Wednesday, January 17, 2024

MỘT MẤT MƯỜI NGỜ

(Nhân cái chết ngã lầu của một vị thứ trưởng).

Dùng câu trên chỗ này e không đúng nhưng chẳng tìm câu nào sát nghĩa để nói về nguyên do cái chết của một thứ trưởng đang là trọng tâm thu hút dư luận (đương nhiên trên mạng của ông Mark, “hồng phúc” của nước từng là “thế lực thù địch”, Facebook).

Nói về cái chết của bất kỳ ai, nhất là người vừa qua đời, đều thật bất nhẫn. Hơn nữa, đây lai là một người đầy tiềm năng dẫn dắt một bộ khai trí nhân dân, ra đi ở cái tuổi 49, tuổi sáng suốt nhất của một đời người “ngũ thập tri thiên mệnh”. Kẻ thì nói có nghe tiếng nổ của súng lúc 7 giờ sáng tại cơ quan bộ giáo dục khi thi thể ông rơi xuống nền xi măng. Người bảo đêm trước khi chết, gia đình nói ông không về nhà. Có người bảo ông được chở vào cơ quan đêm đó. Người thì nói 6 giờ 30 ngày ông mất có một chiếc xe bảng đỏ đi vào cổng sau của cơ quan…

Nói chung, nhiều giả thuyết bí ẩn quanh cái chết đột ngột đáng thương của một trí thức khoa bảng.

Trong khi chưa có kết luận chính thức của công an, những “giả thuyết” đưa ra nguyên nhân cái chết có thể tập họp lại, in thành một câu truyện trinh thám hấp dẫn, đầy tình tiết mờ mờ ảo ảo, nếu ở Hollywood hẳn sẽ được đóng thành phim chứ chẳng chơi.

Trước đây, có nhiều cái chết của quan chức cấp cao như ông Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh…đều đem lại nhiều giả thuyết sôi nổi, hấp dẫn, ly kỳ, một số người bàn luận hầu hết tương tự như những thuyết âm mưu. “Tau có chi mô” (người Quảng không nói tao) là lời của ai đó thuật lại câu nói cho biết sức khỏe còn tốt của ông cựu bí thư nổi tiếng Đà Nẵng với câu “bắt hết, nhốt hết”. “Tau có chi mô” sau đó là một đám tang cực kỳ hiếm có dành cho 1 quan chức, không phải vì được nhà nước tổ chức hoành tráng, nhưng có người tham dự đông chưa từng thấy,  một nhân vật từng được coi như người hùng miền Trung. Nói khỏe nhưng sau đó là đám tang khiến người ta không còn tin tưởng cái nào là tin chính thống. Những tin “ngoài lề”, “lề trái” lại chiếm chỗ cái vị trí đáng ra của “trong lề”, “lề phải”.

Báo lề trái cho biết ông Võ Văn Kiệt mất ở Singapore nhưng một hay hai ngày sau báo chí chính thống mới đưa tin, khiến người dân không biết đâu mà lần, “đây là tiếng nói nhân dân…”, tiếng nói của họ nhưng họ lại tin vào tiếng nói… của ai bá vơ nào đó, bá vơ nhưng đúng.

Tại sao không có một cơ quan “giải nhiệt” thành lập để nói cho rõ sự việc về cái chết bất ngờ của một quan chức nổi tiếng thẳng ngay (ký giấy kỷ luật hơn chục vị trong ngành dính tới khuất tất thi cử, sau bị "phủ định" sạch) dù đang giai đoạn điều tra, để những giả thuyết đưa ra trên mạng, cái nào nghe cũng…hợp lý quá?

Nhưng đây không phải là chủ ý status này. Chủ ý của tôi: vì sao dư luận hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều có nhận định không thuận lợi, nói rõ hơn, đang gây điều tiếng không tốt cho nhà chức trách? Vì sao người ta không tỏ ra thương tiếc thắm thiết cái chết của những người thuộc giới “hiền tài quốc gia”, những người nổi tiếng trong nước trong mấy năm qua, kể cả những vị được xem như các bậc “khai quốc công thần” Đỗ Mười, Lê Đức Anh và nhiều vị nữa (trừ ông Võ Nguyên Giáp, một vị tướng có một cảnh đời oái oăm, đại tướng phụ trách sinh đẻ có kế hoạch)…?

Có thực là tất cả mọi người dân Việt Nam hay chỉ một số “vô công rỗi việc”, thích làm “anh hùng bàn phím”, thường có thêm mỹ danh “thế lực thù địch” không ưa thích chính quyền? Thái độ của những người nhờ mạng (của anh Mark Mỹ mày râu nhẵn nhụi không phải ông Mark Đức râu dài, đấy nhé) để trao đổi chuyện quốc gia đại sự, chuyện trên rừng dưới biển, chuyện Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lại tỏ ra thiên lệch đối với nhà cầm quyền, người lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nhân dân VN?

Và thực sự nhà cầm quyền có thật “đáng ghét” như quan điểm của dư luận như thế trên facebook? Những người hầu như có thái độ thù hằn, chỉ trích chính quyền chỉ là số ít, không phải là số đông quần chúng nhân dân? Vì là số ít và có thể bị “thế lực thù địch” giật dây, nên họ không có tác động nào đến thái độ của nhà chức trách?

