Wednesday, January 17, 2024

VIỆT NAM BẢO TRUNG QUỐC RỜI KHỎI VÙNG BIỂN CỦA MÌNH. BẮC KINH ĐÁP: KHÔNG, NGƯƠI MỚI PHẢI RỜI ĐI.

“Nếu chúng tôi không đứng lên, nhiều hệ quả nghiêm trọng sẽ xảy đến”. Phát biểu của Nguyễn Hùng Sơn, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông, thuộc Học viện ngoại giao VN.

(Vietnam Told China to Get Out of Its Waters. Beijing’s Response: No, You Get Out).

Biển Đông là chốn đối đầu hằng mấy tháng trời với tàu khảo sát dầu khí Trung Quốc. Bắc Kinh bị cáo buộc cố áp đặt luật chơi của mình vào khu vực.

Nhiều tháng đầu năm nay, các quan chức VN, luôn theo dõi hoạt động của tàu khảo sát dầu khí TQ ngoài bờ biển của họ ở biển Đông, gửi nhiều thông báo khẩn tới Bắc Kinh, yêu cầu tàu phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.

Phản ứng của TQ: VN phải ngưng các hoạt động khoan dầu ngoài bờ biển phía nam của mình, theo một quan chức VN. Ở đó, giàn khoan Hakuryu-5, từng tiến hành công việc vào tháng 5, theo một hợp đồng ký với công ty quốc doanh Nga Rosneft, hoạt động ở lô ngoài khơi được VN cấp phép.

Một cuộc đối đầu trên biển xảy ra sau đó, kéo dài hơn 3 tháng. Các tàu chấp pháp từ hai bên vờn nhau và tàu hải cảnh TQ bắn ca-nông nước vào tàu VN. Tuần rồi, giàn khoan hoàn thành sứ mạng và rời khu vực, tiếp theo là tàu TQ cũng kéo đi. Các quan chức VN bảo một hồi phim dài chứng tỏ TQ dồn hết nỗ lực như thế nào nhằm áp đặt một số quy tắc ở biển Đông, vùng biển họ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Một tòa án quốc tế ra phán quyết năm 2016 rằng những tuyên bố chủ quyền mênh mông, vùng biển chồng lấn với Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh phớt lờ. Hoa Kỳ đều đặn thực hiện tuần tra hàng hải, cái họ gọi là tự do lưu thông hàng hải, ở trong vùng như thách thức vị thế của Trung Quốc.

Khi cuộc đối đầu khởi sự, VN khẳng định chủ quyền trên vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa của mình. Những vùng biển ngoài khơi được điều chỉnh bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, nơi những quốc gia vùng biển có quyền khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên. TQ và VN đều phê chuẩn công ước. Theo Bắc Kinh, không quốc gia nào hoặc công ty nào có thể thực hiện các hoạt động dầu khí nếu không được phép của họ trong vùng biển họ tuyên bố chủ quyền. Điều đó bao gồm những khu vực các quốc gia khác đã khai thác tài nguyên thiên nhiên từ lâu, như lô có quan hệ tới sự đối đầu.

Tháng sáu, không lâu sau giàn khoan bắt đầu hoạt động, hai tàu hải cảnh TQ có mặt tại hiện trường. VN điều cảnh sát biển đến bảo vệ công trình, kể cả những tàu hỗ trợ giàn khoan. Một quan chức VN nói, các toán người TQ dùng loa công suất cao cảnh báo những người Việt Nam với 3 thứ tiếng – Việt, Trung, Anh – buộc ngừng hoạt động.

Hoa Kỳ liên tục chỉ trích những hành vi của TQ. Trong một diễn văn tuần qua, phó tổng thống Mike Pence phát biểu cảnh sát biển TQ “bắt nạt VN không được khoan dầu và khí thiên nhiên ngoài bờ biển VN”. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng tám cho biết TQ đang buộc VN không được hợp tác với với những công ty dầu khí nước khác và chỉ được làm việc với các công ty quốc doanh của TQ.

Trong một tuyên bố riêng, bộ quốc phòng Hoa Kỳ lên án TQ đang cố thực thi bằng sức mạnh tuyên bố hàng hải bất hợp pháp cũng như đang sử dụng chiến thuật bắt nạt.

TQ phủ nhận những các khẳng định này và lên án Mỹ “chỉ trích bừa bãi và xuyên tạc TQ”.

Bộ ngoại giao TQ nói rằng nơi có tàu Hải Dương 8 hoạt động từ tháng 7 nằm trong vùng tài phán của TQ và tàu đã rời đi khi khảo sát khoa học đã làm xong. Bắc Kinh không trả lời những câu hỏi cụ thể của báo The Wall Street về các hoạt động khảo sát cũng như các tàu hải cảnh.

Các quan chức và các nhà phân tích ở Hà Nội cho rằng họ coi những hành động của TQ còn nhiều hơn là một chiến lược muốn chiếm giữ nguồn dầu khí.

“TQ muốn là người toàn quyền quyết định ở biển Đông”. Lời ông Nguyễn Hùng Sơn, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông, thuộc Học viện ngoại giao VN, do bộ ngoại giao quản lý. “Họ muốn áp đặt luật chơi và họ đang thực thi luật đó”.

