Saturday, January 20, 2024

CÓ THỰC APOLLO 11 ĐÃ ĐÁP XUỐNG MẶT TRĂNG?

Nước Mỹ đang linh đình kỷ niệm 50 năm ngày họ đổ bộ xuống mặt trăng 20 tháng 7 năm 1969. Neil Amstrong, người đầu tiên đặt chân xuống chị Hằng, có câu nói nổi tiếng “Một bước nhỏ của con người nhưng là bước nhảy vọt của nhân loại”.

Nhưng có người hồ nghi, NASA “dàn dựng” cảnh này để lòe thiên hạ. Một nhà văn Mỹ gốc Đức nghiên cứu kỹ lưỡng hình ảnh đổ bộ của Apollo 11 và viết cuốn sách xuất bản 1970 tựa đề “We never went to the moon: America’s thirty billion dollars swindle” (Chúng ta chưa từng lên mặt trăng: trò bịp 30 tỷ USD của nước Mỹ).

Năm 1969, tôi còn là học sinh lớp 7 ở Hội An, được xem phim “đổ bộ”này trong chương trình chiếu phim mỗi tối thứ bảy, ngay ở sân ty thông tin Quảng Nam, dù lúc đó tình hình chiến sự rất căng thẳng, thỉnh thoảng thành phố cũng có VC “pháo kích” nhầm vào dân.

Học sinh chúng tôi rất thán phục người Mỹ, không phải được xem mỗi tuần phim của họ cung cấp chiếu cho khán giả VN về nước Mỹ nào là “Wild West” (cao bồi Mỹ) , “Combat” (Mỹ đánh Đức) hay “Batman”(người dơi)…mà là sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật của họ lúc đó khi trong nhà những người giàu thành phố chưa hẳn sắm nổi một chiếc ti vi.

Đến bây giờ đọc báo VN tôi mới rõ, nhiều tờ trích dẫn báo, sách nước ngoài cho sự đổ bộ của Mỹ lên mặt trăng giống như “fakenews” (tin xạo). Tất nhiên, một vài tờ khác cũng ca ngợi tiến bộ của nước Mỹ qua hình ảnh phi thuyền đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, chị Hằng, một hình ảnh đi vào thơ ca Việt Nam và Trung Hoa hàng mấy ngàn năm nay.

Các bài báo lấy tư liệu nước ngoài ngay tại Mỹ để nói về sự kiện này “không thật” thì mọi người đều tin “phăm phắp”. Trên mặt trăng làm gì có không khí mà cờ Mỹ lại bay phấp phới. Dấu giày in trên nền mặt trăng trông không giống giày phi hành gia đang mang. Chắc là người Mỹ đã dàn dựng trên studio vì thấy có ánh sáng phản chiếu như đèn trong phim trường hoặc trong sa mạc.

Một sự kiện vĩ đại: 600 triệu người theo dõi trực tiếp qua truyền hình đen trắng, 400 ngàn người mặt đất hỗ trợ cho nỗ lực chưa từng có này, và 8 phi hành gia bỏ mạng trong chương trình Apollo lên mặt trăng… là sự kiện tầm phào, Mỹ “lừa” nước họ và lừa nhân loại?

Lý do cho là bị lừa vì hình ảnh lá cờ bay, dấu giày không trùng, ánh sáng phản chiếu…Đơn giản: cờ bằng nhựa chứ không phải bằng vải, rung rinh như có gió là vì vừa được 2 phi hành gia cắm mạnh xuống đất, cờ phải chao nghiêng một hồi mới đứng. Dấu giày ở một lực hút bằng 1/6 quả đất đương nhiên không phải như trên trái đất. Ánh sáng phản chiếu là của mặt trời. Nếu cảnh dàn dựng ngoài sa mạc thì phải nhìn thấy được sóng nhiệt (như hơi nước từ nồi nước đang sôi bùng).

Có hai cách giải thích cảnh Mỹ đổ bộ mặt trăng là…giả. Một: những người Mỹ thích “nổi tiếng”, có thể đem lại món tiền kếch xù khi viết sách câu khách, với những chứng minh thuyết phục, cái tít sách có chữ “30 tỷ USD cho một “cảnh láo khoét” vừa nêu là “bom tấn” chứ không phải chơi.

