Wednesday, January 17, 2024

LỜI NGUYỀN NƯỚC NHƯỢC TIỂU HAY SỰ TÀN NHẪN CỦA NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA?

Tôi vào miền Nam lập nghiệp ở một vùng nông thôn trong một tỉnh gần Sài Gòn. Nơi đây gần như là quê hương thứ hai của tôi qua thời gian phân nửa cuộc đời của mình. Khi không còn sinh cư ở nơi yêu dấu này, thi thoảng tôi trở về thăm chốn cũ, những người quý mến ở đây đón tiếp thật nồng hậu, ân tình.

 “Con sẽ thết chú món gà luộc hết sức đặc biệt”, một người quen còn trẻ mời mọc tôi. Khách đến nhà không gà thời vịt, cái ăn thật sự thành một “nếp văn hóa” khi đón tiếp nhau, ngày nay vẫn còn. “Gà đặc biệt” ở đây, tôi phải nói thật thà, là gà sẽ bị “vặn cổ” cho chết, chứ không cắt tiết thông thường trước khi vặt lông, mổ thịt. Các bạn đã hình dung cuộc đón tiếp “nồng hậu” thành “buồn bã” trong lòng tôi thế nào khi nhìn thấy con gà bị vặn cổ đến chết trước mặt tôi: những miếng thịt luộc chặt miếng không trắng mà tim tím huyết gà, “đặc biệt” là đây.

Không phải bây giờ người ta mới “tàn nhẫn” với con vật mang lại thức ăn ngon, bổ dưỡng cho con người. Thời mấy chục năm trước, con dê là nạn nhân tôi để ý khi còn năm bảy tuổi. Trước khi mổ thịt, người ta cột nó vào một gốc cây, sau khi tộng nửa lít rượu trắng vào bao tử, và đánh nhừ tử  nó bằng cây hay bằng roi. Đánh càng nhiều “càng tốt,” để thịt dê, nhất là con đực, không còn hôi “xạ”, mùi đặc trưng của dê. Bây giờ, nếu ăn thịt chó, các bạn sẽ thấy số phận con vật trung thành đáng yêu này chịu đau đớn thế nào. Ở nông thôn, chó sẽ được "trấn" nước cho chết, sau đó đem đi thui trên lửa, lửa rơm nếp càng “thơm”, sau đó thì “phân thây” từng mảnh, làm tròn nhiệm vụ đặc sản cầy “trăm món”, không còn “cầy bảy món” truyền thống.

Chốn cao sang và vương giả trước đây, các bạn có biết đến món “óc khỉ” chưa? Nghe nói bây giờ bên Trung Quốc vẫn còn duy trì “đặc sản” này. Khỉ được trói chặt, đầu nó nằm dưới một cái bàn có khoét một lỗ tròn để sọ khỉ lồi lên, vừa đủ để một con dao bén lia cắt đứt sọ, lòi ra phần óc khỉ trắng nhờ nhờ có lẫn các tia máu hồng tươi. Các món gia vị được thêm vào trên phần sọ bị cắt như một cái chén đựng chất sền sệt của não. Tợp một vài ngụm rượu tây, người ăn hỉ hả cười với nhau: giới đẳng cấp thì món ăn cũng đẳng cấp. Đọc Lỗ Tấn, các bạn sẽ thấy cảnh người ta lấy bánh bao chấm vào máu phọt ra từ cổ tử tù, nhai ngồm ngoàm máu huyết để chữa bệnh…cùi!

Gần đây thôi, các nước EU hay phê phán Việt Nam giết bò tàn nhẫn bằng búa trước khi mổ thịt, không phải “dí” điện cho chết như họ. Giết một mạng sống, dù là một mạng sống con bò, quan niệm Tây, Ta cũng khác nhau khá xa. Không phải giết súc vật chết đột ngột sẽ không làm tiết ra các chất gây hại trong thịt bằng giết chúng từ từ trong đau đớn, nhưng cái việc nhỏ này nói lên tính cách khác nhau giữa một người ở xứ sở văn minh và một người ở xứ sở chưa văn minh như họ.

Ở Việt Nam hay Trung Quốc có các hội bảo vệ súc vật chưa? Hành hạ thú nuôi như chó, mèo, bò, ngựa có phạm tội hay không? Ơi, hơi đâu mà lo chuyện bao đồng, trên trời dưới đất, đập con bò một búa nó quay quắt lồng lộn trước khi chết có khác gì dí  một dòng điện để nó chết ngay đơ?

Có bạn nào đọc nhiều sách vở phương Tây thấy các hiệp sĩ thời xưa của họ…ăn thịt người như những hảo hán anh hùng trong Thủy Hử? Kém văn hóa hay văn minh đưa đẩy con người phải tàn ác đến đỗi ăn thịt đồng loại? Không, tôi thấy không phải. Chiến tranh liên miên  - nhờ chiến tranh mới hùng cứ, mới thống lĩnh thiên hạ - là nguyên do chính, là môi trường cho cái ác, cái tàn nhẫn nảy sinh.

