Saturday, December 9, 2023

BẾN CÂY CUI

Cây cui còn có tên cây bún, thân cao năm sáu mét, hoa có mùi thơm, trên cánh có những sợi tơ như mạng nhện, người Mỹ gọi là spider tree.

Bến Cây Cui không phải là bến nước hay bến đò. Bến là khúc sông cong, nước chảy đến đây, tạo thành vòng xoáy rất mạnh; ghe thuyền có lúc quay theo xoáy nước rất nhiều lần; người chèo phải vất vả lắm mới đầy cho thuyền hay bè thoát vòng xoáy để trôi theo dòng nước.

Bến một bên có bãi cát, bên kia là vực cao chừng 4 mét tính từ mặt sông; chỗ cao nhất sừng sững một cây cui, thân to gần 2 người ôm, ngả mình gần sát mặt sông, cành sum suê, lá um tùm, tạo một  bóng đen phủ trên sóng nước, làm lòng sông vốn sâu càng sâu thẳm hơn.

Thuyền hay bè đi qua đây không còn theo sự chèo chống nữa. Dầm chèo chừng 5 mét không thể chạm tới đáy. Người ta kháo nhau, nước ở đây sâu “lút cây tre”- nghĩa là sâu hết sức sâu.

Vì nước xoáy và sâu, nhiều cái chết thương tâm xảy ra ở bến Cây Cui tại đoạn sông vắng vẻ này. Một phụ nữ buồn chuyện gia đình đã quyên sinh tại đây; khi đi tìm người nhà phát hiện dưới gốc cây cui có chiếc nón lá, đôi dép, và rất nhiều miếng bã trầu. Có lẽ người đàn bà này suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định trầm mình: hàng chục lần ăn trầu. Đó là ngày xưa khi tôi ra đời đôi ba tuổi. Bà Hà là tên người xấu số. Từ bến Cây Cui đến bến nước dân làng của bà hơn một cây số. Lạ thay, xác bà trôi đến bến sông thì nổi lên lừng đừng và dân làng phát hiện, dù trước đó cả mấy ngày người ta tìm kiếm chỗ xoáy nước, vẫn không tìm được xác.

Bà Hà trở thành nhân vật gieo vào dân làng nỗi sợ hãi cho những đứa bé chúng tôi mỗi khi ra sông tắm dù sông ở xa bến Cây Cui và không phải sâu như thế. Bà Hà trở thành ma da (gia) hay hà bá. Và Cây Cui là nỗi hãi hùng cho trẻ con hay cả người lớn một mình đi qua đó.

Sau ngày chấm dứt chiến tranh, Cây Cui vẫn là chỗ bi thương xảy ra cho dân làng. Hai chị em cháu gái chăn trâu trượt chân xuống vực sâu, vì cứu em, chị em đều chết đuối. Điều kỳ lạ là hai con trâu đứng mãi chỗ chủ mình bị nạn và không buồn ăn cỏ. Cha mẹ tìm được xác con trôi lòng vòng theo xoáy nước.

Hai cái chết khác cũng xảy ra ở bến nước ma quỉ này: Một sẩy chân khi đi trên bờ cao ngã luôn vào vòng xoáy dưới vực; một chết tại chỗ vì mìn nổ trên tay khi người cầm chưa kịp ném xuống sông để đánh cá. Chỗ nước sâu nên có rất nhiều cá lớn, nhất là cá măng lửa, có con dài hơn mét. Không thể đánh lưới ngoài thuốc nổ sau những ngày “giải phóng”, luật lệ còn lỏng lẻo về quản lý chất nổ và chất nổ cũng rất dễ kiếm.

Trước cái chết của bà Hà còn có vài cái chết khác được nghe ông bà kể lại; đó là những người chèo thuyền một mình đi qua sông trong đêm vắng. Thuyền úp ở bãi cạn bên dưới và người thì không thấy. Những người khách phương xa.

Ngày xưa, ở nông thôn, núi cao hoặc sông sâu đều có những chỗ khiến con người thời ấy kính trọng và sợ hãi: rừng thiêng, nước hiểm. Mạng sống con người rất nhỏ bé trước sự hùng vĩ và bí hiểm của thiên nhiên. Bến Cây Cui ở gần làng quê tôi là một nơi như thế.

Ảnh tác giả: Bờ tre bên kia từng là chỗ có cây cui để bến có tên Cây Cui.

Khi chưa có thuỷ điện và núi rừng còn nguyên sơ, dòng sông luôn luôn sâu thẳm; bóng tre ở đối diện bên kia bờ cát phủ bóng xuống mặt sông; dòng sông sâu càng thấy sâu hơn. Cảnh ấy làm cho mặt sông mênh mông càng mênh mông hơn.

