăng cường trợ giúp cho đảo quốc tự trị dân chủ Đài Loan. Trong năm, Trump liên tục quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về thảm họa dịch bệnh, đóng cửa lãnh sự quán cả ở Mỹ lẫn TQ.

Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách tái điều chỉnh vào tháng giêng dù cuộc bầu cử kết quả thế nào. Lãnh đạo Bắc Kinh không mong họ là điểm nóng trong cuộc đua tổng thống, thái độ diều hâu chống Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự đồng thuận trong hai đảng.

Một chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo TQ, Ryan Manuel nói rằng quan hệ với Mỹ “là lỗi cá nhân Tập Cận Bình, và trong nước quy trách nhiệm cho ông ta về sự tồi tệ này”. Ông nói tiếp: “Chính quyền TQ thời điểm này được cho là chờ và đợi, chỉ hành động chính xác tương ứng với thái độ của Mỹ. Bầu cử xong, TQ sẽ khởi động chính sách điều chỉnh”.

Đại sứ TQ tại Mỹ tuyên bố: "Bắc Kinh Mạnh mẽ chống lại, bất cứ tình huống nào, một cuộc Chiến tranh lạnh mới, hay sự chia tách. Chúng tôi cam kết phát triển quan hệ Mỹ-Trung bền vững, sâu sắc”. Ông nói tiếp: “Quan hệ Trung-Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng hiếm thấy trong 41 năm gắn bó bang giao. Giờ đây, quyền lợi thiết thân của nhân dân hai nước TQ và Hoa Kỳ bị tổn hại nghiêm trọng hơn”.

Rạn nứt ấy không chỉ do phía Washington, Trump chỉ làm trầm trọng thêm, mà còn do phía Bắc Kinh từ chính sách ngoại giao ngày càng táo tợn (aggressive), bành trướng quân sự cũng như gieo rắc kinh sợ vì các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong.

Đại dịch Covid-19, lan rộng khắp thế giới vì sai lầm kìm chế từ ban đầu bùng phát ở Vũ Hán, lại tạo cơ hội cho Bắc Kinh lấn lướt với tham vọng “Hồi sinh đất nước”, khôi phục lại vị trí xa xưa trong lịch sử “Đại Hán”, bị tước mất qua “thế kỷ tủi nhục”, Trung Quốc ngồi chiếu dưới vì các cuộc xâm lược đế quốc và chiến tranh thuộc địa.

Kinh tế TQ phát triển trước cả dịch bệnh dù có chiến tranh mậu dịch với HK. Họ vượt qua các cơn bão phong tỏa, khống chế dịch tốt hơn nhiều nước, đặc biệt các nước lớn như Mỹ, Ấn và Brazil. Đối với nhiều người ở TQ, đặc biệt giới lãnh đạo, điều này khẳng định mô hình chính trị, quản lý kinh tế từ trung ương xuống là đúng, nhất là, đời sống dân chúng dần dần ổn định trong nhiều tháng nay.

Dưới thời Tập, quân đội nhân dân TQ lớn mạnh hết mức, dù ngân sách quốc phòng còn kém Mỹ. Các tháng gần đây, PLA (quân đội nhân dân) có nhiều động thái gây hấn ở Biển Đông, dãy Hy-mã-lạp-sơn, cũng như đe dọa đồng minh Mỹ, Đài Loan. Họ còn đẩy mạnh tuyên truyền ẫm ĩ nhân kỷ niệm 70 năm cuộc chiến tranh Triều Tiên mà họ gọi là “Kháng Mỹ, viện Triều” ngay trong lúc Trump vừa đe dọa TQ phải “trả giá đắt cho việc gây ra dịch bệnh.

Trái lại, nhiều quân đội, không hẳn chỉ có Mỹ, thấy ra năng lực của họ ảnh hưởng ngay vì hậu quả đại dịch. Ngày 13 tháng 10, Tập Cận Bình đi kiểm tra binh chủng hải quân nhân dân TQ trong chuyến đi xuống phía Nam; ông nhắc nhở cấp chỉ huy “tập trung chuẩn bị chiến đấu và khả năng tác chiến” cũng như “cảnh giác cao: sẵn sàng chiến đấu”

Nhà phân tích, cựu quan chức ngoại giao, ông Jeff Moon: “Không thể nào quay lại bang giao Mỹ-Trung thời Obama nữa, bởi vì thái độ bài TQ ở Mỹ đang dâng cao”. Ông Moon nói thêm: “Hành vi ngang ngược của TQ đi đến mức không thể ngờ được trong thời “Chiến binh lang sói” (Wolf Warrior) khi liên hệ chính sách ngoại giao cố tình hiếu chiến và gây sự (combative) các quan chức theo đuổi dưới thời Tập Cận Bình.

