Một quê hương, hai nẻo đường.
PHẦN I
Quê hương chỉ là cái tên trong quá khứ. Tôi không rõ, có phải làng, xã hay huyện, tỉnh, nơi mình chôn nhau cắt rốn mới có tên gọi quê hương. Đối với tôi, quê hương chỉ là cái tên Thường Đức, một địa danh không còn danh.
Người ta có thói quen gọi địa danh theo sở thích tiện lợi. Thường Đức (Quảng Nam) thành Thượng Đức – một địa danh có một lúc hai tượng đài chiến thắng cũng chỉ về một trận đánh lịch sử năm 1974. “Lịch sử” vì nó là một đơn vị hành chánh cấp quận được “giải phóng” đầu tiên ở miền Nam, mở màn cho trận đánh cấp tỉnh, rồi toàn nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lịch sử vì nó là trận đánh “quân ta” hy sinh gần 1000 (chính xác là 921 người) binh sĩ tinh nhuệ cấp sư đoàn, dưới sự chỉ huy của một tướng lĩnh dày dạn trận mạc. Và “quân địch” không rõ là bao nhiêu ở đơn vị cấp quận. Xác chết một số người sau mấy ngày chiến thắng trôi lềnh bềnh trên mặt 2 con sông chảy qua quận lỵ; để khỏi thối, dân chúng phải dùng sào để đẩy thi thể sắc phục “lính” trôi theo dòng nước vô tình. “Lịch sử” còn một điều nữa: cứ mỗi năm vào tháng 3, dân chúng các làng đều chung một ngày giỗ cho thân nhân của mình, những người mất tích trong ngày “chiến thắng”.
Quê hương tôi bắt đầu bằng chữ Thượng – Lộc Thượng, cái chữ khiến người ta liên tưởng đến người Thượng, sống rất nhiều trong dãy Trường Sơn bao bọc các làng mạc, xóm thôn. Thượng để phân biệt với kinh (người ở đồng bằng). Sau này, dân tộc Việt lại vô tình có thêm dân tộc Kinh! Thời ông Ngô Đình Diệm, quê tôi thường tổ chức hội chợ (hồi ấy còn gọi là chợ phiên – không đúng lắm) triển lãm nông nghiệp trưng bày sản phẩm của người kinh lẫn người thượng; lúc nhỏ tôi thấy câu khẩu hiệu rất lớn ở giữa: KINH THƯỢNG MỘT NHÀ. Ý nói dân tộc miền thượng và dân tộc vùng xuôi đều là anh em.
Lộc Thượng gồm 3 xã ở thượng nguồn sông Vu Gia: Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh thuộc sự quản lý của quận Đại Lộc. Thời Pháp thuộc ba xã này gọi là tổng Đức Thượng thuộc huyện Đại Lộc. Thời Việt Minh, Đại Lộc đổi thành huyện Đỗ Ngọc Mai, tên của vị trí thức liệt sĩ tham gia chống Pháp đầu tiên bị thực dân sát hại. Thời ông Ngô Đình Diệm, ba xã trên cùng với một phần của quận Hiên (Tây Giang và Đông Giang ngày nay) và quận Giằng (Nam Giang) trở thành quận Thường Đức vào cuối năm 1957. Tại đây có đồn An Điềm (quân Mỹ đóng một thời gian để huấn luyện quân “biệt kích”), bây giờ có trại giam nổi tiếng cùng tên.