Người Việt chúng ta ít đánh nhau hay đánh nhau với người Tàu không đáng kể? Tôi đọc sử Việt thấy chiến tranh là… “chủ đạo, bao trùm, chiến tranh đánh lẫn nhau và đánh nhau với kẻ thù phương Bắc. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, “hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã làm cho người Việt có lẽ vốn rất hiền hòa dần trở nên rất tàn nhẫn?

Chúng ta còn nhớ thực dân Pháp, qua sự tiếp tay và chắc chắn là gợi ý của một số người Việt quan lại cầm quyền thời đó - thấm nhuần “văn hóa chém đầu”, đã chặt đầu các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng, rồi cắm lên cọc nhọn, một hình ảnh man rợ tôi không thấy có, hay chưa được đọc, trong văn học nước Pháp.

Chiến tranh, dù là "chiến tranh chính nghĩa", đã làm con người trở nên tàn nhẫn, nhưng đồng thời, nó còn làm môi trường thuận lợi để sự tàn nhẫn được đưa lên cực điểm. Miền quê hiền hòa của tôi ở vùng rừng núi phía tây Quảng Nam trong những năm tháng chiến tranh, sự tàn nhẫn của con người với nhau không phải là không có. Dưới danh nghĩa “quốc gia” hay “giải phóng”, người hai bên cùng một quê hương, cùng một dòng tộc, có khi cùng gia đình, ứng xử với nhau lắm khi hết sức tàn nhẫn.

Lúc nhỏ chừng 5 tuổi, tôi được chị tôi, cùng nhiều người khác trong xã, dẫn đi xem “Việt cộng chết”. Bên một đầu cầu trên dòng nước xanh biếc chảy vô tình, dưới bóng cây đa che bóng dửng dưng, hai “thằng” Việt cộng nằm sát nhau, tay bị trói chặt, mặt bị đánh dập nát, đứng đằng xa tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ mùi người chết tỏa ra trong không khí. Thây “quân thù” phơi ra như thế mục đích để đe dọa người ta không theo cộng sản, và mục đích ấy đã không thành công.

 “Việt cộng” chính nghĩa hơn, bao dung hơn? Những người còn sống bây giờ vẫn còn nhớ những cái  xác chết thảm thương của các “ấp trưởng”, “liên gia trưởng” “ác ôn”, “có nợ máu” với nhân dân, với mảnh giấy nhỏ trên ngực đẫm máu nạn nhân, ghi dòng chữ nguệch ngoạc “tên này đã bị tòa án nhân dân xử tử”. Chiến tranh thì ai hơi đâu mà lập tòa án nhưng người “quốc gia” vẫn bị xử tử chỗ này, nơi kia. Câu chuyện thương tâm hơn bây giờ vẫn còn nghe kể. Một “thằng ác ôn”, anh ta là lính địa phương quân, bị bắt dẫn đi trong đêm khi lén về nhà thăm vợ, bởi một du kích cùng thôn; anh ta bị trói vào một gốc cây trong rừng, và bỏ đói cho đến chết. Câu chuyện sẽ không được biết nếu “anh hàng xóm” này không huênh hoang kể lể thành tích sau chiến tranh.

Chỉ trong những người hiền lành chân phác ở vùng quê tôi ở, có một số người tàn nhẫn của hai phe như thế? Cả nước thì sao? Quý vị hẳn không quên một cái búa nặng mấy ký trưng bày trong một bảo tàng địa phương, với câu ghi chú đại ý: đồng chí X huyện đội đã dùng búa này đập chết hàng chục thằng ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Cầm súng bắn chết thì dễ dàng nhưng cầm búa đập chết người thì người bị giết phải bị trói lại, giết một người thất thế. Hành quyết “kẻ thù” kiểu này thì tàn nhẫn quá, không khác chi IS thời nay.

Tôi đưa ra những ví dụ như thế không nhằm mục đích xuyên tạc “cách mạng”, nhưng muốn nói rằng cái tàn nhẫn không phải bên “cách mạng” mới có, bên “phản cách mạng” tức bên “quốc gia” không phải là “vô tư”; tôi khi còn bé chứng kiến một nữ du kích chết bị lột truồng quần áo, nằm dựa vào vách hầm ở tư thế người ngửa ra phía trước, một quả M79 được ai đó nhét vào cửa mình, trong một hầm bí mật bị bung nắp, sát sân bay Hội An năm mậu thân 1968.

Cái tàn nhẫn thể hiện dưới lý tưởng “giải phóng” hay “chống cộng” không những gây đau đớn cho đồng loại mà khiến đồng loại trở nên tàn nhẫn hơn, và vô cảm hơn, ở ngay cả thế hệ những đứa trẻ hồn nhiên như tôi, một trong hàng triệu đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ khác, nếu còn tiếp diễn chiến tranh, sẽ coi đồng bào ruột thịt của mình như một giống nòi “phản động”, cần bị tiêu diệt: lúc học lớp đệ lục, tôi cùng hàng chục đứa trẻ hồ hởi, vô tư rủ nhau đi coi…Việt cộng bị bắn chết gần lao xá (nhà tù) Hội An!

“Việt cộng” cũng là người. “Quốc gia” cũng là người. Quốc gia hay Việt cộng cũng là người Việt Nam, cũng là giống Lạc Hồng, một bọc sinh ra, tất cả là “đồng bào”.