Trong thập kỷ qua, TQ đã có những bước tiến chuyển dịch cân bằng quyền lực ở biển Đông. Họ đã hiện đại hóa hải quân, xây dựng những đội tàu hải cảnh và dân quân biển lớn nhất thế giới để duy trì sự hiện diện hùng mạnh của mình ở những nơi tranh chấp. Bắc Kinh cũng bồi đắp những đảo nhân tạo, trang bị chúng với nhiều phi cảng và hệ thống ra-đa, làm ông Pence (phó TT Mỹ) mô tả chúng như là “quần đảo đầy căn cứ quân sự”.

TQ từ lâu ngăn cản một nước Asean khác, Philippines, không thực hiện các hoạt động dầu khí ở vùng đáy biển gọi là Reed Bank, Bắc Kinh tuyên bố của họ. Các quan chức TQ đang gây sức ép với Manila cùng phát triển nguồn nguyên liệu, và hai bên nói đang thương thảo một ký kết.

Tình hình ngoài khơi VN thì khác. Nhiều năm, đất nước phát triển nhanh chóng và các công ty được họ cho phép đã thực hiện những hoạt động dầu khí ngoài khơi bờ biển của mình ở phía nam. Rosneft của Nga mới đây đang thực hiện một dự án như thế. TQ phản ứng gay gắt sau khi giàn khoan Hakuryu-5 bắt đầu một vòng mới công việc liên quan đến dự án hôm tháng 5.

Trả lời các câu hỏi, Rosneft nói sự tham gia của họ “tuân thủ nghiêm túc luật lệ quốc tế”. Công ty bảo rằng, những vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ nằm ngoài khả năng của công ty.

Đầu tháng 7, tàu thăm dò TQ thực hiện cái TQ gọi là khảo sát khoa học ngang qua vùng rộng lớn ngoài khơi bờ biển VN, hỗ trợ bằng những tàu hải cảnh và dân quân biển. Một bản đồ theo dõi do các quan chức VN vẽ mà bản báo có xem, chiếc tàu đi theo hướng chữ chi (zigzag) xuống phía đông bắc nơi hoạt động của Rosneft. Tháng 9, nó mở rộng vùng hoạt động sâu xuống hướng bắc, tàu đi theo hướng chữ U, ngoài khơi bờ biển miền trung VN.

Để duy trì sứ mạng dài hàng tháng, con tàu dựa vào những đảo nhân tạo gần đó gọi là đảo chữ Thập (?). Nó rời vùng khảo sát trong 3 lần, chạy về đảo nghỉ ngơi tạm thời trước khi trở lại nhiệm vụ. Nhờ đó, nó không phải đi xa về cảng ở đất liền để nghỉ, nạp thêm dầu hay sửa chữa.

Những hòn đảo ấy càng trở nên thiết yếu trong nỗ lực của TQ tuần tra liên tục tất cả các vùng ở biển Đông. Tàu bè TQ sử dụng các hòn đảo như là nơi hậu cần triển khai linh hoạt và duy trì sự có mặt sát nách, liên tục, quanh những thực thể đang có tranh chấp.

Các quan chức VN nói rằng, ưu thế hoạt động những hòn đảo đem lại cho TQ trong cuộc đối đầu mới đây, làm VN khó khăn rất nhiều để đảm đương do ít ỏi nguồn lực và đội tàu bé nhỏ.

Có thời điểm, số tàu hải cảnh và dân quân biển TQ hộ tống tàu khảo sát lên tới 35 chiếc, các quan chức VN cho biết. Tàu tuần duyên 12000 tấn tham gia hoạt động lớn hơn rất nhiều các tàu chiến. Các quan chức mô tả những bước leo thang của TQ như là phép thử cho Hà Nội và cộng đồng quốc tế.

“Nếu chúng tôi không đứng lên, nhiều hệ quả nghiêm trọng sẽ xảy đến”. Tiến sĩ Sơn của viện nghiên cứu biển Đông nói. “Trật tự thế giới sẽ vỡ ra từng mảnh”.

Bài của Niharika Mandhana, WALL STREET JOURNAL, ngày 1 tháng 11 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.

ĐÂU CHỈ VIỆT NAM

(Tản mạn về rừng).

Tôi thường hay về thăm quê hằng năm nhân ngày chạp mả. Quê tôi là vùng núi, khi chưa chiến tranh, cây cối trên rừng nhìn như bức họa, thay đổi theo mùa, không rõ rệt xuân hạ thu đông, nhưng khi thấy có những tán lá chuyển vàng sang đỏ một vùng xa xa, người dân quê bắt đầu nghĩ đến mùa ươi, một loại trái bây giờ khá đắt và khá hiếm.

Nhưng bây giờ núi rừng thiên nhiên được thay bằng núi rừng “nhân tạo”: bạt ngàn tràm và tràm, một loại cây “ngắn ngày”, một đôi năm được cắt để lấy nguyên liệu làm giấy. Để dễ vận chuyển, người ta làm những con đường cho xe chở gỗ đâm ngang xẻ dọc. Ngày xưa người dân tự do lên rừng lấy củi hay cắt gỗ về làm nhà. Bây giờ không được rồi: rừng đã có chủ.