Dòng sông tuổi thơ chỉ là những chỗ có bãi cát dài thoai thoải, nước chảy trong veo, có thể nhìn thấy cá bơi lội; càng xa bãi thì nước càng sâu. Chỉ những ai biết bơi lội mới có thể tắm xa bờ. Ngày xưa, đúng là “con sông tắm mát”. Mọi sinh hoạt như tắm, giặt, lấy nước về uống đều từ con sông yêu dấu của mỗi làng quê.

Ngày nay, sông ô nhiễm vì đầu nguồn khai thác khoáng sản hay xây dựng đập thủy điện; cây rừng nguyên sinh không còn. Sự có mặt của loại cây “mì ăn liền” như tràm bông vàng- nguyên liệu làm giấy- làm cho các dòng sông trở thành thác lũ, bùn đỏ trôi theo những cơn mưa như trút vào những tháng mưa dầm bão tố. Ba năm, tràm thu hoạch, người ta cắt sạch núi đồi. Sau đó là đốt trụi để trồng lại lứa tràm mới. Dòng sông chạy dưới chân núi hứng chịu hậu quả của đốt rừng trồng cây. Mùa mưa, các dòng sông đỏ lừ như máu: đất trôi từ núi trọc tràm chưa kịp phủ xanh.

Sinh nhai khiến con người hành hạ núi rừng, làm cạn kiệt các dòng sông. Một ngày nào đó, đời sống con người khá lên. Cây “ăn liền” sẽ biến thành cây lâu năm. Thuỷ điện và rừng với thẩm thực vật không nhiều, nên các dòng sông rất cạn, những chú chó có thể lội đến giữa dòng đùa giỡn. Tôi mong ước có nguồn điện thay thế như điện nguyên tử, điện gió, điện mặt trời. Thuỷ điện sẽ trả lại những dòng sông tuổi thơ cho những vùng quê.

Quê tôi gắn bó với nhiều dòng sông từ bao đời. Bến Cây Cui tuy hãi hùng nhưng vẫn là ký ức trong lòng mỗi người dân quê ngày trước.

Gần đứng bóng trưa hôm nay, tôi một mình tha thẩn đi dọc bờ sông xưa. Ngang qua khu vực vừa kể ở trên, tôi không còn giữ cái cảm giác rùng rợn như khi còn nhỏ, một mình đi qua chỗ vắng vẻ này. Sông đã cạn. Mùa này chưa mưa, nước sông không đục, chỉ ngà ngà. Dưới bờ đất không còn cao bên kia, cây Cui đã vắng bóng, tự bao giờ. Hình ảnh bí hiểm của một bến nước sâu hun hút không còn. Mấy con trâu nằm dưới nước ngay chỗ trước đây là dòng xoáy sâu hút của bến Cây Cui.

Nhìn dòng sông và bến sông cạn cợt lòng tôi man mác buồn. Bến Cây Cui không còn bí ẩn hãi hùng. Và những con trâu nằm đằng kia một ngày sẽ mất đi. Chúng không còn là sức kéo. Con trâu không còn là “đầu cơ nghiệp”. Trâu sẽ thành món ăn cho người. Máy móc biến số phận những con trâu ngắn ngủi trên cõi đời này. Bến Cây Cui chỉ còn là ký ức. Con người quên hẳn nó không phải vì nó là nơi bí hiểm chết người. Con người quên nó như ai đó nói “nhân loại vừa cười vừa tách ra khỏi quá khứ”.

Lặng lẽ rời bến Cây Cui giữa dòng sông vắng lặng, tôi thơ thẩn về nhà.

HÙM CHẾT ĐỂ DA

Tôi thấy về mặt khoa học câu: “Hùm chết để da. Người ta chết để tiếng” có cái gì đó sai sai. Thời xưa, da cọp nghe nói bọn đạo chích thường cầm một miếng nhỏ, dễ dàng đột nhập vào ban đêm, ăn trộm tài sản của những người giàu có nuôi nhiều chó giữ nhà. Ngửi có mùi cọp, chó sợ hãi co đuôi chạy trốn, im thin thít.

Cọp có lẽ mang cái uy dũng mãnh là chúa tể sơn lâm nên mọi loài khác đều phục tòng, nể sợ - “sợ như sợ cọp”.  Không thế đâu có thành ngữ “mượn oai hùm”; cái oai đó bên ngoài là bộ da. Khi chết, bộ da mục rệu trước bộ xương nhưng con người lại kết luận “hùm chết để da” mà không nói “hùm chết để xương”, tôi thấy  “sai sai” là thế.

Sinh tử, thăng trầm, được mất, thịnh suy… là quy luật nhưng con người khi có quyền hành ít ai nghĩ tới. Làm tổng thống thì cứ sửa lia chia hiến pháp để lãnh đạo trọn đời. Làm vua thì bắt thuộc hạ tung hô mình “vạn tuế, vạn vạn tuế”. Khẩu hiệu có chữ “muôn năm” không hiếm thấy mỗi ngày.