Hai: những người “ấm mũi”, “ghen ăn tức ở”, đế quốc Mỹ nó “xạo” chứ làm gì có chuyện đó, quá xạo…

Nếu Việt Nam hay Trung Quốc phóng được phi thuyền lên trên mặt trăng mà xuất hiện những bài báo, cuốn sách như nói trên, tác giả sẽ ủ tờ ngay vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”, chưa nói không bao giờ sách báo ấy được xuất bản ngang nhiên ra công chúng.

Buồn cười cho nền dân chủ Mỹ, kẻ “tuyên truyền chống phá nhà nước” mà không bị nhốt tù, và cũng buồn cười cho những ai vẫn có những bài viết lập lờ, đế quốc Mỹ xạo chứ làm chi mà xuống được mặt trăng năm 1969.

Ảnh năm 1960 chụp tổng thống Mỹ tuyên bố 10 năm nữa Mỹ sẽ đổ bộ lên mặt trăng và thật sự

NỖI SỢ.

Nỗi sợ luôn khó chịu nhưng nó đeo đuổi con người cả đời. Lúc nhỏ khi đi học sợ bắt nạt, sợ bị bạn “không chơi”, sợ cô cho điểm kém, sợ thua sút bạn cùng lớp, cuối năm sợ không lọt vào tốp học sinh giỏi, về nhà sợ cha mẹ rầy la. Lớn lên chừng mười tám tuổi sợ không đỗ đại học, sợ nổi mụn ở mặt, sợ chẳng có ai yêu mình và sợ mình không yêu được ai. Lập gia đình, sợ ở nhà trọ, sợ không mua được nhà, sợ không hạnh phúc, sợ sinh con không nuôi nổi nó. Nói chung nỗi sợ luôn đồng hành trên bước đường đời phía trước.

Nhưng nỗi sợ ấy không lớn bằng nỗi sợ không sống như mình muốn, mình yêu. Tôi gọi là “nỗi sợ xã hội”. Những năm sau ngày 30 tháng 4, nỗi sợ xã hội rõ ràng nhất. Những người của chế độ cũ sợ hãi về số phận của mình, của gia đình mình. Những người “cách mạng” cũng sợ mình có những thân nhân là “ngụy quân ngụy quyền”.

Một vị cán bộ lớn cấp tỉnh có con trai là sĩ quan cải tạo trong tù. Ông thăm nó (bạn tôi) một lần duy nhất cho đến khi nó ra trại 4 năm sau đó. Hai bố con trở thành hai “kẻ thù” trong một gia đình có một bà mẹ, một dạ nuôi con khi chồng đi tập kết. Bạn tôi đau xót kể lại chuyện gia đình khi anh sống cùng cha. Anh đang ở Mỹ và luôn đau đớn khi nhớ lại, lúc ra tù anh phát hiện mình không phải là đứa con lẽ ra được cha yêu mến khi ba người được “sum họp” một nhà sau tao loạn chiến tranh.

“Quan điểm chính trị đã chia rẽ cha con”, bạn tôi kể. Cha anh luôn lấy những hình ảnh lãnh tụ của mình ra để “giáo dục” anh nhưng anh lại cực lực phản bác, thậm chí “đả kích” vị lãnh tụ thần thánh đối với cha anh, một hành vi báng bổ trong suy nghĩ của một cán bộ kiên trinh gương mẫu.

Khi cha mất đi nhiều năm, đã qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, anh mới nghiệm ra cha anh là con người rất tốt. Ông, không như những người khác sau năm Mậu Thân ác liệt, được khuyên nên lập gia đình ở Bắc, vẫn mong ngày gặp lại vợ và anh, giọt máu duy nhất của mình. Có cuộc sống cán bộ cấp tỉnh nhưng ông không coi trọng của cải vật chất; khi được cấp nhà, ông không nhận và nhường lại  một người bạn chưa có nhà, vì ông đã có nhà mẹ anh tần tảo với đôi quang gánh trên vai, mua được trong những năm tháng chiến tranh.