Có một dụng cụ nhỏ không ai để ý nhưng nhờ nó rừng mau chóng tận diệt: cưa máy. Ngày xưa, người dân sử dụng rìu, rựa, cưa tay, trâu kéo gỗ, khai thác cây rừng. Dụng cụ thô sơ nên cả mấy trăm năm rừng vẫn còn “xanh lá”. Khi xuất hiện cưa máy, xe tải, và lòng tham, rừng biến thành những đồi hoang, và cây tràm thế chỗ cho tất cả loài cây không thể kể hết tên.

Thiên nhiên bây giờ không còn chở che con người. Con người tiến bộ nhờ tàn phá thiên nhiên, chưa kể thiên nhiên đem lại nguồn lợi ngút ngàn cho một số nhà đầu tư “đào núi và lấp biển”: lên Bà Nà, Đà Nẵng, du khách sẽ được đi trên cây cầu vắt qua núi, nâng đỡ bởi chân cầu kiến trúc như bàn tay khổng lồ. Tận hưởng thiên nhiên ngày nay chỉ dành cho một số người có tiền, dù đôi ba trăm ngàn không lớn lắm, nhưng nó nói lên một thực trạng thiên nhiên đã có chủ, đất đã có chủ.

"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đúng là câu thần chú, khi ai biết bí quyết, đều có thể hô thầm, hô to, hay hô biến: tiền vào tay họ còn nhiều hơn nước sông Đà. Những vị trí đắc địa được các đại gia nhắm tới, xây chùa, xây cơ sở phục vụ “du lịch tâm linh”. Những con phố có những mảnh đất kim cương không đủ chỗ cho những đại gia cạp đất nên họ bèn lên núi, lên rừng, chọn những địa điểm “non sông gấm vóc”, cạp tiếp; núi rừng VN mênh mông, non sông cẩm tú, cạp biết bao nhiêu đời cho hết.

Tàn phá thiên nhiên để xây dựng công trình bê tông cốt thép cho con người thụ hưởng có làm biến đổi khí hậu không? Không ai nghiên cứu để tận tường, nhưng trên thế giới, cảnh báo biến đổi khí hậu, trong đó có nạn phá rừng, đang là thảm họa; 11000 nhà khoa học trên thế giới (thuộc 153 nước) đều nhất trí, biến đổi khí hậu “rõ ràng và không nghi ngờ gì nữa” sau 40 năm chung tay nghiên cứu. Mỹ là nước công nghiệp lớn nhất thế giới vừa rút khỏi thỏa thuận giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhưng không phải tiền đồ thế giới u ám nếu nhân loại để ý tới mấy cái, theo các nhà khoa học:

- Về năng lượng: Chính quyền nên đánh thuế thật cao cái gì thải khí carbon, để nhiên liệu dầu khí sử dụng ít lại; không trợ cấp các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, tiến hành dự trữ chúng, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo.

- Về các chất gây ô nhiễm mau tan: như methane, hydrofluorocarbon và muội than…Nghiên cứu cho biết hạn chế những chất này có thể ngăn khuynh hướng nóng lên ngắn hạn, ước đoán giảm xuống đến 50% trong vài thập kỷ tới.

- Về thiên nhiên: Ngưng khai thác gỗ, trồng rừng, tái tạo đồi cỏ, và rừng ngập mặn, làm giảm tác động khí CO2.

- Về lương thực: Chuyển mạnh qua ăn sản phẩm từ thực vật, thịt ít lại. Chất thải từ thực phẩm dư thừa cũng hết sức cảnh giác.

- Về kinh tế: Chuyển đổi nền kinh tế không quá dựa vào nhiên liệu hóa thạch và tránh việc say sưa theo đuổi GDP thế giới, cũng như “làm giàu” bằng mọi giá.

- Về dân số: Thế giới cần điều tiết số dân đi đến ổn đinh, vì hiện giờ cứ mỗi ngày có 200 ngàn người sinh ra.

Chắc chắn chả ông chính phủ nào nghe mấy nhà khoa học lên tiếng. Nếu giỏi thì họ đâu có làm quan chức, họ sẽ thành các nhà khoa học hồi nảo hồi nao. Nhân loại vừa cười, vừa tàn phá thiên nhiên, để họ tiến bước lên bậc giàu có và văn minh mỗi ngày. Nhưng ở các nước tiên tiên tôi tìm hiểu, thiên nhiên của họ còn được bảo tồn khá tốt, ấy mà họ cũng lên tiếng, chứng tỏ họ lo xa, có tầm nhìn, không như ở VN hay Trung Quốc, GDP là tối thượng. Không khí ngay tại thủ đô đất nước 1, 4 tỷ dân hay đất nước 100 triệu dân không khác nhau là mấy: khói mù ô nhiễm. Khi ra đường buổi sáng quá sớm, hai người yêu nhau đang muốn đến nhà thờ xin làm phép hôn phối, chàng chạy xe trước nàng chạy xe sau, một chút phải  “chia tay” vì lạc mất nhau:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh"

...

"Ôi khách đường xa, khách đường xa.”

PHÁ RÀO

Chạy xe máy trên phố Sài Gòn nếu lạc, bạn sẽ được khách bộ hành chỉ đường cặn kẽ và dễ hiểu. Đường một chiều rất nhiều, có khi bạn sẽ nghe "anh chạy ngược chiều chừng 100 mét rồi quẹo phải, 100 mét nữa, gặp đèn đỏ quẹo trái là tới; đừng chạy theo đường một chiều này, lâu lắm, rối lắm". Chạy ngược chiều sẽ mau đến đích nhưng sai luật. "Đúng luật" sẽ rối và lâu hơn. Dân thường "phá rào" còn chóp bu có phá rào không?