Vị trí chiến lược quận lỵ Thường Đức được chú ý từ thời Tây. Thực dân Pháp chú trọng vùng này vì từ đây, dân quân Việt Minh có thể đi qua Lào, vô Nam (ngả Kon Tum), ra Bắc (ngả Nam Đông của Khu Tư – Bình Trị Thiên). Họ lập ra đồn Hiên (gần khu du lịch Cổng Trời) để vừa kiểm soát người dân tộc vừa kiểm soát người Kinh lôi kéo người Thượng theo Việt Minh. Người Mỹ sau này cũng chú ý tới Thường Đức (với đồn An Điềm). Sau đó, nhận thấy sự quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh, với phương tiện dồi dào về vận chuyển, họ bỏ căn cứ này và lập căn cứ mới ở Khâm Đức, cách đó non 100 cây số (nay thuộc Phước Sơn). Khi mất Thường Đức năm 1974, quân đội Sài Gòn có kế hoạch chiếm lại nhưng bỏ dở vì “thời thế” không còn. Mỹ thật sự bỏ rơi miền Nam. Tái chiếm một quận lỵ để lấy lại tinh thần là điều vô ích. Đồi 1062 (ở Thường Đức) là trận thư hùng ác liệt nhất giữa hai quân đội chính quy tại Quảng Nam tính tới thời điểm ấy.
Ở một quê hương mà sự ác liệt của chiến tranh đem lại không biết bao nhiêu mất mát cho người dân quê mình - cả hai bên, mỗi lần về thăm mồ mả cha ông, lòng tôi luôn luôn trĩu nặng. “Giải phóng” hay “chiến thắng”, quê tôi vẫn là nơi thiệt thòi nhất, mất mát nhất, và đau thương nhất. Thời VM, tất cả kiến trúc văn hóa như đình làng (đình nhóm), đình trung, chùa chiền, miếu mạo, đền đài…bị phá nát vì “tiêu thổ kháng chiến”. Pháp ném bom thường xuyên vùng “tự do” của Việt Minh (tức quê tôi). Trước mặt nhà viện sĩ (nhân vật tôi sẽ nói tới) Đặng Huy Huỳnh là ngôi chợ Trúc Hà. Bom và súng “liên thanh” của máy bay Pháp sát hại hơn 20 người đi chợ. Thịt người trộn lẫn thịt heo, thịt trâu. Mẹ của viện sĩ nằm trong số người may mắn sống sót. Chị ruột tôi sắp đẻ cùng chết với mẹ và hai đứa em chồng trong trận bom cùng năm.
Thời “đánh Mỹ”, không một mái nhà nào còn khi xóm làng chìm ngập trong bom napalm và đạn pháo; dân được đưa vào các trại tạm cư thiết lập quanh trụ sở quận lỵ. Số khá giả khác thì tản cư ra Hội An hay Đà Nẵng. Đồng không, nhà mất, không tiêu thổ kháng chiến mà như tiêu thổ kháng chiến. Ngôi nhà ngói năm gian chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của cha tôi nằm trong chảo lửa chiến tranh. Dù anh tôi là quan chức của VNCH, ngôi nhà người cha của anh không khác ngôi nhà của những người theo cộng sản (rất ít): tan hoang.
Thời Pháp thuộc, người dân chỉ biết có ruộng đồng, núi rừng. Đường đi từ “trung tâm” (nơi chợ Hà Tân bây giờ) đến tòa sứ (Pháp) ở Hội An thật thiên nan vạn nan: đi bộ hơn một ngày đường. Khi có chuyện bất công, chẳng ai muốn thưa kiện. Đi lại để hầu tòa vừa tốn kém vừa gian nan. Dân làng sống trong nỗi uất ức nếu có ông địa chủ hay cường hào nào đó ra tay bóc lột. Việc học hành còn gian nan hơn; nếu muốn lên…trung học thì phải ra Huế. Làng tôi có một (trong 2 người của tổng Đức Thượng) đỗ tú tài 2 trước 1940, sau này làm đến phó tỉnh trưởng. Quan huyện cho người đưa về tận làng bằng võng lọng. Dân làng mang trống chiêng ra đón tiếp. Chủ nhà mổ hai con trâu để thết cả làng.