“Đảng và Bác đối với ông là tình yêu thiêng liêng, vô hạn”, bạn tôi nói, “nhưng tao là kẻ bị tù vì ở phe đối nghịch, làm sao tao yêu họ như bố tao”. Nó buồn bã kết luận: “bố rất yêu tao, nhưng bố sợ “mất quan điểm cách mạng” khi không “giáo dục” được tao, lúc ấy luôn chống báng, đả kích cái chủ nghĩa ông hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc gia đình để theo đuổi trọn cả cuộc đời”.

“Nỗi sợ, nỗi sợ khi có con là “ngụy quân” đã khiến bố tao không dám thể hiện tình yêu của một người cha đối với con trong quan điểm “cách mạng”. Tao ân hận không nói được lời xin lỗi bố khi ông còn sống, là mình đã không hiểu được ông”.

“Nỗi sợ đã ám ảnh bố quá lớn, quá tàn nhẫn, nó cản trở tình yêu tự nhiên một người cha dành cho một người con”. Tôi ái ngại nghe bạn mình chấm dứt câu chuyện cũ, đôi mắt nó rơm rớm, quen nhau mấy chục năm, tôi chưa từng thấy nó khóc.

LẪN LỘN GIẢ CHƠN

Tối hôm qua, chạy xe từ nhà con rể ở quận 2 về nhà con trai ở Thủ Đức, tôi gặp một người đàn ông đứng trên đường đưa tay ngoắc muốn quá giang ở quãng đường khá vắng người và không có ánh sáng đèn đường. Người đàn ông nói giọng Bắc tầm 40 tuổi dáng vẻ thiểu não, tay ôm một túi xách cũ mềm và dơ dáy thấy rõ nhờ đèn nhà hai bên đường chiếu ra, thật tội nghiệp, tôi chạy xe chầm chậm nửa muốn đón ông ta nửa muốn không. Báo chí đăng nhiều trường hợp kẻ quá giang giết người cho quá giang để cướp xe, cướp tư trang quý giá, ý nghĩ như thế thoáng qua, tôi rồ ga chạy thẳng về nhà.

Lên giường ngủ, tôi vẫn còn suy nghĩ về người đàn ông tội nghiệp đó; biết đâu ông ta là người lương thiện, không có tiền gọi xe ôm, hoặc đi tắc xi, thực sự muốn đi nhờ? Tại sao mình không ghé lại cho ông ta vài chục ngàn độ đường nếu sợ không cho ông lên xe mình? Tôi thật vô tình quá. Việc cỏn con như thế không giúp được người cần giúp. Cả đêm thao thức và cuối cùng cố an ủi mình biết đâu ông ta không phải là người muốn xin đi nhờ thật sự, đóng kịch thì sao. Cố nghĩ như thế và chìm vào giấc ngủ lúc nào không rõ.

Xã hội có nhiều sự việc đau lòng xảy ra. Sinh viên thất nghiệp mới sắm xe chạy Grab đã bị phục thuốc mê lấy mất xe, điện thoại, đồng hồ, những thứ thiết yếu cho việc bươn chải ở cái đất đô thành bon chen này. Có người không may mắn như anh sinh viên kia đã bị kẻ thuê chở ra tay đâm chết giữa chỗ vắng để cướp lấy xe, cướp lấy vật dụng tùy thân, kể cả giấy tờ sau khi đã “cướp” một mạng người.

Xã hội tuy không phải lúc nào cũng có những sự việc như vậy nhưng chúng đã khiến con người sống trong nỗi lo sợ mỗi khi phải đi trên chiếc xe và chẳng may gặp những tình huống lừa gạt vì lòng tốt như cho kẻ lạ quá giang xe. Lo sợ như thế đã làm con người hồ nghi tất cả, người xấu cũng như người tốt, khi cần sự giúp đỡ của đồng loại chuyện thường tình như thế.

Những tình cảnh khác như ăn xin đểu, ăn mày trá hình, đóng cảnh gãy tay, gãy chân, đầu băng vải tươm máu tươi, hay lê lết với cái chân bó bột trên đường, rên rỉ van lơn khách bộ hành, ngửa nón xin tiền bố thí…

Nhưng nếu có những người thực sự gặp cảnh thương tâm như thế, cần sự giúp đỡ chân tình, lại bị chối từ vì sự hồ nghi có sẵn của người qua đường, việc làm ấy bất nhẫn ngần nào?