Hiện nay, trên dải đất thống nhất này, tất cả người Việt Nam sống trong không khí an bình, không tiếng súng. Liệu có còn “cuộc chiến ý thức hệ” nào nữa đang chia rẽ con người Việt Nam? Tôi không thể trả lời và tôi tin quý vị sẽ cũng như tôi.

Tâm thế nhà cầm quyền luôn sợ bị “xâm lược” dẫn đến bị mất nước hay sự lo âu có “thế lực thù địch” nào đó có thể làm cho nước mất, không những cản trở nỗ lực đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc, mà còn làm suy yếu tiềm lực quốc gia, nếu duy trì sự lo lắng này quá dài, sử dụng các biện pháp ngăn chặn lo âu này quá “mãnh liệt”, đất nước sớm muộn cũng sẽ yếu đi, sẽ bị một cường quốc đang bành trướng vũ bão khuất phục, khi họ đang nổi lên như một thách thức nhân loại, ngay cả một nước hùng mạnh nhất thế giới cũng còn sợ hãi, e dè.

Mỗi lần nghe cử quốc ca khi thấy đội bóng nhà chào cờ trước một trận đấu quan trọng, có lẽ quá phấn khích trước triển vọng lên ngôi vinh quang vô địch, người Việt Nam không chú tâm mấy câu hát của bài quốc ca: “Đường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” hay “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”. Việt Nam sẽ tiến lên con đường vinh quang nên cần phải “xây xác” quân thù cũng là xác con người? Có cần phải lập chiến khu để đánh nhau nữa hay sao?

Tại sao không bắt tay: “đỏ” với “vàng”, và ngay cả với “kẻ thù” như cha ông chúng ta từng làm trong quá khứ, xây dựng một đất nước văn minh, an hòa và hùng mạnh? Làm được như thế, chúng ta sẽ thoát khỏi “lời nguyền" một nước nhược tiểu,  suy yếu vì trải qua không biết bao chém giết bởi chiến tranh, và trên hết, để con người Việt Nam trở thành những con người yêu thương, nhân hậu, bao dung, từ đó sẽ không còn tàn nhẫn với nhau như trong quá khứ chiến tranh. Hãy khôn ngoan và can đảm cởi bỏ lời nguyền tàn nhẫn kia đi.

Nhưng đến bao giờ?

Phiếm luận về TỰ HÀO.

(Nhân câu chuyện bóng đá năm 2018)

Tự hào quá Việt Nam! Mà không tự hào sao được, khi đọc lịch sử:

- Những năm đầu công nguyên, hai người phụ nữ đã kiên cường cầm gươm, cưỡi ngựa đánh té tát thái thú Tàu cai trị tàn ác, khiến y bỏ chạy về nước.

- Gần một ngàn năm đô hộ, người Việt vẫn không thành người Tàu.

Ngàn năm nô lệ vẫn giữ được bản sắc văn hóa, và ưu việt hơn, đã hấp thu tinh hoa văn minh của kẻ đi nô dịch, ngay cả những thập niên gần đây, văn minh của thực dân, đế quốc để có nền văn hóa đậm đà Việt Nam.

- Dù phải trả giá bằng hàng triệu mạng sống, đất nước bị cày xới bởi đạn bom, tàn phá bởi chất độc da cam, bởi lòng thù hận phân chia giới tuyến, khác biệt ý thức hệ, non sông VN đã thu về một mối, Nam Bắc một nhà.

- Bên những tự hào lớn của dân tộc, ta còn những tự hào riêng rẻ khác: Ngoài những thành phần ưu tú trong nước,những thành phần xuất sắc trí tuệ trác tuyệt ở rải rác khắp nơi trên thế giới, nhất là những nước tiên tiến hàng đầu. Những Nguyễn Xuân Vinh, nhà khoa học với khám phá quỹ đạo không gian, đã giúp phi thuyền Apollo Mỹ lần đầu tiên đưa con người bước xuống mặt trăng. Những Dương Nguyệt Anh đã giúp hải quân Mỹ sáng chế hàng chục loại vũ khí tối tân, trong đó có bom áp nhiệt đánh sập hang động chằng chịt, sém giết chết trùm khủng bố Bin Laden ở Áp ga nít tan. Những Giao Phan, tổng giám đốc điều hành chế tạo hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, một loại tàu chiến trên biển, rất tối tân và phức tạp, đến nỗi người Trung Quốc cũng phải mua một hạm đội cũ của Ukraine về tháo ra mà “độ” lại, và đang bắt chước cày cục chế thêm một chiếc, không rõ có ra hồn chi không. Ít người biết chiếc thẻ rút tiền ATM lại cũng phát xuất từ ý tưởng của một người Việt gốc Quảng Ngãi.

Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, trước đó có bác sĩ Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa… và một số người Việt trong nước cũng đã đem về tự hào cho dân tộc, chưa kể, đánh nhau, tức trong chiến tranh, người Mỹ cũng “kiêng dè” người Bắc Việt.