Chuyên gia về TQ, ông Nick Marro, thuộc cơ quan tình báo kinh tế, đồng ý đổ vỡ quan hệ đều đến từ hai phía.

Ông nói: “TQ đang cố giữ mối quan hệ ngưng tồi tệ nhưng chẳng biết làm gì để nó tốt hơn. Quá nhiều mâu thuẫn cả hai đang có, không chỉ thương mại, mà còn đụng tới vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, và Biển Đông. TQ coi những vấn đề này là “cấm kỵ” (red lines) trong khi đó, dư luận trong nước, với không khí sặc mùi tự tôn dân tộc, trói chặt tay chân lãnh đạo TQ; bất kỳ động thái xuống nước nào cũng bị coi như ‘đầu hàng’ áp lực của phương Tây”.

Hầu hết giới quan sát đều đồng ý nếu Biden đắc cử tổng thống, như thăm dò cho thấy, ông ta sẽ theo đuổi chính sách ít công khai hung hăng hơn về TQ, dù cho cơ bản, ông cũng hồ nghi Bắc Kinh không thua gì Trump.

Ông Moon tiếp: “Biden sẽ theo cách hành xử xưa nay, dựa nhiều vào cộng đồng trong nước, vào đồng minh truyền thống của Mỹ, đưa ra các quyết định thận trọng về các vấn đề Mỹ-Trung”, đối nghịch các chính sách thất thường của Trump về Bắc Kinh.

“Cách xử lý vấn đề chú trọng vào khuôn khổ cam kết song phương chính thức, tiên lượng được, giúp điều phối lại không khí giao hảo bằng cách củng cố toàn diện mối quan hệ Mỹ-Trung, tránh khả năng hiểu lầm có thể dẫn đến leo thang xung đột”.

Ông còn nói, các vấn đề trọng đại khác vẫn không giải quyết nổi. “Sau nhiều thập kỷ đối thoại, hợp tác về nhiều vấn đề rộng lớn song phương, TQ vẫn khư khư không chịu thay đổi, đổi mới chính sách, đáp ứng quan tâm của người Mỹ. Mô thức điều chỉnh (chính sách), vì vậy, không thể nào được Hoa Kỳ chấp nhận”.

Ông nói tiếp: “Sự khác biệt thuộc về chiến lược nhiều hơn. Biden sẽ tận dụng nhiều hơn chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc nội ở một số lĩnh vực Mỹ cho là TQ gian lận (cheat), tận dụng nhiều hơn đồng minh Hoa Kỳ”.

Trở lại cách tiếp cận TQ mềm mỏng như thời Clinton là không thể, vì hai đảng (Cộng hòa, Dân chủ- ND) đều ghét (hostility) Bắc Kinh cũng như đều phẫn nộ về các vấn đề Tân Cương hay quân sự hóa ở Biển Đông.

Cuộc bầu cử tổng thống 2012 nổi lên đề tài Nga hay TQ nước nào đối trọng với Mỹ. Không ai không đồng ý, Bắc Kinh cho thấy họ thách thức lớn hơn nhiều, mọi sự chùn bước trước thách thức này sẽ bị coi là nhu nhược, mặc cho hiện nay, thất bại rõ ràng, chiến lược Mỹ đang theo đuổi không thay đổi hành vi của Bắc Kinh.

Trong một bài xã luận, Tân Hoa Xã viết: “Thổi phồng ‘mối đe dọa TQ’ là ‘âm mưu định sẵn’ trong các cuộc bầu cử phổ thông ở Mỹ”. Trong khi Bắc Kinh lớn tiếng ta thán bị đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ tấn công, thì ở trong nước họ ra tay đàn áp chính trị. Lãnh đạo TQ hy vọng, một khi phiếu đã bầu, Trump hay Biden đều thấy thoải mái hơn để tìm đến giọng điệu hòa hoãn hơn.

Bốn năm qua, Trump vừa sửng cồ vừa xuống nước với TQ, lúc ca ngợi Tập, hồ hởi thỏa thuận thương mại; lúc thì gọi Bắc Kinh là kẻ thù số một của Mỹ, bắt họ chịu trách nhiệm về tất cả tai ương trên thế giới.