Lẫn lộn giả chơn đã làm cho người Việt chúng ta trở nên lãnh đạm, thờ ơ, quay lưng với nỗi đau đồng loại. “Hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà ngủ đỗ” (trọ), những lời dạy dỗ bác ái của tôn giáo liệu có thực hiện được hay không? Chúng ta không trách những kẻ đóng giả người hoạn nạn để được rủ lòng thương xót với những đồng tiền bố thí.

Chúng ta cũng không thể lên án xã hội chung chung, một xã hội của chính chúng ta, một xã hội thuộc trách nhiệm của chúng ta, một xã hội mà chúng ta đang sống hằng ngày.

Chúng ta muốn thấy thái độ của nhà chức trách trước những vấn nạn như thế. Tuy chúng không nhiều nhưng như tôi nói chúng đã gây mất lòng tin và lòng bác ái con người dành cho con người. Mác nói : “Chỉ có những con vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để trau chuốt bộ lông của mình".

Nhiều người trách cứ thậm chí “lên án” ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng khi ông đã mất đi; nhưng thật không công bằng khi không công nhận những đóng góp của ông cho một diện mạo của thành phố Đà Nẵng như hiện nay. Có một thành phố nào trên đất nước này , cùng “dưới sự lãnh đạo của Đảng” (viết hoa), so sánh được thành phố ven biển, trên bờ sông Hàn, dưới chân Sơn Trà miền Trung này hay không?

Một trong những chuyện “vặt vãnh” là Đà Nẵng thời Nguyễn Bá Thanh không có “ăn xin”. Có nhiều cách để dẹp nạn ăn xin này ở đó, tôi không đi vào chi tiết, nhưng muốn nói rằng chuyện ăn xin ở các thành phố lớn, mang lại hình ảnh nhếch nhác luộm thuộm, không phải là không giải quyết được tốt đẹp vì rõ ràng ông Nguyễn Bá Thanh làm được thì bất cứ ông bí thư thị trưởng nào trên lãnh thổ đất nước này cũng có thể làm được.

Không phải để đạt được “thành phố xanh, sạch, đẹp” vì không có nạn ăn xin, cái lớn hơn, đó là không để những người nghèo khổ, hoạn nạn, gặp bất hạnh…phải lây lất ở một nơi chốn phồn vinh mà “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, và cái lớn nhất đó là: không có chuyện giả chơn lẫn lộn, phát sinh từ chuyện ăn xin này, con người không còn phải hồ nghi  giúp đỡ người tốt thành giúp nhầm kẻ bất lương.

Và như đã kể, tôi sẽ không phải bứt rứt cả đêm không ngủ vì đã không giúp một người cần giúp đỡ.

Thành phố không phải lớn vì những tuyên bố Sài Gòn sẽ như Singapore hay Hà Nội sẽ như Paris một ngày nào đó nhưng nó “lớn” nhờ làm những “chuyện nhỏ”, như tôi đã trình bày, đã từng làm được ở thành phố Đà Nẵng quê tôi.

CHÁO LÒNG

Đôi ba tháng ở Sài Gòn, thi thoảng trốn gia đình, tôi hay len lén đi ăn cháo lòng. Trốn là vì nghe “ăn cháo lòng”, bà xã và các con tôi nhao nhao phản đối, lòng bây giờ độc lắm ông à, ba à. Đây là nói về lòng heo chứ không phải… lòng người.

Món cháo lòng đã thấm vào đời sống con người thôn quê Việt Nam. Thịt quý nên phải tận thu lòng, tạo một món cháo, phục vụ được nhiều người. Ăn lòng nấu cháo thì sao bằng ăn thịt chế biến nhưng cháo lại ngon hơn mới kỳ cục đó chớ. Cái ăn thật sự đã ám ảnh người Việt từ xa xưa. Cảnh sống hoàn toàn phụ thuộc vào cây lúa, vào nghề nông, bấp bênh vì thời tiết thất thường, cái đói luôn đe dọa và cái ăn trở thành quan trọng. Ăn đã đi vào văn học dân gian.

"Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Chị ở đi chợ mua tôi đồng riềng.

“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. “Ăn mày mà đòi xôi gấc”. “Miếng thịt làng hơn sàng thịt chợ”. Đến bây giờ tiếng Việt vẫn diễn tả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời con người bằng “ăn”: ăn tất niên, ăn cưới, ăn đám, ăn tết trung thu, ăn tết nguyên đán, “ăn mừng” chiến thắng 30/4…

Trong các loại thịt người Việt hay ăn, thịt heo (lợn) là phổ thông nhất.

Trong nền hội họa cổ xưa VN, dù không mấy đồ sộ như nền hội họa phương Tây, chú lợn được vẽ trên tranh Đông Hồ, tương đối nhiều, với những ý nghĩa gửi gắm những ao ước trên bức tranh rất sâu sắc: sự sung túc, đầy đặn, béo tốt, béo tròn, chóng phát triển, là những ao ước cả đời người dân quê, thậm chí họa sĩ còn vẽ trên tranh lợn biểu tượng của âm dương, của giao hòa vũ trụ. Điều ngạc nhiên rất ít tranh xưa vẽ về chó, con vật trung thành nhất với con người mà lại nhiều về lợn.

Hồi tôi còn là sinh viên, những vị thầy dạy thường du học từ Mỹ về; các thầy kể, qua đó không thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi…lòng lợn. Thập niên 50, thức ăn cho chó ở Mỹ chưa đóng thành hộp, các thầy nói lại. Muốn ăn lòng lợn buộc phải “tranh” với chó. Tranh đây nghĩa là chen nhau sắp hàng chờ đến lượt mua lòng lợn sống đã làm sạch, về nhà hì hục luộc chín, xúm nhau ngồi ăn, trong đời sống xứ không chuộng lòng heo, của những sinh viên du học. Vài người Mỹ ngạc nhiên, mấy thằng châu Á này cũng nuôi chó à, thời đó người có điều kiện mới nuôi chó và họ đâu có ngờ các thầy của tôi “nuôi” chính mình vì ghiền lòng lợn.

Ở nông thôn xưa, mỗi năm vào những ngày trọng đại, người quê mới “hạ heo” tức mổ lợn, nhất là ngày giỗ, ngày cưới, ngày chạp mả, và ngày tết. Thịt lợn, lòng lợn, là món ăn “cao lương mỹ vị” đối với những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả với cày cấy quanh năm.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Câu đối tả đặc trưng mùa xuân tươi đẹp bắt đầu bằng “thịt mỡ”. Thịt mỡ với dưa hành vinh dự xếp hàng trước câu đối, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…những hình tượng nên thơ của một mùa xuân quê hương Việt Nam. Thịt mỡ ư? Nhiều Cholesterol nguy hiểm cho sức khỏe lắm đó. Người theo Do Thái giáo, Hồi giáo không bao giờ ăn thịt heo, hẳn họ đã biết nó hại. Nhưng hề chi, con lợn, thịt lợn, song hành cùng văn hóa của người VN mấy ngàn năm nay, có thấy nguy hiểm chi mô cho sức khỏe, lại còn tốt nữa không chừng; VN đánh quân xâm lược Tàu, quân xâm chiếm Nguyên Mông, thêm hai ông lớn là thực dân Pháp và "đế quốc" Mỹ thành công vang dội. Biết đâu trước khi lên đường đánh giặc, những chàng trai Việt Nam khi ấy đã được cha mẹ thết đãi cho món thịt luộc và lòng lợn, “ăn một bữa rồi đi”. "Đóng góp yêu nước" của món lòng lợn đâu phải là nhỏ bé.

“Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Mỡ mà chê à. Mèo nào mà chê mỡ chứ. Thịt heo mỡ, nhất là thịt ba chỉ, mới ngon, không tin hỏi tất cả những người ăn thịt heo thì biết.