Cũng khó có trả lời thích đáng trong khi ở VN chưa có một tổ chức thống kê, hay thăm dò dư luận độc lập, đáng tin cậy, một tổ chức na ná như Gallup của Mỹ. Không cần trưng cầu dân ý, một tổ chức vô tư, tự nguyện, có kiến thức chuyên môn thống kê, một Gallup VN, cũng có thể cho chúng ta biết thái độ của dân chúng về mọi vấn đề của đất nước chứ không phải những vấn đề quan trọng như thế chỉ dựa vào “báo đài quốc gia” hay qua các nghị quyết của nhà nước.

Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý thì vẫn quý báu hơn. Những vấn đề thuộc tầm quốc gia như “Đảng CSVN có nên lãnh đạo tuyệt đối toàn diện”, hay là “Chủ nghĩa cộng sản có là chọn lựa của toàn dân” không? “Đất nước có nên theo nguyên tắc chung phổ thông của nhân loại là tam quyền phân lập” không?

Khi người dân thực sự được tôn trọng, ví dụ như qua trưng cầu dân ý, thì những việc hiện nay của nhà chức trách sẽ là việc của họ, gánh vác giang sơn không phải riêng ai nhưng sẽ là gánh vác chung. Những khó khăn của chính phủ, của đảng, hiện nay sẽ là khó khăn chung của nhân dân.

Tôi tin tưởng rằng người dân sẽ không đứng ngoài nhìn những sai sót của nhà chức trách như là cái cớ để chế giễu, bỉ bôi, chê trách, không thấy được một chính phủ yếu, cả đất nước này sẽ yếu, chứ không phải cá nhân những ông bà bộ trưởng bị yếu đi.

Nhưng cái quan trọng nhất là cho dân cái quyền: trên dưới 180 vị hiền tài sắp tới ở đại hội đảng CS, được người dân chúng tôi bầu chọn, sau quý vị cũng được, sẽ là những người lãnh đạo chúng tôi, theo kết quả bầu cử của chính người dân.

Nếu được như vậy, những sai trái của họ người dân phải gánh phần trách nhiệm”chứ không thể đổ vấy cho mỗi một mình họ, dân phải cùng chịu, “anh bầu lên, chứ ai bầu lên”. Và như thế, những chuyện không phải quan trọng khẩn cấp tầm bãi Tư Chính, như nguyên do cái chết của một vị quan chức trẻ, kết luận của công an sẽ là kết luận cuối cùng được trông đợi, chứ không phải dân cả nước hằng ngày hồi hộp, hóng hớt nghe, không biết bao nhiêu các “kết luận như đinh đóng cột” trên một cái mạng (facebook) “xài ké” của “đế quốc Mỹ”.

TRUMP LÀ TÀI SẢN QUÝ NHẤT CỦA BẮC KINH

(Trump Is Beijing’s Best Asset)

Các quan chức TQ mong muốn tổng thống Mỹ tái đắc cử - bởi ông ta quá yếu.

Trong nhiều chủ đề thời tổng thống Donald Trump, các chính sách gây tranh cãi của ông về Trung Quốc là rõ rệt nhất. Các chuyên gia chính sách ngoại giao lưu ý rằng gần như 3 năm cầm quyền, chưa từng có sự đồng thuận bền bỉ giữa 2 đảng về chuyển dịch đối với TQ sâu sắc hơn, nhanh chóng hơn, bất kỳ thời gian nào trong lịch sử, dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng và đầy kịch tính về một trong các mối bang giao song phương (Trung Mỹ) có tác động to lớn nhất.

Dù có thống nhất lớn về sự cần thiết cho Hoa Kỳ cần có bước đi cứng rắn hơn đối với TQ, đường hướng thiếu kiên định của chính quyền hiện nay dẫn đến nhiều chỉ trích từ cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ. Trump theo đuổi một cuộc chiến thương mại tốn kém chống Bắc Kinh, ngăn cấm Mỹ không xài 5G của Huawei, và mới đây, hạn chế visa nhập cảnh đối với những quan chức đảng cộng sản dính dáng đến việc bỏ tù hàng triệu người Hồi giáo không qua xét xử ở Tân Cương. Ông tự quảng bá mình là tổng thống Mỹ đầu tiên cứng rắn với TQ.

Nhưng đối với TQ, những yếu kém của Trump quan trọng hơn thói hùng hùng hổ hổ của ông ta (bluster). Trong những buổi đàm thoại chốn riêng tư với các quan chức chính phủ và học giả TQ, chúng tôi thấy số đông họ ngày càng hy vọng cho Trump tái cử năm tới. Ở một thời điểm ảnh hưởng chính trị và năng lực quân sự đang lớn mạnh của TQ, họ lập luận rằng, mặc cho thái độ hùng hổ chống TQ, Trump đã tạo cho Bắc Kinh một không gian mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở châu Á và điều quan trọng hơn, ông đã làm suy yếu toàn diện vai trò dẫn đầu thế giới của Hoa Kỳ. Từ quan điểm “kẻ được người mất”, nhiều người TQ kết luận những chính sách của Trump rất có ích cho TQ xét về mặt chiến lược, về lâu về dài.

Các nhà tư tưởng này tin rằng chỉ chăm chăm nền chính trị quốc nội, hủy hoại lòng tin quốc tế và sự dẫn dắt thế giới theo truyền thống, phá vỡ những cam kết đồng minh lâu dài, Trump đã hiến cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược cực kỳ to lớn kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, như Tân Xương Thành, một chiến lược gia hàng đầu của TQ đã nói.