Điều này phản ảnh sự chia rẽ trong đội ngũ của Trump, có những người coi quan hệ TQ là quan hệ với một quốc gia lớn về kinh tế; có những người phái diều hâu, dẫn đầu là “khắc tinh” của Bắc Kinh (bête noir) bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo.

Những ai muốn quan hệ hàn gắn sẽ hy vọng xoay trục về các người hòa hiếu với TQ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Trump, nhưng Marro, nhà phân tích kỳ cựu cho rằng điều ấy không xảy ra.

Ông nói: “Thương mại thỏa thuận giai đoạn 1 có được vì tổng thống Trump lo âu cho việc tái đắc cử của mình; thỏa thuận nghiêng về tránh thuế quan tương lai, vấn đề có thể gây ra cú “hồi mã thương” (blowback) trong bỏ phiếu, hơn là biểu trưng có thay đổi thực sự quan hệ kinh tế Mỹ-Trung”.

“Tuy nhiên, nếu TT Trump tái cử, ông sẽ không bị hạn chế tay chân trong nhiệm kỳ 2. Điều này khiến ông thoải mái cấm đoán thêm về đầu tư hay nguồn tài chánh giữa công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây sẽ là thiệt hại kinh tế cả TQ lẫn Mỹ - chưa kể nó làm trật hướng hồi phục kinh tế thế giới kỳ vọng trong năm tới – nhưng những cân nhắc đó trước đây không ngăn cản được ông”.

Ý kiến ở TQ chia rẽ sâu rộng, không rõ Trump hay Biden, về lâu về dài, sẽ tốt hơn cho nước họ. Mục đích cuối cùng TQ muốn là ổn định trên tất cả cái khác; các mối quan hệ rạn nứt nhiều trong 4 năm qua đến nỗi còn cái gì sót lại, thì thật ra, chỉ là mối quan hệ đã đổ vỡ.

                                                          Trên CNN 26 tháng 10 năm 2020. Nguyễn Long Chiến dịch.

LŨ HẾT, ỒN ÀO SẼ TRÔI THEO?

(Tản mạn về “hiện tượng Thủy Tiên”)

Người Việt Nam ngày nay không còn bị ám ảnh bởi cái ăn như thời xưa? "Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ". Trong tiếng Việt, không thiếu từ ngữ diễn tả những dịp trọng đại trong đời sống con người bắt đầu bằng chữ ĂN: ăn Tết, ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ kỵ, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi…

“Cái ăn” len lỏi vào cuộc sống không phải chỉ của người bây giờ, thời Khổng Tử cách đây ngót 2500 năm đã có. Ví dụ rõ nhất từ bản thân vị Vạn thế sư biểu: Ngài bất ý từ bỏ quê hương, trôi dạt khắp thiên hạ để rao giảng đạo đức, sau một lần bị nhà vua chia phần thịt ít hơn các lần trước. Hậu thế dè bỉu ngài quá chú trọng miếng ăn nhưng cũng có người cảm thông, không phải miếng ăn mà chính là sự quan tâm, kính trọng của nhà vua đối với ngài giảm sút. Tôi không rõ hiền triết Socrates bên trời Tây có coi trọng miếng ăn như hiền triết Khổng Khâu ở trời Đông hay không.

Cuộc sống con người ngày nay có khá hơn trước, không phải ám ảnh bởi thiếu ăn, nhưng trong tâm thức, tôi nhận xét, có lẽ cái ăn còn lẩn khuất đâu đó trong phần sâu kín của tâm tưởng con người. Hiện tượng bún quát, cháo chửi (không rõ chấm dứt chưa?) là chỉ dấu cho tâm thức ám ảnh ấy. Người ta chịu khó sắp hàng dù thời tiết nóng, như bên trời tây xếp hàng lên xe buýt, kiên nhẫn chờ tới phiên có một bát bún nghi ngút mùi thơm, tự tìm một chỗ ngồi thuận tiện, và sung sướng thưởng thức các món ăn mà khi chế biến, người chủ quán cao giọng quát tháo người phụ việc, có khi chính thực khách vì lỡ lời than chậm trễ; bằng nụ cười cảm thông, người ăn tự an ủi: có món ngon là quý rồi.

Tôi có lần cùng với bạn hữu tò mò tìm quán có “mắng, chửi” để thưởng thức xem món ăn đặc biệt thế nào mà người ta chịu khó nghe mắng, nghe chửi để được ăn. Đến nơi, chúng tôi vội bỏ đi sau 10 phút chờ đợi: ăn vàng cũng chẳng ham chứ đừng nói ăn phở. Người miền Nam không quen “lối phục vụ” như thế.