Khi tại vị đầy quyền uy, ít người nghĩ lúc mình hết quyền uy, hay từ giã cõi trần, hậu thế nghĩ về mình thế nào. Lợi danh chói lói cộng thêm lời tung hô của lũ người xu nịnh làm họ như sống một cuộc đời đầy công tích, thậm chí có kẻ nghĩ mình tựa vĩ nhân. Họ quên rằng, cũng như hùm, người ai cũng phải chết. Tiếng thơm hay xú uế, chết rồi, làm sao họ biết. Chỉ những người đặc biệt thiên tư, khi còn sống họ mới hiểu nguyên lý ấy – nhưng được mấy người?

Lúc còn trẻ, tôi luôn nghĩ, học ngoại ngữ là cách để mở trí. Ngoại ngữ như một cánh cửa mở ra một nền văn hóa, khác lạ với nền văn hóa mình hấp thu từ tổ tiên vun xới, dựng xây. Lớn lên, trong thời chiến tranh đẫm máu, tôi mới ý thức học giỏi ngoại ngữ thì tốt nhưng nếu học thông lịch sử nước nhà, tôi thấy càng tốt hơn. Hiểu lịch sử nước nhà rồi so sánh lịch sử thế giới (qua ngoại ngữ) để hiểu hơn quy luật nhân quả, sinh tử, thăng trầm, thịnh suy, có rồi mất, mất rồi có…đầy rẫy ví dụ trong những bài học lịch sử.

Tôi suy nghĩ, đất nước VN đã không trải qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu để giành độc lập, thống nhất, nếu mọi người dân nghiên cứu thật kỹ chí sĩ Phan Châu Trinh, về chủ trương “bất bạo động” của ông trong đấu tranh chính trị - một thời gian áp dụng khá hữu hiệu, khiến chính quyền thực dân rất e dè, và dù bắt tù ông, họ vẫn một lòng nể phục (Cụ Phan không khác thánh Gandhi Ấn Độ chủ trương bất bạo động, sau này được Nelson Mandela, Lech Wałęsa, Stephen Biko, Aung San Suu Kyi áp dụng thành công trong sự nghiệp của họ về đấu tranh cho công lý).

Bài học lịch sử không xa xôi lắm - cuộc chiến giữa Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh. Khi nắm quyền hành, cũng vì muốn “tiệt diệt” đối phương – cả “âm phần, long mạch”, vua Quang Trung cho đào mộ 8 vì chúa kể từ Nguyễn Hoàng, không tính cha Nguyễn Ánh, đem vất xuống sông. Gia Long không vì thế mà bị tiêu tán tương lai, sự nghiệp. Mười năm sau khi Quang Trung chết, Gia Long cho đào mồ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, thân tán nhỏ, đầu lâu cho lính tiểu lên, rồi đem giam vào ngục tối.

Nhân quả không cần luân hồi nhiều kiếp; chỉ một kiếp đã tường rõ một. Quang Trung khi cho đào mộ tiên tổ đối phương không ngờ mộ mình cũng bị đối phương cho đào bới. Lịch sử không dừng ở đó. Nguyễn Ánh coi Nguyễn Huệ như hạng thảo khấu, giặc cỏ, phản loạn, nhưng hơn 150 năm sau, chính ông bị gọi là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Lịch sử lần nữa cũng chẳng ngưng. Hiện nay, khuynh hướng bào chữa cho Gia Long có chiều hướng đến gần với sự thật: triều đình nhà Nguyễn, đứng đầu là ông, có công rất lớn trong việc hình thành một lãnh thổ ngày nay gọi là Việt Nam với một nền quản trị có thể nói rất khá thống nhất. Thời Minh Mạng, đất nước VN có diện tích lớn nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước.

Tôi không nói người viết sử (đầy thiên kiến, thông thường là viết cho người thắng cuộc; la raison du plus fort est toujours la meilleure -  lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất) tôi nói diễn tiến của lịch sử: anh hùng cũng có thể thành tội đồ, kẻ tội đồ cũng có thể thành anh hùng, khi lịch sử trở nên trung thực, không bị con người bẻ cong ngòi bút khi viết lại nó. (Xưa, ở Trung Hoa, có quan viết sử hoàn toàn độc lập, không bị vua chi phối – tất nhiên, cực hiếm).

Trong lịch sử, những vị lèo lái quốc gia kể cả lúc đương chức, có vị nào đọc kỹ lịch sử, nghiên cứu tận tường lịch sử, và áp dụng chặt chẽ quy luật lịch sử nước nhà, từ cổ chí kim, vào thời gian mình nắm vận mệnh quốc gia, điều hành đất nước? Hay lịch sử cận đại, với sự du nhập của chủ nghĩa cộng sản, mới là lịch sử chính thống, lịch sử của lịch sử?