Vì nhớ những ngày còn bé ở quê, lâu thật lâu mới được thưởng thức món ăn dân dã này, và vì thường bị quyến rũ bởi những câu ca dao tục ngữ về lợn, bản thân tôi thời gian năm ba tháng, nhân lúc nhà vắng vợ, xuống tầng hầm để xe, mắt dáo dác nhìn trước ngó sau , nhẹ nhàng dắt xe ra và bí mật đến một tiệm cháo lòng, trong một con hẻm vô danh, cho nó chắc, tiệm cháo của một phụ nữ nói giọng Bắc thật dễ thương, hơi đẫy đà nhưng nước da rất trắng, miệng luôn như hoa, nơi chỉ dành cho những người “hoài cổ” không hề sợ “chết” (vì lỡ phải lòng) như tôi.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi ăn “ngấu nghiến” một tô cháo lòng có hành củ tím, rau mùi các thứ, nghi ngút khói thơm ngon, sau đó thư thái chạy xe về nhà, mong một dịp khác "thiên thời địa lợi", lại đi thưởng thức lần nữa một món ăn thấm đẫm tình quê, và thương thay, món ăn mà bây giờ rất nhiều người e ngại khi nhắc đến. Một món ăn truyền thống dường như sẽ mất đi một ngày không xa.

CÔ TÔI

Tôi vài năm nữa bước qua 70, nếu cô tôi còn sống bà phải ngoài một trăm hai chục tuổi. Cô là chị kế sinh trước cha tôi trong một gia đình cả thảy bảy anh chị em. Chừng 8 tuổi, cô bị bỏng nặng trong một trận cháy thiêu rụi gần phân nửa những ngôi nhà tranh, có lẽ trước cả lúc Bảo Đại về nước, ở một vùng quê xa tít tắp, sát chân dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Vết bỏng nặng làm biến dạng gương mặt nhưng không làm cô xấu đi nhờ còn đôi mắt hiền hòa và nụ cười đôn hậu. Ông nội gả cô về làm dâu một làng quê bên kia sông, một làng quê có cái tên nên thơ là Non Tiên. Ngôi làng xinh đẹp nhờ ở sát chân núi quanh năm xanh thẫm những tàn cây cao vút, có những căn nhà nho nhỏ xa xa nhìn như trong truyện cổ tích, nằm rải rác dọc theo bờ sông uốn cong; sông lững lờ chảy qua ngôi làng như muốn nấn ná giơ tay chào trước khi quay dòng đổ về phía hạ nguồn; nước sông trong vắt thấy cả cá con bơi lội, một làng quê thanh bình. Lúc còn nhỏ mỗi mùa hè nước cạn, tôi lội bộ qua sông thăm cô thường xuyên lý do thật trẻ con vì nhà cô có hai cây ổi ra trái quanh năm, khi chín những quả ổi tròn nho nhỏ có mùi thơm dìu dịu, ruột bên trong màu hồng tươi tắn.

Thi thoảng cô gửi cho tôi mang về cho em bà - là cha tôi - những túm cá hoặc lươn gói trong lá chuối xanh hơ lửa, bên trong có một ít nước cột bằng sợi dây tướt từ bẹ chuối rất chắc. Những dịp lễ tết, thôi theo cha qua nhà cô. Ông không quên bắt tôi bưng theo một thúng nhỏ chứa đôi ba ô (lít) nếp  cho cô nấu xôi, gia đình cô vẫn còn khó khăn, chồng cô mất sớm, cô phải tần tảo nuôi hai anh tôi.

Đó là những năm tháng yên bình nhất ở quê tôi sau khi nền cộng hòa thành lập được đôi ba năm.

Rồi chiến tranh ló mặt. Ban đầu là những anh du kích về làng ban đêm, và ban ngày là lính quận. Sự có mặt của họ như nước với lửa. Hễ có “cách mạng” thì không có "quốc gia". Không bao giờ họ muốn gặp nhau nhưng nếu gặp thì lúc đó có máu người đổ, không của bên này thì cũng của bên kia.

Tôi  theo cha mẹ gấp rút tản cư về Hội An trước khi Mỹ qua và chiến tranh bùng nổ ác liệt; lý do gia đình phải đi khỏi làng vì tôi có anh ruột là công chức "quốc gia", ở lại sẽ có nguy cơ bị khó dễ vì là gia đình “đối tượng”.