Những tư tưởng gia này coi Trump là “miệng hùm gan sứa” (tôi dịch cho nhẹ hơn, câu “chó sủa là chó không cắn” - Trump as a dog with a big bark but little bite). Ông thử sự kiên nhẫn của Bắc Kinh khi chấp nhận cuộc điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong bối cảnh có thể vi phạm chủ trương “Một Trung Quốc”, ngay sau ông đắc cử 2016.Trump công khai nêu câu hỏi liệu ông có tôn trọng chủ trương đó không trước khi ra tuyên bố, nhưng ông ta cũng nói mình muốn “trắc nghiệm” chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi có thêm một cuộc gọi với bà Thái Anh Văn. Dù chính quyền Mỹ bật đèn xanh bán vũ khí cho Đài Loan, liệu Trump có sát cánh với Đài Bắc hay không một khi bị tấn công vẫn còn là hồ nghi, đặc biệt với thái độ ham tiền của ông đối với sức mạnh quân đội Hoa Kỳ.

Bắc kinh thực sự hưởng lợi nhờ nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Dù tiến hành các cuộc tranh chấp thương mại với Ấn Độ và Cộng đồng chung châu Âu, cũng như TQ, chính quyền Trump hầu như từ bỏ sử dụng các tòa án của tổ chức WTO, xét xử những khiếu kiện thương mại và đã ngăn việc bổ nhiệm nhân sự vào Cơ quan kháng cáo của tổ chức này. Những hành động như vậy không những gây trở ngại hệ thống dàn xếp tranh chấp thương mại mà còn khiến khích các nước khác không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Khi không làm hại các định chế và cơ chế quản trị thế giới từng đưa Hoa Kỳ lên siêu cường siêu việt của thế giới, ác cảm của Trump đối với các thỏa thuận thương mại như TPP đã đem lại TQ một khoảng mở. Trong khi Trump cắt bỏ những ký kết hợp tác thương mại quan trọng cốt lõi đối với chính sách kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đang trong những giai đoạn cuối thương thảo gia nhập khối Hợp tác kinh tế toàn diện và tiến bộ khu vực, một ký kết gắn chặt TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan, và 10 nước trong Asean thành một khối thương mại lớn nhất thế giới. Nếu thỏa thuận này được phê chuẩn, Hoa Kỳ sẽ bị gạt ra khỏi hai ký kết tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, cái kia là hiệp ước Hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương, được thương thảo giữa 11 nước trước đây của TPP (lúc đó có Mỹ nữa là 12 nước; Trump tuyên bố rút khỏi như lời hứa khi tranh cử 1 ngày sau nhậm chức – ND). Điều này như thêm một sỉ nhục cho sự thương tổn (This would add insult to injury) khi TQ giao thương với các nền kinh tế lớn của châu Á nhiều hơn Hoa Kỳ.

Từ bỏ khỏi vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ trong các định chế quốc tế cung cấp cho TQ một chỗ đứng, để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc quản trị toàn cầu và trong việc thiết lập quy tắc, luật lệ thế giới. Bắc Kinh thu hút sự chú ý, khẳng định vai trò của mình ở Liên Hiệp Quốc và đưa những khiếu kiện liên quan chiến tranh thương mại lên WTO, cùng lúc với việc xiểng dương quỹ Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á như để thay thế Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Mặc cho Bắc Kinh đang biến “Sáng kiến một vành đai, một con đường” thành một kế hoạch tiên phong không ai sánh bằng thì chính quyền Trump cũng chưa có được một chọn lựa thay thế nào có tính khả thi.

Các tổng thống Mỹ tiền nhiệm đều nhận thấy rằng Hoa Kỳ tạo được sức mạnh nhờ kề vai sát cánh với các đối tác, chia sẻ những giá trị, lịch sử, có cùng nhận thức mục tiêu. Điều này không còn trong cách ứng xử với Châu Á- Thái Bình dương nữa. Giám đốc cao cấp châu Á vụ, trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Michael Green mới đây phát biểu trong buổi điều trần ở quốc hội: “Không có đồng minh, chúng ta không có chiến lược về TQ”.

Nhưng Trump thực hiện bước đi hoàn toàn khác, những lời hoa mỹ, những hành động, và những quyết định của ông khiến các quốc gia tự hỏi, không biết họ có nên tin cậy vào Hoa Kỳ hay không. Trump bỏ rơi người Kurds, một đối tác lâu năm ở Trung Đông, đặt lại vấn đề về những cam kết với khối NATO; và đã để mặc mạng lưới đồng minh Đông Nam Á trước thế chiến của người Mỹ đứt nát.

TQ đang vươn rộng ra thì Nam Hàn và Nhật Bản, những đồng minh của Mỹ từng hình thành cột sống cho chiến lược an ninh Bắc Á của quân đội Mỹ trong 70 năm, lại bị mắc kẹt trong tranh cãi cay đắng, khiến họ từng phần trì hoãn quan hệ mậu dịch của mình với Mỹ. Chính quyền Trump hầu như bất cần tranh cãi, biểu thị rất ít hiểu biết tầm quan trọng của những đối tác khu vực này. Gạt qua những bất đồng lâu dài trong lịch sử với Tokyo và Seoul, Bắc Kinh hiện nay đang tiến bước và đề xuất giúp đỡ giải quyết tranh cãi đó, nhấn mạnh vai trò thiếu vắng dẫn đầu của Hoa Kỳ đối với vấn đề.