Có, nếu ổng là người Nam bộ. Võ Văn Kiệt nếu không "phá rào", luôn kiên định lập trường XHCN, dân Sài Gòn thập niên 1980 đói meo râu, đắp đổi bằng bo bo Liên Xô viện trợ, loại thức ăn dành cho gia súc. Mua lúa giá cao ở các tỉnh miền tây, hơn giá nhà nước, phá giá, mất chức như chơi. Mất chức mà dân no, ông Kiệt nghe nói tuyên bố "cả gan" như thế. Tuân thủ quy định là đúng để xã hội vận hành trật tự. Nhưng cái quy định có khi không đúng, có nên tuân thủ không? Có ai dám vì dân mà không tuân thủ quy định của nhà nước như Võ Văn Kiệt? Rất khó có người thứ hai.

Ba mươi chín  người Việt chết tại Anh gây chấn động dư luận thế giới, phản ứng của quan chức Việt Nam thế nào? Dè dặt , cẩn thận, và chờ đợi. Máu đổ ruột mềm, các vị lãnh đạo ai lại không thương dân, nhưng cái chết của 39 người "vượt biên trái phép" khiến họ dè dặt, cẩn thận, và chờ đợi...

Hành động  ôm hoa đến chỗ người chết "phạm pháp", ghi vào sổ tang lời chia buồn với nạn nhân và gia đình họ của nguyên thủ một quốc gia nơi xảy ra tai nạn là một câu chuyện mọi người dân Việt Nam đều lấy làm cảm kích. Những người chết thảm thương kia trong lúc đó bị một số đồng bào ruột thịt quê nhà mỉa mai, châm biếm, thậm chí rủa họ "đáng đời".

Không phải những người này bản chất ác độc, nhưng vì ra đi bất hợp pháp, 39 người chết kia bị coi làm thương tổn danh dự quốc gia; họ lên án người chết vì tỏ ra là mình  "yêu nước", không muốn ai làm chuyện "phi pháp" như thế nữa. Thậm chí có người quy kết hải quan Anh gián tiếp gây ra những cái chết thương tâm. Chỉ có thủ tướng Anh là người không am hiểu luật pháp. Chết vì "phạm pháp" nhập cư trái phép, chia buồn làm quái gì, hỗ trợ tài chánh mang thi hài về VN làm chi cho tốn?

Tôi có đề xuất "quốc tang" cho 39 người chết và biết rằng đó là đề nghị vô lý: họ có công lao gì mà được hưởng nghi thức tưởng niệm cao nhất quốc gia. Nếu đề nghị được "nhậm lời", hóa ra nhà nước "phá rào" hay sao. Thâm tâm tôi đề nghị như thế vì lòng trắc ẩn, trong lịch sử VN và có thể lịch sử thế giới, hiếm có nhiều cái chết một lần đau thương vì lạnh cóng, vì ngạt thở, trong một container chở hàng như thế. Quốc tang cho họ để thể hiện sự đau buồn vô hạn với mọi người Việt đồng bào; không phải vì "công trạng" trời bể mới được quốc tang như quy định pháp luật. Phá rào một lần thử xem. Tôi chắc chắn cả nước này không ai chống đối việc ấy.

Đến đây tôi suy nghĩ "trái lề" một tý. Người miền Nam không có ai làm nguyên thủ quốc gia sau 1975, không phải họ không tài ba bằng người đồng cấp miền Bắc, nhưng theo suy đoán cá nhân tôi, họ linh hoạt, ít kiên định, khép mình theo khuôn phép, nói trắng ra, họ thích "phá rào" và khá "chịu chơi", nhất là khi thấy có rào nào dựng lên, không thuận lẽ tự nhiên. Hợp tác xã nông nghiệp không  thành công ở miền Nam như ở miền Bắc là một ví dụ còn rất mới.

Điều đó cho thấy, có cái Sài Gòn có nhưng Hà Nội thì không: ví dụ nhỏ, "hiệp sĩ đường phố" làm cái việc của cảnh sát,  giữ gìn trật tự tình nguyện không công, đầy hiểm nguy. Nam Bắc một nhà nhưng là nhà nhiều màu sắc, mỗi nhà mỗi khác.

Trong khi ở Hà Nội, người ta thích chống - chống bão, chống lũ, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, thì ở Nam bộ, người ta thích sống chung - như sống chung với lũ. Chống đối và thuận theo là bản chất của con người. Có nhất thiết cái gì cũng chống, cái gì cũng thuận? Chống, thuận không sống chung được hay sao?

Nếu "chống" và "thuận" được chấp nhận; "lề phải"và "lề trái" được song hành - con đường đi nào mà không có 2 lề ? - VN sẽ thành hổ, thành rồng từ lâu, chứ không phải năm sau luôn "xài nhiều " hơn năm trước, "mượn nợ" là từ ngữ hay nói đến nhiều nhất.

MIẾNG ĂN

Thời đại ngày nay còn nhắc đến miếng ăn thật thì thật là ốt dột; mà còn hơn ốt dột, miếng ăn cướp mạng sống, theo Vietnamnet, “Bà nội sát hại cháu: Mâu thuẫn âm ỉ từ miếng thịt trong bữa cơm”.