Năm 1940, Pháp mới cho mở trường sơ, tiểu học Ecole de Đức Thượng; ngôi trường mượn chỗ dạy là đình trung (nơi hội họp và cúng tế) của làng tôi. Thầy phụ trách đầu tiên là ông giáo Xuân (ông ngoại của nghệ sĩ hài Hoài Linh). Nếu muốn thi tiểu học (gọi là primaire), thí sinh phải đi bộ chừng 15 cây số để dự học ở trụ sở huyện đường Đại Lộc (tức Phú Hương – còn gọi là huyện cũ). Vì nghèo, vì không có chỗ học hành thuận tiện, ở quê tôi trước 1945, nhà nào có con đỗ primaire nhà ấy là niềm hãnh diện đối với mọi người. Người đầu tiên đậu trung học (tức diplome) làm bí thư huyện thời Việt Minh là ông Quách Xân (có em ruột hiện nay là viện sĩ hóa học Mỹ, Quách Đăng Triều). Bí thư huyện hồi VM ở vùng tôi thường là thầy giáo có bằng diplome. Sự học rất cam khổ (vì không có trường lớp) nên thất học là chuyện “đương nhiên”.
Nhưng có hai người thuộc nhà nghèo nhưng không chịu “đương nhiên thất học”. Họ không đầu hàng nghịch cảnh: Ăn chưa no làm sao lo tới học. Đó là: viện sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh và “hàn sĩ” Lê Chi Tịch, đôi bạn (người 92, người 90 tuổi) ngày xưa học chung một lớp, cùng một ngôi trường, nhưng lại hai nẻo đi.
(Hết phần I).
“Viện sĩ” và “hàn sĩ”.
PHẦN HAI
Chú ‘bộ đội’ Huỳnh: từng bước gian nan.
Sinh năm 1930 (giấy tờ là 1933), đỗ “primaire” năm mười bốn tuổi, Đặng Huy Huỳnh là học sinh xuất sắc trong số 4 đến 5 người đậu cùng khóa thi năm 1946 ở vùng quê Lộc Thượng, sau này là Thường Đức. Xuất thân trong một gia đình nghèo, có 5 anh em, mẹ thỉnh thoảng buôn gánh bán bưng, cha làm thợ may vá, thường gọi “Thập” Thanh; vì mỗi chúa nhật, ông giữ việc “xướng kinh” và cầm cây thánh giá trong các ngày lễ ở nhà thờ Trúc Hà (xây dựng năm 1926).
Anh trai Đặng Huy Thanh (1927) làm “quốc sự” (tham gia tổ chức chống Tây thời tiền cách mạng) trước khi VM “cướp chính quyền” tháng 8 năm 1945. Thỉnh thoảng thấy anh mình “viết” truyền đơn cho tổ chức, cậu Huỳnh chỉ nghe anh căn dặn “chớ nói với ai, kể cả với ba mẹ”. Đó là lần đầu tiên cậu bé hiểu “yêu nước” nguy hiểm thế nào. Cậu Huỳnh được phân công làm “đội trưởng” đội thiếu niên cứu quốc (làng Trúc Hà). Ông kể, việc làm của “đội trưởng” lúc ấy là, mỗi ngày, “chỉ huy” các bạn đi khắp làng, gom các hũ gạo tiết kiệm (gọi là “hũ gạo nuôi quân”) về giao cho thủ quỹ (gạo). Ông thích thú nhất là vinh dự được giữ chiếc nón lá đựng nhẫn, bông tai, vòng vàng…của dân làng cởi ra hiến tặng cho Kháng Chiến trong “Tuần Lễ Vàng”.
Học giỏi, ông còn hát hay và đóng kịch rất tự nhiên. Ở một vở kịch thiếu nhi diễn trong đình làng, lấy giấy bản màu vàng nhạt (dùng để gói thuốc bắc), cậu Huỳnh dán thành chiếc mũ ca-lô để đội, và thay vì cái xắc là khẩu súng làm bằng bẹ chuối đeo qua vai; hình ảnh đẹp đẽ như trong thơ Tố Hữu:
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Là một vùng quê nghèo, VM bất ngờ xuất hiện, đem đến những đổi thay trước đây không có. Thay vì ra làng họp theo lệnh lý trưởng, dân chúng hồ hởi trong những buổi họp mỗi khi thấy có cán bộ Việt Minh. Xóa mù chữ là công lao của họ. Phong kiến và thực dân muốn cho người dân “mù chữ” để dễ bề cai trị. Cậu bé Huỳnh phấn khích đón nhận Việt Minh.