- Nếu không giỏi đánh giặc, năm 1979, quân đội VN đã để quân Trung Quốc tràn xuống Hà Nội ngồi uống bia Trúc Bạch từ lâu. Chúng ta cũng tự hào có đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy phải hy sinh số quân gấp bội đối phương, đã khiến tướng De Castrie phải kéo cờ trắng ở Điện Biên Phủ,  hàng chục ngàn quân Pháp đầu hàng, dẫn đến hiệp định Geneve chia đôi đất nước 1954.

Đất nước sau mấy ngàn năm giữ nước, mấy mươi năm chiến tranh, liệu còn có tự hào nữa không? Còn chớ, dài dài. Nhưng vài chuyện “cỏn con” gây khó chịu như sau, cũng làm kém tự hào.

- Hơn mấy chục năm đất nước thống nhất, xứ sở yên bình, bình quân đầu người về GDP được xếp vào dạng trung bình thấp. Chúng ta đã là nước …khá chưa, khi Mã Lai, Thái Lan, chứ chưa so với Hàn, với Nhật, đã vượt mặt chúng ta? Lào, Miên có những cái hơn ta, tuy nói chung còn thua ta, liệu họ có bóp còi qua mặt chúng ta nay mai hay không?

-Chúng ta hy sinh mấy triệu mạng sống, một phần để giành lại độc lập, thống nhất, phần khác cũng để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Liệu xã hội chúng ta đang sống có tốt đẹp như ước muốn hay không?

-Giáo dục, y tế: mọi người dân có được đi học miễn phí, đến bệnh viện chữa trị mà không phải mất tiền chưa, như ở 2 nước XHCN nghèo "mạt rệp" là Cu Ba và Bắc Triều Tiên? Người nghèo chen chúc đưa con vào trường điểm được không? Họ có được ra nước ngoài chữa bệnh như những người giàu có, một số quan chức chính phủ không?

Lò lửa đang ngùn ngụt, liệu có diệt nổi, diệt hết, tham nhũng không, hay tham nhũng cũng…"năm sau cao hơn năm trước" như sản xuất?

Liệt kê những “mặt xấu” nhiều quá sẽ  bị quy cho tội “nói xấu chế độ”, cũng rầu. Để kết luận, “tự hào quá Việt Nam”, tôi xin “thèo lẻo” qua đội bóng VN.

Tối nay, nếu thắng, đội bóng chúng ta sẽ được truyền thông chính thống và "không chính thống” ca ngợi không hết lời, đại để “tự hào quá VN”, “Vinh quang quá VN”, có khi còn “Anh hùng quá VN”, không chừng. Nếu có “tự hào quá VN” thì thật ra chỉ tự hào một nửa, 50%, không thể 100% như uống bia , uống rượu. Nếu huấn luyện viên là người VN thì tự hào quá VN là đúng. Nhưng huấn luyện viên là người Hàn Quốc, lại là “ông thầy”, là “cái đầu” của đội tuyển. Phía VN chỉ sở hữu những cặp chân, (cơ bắp) dù có huyền ảo chuyển hóa thần sầu như cặp chân Công Phượng, cũng chỉ là những cái chân. Cái đầu của người ngoại quốc mà.

Tự hào quá VN ư? Nói cho rõ "tự hào quá Việt-Hàn" mới đúng, dù ông Park Seo này ăn lương 800 triệu/tháng của Hoàng Anh Gia Lai. Và nếu dùng phép loại suy, phải gọi thêm “tự hào quá bầu Đức ơi”…

Thể thao dù có “đối kháng”  thắng thua, cũng chỉ là thể thao. Nếu thắng thì gọi “tự hào”, nếu thua thì gọi… “hỗ thẹn” hay sao? Các anh cầu thủ thắng thì được gọi “ đã đem niềm vinh quang chói lòa về đất nước” nhưng nếu các anh thua, không lẽ gọi “đã mang lại nỗi hổ thẹn  cho quê hương”?

Cổ vũ đội nhà là điều đương nhiên nhưng cổ vũ như kiểu trong World Cup vừa qua, có ai đó cầm lá cờ đứng trên sân ở Nga, và “tự hào quá đỗi lá cờ tổ quốc thân yêu” thì người ta thấy kỳ cục quá. Ùn ùn kéo nhau xuống phố khi đội nhà chiến thắng, gây ùn tắc giao thông, đã có tai nạn chết người; lại có những cô gái thân hình bốc lửa, lợi dụng chỗ đông người mà khoe thân, đám đông nhìn thân hình trần truồng rồi hô hố cười, không có một nam tử nào cầm lấy cái áo chạy đến choàng cô, để về nhà cô ta suy nghĩ lại hành động của mình.

Uống bia, la hét, vung tay, vung chân, thậm chí cá độ chầu nhậu…đều dễ thương cả. Đấy mới đúng là tự hào, lớp trẻ VN biết kiềm chế, chừng mực; niềm vui đội nhà thắng một trận đấu không trả giá bằng những cái chết đáng thương của người hâm mộ quá khích chạy xe bạt mạng trên phố, reo hò hú ga gầm thét.

Các thanh niên “đi bão” hãy nhớ bài học sau đây về lòng tự hào dân tộc; hoàng đế Hirohito, lãnh tụ tinh thần thiêng liêng nhất xứ mặt trời mọc, đã từng cúi đầu hàng giờ trước kẻ chiến thắng Mac Arthur, người đại diện nước Mỹ. Dân Nhật Bản đã sống hơn 6 năm dưới sự “cai trị” của kẻ đánh bại mình để có nước Nhật ngày nay, luôn là người cho kẻ khác vay tiền.