Câu chuyện được một đại biểu đại tá trưởng ty công an kể bên hành lang họp quốc hội. Ông bà nội phải vất vã nuôi một cháu nội 11 tuổi để bố nó vào Nam tha phương cầu thực. Thời gian gần đây, con trai bỏ về ở chung với gia đình, thường gây gổ và ngổ ngáo với cha mẹ mình, có lẽ do cuộc sống bẩn chật. Thấy ông thèm thịt, bà bèn mua một ít về nấu với măng cho ông. Bà gắp miếng thịt bỏ vào chén ông, người con trai bất bình, gắp miếng thịt lại, và bỏ vào chén con trai. Ông buồn bã than thở với bà, chắc ông phải quyên sinh, con ruột đối xử quá tệ bạc với cha. Bà có việc định đi Hà Nội nhưng không có tiền bèn mua thiếu 2 két bia để bán lại lấy tiền. Trong lúc đi, gặp cháu nội trên đường, bà rủ cháu cùng đi xe đạp với mình; gần đến một con đập nước sâu bên đường - bà khai với công an - bà rủ cháu xuống tắm, và nhân lúc cháu tắm vô tư, bà đẩy cháu ra nước sâu chìm mất hút. Bà sau đó bỏ đi Hà Nội, ngày hôm sau mới về, thì gia đình đã vớt xác cháu lên.

Vị đại tá, cùng những vị đại biểu quốc hội nhân câu chuyện, nhận xét “đạo đức bây giờ quá xuống cấp”, gia đình, nhà trường, và xã hội cần cùng nhau nâng cao đạo đức. Các quan chức có sự nhận thức xã hội đến mức như thế thật đáng quan tâm nhưng làm được không, và làm bao lâu, “nâng cấp” đạo đức, vấn đề còn bỏ ngỏ vì nó to tát quá, cần 2 hay 3 thế hệ, đâu dễ một sớm một chiều, có nghị quyết là xong.

Đọc câu chuyện buồn vì một miếng thịt mà mất một con người cùng huyết thống, tôi đâm nghĩ ngợi thêm. Bây giờ, vẫn còn gia đình khổ cực, một miếng thịt cũng là ước vọng, một ước mơ, trong khi nhiều buổi liên hoan tiệc tùng (như các ngày kỷ niệm quá khứ anh hùng hay lễ khai mạc, ngày khai trương…) người ta thừa mứa ăn uống, bia rượu, thuốc lá ngoại đầy rẫy trên bàn ăn?

Vì một câu chuyện miếng ăn mà kết luận “đạo đức xã hội xuống cấp”, tôi e rằng cũng còn võ đoán, không rõ tôi đúng hay sai. Miếng ăn hay cái ăn ám ảnh con người không phải bây giờ mới có. Ngày xưa hơn 2500 năm trước, đức Khổng Phu Tử, cũng vì không được nhà vua chia cho phần thịt (không rõ mấy lạng) đã bỏ quê hương nước Lỗ, lang thang hết nước này sang nước khác, rao giảng đạo đức cho thiên hạ, cái “đạo đức” ấy nhiều người còn theo vì nó “đậm đà bản sắc” cho đến ngày nay. Thế giới ê hề viện Khổng Tử, VN cũng không thiếu.

Trong những năm sau 1975, miếng ăn cũng hết sức quan trọng. Không phải công nhân viên chức nhà nước quần thảo với 13 cân, 19 cân có bo bo, có sắn lát; những nông dân làm ra lúa cũng chịu cảnh thiếu cơm vì năng suất thấp, hợp tác xã là lối sản xuất “cha chung không ai khóc”. Ở quê tôi, từng là Đồng Nai con của tỉnh Quảng Nam thời kháng chiến chống Pháp, người dân phải lội bộ hàng mấy chục cây số vào rừng sâu, nơi có dân tộc thiểu số sinh sống, để đổi rượu, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em…lấy sắn củ của họ, gánh về xắt lát phơi khô độn thêm vào bữa cơm thiếu gạo. Nhiều người ngất xỉu giữa núi rừng vì ăn sắn luộc chưa qua ngâm nước thay cơm nhưng khi tỉnh dậy họ phải gánh số sắn trên vai đi tiếp vài chục cây số về nhà, họ biết con cái, cha mẹ, người thân đang mong ngóng.

Một số bạn học của tôi quá tuổi phải đi sĩ quan, sống trong trại cải tạo kể lại, miếng ăn còn khủng khiếp hơn. Cái đói luôn luôn dai dẳng trong tâm trí họ suốt thời gian cải tạo. Thức dậy đi lao động, tối về trại nằm ngủ; cái đói luôn luôn được nghĩ tới, chứ không phải lý tưởng “quốc gia” hay “oán than chế độ”. Cái đói khiến họ trở nên yếu đuối và bạc nhược; họ không dám nghĩ đến trốn tù tìm tự do vì sợ khi lạc vào rừng đâu biết chết sống thế nào, trên đường đi liệu có cái gì để lót dạ, cầm hơi.