Thiếu kỹ năng ngoại giao của chính quyền Trump cũng thấy rất rõ ở Đông Nam Á, điển hình như Philippines, một đồng minh của Mỹ, chuyển hướng về Bắc Kinh trong những năm gần đây. Tổng thống Phi, Rodrigo Duterte, năm lần thăm TQ và chẳng lần nào tới Hoa Kỳ khi nhậm chức từ năm 2016. Trong một màn trình diễn quá khéo léo cho liên kết chiến lược của Duterte, Philippines sử dụng tiền của TQ xây mới một thành phố trên vùng đất, trước đây là phần của căn cứ không quân Clark, một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ thành lập trong chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha. Những tiến triển này diễn ra khi Bắc Kinh tiếp tục tản lờ phán quyết của Liên Hiệp Quốc có lợi cho Philippines trong tranh chấp biển Đông, chứng tỏ quan hệ giữa Washington và Manila đã giảm sút cỡ nào.

Như về thương chiến, một ký kết nhỏ được thổi phồng quá lớn, bao gồm những thỏa thuận về việc mua nông sản và loại bỏ thuế quan tương lai, chả đạt cái gì theo mục tiêu ban đầu của Trump, như buộc Bắc Kinh chấp nhận những cải cách kinh tế cấu trúc cực kỳ quan trọng, giúp thiết lập quan hệ mậu dịch cân bằng với TQ về lâu về dài.

Thay vì cản ngăn vấn đề trợ cấp (doanh nghiệp) của TQ và hoàn thiện việc bảo hộ bản quyền trí tuệ, ký kết đa phần chỉ giúp Trump vơi đi áp lực chính trị ở những tiểu bang nông nghiệp trong lúc ông ta tiến vào mùa tranh cử tổng thống. Đây là một phần trong cái kiểu Trump đặt ra mục tiêu cao, khoe khoang mình sẽ đạt được, rồi sau đó chẳng làm nên cơm cháo gì. Cam kết sơ khởi rõ ràng được hoan nghênh ở TQ, như là một thắng lợi cho Tập Cận Bình, và nó cho thấy tính khí bất nhất của Trump có thể chịu được nếu không nói là chẳng kiểm soát được. Những người TQ sẽ thấy sự chấp nhận một ký kết “xuống nước” (watered-down) của Trump, bao gồm những thứ TQ hứa mua đã nằm trên bàn thương lượng hơn một năm nay, là dấu hiệu thế yếu trong khi Trump đang đối mặt nguy cơ bị luận tội và một chiến dịch tranh cử chằn ăn trăn quấn khác (another grueling campaign).

Dù giới lãnh đạo TQ chắc chắn thấy Trump gây khó chịu cá nhân, sự việc ông ta chủ yếu nhìn mối quan hệ Mỹ-Trung qua lăng kính buôn bán, đã hạn chế mối giao hảo trở nên xấu hơn, theo một vài học giả chúng tôi có dịp nói chuyện. Trump phản ứng lại những đề xuất chủ trương khiêu khích và táo bạo hơn của các cố vấn trong khi hạ thấp các cố vấn khác, như là về các cấm vận Tân Cương mới đây, vấn đề mà nhiều dân biểu quốc hội muốn áp dụng thêm điều luật nhân quyền Magnitsky. Ngược lại, một vài ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, nổi nhất là Elizabeth Warren, kêu gọi cần có thái độ cứng rắn hơn về các vấn đề liên quan tới TQ, bao gồm Hồng Kông và nhân quyền

Một tổng thống Hoa Kỳ khác có thể, và có lẽ, đã áp dụng đối sách cứng rắn hơn về vấn đề nhân quyền và sử dụng tiềm năng to lớn của các bộ ngành chính phủ Mỹ, vận hành và thực hiện phương thức mới mẻ, luôn theo kịp tình hình đối với TQ. Trong lúc quan hệ song phương trở nên ngày càng đối chấp, nhiều người TQ nghĩ rằng thêm bốn năm nữa Trump sẽ làm suy yếu chỗ đứng Hoa Kỳ trên thế giới, có thể cho Bắc Kinh một chỗ đứng để củng cố những thành tựu quốc tế của họ và đón mừng một tân tổng thống Mỹ vào năm 2025 từ một vị trí chiến lược thuận lợi hơn nữa.

Nói cho rõ, không phải mọi học giả hay quan chức chúng tôi trao đổi đều muốn Trump làm tổng thống thêm bốn năm. Một số, như giáo sư đại học quan hệ quốc tế Gia Huy, lập luận rằng tác hại do Trump gây ra cho cả lợi ích của TQ lẫn Hoa Kỳ có thể dẫn đến kết quả một trật tự quốc tế tổn hại sâu sắc và làm phức tạp thêm sự trỗi dậy tiếp tục của TQ.

Nhưng những ai hy vọng cho nhiệm kỳ thứ hai sẽ thấy một cơ hội chiến lược chưa từng có cho TQ với sự phá hủy của Trump đối với những gì họ coi như những trụ cột chính cho sức mạnh Mỹ. Phá hỏng những ưu thế chính trị trong nước, hủy hoại danh dự và uy tín Hoa Kỳ ngoài nước, đảo lộn cấu trúc đồng minh vững chắc từ trước ở châu Á-Thái Bình dương, Trump đang làm suy yếu nước Mỹ. Như thế, ông đang hiến tặng cho TQ một cơ hội nắm lấy những ưu thế địa chính trị trọng yếu và tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho TQ nâng cao những lợi ích của riêng mình..  