Ngẩng cao đầu mà tự hào làm chi khi phải ngửa tay mượn tiền của kẻ từng "cúi đầu" như những người dân Nhật thất trận. Biết tự hào và biết xấu hổ, chính là biết vươn lên. Tự hào mãi mà “không chịu phát triển”, hổng chịu đi lên, là điều mỗi người chúng ta nên suy nghĩ, và tôi hy vọng chiều tối nay, đội VN sẽ thắng đội Mã Lai, để chúng ta có dịp suy nghĩ thêm. Hai đội đều đáng tự hào như nhau: đã cống hiến hết mình cho bóng đá. Và càng tự hào hơn khi ở VN chẳng có anh nào "đi bão", và ra đi mãi mãi, nếu đội bóng VN chiến thắng trận bóng tối nay.

30 CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM: NGƯỜI VIỆT CẢM TÍNH

3- 0 là kết quả bóng đá VN- Indo và 30 là cái chết được báo trước của 30 thanh niên Việt Nam tham gia đi bão mừng chiến thắng “chấn động Đông Nam Á”! Ba chục con người này có ba chục gia đình đau đớn mất đi người thân. “Lời nguyền” của sự vinh quang, dẫu là vinh quang mang về từ trái bóng, như ám ảnh hơn 90 triệu dân VN, mỗi lần “vô địch” là mỗi lần có máu của mấy chục công dân đổ ra. Có thể tránh được những cái chết bi thảm ấy không? Được, nếu những người đi bão mừng chiến thắng nghe theo trái tim ít hơn cái đầu: không tràn ra đường kéo cờ la hét rú ga, chạy bạt mạng, gây tai nạn giao thông thảm khốc cho mình và đồng loại.

Trái tim luôn là bầu máu nóng, cái chết vô nghĩa, sá gì?

Không phải bây giờ người Việt mới nặng cảm tính mà nhẹ lý trí. Lịch sử nhiều ví dụ lắm, dù lịch sử cũng chứng kiến hiếm hoi “lý trí mạnh hơn con tim”. Xa xưa thì có Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, không vì tình cảm người cha Trần Liễu trăng trối lúc lâm chung: hãy trả thù nhà, vợ mình, tức mẹ của Trần Hưng Đạo đang mang thai bị Trần Thủ Độ ép lấy vua để có người truyền ngôi nhà Trần. Chiến thắng quân Nguyên 3 lần là chiến thắng rực rỡ nhất trong lịch sử nước nhà trước một đội quân hùng mạnh nhất (xét về thực lực đối chọi, VN lúc đó không có nước nào “viện trợ” súng đạn tiền bạc), của con cháu Thành Cát Tư Hãn từng làm cỏ cả một vùng đất văn minh châu Âu. Phan Châu Trinh cũng không vì cái chết oan khuất của cha dưới tay thủ lĩnh Cần Vương Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam để “trả thù nhà” mà quên “thù nước", đi theo đối phương mà chống lại Cần Vương. 


Cũng vì cảm tính, vì trái tim, Minh Mạng rồi Tự Đức con cháu ông, không gớm tay ra lệnh tàn sát những người theo đạo “Gia Tô”, quy cho tội rước giặc “Tây dương” về phá hoại đạo lý nước nhà! Có vị vua nào suy nghĩ theo đạo đâu phải theo ma quỉ? Ngay cả khai quốc công thần Lê Văn Duyệt vì “trót” có con “làm giặc”, mồ mả bị san phẳng, đóng xích sắt bắt “phục pháp” (trị tội) trong khi trước đó cũng trong lịch sử thảm trạng Lệ Chi viên với cái chết “tru di tam tộc” thảm khốc đối với gia đình và bản thân Nguyễn Trãi, vị công thần công lớn nhất đánh thắng quân Minh, một thế lực thâm độc tàn phá không những giang sơn nước Việt mà còn hủy diệt nền văn hóa lâu đời nước ta, “đốt sách”. “bắt học trò”.

Cảm tính lấn át nghĩ suy: họ có đáng bị "cào mồ" hay bị giết oan uổng khi công trạng của họ cao vời vợi?

Người Việt cũng vì bầu nhiệt huyết (máu nóng) tiếp nhận một chủ nghĩa ngoại lai xa lạ, làm sức sống cho một phong trào giành độc lập nước nhà, hăng hái như thấy được chân lý “con đường giải phóng các nước thuộc địa” trong luận cương của Lê Nin; cái chủ nghĩa vô địch, bách chiến bách thắng, hòa lẫn với lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người Việt đến nỗi “yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội”, ai không yêu chủ nghĩa xã hội sẽ không được coi là yêu nước. Tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em” mạnh mẽ đến nỗi chọn bạn chơi thân đến mức “không còn gì để giấu”, vun xới một tình bạn “núi liền núi sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, rồi một thời gian không lâu, anh bạn vàng xua quân ào ạt đánh phá đốt nhà “bạn chí cốt” của mình.