Khi hiểu quy luật lịch sử, người ta sẽ có hành xử đúng mức, không lấy thắng làm vinh, không lấy thua làm nhục, không thấy được mà mừng, không thấy mất mà lo…Thắng, thua, được, mất…là quy luật. Không tự ru ngủ khi thắng, không thất vọng khi thua. Những người quyền uy (đương chức) có khi nào nghĩ đến điều đó hay chưa? Những lời tung hô hay ca tụng “anh là lãnh đạo, anh luôn luôn sáng suốt” có khi nào làm cho người ta mất đi sáng suốt?

Tôi ngày càng nhận ra - khi tuổi càng nhiều, triết lý sống của người Việt Nam ẩn giấu bàng bạc khắp nơi trong kho tàng ca dao, tục ngữ, trong đó có “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, bây giờ thật là “thời sự”. Đất nước có những vị trách nhiệm với giang sơn, ngày nào đó từ giã cõi đời, mong cho khi còn sống, nhất là đang quyền lực, các vị sẽ suy nghĩ về cái “tiếng” sau cái “chết” của chính mình.

Mong thay. Rất chân thành.

ÁN TỬ HÌNH: NÊN BỎ

Nợ máu phải trả bằng máu. Đó là quy luật công bình, áp dụng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây,  từ Âu sang Á. Nhưng áp dụng án tử hình có giảm bớt tội phạm dã man không? Không. Nghiên cứu ở New Zealand (bỏ án tử hình năm 1961) cho thấy tội phạm giết người giảm hơn rất nhiều so với trước. Án tử hình có làm cho tội phạm ma túy ngày càng giảm hơn? Không. Buôn bán ma túy vẫn phát triển “năm sau cao hơn năm trước” và ngày càng tinh vi, số người bị tử hình nhiều hơn.

Tử hình còn những hệ luỵ khác. Người thi hành án (đội hành quyết) sẽ cảm thấy cắn rứt khi phải cầm súng giết người dù đó là người tử tội. Dùng thuốc độc hay ghế điện cũng cần tới bàn tay con người. Bàn tay vô tình vấy máu tử tù vì nhiệm vụ.

Khi một người chết đi- dẫu đó là tử tội- thân nhân, cha mẹ, ông bà, con cháu, anh em họ sẽ rất đau lòng khi thấy người thân bị hành quyết. Cuộc sống của gia đình tử tù liệu không bị ám ảnh triền miên bởi cái chết của người thân yêu?

Giết người thì phải đền mạng không còn trong suy nghĩ của con người ở một số nước bãi bỏ án tử hình.

Tử hình còn một hệ luỵ nữa. Những người bị giết oan vì xử oan không còn cơ hội sống sót. Có ví dụ không hiếm ở VN. Nhiều tử tù không mắc tội sát nhân khi có kẻ đầu thú nhận cái tội tòa đã tuyên cho người vô tội. “Loại ra khỏi xã hội” là mỹ từ để chỉ việc thực hiện án tử hình. Nếu người bị loại là oan thì oan sẽ ngất trời, án sẽ lòa mây.

Căm hờn sẽ sâu hơn ở những người còn sống khi người thân họ chết oan. Cũng có thể vì oan nên đến bây giờ,  sau mười mấy năm, án tử hình cho Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa được thi hành. Lòng dân mong chủ tịch nước ân xá cho họ vì suy nghĩ án tại chứng, không phải tại cung. Ép cung có trường hợp đã xảy ra rồi. Và theo án lệ các nước văn minh: Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn kết án oan người vô tội.

Án tử hình chuyển sang chung thân không ân xá được áp dụng tại một số bang ở Mỹ. Kẻ giết người trong tù không còn “nguy hiểm” cho xã hội thì tại sao phải  cần “loại khỏi xã hội” với hệ luỵ như tôi nói ở trên? Một tên giết hàng loạt 50 người ở New Zealand vẫn còn sống trong tù- đương nhiên là mãn đời. Mọi sinh vật đều đáng sống- kể cả rắn độc hay cá mập sát thủ, huống hồ sinh vật đó là con người?

Tôi nhắc qua một chút về lịch sử của án tử hinh.

Cảnh tử hình. Ảnh của Huy Đức.

Thời kháng chiến chống Pháp, án tử rất dễ xảy ra. Và người ta không sửa lại được quá khứ vì người chết đã chết; không thiếu những cái chết oan. Tôi biết một vùng quê như thế. Khi Pháp chiếm đóng vùng tự do (VM kiểm soát), vì tuyên bố lếu láo trong cuộc rượu say “du kích là dích cu”; “Tây lên là dích cu chạy như chuột trốn vào rừng” mà ba người, một lý trưởng (ông xã Tri), hai hương chức (ông cửu Oai, ông phó Đàn) bị mất tích, cho đến nay không biết xác thân trôi dạt nơi nào.