PAUL HAENLE, SAM BRESNICK đăng trên Foreign Policy ngày 15/10/2019.

Nguyễn Long Chiến dịch.

Paul Haenle hiện giữ chức giám đốc kiêm chủ nhiệm Maurice R. Greenberg, Trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa. Ông từng phục vụ tổng thống George W. Bush và Barack Obama với chức vụ giám đốc Trung Quốc vụ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

TẦM NHÌN

Một bạn facebook trẻ, có học, Vien Huynh nhận xét "người Việt hời hợt" với cả cuốn sách  cùng tên. Bạn lo sợ bị ném đá, và thật sự như vậy, nhưng thuốc đắng đả tật. Biết bệnh thì mới chữa được bệnh.

Hời hợt là đặc tính của người Việt nhưng nó còn thể hiện tầm nhìn của mình. Hai hình bên dưới nói về 2 việc: bóng đèn hỏng vứt đầy suối, mừng rỡ xây mới một nhà tạm giữ (nhà tù ngắn hạn).

Mảnh vỡ từ bóng đèn là hiểm họa cho chính người nông dân. Mừng có thêm nhà tù là nỗi buồn xã hội bất an, trong khi Hà Lan không bất an hơn khi tuyên bố đóng cửa nhà tù. Hai việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn: tầm nhìn người Việt.

Không hẳn bây giờ tầm nhìn mới "không xa", xưa đã có. Ngoài việc ngoan cường chống trả ngoại xâm, người Việt xưa không có gì khác để lại cho hậu thế những công trình, những phát minh, về tư tưởng như một triết thuyết hay một chủ nghĩa làm thay đổi xã hội của mình chớ chưa nói thế giới.

Mô hình, từ vật chất đến tinh thần, của một Trung Hoa gần như được rập khuôn ở Việt Nam. Ảnh hưởng của Nho giáo vào văn hóa VN sâu xa đến độ những lời nói của vị "giáo chủ" Khổng Tử và những đệ tử theo ông là khuôn vàng, thước ngọc.

 Sinh hoạt văn hóa và truyền thống như Tết nguyên đán, tết đoan ngọ, trung thu, cúng kiến, cưới hỏi, chôn cất, coi tướng, số mạng, ngày giờ xấu tốt...tất tần tật, Tàu không khác Ta. Những điển tích văn học, ngay cả trong tác phẩm hàng đầu của VN là truyện Kiều, đều trích dẫn từ văn hóa, văn học Trung Hoa. Và cũng không ngạc nhiên, các vị tiến sĩ đáng kính, tên được khắc ở bia đá tại Hà Nội, hầu hết đều không biết làm toán chia, ngoài tài thi phú, làu thông kinh sách Tàu.

Học để ra làm quan, không phải học để ra giúp nước. Học để vinh quy bái tổ, võng anh đi trước võng nàng theo sau, học để làm rạng rỡ dòng họ tông môn. Học không phải để mở mang trí tuệ, nhận biết đời sống, hoạch định tương lai. Người Việt, tư chất, trí tuệ không trác việt? Không hẳn. Lịch sử có rất nhiều nhân vật thông thái. Nhưng những cái thông thái ấy không lan tỏa, không giúp cho quần chúng thông thái theo. Lý do đơn giản: cá nhân không được coi trọng.

Cá nhân ấy phải ngoan ngoãn; là con trong nhà thì "gọi dạ, bảo vâng"; nếu ở trường học thì " vâng lời, lễ phép"; ở xã hội thì " trên bảo dưới phải nghe". Toàn là những "tư tưởng" thụ động. Xã hội cần trật tự như thế là đúng cho xã hội ổn định. Nhưng vì ổn định mà bắt mọi cá nhân phải răm rắp, liệu ổn định ấy có đáng không? Ổn định xã hội nói cho rốt ráo, cần những cá nhân nổi trội, cần thách thức lại cái khuôn phép đặt để từ quá khứ, đời ông, đời cha, chí đời con, đời cháu. Thách thức đây không phải khuyến khích nổi loạn, cách mạng, phá vỡ hay đánh đổ quá khứ. Thách thức ở đây là thách thức tư tưởng khác, tức "tự do tư tưởng".

 Không có một triết thuyết, một chủ nghĩa nào là triết thuyết, chủ nghĩa độc tôn, vô địch, soi dẫn duy nhất cho nhân loại mà không bị thách thức. Nói đến thông tuệ, hấp dẫn loài người nhất, về tôn giáo, chỉ có Phật giáo. Einstein, một trong những trí tuệ hàng đầu nhân loại từ cổ chí kim về khoa học, từng nói đại ý: nếu phải theo một tôn giáo nào, tôi chọn Phật giáo. "Nếu phải theo" có nghĩa là ông không theo, nói lên tích độc lập trong tư duy, suy nghĩ của một bộ óc thông thái. Không phải ai ai cũng có trí tuệ như ông nhưng ai ai cũng có trí tuệ, và ai ai cũng giống ông ở chỗ "tự do tư tưởng" nếu muốn tiến bước trong thế giới này.