Từ đó, gia đình tôi và gia đình cô không còn liên lạc được với nhau. Hoàn cảnh chiến tranh, việc liên lạc hết sức khó khăn, quãng đường non 50 cây số từ quê tôi ra Hội An đầy hiểm nguy rình rập, đường luôn có mìn gài hoặc luôn có súng nổ bom rơi do đánh nhau.

Chiến tranh chấm dứt, tôi mới nghe được chuyện về gia đình cô tôi. Con cả của cô làm chính quyền ấp và bị “cách mạng” bắt trong một trận đánh ở một bót gác đầu làng. Cô tôi từ nhỏ vốn cam chịu, đành nuốt nước mắt vào trong phần nhớ con, phần chăm hai cháu nhỏ, chị dâu tôi thì nay ốm  mai đau. Anh tôi biền biệt từ khi bị bắt cho đến khi cô tôi phải tản cư ra Đà Nẵng, dắt theo hai đứa cháu không cha, mẹ lập gia đình khác, và một thời gian sau, bà không nuôi nổi, buộc phải gửi cháu vào cô nhi viện Hòa Khánh. Từ đó cho đến khi cô mất vài năm sau thì “giải phóng”, hai đứa cháu mồ côi cha tản lạc phương xa, đến bây giờ, sau thời gian cất công tìm kiếm, tôi mới gặp chúng ở một nơi cách làng quê cô tôi non ngàn cây số.

Cô mất do già yếu, được xóm giềng chôn ở nghĩa địa Nam Ô và thời gian đói khổ sau 1975, không thân nhân, không ai biết có lệnh di dời mộ vì nhà nước quy hoạch, thân xác cô tôi không rõ đã trôi dạt phương nào. Cái chết của cô ở tuổi già không thương cảm bằng cái chết của hai anh tôi ở tuổi thanh xuân với nhiều oan khuất.

Cái đói và sốt rét rừng những năm 1960 là nỗi ám ảnh khủng khiếp cho những người bị bắt cùng anh tôi còn sống nhớ lại. Vì quá đói, anh tôi nhiều lần mò ra nơi trồng sắn của trại, nhổ trộm vào ban đêm, lúc tù nhân không bị giam giữ chặt chẽ như ban đầu. Chuyện có lẽ sẽ êm nếu anh không chia sẻ những củ sắn nướng khi đi lao động bên ngoài với vài người bạn cũng đang rất đói. Một anh giấu sắn nướng đem về trại để khuya ăn thêm cho đỡ đói và bị bắt quả tang. Tên anh tôi bị khai ra. Người ta nhốt riêng anh ra khỏi bạn tù một thời gian, cách ly bí mật. Không rõ ăn uống thế nào hay có bị tra khảo gì không nhưng khi được trả về trại, thân hình anh rất tiều tụy và anh lặng thinh như người câm dù tính anh rất thích chuyện trò. Các bạn tù không hiểu anh tự ý không nói hay bị người ta không cho anh nói.

Đói quá sinh liều và rủi ro thay, anh bị bắt lần nữa và cũng là lần cuối cùng. Củ sắn không quan trọng nhưng kỷ luật mới quan trọng. Các người tù đều được quản tù "quán triệt" rất kỹ không được ăn cắp dẫu có đói rã đến chết khi chưa được cấp phần ăn. Muối và sắn luộc là phần ăn thường bữa những năm Mỹ rải chất khai quang. Hồi ấy ở tù không ai biết nơi nhốt và cũng không có thăm nuôi.

Anh tôi được dẫn đi một nơi khác vào một buổi tối, biệt tăm, cho đến bây giờ đã gần 60 năm không một tin tức gì về anh, và không một ai biết anh đã sống thế nào, hay anh đã chết, gửi xác một nơi nào đó giữa rừng sâu.