Có người bảo ở Hà Nội mới có bún mắng, cháo chửi còn Sài Gòn thì không. Có người cực đoan hơn còn bảo “người Bắc họ thế”. Những người này chưa tìm hiểu, người Sài Gòn, người miền Nam cũng là người từ Hà Nội, từ miền Bắc vào mấy trăm năm trước (bây giờ còn nhiều không kém). Tổ tiên họ từ miền Ngoài vào miền Trong. Người Bắc 54 di cư chiếm nhiều tình cảm của người Nam vì đa phần họ làm ăn chăm chỉ và một sự thật là: văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, có cả học giả, giáo sư… đa số là người Bắc. Các quán ăn như phở, bánh cuốn, chả giò… người Bắc làm chủ, đâu có thiếu ở Sài Gòn và các thành phố lớn ở miền Nam, những quán ăn ngon nổi tiếng, đâu thấy mắng chửi mà người ăn vẫn nườm nượp.

Tôi thấy hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” (mong là nên chấm dứt) chỉ xảy ra ở xã hội một thời gian dài…”kiểm soát” cái ăn bằng “tiêu chuẩn” lương thực. Nếu ở miền Nam trước 1975 có chế độ tem phiếu, mấy bác Việt Cộng nằm dưới hầm bí mật sẽ đói meo râu, gạo đâu dư mà nấu cơm cho các bác, ai cũng mười mấy cân thóc, không đủ ăn, lấy đâu mà nuôi giấu mấy bác cả chục năm trời. Cái ăn kiểm soát được thì mọi cái sẽ kiểm soát rất dễ dàng. Người chi phối cái ăn sẽ chi phối xã hội. Nhân viên ở các cửa hàng lương thực thời bao cấp quyền uy không thua một số quan chức ngày nay. Hơn 20 năm thôi, “văn hóa tem phiếu” tác động rất sâu trong tâm hồn người Việt.

Cha con không thể thăm nom lâu ngày khi đến nhà của nhau nếu không “ôm” theo tiêu chuẩn lương thực. Noel, tiệc sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, giỗ chạp, tiệc tùng, liên hoan…hoạt động thông thường của một xã hội tình người làm sao có được khi ai cũng có “tiêu chuẩn” lương thực không đủ ăn cho bản thân?

Cái ăn ám ảnh từ bậc hiền triết đóng góp cho văn minh phong kiến Trung Hoa, (vẫn  còn ảnh hưởng không nhỏ lên nếp sống một số hậu duệ của tiền nhân qua 1000 năm đô hộ) cho đến ngày nay, liệu còn có kéo dài nữa không? Khi thấy có người, cả vài bậc “phụ mẫu chi dân” đặt vấn đề về số tiền của Thủy Tiên (trên 150 tỷ) do người khác đóng góp để cứu trợ đồng bào bị nạn trong lũ lụt, thiên tai, tôi suy nghĩ cái ám ảnh quá khứ về miếng ăn có lẽ vẫn còn, tất nhiên, qua lớp áo công bằng xã hội, phù hợp luật pháp. Đồng bào giao cho cô ta lòng tin thì họ đã giao trọn vẹn, không băn khoăn, sao người khác lại đặt vấn đề về số tiền đó?  Còn cô ta có giữ lòng tin ấy hay không lại là chuyện khác, chuyện lương tâm của cô, chuyện pháp luật lên tiếng nếu có khuất tất, không nên đánh đồng với một  MC- người của công chúng, "nổi tiếng" (hay điều tiếng?) trước đây.

“Khủng hoảng" làm từ thiện (hay hiện tượng Thủy Tiên) thực ra sẽ qua đi nhẹ nhàng nếu đất nước có được các tổ chức thiện nguyện (không phải nhà nước lập ra)– ta hay e dè gọi bằng một cái tên “nhạy cảm chính trị”: tổ chức xã hội dân sự (civil society), thường thấy “ê hề” ở những nước “tư bản giãy chết”. "Ám ảnh cái ăn" sẽ không còn, không làm nhân cách con người nhỏ lại,  sẽ không choáng chật chỗ trong đầu óc, làm méo mó suy nghĩ của một số người về những điều to tát hơn - lòng bác ái: "miếng khi đói  bằng gói khi no", "lá lành đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng".

ĂN CỦA RỪNG RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT.