Nhưng khốn nỗi, tự do tư tưởng là một điều "nguy hiểm" ở VN, không phải chỉ trong chế độ toàn trị hay cộng sản. Từ xưa nó đã nguy hiểm rồi. Chuyện nhỏ như "phạm húy", tức phạm vào những chữ cấm nói tới nhà vua, một người tài năng cũng bị đánh hỏng trong thi cử, chưa kể phạm nặng, hay cố ý, có thể bị chém đầu. Tự do tín ngưỡng, tư tưởng bộ phận dân chúng khác tư tưởng triều đình "thờ ông bà", nhiều giáo dân công giáo bị giết hại dã man dưới thời Minh Mạng,Tự Đức, và những người ở làng theo đạo bị các nhà cách mạng yêu nước trong phong trào Văn Thân, Cần Vương, tàn sát không gớm tay.

Những năm bị đô hộ, khác tư tưởng hậu quả còn khốc liệt hơn nữa. "Làm quốc sự" (tìm độc lập cho nước nhà) dẫn đến không biết bao cái chết của những người yêu nước tiên phong, không chịu khuất phục cường quyền, không chịu sống với tư tưởng được bảo hộ, "khai trí" của thực dân.

Khi phong trào đấu tranh giành độc lập nở rộ, phe theo mác-xít, phe không theo, dù ở cùng phe chống Pháp, thanh toán nhau do khác tư tưởng không phải là ít, và không phải là không đau đớn.

Chống người có tư tưởng khác mình, về chính trị, vừa làm yếu đi đoàn kết, sức mạnh dân tộc, vừa triệt tiêu động lực phát triển: một đất nước hùng mạnh là đất nước phải chấp nhận, có thể là bao dung, những tư tưởng đối nghịch nhau. Mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn tư tưởng, luôn luôn đồng hành cùng tiến bộ.

Ông bà chúng ta coi Nho giáo của Trung Hoa là lý tưởng. VN hiện nay đang coi chủ nghĩa cộng sản, ta hay nghe nói là chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng. Những ai chống lại Nho giáo, tức chống lại chế độ phong kiến lợi dụng Nho giáo để cai trị, sẽ bị đánh đổi mạng sống. Và bây giờ, liệu những người thách đố, chưa nói chống lại, chủ nghĩa cộng sản, có thoát khỏi hiểm nguy không? (Chưa tính tới CNXH ở VN hiện nay rất lệch lạc vì thừa hưởng từ Liên Xô, Trung Quốc, khác xa "tinh túy" CNXH thật sự (giống nhưng không rập khuôn Mác), những nước tư bản Bắc Âu đang theo đuổi thành công).

Lo sợ khiến con người thiếu, hoặc mất tự tin. Những suy nghĩ, những tư tưởng, có thể mang lại làn gió mới, khung trời mới, không được cất lên, vì nỗi sợ bị "trấn áp" (chuyên chính), gây thiệt hại biết bao cho dân tộc, cho đất nước.

Nước Mỹ tư bản tiến bộ còn nhờ nó cho phép đảng cộng sản hoạt động, một cái đảng nếu cầm quyền sẽ làm đúng nhiệm vụ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản như Mác tuyên ngôn, một việc Mỹ rất sợ, nhưng họ vẫn tôn trọng quyền tư tưởng của những người cộng sản.

Khi không bị giam hãm trong tư tưởng, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn, nhờ suy nghĩ nhiều hơn, đa dạng hơn, cọ xát nhau hơn, đối nghịch nhau hơn. Nghĩ ngược lại ý chính mình muốn, những người ném bóng đèn ra suối hiểu việc mình làm sẽ đem lại nguy hiểm cho người khác, có khi cho chính mình và con cháu.

Các vị đáng kính cắt băng khánh thành thấy rằng nếu "nghĩ ngược", không suy nghĩ rập khuôn "nhiều nhà tù sẽ nhiều an ninh" (nhờ tự do tư tưởng), họ sẽ không hớn hở trước nhà tạm giữ mới như thế. Hai sự việc nhỏ, một suy nghĩ không nhỏ chút nào.

TẢN MẠN VỀ MÓN NGON

“Manger pour vivre”. Câu tiếng Pháp có nghĩa là “ăn để sống”. Nếu đúng thế thì để tránh mất thì giờ, công sức nấu nướng, chúng ta nên dùng thay ăn một loại thực phẩm chức năng, giông giống loại viên cung cấp cho các phi hành gia lâu ngày trong không gian không nấu ăn được. Tiệm ăn và quán xá sẽ dẹp tất. Không ngay ngáy lo…an toàn thực phẩm.

Nhưng “Vivre pour manger” lại xuất hiện. “Sống để ăn”, nghĩa là, sống để thưởng thức cái ăn. Từ đây sinh rắc rối. Có người bảo món ăn ngon vì nó… “cầu kỳ”. Thịt gà kèm lá chanh, rau răm… Thịt heo luộc đi cùng dưa hành. Với tín đồ thịt chó, không riềng, không lá mơ... đi tu còn sướng hơn.

Có người bảo “đói” là…món ăn ngon nhất. Hunger is good appetite. Những năm bao cấp, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, cơm không độn khoai, sắn (mì) là… ngon nhất. “Ăn bo bo mà lo hợp tác”. Nhớ tới mà sởn gai ốc.

Đói... làm cái ăn trở nên quý báu và nhân phẩm con người trở nên rẻ mạt. Bạn tôi là sĩ quan cải tạo.

Nó về kể lại. Lúc rửa chén, nhìn xuống sàn rửa, nó đã quan sát  một mẩu sắn dài 5 phân, to bằng ngón tay cái, rơi lâu, có lớp “nhớt” như nước mũi trẻ phủ bên ngoài. Nhìn quanh thấy vắng người, nó vội cúi xuống nhặt, sau khi dội tí nước rửa bớt “nước mũi”, nhai vội vã, nuốt vội vã, nó kể lại tôi nghe mà mắt nó rơm rớm. Nó nói mẩu mì (sắn) rất ngon vì lúc đó nó quá đói, cái đói dai dẳng cả mấy năm trời đi học tập.