Tình cảm nặng hơn lý trí nên một thời gian “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, không bình tâm suy nghĩ “xã hội có bóc lột” không phải lúc có đế quốc, thực dân mà có từ con người mới sinh ra: thống trị của kẻ mạnh với kẻ yếu là quy luật cuộc sống.

Quyết tâm mang lại “công bằng xã hội, cuộc sống người không bóc lột người”, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, một thời gian dài chi phối đời sống xã hội VN, làm đảo lộn quy luật phát triển loài người; cạnh tranh sinh tồn là quy luật vũ trụ - trong mọi phương diện cuộc sống.

Trái tim khát khao một xã hội cộng sản lý tưởng khiến con người VN hy sinh không biết bao di sản vật chất lẫn tinh thần của cha ông xây dựng (mạng sống người dân, chùa chiền, miếu mạo, đền đài…) để tạo ra một xã hội tốt đẹp, một xã hội lý tưởng, đến nỗi khi dân chúng đói khổ không gạo ăn trong khi đất ruộng một số bỏ hoang, một số màu mỡ khép vào hợp tác xã năng suất không có, do triết lý “cha chung không ai khóc” vẫn được duy trì một thời gian khá dài.

Người ta vẫn kiên trì kéo dài tình trạng “quá độ” với niềm tin “một cuộc sinh nở nào mà không đau đớn” (Lê Nin) cho đến khi không “kiên trì” được nữa, khối XHCN lung lay và sụp đổ (cuối thập niên 1980): “cởi trói” nền kinh tế quan liêu bao cấp. Nếu phe XHCN không sụp đổ liệu VN có từ bỏ con đường tiến lên đầy gian khổ và đau đớn của mình hay không? Không ai biết được.

Nhắc lại quá khứ lịch sử không phải để quy trách nhiệm cho ai. Người đáng bị quy trách nhiệm đó là “bầu nhiệt huyết” ngút ngàn của một số người Việt Nam: Trái tim nóng nhưng cái đầu không lạnh.

Tôi có biết câu chuyện của một bà mẹ anh hùng nổi tiếng nhất Quảng Nam (có lẽ nhất nước) có chồng, con hơn chục người, hy sinh trong cuộc chiến tranh VN vừa qua. Hình ảnh của một người mẹ già thời bình bên hàng chục chén cơm và đôi đũa của những người thân không còn trên đời thật xót xa đau đớn. Tại sao lúc chiến tranh ác liệt không có ai nghĩ tới (bằng cái đầu lạnh) phải giữ một hay hai người con của bà gửi ra Bắc hay Liên Xô, Trung Quốc, cho học hành tử tế để khi hết tiếng đạn bom, họ trở về phụng dưỡng người mẹ tảo tần hy sinh cho quê hương, tổ quốc? Bầu nhiệt huyết “chống Mỹ cứu nước” sục sôi đến mức một gia đình hàng chục người thân đều bỏ mạng, khi có hòa bình người mẹ già sống những ngày cô độc bên những tấm bằng liệt sĩ dầy vinh quang?

Tôi thấy trái tim người Việt luôn luôn nóng, cái đầu lại không bao giờ “lạnh”: cảm tính chi phối mọi con người Việt Nam hay sao?

Tại sao hơn 30 người chết vì ăn mừng chiến thắng 3-0 trong một trận bóng đá chỉ ở tầm khu vực? Tại sao cả nước như ở vào chảo lửa trong đêm kết thúc trận bóng Sea Games? Cả nước tràn ngập cờ đỏ, con người đổ xô ra đường mừng chiến thắng, không ở với gia đình bè bạn, cùng nhau nâng ly chúc tụng chiến thắng đội nhà? Có nhất thiết tràn ngập phố phường với mọi thành phần già trẻ để thể hiện “lòng yêu nước”, kể cả ba vị sư đầu trọc không nón bảo hiểm cầm cờ chở ba trên xe máy? Có nhất thiết phải cởi truồng phơi lông, phơi mông, phơi vú để “tự hào quá đội bóng VN tôi ơi"? (May mà chỉ 1, 2 cô gái bốc đồng, chứ cả phố nữ truồng chạy (streaking) thì…chết càng dữ, “lạc tay lái” vì xem những “chỗ” hấp dẫn hơn).

Trái tim yêu bóng đá nhưng cứ ngỡ là yêu nước chân chính sục sôi đến nỗi một ông huấn luyện viên nước ngoài được ví như “vị cứu tinh dân tộc”, đưa VN đến đỉnh vinh quang qua bóng đá (một giải khu vực), có bác cán bộ cấp nhớn còn đòi cấp quốc tịch VN hay có người đòi “dựng tượng” cho vị này nữa.

Brazil là “cường quốc bóng đá” cũng chỉ vô địch World cup một đôi lần trong lịch sử bóng đá thế giới, không lẽ Việt Nam một quốc gia “nhỏ bé” về bóng đá sẽ mãi mãi vô địch Đông Nam Á? Người Việt Nam sẽ có “một thế nước đi lên” nhờ bóng đá mà không chú tâm những lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ khác?