Những lúc đi ra ngoài lao động, họ rất hạnh phúc: cơ hội được “ăn” có thể xảy ra. Và đúng là cơ hội ngàn vàng, bạn tôi bùi ngùi kể lại. Đốt rẫy xong, toán nó đi dọn cây còn sót, bất chợt thấy một con rắn khá to chết cháy. Mùi thơm từ thịt con rắn hấp dẫn chứ không phải ghê sợ như nó nghĩ trước đây. Không có muối, toán người bèn gỡ thịt chấm với tro trắng, ăn cũng mằn mặn, và rất ngon. Khi đến phần bụng, toán người phát hiện ra một con chuột trong đó. Nướng ăn luôn, một người đề nghị, một hai người khác hơi nhăn mặt nhưng cuối cùng cũng vui vẻ được chia phần. Một bữa ăn đầy đạm, nó nhớ lại, còn ý nghĩa và ngon hơn rất nhiều những món ngon nó gặp khi đang ở Mỹ. Nó cũng kể, một lần rửa chén, thấy một mảnh sắn nhỏ rơi trên đất dưới sàn nước, lớp ngoài mủn nát. Ngó quanh quất không ai để ý, nó vội cúi xuống bốc lên, rửa sơ sài, bỏ ngay vào miệng nhai cũng vội vã, kể tới đó mắt nó rưng rưng.

Hoàn cảnh đói kém do sai lầm trong kinh tế, hay hoàn cảnh tù tội của một số người sau chiến tranh, tất cả có thể chịu đựng được, vì mọi người đều cùng cảnh ngộ, cùng nhau trải qua giai đoạn gian khó chung.

Nhưng, đất nước “chưa từng có lúc nào như bây giờ”, GDP hàng năm tăng ổn định, mức sống một số người cao ngất ngưỡng, từ chỗ đói ăn đến chỗ mỗi đầu người “chia đều thu nhập quốc dân” mấy ngàn đô, lại có người chỉ vì một miếng thịt, một miếng ăn, đang tâm giết cháu nội của mình? Bà nội Nghệ An này sao lại quá đói nghèo đến nỗi  biến cả gia đình mình thành bi kịch? Chỉ có một bà nội như thế, chỉ vì một miếng ăn như thế - bị con giật lại từ chén chồng, bỏ vào chén của cháu - một cái chết thảm thương xảy ra. Thật đau đớn quá.

Nhưng cái đau đớn lớn hơn, đau đớn vì suy đồi đạo đức, chỉ xảy ra duy nhất cho gia đình tội nghiệp này thôi sao?

HÒA THƯỢNG TRÍ QUANG VIÊN TỊCH.

(Nhớ Hội An những ngày sôi động “Phật giáo đấu tranh”).

Năm 1966, tôi học lớp đệ lục (lớp 7) của trường Bồ Đề, phố cổ Hội An, là “chứng nhân” của nhiều cuộc xuống đường biểu tình, “đấu tranh” chống Thiệu-Kỳ-Có (Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Hữu Có các vị lãnh đạo quốc gia) và những cuộc mít tinh, thường được dẫn đầu bởi các vị sư “đại diện giáo hội Phật giáo Quảng Nam” ở chùa Pháp Bảo, thường gọi là chùa Tỉnh hội.

Đưa bàn Phật xuống đường.

Ở Đà Nẵng và Huế, phong trào đấu tranh của Phật giáo rầm rộ, sôi nổi hơn nhờ có hỗ trợ của chính quyền “Vùng I chiến thuật”, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Chánh Thi, từng tham gia đảo chánh Ngô Đình Diệm nhưng bất thành, sau cùng với Nguyễn Khánh “chỉnh lý” tiếm quyền của Dương Văn Minh, người chỉ huy “cách mạng 1-11-1963” thành công dẫn đến cái chết của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm.

Một lần, lũ học sinh chúng tôi, thành phần dễ “huy động” nhất ngoài số “phật tử đấu tranh” khác ở Hội An, được dự mít tinh ngay trong sân chùa Tỉnh hội. Chúng tôi rất khoái chen nhau đứng gần khán đài, để được tận mắt nhìn người hùng “chuyên viên đảo chính” Nguyễn Chánh Thi, bộ ria cắt tỉa sắc sảo, đội bê rê đỏ của binh chủng nhảy dù, cổ áo gắn 3 sao ngồi oai vệ trên cao. Kế ông là đại tá Đàm Quang Yêu, tư lệnh đặc khu Đà Nẵng, và ông tỉnh trưởng, giáo sư trường quốc gia hành chánh Nguyễn Văn Chi. Diễn giả sôi nổi nhất là đại đức Thích Như Huệ, linh hồn của Phật giáo đấu tranh tỉnh Quảng Nam. Sau mít tinh, chúng tôi hồ hởi nghe theo loa đả đảo người điều hành quốc gia Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có. Đả đảo Thiệu-Kỳ-Có, đả đảo! đả đảo!; tiếng hô rập ràng vang lên thật hào khí, học sinh chúng tôi rất phấn khích, trông có biểu tình để được tham gia, trí óc non nớt, lúc đó không hiểu ba ông lãnh đạo quốc gia sao lại bị “đả đảo”.

Một lần, học sinh và một số “người đấu tranh” thành phố Hội An tham gia một cuộc mít tinh rất lớn trên khoảng đất khá rộng, trước trụ sở ty thông tin tỉnh. Đang nghe diễn thuyết (đa phần là các diễn giả diễn thuyết, chúng tôi mong cho mau hết bài, đặng mà hô đả đảo cho sướng) thì có một chiếc máy bay “bà già” L 19 bay khá thấp như đang quan sát đám đông. Sau đó 10 phút là có mấy chiếc máy bay quân sự bay về hướng đám biểu tình ở độ cao không đổi. Cả đám đông nhốn nháo, sau đó giải tán sớm, mạnh ai về nhà nấy, lo sợ bị máy bay bắn xuống; nhưng không thấy máy bay trở lại, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có thể chúng bay qua tình cờ.