Xưa ở vùng thượng du, trung du, người ta sống nhờ đồng lúa, nhưng phần khác nhờ núi rừng, các phẩm vật quý như dầu (dầu rái trét ghe), cây (gỗ), mây, lá (làm nón).

Rừng mênh mông, bạt ngàn, cây cối sum suê, nhiều đỉnh núi cao, hằng hà cây như cổ thụ, hai ba người ôm không xuể.

Rừng núi đối với nhiều thế hệ cha ông trở thành một thế giới riêng, có những quy luật riêng. Khi làm dấu 1 cây nào ưng ý dự tính đẻo làm cột, kèo, người đi rừng chỉ lấy rựa, vạt vài dấu theo quy ước, rồi về nhà, và người sau nhỡ có thấy, họ cũng không đốn mất. Ở rừng, không ai được đi tiểu, đi tiêu xuống khe suối. Giống ông thủ tướng nói, đốn một cây rừng phải đốt một cây nhang. Xưa ở Quảng Nam, trước khi hạ những cây có bóng cả, người đi rừng cũng làm như thế, tạ đất, tạ trời, tạ rừng thiêng.

Người ngày càng nhiều, lòng tham ngày càng lớn, quản lý rừng có nơi còn tắc trách, những cây gỗ quý, có cây hàng trăm năm tuổi, đứt ruột rời rừng về xuôi, hóa thân thành ngai, thành "long sàng", thành cửa, thành cổng ở các nhà cự phú, kể cả các ghế ngồi, bàn làm việc, sáng ngời ngời trong công sở.

Văn minh cơ khí khiến những việc nặng nề như xẻ gỗ, hạ đốn cây, vận chuyển chúng từ rừng về xuôi không mấy khó khăn. Ông bà chúng tôi bỏ cả 1 ngày, có khi 2 ngày để hạ một cây to với chiếc rìu tay nhỏ bé. Và cần 1 tuần nhựt mới xẻ xong một lóng gỗ 1 khối thành ván, bằng loại cưa 2 người kéo tay, gọi là cưa đợi (đại). Những cây to trong núi ở vị trí kheo khư, khó tiếp cận, luôn còn lại, có thể mấy trăm năm, và núi có ngọn cao vút, nhiều dốc đứng,  hằng hà sa số cây như thế. Nay, chỉ cần một cái cưa máy, phá rừng nhanh như chớp, năm bảy năm là hoàn thành "công tác".

Hồi xưa (lại hồi xưa!) có nơi chính quyền Pháp, chính quyền ông Diệm, cho phép khai thác gỗ rừng bằng trâu kéo. Các cây lớn chặt đứt bằng rìu từng đoạn dài chừng 3 mét, trâu đực và  "phu rừng", "trai kéo" (giống trai cày) mang về bến sông, từ đó chuyển về làng xóm. Mỗi năm, có lẽ một đôi trâu kéo khai thác chừng 10, 15 cây như thế trong các tháng nắng ráo.

Rừng do vậy vẫn còn bạt ngàn cây cối, cho tới những năm "đổi mới" thập niên 1980, và rừng vẫn còn là nơi trú ẩn của nhiều sinh vật như nai, mang, gấu, heo rừng, kể cả voi và cọp còn thấy sau năm 1975 một thời gian.

Chỉ 30 năm rừng biến dạng hoàn toàn. Ngoại trừ một số rừng đầu nguồn còn giữ khá chặt chẽ, hầu hết rừng thiên nhiên biến thành rừng trồng: cây keo, cây tràm (quý vị để ý trong khu vực tìm kiếm nạn nhân bị đất lở, đất chúi vùi lấp, thấp thoáng loại cây này phía xa trong ảnh).

TRƯỜNG TÂY, TRƯỜNG TA ?

Người phụ nữ đưa, đón các học sinh Gateway (*) đã bị khởi tố tội "ngộ sát". Sự cố đau lòng với cái chết của một học sinh lớp 1 đánh động lòng cảm thương sâu sắc mọi người quan tâm Việt Nam. Tai nạn, nếu đây là tai nạn thuần túy, là điều không ai muốn, không ai lường trước. Cái chết thương tâm dù sao cũng sẽ được tìm rõ nguyên do và sẽ qua đi như bao cái chết khác.

Vì sao sự vụ về cái chết nổi sóng dư luận? Có thế lực nào xúi giục gây rối xã hội nhân cái chết này không? Chưa rõ nhưng có cái rõ nhất gây chấn động dư luận:

- Một sự việc sai phạm ở một nơi khác, cháu bé bị nhốt, trường mẫu giáo ấy lập tức bị tạm thời đóng cửa, trong khi nơi khác, một học sinh tử vong, trường vẫn an nhiên hoạt động, hay tại nó là trường có tên quốc tế, Gateway?