Không chấm hết tử hình sau 6 ngày chiếm đóng của bọn Pháp, 3 “ Việt gian” đền tội. Một tòa án nhân dân lập ra liền sau đó (năm 1946) dưới quyền của bí thư huyện là ông Tr. Nh. Tại “bãi bắn” cấm Thị, 12 phạm nhân bị bắt ở những vùng khác trong huyện. Họ can rất nhiều tội. Dẫn Tây tìm nhà một vài cán bộ chủ chốt VM. Không trốn vào rừng mà ở nhà ăn cắp lúa, gạo, bắt gà làm thịt, chèo thuyền đưa quân địch sang sông, lý trưởng “ác ôn”… mà còn hút thuốc phiện (ông xã Nhiếp)…

Rất may chỉ có 6 trong 12 người bị tử hình. Sau khi đọc bản án hài tội từng người, đội hành quyết thực thi nhiệm vụ. Lúc chưa tuyên án, dân chúng tụ tập đến xem rất phấn khởi: bọn “Việt gian” sắp bị bắn. Nhưng khi thấy máu trên tử tù đổ xuống, vị chỉ huy kê súng bắn an ủi vào đầu từng nạn nhân dù họ đã chết, cả đám đông im phăng phắc. Họ không ngờ vừa chứng kiến cảnh tử hình đầu tiên trong cuộc đời họ, rùng rợn như thế.

Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, không thể có những bước điều tra, tìm chứng cứ, xét xử qua các tòa án, có luật sư bào chữa, dưới sự soi dẫn của luật pháp, nhiều cái chết xảy ra chóng vánh khi ai đó bị coi là Việt gian, phản quốc. Người chết đi nhưng oan khuất vẫn còn. Và đây chính là lý do cuộc chiến tranh VN kéo dài. Những người có quan hệ huyết thống với người đã chết, có người cọng tác đắc lực với “quốc gia” tìm giết những người hoặc thân nhân những ai trước đây là Việt Minh.

Chính những án tử hình thời chiến ấy làm cho sau này, người giết người, nồi da xáo thịt, hận thù chồng chất. Nhắc lại quá khứ không phải khơi lại hận thù. Nhắc lại quá khứ để thấy rằng, bất kỳ con người nào bị giết- dù là tử tù cần phải “đền tội”- cũng mang lại những hệ lụy khôn lường.

Hãy bỏ đi án tử hình. Vừa thể hiện sự quảng đại, bao dung, của người với người, vừa bớt máu đổ, giúp pháp luật tiếp bước theo đà tiến bộ của văn minh nhân loại, và gần gũi nhất, không có ai vô tội phải chết vì  án oan.

TÍNH CÁCH VIỆT QUA CÁCH CHẠY XE.

Không ai giải thích thỏa đáng vì sao ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, từ sớm tới tối, ngày này qua ngày khác, cả tháng này qua tháng khác, nói chung cả năm, người ta chạy xe ngoài đường nhiều vô kể, không hiểu, chạy làm gì. Lúc nào đường cũng dày đặc xe cộ, xe máy chiếm số lượng nhiều nhất.

Nhìn vào cách sắp hàng của người dân như mua hàng, lên xe buýt, đi vào chỗ đông người,  ta có thể đánh giá văn minh hay văn hóa của dân tộc đó. Tôi thì cho rằng, muốn đánh giá tính cách người Việt- hay “lên gân” một chút- căn tính Việt, hãy nhìn vào cách chạy xe của họ.

- Vô kỷ luật, vô tổ chức. Kẹt đường sẽ có người chạy xe máy lên lề đường. Kẹt xe càng kẹt thêm vì ùn ứ. Đèn đỏ không có cảnh sát: vù qua. Đèn chuyển vàng, cẩn thận, thì lên ga phóng như ma đuổi. Đường có dải phân cách, quay xe xa, người ta chạy ngược chiều, cho tiện. Hàng chục ví dụ nữa cho biết thói vô kỷ luật của người Việt.

- Ích kỷ: Ra đường là giành chạy trước, thay vì tuần tự, bất kể nguy hiểm cho người khác khi có va quẹt. Không phải là xe ưu tiên như cấp cứu hay cứu hỏa, xe cố qua mặt vượt lên, nhanh như ma đuổi. Bấm còi vô tội vạ để người khác nhường đường dù người chạy trước không có chỗ nhường đường.

- Thiếu khiêm cung, nhường nhịn: Chỉ cần nhường nhau, xe cộ sẽ trở nên trật tự. Dù có chậm một đôi giây, giao thông sẽ dễ dàng, thông suốt. Càng chen lấn, muốn chạy hơn xe trước, kẹt xe càng dễ xảy ra. Nhiều tài xế đi tù vì gây tai nạn do tức giận, muốn cho xe phía trước “biết lễ độ”, nhấn ga phóng tới, cho xe đó “ngửi khói”. Ở nước văn minh, trừ đường cao tốc, tôi không thấy xe hơi bóp còi rồi qua mặt xe khác. Sự nhường nhịn, nhường nhau trong chạy xe là nếp sống của người văn minh.