Sau này, chúng tôi mới biết ông Nguyễn Cao Kỳ đã mang quân ra Đà Nẵng, dẹp yên phong trào đấu tranh Phật giáo ở đó và cả ở Huế,  đầu não của tổ chức Phật giáo đấu tranh, linh hồn là hòa thượng Thích Trí Quang, Hoa Kỳ gọi là “người làm rung chuyển nước Mỹ”, hoặc như học giả Cao Huy Thuần: “Thầy Trí Quang – một trang lịch sử”.

Sau đó, Huế và Đà Nẵng im ắng không còn biểu tình với “bàn thờ Phật xuống đường”, trước sức mạnh quân đội được tướng “cao bồi” Nguyễn Cao Kỳ đích thân chỉ huy. Hội An là “chú nhóc” trong phong trào cũng phải im ắng theo. Chúng tôi hết dịp được tập họp theo đoàn biểu tình, hô đả đảo đả đảo rân trời các con phố lớn.

Một vị tu sĩ anh hùng, nổi tiếng khắp thế giới, lãnh đạo phong trào đấu tranh Phật giáo thắng lợi năm 1963, dẫn đến sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng lại thất bại không dẫn đến thắng lợi nào đối với chính quyền quân sự Nguyễn Văn Thiệu năm 1966, cho dù nền cộng hòa đệ nhị  không mạnh bằng nền cộng hòa đệ nhất, cộng thêm sự đấu tranh của Phật giáo miền Trung được hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền sở tại.

ĐÂY KHÔNG PHẢI CHỖ CỦA CHO NGƯỜI NGHÈO

Một vị giáo sư nổi tiếng hiến kế nhà nước cần nâng giá đất lên theo giá thị trường, như thông lệ các nước để thu thêm ngân sách, và “dùng biện pháp kỹ thuật” ấy để hạn chế dân nhập cư vào hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.

Nhiều người lên án ông giáo sư khi muốn người nghèo không có chỗ để kiếm cơm ở chỗ giàu, các thành phố lớn. “Loại” người nghèo ra khỏi đô thị không phải là ý chính của vị giáo sư: thu thêm tiền nhờ thuế qua nâng giá đất theo giá thị trường để thu tiền ngân sách.

Vì sao người ta khai giá thấp để tránh thuế sang nhượng đất đai? Đơn giản là thuế cao quá và mua bán đất đô thị là quá trình nhiêu khê, rắc rối. Trốn thuế bằng cách “đi tắt đón đầu” là lẽ đương nhiên, đâu phải chỉ có Trần Vũ Hải “phạm tội trốn thuế” chuyển quyền sử dụng đất trên xứ sở này, hàng ngàn hàng vạn người làm như thế. Ở đây, tôi không bàn về vấn đề mua bán đất. Tôi muốn nói đến thái độ của người muốn hạn chế kẻ nghèo nông thôn tràn về đô thị. Không chỉ mỗi ông giáo sư, trước đây không lâu, một bà cán bộ máu mặt ở Sài Gòn cũng hiến kế, nên hạn chế nạn “nhập cư” vào thành phố. Nhiều người bỉ bôi rằng cái bà này gốc ở đâu miệt “cá gô bỏ vào gổ” (cá rô bỏ vào rổ) chứ đâu phải gốc Sài Gòn mà bày đặt “đẳng cấp”.

Người nghèo nông thôn tràn về thành phố là ai? Họ là những người tham gia tăng trưởng GDP cho thành phố, nghĩa là cho cả nước, nếu đó là Sài Gòn. Thế mạnh phát triển kinh tế VN là gia công giày dép, áo quần, và lắp ráp máy móc. Nông dân tuổi thanh niên chân lấm tay bùn, không điều kiện học hành đầy đủ, là thành phần quan trọng. Giả sử thiếu họ, các công ty, xí nghiệp thành phố ngưng hoạt động thì sao? Sự có mặt của họ ở thành phố đương nhiên gây ra những phiền toái như nạn kẹt xe, do hoàn cảnh lao động buộc họ tranh thủ mua tí rau, con cá, trên đường về nhà trọ sau ca làm, đường phố vốn bề bộn càng bề bộn thêm. Nhưng biết làm sao.

Nếu người làm chính sách có tầm nhìn 10 năm thôi, tôi không nói 20 năm, họ sẽ quy hoạch và có biện pháp tốt để giải quyết công ăn việc làm cho người nông thôn “ly nông, bất ly hương”. Tại sao các tỉnh có nhiều dân chúng tràn về thành phố kiếm sống? Rất đơn giản: chính quyền địa phương họ đã không biết cách tạo đủ việc làm cho dân của mình. Nông thôn ngoài ruộng lúa, người nông dân có việc gì làm thêm, nếu không phải đổ về thành phố kiếm cơm?