Đau đớn khi nhắc tới anh nhưng tôi càng đau đớn hơn khi nghe kể cái chết của em ruột anh, tức anh Th. của tôi. Anh đi lính nghĩa quân ngoài quận một thời gian thì vứt súng lại đơn vị, bỏ trốn về nhà, không phải theo “cách mạng” mà theo lời nhắn về nhà của cô tôi lúc đó. Cô đang sốt rét và hai đứa cháu con của người anh ở tù, mẹ chúng đã đi bước khác, đang bị bệnh kiết lỵ. Anh hốt hoảng không biết phải xử lý bệnh tình của mẹ và hai đứa trẻ thế nào. Trở ra quận để xin thuốc hay mang mẹ và cháu đi ra ngoài đó cũng không được vì sợ hãi, anh đã bỏ vùng quốc gia để về vùng cộng sản. Hồi đó dân làng tản mát đi các nơi khác, số ít vô rừng theo cách mạng, số đông khác ra khu tạm cư sống lay lắt, không có ai để giúp đỡ anh trong lúc nguy khốn ấy.

Anh có một người bạn cùng làng trước có đi du kích xã nhưng đã bỏ về, vì phải ở nhà chăm sóc người vợ trẻ cũng đang bệnh sốt rét. Hai người rủ nhau đi vòng qua chỗ đóng quân của quận lỵ bằng cách băng rừng, lội qua sông suối, về một thị trấn cách đó chừng 20 cây số để mua thuốc về chữa những người đang bệnh.

Trên đường đi hay về gì đó, có lẽ là lúc về. Họ bị một số lính Nùng có vài lính Việt (lính người dân tộc Nùng, do Mỹ tuyển dụng và trả lương) bắt vì nghi là Việt Cộng hoặc tiếp tế cho Việt Cộng khi xét trong túi xách có nhiều thuốc sốt rét và kiết lỵ. Họ trói hai người và đem đến một chỗ vắng để khai thác, tra khảo. Ban đầu hai người khai thật mục đích chuyến đi nhưng những báng súng trường đánh vào lưng, những cú đạp bằng giày vào ngực, bạn anh đau quá khai có đi du kích nhưng giờ không theo nữa. Lời khai không thuyết phục đối với đội lính đã có năm bảy người bị du kích bắn chết mấy tiếng giao tranh trước đó; oán hận đã khiến họ hóa cuồng; họ không bắn chết bạn anh nhưng xúm nhau đập chết bằng báng súng.

 Anh tôi khai không phải là Việt Cộng nhưng một con dao găm giấu trong người phòng bị lúc đi đường là bản án tử đã tuyên. Anh càng kêu oan, toán lính Nùng càng hăng máu đánh, khi ngất đi, anh không nói được dù chưa chết, một trong toán người hung hãn đó đã lấy chiếc dao găm vừa tịch thu, cho vào miệng anh và kéo mạnh ra sau tận mang tai, cả hai bên. Anh chết không phải vì máu ra từ vết cắt nơi mặt nhưng chết vì những báng súng phang thẳng vào đầu.

Không lâu sau đó, cô tôi được lính chỉ chỗ để nhận xác anh về, người ta kể, cô không khóc được nữa; đôi mắt ráo hoảnh và đỏ hoe, bà ngồi xuống bên anh, một bàn tay vừa vuốt mặt con, bàn tay kia vừa đan những ngón khô đét vào mái tóc bết máu của anh. “Về đi con, mẹ nhắn con về mấy hôm rồi, sao con còn nằm đây. Về đi con, về với mẹ, con ơi”.

Thời gian tha phương cầu thực mấy chục năm xa quê nhà, sống ở miền Nam, tôi trở về cất công tìm hỏi và được một người đi trong toán lính, hay họ nghe kể lại, cái chết của anh tôi cùng bạn, và khi nghe đến chỗ cô tôi thổn thức “về đi con về với mẹ, con ơi”, tôi không cầm được nước mắt.

Gia đình cô tôi, chồng mất sớm, một người con bỏ xác nơi nào không rõ, một người con chết chính tay bà chôn, mộ đang còn đây, hai đứa cháu lưu lạc tha phương và cô tôi, bà không còn trên cõi đời này để thắp cho anh tôi một nén nhang, và tôi, tôi cũng không biết mộ cô nơi nào, để thắp cho bà một nén nhang, đau đớn. “Cô ơi”!