- Thiếu ý thức và tư duy: Xen ken nhau, nhích từng chút trên đường, người lái xe phía sau cứ bóp kèn inh ỏi dù vẫn biết người phía trước không có chỗ nhường đường. Nhiều xe đậu quá chỗ có đèn tín hiệu. Khi đèn hết đỏ thì không quan sát, các xe sau nhấn kèn inh ỏi mới rú ga đi tới. Qua ngã ba, quẹo xe sát ngược bên lề trái khi cua, không thấy xe chạy lề phải đối diện. Va nhau như cơm bữa. Nguyên tắc chạy xe là luôn đi lề phải; xe trên đường đâm ngang phải nhường cho xe đường chính. Không luôn luôn đội nón bảo hiểm khi chạy xe. Thường hay đối phó, đội nón khi có hay gặp cảnh sát và đội mà không cài quai chặt chẽ. Nhiều cái chết đơn giản chỉ va quẹt nhẹ, té ngã, gây chấn thương sọ vì không nón bảo hiểm.

- Tuỳ tiện, làm lấy được: Muốn rù ga hay bóp kèn xe lúc nào thấy hứng. Xe máy nhưng gắn còi xe hơi. Tiếng còi khiến người đi xe phía trước giật mình, bủn rủn, cứ ngỡ xe hơi sắp cán vào mình. Cấu kết xe thay đổi theo ý thích, kể cả bộ phận dẫn lực, tạo đà. Sơn lại xe với những màu sắc chói lói dị hợm.

- Liều lĩnh vô lối, nguy hiểm: Qua các giao lộ, xe không giảm tốc độ. Các vạch đường dành cho người đi bộ không có giá trị khi không đèn giao thông. Xe phải chạy chậm để nhường  đường cho người đi bộ. Người đi bộ qua các vạch đường rất sợ hãi khi thấy xe chạy gần họ mà vẫn giữ tốc độ trong khi ưu tiên lại trở thành yếu thế: người đi bộ sợ người đi xe- xe máy, xe hơi, nếu không muốn vô nhà thương hay nghĩa địa. Ở Singapore khi thấy tôi lưỡng lự trước vạch trắng qua đường, tài xế dừng hẳn xe, hạ cửa kính, đưa tay ra hiệu cho tôi bước qua. Ở VN, ưu tiên phải là…xe hơi. Nếu quý trọng mạng sống người khác thì việc giảm tốc độ xe nhường đường, nhường người là điều bắt buộc. Sự khinh xuất coi thường mạng sống người khác, trớ trêu, lại coi thường mạng sống của chính mình là điều kẻ lái xe liều lĩnh không hề nghĩ tới.

Còn nhiều tính cách nữa, nhất thời, tôi chưa nghĩ tới khi quan sát người Việt Nam chạy xe ngoài đường. Nhưng cái quan trọng nhất không phải ở người “tham gia giao thông” mà ở trách nhiệm của người “điều khiển giao thông”.

Đường mở ở đâu, rộng hẹp thế nào, ở đâu xe chạy hai chiều, ở đâu xe chạy một chiều; bao nhiêu xe hơi, xe máy, được phép giao thông trong một thành phố. Hạn chế loại xe nào vào giờ nào có thể tránh nạn kẹt xe. Nhiều nơi trên thế giới quy định số xe nhất định, chỉ thay mới, không mua mới, để duy trì mật độ xe thế nào thích hợp cho quy mô của một thành phố, ngăn ngừa nạn kẹt xe.

Văn minh một quốc gia thể hiện đầu tiên ở trật tự và phương tiện giao thông trong các đô thị. Giao thông bát nháo, tai nạn chết người nhiều, kẹt xe, nghẽn xe, khói bụi dày đặc, lề đường bị chiếm dụng, che khuất biển báo, che lấp tầm nhìn … tất cả là “nhiệt kế” đo tài lãnh đạo của những người “điều khiển giao thông” chứ không hẳn trách nhiệm hoàn toàn vào người “tham gia giao thông”. Một dân tộc tự hào đánh thắng các đế quốc to sẽ càng tự hào hơn khi “đánh thắng” vấn nạn giao thông.

Phiếm luận về ÁO DÀI ĐỒNG PHỤC

Tôi xin nói về chiếc áo dài, nhân câu chuyện đăng báo, một học sinh tự vẫn không thành vì “bận” nó không kín đáo, bị cô giáo chủ nhiệm kiểm điểm, phê phán trước đám đông học sinh khác. Phê phán trước trụ cờ cần nên bỏ hẳn. Hình thức này về cơ bản không khác gì “đấu tố” thời trước. Bước vào cấp 3, học sinh ở lứa tuổi bỡ ngỡ nửa người lớn, nửa trẻ con. Hành xử thiếu hiểu biết tâm lý giới tính dễ dẫn đến những hối tiếc không đáng có, cho bản thân các em, cho phụ huynh, cho thầy cô và nhà trường.