Park Hang-seo so với Ngô Bảo Châu, ai đem vinh quang về cho Việt Nam cao hơn? Cúp bóng đá Sea Games hay giải “Nobel toán học”, cái nào trí tuệ hơn? Có ai nghĩ tới việc tạc tượng nhà toán học hay chưa mà chỉ nghĩ tới tạc tượng một huấn luyện viên bóng đá?

Thần tượng của giới trẻ VN mê bóng đá.

Vinh quang từ bóng đá mang lại cho VN là không thể chối cãi nhưng có nhất thiết cả nước phải cuống cuồng vì một trận bóng, hay cả nước phải có hơn 30 người đổ máu cho một tỷ số 3-0?

Trái tim nóng cần một cái đầu lạnh, sáo ngữ này vẫn còn ý nghĩa: một ngày nào đó, có lẽ không xa, đội bóng và huấn luyện viên huyền thoại mang về kết quả không phải là 3-0 mà là 0-3 thì người “yêu bóng đá” (đồng nghĩa yêu nước?) có đem tượng ông xứ sở Kim Chi này ra đốt hay không? Người ta có còn xem ông là thần tượng số 1 VN nữa hay không?

Nếu tỉnh táo sẽ thấy chuyện đó không phải không xảy ra. Việt Nam hơn bao giờ hết cần những cái đầu “lạnh” tỉnh táo bên trái tim “nóng” sục sôi. Đất nước sẽ được vinh quang không những nhiều công dân có trái tim nhiệt huyết, những người dẫn dắt quốc gia phải ở vào tầm vóc xứng đáng hậu duệ của Trần Hưng Đạo hay của Phan Châu Trinh, trí tuệ mới làm đất nước này vinh quang chứ không phải trái tim.

Có vị nào coi cái “chết” của cha mình là “nhẹ” và cái “sống” của đồng bào mới là “nặng” như hai vị tiền nhân kia không? Hay mãi mãi trái tim chi phối khối óc? Những “vô địch” bóng đá sắp tới số người chết vì đi bão sẽ không phải 30 mà phải là “năm sau luôn cao hơn năm trước”?

SĨ KHÍ

Trước 1975, ở miền Nam hai từ “sĩ khí” (và tiết tháo) sử dụng ở tần suất nhiều không kém “kiên định” hay (tuyệt đối) “trung thành” như bây giờ.

“Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”

Tú Xương nói về sĩ khí của nhà nho; tôi thì nói về sĩ khí của quan chức. Thời sự VN nóng lên mỗi khi xuất hiện hai nhân vật một “thời oanh liệt”, cựu bộ trưởng bộ thông tin truyền thông. Khác với phong độ khí thế lúc đương chức hay nhận huân chương, hai ông trông thật thảm hại: không phải vì trong thân phận tù nhân nhưng là trong thân phận không còn “sĩ khí”.

Một vị thì bảo tôi làm theo chỉ đạo, nghĩa là đá trái banh qua “thủ trưởng” cũ (ai mà không làm theo chỉ đạo ở xã hội này?), một vị thì nay nhận, mai chối…3 triệu đô la. Lúc thì bảo đưa tiền cho con, lúc thì cho vợ, lúc thì chối phăng, lúc thì “để coi lại”. Cùng một con người nhưng không cùng một tính cách: một người hai mặt. Một vị luôn luôn kiên định, răn đe “kẻ nói xấu” chính quyền trên mạng cần bị nghiêm trị; ông tự "rào đón" cho bản thân sai quấy; một vị thì viết sách khuyên răn người khác “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” nhưng bản thân thì tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cả hai gương mặt một thời sáng ngời danh vọng có chung một tính cách: “nói dậy mà hổng phải dậy”. Ở đây, không đi sâu vào vụ việc tham nhũng, hối lộ, tôi chỉ muốn nói “sĩ khí” con người, văn vẻ hơn cái “tiết tháo” con người.

Những võ sĩ Nhật Bản thời xưa tự mổ bụng khi danh dự bị xúc phạm, tiết tháo bị vùi lấp. Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 VNCH, tự bắn vào đầu kết liễu cuộc đời binh nghiệp, chấm dứt số phận “một chiến sĩ” ở thế phải đầu hàng thua trận. Cái chết lặng lẽ không ai nhắc tới trong hoàn cảnh này nhưng là cái chết nói lên lòng tự tôn, giữ gìn tiết tháo, sĩ khí con người. Không thể đòi hỏi quan chức như hai ông đang ra tòa phải dũng khí trong song sắt. Nhưng ít ra, dù ở hoàn cảnh nào họ cũng phải giữ chút “sĩ khí” còn lại của một con người: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”.

Dám làm thì dám chịu trách nhiệm. Ba triệu hay ba trăm triệu đô la đều không khác nhau ở ý nghĩa: phạm tội; 200 ngàn đô la cũng vậy, tất cả đều là của phạm tội mà có. Chối quanh chối co rồi cũng vào nhà đá “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt” mà thôi. Tại sao hai người không can đảm nhận tội: tôi thấy tiền, tôi mờ mắt, tôi sai phạm, hãy xử tôi như bất cứ người phạm tội khác. Nếu hai ông có chút sĩ khí như thế, tôi nghĩ dư luận sẽ bớt chì chiết hơn, người đời sẽ thông cảm hai ông nhiều hơn.