- Nhiều chi tiết chưa tỏ tường về cái chết gây ra đồn đoán, suy luận, dẫn đến một suy diễn có gì đó khuất tất?

- Việc suy đoán càng  bùng lên với lối đưa tin của vài báo lề phải, muốn làm cái chết nhẹ đi: " Ở Mỹ một nước văn minh, có năm tới 36 cái chết vì sốc nhiệt và ngạc thở của trẻ em do bị cha mẹ  bỏ quên trên xe". Một lối đưa tin thiếu đạo đức, lương tâm nhà báo. 36 trẻ chết còn hổng sao, huống chi 1 em chết.

- Cơ sở của trường " quốc tế" đồ sộ này thu học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm, sự chăm sóc tắc trách đến độ vô trách nhiệm dẫn đến cái chết: giao nhận trẻ không rõ ràng, quy củ, để nguyên do dẫn đến cái chết rất lâu mới có kết luận, dù chỉ bước đầu. Tiền nhiều chất lượng cao, có đúng thế không?

 Trong lúc chờ kết luận cuối cùng của công an, có hai chi tiết gây thắc mắc:

1. Phụ nữ phụ trách đưa đón nói cháu bé có xuống xe, nhà trường bảo không. Tại sao ngày giờ có sự cố chết người, các cháu không được hỏi ngay, có thấy bạn Long không. 12 em, chắc chắn có em biết. "Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Đây không phải là chứng cứ kết tội nhưng là chứng cứ quan trọng cho hướng điều tra của công an.

2- Cháu bé được giải thích đã tự thay áo quần trong xe khi đi học khác lúc chết.

Một sự giải thích khó hiểu. Chỉ 10 phút từ nhà đến trường, trẻ không thể thay áo quần sạch, trong khi xe chạy. Khi bị bỏ quên trong xe, 2 tình huống, hoặc mê do thiếu oxy thì không thể cựa quậy, chứ nói chi thay áo quần, hoặc trong trạng thái bị nhốt trong xe, bản năng con người, dù em chỉ là lớp 1, là kéo rèm cửa, đập vào kính xe kêu cứu, tất nhiên trong trạng thái hoảng loạn, không thể bình tĩnh mà tự thay áo quần vì "mồ hôi ra nhiều quá"(theo giải thích), và nằm trên ghế chờ cái chết đến.

Chúng ta mong mọi việc sáng tỏ. Có thể đây là một tai nạn hy hữu, không ai muốn. Nhưng nếu có cái gì khuất tất ở đây, quý vị nên cảm thông, và cũng nên an tâm, lưới trời lồng lộng. Một người giấu được không nếu cái chết oan khuất dính dáng đến một số người ở Gateway?

Qua câu chuyện thương tâm này, tôi thấy mấy cái:

- Trách nhiệm nhà nước trong việc giám sát cần tăng cường trong tất cả mọi hoạt động của mọi cơ sở giáo dục tư nhân, nhất là cấp nhà trẻ, mẫu giáo. Các trường "quốc tế" càng giám sát chặt chẽ hơn, đừng thấy họ giàu có mà lơ là phó thác.

- Trách nhiệm người đứng đầu. Trường Gateway này giả dụ nhận huân chương lao động về sự nghiệp giáo dục, thì công sức phải có đóng góp của người phụ nữ bị khởi tố.

Không lý gì người phụ nữ qua tuổi hưu nghèo khổ phải đi làm thuê thì bị truy cứu mà người đứng đầu ngôi trường không liên đới trách nhiệm, hiện vẫn đảm nhận công việc điều hành.

- "Công tao, tội mầy" không chỉ ở đây, nó còn ở một số các cơ quan công quyền; chuyện cố ý làm trái, tham nhũng tày trời, cấp phó, cấp dưới vô tù, cấp trưởng có ông bình yên ngày ngày xách gậy đi đánh golf.

Sự cố gây cái chết thương tâm nên là hồi chuông cảnh báo những người trách nhiệm, không nên để nó trở thành quả bom tức giận của quần chúng, một quần chúng tội nghiệp, không có lấy một tờ báo tư nhân, nhưng gây được bão dư luận, nhờ anh chàng Facebook, không biết ngày nào sẽ "go home".

Ghi chú: (*) Tên của trường mẫu giáo tư nhân nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Một em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong không rõ nguyên nhân.