Cái đói thực ra không thể khiến ta ăn ngon. Ăn trong tâm thế vui vẻ, bên những người yêu mến, trong một không gian ấm cúng, vào một thời gian phù hợp…và tất nhiên món ăn hợp khẩu vị không phải mọi người mà…từng người, mới là ngon. Nhận định về món… ngon rất phức tạp. Không có một chuẩn mực nhất định.

Có một số bạn người Nam, người Bắc đi ăn cùng tôi món cao lầu Hội An, món có lần được nhà văn lão luyện ẩm thực Nguyễn Tuân nhắc tới với lời lẽ gần như ca ngợi. “Dở ẹc”. Đó là kết luận sau khi ăn của lũ bạn tôi. Nếu không thân quen, tôi sẽ bắt từng đứa trả tiền, chứ tôi không trả vì đã lỡ mời mục đích để khoe “đặc sản” quê hương. “Bọn mày chả biết…thưởng thức”, tôi chửi thầm chúng, móc bóp trả tiền, vừa tiếc vừa bực mình vô kể.

Nhưng đâu phải mấy người "bạn phương xa" của tôi nhận xét như thế. Những người từng sống ở thành phố cổ này mấy mươi năm trước khi có dịp quay trở về tìm ăn món này ở những tiệm sang (Tây ra vào ăn nườm nượp) cũng có nhận xét không “sổ toẹt” như mấy người bạn tôi nhưng cũng một chín một mười: “không ngon như trước”. Tôi hiểu những người này ở nước ngoài nhiều…nên họ lịch sự hơn mấy bạn trong nước của tôi nhưng chắc chắn nhận xét của họ đều…đúng.

Không ngon, không có nghĩa  món “đặc sản” Hội An đó chưa đáp ứng trình độ ẩm thực của khách du lịch (nườm nượp ra vào, dở ai vào ăn?) mà vì nó không làm thỏa mãn cái quá khứ, cái kỷ niệm, cái thời gian gắn liền với món ăn đó… "Không như xưa".

Có cô bạn trẻ sành ẩm thực ở Hội An qua mấy thế hệ bảo rằng món bánh mì cổ điển (classical, như nhạc) ngon hơn món bánh mì “hiện đại” (modern), dù đã được thế giới biết đến và đã quảng bá rộng khắp qua kênh CNN nổi tiếng. Một chi tiết tôi thấy cô ấy nêu là…trước 1975, bánh mì có ít nước sốt, hoặc chỉ  nước tương( xì dầu) thịt xíu, hành, ngò…đơn sơ nói chung, không đa dạng, không màu sắc…nhưng lại có cái…ngon riêng.

Món  ngon, tôi nghĩ, vì nó mang trong sứ mạng của mình một lịch sử, một câu chuyện, một quá khứ…ngoài những đặc điểm mà người ăn thấy thích hoặc nghe người khác khen ngon. Những món ăn giữ được “quá khứ” mới là những món ăn ngon.

Mì Quảng ở miền Nam sẽ có thêm trứng gà, (hoặc trứng cuốc), chả lát, rau sa lách, bên cạnh thịt heo nạc dày, tôm bự 1 con, dầu đậu nành “thoa” (xoa) vào con mì xắt sợi to hơn phở một chút và tai hại nhất là nước nhưn (nước dùng) pha đường ngọt ngay. (Trừ những quán Mỳ, chủ và những người phục vụ đều nói rặt giọng Quảng)

Một người Quảng “đậm” như tôi thích hơn: thịt heo ba chỉ (ba rọi), tôm nhỏ vài con, cọng mì xắt to bản thoa dầu phộng nguyên chất khử với củ nén, nước nhưn ít, sánh, đậm hơi mặn nhưng dứt khoát… không bao giờ ngọt. Ớt xanh nhạt thơm đặc trưng không cay xé, rau húng lủi, giấm nuôi (thay chanh), và bánh tráng dày, giòn, điểm xuyết mấy hạt mè thơm.

Nói chung, món ăn (ở đây ví như Mì Quảng) được cho là ngon  vì nó đã ở trong trái tim tôi, trong đầu óc tôi, trong huyết quản tôi, trong tuổi thơ tôi. Nói tóm lại nó ngon vì nó là…kho lịch sử của cuộc đời tôi. Món Pizza chi đó của Ý nghe nói là một trong những món ngon nhất thế giới nhưng xem ra chẳng nhằm nhò chi so với món mì Quảng xứ tôi. Ở nước Ý có tỉnh mô tên Quảng Nam đâu dù cho nó nổi tiếng với Roma xinh đẹp “nhất” hành tinh.