Trong chiến tranh mạng sống trên sợi tơ mành, người ta dễ dàng giữ sĩ khí hơn trong hòa bình hay sao? Viết đến đây, tôi nhớ một thiếu niên 15 tuổi làm giao liên ở quê tôi, tên anh là Trương Đình Nam. Khi bị bắt cho đến lúc bị tra tấn, khai thác đường dây danh sách cán bộ cao hơn, em (gọi theo lúc anh mất) một mực không khai báo, và khi bị trói chặt dẫn ra một cánh đồng vắng để xử tử, thấy gương mặt em còn quá non nớt, người thi hành án tử cảm động bèn bảo, nếu em quỳ xuống xin tha mạng họ sẽ tha ngay (quyền trong chiến tranh mà). Em chọn lấy cái chết mà không chịu quỳ. Trẻ mà sĩ khí ngút ngàn. Ở Quảng Nam, tên anh được đặt cho nhiều trường trung tiểu học.

Lúc đương quyền, hai quan chức thông tin truyền thông này sáng như sao mai trên bầu trời chính trị. Khi lòng tham trỗi dậy, họ cũng sáng chói cả nước: than thở, xin xỏ, chối quanh…trước tòa án.

Ba triệu đô la là lớn nhưng có lớn hơn ý nghĩa: cha bảo đưa tiền hối lộ cho con nhưng con từ chối bảo không biết. Không người cha nào có lòng dạ vu vạ cho con và cũng không người con nào không cứu cha trong khi hoạn nạn! Ba triệu đô la đau đớn và xót xa.

Tôi lạc đề rồi. Tôi trở lại hai từ “sĩ khí”. Tôi có suy nghĩ giản dị: càng làm lớn sĩ khí càng cao. Một ủy viên trung ương chắc chắn sĩ khí của ông ta phải nhiều hơn một ông ủy viên cấp ủy cơ sở. Thái độ và hành vi của hai cựu quan chức một thời xênh xang có đúng như mong đợi trong suy nghĩ thông thường của tôi? Nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là còn ai không như N.B.S hoặc T.M.T nữa khi “sa cơ” vẫn giữ chút “sĩ khí” để vớt vát ở cuối con đường hoạn lộ? Nếu ngày xưa: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn?” thì bây giờ: chẳng còn hùm, nói chi tới thiêng.

VUA KHÔNG ĐÙA

Xưa, ở gần vua dễ bị mất đầu vì lời vua như là "quân lệnh", hay "nhất ngôn nhất xuất tứ mã nan truy". Lời “vua”: năm 2020, VN sẽ là một nước công nghiệp cơ bản hiện đại. Sau 1975, cũng lời vua: 20 năm nữa, VN sẽ đuổi kịp nước Anh về công nghiệp. Nay, nhiều người nhắc lời vua kèm theo những nụ cười mỉa mai, bỡn cợt. Họ quên rằng vua không nói chơi. Tại thằng đánh máy, lời lời châu ngọc của vua thành ra không còn hàng hàng gấm thêu.

Con số thống kê, mi ác thiệt. Tất cả các phát biểu dự báo tiền đồ đất nước của các vị nguyên thủ đều căn cứ vào những con số thống kê của cấp dưới đưa lên. Thay vì "biết nói" sự thật thì con số lại chỉ "biết khoe" thành tích. Thành tích là thước đo thăng tiến của quan chức. Chắc chắn không ai được đề bạt nếu thành tích "thường thường bậc trung". Món ngon cần dặm muối, thêm mắm cho " vừa miệng" người ăn, cho nên ta không ngạc nhiên khi có lớp học chỉ có 1,2 học sinh hạng khá, gần như 99% là hạng giỏi. Con số cung cấp cho các nhà chiến lược dự báo tầm quốc gia (năm 2006) dựa vào đâu để năm 2020, VN cơ bản thành một nước công nghiệp phát triển?

Trách người dự báo 10 thì nên trách người "tham mưu" 9: đưa con số không trung thực, cho lãnh đạo "mang gương". Nhưng cái đáng trách nhất là sự trung thực không được đề cao ngang hàng với thành tích. Hãy báo cho nhau trong guồng máy quốc gia con số trung thực, không phải con số đẹp, con số thành tích. Đó cũng là lý do tại sao thời "đổi mới", câu nói: "hãy nhìn thẳng vào sự thật" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các phát biểu của lãnh đạo thời ấy (trước đó hay "nhìn xiên" lắm à?).

Dự báo tầm chiến lược nước nào cũng phải có, kể cả Mỹ, nước tư bản đang "giãy chết".

Tháng 5, 1961, Kennedy tuyên bố trước quốc hội, cuối thập niên 60, Mỹ sẽ đưa người lên mặt trăng và trở về trái đất bình an. 1969, Apollo 11, Neil Armstrong chỉ huy đã cắm cờ Mỹ xuống mặt trăng, đúng như tổng thống dự báo. Kennedy không thể tuyên bố bốc đồng; ông ta phải cân nhắc khả năng của NASA, căn cứ vào những con số tính toán trung thực cấp dưới đưa lên. Tất nhiên, những con số tính toán này không mảy may vì thành tích, hay phải theo đúng "nghị quyết" của chính phủ Kennedy.