Ngoài những người làm trong công ty, xí nghiệp, các hãng xưởng, số người nông thôn tham gia đội ngũ bán hàng rong ở thành phố là bộ phận rất lớn. Vì sao họ phải dãi nắng dầm mưa với cái thúng trên đầu, đôi gánh trên vai, cọc cạch chiếc xe đạp, khá hơn là chiếc xe máy, xe ba gác, chất đầy rau quả, có mặt ở mọi con phố? Đơn giản có hai lý do: việc làm đó đem lại thu nhập cao hơn làm ruộng, và nhu cầu cư dân thành phố chưa được đáp ứng đầy đủ; thay vì vào siêu thị giá không rẻ, tốn thì giờ, những gánh hàng, chiêc xe kia là phương tiện giúp họ mua dễ dàng các thứ thức ăn cần thiết.

Có cầu là có cung. Những người bán hàng rong kia đã cung ứng kịp thời nhu cầu: họ đã làm cho kinh tế thành phố không ổn định hơn hay sao? Họ có “tội tình” gì đâu để ai cũng hắt hủi họ, không muốn có mặt họ nơi “sang trọng” và “giàu có” của thành phố họ?

Tất nhiên, nếu thành phố trật tự, sạch sẽ, không có những hình ảnh nhếch nhác do có mặt của nhiều người nghèo nông thôn ra thành phố, cả nước cần có những chính sách vĩ mô, giải quyết công ăn việc làm thỏa đáng cho họ; chẳng có một ai muốn ra đô thành để sống, ban ngày vất vả sinh cơ, tối về chui rúc trong những phòng trọ chật hẹp, gia đình phải chia cách, vợ chồng, cha con, mỗi người mỗi ngả, cả một  năm mới lũ lượt chen chúc, tranh nhau mua vé xe tàu về quê đoàn tụ người thân trong ba ngày tết.

Người nghèo nhập cư rõ ràng là bộ phận của phát triển kinh tế cả nước. Giả sử Sài Gòn không có công nhân, đa phần từ nông thôn, đóng góp ngân sách cao nhất nước có thực hiện được không? Những công trình công cộng hoành tráng ở Hà Nội, biết đâu không thấm những giọt mồ hôi của những “người nghèo” nhập cư vào Sài Gòn?

Và cũng tất nhiên, thành phố sạch sẽ không nhếch nhác phải là mục tiêu chứ không phải để dân nhập cư vào nhiều là mục tiêu và làm thế nào người nông thôn không còn, hay không cần, kéo nhau về thành phố sinh sống, là vấn đề vĩ mô cần những con người vĩ đại.

Ngoài vấn đề kinh tế, việc từ chối sự có mặt của những dân quê nhập cư ở thành phố còn nói lên cái đạo lý tréo ngoe: ăn quả quên người trồng cây hay “vắt chanh bỏ vỏ”. Đất nước này qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu, đóng góp của người dân vùng nào nhiều nhất cho hòa bình và độc lập của tổ quốc, nông thôn hay thành phố? Khi tha thẩn, trầm tư, trong những nghĩa trang liệt sĩ, quý vị sẽ thấy bên dưới những cái tên người quá cố là quê quán. Hà Nội và Sài gòn không hiện ra nhiều trên hàng triệu tấm bia bé nhỏ bằng những tỉnh nông thôn. Máu xương của những người nghèo ở thôn quê đổ ra rất nhiều trên mảnh đất này, những đô thị mọc lên, một vài người ở đó, muốn từ chối sự có mặt của con cháu những người đã hy sinh, điều ấy có công bình không? Đất đai bây giờ họ muốn bán giá cao thấm máu của người chết hay thấm tâm ý của những người sống có quyền thế?

Kiếm miếng ăn vất vả nơi phố xá không phải là ý muốn của người nghèo nhập cư, cuộc sống khó khăn buộc họ phải như thế. Không ai trong số họ vui vẻ, hạnh phúc khi phải ly hương, “tha phương cầu thực”.

Kinh tế hay đạo đức không hẳn là quan trọng nhất ở đây trong vấn đề nhập cư; cái quan trọng là tư duy của một số người “có quyền” và “có học”. Tại sao cứ mãi khư khư với suy nghĩ: bán, bán, và bán cái có sẵn như đất đai mà không suy nghĩ làm cái gì khác để có tiền và phát triển kinh tế, một sáng tạo kỹ thuật nào đó, tầm tầm như “cháu cố” của Samsung, dù người Việt luôn tự hào là dân tộc thông minh? Tư duy “có sẵn mà bán” luôn ám ảnh một vài người làm chính sách, chứ không phải tư duy “làm ra mà bán” như Đài Loan với Foxconn, Nhật Bản với Toyota.

Trước đây có một hiến kế nổi tiếng đánh thuế vào người bán hàng rong, quán vỉa hè, nay có hiến kể xuất sắc hơn, “bán đất theo giá thị trường” để có thêm tiền cho ngân sách, trong khi các bác nông dân “Hai lúa” không bằng cấp, đang mỗi ngày cải tiến những “máy móc” để cấy lúa, gieo hạt, làm cỏ…thiết thực cho sản xuất.  Các giáo sư tiến sĩ ở đâu trong những sáng tạo tại nông thôn nơi dân nghèo kéo vào thành phố vì không sống nổi trên mảnh đất của mình? Hãy làm phước bỏ vài giây để nghĩ đến họ.

Thưa  ông Đặng Hùng Võ, thưa ông giáo sư. “Bán” để ăn dễ hơn “làm” để ăn hay sao?