Mặc đồng phục áo dài trắng không phải bây giờ mới có. Ở miền Nam trước 1975, hầu như học sinh nữ bắt đầu lớp đệ thất (lớp 6) đều mặc đồng phục áo dài trắng khi đi học. Học sinh nam thì mặc sơ mi áo trắng (ngắn hoặc dài tay) và quần dài màu xanh. Học sinh nghèo (như tôi hồi đó) không mua được vải quần tẹc-gan, đơ-min xanh thì có thể mua vải ca ky vàng cũ của lính, nhuộm lại thành màu xanh. Tuy nhiên, ở Hội An nơi tôi theo học, có trường như Lễ Nghĩa (của người Hoa), học sinh nam, nữ lại có đồng phục không giống trường công, nam tôi không nhớ nhưng nữ thì áo trắng dài tay và váy ngắn màu xanh. Học sinh nữ có thể chơi bóng rổ trong trường nhờ mặc váy ngắn.

Bộ áo dài giúp người mặc nó tha thướt, có phần yểu điệu. “Tà áo trắng bay bay” là hình ảnh đi vào “thơ ca” của các anh chàng học sinh mới lớn bắt đầu yêu. Mặc áo dài cho “đồng phục” có làm cho nữ học sinh thoải mái không? Tôi e là không. Nếu là lớp 6 trở lên, áo dài hạn chế các em vui chơi sau giờ học. Nếu là lớp 10 đến lớp 12, áo dài làm các học sinh nữ trở thành những người lớn…lãng mạn hơn, tuổi chớm yêu hay đang yêu hay đã yêu.

Trẻ em cấp 2 cần chỗ rộng trong sân trường để chơi đùa sau các tiết học mệt nhọc sẽ thế nào nếu em nào cũng thướt tha, lướt thướt, tù túng trong chiếc áo dài? Áo dài trắng dễ dính đất bẩn, lấm bụi dơ khi các em tung tăng chạy nhảy. Vậy là học sinh nữ ngồi tụm ba, tụm bảy, móc smartphone ra, tranh thủ lướt web trước khi vào lớp cho áo dài sạch sẽ ?

Đối với các nữ sinh tuổi dậy thì, bắt đầu lúng luyến đôi mắt ướt trước các đôi mắt sáng ngời thanh xuân của các chàng nam sinh, chiếc áo dài sẽ làm các cô nhìn yêu kiều hơn, thục nữ hơn, và chắc là sẽ lãng mạn hơn. Nhưng đó là những cô có thân hình đẹp, phù hợp với chiếc áo dài Việt Nam. Nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy chiếc áo dài rất sexy chứ không phải thanh tao, “đứng đắn”. Ngực, vai, eo và mông của thân thể phụ nữ cân đối ba vòng chắc chắn tôn lên qua chiếc áo dài có lớp vải mịn màng như da thịt bó sát. Làm đẹp là khuynh hướng chung, tự nhiên, của người phụ nữ. Học sinh nữ bận áo dài đi học chắc chắn phải “làm đẹp”. Tôi để ý các cụ bà trên 80 vẫn có người chú trọng đến… màu sắc áo quần, dáng vẻ của mái tóc, thậm chí kiểu dáng đôi guốc, đôi dép, dù họ ở tuổi “gần đất xa trời”. Làm đẹp là bản năng trời cho của phụ nữ, kể cả “phụ nữ chưa lớn” như nữ sinh.

Nếu không nhờ vạt áo dài che trước, che sau, người phụ nữ có thân hình đẹp bận áo dài, chắc chắn sẽ không được phép ra đường nếu họ ở một nước theo Hồi Giáo. Vạc áo dài tưởng che giấu “một tòa thiên nhiên” (Nguyễn Du: Ràng ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên) nhưng lại vô tình làm người đối diện – nhất là cánh mày râu – tưởng tượng nhiều hơn về cái “dày dày”, cái “trong ngọc trắng ngà” ấy, vì tâm lý đàn ông đối với phụ nữ (có cả tôi đâu): “nửa kín, nửa hở” hấp dẫn hàng vạn lần hở hang, “huỵch toẹt”.

Bận áo dài làm gì khi người bận, có thể vô tình hay hữu ý, muốn phô diễn cái “tòa thiên nhiên” của mình ở tuổi sắp sửa thanh tân, các em học sinh nữ, nhất là gái 17 “bẻ gãy sừng trâu”? Có em học sinh bị nhà trường bắt làm kiểm điểm vì mặc áo ngực, quần lót có màu sắc tương phản với áo dài màu trắng, nhất là hiện nay có nhiều loại vải “mỏng hơn lụa” và có thể “trong hơn kính”. Chiếc áo dài đồng phục tôn lên vẻ thùy mị đoan trang đâu không thấy lại thấy tôn lên trên chốn “nghị trường” Facebook hàng triệu cặp mắt ngó dòm, săm soi.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu" nhưng chiếc áo có thể khiến người ta không thể vô chùa đi tu: những chiếc áo dài bó sát thân thể của những em học sinh tuổi đang yêu, tràn đầy sức sống. Thầy giáo trẻ có “ngó lơ” các em học sinh phơi phới xuân tình trước tuổi, học lớp 12 hay không? Tôi e là không.