Tuổi 17, nhưng nhỏ thó, trông như 14, ông đăng ký vào “thiếu sinh quân”. Khám sức khỏe xong, bảy ngày sau có kết quả: Đặng Huy Huỳnh được “đăng lính”. Tôi hỏi, “thầy có ‘động cơ‘ gì không?". Ông cười, hàm răng giả rung rinh. Có động cơ gì đâu. Ông thấy lính VM thật dễ thương. Ở nhà nào, họ cũng lễ phép như con cái trong gia đình. Mẹ ông cũng được họ gọi 'mẹ'. Cha ông cũng như cha họ, những chàng trai vệ quốc đáng yêu. Họ dắt ông ra sông tắm. Lần đầu tiên ông thấy họ có cục…xà phòng (xà bong). Khi về, trên vai họ là đôi gánh với hai thùng nước. Ở quê, nước sông là nước sống. Có nước sông, có đời sống. Không ai đào giếng vì không đúc được bi giếng. Xi măng là từ ngữ không hề có trong tự vựng vùng quê thời ấy. Bộ đội gánh nước về cho nhà cậu. Theo họ là lựa chọn đúng.
Tôi hỏi thêm, ngoài lý do trên, còn lý do nào nữa? Ông nói, bà ngoại hay nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc, một người yêu nước, đứng lên lãnh đạo Việt Minh, đánh đổ Pháp, giải phóng nước nhà. Khi có tên đăng bộ đội, cha mẹ ông rất sững sờ. Vào lính làm sao thằng Huỳnh chịu nổi, “hắn ốm tong, ốm teo” mà. Anh trai ông là người “của tổ chức” thuyết phục gia đình “để nó đi”. Điều ông mong muốn đi bộ đội, rất thật thà, ông nói do bài hát của Đinh Nhu, truyền miệng rất phổ thông ở vùng quê thời mở đầu Việt Minh:
“Cùng nhau đi Hồng binh
Đồng tâm ta đều bước
Đừng cho quân thù thoát
Ta quyết chí hy sinh
Nào anh em nghèo đâu
Liều thân cho đời sống
Mong thế giới đại đồng
Tiến lên quân Hồng
Đời ta không cần lo
Nhà ta không cần tiếc
Làm sao cho toàn thắng
Ta mới sống yên vui”.
Kể đến đây, ông buột miệng hát, rất rõ ràng, rất mạnh mẽ, cùng người bạn đồng niên ngồi cạnh. Hai người tưởng tôi không biết bài hát này. Cha tôi là cán bộ VM từng hát cho tôi nghe với vẻ hồ hởi khi kể những câu chuyện trong những ngày đầu kháng chiến ở vùng quê, gọi là vùng ‘tự do’, phân biệt với vùng ‘bị chiếm’ (có Tây và quân đội ‘quốc gia’).
Những người cộng sản am hiểu tác động của âm nhạc từ rất sớm. Trong “kháng chiến chống Mỹ”, tôi được biết, nhiều người miền Bắc hăng hái ôm súng ra chiến trường “giết giặc” không màng mạng sống, chỉ vì những bài hát oai hùng, lẫm liệt, “giàu sức chiến đấu”. Họ nghe tuyên truyền không nhiều bằng những bản nhạc hùng tráng, thôi thúc thanh niên ra chiến trường “không tiếc máu xương”.