CHẤN DÂN KHÍ

Vì ở một nước nhỏ bên cạnh một nước Trung Hoa vĩ đại, có Khổng Tử là thánh, ông bà ta rất khôn khéo trong ứng xử với “thiên quốc”. Lúc lên ngôi, các vị vua thường cho người qua Tàu xin chiếu chỉ tấn phong. Để mong không bị xâm lược, từ thời Lê Lợi đã cho đúc tượng vàng Liễu Thăng cống nạp hằng năm, “tạ tội” đã lỡ chém đầu danh tướng cùng tên. Quang Trung đại đế lẫy lừng đánh nam dẹp bắc; vị tướng lĩnh duy nhất trong lịch sử VN chưa hề chiến bại, khi lên ngôi cũng phải nghe theo lệnh Càn Long qua Tàu làm lễ “ôm gối” như cha con (tất nhiên là vua đóng, vua giả; vua thiệt có nước bị “thiến đầu” nếu thật thà sa vào hang cọp)

Hậu thế bây giờ đang hỉ hả, “ta” theo gương tiền nhân, khen ngợi ông cha ta khôn khéo, không chỉ giữ nước bằng sự ngoan cường, lòng can đảm, ý chí sắt đá, mà giữ được nước bằng sự mềm dẻo, nhún nhường, có khi nhịn nhục, hầu mong cho dân lành tránh được nạn đao binh, đầu rơi máu đổ.

Thật ra, Tàu không xâm chiếm không phải vì nước ta triều cống hay nhún nhường với nó, chẳng qua vì có những lúc, bọn bành trướng bị xâu xé hay suy yếu nội tình, tạm gác mộng xâm lăng, hoặc là vì có lúc chúng ta quá mạnh mẽ, kiên cường, vua tôi đồng lòng muôn người như một. Lý Thường Kiệt từng mang quân vượt biên giới đánh sâu vào lãnh thổ quân giặc; và nếu nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Huệ không mất sớm, việc đánh lấy Quảng Đông, cưới công chúa Tàu, không chỉ là lời nói khoe khoang với quần thần.

Nhún nhường và nhịn nhục để giặc không nổi giận đánh ta là một sách lược hay chiến lược?

Đời thay đổi khi ta thay đổi. Những kinh nghiệm của cha ông cần được hiểu cho thật thấu đáo với trí tuệ sáng suốt, không phải thảy thảy việc làm của các bậc tiền nhân đều là mẫu mực trong thời buổi thế giới luôn luôn thay đổi. Nếu khôn ngoan thì hãy “tùy cơ ứng biến” để mong “tùy ngộ nhi an”.

Lãnh thổ tiền nhân để lại, bọn bành trướng ra vào như chỗ không người. Sợ binh đao, máu đổ nên phải nhịn nhục. “Ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới, chúng được đằng chân lân đằng đầu” (HCM), giặc Pháp đã như thế, giặc bành trướng, bộ chúng “hiền lành” lắm hay sao?

“Chấn dân khí” (trong câu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh) lúc này phải được hun đúc. Tình yêu đất nước cần được nhen lên bằng một ngọn lửa hồng, để mọi người dân thấy rằng “bạn vàng” không còn là bạn tốt, khi họ không tôn trọng chủ quyền chúng ta. Dân chúng phản đối bành trướng bằng cách xuống đường biểu tình thường bị trấn áp; lý do nhà cầm quyền thấy phản ứng đó đưa đến bất ổn xã hội có thể làm họ mất quyền lãnh đạo đã dẫn đến một nhầm lẫn trong một số suy nghĩ rằng, nhà đương cuộc không “bênh” người dân mà đi “bênh” bành trướng, dù ai cũng hiểu rằng trên đất nước này, trừ những kẻ bị mua chuộc bởi đồng tiền, tất cả đều yêu nước, đều không muốn lãnh thổ mình bị xâm phạm, lãnh hải bị cường quyền ra vào như chỗ không người, không chủ. Thật phẫn uất, thằng bá đạo tên nó cũng không dám nêu ra.

Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Chiến tranh là điều không ai mong muốn. Việt Nam nếm trải mấy mươi năm chiến tranh, hậu quả đau đớn của nó vẫn còn dai dẳng, như một vết thương chưa lành, mỗi năm mỗi xát muối, thêm cay đắng xót xa.  Nhưng sống tủi nhục khi giang sơn bị gặm nhấm từng ngày, con dân VN có nên “một câu nhịn chín câu lành” nữa không? Liệu chúng ta nhịn đến bao giờ? Nhịn cho đến khi bành trướng thấy ta tội nghiệp quá, cho rút tàu về nghỉ, để tiếp tục giữ gìn “mối tình hữu nghị” đời đời bền vững, từng được các vị tiền bối cộng sản vun đắp qua bao thế hệ?

Không kích động chiến tranh nhưng hãy khích động lòng yêu nước. “Dân khí” cần được phục hồi. Hãy “chấn dân khí”. Không còn thời gian nữa một khi “dân khí” mai một, lụi tàn theo những thăng trầm của xã hội, của thờ ơ phó mặc, của ỷ lại “mọi cái đã có đảng lo”. Hiện tượng Lê Mã Lương là một cách chấn dân khí. Dù phát ngôn hơi bố bỗ bã khi nhận xét lãnh đạo bộ quốc phòng, bản lĩnh một vị tướng dày dạn trận mạc, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, sẽ là vốn quý cho tương lai dân tộc nếu xảy ra chiến tranh giữ nước; tổ quốc cần nhiều Lê Mã Lương, tổ quốc không cần những kẻ lên lớp dạy đời và đả kích Lê Mã Lương.

Không được xuống đường biểu thị lòng yêu nước chống bành trướng, mỗi chiều tối, thanh niên VN cũng có thể ra quán uống bia, thể hiện lòng yêu nước bằng cách chửi bành trướng, “cho nó đã” (nên nhớ là không chửi nhân dân Trung Quốc). “Đât nước này là của chúng mình” không phải của một số người.