Nhưng đâu có phải chiếc áo dài nào cũng đẹp với cơ thể người mặc? Có học sinh nữ thân mình “mỏng như tờ giấy”, “trên dưới thẳng hàng” thì sao? Để che giấu mặc cảm chiếc lá mùa thu, chắc các em phải cậy đến “hiệu ứng điện ảnh” bằng…những vật gì, cho nó như có “gò bồng đảo” - là ông già tóc bạc, tôi không tiện nói ra, nói nhiều e sẽ quá hớp.

Đi học đã mệt mà còn phải mang hàng giả cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm, những học sinh nữ có “dáng lá mùa thu” ấy liệu có tự tin trong học tập? Chiếc áo dài khi đó sẽ là nỗi đau khổ cho những em học sinh không may trời bắt “quá mỏng”.

Và những em có thân hình ngược lại lá mùa thu – chẳng hạn mỡ màng núc ních, như những khối tròn từ trên xuống dưới; chiếc áo dài đối với các em có thoải mái không? Chẳng lẽ các em phải mặc rộng thùng thình như những bà xơ ở nhà thờ hay các ni cô trong nhà chùa? Mặc áo dài bó sát thì khối khổng lồ cất giấu làm sao? Áo dài đồng phục của các cô có thân hình đẫy đà cũng sẽ là nỗi oan khiên kéo dài cho tới năm cuối lớp 12, thời cơ để “vĩnh biệt” thời trung học?

Có thân hình đẹp, chiếc áo dài sẽ tôn thêm vẻ đẹp. Có thân hình không ưng ý, chiếc áo dài khiến người bận thêm mặc cảm, băn khoăn. Học sinh cần tâm thế vô tư, trong sáng, trong mái trường học tập lại phải băn khoăn với mỗi ngày đến trường với chiếc áo dài “áo đi đằng áo, người đi đằng người”? Đâu phải sinh ra mọi phụ nữ, ở đây là học sinh mới lớn, đều có thân hình “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”?

Áo dài đồng phục giúp họ học tập tốt hơn không nếu họ bận đồng phục mà không phải là áo dài? Áo dài đồng phục có làm cho các học sinh ở tuổi hiếu động bị hạn chế trong sinh hoạt hay không? Và nếu đồng phục nhưng không phải là áo dài có được phép tồn tại hay không? Hay phải đồng phục là áo dài trắng cho học sinh đượm chất nữ tính, khi tương lai  học sinh nữ sẽ là phụ nữ Việt Nam đoan trang nhờ áo dài?

Và câu hỏi cuối, ai là người nghĩ ra và buộc áp dụng toàn nước từ trước và sau năm 1975 cho tất cả học sinh nữ khi bước vào năm đầu bậc trung học?Tại sao họ không nghĩ ra chuyện đồng phục cho học sinh nữ không phải là áo dài?

Đồng phục nhưng phải đồng phục áo dài trắng cho các em nữ, ngoài lý do bất tiện như tôi nêu ở trên, còn một lý do sâu xa nữa: đàn ông luôn có tư tưởng trọng nam khi nữ. Trong khi nam học sinh không bắt bận áo dài (và khăn đóng cho trọn bộ phong kiến) thì tại sao nữ học sinh “các ông” buộc họ phải mặc áo dài đồng phục khi đi học?

Hết cái thời “cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” (*) rồi ! (có thể hiểu rộng ra “cho vừa lòng ông”). Tôi phải thẳng thừng chê trách thi sĩ lãng mạn nhất VN viết cái câu quá…lạc hậu như thế nếu cứ áp dụng cho đến ngày hôm nay - thế giới của “@” của “.com”.

Khi đồng phục cho các em học sinh nữ không buộc phải là áo “dài trắng” thì bộ giáo dục sẽ không còn lo lắng có học sinh phải tự tử vì bận áo dài gợi dục trong học đường bị “đấu tố”.

Và lúc đó, cái ý muốn “gia trưởng” buộc người khác phái của quý ông phải “tha thướt” trong tà áo dài trắng, trong khi các ông thì không bận áo dài, sẽ không còn nữa. Học sinh nữ - là phụ nữ tương lai - sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho phân nửa nhân loại này trong đó có mấy mấy ông ở VN nếu họ tự do không lấy áo dài trắng làm đồng phục khi còn ở tuổi tự do tung tăng như cánh bướm mùa xuân. Áo dài sẽ đẹp nếu người mặc tự do muốn mà không bị bắt buộc phải “đồng phục “ ngay trong học đường.

(*) Nguyễn Bính.