Ông Huỳnh nhớ lại với nụ cười thật thà, “hồi ấy, có biết yêu nước là gì đâu”. Nghe trúng tuyển ‘đi bộ đội’, dù là thiếu sinh quân, ông mừng và mất ngủ mấy đêm. Nhưng cha, mẹ rất lo lắng. Chỉ có ‘anh Thanh’ là ủng hộ. Anh Hai Việt Minh! Tưởng là đóng quân tại quê nhà, cậu bé Huỳnh không ngờ, sau ba tháng tập đi ‘một hai, một hai’, đơn vị ông theo đường Trường Sơn vào tận khu du kích Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bộ đội phát cho ông hai bộ ‘quân phục’ (màu đen, vải xi-ta, dệt rất thô). Ông mừng tở mở khi xúng xính trong bộ đồ mới còn thơm mùi vải.
Người cha đãi con trai một bữa mì Quảng (hồi ấy, rất ‘thịnh soạn’) duy nhất tại làng Đại Mỹ (sát trại giam An Điềm ngày nay). Chú bộ đội ‘con’ không ngờ đó là bữa ăn cuối cùng với người cha thân yêu. Và cũng là lần cuối cùng, ‘chú’ không còn gặp ai nữa trong gia đình: mẹ mất năm 1966; ngoài em trai út, cha, anh hai, và hai em của cậu đều mất trong thời gia xảy ra trận đói kinh hoàng năm 1947, chỉ sau một tháng Huỳnh rời khỏi quê nhà.
Mùa lúa mất sạch, liên tiếp hai vụ. Vì là vùng đất đai trù phú, không ai trồng màu để ăn thay gạo. Lúa bị ‘bù lạch’ (một loại nấm) “ăn” sạch. Hầu hết nông dân không dự trữ nhiều lúa thóc. Người ta vào rừng đào củ ‘nần’ để nấu ăn cứu đói (loại củ rừng to như bắp chân).
Nhiều người ở nơi xa, tản cư, kéo đến vùng trồng lúa để kiếm ăn. Không ngờ, người trồng lúa có kẻ cũng chết đói như họ. Ngày nay, vẫn còn nhiều nấm mồ vô chủ chôn dọc đường đi, gọi là mả ‘thí’, không ai nhang khói. Củ nần luộc bỏ nước đôi ba lần mới ăn. Nhiều người không biết, luộc ăn ngay, có người mất mạng vì ngộ độc. Nhiều gia đình phải đào cả củ chuối chát (chuối hột) trong vườn để luộc ăn thay cơm. Thỉnh thoảng đôi ba hôm, trâu trên đồng bị đạn từ máy bay bắn chết (Pháp muốn tiệt đường sản xuất), người ta xẻ thịt ăn thay cơm. Đói cũng chết nhưng no cũng chết. Có người mất mạng do đói ăn năm bảy ngày, sau lại ăn thịt thay cơm, quá nhiều.
Theo bộ đội, tuy tập luyện vất vả, cậu Huỳnh không phải chịu cảnh đói ăn như gia đình tại quê nhà. Một thời gian ở Ba Tơ, cậu và một số ‘học sinh’ có bằng primaire được chọn qua Lào…hoạt động Vê Tê Troa (VT trois: V và 3 chữ T: Võ Trang Tuyên Truyền. Cụ gọi theo tiếng Pháp). Trước khi đi, ông Phạm Văn Đồng, lúc ấy phụ trách vùng Trung bộ, dặn dò: Tuyệt đối coi người Lào như ruột thịt; coi cây cỏ, ngọn rau của họ như cây cỏ ngọn rau của VN. Cụ nói, chính vì thế, những năm sống trong rừng núi Lào để lôi kéo người dân bản địa tham gia chống Pháp, ông và đồng đội không bao giờ động đến ‘cây kim sợi chỉ’ của họ. Dù có khi đói, đơn vị ông không bao giờ dùng vũ khí để giết thú rừng ‘cải thiện’ bữa ăn như sau này ở Trường Sơn trong chiến tranh đánh Mỹ.